Tôi gặp nàng trên con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo qua những chân đồi miền Yên Kỳ Phú Thọ. Dáng nàng thon thon ẩn hiện giữa hai lồ chè nặng mà ngay từ đàng xa tôi đã hình dung nàng là đẹp. Thầm nghĩ: người đàn bà đẹp đầu tiên ở cái dáng dấp. Tuy chưa nhìn rõ mặt, nhưng lúc nàng tới gần tôi cảm thấy xúc động mạnh.
Bởi vì người con gái ấy mang một sắc đẹp tây phương gần như thuần túy, cái nhan sắc bỗng dưng lạc loài giữa khung cảnh núi đồi man rợ.
Quay sang Văn, người bạn đường của tôi lúc bấy giờ đang dựa vào gốc cây lim dim:
- Này Văn, cậu thử nhìn xem cô gánh chè.
Văn mở mắt chăm chú:
- Mà cô ta lai cậu ạ.
Ánh nắng đổ xiên trên mặt đường, lên mặt nàng hồng đỏ, những giọt mồ hôi lấp lánh trên làn da, thấm đẫm lưng áo nâu kệch. Hai bàn chân thoăn thoắt bước qua chỗ chúng tôi. Nàng đưa mắt nhìn nhanh. Tròng mắt nâu khẽ chớp, nàng cúi đầu chuyển vai gánh.
Không ai bảo ai, chúng tôi cùng xốc ba-lô lên vai và cùng cất bước.
Chỉ tay ra phía xa, Văn lên tiếng:
- Có lẽ mình sắp tới nơi rồi đấy. Theo thư của anh tôi thì cái nhà mình định tìm chỉ qua dốc này là thấy.
Tôi không trả lời, lơ đãng nhìn theo bóng của nàng, nhìn theo bím tóc nâu nhịp đều trên vai áo. Văn ghé vào mặt tôi cười lớn:
- Lại si rồi hở, mới ở thành ra mà vừa thấy bóng hồng đã vội ngẩn ngơ cả người.
Tôi cũng cười:
- Ờ thì có thể lắm chứ.
Cả một chương tiểu thuyết kỳ thú hiển hiện trong tôi. Cô gái kia ắt hẳn là kết quả của một cô thôn nữ Việt Nam nào ngày xưa đã lọt vào mắt xanh của một điền chủ ngoại quốc.
Tôi bỗng tiếc cho nàng, tiếc cho cái kiếp sống ấy đáng lý không phải ở đây, giữa những trùng điệp của núi, của rừng.
*
Chúng tôi tìm đến nhà bác Quyển ngay đầu thôn Yên Kỳ không khó khăn gì. Từng căn nhà cách nhau một khoảnh vườn nho nhỏ.
Bác Quyển bảo chúng tôi:
- Được, các chú tạm đây ít bữa trong khi chờ đợi. Nhà tôi đi công tác thỉnh thoảng mới về, có cô cháu thì buôn bán hàng họ luôn luôn. Nhà cũng neo người, chỉ có hai đứa nhỏ. Nếu hai chú muốn giúp được tôi việc gì thì giúp. Kể ra thì cũng chẳng có gì là nặng. Công việc chính miền này quanh quẩn chỉ có ruộng và chè, hái chè, nhặt chè, làm chè, gánh chè.
Bác cười nhe hai hàm răng cải mả, nháy mắt:
- Phải tập lao động với nhân dân kia mà. Thỉnh thoảng cũng có các cô xóm trên xuống giúp công cho tôi nữa đấy.
Tôi nhìn lại. Hai đứa con bác trạc 8, 9 tuổi, đương vây lấy chúng tôi.
- Kìa chúng mày không chào các chú đi.
Văn bảo tôi:
- Mai tôi cần lên Tuyên Quang để gặp anh tôi trước, thu xếp. Cậu tạm ở đây, có gì mình nhắn tin về sau.
- Đồng ý, nhưng chừng độ bao lâu?
- Lâu lắm là nửa tháng.
Bác Quyển chêm vào:
- Các chú không lo, ở đâu cũng là làm ăn cả mà. Để rồi tôi bảo dần cho, biết khối thứ lạ.
Bác cười hề hề. Đó là một người đàn bà đứng tuổi, vui tính và cũng dễ chịu.
