PHAN TUẤN ANH - phương uy VÀ NHỮNG IM LẶNG CỦA LỜI

03 Tháng Giêng 20189:18 SA(Xem: 5888)
PHAN TUẤN ANH - phương uy VÀ NHỮNG IM LẶNG CỦA LỜI
em vẽ mùa thu màu mực nước
nỗi đau lộng lẫy bàn tay
[Phương Uy]
  1. Nhà thơ như là kẻ khuyết tật

Nhà thơ thường là những kẻ khuyết tật về mặt tinh thần và thể xác, hoặc là những người bên lề của cuộc sống thường nhật. Chính cái vị trí phi trung tâm ấy đã giúp họ có một cái nhìn khác/mới về những điều mà chúng ta thường dễ dàng chấp nhận, hoặc vô tình lãng quên. Nhà thơ không thế. Khi nhà thơ viết trong tập thơ Bụi. Của giấc mơ (Nxb Văn học, 2017 – các trích dẫn thơ Phương Uy của tôi, nếu không có chú thích gì thêm thì đều từ nguồn này) rằng: “Hàng cây thì thào với gió lao xao – Rằng những giọt cà phê đang ngoại tình với sữa” [Đêm bạch tạng], thì chúng ta đột nhiên nhận thấy tính bấp bênh của những sự kiện thường nhật, bất an từ những điều bình thường, hoài nghi từ những điều quy luật.

Nhà thơ là những sinh thể nhạy cảm, dễ bị tổn thương hơn dưới ánh nắng, như những bệnh nhân bạch tạng: “vẽ chân dung một ngày vắng mặt - mông má vú vê tiền kiếp - tràn ngập màn hình ba bảy độ âm - trên đốm da ngày bạch tạng” [Bước ngày qua]; hoặc luôn ý thức về sứ mệnh tồn tại ngay cả khi họ nghĩ mình chỉ là những chiếc lá diệp lục: “chiều thầm thì hát khúc ca không trở lại - nắng biếng lười rớt trên tán cây đã khô - chút diệp lục tàn không níu được dư âm xưa” [Sau ô cửa tháng ba]; về thân phận và cái tôi đích thực ngay khi ngẫm suy về những con muỗi: “Bên kia, người đàn bà nu nần ngắm những cái mạng nhện đầy xác muỗi - khái niệm thời gian mới chớm đã bị triệt tiêu” [Bài tụng ca thứ hai cho hoàng hôn] (mọi nhấn mạnh từ đây về sau đều là của tôi – PTA). Nhưng cũng bởi vì là những kẻ lang thang trong tư tưởng, là kẻ chấp nhận vận mệnh tự hủy chính mình nhằm thể nghiệm cảm xúc, nên nhà thơ thường là kẻ lặng im trong cuộc sống bề mặt. Họ rút lui, tháo chạy và trú ngụ vào trong chữ nghĩa, như một cuộc hành hương thiêng liêng về lại với cội nguồn của bản mệnh tự do. Ở đấy, họ phát hiện ra một thế giới khác, cái tôi khác, tồn tại khác, và dĩ nhiên, ý nghĩa khác của hiện thực.

Thơ của Phương Uy, ngay từ đầu đã là một hành trình về cõi khác, một thế giới phi lý, bất an do chính cô kiến tạo nên trong chữ, nhưng đó có thể chính là bản thể thế giới bề mặt của chúng ta. Một thế giới mà “Nỗi buồn tự động chui vào chỗ nấp bên bức tường hấp hối - Thút thít những biệt âm không lời” [Biệt âm nỗi nhớ]. Phương Uy trong thơ giỏi làm cho chúng ta trở nên nghi hoặc và bất an vào tất cả những thứ vốn dĩ cũ mèm đến mốc meo và bị lên men bởi sự quen thuộc. Ví dụ như cách nhìn nhận thú vị chỉ riêng có trong nghệ thuật của thi ca: “Con sâu đo vẫn đo mải miết vòng phận số” [Ngày thơm đã trắng]; “Phiến môi trầm vẽ hình parapol bán nguyệt” [Biệt âm nỗi nhớ]; “liệu có thể xóa trắng bằng nút Backspace thời gian - khi giọt nước mắt dù có bốc hơi vẫn còn loang trên mặt bàn vết ố?” [Ngày không có chân trời]. “Cô” như dẫn dụ chúng ta vào một thế giới khác, nhưng đó là thế giới đích thực, để nhận thấy tất cả điều quen thuộc thực ra chỉ là những ảo ảnh. “Tôi ngồi và thèm được nhìn thấy bầy kiến bò đi một cách lộn xộn trên sàn - Sự thú vị khi nhìn những bông hoa mệt mỏi - Hơn là nhìn việc thủ dâm của những quân đầm rô và già cơ” [Buổi sáng trong căn phòng có những ý nghĩ màu trắng]…

