Sau một thời gian dài thai nghén, tác giả trẻ Trương Thị Bách Mỵ, người con của miền đất thi ca Đại Lộc (Quảng Nam) xuất bản tác phẩm mới “đêm chảy dài trên tóc” (NXB Hội nhà văn 2017). Chị cũng là đại biểu chính thức tham dự hội nghị viết văn trẻ vừa diễn ra vào hai ngày 25 - 26 tháng 11, do hội nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, cố ngoại của chị là NSND Nguyễn Nho Túy, Bách Mỵ sớm tiếp xúc với nghệ thuật qua các bài ca, điệu hát. Dòng máu nghệ sĩ trong chị được hình thành và nhào nặn khi chị tốt nghiệp ngành diễn viên tuồng, sau đó về làm việc tại nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh. Thơ chị lần đầu tiên được biết đến qua chuyên mục “trang viết đầu tay của những cây bút nhỏ” của đài tiếng nói Việt Nam tuyển chọn và phát sóng.
Kể từ đó đến nay chị đã đi chặng đường dài với thơ, mặc dầu gặp không ít trắc trở truân chuyên trong cuộc sống, lập gia đình rồi từ giã nghề diễn viên, gánh nặng mưu sinh khiến thời gian dành cho thi ca cứ thu hẹp dần. Nhưng đến hôm hay nhận được tập thơ, tôi mới vỡ lẽ chị vẫn miệt mài với con chữ, với thi ca. Lật mở từng trang thơ, chị trải lòng mình trong những ngày chạy chợ tại Hòa Khánh: “Bạn biết không khi thành phố dồn tôi về núi/ mẹ biểu tôi ra chợ ngồi/ Sẽ vui!/ Mẹ trao tôi một cần câu cơm là cách tôi khép cửa nhà và yêu những con người ở chợ/ như người thân của mình” (Tôi ở chợ). Tôi nhiều lần đến cửa hàng của chị, không gian ngột ngạt giăng kín, cơn buồn ngủ của buổi trưa chợ vắng chực trào, lòng tôi như se thắt ngắm nhìn cây bàng trút lá, rồi trổ đọt nguyên sơ, nhu nhú những chồi non. Dòng đời nổi trôi, như mặt trời ngoài kia, chẳng bao giờ chịu dừng lại, miệt mài luân chuyển ngày đêm: Cách gì níu ghì xúc cảm/ Mặt trời ngoài ngõ đang trôi/ Em đứng. Con đường như sóng/ Ngày va đập những đam mê (Mặt trời ngoài ngõ đang trôi).
Những dòng thơ về mẹ của chị trong thơ chị tươi mới, ngọt lành và tràn đầy xúc cảm. Khi đọc thơ Bách Mỵ, nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên nhận xét: “Bao la trong thơ Bách Mỵ một tâm lượng hải hà: Hạnh làm mẹ (màtugàma) - một phẩm tính thiêng liêng cao quý của người phụ nữ trong triết lý Phật. Đây không hề là sự từng trải hay vốn sống như người ta thường nói, mà là tố chất bẩm sinh (...) Mà là tố chất bẩm sinh thì đấy muôn đời là niềm bí mật”. Viết về mẹ, trong cõi đời mênh mông có biết bao người viết, có biết thi sĩ chắt lọc vần thơ từ gan ruột, có biết bao nỗi niềm cuồn cuộn thực khó đếm xuể. Vậy mà, Bách Mỵ tạo nên hình hài khác từ những vần thơ chị viết về mẹ, bay qua cánh đồng chữ nghĩa để đến với dòng sông, nơi ấy ngõ nguồn Vu Gia soi thấu tâm can, nuôi dưỡng mầm sống được tạo thành từ mạch máu, trái tim, thân xác của mẹ. Thế nhưng, đứa trẻ nào rồi cũng sẽ lớn lên, đủ lông đủ cánh bay đến khoảng trời lạ xa, và trong “cái đêm bỏ làng theo sông” ấy, nước mắt tuôn trào như mưa, không thể gọi tên được nỗi nhớ cũng không biết nỗi nhớ bắt đầu từ đâu, chỉ xin dành trọn cuộc đời này cho mẹ, cho quê hương.
Đêm bỏ làng theo sông...
dúi đôi chân vào trong lòng quê
mẹ vỗ lưng “con cò ăn đêm”
mẹ xoa tóc “mười hai bến nước”
giọng hát mẹ đầy như trăng mùa thu
(Đường về nhà)
Trong những đêm cô đơn, người đàn bà mở mắt ngóng trông về cố xứ, nhìn sợi tóc rụng rơi. Sợi tóc như chứng nhân của tình yêu sắt son, của đức hi sinh lặng thầm, lặng lẽ chảy dài: “Một giọng hò cứa ngang vệt trăng soi/ À ơi... Ngó bên tê Hàn phố xá nghênh ngang/ mắc con mèo bấu dấu chân/ đêm chảy dài trên tóc” (Đêm chảy dài trên tóc). Nhà thơ Phan Hoàng từng nhận xét: “Như con suối rừng vừa oằn mình giữa những cơn lũ thương đau, cố vượt thoát đi tìm ánh sáng trong veo tươi mới từ cội nguồn sự sống, thơ Trương Thị Bách Mỵ dịu dàng trong những cảm xúc đầy trắc ẩn... Đôi khi chưa tiết chế được cảm xúc, ngôn ngữ thơ còn dàn trải, nhưng Trương Thị Bách Mỵ cho thấy một con đường thơ đáng chờ đợi sau những ngày gian nan “cõng ngày vượt suối” như câu thơ chị viết”. Chính cảm xúc dẫn dắt lối đi để cuộc sống thêm phần ý nghĩa, thêm những bất ngờ, sau chuỗi ngày nhàm chán, mệt mỏi, buồn bã. Hành trình sáng tạo trong thơ chị còn dài, nhưng hạnh phúc thì chưa bao giờ dừng lại, hoa luôn nảy nở giữa giông bão để đơm hương phơi sắc cho đời: “Và những đời sống khác/ Và những kinh nghiệm không cần trả giá!/ Em cám ơn thơ đi/ Hay cám ơn cuộc đời có mẹ/ Những yêu thương an trú trong lòng” (Cám ơn thơ). Trong buổi ra mắt tập thơ, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đến bên tôi, đưa ra nhận xét: “tập thơ này hay đó”, và tôi nghĩ độc giả sẽ có những cảm nhận cho riêng mình khi sở hữu tập thơ này...
PHAN NAM.
(*) Đọc tập thơ “đêm chảy dài trên tóc”, NXB Hội nhà văn 2017.