Nhà báo , điều hành tạp chí Bách Khoa tại Sài Gòn trước 1975, đã qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 9 vừa qua, thọ 83 tuổi.
Ít người biết đến tên Lê Ngộ Châu vì ông không viết sách, viết báo, chỉ âm thần phụ trách tòa soạn tạp chí Bách Khoa trong non hai mươi năm. Nhưng đa số những người làm văn học tại Miền Nam trước đây đều biết và quý mến, thậm chí chịu ơn ông dẫn dắt. Muốn hiểu tình cảm sâu đậm đó, phải biết Bách Khoa không những là tạp chí có đời sống lâu dài nhất (1957-1975), mà còn có những đóng góp lớn lao cho đời sống văn hóa Miền Nam thời đó.
Nhà văn Võ Phiến là người hợp tác chặt chẽ với Bách Khoa suốt thời gian này, đã nhận định chính xác:
Bảo tờ Bách Khoa thành công là không phải chỉ nghĩ đến cái tuổi thọ của nó mà thôi. Tuổi thọ dắt theo một số ưu điểm khác. Người ta nhận thầy Bách Khoa qui tụ được đông đảo cây bút thuộc nhiều thế hệ kế tiếp nhau; nó phản ảnh các chuyển biến của văn học qua nhiều giai đoạn; nó lưu lại một khối lượng bài vở lớn lao và giá trị, một kho tài liệu cho việc tìm hiểu cuộc sống của Miền Nam trên nhiều phương diện : kinh tế, văn hóa, chính trị v.v… Trên Bách Khoa không phải chỉ có thơ văn, mà có cả những khảo luận về văn học, sử học, ngữ học, triết học, tôn giáo, hội họa, âm nhạc… ; như thế không những trên Bách Khoa có những tìm tòi về nguồn gốc dân tộc, về các vấn đề của văn học cổ điển nước nhà chẳng hạn, mà còn liên tiếp có những giới thiệu các trào lưu tư tưởng Âu Tây mới nhất lúc bấy giờ: tiểu-thuyết-mới, hiện tượng học, cơ cấu luận v.v….
Cũng như tờ Văn, Bách Khoa là một tạp chí dung hòa rộng rãi mọi khuynh hướng.
Không có chủ trương «văn nghệ cách mạng» cũng không chủ trương «vượt thời gian», nó đăng bài của các lão thi sĩ tiền bối Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, lẫn truyện của Thanh Tâm Tuyền, Trùng Dương… Về mặt chính trị, sức dung hòa của nó khiến có lần Nguyên Sa nói đùa: Bách Khoa là một vùng xôi đậu. Nó đón nhận cả Nguyễn văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Hạnh, lẫn Võ Phiến, Vũ Bảo…» (Văn học Miền Nam, Tổng Quan, 2000, tr. 239).
Nguyên Sa dùng chữ «xôi đậu» không nhất thiết là nói đùa. Ở một nơi khác, ông có viết «Bách Khoa với đời sống lâu dài không bị xếp vào hàng ngũ báo nhà nước» (Bách Khoa, số kỷ niệm 14 năm, 15-1-1971). Lời này bổ sung cho lời kia, và nói lên một sự thật kỳ l : Bách Khoa, nguyên ủy là của hội Văn Hóa Bình Dân, một hội đoàn trực thuộc văn phòng chính trị của Ngô Đình Nhu, do Huỳnh văn Lang chủ trì; hội này cai quản những trường Bách Khoa Bình Dân, do đó có tên báo Bách Khoa, còn gọi là Bách Khoa Bình Dân.
Huỳnh văn Lang là bí thư Liên Kỳ Nam Bắc Việt Nam của đảng Cần Lao mà Ngô Đình Nhu làm tổng bí thư. Năm đầu, 1957, ông Lang điều khiển tờ báo, viết bài về kinh tế khi Phạm ngọc Thảo viết về quân sự, chính trị; 1958 ông Lang đi tu nghiệp ở Mỹ, giao Bách Khoa cho Lê Ngộ Châu điều hành; năm 1963 ông Lang bị bắt vì tội kinh tài cho chế độ Diệm, thì Lê Ngộ Châu tiếp tục nhiệm vụ, anh em thường gọi là Lê Châu. Nhưng báo vẫn đứng tên Huỳnh văn Lang cho đến tháng 2-1965, báo phải đổi tư cách pháp nhân, lấy tên Bách Khoa Thời Đại, do Lê Ngộ Châu đứng tên chủ nhiệm, và đến tháng 1-1970, lấy lại tên Bách Khoa.
Với gốc gác như vậy mà Bách Khoa được xem như là báo «xôi đậu», không bị xếp vào hàng ngũ «báo nhà nước» như Nguyên Sa ghi lại, và đóng góp lớn lao với đời sống văn hóa như Võ Phiến nhận định, là nhờ công lèo lái của Lê Châu.
Nguyên Sa trong bài báo đã dẫn, đã mô tả một buổi họp tòa soạn, tại Ngân Hàng Quốc Gia, khoảng 1957: «bàn cãi về tờ Bách Khoa đã diễn ra sôi nổi. Lê Châu mặt trắng ngồi lặng lẽ, ít nói, hiền hòa. Thỉnh thoảng anh cất lời, toàn những lời nhẹ nhàng, vừa phải, nghiêm túc, không gây sóng gió nào ». Đúng là hình ảnh Lê Châu. Về mặt ứng xử hằng ngày, thì Vũ Hạnh có lần tập Kiều : «ở ăn thì nết cũng hay, ra điều ràng buộc thì tay cũng già». Đúng là Lê Châu.
Nhờ đức tính kín đáo, hòa nhã, Lê Châu đã tập hợp không những trên mặt báo nhiều khuôn mặt khác biệt, thậm chí trái ngược về hoàn cảnh, tính tình lẫn chính kiến, mà còn quy nạp được nhiều bè bạn đến từ những chân trời khác nhau, trong đời sống cụ thể hằng ngày.
Khi được tin Lê Châu mất, tôi có điện thư cho nhà văn Trần Hoài Thư, anh trả lời là đã được Lữ Quỳnh điện thoại thông báo: cả hai cùng lò Bách Khoa. Anh kể: mình là quân nhân, từ Cao Nguyên về Sài Gòn, hẹn với người yêu, vốn là độc giả hâm mộ, từ Lục Tỉnh lên, tại tòa soạn Bách Khoa, 160 Phan đình Phùng. Sau đó hai người thành vợ thành chồng. Trụ sở Bách Khoa là nơi hẹn và là hộp thư; chuyện Trần Hoài Thư, lúc ấy dường như còn ký Trần Qúy Sách, là chuyện tình chính đáng, còn những quan hệ linh tinh, bay bướm của các nhà văn, nam và nữ, thì hằng hà sa số. Nhưng Lê Châu không bao giờ kể.
Bây giờ thì anh vĩnh viễn im lặng.
Với nhiều bạn bè, dù là thân thuộc, Lê Châu vẫn là niềm bí ẩn lớn lao giữa cơn gió bụi của thời đại.
Đặng Tiến
Orleans, 27/9/2006
(FB Trần Dzạ Lữ)