(Tiếp theo kỳ trước)
Nhớ lại, khi biến cố 30 tháng 4-1975 xẩy ra, tác giả “Hát Trên Đường Lưu Vong” bước chân lên trung học, chưa được bao lâu. Mặc dù ngay từ thời đó, Trần Quốc Bảo đã có mơ ước, lớn lên, sẽ được sống cuộc đời của một nhà báo, viết văn, ban ngày. Ban đêm chơi nhạc.
Dù sớm vẽ trong trí mình một cuộc sống lý tưởng như vậy, nhưng điều đó, không có nghĩa Trần mang một món nợ tinh thần đối với những bậc đàn anh đi trước, trong lãnh vực âm nhạc; nếu so sánh tuổi tác của họ Trần , so những tuổi trẻ của âm nhạc thời đó, như Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang hay Elvis Phương, Quốc Dũng… Họ là những ca, nhạc sĩ rất trẻ, tiến vào vùng ánh sáng tiền trường sân khấu sinh hoạt âm nhạc miền Nam, nhân hình thái nhạc trẻ, du nhập vào miền Nam đầu thập niên 1970.
Nhưng ít nhiều gì thì, những tên tuổi ấy, cũng bị ảnh hưởng bởi những chiếc bóng to lớn thời đó, như Trúc Phương, Y Vân, Châu Kỳ, Nguyễn Văn Đông, … Chưa kể những cổ thụ xa hơn, như Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Phạm Duy, Nguyễn Thiện Tơ, Khánh Băng, Lâm Tuyền, Phạm Đình Chương, Lê Trọng Nguyễn v.v…
Nên, nếu nói: Họ có một món nợ tinh thần với những bậc đàn anh, trưởng thượng đi trước thì, âu cũng là điều hiểu được. Nhưng với một người còn quá trẻ ở thời điểm kể trên, như Trần Quốc Bảo, nhạc sĩ trưởng thành từ Vượt Biển, từ trại đảo Tỵ Nạn thì không.
Nói thế, không có nghĩa tôi quên, nền giáo dục của miền Nam từ xa xưa, vốn dạy dỗ người trẻ tinh thần kính trọng người lớn tuổi, hay truyền thống “kính lão đắc thọ”. Hoặc, đi đường thấy đám tang thì dừng chân, nghiêm chỉnh ngả mũ (nếu có mũ), chào người quá cố… Một nếp văn hóa cao đẹp, đáng trân quý.
Nhưng người Việt thời đó, chưa có tinh thần, hay thói quen bày tỏ sự biết ơn những tài năng xuất chúng, công trình sáng tạo của những văn nghệ sĩ ở các lãnh vực như âm nhạc, thi ca, văn chương…
Vậy mà, Trần Quốc Bảo đã rất sớm, có trong máu huyết cái tinh thần ghi công và, bày tỏ cụ thể lòng biết ơn những văn nghệ sĩ làm thành lịch sử huy hoàng của nền tân nhạc Việt mấy chục năm, kể từ thời tiền chiến.
Tôi không biết họ Trần được thừa hưởng nếp văn hóa cao quý này từ đâu? Từ thân phụ hay thân mẫu ông? Nhưng qua sự kiện cùng nữ danh ca Thanh Thúy đứng ra tổ chức đại nhạc hội có tên “Chút Tình Trao nhau” đêm ngày 1 tháng 2 năm 1996; để rồi sau đó, cùng ca sĩ Jimmy JC Nguyễn, mang hơn hai mươi ngàn Mỹ Kim về VN, trao tận tay 75 ca, nhạc sĩ quê nhà, với tôi, là một nghĩa cử, không chỉ nói lên nhân cách, tính thiện lương của họ Trần mà, nó còn là tấm gương sáng cho những thế hệ trẻ mai sau nữa.
Từ khởi điểm này, tôi không chút ngạc nhiên, khi biết những tên tuổi hàng đầu của mấy chục năm lịch sử tân nhạc Việt Nam đã cảm động, đến rưng rưng nước mắt, khi đứng trước việc làm có tính cách tượng trưng, nhưng cực kỳ ý nghĩa của Trần Quốc Bảo và ca sĩ Jimmy JC Nguyễn, đại diện giới ca, nhạc sĩ hải ngoại, và một số thân hữu, khán, thính giả Hoa Kỳ, hải ngoại tìm về Saigon để trao tặng tận tay mỗi nghệ sĩ, ít nhất 200 Mỹ kim, nhân dịp Tết 1996.
Cũng có không ít nghệ sĩ nhận được nhiều hơn 200 Mỹ kim. Đó là những nghệ sĩ được bằng hữu, hay các trung tâm băng nhạc có mặt ở hải ngoại sau tháng 4-1975, nhờ Trần Quốc Bảo trao bản quyền sáng tác đặc biệt, cho số nhạc sĩ này. Thí dụ:
- Nhạc sĩ Châu Kỳ đã nhận từ tay họ Trần 800 Mỹ kim - - Gồm 200 Mỹ kim, thuộc phần chia đều từ quỹ chung, cộng thêm 500 Mỹ kim tiền tác quyền của trung tâm Asia và, 100 Mỹ kim của ca sĩ Diamond Bích Ngọc và Nguyễn Sơn gửi biếu.
