1.
Tôi không biết có phải linh hồn họa sĩ Đinh Cường, sinh thời, rất thương mến người em văn nghệ của ông là Nguyễn Đình Thuần; hay vì sự thôi thúc của một số bằng hữu, đã dắt tay Nguyễn, trở lại, đứng trước giá vẽ, sau một thời gian dài lâu chia tay khung vải?
Tôi không biết! Và cũng không bận tâm bởi, với tôi, sự trở lại với hình tượng và, màu sắc của Nguyễn, là điều đáng nói, hơn bất cứ một điều gì khác.
Theo tôi, bất cứ một trở lại, quay về nào, sau một thời gian chia tay dài lâu, đều mang đến cho kẻ trở lại, một trong hai trạng huống: Lúng túng, ngỡ ngàng nơi những giây phút ban đầu. Hoặc mừng rỡ, hân hoan như gặp được, sống lại với tình yêu thứ nhất.
Ở Nguyễn Đình Thuần, tôi cho là trường hợp thứ hai.
Xem những bức tranh mới nhất của Nguyễn, tôi cảm được niềm hân hoan, tiếng chuông reo vui, ngân nga trong từng đường cọ, từng nhát dao. Tôi cũng nghe được những trở mình trên cưu mang đằm đằm của những lượng màu sắc vươn vai, tỏa, ngát trên những nẻo đường lắng, sâu nghệ thuật.
Không cần ghé sát khung vải, tôi cũng ngửi được mùi thơm của sơn dầu tuồng đã ngưng đọng trong từng phân vuông hạnh phúc, có lại.
Tôi cho, đó là sự tái sinh hay nụ cười đằm thắm, hiếm hoi, một lần nữa của định nghiệp Nguyễn Đình Thuần.
2.
Tôi không biết ký ức ngàn năm của những vầng trăng mang tên chinh phụ, hay tấm lòng thủy chung vàng mười của những thiếu phụ Nam Xương, của những người mẹ bồng con chờ chồng chinh chiến phương xa, những tượng-đài-tinh-thần của những phụ nữ Việt Nam tiêu biểu,… đã linh ứng trong những tranh thiếu nữ hôm nay, của Nguyễn? Hay đó là linh giác của họa sĩ gặp được tố nữ, bước ra từ trong tranh hoặc, đó là một thứ công chúa ngủ trong rừng, do nợ duyên chưa dứt, thức dạy giữa biếc xanh thương yêu, vàng ươm kỷ niệm, đáp đền tình tri kỷ với họa sĩ?
Tôi không biết. Tôi chỉ thấy, hình tượng thiếu nữ quen thuộc của quảng trường hội họa Nguyễn Đình Thuần, một lần nữa, lại trở về với trái tim mẫn cảm nắng, gió, sương mù của Nguyễn.
Tôi không biết. Tôi chỉ cảm nhận, mỗi chân dung thiếu nữ của Nguyễn Đình Thuần là một khắc-họa hoan lạc (hay phiền muộn chân trời?).
Nhưng dù trạng thái nào, tính tinh khiết vẫn là ngọn hải đăng soi sáng cho những tìm thấy bến, bờ nghệ thuật của Nguyễn.
Tùy vị trí, góc độ, tâm cảnh mỗi người mà, chúng ta sẽ có được cho riêng mình một nhan-sắc-vũ-trụ (trừu tượng) hay, một chân dung thiếu nữ (cụ thể)…
3.
Để có được cho riêng mình, dòng chảy nằm ngoài biên độ khung vải, điều đòi hỏi duy nhất nơi chúng ta, theo tôi là: Hãy trực tiếp đối diện (đắm mình) vào hình tượng và, sắc màu của Nguyễn. Một trở lại, như tin vui, sau dài lâu, bằn bặt. Một trở lại hạnh phúc, mưng, mưng trên nơi từng thớ thịt, da mang tên hội họa của Nguyễn.
Tôi nhấn mạnh “…điều đòi hỏi duy nhất nơi chúng ta là, hãy trực tiếp đối diện (đắm mình) vào hình tượng và, sắc màu của Nguyễn…” Vì mọi trích dẫn, phát biểu của những bậc thầy hội hoa thế giới, theo tôi không hề là đường dẫn, là khuôn vàng, thước ngọc vĩnh viễn sau hàng trăm năm dòng sông nghệ thuật này, không ngừng chảy tới.
Tôi muốn nói, những trưng dẫn đó, chẳng giúp ích bao nhiêu cho giới thưởng ngoạn trình độ trung bình mà, đôi khi còn khiến họ ngơ ngác, rối rắm…
Tôi muốn hỏi, liệu đã tới lúc chưa, ta nên chiết, giảm hoặc ngưng lại thói quen dùng một trừu tượng này (đoạn văn chữ viết), để giải thích một trừu tượng khác (sắc màu, hình tượng)?
Tôi muốn hỏi, có phải phương Tây cho chúng ta kỹ thuật, nhưng không ai có thể cho chúng ta linh hồn, hơi thở của tác phẩm, ngoài thổ ngơi của đất nước?
Thực tế, hôm nay, theo tôi, chưa có một phát biểu (coi như) có tính chân lý vĩnh cửu nào, tồn tại mãi với thời gian.
Chưa kể, phương tây từng có một nhắc nhở rất đáng cho chúng ta lưu ý rằng: Chân lý bên này dãy núi Pyrénées không là chân lý ở bên kia dãy núi.
4.
Để chấm dứt bài viết ngắn này, từ kinh nghiệm của một người-ngoại-đạo, từng nhiều lần đứng trước tranh Nguyễn Đình Thuần, tôi thấy, dù ở vị trí nào, nếu tôi có được cho mình tâm-thái trẻ thơ, tôi đều nhận được nhiều thú vị bất ngờ, như những ngày ấu thơ được nghe chuyện cổ tích vậy.
Có phải?
Du Tử Lê