Đọc thơ Phương Uy, bạn đọc sẽ phải chấp nhận với những cú sốc về mặt mỹ học, vì cô giỏi trong việc lắp ghép/sáng tạo ngôn từ từ những lĩnh vực khác vào thơ ca, ví dụ như “quỉ mị, thiên cư, mặt trời tẩm ướp phoọc môn, nụ môi nhiệt hạch”, nhưng quan trọng hơn, Phương Uy đã viết thơ với một quan niệm mỹ học khác, không còn đề cao cái đẹp, cái cao cả, cái hài hòa, hay cái buồn, cái tôi cá nhân như thơ tiền hiện đại và thơ hiện đại. Thơ của Phương Uy nhờ đứng trên một cảm quan mỹ học khác, có thể gọi là phản – mỹ học (truyền thống), nên nó là một đại diện điển hình của thơ hậu hiện đại Việt Nam. Cảm quan thẩm mỹ của thơ Phương Uy thật khác lạ, tôi gọi đó là “mỹ học của vết thương”, bởi các hình tượng thơ và tứ thơ dường như được lẫy động từ những căn bệnh, những trạng thái thương tổn thân thể. Chúng ta đọc thơ Phương Uy có thể thấy hàng loạt ví dụ điển hình như “đám lá ho hen, đám kí âm mưng mủ, đêm phù nề, cơn gió viêm xoang, động kinh của ngôn từ, di căn nỗi thắc mắc, đêm bạch tạng…”.

Mỹ học hậu hiện đại chối từ việc gò những sáng tạo nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng vào khuôn thước, điển phạm, nó chấp nhận mọi thể nghiệm và mọi quan điểm thẩm mỹ riêng của từng cá nhân. Hệt như vết thương đầy máu mủ, giòi bọ nhưng là một vết thương đẹp trong truyện ngắn Thầy thuốc nông thôn của F.Kafka. Đọc thơ Phương Uy, vẫn thấy có nhiều bài đẹp theo lối cũ, tức kiểu thơ tiền hiện đại: “Em sẽ không khóc nữa. Tình đã thành thiên thu. - Lối xưa không người đợi. Buồn như giữa sương mù. - Tình không là mây trắng. Chỉ tóc thời gian trôi. - Giữa một chiều bạc nắng. Tình theo gió lên trời.” [Những sợi buồn]. Nhưng, “cái khác” trong mỹ học thơ chị như đã nói, là mỹ học của bệnh tật, của vết thương và cái chết.

Xem xét lại tập thơ Bụi. Của giấc mơ, chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy sự xuất hiện thường trực của một loạt những cơn bệnh mang tính ám thị. Tôi đồ rằng, hiếm có tập thơ Việt đương đại nào có nhiều “bệnh tật” hơn Bụi. Của giấc mơ. “những ngón tay nuốt lạnh đang bò trốn vào bóng tối - cơn đêm bệnh tật giật mình” [Tụng ca cho hoàng hôn]. Một lối phân tích phân tâm học tác giả, để truy nguyên nỗi đau tinh thần từ cội nguồn nỗi đau thể xác, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn cơ chế sáng tạo của Phương Uy và thế giới thơ của cô. Cách làm này đã từng có tiền lệ, khi nhiều người đã nghiên cứu cội nguồn sáng tạo của thi giới Hàn Mặc Tử từ căn bệnh phong cùi bất hạnh của nhà văn. Trường hợp Bích Khê với căn bệnh lao phổi cũng thường được các nhà nghiên cứu quan tâm trong mối quan hệ với thi giới đặc biệt siêu thực, tượng trưng và dày đặc những biểu tượng lụi tàn, bệnh tật của ông. Một số người khác nghiên cứu trường hợp Franz Kafka từ căn bệnh lao thanh quản của ông, đặc biệt là đối với một số truyện có ám thị vết thương như Thầy thuốc nông thôn. Rõ ràng, sự xuất hiện thường trực của những căn bệnh không phải là ngẫu nhiên, mà nó xuất phát ít nhiều từ những trải nghiệm thân xác, hoặc ám thị tinh thần mà nhà thơ phải gánh chịu trong cuộc sống. Một số căn bệnh thường thấy trong thơ Phương Uy như:

- cơn viêm xoang như trúng số độc đắc hành hạ cái đầu bằng cơn đau mọc rễ trong âm u phỏng sinh cho một sự tự do mới” (2)

[Ẩn dụ tháng Tư]

- Tôi nhặt lại sự đắm say nhau đã rụng rơi sau những cánh rừng ho lao trong những giấc mơ dài

[Khuất dạng]

- váng vất cơn động kinh của ngôn từ

[Thị trấn của những hình thù tan vỡ] (2)

- Kể từ buổi sáng, hàng cây và những chiếc lá ung thư đã chuyển thành màu xám. [Viết trong góc tối] (2)

- ngày ngồi lại dưới đám lá ho hen

chết yểu những hình dung màu tàn thuốc

[Của ngày thứ sáu]

  • Những ý nghĩ đã mưng mủ vì tồn đọng quá lâu dưới lớp da sợ hãi

Nhúc nhích mọc mầm từ cơn ảo ảnh đa đoan.

[Vô thanh tháng mười] (2)

- Tôi già cỗi chiếc lá gầy bạch tạng

Giặt giũ mình trong cơn nắng nguyên trinh.

[Như gió liêu xiêu] (6)

- ngày vừa tử vong

trong chạng vạng.