Chiều hôm sau, lúc sẩm tối, chúng tôi đương ngồi nhặt chè bồm thì nàng đến. Tay bế một đứa trẻ nhỏ. Trong giây phút rất nhanh, mắt nàng ướt lên một cách lạ lùng. Xúc cảm thứ hai đến với tôi khi thấy nàng là người thôn này. Bác Quyển kêu lên:
- Kìa cô Mai bế cháu vào đây nói chuyện với chúng tôi một lát, có chú Thanh là người quen của cậu cháu trong Hà Nội ra, ở tạm đây ít bữa.
Bác nhìn sang tôi như phân trần:
- Cô Mai vẫn sang đây chơi luôn. Nhà cô ấy ở xóm giữa.
Và ghé vào tai tôi:
- Cô ta ngoan lắm chú ạ.
Thấy tôi nhìn trân trối, Mai có vẻ ngượng ngập nhưng cũng cúi chào.
Bấy giờ nàng đứng ngay ngưỡng cửa. Hình dáng thon nhỏ ấy in trên nền trời xám, gió ngoài vườn thổi vào phơ phất mùi hoa lý quyện lẫn cái thơm nồng của mùi chè mới sấy. Lúc ấy Mai đẹp lạ. Một vẻ đẹp não nùng.
Tôi nhìn nàng. Trước mắt tôi là hình ảnh một người yêu. Tôi nhận thấy rằng tôi yêu Mai từ giây phút đó mặc dầu tôi chưa biết gì về nàng. Mai nghĩ sao tôi không rõ, nàng nhìn xuống đứa nhỏ.
Nó là con Mai? Tôi đã ghen với gã đàn ông chưa gặp đó. Thẳng bé trông củ mỉ cù mì bên sườn nàng. Bác Quyển giơ tay:
- Ngoan ngoan để bác bế một chút nào.
Mai trao cho bác thằng nhỏ. Trông nó hao hao giống nàng ở cái miệng. Chỉ mặc một cái áo chấm hoa đã cũ và để truồng như các đứa trẻ khác.
- Bình ra bác bế này.
Lần đầu tiên tôi nghe tiếng Mai. Giọng nói thật ấm. Tôi nhìn lại cặp mắt ướt. Mai vội quay đi.
- Bác có nhặt bồm thì để em giúp cho một lát.
Và không đợi trả lời nàng ngồi xệp xuống đất bắt đầu nhặt. Hai bàn tay đưa đẩy rất nhanh.
Tôi nhìn nàng làm việc. Thực ra tôi không thấy gì cả. Trong cái tranh tối tranh sáng của chiều xuống, tôi có cảm giác quen thuộc như đã gặp Mai từ bao giờ.
Tôi cố nhớ, cố nhớ.
Ờ chính ra Mai đâu đáng sống một cuộc đời như vậy. Nhẽ ra Mai phải ở Hà Nội, tôi tưởng tượng nàng mặc một cái xiêm đỏ, áo trắng và đi ở phố Tràng Tiền mới phải chứ. Tôi chớp mắt nhìn lại nữa. Hình ảnh Mai của tôi bị nhòa đi. Chỉ còn bộ điệu một cô gái quê trước mặt. Một cô gái quê, một bộ mặt tây phương.
Tôi trông Mai như một con chim lạ lạc vào một xứ lạ.
Không biết có lâu lắm tôi ngồi đấy, vì chẳng ai nói một câu nào hay tôi không nghe thấy nữa thì chẳng biết. Tối xuống. Bác Quyển đốt đèn. Mai lại bế lấy đứa bé. Nàng nói sẽ:
- Em về bác nhé.
Tiếng bác Quyển đáp:
- Cô chờ chúng tôi đi họp xóm với chứ. Bữa chiều có thấy kẻng giục mà.
Một giọng đàn bà ở ngoài đon đả:
- Chị Quyển còn nhà đấy chứ? Em mới về đây.
- Vịnh đấy hở? Sao đã về sớm thế, tôi tưởng cô còn chết rấp ở Phú Thọ cơ.
Tôi ngẩng đầu trông người mới vào. Một cô gái vai còn đôi quang không mắc đòn gánh líu ríu như con chích choè. Thấy tôi là người lạ, nàng bụm miệng.
Hai đứa trẻ cười rúc lên khiến bác Quyển phải mắng chúng mới thôi. Thêm một lần giới thiệu, tôi biết Vịnh là em chồng sự chủ.
- Chị Mai sang chơi đấy à? Xơi cơm chưa?
Tiếng Vịnh hỏi rờn rã. Mai gật đầu.
