dutule.com (ngày 18 tháng 9-2018):
Lúc 11 giờ sáng, ngày 18 tháng 8 vừa qua, tại Thư Viện Việt Nam trên đường Euclid, thuộc thành phố Westminster, nam Cali, đã có buổi ra mắt tác phẩm “Hồ Xuân Hương, thơ tiên, bụi đời” một công trình biên khảo công phu, giá trị của Giáo sư Trần Lam Giang.
Được mời nói về nội dung của tác phẩm này, nhà thơ Du Tử Lê đã có bài ghi nhận như sau:
“… Vị diễn giả trước tôi, đã nói về thân thế, tiểu sử của học giả Trần Lam Giang rất đầy đủ, chi tiết, nên tôi chỉ xin nhấn mạnh, với tôi, giáo sư Trần Lam Giang là một trong vài học giả uyên bác nhất của miền Nam, còn sót lại.
Cống hiến trí tuệ của ông, tiêu biểu qua những bộ sách như Cổ tích Việt Nam, 3 cuốn hay, bộ Bách Việt Tiên Hiền Chí, nguyên tác của sử gia Âu Đại Nhậm, được học giả Trần Lam Giang chọn dịch và chú giải…
Bộ sách Bách Việt Tiên Hiền Chí đã được dịch giả Tôn Thất Diên dịch qua Anh ngữ, vốn là bộ sử liên quan đến trình độ Văn Hóa, Học-Thuật đích thực của dân tộc Việt Nam, do sử gia Âu Đại Nhâm viết vào thời nhà Minh bên Tàu. Nhưng người Tàu đã dấu nhẹm trên 500 năm qua.
Các nhà nghiên cứu VN chúng ta trước thời Trần Lam Giang, kể cả Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, tuy có biết đến tác phẩm này, nhưng không ai được nhìn thấy hay đọc được. Những cộng tác viên và, học trò của giáo sư Trần Lam Giang đã tạo nên kỳ tích, khi họ chia nhau đi tìm tác phẩm đó, tại các thư viện đại học Hoa Kỳ.
Trước tâm nguyện một đời thao thiết muốn chứng minh lịch sử dân tộc Việt, là lịch sử huy hoàng, rực rỡ từ nhiều đời trước, cuối cùng, học giả Trần Lam Giang và, những cộng sự viên của ông, đã tìm được nguyên bản bộ: “Bách Việt Tiên Hiền Chí” do một Thư Viện Hội Hoa Kỳ lưu trữ. Nó đã được nhà báo Du Miên, một thành viên chủ chốt của Thư Viện Việt Nam, tại Hoa Kỳ, xuất bản.
Vì bộ sử này quan trọng cho niềm tự hào Việt Nam, nên tôi xin quý vị và các bạn, cho phép tôi được nhấn mạnh một vài dữ kiện liên quan đến bộ sử ấy, cùng công trình biên dịch và chú giải công phu của học giả họ Trần.
“Kính thưa quý vị và các bạn
Tôi tin, đa số người Việt chúng ta thường lúng túng khi bị người Tàu bảo rằng người Việt chúng ta có nguồn gốc từ người Tàu hay tổ tiên chúng ta là người Tàu!?!
Chúng ta bị lúng túng, thậm chí bán tín, bán nghi vì, bao nhiêu bằng chứng, cổ thư của nước ta đã bị giặc Tàu thiêu hủy trong 5 lần bắc thuộc 1000 năm- - Cộng thêm 100 năm thực dân Pháp đô hộ, cũng chủ trương triệt tiêu văn hóa của chúng ta...
Như đã nói, cuối cùng, trước tấm lòng đau đáu với các công trình văn hóa, học thuật của tổ tiên, của học giả Trần Lam Giang, định mệnh cay nghiệt đã phải nở một mỉm cười với ông.
Và, người học giả uyên bác của chúng ta, đã mất tới 10 năm, để dịch, chú giải Bách Việt Tiên Hiền Chí và Thư Viện VN một thứ “tàng kinh các” quý báu, của người Việt ở xứ người, in năm 2006 và, cũng đã tái bản không lâu sau đấy.
Tôi nhớ, được đọc đâu đó, một phát biểu đầy hãnh diện của Linh mục Nguyễn Văn Khải trong các chuyến du thuyết ở hải ngoại, khi ông nói, kể từ năm 2006, cũng là năm Thư Viện VN xuất bản lần đầu tiên, bộ Bách Việt Tiên Hiền Chí thì:
-“Đồng bào ta đã bắt đầu hết sợ Tàu”.
Với tôi, ngay cả khi phát biểu của Linh mục Nguyễn Văn Khải có là một tình cờ trùng hợp về thời gian ra đời của bộ Bách Việt Tiên Hiền Chí, thì, chúng ta cũng vẫn có thể tin chắc một điều là:
“-Các nhà nghiên cứu VN đã có thêm bằng chứng để xác định nguồn gốc vẻ vang của dân tộc Việt…
Một khi nguồn gốc rực rỡ của chúng ta, đã được khẳng định, tôi trộm nghĩ, từ đấy, chúng ta có quyền tự tin, ngẩng mặt, hãnh diện nhìn ngắm, nhắc đến những công trình, những phát minh, những đóng góp tuyệt vời của tổ tiên chúng ta, mà xưa nay người Tàu vẫn thường trắng trợn nhận là của họ!!!
Hôm nay học giả Trần Lam Giang, lại cống hiến cho Văn Học Việt Nam, tác phẩm dày gần 500 trang, tựa đề “Hồ Xuân Hương, Thơ Tiên, Bụi Đời”.