[Ngày khuất mặt]…

Thiết nghĩ, lối nghiên cứu theo hướng phân tâm học tác giả sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về những khiếm khuyết, bệnh tật về mặt thể chất đã thôi thúc, qui định và ảnh hưởng đến hành vi sáng tạo cũng như thế giới nghệ thuật của nhà thơ. Rõ ràng, thơ ca như một phương thuốc chữa lành, hay chí ít, cũng là cách để giảm đau cho chính tác giả. Một khi không thể thoát vượt khỏi thân xác trần tục và bệnh tật, khiếm khuyết, người ta sẽ quay về và chìm đắm trong thế giới mộng tưởng của thơ nhằm giải phóng tinh thần. Thơ là phương thuốc giúp nhà thơ cắt nghĩa nỗi đau thể xác, nó thôi thúc thi nhân sáng tạo để có cơ may tồn tại trong một thế giới khác – đằng sau cái chết – đó chính là thế giới của chữ. Những căn bệnh trong thơ của Phương Uy xuất hiện nhiều, dày đặc, và điều đặc biệt là chúng liên tục tái xuất hiện trong những bài thơ khác nhau, tôi đã lập một thống kê sơ bộ cuối các dẫn chứng để chỉ sự lặp lại. Nhà thơ có thể là một người bệnh, nhưng đó là người bệnh có tư tưởng, họ không viết thơ như một tiếng kêu rên bởi đau đớn, mà chính là để cấp một ý nghĩa mỹ học mới cho những vết thương và căn bệnh. Chính vì thế, trong thơ Phương Uy, chúng ta thấy có những liên tưởng lạ, hay, độc đáo liên quan đến bệnh tật như: “nỗi buồn đóng vảy hom hem - cơn co rút chảy tràn mộ chí” [Thập tự đông]; “đêm phù nề giấu mặt vào sâu trong cỏ nhàu - đừng vội gọi về sự tàn phai” [Cuối cùng cơn mưa cũng lặng lẽ đi qua]... Phương Uy giỏi trong việc tạo lập những trường liên tưởng độc đáo, đặt cạnh nhau những sự vật/việc với các trạng thái bệnh lý, tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ tân kỳ, ám ảnh. Đóng vảy thông thường liên quan đến các bệnh da liễu, còn phù nề là một trạng thái chấn thương, nhiễm trùng của các mô cơ, chúng vốn là những trạng thái bệnh lý đáng ghê sợ, nhưng khi nhà thơ nói “nỗi buồn đóng vảy” hoặc “đêm phù nề” thì sự vật lại trở nên khác hẳn.

Chính vì thế, có thể xem thơ Phương Uy là thơ trạng thái, mà rõ hơn, là trạng thái tổn thương và lâm bệnh. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những vết tích chữ ám thị tác giả về trạng thái này, với sự xuất hiện mật độ dày đặc những căn bệnh trong thơ cô như ho lao, ung thư, viêm xoang, bạch tạng, ghẻ lở, động kinh… những từ chỉ thuốc như kháng sinh (Giữa buổi sáng mang mùi thuốc kháng sinh), truyền dẫn dịch… cũng như những từ chỉ quá trình, trạng thái hủy diệt như hấp hối, mai táng, phân hủy, hư hoại, hoại tử, phù nề, chảy máu… Tất cả những căn bệnh này, hoặc là có tính nan y (ung thư), hoặc là có tính mãn tính (viêm xoang) không thể chữa lành. Chúng là những nỗi đau thể xác dai dẳng, dữ dội và không thể nào khắc phục. Sống ở trên đời, chấp nhận là kiếp người có ai không tránh khỏi cái quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Nhà thơ cũng không nằm ngoài quy luật ấy, nhưng họ là sinh thể mong manh và có ý thức thường trực hơn về tồn tại, về cái chết và nỗi đau. Thế nên, thi nhân nhạy cảm hơn với bệnh tật trong thơ ca.

