HOÀNG THỊ THU THỦY - Hoàng Vũ Thuật, người thơ qua hai thế kỷ

09 Tháng Mười 20183:43 CH(Xem: 7687)
HOÀNG THỊ THU THỦY - Hoàng Vũ Thuật, người thơ qua hai thế kỷ



Tôi biết nhà thơ Hoàng Vũ Thuật khi còn bé tí, khi đứng trên làng cát Bảo Ninh không tìm ra nhà dù từ chỗ đứng cách nơi tôi ở chỉ qua ba ngôi nhà. Anh dẫn về như một chiến công vì ba tôi và các đồng nghiệp cũng lo mất tích. Từ bé đến lớn luôn được nghe thơ anh, đọc thơ anh, xem như đó là lẽ đương nhiên, vì anh là nhà thơ, tôi là nhà giáo, nhà giáo dạy văn thì đọc thơ của nhà thơ mà với mình có quá nhiều kí ức. Tôi nghe anh đọc những bài thơ mới sáng tác, đọc thơ anh qua những tập thơ anh tặng cho ba tôi và tôi: Lặng im mùa hạ (1985), Gửi những ngọn sóng (1986), Tháp nghiêng (2004), Ngôi nhà cỏ, Màu (2010), Mùi (2014), Cây xanh ngoài lời (2017).

43527236_1828310293934709_5045366729073491968_n
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (phải) và nhà thơ Du Tử Lê 2018 (Hình HVT)



Tôi từng viết “Gửi những ngọn sóng - sóng hồn anh” vào năm 1986, năm 2007 tôi lại viết Tháp nghiêng (đăng báo Văn nghệ). Từ lâu tôi vẫn nghĩ về một Hoàng Vũ Thuật rất nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, trong trăn trở, suy tư và anh thực sự đã tạo một thế giới thơ mang nét riêng của mình. Ngay từ Gửi những ngọn sóng phần nào thể hiện chân dung đích thực của nhà thơ, không ồn ào phô trương, không náo nhiệt thời thượng mà xáo động, nồng nhiệt, cháy bỏng từ bên trong, có nhiều bài phải đọc lại nhiều lần mới cảm nhận hết cái mạch sóng ngầm ấy. Anh cởi mở trong tế nhị sâu kín. Anh say đắm mà không buông thả. Nhịp thơ không gò bó, câu nệ, sức thơ dồi dào, mãnh liệt mà đằm thắm, thâm trầm trong cảm và nghĩ, trong phát hiện và biểu hiện...

Lấy tên bài thơ Tháp nghiêng đặt tên cho tập thơ với 45 bài thơ thể hiện chủ ý của nhà thơ vừa đau đáu, vừa da diết bởi “Làm sao níu được bước chân thời gian?/ giữ lại chút mơ hồ làn sương mỏng/ và sợi tóc/ di sản ái tình ngày qua” (Di sản). “Làm sao níu được bước chân thời gian?” để gặp lại một Hoàng Vũ Thuật của hơn 20 năm trước tha thiết sống, tha thiết yêu, hăm hở đến với nàng thơ bằng trái tim đa tình, đa cảm, bằng giọng điệu thủ thỉ tâm tình, nhẹ nhàng sâu lắng, bằng sự tự tin của tuổi trẻ, bằng nhiệt tình cháy bỏng muốn đốt cháy mình trong ngọn lửa thơ ca. Đọc Tháp nghiêng hay Những đám mây lơ lửng có thể nhận ra nỗi cô đơn trong Hoàng Vũ Thuật từ triết lý nhân sinh, từ những gì nhà thơ cảm và nhận được trong cuộc sống hiện tại, trong quá khứ và cả tương lai. Dường như nhà thơ cô đơn và buồn còn vì sự “lệch pha” với cuộc đời thường nhật, nhận ra mình “không bình thường”, “đãng trí”, “ngớ ngẩn”. Một nhà thơ với gần nửa thế kỷ sống cùng thơ, một nhà thơ từng in dấu chân mình trên khắp mọi miền đất nước, từng ngơ ngác, vụng dại trước thời buổi kinh tế thị trường cũng đã thấm mệt vì lời đồn đại và nỗi cô đơn nghĩ đến Cõi chết. Giọng thơ của Hoàng Vũ Thuật là lạ, vừa như có vừa như không, như rơi vào trạng thái vô thức... “Cái tôi” thi nhân trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm, day dứt và thăm thẳm một nỗi buồn “rồi một mình/ Và tôi/ Và phố bài thơ đơn độc/ Một mình người hỡi/ Xin người đừng nghe nữa những giọng trầm/ Lạc nhịp/ Lênh đênh” (Đơn độc). Nỗi buồn này đã từng in dấu trong Gửi những ngọn sóng. Và nhiều khi ta đọc được nỗi buồn trong trái tim quá nhạy cảm, biết dự cảm và linh cảm trước nỗi cô đơn, thèm “Cái vành nôi yên tĩnh đời con” của một thời, giờ đã trở lại trong Tháp nghiêng không chỉ là tâm thức, là tiềm thức mà còn là vô thức. Hoàng Vũ Thuật tỏ ra sắc sảo khi viết về những hoài niệm, và thơ anh thật giàu liên tưởng, nhiều khi cái phi lý đi qua tâm tưởng nhà thơ để thành cái có lý “Bao mùa hoa đi qua/ Bao làn hương đã chết/ Hoa phượng nở tình cờ/ Để riêng mình tôi biết” (Hoa phượng tình cờ)