- Tôi đang định cho cháu đi họp xóm với bác Quyển.
Tôi nhìn lại hai người. Hai nhan sắc, ngọn lửa đỏ bập bùng của ngọn đèn dầu lạc.
*
Bác Quyển kể cho tôi nghe về Mai. Người mẹ của Mai trước kia là người làng này, trong một vụ kiện tụng gì đó ở tỉnh, có rơi vào tay viên công sứ Phú Thọ. Sau y về nước mà không biết đã để lại một đứa con - Mai lớn lên giữa những mái tranh, giữa những bụi tre làng, cùng với các đứa trẻ khác - và nàng lấy chồng. Trước kia chồng nàng làm thợ chữa đồng hồ, nay mắc phải bệnh lao phổi đã đến thời kỳ nặng chỉ còn nằm ở nhà. Thuốc thang thời ít. Hôm đến Mai, tôi bước vào một trống trải hoang vắng. Lúc ấy Mai đang ngồi sàng gạo ở giữa nhà.
Trên tấm phản gỗ, con mèo tam thể đương thè lưỡi liếm lông. Trong lòng chiếc võng khẽ đu đưa đứa bé yên nằm ngủ thiếp trong tiếng thở khò khè của người chồng Mai vọng tự gian buồng bên cạnh. Thấy chúng tôi vào, Mai đi rót nước. Tôi trông những cánh chè chìm lắng trong chiếc bát đàn không còn hơi nóng.
- Mời anh xơi nước.
Người chồng như một cái bóng từ gian bên bước sang. Chúng tôi chào nhau. Tấm thân gầy guộc của anh như bơi trong chiếc áo "va-rơi" đã bạc màu. Giọng anh xa vắng, khó khăn:
- Anh sang chơi.
Thật nhạt nhẽo. Thật buồn. Tôi không thấy ghen tức gì mà chỉ còn chua chát cho duyên số Mai.
Nhìn trên vành bát nước thấy Mai lặng lẽ ngồi về chỗ cũ sàng gạo. Nàng nuốt nước bọt khẽ thở dài. Tôi cười thầm: Giá Mai nghĩ về tôi thì hay biết mấy.
Qua mấy câu chuyện thăm hỏi, đến chuyện làm ăn, bác Quyển như sực nhớ:
- Chết chửa. Tí quên. Tôi cũng phải về xay nốt cối gạo kẻo chốc nữa lại không có cơm ăn. À mà chiều nay tôi còn một sào chè hái ở đồi Ba Đông đó, cô Mai có thể giúp một tay không?
Mai ngừng mấy giây suy nghĩ:
- Được bác để em xem đã.
Tôi chêm vào:
- Tôi cũng giúp một tay nữa chứ.
Khỏi phải nói. Mà làm thì đến tối mịt đấy nhé.
Người chồng Mai lên tiếng:
- Các bác lo gì, tối nay có trăng mà.
Tôi nhìn anh, nhìn Mai. Một cảm giác ngào nghẹn từ ngực tới màng tai.
*
Những dòng ghi chép không ngày tháng.
Còn giữ mãi hình ảnh Mai những ngày mà tôi còn nhớ đến. Tôi giữ nguyên hình ảnh của buổi đầu gặp gỡ. Rồi cái đêm gặp Mai ở trên đồi chè. Trăng mười ba sáng mờ. Không hiểu sự tình cờ nào đã đưa chúng mình gặp nhau, hay chỉ là một sự thật, một sự đòi hỏi cần thiết giữa chúng ta xui nên.
Trong tròng mắt Mai tôi phiêu du đến những thành phố xa vời. Không phải là Hà Nội, không phải là Hải Phòng. Tôi nhớ màu đại dương, tôi nhớ những quán rượu hải cảng, đến những hè đường chân trời. Và Mai không phải chỉ là hình ảnh bình dị trước tôi.
Không Mai không thể là Mai. Tôi nghe run rẩy trên thớ ngực Mai cái tầm thường của hiện tại. Sương xuống lơi lơi như đêm nào tuyết rụng. Gần Mai tôi có cái sướng khoái của cảm giác, cái cảm giác điên mê của kẻ trong hầm ngục được thoát ra ngoài ánh sáng.
Ô bàn tay của Mai, bàn tay đương nằm ở lòng tay tôi, như một con chim nhỏ.