Châu tuần lại các bài thơ trong tập thơ đầu tay của Phương Uy, chúng ta đã có thể thấy một cái tôi trữ tình già dặn, đầy chiêm nghiệm và luôn trăn trở phát hiện những điều mới lạ với những thông điệp thẩm mỹ khác so với kinh nghiệm đọc của đa phần bạn đọc. Thơ cô, ngay từ đầu, dường như đã vượt thoát khỏi những bài học vỡ lòng về sáng tạo hoặc sự ngây thơ, hồn nhiên của tuổi trẻ. Nó là thứ thơ chiêm/trải nghiệm. “khi người đàn bà nhìn vào gương - và thủ dâm với những ý tưởng xinh đẹp” [Bài tụng ca thứ hai cho hoàng hôn], đó là thứ thơ luôn thôi thúc, vẫy gọi người đọc tiếp tục suy ngẫm vào hiện tồn. Phương Uy nỗ lực cách tân thi giới của mình theo những trào lưu mới, như thơ văn xuôi, đưa các kí tự, thuật ngữ mạng vào trong thơ, như một cách nhằm khẳng định phong cách thế hệ f viết trên mười đầu ngón tay, đó là hơi thở hậu hiện đại trong thơ chị. “tiếng bàn phím đổ rạt rào những thanh âm mưa -tôi ngồi viết những status từ [Nơi có nhiều nỗi buồn] - khoảnh khắc những âm vang từ hoang địa - đ-ừ-n-g đ-ể m-ì-n-h n-h-i-ễ-m l-ạ-n-h” [Độc thoại]. “Ngày trôi mòn vẹt - âm điệu cũ - đường link cũ - kí tự nhập sai - không tin nhắn phản hồi” [Bước ngày qua]. “Tôi đã viết câu thơ màu xanh lên cái theme vàng - Rồi lặng lẽ nghe trong lòng trào một trận nước mắt đau nhoi nhói” [Vô thanh tháng mười]… Tuy nhiên, điểm đáng quý trong thơ Phương Uy là cô không bị những trào lưu tân kỳ cuốn đi, biến thơ ca trở thành trò chơi “vô tăm tích” của chữ nghĩa, là cuộc duyệt binh của từ ngữ hay thuật ngữ mới mẻ. Phương Uy “chiết trung” hơn trong mỹ học, ở thơ cô, ta vẫn có thể thấy được sự trăn trở về tồn tại, những trạng huống cung bậc cảm xúc, và nỗi đau hiển hiện của thi nhân. “Tôi đã nhớ nhiều đến những người điên – Họ đã dám nói điều mà tôi không dám nói - Những ý nghĩ đã mưng mủ vì tồn đọng quá lâu dưới lớp da sợ hãi - Nhúc nhích mọc mầm từ cơn ảo ảnh đa đoan” [Vô thanh tháng mười]...

Thơ Phương Uy, xét từ phương diện chủ đề, có thể xem là thơ của mùa và màu. Có ba loại màu sắc ám ảnh cô, màu bạch tạng, màu máu đỏ của máu và màu xanh diệp lục của lá cây. Nhưng loại màu này như các biểu tượng ám dụ trong thơ Phương Uy, xuất hiện liên tục trong những bài thơ với các ý nghĩa khác nhau, nó vừa xuất phát từ ý thức sáng tạo của nhà thơ, nhưng cũng có thể nằm sâu trong ám thị vô thức của tác giả. Điểm dễ nhận ra nhất trong cảm thức màu của Phương Uy đó là tất cả đều đang tan rã, rửa mục và hoại tử. Xanh thì xanh xao, trắng thì trắng bạch tạng, còn đỏ thì mang màu đỏ ối của máu. Những màu không cố định, đứng yên, mà luôn trong trạng thái vận động đi đến sự hủy hoại, các trạng thái dễ nhận ra nhất là tàn, phai và nhạt. “Tôi già cỗi chiếc lá gầy bạch tạng - Giặt giũ mình trong cơn nắng nguyên trinh” [Như gió liêu xiêu].

Thơ Phương Uy cũng có thể xem là thơ của tháng, thơ của thời gian và thơ của mùa. Chủ đề thời gian dường như xuyên suốt, ám ảnh trong thơ Phương Uy. Mỗi tháng với cô dường như là một cột mốc ám ảnh, có thể bởi tháng năm là hữu hạn, cũng có thể thi nhân vốn là sinh thể nhạy cảm với thời gian. Mỗi tháng trong thơ Phương Uy như một đối tượng trữ tình, một không gian của vọng tưởng và xúc cảm, thế nên, ta dường như tìm thấy trong thơ Phương Uy gần đủ cả 12 tháng, mà mỗi tháng thường được cắt nghĩa, chiêm nghiệm thật lạ/khác so với thơ tiền hiện đại. Tháng Sáu chết khô trên cây - Từng luồng bóng đêm trôi chập choạng - Con dơi quang phổ bảy màu - Đậu trên phức âm dương cầm nhàu nát” [Bặt âm bóng đêm]. “Tháng bảy mai táng mình cho một sự cứu chuộc oan khiên - có ai nói với em sự vô phương quỷ mị” [Cuối cùng cơn mưa cũng lặng lẽ đi qua]. “tháng Mười vừa tự tận - rơi....” [Đêm cuối tháng mười]. “gió tháng Hai không mang hương vị tình nhân cũ - buốt màu hoa vi ô lét trốn trong đêm - lời cầu kinh của cỏ hoa sắp dần mục rữa - niệm khúc của cơn mưa” [Niệm khúc giêng hai]. “Tôi muốn ru em giữa một chiều tháng Ba ngập nắng - cơn gió không biết mỏi mệt giật tung những cuống lá trên cây - cà phê chiều lẳng lặng - choáng nốt hương gầy” [Nốt hương cuối mùa]. Thứ mùa, tháng, thời gian trong thơ Phương Uy dường như là thứ thời gian triết học bên trong, một cảm quan đậm tính hiện sinh Hiện tượng luận. Thi nhân luôn là sinh thể nhạy cảm với thời gian, vì họ hiểu một cách sâu sắc hơn bất kỳ ai khác khoảng thời gian hữu hạn của mình, về sự phi lý của tồn tại cũng như sự bẽ bàng, lụi tàn của nhan sắc, tình cảm qua thời gian. Nhà thơ luôn là những người sống hiện sinh, nên họ không tin vào thời gian tuần hoàn, thời gian vũ trụ miên viễn, trường sinh. Càng ý thức sâu sắc về tồn tại hữu hạn, nhà thơ lại càng khắc khoải giữa thời gian. Chính vì thế, nói như Trương Đăng Dung, bản chất của nỗi cô đơn của thi nhân chính là “cô đơn trong thời gian”.