Vẫn sử dụng thể thơ tự do, chỉ có một số bài theo thể lục bát, thể 5 chữ, thể 7 chữ, cách viết của Hoàng Vũ Thuật trong Tháp nghiêng đã chuyển hẳn sang trạng thái mới và lạ. Lạ từ cấu tứ, lạ từ hình ảnh, lạ từ kết cấu, lạ từ câu thơ. Có phải vì “Chiều nay em quay nghiêng làm chi, cái dáng ngôi tháp cổ” - ngôi tháp cổ hay là thi nhân - đang quay nghiêng làm nên điều kì diệu từ chính những câu thơ, những con chữ lạ lùng với những điệp khúc như nhắc nhở, như khắc sâu, như trái phá… Kết cấu trùng điệp, ngôn ngữ trùng điệp tạo nên điểm nhấn trong hình ảnh, trong thi tứ và cũng là điểm nhấn của chính phong cách nhà thơ. Sau Những bông hoa trên cát, Thơ viết từ mùa hạ, Gửi những ngọn sóng, Đám mây lơ lửng, thì Tháp nghiêng đã định hình, định danh một phong cách, một sự đột phá, một sự đổi thay trong chính Hoàng Vũ Thuật. Con người từng trầm lắng dấu kín nỗi đam mê với nàng thơ từ thế kỷ trước giờ trở nên cởi mở, chân thành trong bao điều trăn trở. Cái tôi thi nhân không chỉ tìm về kí ức từ mái nhà xưa mà khao khát giải bày, khao khát nhập cuộc, khao khát đổi mới thơ, khao khát cùng nàng thơ đi không mỏi mệt trên con đường thơ ca mà đời anh đã chọn. Anh không chỉ chọn thơ ca vì nó là tiếng lòng, là cảm xúc, mà còn là sự quý phái, sự sang trọng, là tình yêu cháy bỏng; nên vừa sau cơn hoạn nạn anh đã gửi lòng mình qua những dòng thơ trong căn phòng bệnh viện. Thơ ca đã hồi sinh anh, bằng phép mầu nhiệm qua “chiếc lá cuối cùng” của cô gái trong truyện ngắn của O.Henry, không chỉ là niềm hy vọng mà còn là tình yêu cuộc sống cháy bỏng “Chiếc lá bông cẩn .../ đặt lên môi tôi khô khát/ một nụ hôn xanh” (Lá).

Sau bước đột phá từ Tháp nghiêng (2003), chỉ trong vòng vài năm, anh đã định hình, định danh cho mình liên tiếp qua Ngôi nhà cỏ, Màu (2010), Mùi (2014), Cây xanh ngoài lời (2017). Chưa nói đến bước đột phá, sự đổi thay, mà nói đến bề dày sáng tác thì anh là người khẳng định vị trí tiên phong, trong sự đổi mới thơ ca Việt. Từ một nhà thơ với giọng điệu trữ tình tâm tình, ngọt ngào sâu lắng của thế kỷ XX, anh đã chuyển mình cùng văn chương thời kì hậu hiện đại bằng việc khẳng định phong cách thơ qua hình thức và nội dung. Thể thơ tự do được anh sử dụng sáng tạo đến mức không giới hạn. Liên tiếp mấy tập thơ gần như mất hẳn chữ viết hoa, từ ngữ thì tối giản đến mức có thể và giọng điệu của thơ anh không lẫn vào đâu được.

Bạn đọc chưa kịp hiểu hết ý tứ trong Tháp nghiêng, thì đã bàng hoàng trước Ngôi nhà cỏ. Rồi giật mình trước Màu và Mùi. Và khoảng ba năm sau là một Cây xanh ngoài lời kết tinh những gì tinh hoa nhất, phong cách nhất, riêng nhất của nhà thơ. Anh như cậy đại thụ thơ ca trong tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại. Nếu đọc anh bằng thi pháp thì mỗi tập thơ là một thi pháp thơ riêng; nếu đọc anh bằng phong cách thì ta có thể nhận ra phong cách thơ anh qua các nét chính: Thi hứng, Ngôn ngữ, Thể loại.