Tóc Mai trên ngực tôi bồng lên cùng cánh gió. Ngoài kia một bể sao như những giọt thủy tinh vỡ. Tôi nghe tiếng đêm dìu dặt, cái im vắng khả nghi của Việt Bắc trong cái lẻ loi của từng tiếng côn trùng họp lại, của hòn đá, của ngọn cỏ, của chóp đồi, của vầng trăng chọc ghẹo chúng ta.
Mai bứt một ngọn lá, tôi dứt hẳn một cành chè. Ném xuống chân tôi đá theo một tảng đất lớn.
Tôi muốn thoát khỏi cái khung cảnh thường ngày. Ít ra, tôi muốn mang Mai đi, dù ở cõi mộng, đến một chân trời nào khác lạ, không phải thế này. Không thể, không thể.
Tôi vẫn không thể chịu được Mai trong lốt một cô gái gánh chè, bộ quần áo nâu sồng, với bàn chân đất.
Có phải Mai chưa biết màu đô thị? Tôi nhớ tôi đã ôm lấy Mai, đã hỏi Mai, đã kể cho Mai nghe một chút thị thành. Và Mai lấy làm lạ lùng, lấy làm bỡ ngỡ trước những hình ảnh Mai chưa hề gặp. Tôi càng thương Mai khi thấy Mai đã bằng lòng cái kiếp sống bình thường ấy.
Mai bằng lòng với cái nếp sống mà định mệnh đã trao cho Mai - Nghĩ thêm ra tôi thấy cũng phải, sao mình lại mơ ước những chuyện viền vông cho thêm khổ vào người?
Tôi ngồi với hiện tại và Mai. Cần nói gì với nhau khi giác quan đều nói cả? Nửa khuya đêm ấy, chúng tôi còn ở vườn chè. Đột nhiên Mai bảo: Em phải về. Câu nói ngắn ngủi buông thõng trong không gian. Tôi nghĩ đến chồng Mai, đến con Mai. Tự dưng tôi đứng dậy. Sao Mai lại có thể bỏ chồng bỏ con để đi vào giữa giờ này. Như đoán ra ý nghĩ của tôi Mai nói: Em nói với nhà em là đi giã gạo đổi công.
- Mai, về ngay đi.
Tôi buông tay, đứng sững nhìn Mai đi như chạy xuống chân đồi. Hình ảnh người đi trốn tội lỗi.
Tội lỗi, tội lỗi dày đặc nức nở. Bước trên cỏ rậm, tôi lẩm bẩm một mình: tầm thường. Mày chỉ là một sự tầm thường đáng ghét.
*
Tôi ghét tôi vô cùng. Mỗi ngày trôi đi ở Việt Bắc khiến tôi có cảm giác như biến dần thành loài cây cỏ. Lúc nào rảnh rỗi tôi chỉ còn nghĩ đến Mai, nghĩ đến một cách ích kỷ. Và sự tưởng tượng của tôi trở nên tầm thường, rất tầm thường. Sự tầm thường không cao quá mái bếp. Tôi càng biết vậy, tôi càng ghét tôi. Những cuộc gặp gỡ vụng trộm giữa tôi với Mai bắt buộc thưa dần vì có thể đã có những con mắt để ý tới. Nhất là Vịnh. Đứa con gái mới nhớn dậy này bắt đầu sống với những chương tiểu thuyết lãng mạn. Thì Vịnh đã là người của những chuyến đò đêm, tôi còn lạ gì. Mỗi lần nhìn tôi, mắt Vịnh ánh lên những tia đĩ lạ. Một bữa Vịnh kiếm cớ để dẫn tôi đi chặt nứa về dựng bếp. Vào tận rừng nứa hoang. Vịnh chỉ chờ tôi vẫy tay là sẵn sàng chiều theo mọi ý tôi muốn. Nghe Vịnh cười ròn rã mà đĩ thỏa biết mấy. Tôi không ghét Vịnh, nhưng có điều kỳ lạ là tôi không hề thèm muốn Vịnh như Mai. Tôi vẫn nghĩ đến Mai, tôi nhớ đến khoảnh đồi chè, một vườn trăng.
Cả ngày hôm ấy Vịnh giận tôi lắm. Tôi phải ra bộ không biết và cười cợt để dàn hòa.
Tối hôm sau Vịnh lại rủ tôi đi tát nước. Toan chối từ, nhưng Vịnh bảo nàng sắp đi dân công nên tôi đành chiều nàng.