  1. Diễn ngôn đồng tính hay là cội nguồn thi ca Phương Uy

Mặc dù cảm thức bệnh tật là cảm hứng/động lực bề mặt dễ dàng nhận ra nhất trong thơ Phương Uy, bởi chúng xuất hiện tường minh, lặp lại và được nhà thơ nhấn mạnh trong nhiều bài khác nhau, tuy nhiên theo tôi đó lại chưa phải là cội nguồn sâu xa nhất quy định hành vi sáng tạo của tác giả. Xem xét lại tâm lý học bề sâu tác giả, cũng như được gợi ý từ bài viết từng xôn xao văn đàn Việt Nam một thời của Đỗ Lai Thúy với tựa đề Đáp lời con quái Xphinc và cội nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu, tôi nhận thấy thơ Phương Uy dường như được lẫy động và thôi thúc do một mặc cảm/xu hướng giới tính đồng tính luyến ái. Quay trở lại với bài viết của nhà phê bình thời danh Đỗ Lai Thúy, trong hồi ký của mình, ông kể lại rằng bởi tạp chí Văn hóa nghệ An đăng bài viết (sau này tạp chí Sông Hương đăng lại), mà nhà phê bình phân tâm học suýt bị Cù Huy Hà Vũ (con trai Huy Cận) kiện ra tòa. Do Đỗ Lai Thúy đã dám xem toàn bộ thi giới của Xuân Diệu – ông hoàng thơ tình Việt Nam, cũng như những “em”, những mối tình nồng cháy, những lời yêu thương ngọt ngào đắm say trong thơ Xuân Diệu đều là đồng tính luyến ái. Cú đánh chí mạng này vào tượng đài thơ tình số 1 Việt Nam thời hiện đại như một vụ đốt đền đầy hệ lụy, vì Đỗ Lai Thúy đã dám “giải thiêng” một thần/biểu tượng không chỉ trong Thơ Mới, mà còn cả thơ ca Cách mạng. Đỗ Lai Thúy có viết đầy cá tính trong hồi ký của mình rằng: “Tôi có nhắn với anh (Cù Huy Hà Vũ – PTA) hãy kiện Tô Hoài trước đã”1. Một nhà thơ khác phản đối Đỗ Lai Thúy trong nhận định Xuân Diệu đồng tính, còn nhà phê bình thì chỉ nhã nhặn trả lời: “Có thể với anh ấy thì Xuân Diệu không có tình yêu đồng giới, vì anh ấy quá xấu trai mà”2. Trong tiểu luận Đáp lời con quái Xphinc và cội nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu, Đỗ Lai Thúy từng nhận định: “Thế là, bài thơ tình ai cũng tưởng là nam nữ bây giờ thành nam nam; và người em nuôi của Xuân Diệu hóa ra người bạn trai của nhà thơ. Nhưng Hoàng Cát, có lẽ, chỉ là một trong nhiều vì sao nhỏ bị hút vào ngôi sao lớn Xuân Diệu. Còn một hành tinh khác, cùng tầm cỡ, cặp với Xuân Diệu là nhà thơ Huy Cận, bạn và em vợ thi nhân. Họ trở thành một ngôi sao đôi, vừa tự quay quanh mình vừa quay xung quanh nhau, cứ thế đi suốt quỹ đạo đời mình”3.

Đọc thơ Phương Uy, điều làm tôi kỳ lạ nhất đó là hiện tượng “nam tính hóa nữ tính”, tức một dạng đồng tính nữ (lesbian). Việc phân tích cảm thức đồng tính của tôi ở đây đơn thuần dựa trên cách làm việc của phân tâm học văn bản, chứ không dựa vào phân tâm học tác giả như cách làm của Đỗ Lai Thúy đối với trường hợp Xuân Diệu. Lúc này, chúng ta cần nhớ lại quan điểm “vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ” của nhà phân tâm học cấu trúc Jacques Lancan và lấy văn bản làm tiêu chí quan trọng nhất. Đúng với nhận định “chữ bầu lên nhà thơ” của Lê Đạt. Phương Uy như chúng ta đều biết, là một nữ thi sĩ, nhưng nếu bỏ qua những thông tin về tác giả, nhiều bài thơ khi đọc đều thấy ẩn bên trong đó là một cái tôi nam tính rõ nét, có khi bị đè nén, khuất lấp, nhưng cũng có khi phát lộ một cách công khai ra ngoài. Điều rất lạ ở Phương Uy là ở cô, sự lưỡng giới, hoặc đồng tính trong cái tôi trữ tình đã tạo ra một hình tượng tác giả đa nhân cách, hoặc đa giới tính. Trong cô dường như có hai con người, thậm chí, xét từ tọa độ chữ, cái tôi nam giới thường áp chế và bộc lộ rõ ràng hơn cái tôi nữ giới. Phải chăng đó chính là cội nguồn nỗi đau và sự tang thương của thế giới mà Phương Uy đang sống và nghiệm trải? Cái tôi đích thực bề sâu buộc Phương Uy phải im lặng, chỉ có thể cất lên trong thơ và tự bộc lộ mình trong sự im lặng của lời. Bằng chứng đầu tiên khi chúng ta đọc thơ Phương Uy, là cái tôi trữ tình trong nhiều bài thơ thường xưng “anh”, hoặc là “tôi” (trong mối quan hệ với “em”), chứ không xưng “em” như giới tính (công khai) của Phương Uy ngoài đời.