Thi hứng trong Ngôi nhà cỏ được đánh dấu bằng những khoảnh khắc thời gian, những khoảnh khắc mà nhà thơ không thể quên “vào lúc ba giờ chiều tháng giêng/ ngày mười” (ba giờ chiều tháng giêng ngày mười), giờ và ngày được nhắc đi nhắc lại. Rất hiện đại. Nhà thơ không ẩn dụ như kiểu “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” (Truyện Kiều – Nguyễn Du), hay “Cuối trời mây trắng bay, Lá vàng hiu hắt quá” (Thơ tình cuối mùa thu – Xuân Quỳnh). Mà giờ, ngày cụ thể, giờ ngày đóng đinh trong tứ thơ của anh. Giờ, ngày chính xác đến mức không thể xóa nhòa trong trí nhớ. Thường con người sẽ nhớ kĩ những khoảnh khắc thời gian bởi kí ức ngọt ngào hoặc kinh hoàng. Với Hoàng Vũ Thuật, kí ức nhận ra rất rõ, rất hình tượng “sông bắt đầu chảy trong huyết quản/ mặt trời mọc nơi đáy ngực/ rừng cổ điển lót thảm dưới lưng/ biển cuộn mình vỏ ốc”. Rõ ràng là sự sống đang tái sinh, cái nhìn của thi nhân thật kì diệu, con người phải trải qua những nỗi đớn đau “thập tử nhất sinh” mới ngộ ra cái điều tưởng chừng đơn giản nhất mà cũng khó khăn nhất. 53 bài thơ trong Ngôi nhà cỏ như một sự thức giấc trước bình minh của thi nhân sau một đêm lặng thầm, trăn trở, một đêm với nhiều giấc mơ trong ngôi nhà cỏ: “ngôi nhà cỏ/ cái tổ người thời mặt trời chưa chín…/ ngôi nhà cỏ/ cái tổ lũ trẻ tóc hun tháng sáu… ngôi nhà cỏ/ cái tổ thời hai ba/ nở theo gió/ giọt giọt môi sinh/ thấm ướt ngày dại khờ/ thấm ướt câu thơ khờ dại” (ngôi nhà cỏ). Ai cho tôi câu thơ khờ dại để tôi được trẻ lại như anh – nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Thơ ca sang trọng, quý phái, đặt trong ngôi nhà cỏ nó trở nên giản dị, hiền hòa như dòng suối róc rách chảy, như tiếng mẹ cha gọi ta thức giấc mỗi sớm mai, như đàn trâu đủng đỉnh ra sông uống nước lúc chiều tà, như cái thời yêu đương khờ dại ở tuổi trăng tròn…

Những câu thơ của anh đã đánh thức trong ta cái vô thức, tiềm thức và cả ý thức về thời gian, không gian, đời người. Tôi đang đọc anh bằng vô thức để tìm đến ý thức sáng tạo văn chương của anh. Vì sao phải gò mình đặt câu, tìm chữ, vì sao phải mất công tìm ra vần điệu, cứ để dòng thơ, câu thơ, ý thơ tuôn chảy như đời thường, như cuộc sống nó vốn dĩ vẫn vậy. Hoàng Vũ Thuật đã đưa thơ ca vượt ra khỏi những giới hạn, khuôn phép, kéo gần với cuộc sống của cái thời Internet, hiện đại mà gần gũi, giản dị mà cao sang.

“tôi có một ngày không để làm gì/ ngày nằm ngoài lốc lịch/ không thấy ngôi nhà tôi ở/ cuốn sách cầm tay” (vô thức). Ai cho ta cái cảm thức diệu kì này, nhà thơ, anh là người đã cho độc giả cái nguyên sơ, để con người vô vi, con người không quẫy đạp, con người không vùng vẫy, con người không cần toan tính… hãy tìm cho mình những giây phút vô thức, không thể có nguyên một ngày như cái gọi là “tượng trưng và ước lệ” của thi ca, thì ít nhất cũng có vài phút, vài giờ để nhận ra mình đã chạm đến cõi vô thức vì đã vô vi trước cuộc đời. Vô vi - không làm gì, không làm gì không có nghĩa là không làm gì, mà con người sẽ làm gì hay không làm gì khi đã nắm vững quy luật.