- Có thể nhiều người trong chúng ta, còn nhớ, nhạc sĩ Châu Kỳ, tác giả những ca khúc nổi tiếng như “Trở về”, “Con đường xưa em đi”, “Giọt lệ đài trang”…
Và, theo ghi nhận của Trần Quốc Bảo thì, Tết năm 1996, sức khỏe của tác giả “Trở về” còn rất tốt. Tiếng nói của ông vẫn rổn rảng, mạnh mẽ, nhiều xung lực.
- Riêng với nhạc sĩ Lê Thương thì, Trần Quốc Bảo hãnh diện cho biết, đã có được tất cả ba lần gặp mặt. Mà, lần sau cùng là đầu năm 1996.
Họ Trần tin rằng, bất cứ ai, sinh trưởng ở miền Nam trước 1975, đều đã nghe danh tác giả trường ca bất tử “Hòn Vọng Phu” 1, 2 và 3.
Trần Quốc Bảo nhấn mạnh, người ta yêu mến Lê Thương, như yêu mến Văn Cao, Phạm Duy vậy. Nhưng:
“Lê Thương không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa có nhiều tác phẩm đi vào lịch sử tân nhạc Việt. Như các ca khúc ‘Tiếng đàn khuya’, ‘Thu trên đảo Kinh Châu’, 'Thằng Cuội’… Mà, ông còn là một nhà hùng biện nổi tiếng khi còn trẻ nữa”.
Đầu năm 1996 khi Trần Quốc Bảo gặp lại tác giả “Thu trên đảo Kinh Châu” lúc người nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam này đã 82 tuổi. Ông cho thấy nhiều dấu hiệu lúc nhớ, lúc quên. Nhưng khi nhận quà từ giới văn nghệ sĩ hải ngoại, do Trần Quốc Bảo đại diện, trao tận tay là 700 Mỹ kim, gồm: 200$ tiền chia đều cho các nghệ sĩ, và 500$ của các trung tâm, thân hữu, và mạnh thường quân nhờ chuyển. Cả hai ông, bà Lê Thương và các con đã chảy nước mắt, không nén được xúc động vì món quà quá bất ngờ này.
Họ Trần kể, cả gia đình tác giả “Tiếng đàn khuya” gửi lời cảm ơn vô vàn đến mọi thân hữu gần, xa ở Hoa kỳ.
- Vẫn theo lời kể của Trần Quốc Bảo qua chuyến về lại Saigon năm 1996, tác giả “Hát trên đường lưu vong” đã bị chấn động mạnh, khi thấy nhạc sĩ Khánh Băng, tác giả của những ca khúc nổi tiếng, như “Sầu đông”, “Tiếng mưa rơi”, “Ngày về quê cũ” và, nhất là ca khúc “Vọng ngày xanh”, thị lực của ông đã bị mất tới 90%. Coi như ông đã bị lòa từ vài năm trước đấy.
Tác giả “Vọng ngày xanh” sống trong túng thiếu, với lợi tức bấp bênh, bất thường từ một vài trung tâm băng nhạc ở hải ngoại. Do đó, khi nhận được 500 Mỹ kim do Trần Quốc Bảo trao lại, nhạc sĩ Khánh Băng nói, số tiền ấy, bằng cả một năm lợi tức tối đa mà ông có thể có được!
- Cùng một tình cảnh với nhạc sĩ Khánh Băng là nhạc sĩ Đỗ Thu, tác giả ca khúc “Gửi về anh”. Họ Đỗ bị mất 60% thị giác. Khi cầm trong tay số tiền 350 Mỹ kim của hải ngoại gửi tặng, nhạc sĩ Đỗ Thu nói, ông hy vọng có lại mắt sáng và:
“Không biết tôi có nằm mơ không đây?” Ông hỏi Trần Quốc Bảo!
- Một nhạc sĩ khác nữa, cũng bị mất khá nhiều thị lực là nhạc sĩ Đinh Việt Lang, tác giả tình khúc nổi tiếng “Lạnh lùng”. Ông hiện sống cay đắng, đau khổ, lang thang không địa chỉ, vì vợ ông, từ lâu đã bỏ ông đi biệt tăm.
Giống như nhạc sĩ Đỗ Thu, tác giả “Lạnh lùng” nhận được món quà 350 Mỹ kim, vì ngoài phần chia đều, ông còn nhận được tiền tặng từ một vài bằng hữu xưa. Trong đó có 50$ của nhạc sĩ Anh Phong, tức Bi-da Thời ở quận Orange County, hiện nay.
- Cũng trong lần kỳ trở về VN năm 1996, để trao quà Xuân tận tay một số nghệ sĩ miền Nam, Trần Quốc Bảo kể thêm một trường hợp thương tâm khác. Đó là trường hợp của ca sĩ Dạ Hương, giọng ca nữ một thời, của ban nhạc Shotgun. Khi họ Trần gặp được thì chị đang bị ung thư…
Điều trị nửa chừng ở bệnh viện, vì hết tiền trả viện phí, năm 1995, ca sĩ Dạ Hương đã phải bỏ trốn khỏi bệnh viện!
Cả gia đình gồm chồng và mấy đứa con nhỏ, cùng hành nghề làm bánh da lợn, mang đi bán dạo khắp nơi, nhưng vẫn không đủ sống. Vì thế, khi nhận được số tiền 300 Mỹ kim, người nữ ca sĩ tài, sắc một thời của ban nhạc Shotgun đã phải thốt lên rằng, chị hy vọng gia đình sẽ có được những ngày xuân hạnh phúc.
Du Tử Lê
(Còn tiếp một kỳ)