Thống kê lại toàn bộ tập thơ, tôi thấy có 18 bài cái tôi trữ tình xưng “tôi”, 23 bài xưng “anh”. Nhưng ở đây, cái “tôi” lại trong mối quan hệ với “em”, nên nó cũng mang bản chất như “anh”, vậy là, ta có đến 41 bài thơ xưng “anh”. Có 16 bài phiếm chỉ, không rõ nhân xưng, trong đó có hai bài xưng “gã”, và đối tượng trữ tình cũng là “em”. Chỉ có hầu như hai bài cái tôi trữ tình xưng “em” là bài Những sợi buồnSau ô cửa tháng Ba. Trong đó, cũng chỉ có bài Những sợi buồn là thể hiện “em” một cách nữ tính hoàn chỉnh. Trong lịch sử thi ca, không hiếm trường hợp nữ thi sĩ xưng “anh” nhằm hóa thân vào cái tôi nam tính, cũng không hiếm trường hợp ngược lại, nam thi sĩ xưng “em” nhằm hóa thân thành cái tôi nữ tính. Tuy nhiên, số lượng đại từ nhân xưng nam tính áp đảo, chiếm đến gần như toàn bộ cả tập thơ như trong tập thơ đầu tay của Phương Uy là điều đáng ngạc nhiên và đáng suy ngẫm. Chẳng phải Đỗ Lai Thúy cũng từng nhận ra đối tượng và đại từ nhân xưng trong thơ Xuân Diệu khắc hẳn các nhà Thơ Mới khác. Nếu Đinh Hùng là gái muôn đời, Hàn Mặc Tử là gái quê, Nguyễn Bính là gái xuân thì ông hoàng thơ tình lại chọn tình trai. Nếu Xuân Diệu luôn tự nhận mình là thiểu số, với khát khao cháy bỏng muốn nói ra giới tính thật của mình trong tình yêu: “Anh phải nói và phải nói”, thì trong thơ Phương Uy cũng mang cảm giác tương tự. “ta đã cùng nhau chồng lên khuôn diện mình bao tầng mặt nạ -chưa đủ để cách xa? - mặt trời và mặt trăng còn gặp nhau trong ngày nhật thực - sao em sớm muốn nhạt nhoà?” [Theo gió mà bay], nhà thơ luôn có cảm giác mình phải sống dưới một lốt (giới tính) khác so với giới tính bản nguyên bên trong, nên anh/chị thường khát khao được bày tỏ, được lột đi lớp da mặt nạ. Do vậy, mặt nạ và những cái bóng là hệ thống hình tượng xuất hiện một cách thường trực trong thơ Phương Uy. Thơ ca với cô chính là nỗ lực xé kén mặt nạ, và bóng âm của giới tính nhằm hiện hữu trong thực tại với giới tính bản nguyên của chính mình. “Ngày hôm qua đã di căn nỗi thắc mắc của anh về cái bóng mình, đó là cái bóng của anh hay anh chỉ là cái bóng?” [Viết trong góc tối]. Không phải ngẫu nhiên, mà trước đây, nhà thơ định chọn tựa đề cho tập thơ của mình là Nơi miền im lặng, trong thơ Phương Uy cũng nhiều bài nói về sự im lặng (Nơi miền im lặng, Bên kia thinh lặng…), đó chính là khát khao được cất lời, được bày tỏ giới tính. Chính cái thế lưỡng cực, đứng từ giới này nhằm nhìn giới kia, sự xung khắc giữa cái nữ tính sinh học và cái nam tính bản thể, đã làm thơ Phương Uy trở nên khát khao, nhiều ẩn dụ, biểu tượng vô thức, luôn không ngừng quẫy đạp phản kháng nhưng cũng đầy bi quan, tuyệt vọng. Sự lấp lửng hai mặt về phương diện giới tính này đã tạo ra một trường sáng tạo thẩm mỹ khác lạ, độc đáo, ám ảnh trong thơ Phương Uy.