Đây là một công trình nghiên cứu, so sánh, đối chiếu, chú giải công phu mà, theo cá nhân tôi, không phải học giả nào cũng có thể làm được. Bởi vì, để hoàn tất một tác phẩm nghiên cứu như tác phẩm “Hồ Xuân Hương, Thơ Tiên, Bụi Đời”, thì đòi hỏi đầu tiên nơi người viết, là sự uyên bác. Sự uyên bác không chỉ ở trình độ chữ Nho, chữ Nôm mà, công trình nghiên cứu đó, còn đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về thi ca Việt Nam, nhất là ca dao, tục ngữ, túi khôn Việt, được đúc kết từ hàng nghìn năm trước.
Có người sẽ cất tiếng hỏi:
-Tại sao, hà cớ gì lại có sự đòi hỏi khe khắt, nghiêm ngặt đó?
Kính thưa quý vị và các bạn, vì theo học giả Trần Lam Giang, nếu không tra cứu tới nơi tới chốn. thì rất khó để hiểu được một cách trọn vẹn loại thơ Thanh / Tục hòa quyện vào nhau như thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương- - Một dòng thơ gần như duy nhất chỉ Việt Nam có. Đó là dòng thơ mà, giáo sư Trần Lam Giang đã chỉ-danh thơ là “Tiên Thơ – Bụi đời”.
Để minh định tiếng thơ Hồ Xuân Hương, duy nhất chỉ VN mới có, học giả Trần Lam Giang nhấn mạnh:
“… Thơ và cách sống của bà đẹp như nàng thơ trong cõi thần tiên. Những gian truân chìm nổi ở đời chỉ như bụi bám tóc mây, vai áo. Mỗi bài thơ là một gầu nước xối sạch bụi đời, nét cao khiết lại ánh lên rực rỡ. Bà với thơ chót vót cao sang, không chịu ảnh hưởng của bất cứ thơ ai đời trước, mở ra con đường thẩm mỹ mới tinh khôi. Sau bà, cho đến nay, chưa ai theo kịp. Không như ai kia phải gào la đòi hỏi nam nữ bình quyền, bà đĩnh đạc nói lên ý nghĩa và giá trị bình đẳng giữa nam và nữ, nói bằng tiếng thơ tuyệt diệu. Đúng là tiên nữ thi ca, không chỉ của thơ Nôm nói riêng, mà của thơ nói chung…”
Vẫn theo học giả Trần Lam Giang thì, căn cứ vào những chứng liệu văn học có được, ông đã cho thấy nhiều nhân vật tiêu biểu của dòng văn học Việt Nam, như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tùng Thiện Vương, Tuy Ly Vương vv… đã hết lời ca ngợi tiếng thơ lớn lao, ngoại khỏ của Hồ Xuân Hương.
“Ngay vua Tự Đức một một thi nhân văn học của triều Nguyễn cũng đã phải ghi xuống rằng:
“… (Vua) đã giao động xao xuyến tâm thần, nổi chìm giữa mộng và thực. Ở cương vị bậc quân chủ, lâm vào tình trạng tâm lý ấy rất là nguy hiểm cho ngai vàng. Nhà vua phải tham thiền nhập định để trở lại trạng thái quân bình, thoát khỏi sự lôi cuốn của thơ. Sau đó đã làm bài ma thơ, bao hàm ý tưởng dù rất mến phục nhưng phải tự thắng để thoát khỏi sức thu hút của loại thơ ấy.
““Dưới đây chúng tôi (học giả Trần Lam Giang) trích dịch mấy câu biểu tượng trong bài:
“Nếu ngày ngày không thiền định,
Không ai có thể chế phục được ma thơ.
Dù cảnh có trăng thanh gió mát hay không,
Loài ma ấy cũng quấn quít tâm hồn ta, gây nên trạng thái tình cảm xúc động.
Làm cho nghiên bút bồi hồi
………
Lý Bạch không thắng nổi,
Giả Đào phải cúi mình”.
(Trích bài “Cơ Dư Tự Tỉnh thi” của Tự Đức)…”
.
Kính thưa quý vị và, các bạn, tới đây, tôi tự thấy dù tôi có nói bao nhiều giờ đồng hồ nữa, cũng không hết được những sưu tầm, đánh giá văn học của học giả Trần Lam Giang, qua tác phẩm mới nhất này. Mà, tôi sợ sẽ tiếp tục lạm dụng lòng độ lượng, khoan dung của quý vị dành cho tôi, trong suốt thời gian vừa qua.
Tôi cũng tự thấy, mình đã xâm phạm vào quyền thiêng liêng của người đọc, là quyền tự khám phá những bất ngờ quý báu mà những tác phẩm lớn, như tác phẩm “Hồ Xuân Hương, Thơ Tiên, Bụi Đời”, của học giả Trần Lam Giang mang tới cho chúng ta.
Nên tôi xin được ngưng phần phát biểu của tôi ở đây - - Với lòng biết ơn và, cảm phục sâu xa của tôi gửi tới học giả Trần Lam Giang.
Nhân dịp này, cũng xin quý vị và các bạn, cho phép tôi, được ngỏ lời biết ơn ông bà Du Miên. Tôi nói ông bà Du Miên - - Bởi nếu chỉ có sự hy sinh của riêng nhà báo Du Miên mà, không có sự cộng tác, đóng góp to lớn âm thầm của người bạn đời của ông thì, tôi e rằng, kho tàng văn hóa, học thuật của chúng ta, nhiều phần sẽ không thể có được những tác phẩm mang hãnh diện về cho dân tộc, đất nước của chúng ta, như thời gian qua.
Một lần nữa, tôi trân trọng cảm tạ và kính chào quý vị cùng các bạn, đã tha thứ và, lắng nghe phần nói chuyện của cá nhân chúng tôi, trong buổi trưa nay, ở Thư Viện Việt Nam này.”
Du Tử Lê.