Dương Nghiễm Mậu vừa qua đời ngày 2 tháng 8/2016 đây thôi, nhưng hơn 41 năm trước tôi đã nghe thuật lại lời DNM: “Dương Nghiễm Mậu đã chết.”
Năm 1975 trong trại tù cải tạo Trảng Lớn (Tây Ninh) tôi có gặp nhà văn Thế Uyên. Thế Uyên kể: Vài ngày sau 30 tháng 4, ông gặp Dương Nghiễm Mậu trên đường, Mậu có nói với ông: “Dương Nghiễm Mậu đã chết.” Chuyện đã lâu ngày nên tôi không nhớ rõ câu Thế Uyên nhắc lại là “DNM đã chết” hay là “Nhà văn DNM đã chết.”
Và như thế từ đó bút hiệu Dương Nghiễm Mậu không còn xuất hiện trên văn đàn ở trong nước nữa. Sau này người ta chỉ in lại một số tác phẩm cũ của DNM mà thôi (ở hải ngoại cũng vậy. Mãi tới năm 2009 nhà xuất bản Văn Mới có in cuốn Lênh Đênh Qua Cửa Thần Phù viết sau 1975).
Bút hiệu Dương Nghiễm Mậu là ghép tên thật (Phí Ích Nghiễm) với tên làng quê nội và quê ngoại (Dương Liễu, Mậu Hoàng), có lẽ thế.
Tôi học cùng lớp với Phí Ích Nghiễm và cả Ngô Mạnh Thu ở trường trung học Chu Văn An Hà Nội (1951-1954). Nghiễm thân với Thu, hồi đi học hai người còn cùng một văn đoàn, hình như là “Văn đoàn Xuân Thanh” thì phải, thời “thanh xuân” hai vị ấy đều có làm thơ, và lúc đó bút hiệu của Nghiễm là Hương Việt Hương. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ có năm là giáo sư Pháp văn của chúng tôi, tôi thì dốt Pháp văn nhưng nghe thầy kể chuyện cổ tích rất say sưa. Sau này khi đã có tên tuổi, một lần trong trò chuyện Nghiễm nói… “anh Doãn Quốc Sỹ…” rồi chắc thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, Nghiễm nói, “Trước mình gọi là thầy nhưng sau ông nói thôi cứ gọi là anh.” Cuối năm 2014 tôi về Việt Nam có tới gặp Nghiễm, Nghiễm nói thầy Doãn Quốc Sỹ về cũng có tới gặp. Trong câu chuyện có nói tới Ngô Thế Vinh tận tình lo cho Nghiễm đi chữa trị ở nhà thương, và nhắc tới Phan Nhiên Hạo tới thăm. Từ trước tôi đã quý thái độ Phan Nhiên Hạo khi ông phê phán vụ Vũ Hạnh đấu tố sách của Dương Nghiễm Mậu tái bản ở trong nước.
Về việc in lại sách ở trong nước, Dương Nghiễm Mậu nói: “Họ nói sẽ cắt một số câu, mình bảo: ‘Cắt thì cắt, nhưng đừng có thêm vào.’” (Cười ha hả).
Khi sách của DNM tái bản ở trong nước, tôi có nhờ người tìm mua nhưng không mua được (nghe nói sách bị tịch thu). Biết tin ấy, Nghiễm nhờ con đi lùng mấy nơi mới mua đủ và gửi cho tôi, lại kèm theo cả cuốn Cũng Đành bản tặng cho tôi từ 1963 mà không hiểu sao không đưa cho tôi ngay năm ấy.
Về tựa sách “Cũng Đành,” DNM cho biết: “Mình nhớ lầm câu thơ của Nguyễn Du ‘Cũng liều nhắm mắt đưa chân…’ thành ‘Cũng liều nhắm mắt…’”
Vào khoảng 1978-79 tôi toan tính vượt biên, và đã bị lừa, không đi được. Có hôm tôi nói với Nghiễm ý định vượt biên của tôi, Nghiễm nói: “Đừng đi, đi hết rồi chẳng còn ai.” Nghiễm nói thế khiến tôi nhớ tới thái độ của nhà văn Nga Boris Pasternak đã chấp nhận ở lại đất nước dưới chế độ Cộng Sản Liên Xô, không đi nhận giải Nobel… Nhưng tôi không được “ngon lành” như Pasternak, như Dương Nghiễm Mậu…
Chúng tôi có người bạn học từ Chu Văn An Hà Nội, sau 1975 anh có vào thăm chúng tôi, thường là đến nhà Nghiễm. Ngày đầu tiên anh vào, buổi chiều tới nhà Nghiễm thì buổi tối công an ập đến bắt DNM (lúc đó tôi đang ở trong tù). Cũng may là bọn họ không làm khó cho anh bạn. Sau này khi chúng tôi cùng về rồi, mỗi khi vào Nam anh vẫn tới thăm. Có lần tôi tới vào lúc hai người đang ăn cơm, nhìn vào chỗ ăn của hai vị thì thấy trước mặt mỗi người là một ụ thóc. Dạo đó mọi người đang phải ăn bo bo và gạo trộn thóc. Chị Trang, vợ Nghiễm, lo kiếm sống, khiến Nghiễm phải nấu cơm, và chàng không nhặt thóc, lúc ăn mỗi người phải tự nhặt lấy! Có lần ăn ở nhà tôi, anh bạn học nói: “Nếu các cậu đến ăn ở nhà mình thì bát đũa mỗi người sẽ khác nhau, không thành bộ như thế này đâu.” Thấy tôi cứ bán dần đồ đạc đi để sống, anh nói: “Đừng bán, sẽ không sắm lại được đâu…” Có lần ghé vào tai chúng tôi anh nói nhỏ: “Hai cậu ai đi được thì đi đi.” Nhưng DNM đã không đi.