Nhưng vấn đề nam tính hóa nữ tính không đơn thuần chỉ diễn ra và hiển lộ thông qua đại từ nhân xưng của cái tôi trữ tình trong thơ, mà còn biểu hiện kín đáo, có thể trong vô thức sáng tạo, thông qua những hình tượng và xúc cảm trong các thi phẩm. Đọc thơ Phương Uy, dẫu bỏ hết đi những “anh”, “tôi”, hoặc xóa đi hết đại từ nhân xưng, ta vẫn thấy hiện lên một nam tính rõ nét:

- mảnh thời gian màu tàn thuốc

cuồng dại xóa trắng ngày

[Cho ngày nỗi nhớ không trở lại]

- những ngón tay thèm được chạm vào vòm cây mùa sinh nở

[Viết trong góc tối]

- Nghe giác quan khoái cảm trương phình trong sự nhung nhớ miên man

[Mất ngủ]

- đi tìm trái tim Đan - Kô để được ủi an, dịu xoa trong ấm ngời ngọn lửa [Lãng quên]

- Sáng nay - chiếc lưỡi dụ mị - liếm láp - bông hoa gầy gò

[Tụng ca]

- lột nỗi buồn ra khỏi lớp da ngày - thời gian trong trần truồng có vui giả tạo?

[Ngày không có chân trời]

Tất cả những ví dụ dày đặc ẩn dụ nam tính trên, chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy trong mọi bài thơ của Phương Uy trong Bụi. Của giấc mơ. Chúng biểu đạt cho một chủ thể nam tính từ trong hành vi sinh hoạt (hút thuốc), cho đến cái tôi bên trong (trái tim Đan – Kô), mà đặc biệt là trong hành vi ái ân (khoái cảm trương phình – cương cứng, lột lớp da – bao cao su, lưỡi liếm láp bông hoa gầy gò – hôn bạn tình nữ)… Ngay cả những bài không có nhân xưng thật cụ thể của cái tôi trữ tình, nếu thật tinh ý, ta vẫn thấy thấp thoáng cái tôi nam tính: “Đừng để mưa tràn qua ngày cũ - nơi đứa con trai ngày xưa tựa cửa gục đầu - khói thuốc xoay vòng lẩn lút đêm sâu...” [Hồn nhiên]. Hoặc hình như cái tôi trữ tình đang cố chối bỏ cái thân phận “giới nữ” bề ngoài của Phương Uy: “một loạt những vết thương nhỏ đang thành hình - trong tôi - đừng - chảy - máu - nữa!” [Bên kia thinh lặng].

Bên kia thinh lặng có thể xem là bài thơ tiêu điểm, mang chủ đề của toàn tập thơ, và Phương Uy thực sự muốn nói điều gì đằng sau sự lặng im của cô? “Này em, đừng mị ma mang chiếc áo màu hạnh phúc - Em cứ suốt đời đi tìm một tận cùng không thật - Để anh mải miết hẹn hò với cơn đau khổ bản nguyên” [Ngày thơm đã trắng]. Tại sao lại không muốn chảy máu nữa, tại sao màu máu lại ám ảnh Phương Uy đến như vậy trong thơ? Nếu xem “chảy máu” như một biểu tượng của nữ tính, của khả năng sinh nở và trưởng thành tính dục, thì ta có thể nhận ra sự kháng cự, muốn chối bỏ hiện tượng thiên tính nữ ấy của Phương Uy. Thật vậy, Phương Uy luôn nỗ lực chạy trốn quá trình ấy: “tôi đã chạy hụt hơi trong giấc mơ màu huyết dụ” [Nốt hương cuối mùa]. Thơ Phương Uy, dẫu đã cố ngụy trang dưới những hình thức tinh vi, tân kỳ, ta vẫn thấy một sự ẩn ức tính dục thường trực, hình ảnh những con bài thủ dâm, hay người đàn bà thủ dâm trước gương thực sự làm tôi chú ý.

Tôi đặc biệt chú ý đến hình tượng máu, chảy máu trong thơ Phương Uy – xem đó như một loại mã “đồng tính luận” hiển lộ nhất, mang chuyển những vô thức bề sâu của tác giả. Máu đối với giới tính có hai ý nghĩa, với nữ giới, nó báo hiệu cho chu kỳ sinh sản, nó là một biểu tượng của nữ tính, cho dù là biểu tượng thường bị cấm kỵ hay kỳ thị trong một số nền văn minh. Máu cũng còn là biểu trưng cho trinh tiết, sự hiến dâng của phái nữ, nó là một dấu ấn tính dục của người phụ nữ tất yếu phải trải qua để bước vào thế giới của những người trưởng thành tính dục. Thơ Phương Uy bằng nhiều cách khác nhau, dẫu đã ngụy trang tinh vi dưới hệ thống hình tượng thiên nhiên, đồ vật, siêu thực, nhưng chúng ta vẫn dễ dàng tìm thấy hai cảm thức này trong hệ thống hình tượng liên quan đến máu. Do là một kẻ mang xu hướng đồng tính nữ, nên với Phương Uy, máu là một ám ảnh, nó là một nỗi đau nhắc nhở thi nhân rào cản thân xác đã mâu thuẫn với xu hướng giới tính bên trong. Phương Uy luôn muốn chối bỏ sự chảy máu – thứ dấu hiệu nhắc nhở “cô” vẫn trong hình hài giới nữ. Chính vì vậy, mọi hình tượng gắn với máu trong thơ Uy thường mang trạng thái khổ đau, hủy diệt. Ta có thể dẫn ra hàng loạt ví dụ như sau:

  • trong tôi

.