Những tiếng dội ùm ùm của từng gầu nước vọng trong cái tĩnh mịch của cánh đồng. Những hình đồi, hình núi xếp chung quanh chúng tôi. Nước tung tóe đầy là trăng. Những tia nhỏ bắn vào chân tôi lạnh hoắt.
Vịnh khen tôi mới tập tát nước mà đã khá lắm. Sự thật thì tôi suýt ngã xuống ruộng mấy lần. Và mới dăm chục gầu nước đã thở hồng hộc. Nhưng sau đều tay thi quen dần, vừa tát vừa nhìn Vịnh.
Hình ảnh Mai dường như quên trong tôi. Bóng dáng Vịnh càng bay múa trước mắt. Đến nửa đêm thì tôi trông Vịnh đã thành Mai mất rồi. Lúc thu xếp gầu nước ra về, tới một gốc cây thi Vịnh trượt chân ngã vào tôi. Tôi đỡ lấy Vịnh. Hai cặp mắt nhìn nhau một lúc. Từ từ Vịnh khép mắt lại. Dưới con trăng bềnh bệch tôi trông rõ từng tấm mụn trên mặt Vịnh. Tôi trông rõ đôi môi Vịnh mấp máy. Sợi tóc xõa xuống mặt rung rinh. Tôi ngửi thấy mùi hơi thở Vịnh, mùi da thịt Vịnh. Lần ấy tôi không chối từ.
Buổi sáng hôm sau, bác Quyển bảo tôi rằng Vịnh đã đi từ sớm. Tôi như bớt một gánh nặng.
Tôi vẫn yêu Mai, mỗi lần gặp Mai lòng tôi rung động không ít. Tôi chắc Mai cũng ở tình trạng ấy. Tôi chỉ còn sống như một cái bóng trong xóm Yên Kỳ nọ. Tôi đợi tin của Văn ngong ngóng. Tôi muốn một sự thay đổi nào đó, dù tầm thường.
Tôi thấy nghẹn thở trong cái không khí hiện tại này. Tôi tìm quên bằng những công việc lao động nặng nề. Tôi đi gánh chè thuê như một người chuyên nghiệp, như Mai. Những đoạn đường đi về dằng dặc tưởng như không bao giờ hết. Mặt trời như càng thêm chói chang. Người tôi có lúc như ráo quắt lại, có lúc muốn bốc làm hơi khói. Thế mà trong lúc ngơi nghỉ tôi vẫn thấy coi thường những lúc làm việc tướp táp. Ở hoàn cảnh vậy tôi phải tự bằng lòng, phải cố bằng lòng chứ còn biết sao. Những người nông dân mà tôi gặp không hề có cảm tình thắm thiết với tôi. Với giai cấp tiểu tư sản của con người nội thành. Họ hài lòng thấy tôi khổ sở hơn họ ở công việc hàng ngày.
Rất nhiều khi tôi cười một mình.
*
Tin Vịnh chết như sét nổ. Bác Quyển lu loa khóc suốt nửa ngày. Vịnh tử nạn sau khi phục vụ Điện biên phủ, trên dọc đường trở về. Tôi nghe anh Bảy thuật lại lúc Vịnh chết:
- Lúc về đến gần Yên Báy thì một đàn mấy chiếc tàu bay ào đến. Chúng tôi nhảy bừa vào hai bên vệ đường. Đạn nổ sát sàn sạt bên tai tôi. Pầm pầm pầm pầm.
Mắt Bảy long lên. Hai nắm tay co lại theo kiểu sử dụng liên thanh đảo một vòng.
- Cứ tưởng chết hết cả, thế mà lúc kiểm điểm lại mất có năm người. Thế còn là ít đấy chứ. Tôi mất mẹ nó cái xe thồ hàng. Cô Vịnh nhà này bị đạn bắn nát mặt, mất nửa sọ nằm co cúm trong đám cỏ. Sau trận tàn sát đó, chúng tôi mai táng mấy người ở bãi đất gần đấy. Chẳng quan tài gì cả. Tội nghiệp cô Vịnh, cách đấy mấy phút cô ấy còn cười, hát hò lơ vang đường.
Tôi nghĩ tới đôi mắt đĩ thỏa của Vịnh bị khoét nát bởi hòn đồng. Vịnh không hề ngờ sẽ phải chết một cách thảm khốc như vậy. Chắc chắn. Thật mau chóng, thật bất ngờ, đến nỗi rằng nghe kể lại tôi tưởng như chuyện đùa. Tôi còn nhớ nguyên Vịnh cũng như Mai. Tất cả sự sống của Vịnh còn gần gũi với tôi như vừa mới rồi.