Cuối những năm 1950, bọn bạn học cũ Chu văn An chúng tôi họp mặt Tân Niên hay Tất Niên, thường sau khi ăn có vài ba người rủ nhau đi lang thang trên đường phố Sài Gòn, đôi khi đi suốt đêm. Giờ nhớ lại thấy thời ấy thanh bình thật, không có cướp giật du đãng gì cả. Bây giờ cũng không thể nhớ thời ấy tâm sự gì mà kéo dài cả đêm! (Cùng bạn chuyện trò một đêm hơn đọc sách mười năm – Dữ quân nhất dạ thoại, thắng độc thập niên thư-chăng?). Ngô Mạnh Thu kể có tối Thu và Nghiễm đi lang thang trên đường phố thay nhau đọc những câu tục ngữ ca dao gần hết đêm!
Nhớ một lần ngồi ở bờ sông, ngó hãng tàu Ba Sao, Nghiễm nói tới cái mộng giang hồ… Nghiễm rất thích văn Nguyễn Tuân (tôi cũng thế), hồi còn thư sinh Nghiễm đã cho tôi đọc đoạn văn “Gió đã lên” của Nguyễn Tuân. Thật là tuyệt! Ấy nhưng một lần – sau 1975 – DNM nói với tôi: “Ông Nguyễn Tuân vào đây có ý muốn gặp mình nhưng mình từ chối.” Rồi DNM thêm: “Bọn họ đều sống hai mặt!” Tuy thế sau này một lần nhắc tới việc Hội Nhà Văn Việt Nam phục hồi cho các hội viên bị khai trừ từ vụ Nhân Văn Giai Phẩm, DNM chỉ nói: Ông Trần Dần nhận trở lại hội, ông nói: “văn chương nó là cái nghiệp dĩ.”
Nghiễm cũng thích Sử Ký Tư Mã Thiên, bản dịch của Nhượng Tống. Lúc đó người ta chưa in lại, tôi muốn đọc phải tới nhà Nghiễm đọc tại chỗ bản in trên giấy dó. (Cái vụ đọc tại chỗ này chắc Nghiễm theo kiểu của ông thầy Thạch Trung Giả ở Nha Trang. Sở dĩ như vậy vì hồi ấy các đấng văn thi sĩ mầm non có cái tật là mượn sách rồi giữ luôn không bao giờ trả!). Nghiễm nói: “Họ dùng chữ kỹ lắm, như viết con trâu ăn cỏ là không được, phải viết con trâu gặm cỏ.” Ông Nguyễn Tuân thấy những chuyến tàu vào Hòn Gai lấy than, mà nghe phu tàu nói tàu ăn than, tìm được chữ “ăn than” là ổng khoái lắm!
Chắc DNM cũng cảm thấy mình bị chính quyền để ý theo dõi, nên vài lần tôi tới thì thấy Nghiễm cởi trần, đánh cái quần xà lỏn ngồi ngoài cửa (có khi sang cửa hàng xóm cười nói rổn rảng), rồi có khi chúng tôi ngồi chuyện trò ở ngoài vỉa hè luôn.
Nhớ có một buổi tối ngồi ngoài hè, tôi mới nghe có-người-nói-rằng nhà văn Nhã Ca là ăng-ten cho chính quyền, tới để nói cho Nghiễm biết. Tôi nói:
“Mình nghe có người nói Nhã Ca là ăng-ten. Nhưng mình nghĩ đây là đòn ly gián của bọn họ mà thôi.” Phước đức cho tôi là đã nói thêm câu “đòn ly gián” vì Nghiễm nghiêm mặt nói: “Cậu nghĩ như thế là phải. Có thằng nó biết tôi thân với bà Nhã Ca mà nó nói với tôi bà ấy làm ăng-ten!” Mãi về sau tôi mới nghe khi ông Mai Thảo trốn tránh chính quyền Cộng Sản thì chính bà Nhã Ca đã giúp ông ẩn nấp.
Hồi đó thiên hạ cũng đồn rằng Duyên Anh là ăng-ten, tôi có hỏi DNM, Nghiễm nói: “Không đâu. Ở trong tù có bọn nhỏ bị bắt vì tội tổ chức chống chính quyền, bọn nó đến dụ mình vô tổ chức, sẽ được làm quận trưởng tỉnh trưởng gì đấy (Nghiễm cười, tôi cười). Bọn nó nói với mình thì mình chỉ gạt đi thôi, nhưng Duyên Anh thì mắng nhiếc bọn nó, thế mới nên chuyện.”
***
DNM qua đời. Mang mấy cuốn sách của anh ra, nhìn những tên tác phẩm trên bìa sách, tôi hiểu tại sao có những thanh niên thời ấy rất “thần tượng” Dương Nghiễm Mậu: Cũng Đành, Đêm Tóc Rối, Đêm, Tuổi Nước Độc, Địa Ngục Có Thật, Phấn Đấu, Gào Thét, Trong Hoang Vu, Sống Đã Chết… Chỉ những tựa sách thôi cũng đã cho thấy tình cảnh và tâm trạng của dân tộc, của thanh niên một thời…
Dương Nghiễm Mậu đã chết, nhưng “thác là thể phách, còn là tinh anh” như lời phân ưu thật chính xác của báo Người Việt: “… Anh không chỉ là một tên tuổi lớn của Văn Học Việt Nam. Anh còn là một nhân cách lớn do sự nhất quán giữa tác phẩm và cuộc sống qua mọi hoàn cảnh cho tới ngày Anh mất.”
Nguyễn Tân Văn
Santa Ana, 29.8.2016