đừng

chảy

máu

nữa!

mệt rồi, tôi!

[Bên kia thinh lặng]

  • tôi thấy bóng H cúi đầu giữa màu đỏ diệp lục

mê sảng một tháng Tư không hề sám hối.

[Vượt qua tháng tư]

  • giãy tung thềm đêm bạch tạng

nụ hoa lặng lẽ chảy máu

[Ngày mùa thu và khúc vô ngôn]

  • trăng khô loang máu

có còn giọt sót trinh nguyên?

[Biến khúc giấc mơ]

  • Anh đánh mất thiên đường từ thuở niềm đau mới thai sinh (…)

những mầm cây chảy máu xanh biêng biếc cả góc vườn

Từng ảo ảnh lướt qua các thân cây

[Thất lạc]

  • tôi hóa thân thành ánh nhìn trống rỗng

nghe lời ca vỡ máu ngân nga

[Hóa thân]

  • Mùa tách vỏ lặng thầm

chảy máu dài trên gió đêm

[Đêm cuối tháng mười]

  • Khi cảm xúc đã chật

phố héo lánh một cơn buồn

nắng chảy máu giữa chiều

[Di ngôn mùa thu]

  • trăng vấy máu chiều lục diệp

sáng bừng một khoảng rêu rong

[Trên đỉnh hoang vu]

Với hàng loạt hệ thống hình tượng máu nói trên, ta có thể dễ dàng nhận ra nó là một hệ thống hình tượng có tính ám ảnh chấn thương trong vô thức sáng tạo của nhà thơ, giống như trường hợp của Hàn Mặc Tử và Bích Khê. Tuy nhiên, với Phương Uy, hình tượng máu không gắn với những căn nguyên bệnh lý, mà xuất phát từ một sự lưỡng phân và giằng co về mặt giới tính. Đó là một cuộc truy tầm bản sắc giới tính của thi nhân thông qua ngả chữ nghĩa. Thơ ca do đó, là một lối về của đời sống tính dục và giới tính bản nguyên. Phương Uy là một nhà thơ không mới, bởi cô xuất hiện trên các báo và trang web văn chương cũng đã lâu và cũng đã có đủ sự chú ý cần thiết đối với một tài năng. Tuy nhiên, thông qua tập thơ đầu tay này, bạn đọc đã có thể biết đến một Phương Uy khác, một Phương Uy đa/toàn diện hơn, một nhà thơ luôn nỗ lực cách tân và sống đến kiệt cùng nhựa sống bởi/trong thơ.

Phan Tuấn Anh

1, 2 Hồ Thế Hà và… (Chủ biên), Phân tâm học với văn học, Nxb Đại học Huế, Huế, tr.18.

3 http://vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/dap-loi-con-quai-sphinx-hay-coi-nguon-sang-tao-tho-xuan-dieu

Ý kiến bạn đọc
10 Tháng Giêng 20187:57 SA
Khách
một bài viết rất tỉ mỉ và có tâm. Cảm ơn Fan tuấn anh về bài viết này
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Ba 20243:03 CH(Xem: 101)
Cung Tích Biền mới tổ chức sinh nhật thứ 88. Mừng anh tuổi cao nhưng còn khỏe.
09 Tháng Ba 20249:20 SA(Xem: 141)
Chúng tôi nâng cốc rượu nhớ về người đã khuất nhưng cứ ngỡ người họa sĩ thân thương vẫn quanh đây
23 Tháng Hai 202411:31 SA(Xem: 275)
Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, một nhà văn như Ngô Thế Vinh vẫn có thể mang đến cảm giác hy vọng và cảm hứng.
16 Tháng Hai 20243:58 CH(Xem: 261)
Tôi ấn tượng mãi về sự im lặng khó hiểu ấy, cả hai ông ngồi bên nhau hàng giờ đồng hồ mà chỉ lặng im và nước mắt nhòe ướt trên đôi mắt của họ...
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 622)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
27 Tháng Giêng 20244:29 CH(Xem: 354)
Nhân vật tôi của “Dòng sông không ra biển” là cô gái giàu trải nghiệm từ học vấn, đời sống đến chuyên môn nghề nghiệp.
21 Tháng Giêng 20248:53 SA(Xem: 290)
Đứng hay ngồi trước tác phẩm của Giang, bạn chỉ cần thở vào một hơi và để tâm hồn lắng xuống,
29 Tháng Mười Hai 202311:23 SA(Xem: 474)
Đã lâu lắm rồi, lâu đến nỗi tôi không nhớ lần cuối cùng mình đã ngồi đọc liền mạch hết một cuốn sách là khi nào.
21 Tháng Mười Hai 20234:56 CH(Xem: 355)
Phong cách viết của Phạm Thanh Chương rất mới, đầy tính sáng tạo dù anh viết những đề tài không mới.
07 Tháng Mười Hai 20231:22 CH(Xem: 393)
Vĩnh Quyền đã lục lọi, xáo trộn, lắp ghép kí ức để từ quá khứ trình hiện cái đa chiều của thời hiện đại: “Trong vô tận song song gặp nhau?”
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8342)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19109)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16790)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15988)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24313)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31734)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,