- Mẹ cha cái thằng được bắn thật sướng. Ngồi trên tàu bay nó làm cỏ mình thi ngon như mắm còn gì.
Tiếng Bảy văng vẳng bên tai.
Cả đêm tôi mơ thấy Vịnh dắt những đứa con gái đã chết rồi đến ngủ với tôi.
*
Rồi hiệp định Giơ Neo ký kết như một giải thoát lớn. Tôi nhận được tin Văn nhắn lên Tuyên Quang. Nhưng có ý định sẵn, tôi sẽ xin giấy về Sơn Tây. Tôi biết khi trở về Hà Nội tôi sẽ vào Nam. Vụt nghĩ đến Mai, giá Mai có thể theo tôi, lánh xa cuộc sống ngột nghạt này, bỏ rơi người chồng bệnh hoạn ấy để vào với ánh sáng, với tự do.
Sao lại không thể được? Tôi cần tìm gặp Mai.
Buổi chiều tôi đón Mai ở đầu dốc Yên Kỳ. Thấy tôi băn khoăn đứng đó, Mai đoán có chuyện quan trọng. Nhìn trước sau không thấy ai, nàng đặt quang gánh xuống đất.
- Gì đấy anh?
- Mai có còn bằng lòng cuộc sống mãi thế này không?
Mai mở to mắt ngạc nhiên. Tôi nói nhanh:
- Nếu Mai muốn tôi có thể mang Mai đi xa, thật xa, Mai nghĩ sao?
Nàng chợt hiểu:
- Thế còn chồng em, còn thẳng Bình, dù sao còn người làng nước. Em chưa ở thành thị bao giờ. Sợ rằng ở đấy em chẳng biết làm gì thì chết còn như ở đây thì em quen rồi. Anh xem chỉ có ngần này công việc.
Mạch máu tôi chạy rần rần hai thái dương. Tôi biết đó cũng chưa hẳn là cái cớ xác đáng cho Mai chối từ. Ở nàng còn sợi dây liên lạc với đất với quê hương. Tôi không thể chỉ nhìn khuôn mặt Mai mà xét đoán hơn. Là một cô gái quê Mai chỉ biết đến đồng ruộng, dòng máu viễn phương của Mai không còn tác dụng nữa. Hoàn cảnh tạo nàng như thế rồi. Vĩnh viễn.
Trong một giây, tôi không còn ảo tưởng. Phi lý tất cả, hành động, ý nghĩ của tôi. Mai nhìn quanh:
- Em phải về.
Và cúi xuống xếp lại quang gánh.
Gò má nàng hồng đỏ mịn màng. Bờ mi cong như những cánh lúa nườm nượp tháng mười. Nóng ran người, tôi nhớ lại buổi hôm nào gần Mai.
- Tối nay anh chờ Mai ở đồi.
Mai đợi câu nói ấy. Rất nhanh Mai ngẩng dậy, má nàng hồng thêm, ngực phập phồng dưới làn áo. Mai đi như chạy trốn. Như đã hơn một lần.
*
Trước khi vào Nam tôi viết cho Mai lá thư.
"Mai,
Biết sẽ phải không còn hẹn ngày gặp, tôi viết thư này.
Giờ đây đất nước phân đôi mà giữa chúng ta mỗi người mang một tâm trạng khác nhau. Tôi không thấy hối hận gì khi thấy Mai không còn là của tôi. Tình chúng ta chỉ còn trong kỷ niệm nó chỉ còn đẹp trong quá khứ. Như bao giờ tôi vẫn yêu Mai."
Tôi ngừng bút lâu lắm để suy nghĩ. Có thật tôi còn yêu Mai? Câu hỏi đặt ra tôi thấy khó trả lời quá. Viết cho Mai để làm gì khi bây giờ Mai đã ở ngoài giới tuyến của lòng tôi? Hà tất phải gây lại những kỷ niệm đã chìm sâu.
Lá thư viết nửa chừng, tôi xé bỏ. Nhìn những mảnh giấy vụn lả tả trên mặt đất, liên tưởng tới những mảnh thủy tinh rải rác trên vòm trời một đêm quá vãng.
Hình ảnh dâng lên. Tôi còn thấy hiển hiện bóng dáng người đàn bà ấy đang cong lưng gánh những chuỗi ngày khổ hạnh.
DUY-THANH
Sáng Tạo số 3 tháng 12/1956