Cảm hứng thi ca trong “Ngôi nhà cỏ” là vô tận, với thể thơ tự do, thoát hết mọi gò bó về câu chữ, ngôn ngữ giản dị đến mức gần gũi như lời nói hàng ngày trong giao tiếp của mỗi người “anh đi chợ/ chẳng vì để mua/ chẳng vì để bán… anh đi chợ/ chẳng vì để bán/ chẳng vì để mua” – kết cấu đầu cuối tương ứng như nhịp chân em, như vó ngựa ở sườn núi cao, như tiếng người mua bán. Chợ vùng cao trong thơ anh hiện lên gần gũi, sinh động. Người ta vẫn nhắc đến cái rộn ràng, sinh động trong “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ trong phong trào thơ Mới, bạn đọc cũng sẽ nhớ Hoàng Vũ Thuật về một phiên chợ vùng cao cũng rộn ràng, đông vui, nhưng thi nhân không mua, không bán mà để ngắm nhìn em, để biết về phong tục cưới xin của nam nữ ở vùng núi cao và anh thi nhân – si tình “chợ sáng dẫu tan/ anh đợi em dưới chân nhà sàn” (anh đi chợ). Tài hoa đến thế là cùng. Đa tình cũng đến thế là cùng.

Đến với Màu và Mùi, bạn đọc sẽ nhận ra tên của mỗi tập thơ cũng cảm nhận bằng khứu giác, thị giác. Thơ không chỉ đọc, mà phải sử dụng các giác quan để cảm nhận. Quyết tâm làm mới thi ca đã khiến anh trăn trở, khẳng định con đường riêng có. Và đã đặt chân trên con đường thơ ca mượt mà cũng không thiếu chông gai, nếu không định hình, định danh về phong cách thì chính nó sẽ cứa đứt bàn chân anh, bởi thi ca nhiều “hoan lạc” mà cũng lắm “hoang vu”.

“mắt trân trân ngó lên trần nhà/ trần nhà màu đen/ con thằn lằn tặc lưỡi ba tiếng/ tôi quay sang trái/ đen và đen và đen/ tôi quay sang phải/ đen và đen và đen/ tấm ra trải giường điệp điệp/ không màu/ còn tôi/ màu gì/ con thằn lằn bò quanh chờ điều gì đấy” (màu). Bạn đọc đã nhận ra màu gì trong bài thơ này của anh? Màu hay không màu? Sao nhìn thấy trần nhà màu đen, bốn phía màu đen mà ra trải giường không màu, và anh màu gì. Đen và đen sao thấy con thằn lằn. Thi ca là vậy, tâm thức con người là vậy. Ngỡ như có mà ngỡ như không. Vậy hãy để cho cái vô thức chảy trong bạn, để đến lúc nó bật thành lời và đấy chính là sự sáng tạo của người Nghệ sỹ. Người ta đã mất công lý giải hiện tượng Paganini (1782 – 1840), trên thực tế đấy là nhờ vào năng khiếu thiên bẩm và quá trình tập luyện gian khổ của ông, chứ không thế gán cho ông là hội chứng Marfan hay Ehler-Danlos – những hội chứng làm tăng thêm tính ưu việt trong một số kỹ năng của con người. Với cảm nhận của tôi thì với những trí tuệ, tâm hồn lớn, họ có thể sáng tác cả khi họ đang ngủ, khi rơi vào trạng thái vô thức. Nhiều Nghệ sỹ đã bất ngờ trước những sáng tác cực hay của họ bởi trạng thái vô thức đó… Với Hoàng Vũ Thuật, điều này cũng không ngoại lệ. Nếu ai đã từng đọc những câu thơ của anh khi anh bị bạo bệnh thì mới biết sự hồi sinh của con người về thể xác và tâm hồn là sự diệu kì nhất mà nhân loại đã từng biết đến. Con người – hai tiếng ấy mới thiêng liêng làm sao.

“tôi đứng lên bằng cánh tay/ đi lại bằng cánh tay/ thiếu nó tôi sẽ ngã/ thì ra con người có thể dựng ngược mình lên” (thế giới và tôi), ai đã từng đến thăm anh trong những ngày anh bị bạo bệnh thì sẽ đọc những câu thơ này bằng chính sự đau đớn, sự cố gắng, sự nỗ lực của anh để chiến thắng bệnh tật, mà hơn hết là chiến thắng bản thân. Mọi lý thuyết về sự trường sinh của con người là vui vẻ, là yêu cuộc sống chỉ có thể đúng với những người đang bình thường, còn khi con người bị rơi vào cái cảnh “và tôi cười nửa miệng/ nói nửa miệng/ âm thanh nghiêng nghiêng/ những tiếng đầu đời/ theo cách nói người thượng cổ/ thì đã sao nào” thì sẽ nhận ra chính thi ca đã cứu rỗi anh, thi ca là điểm tựa cho anh đứng thẳng, và tâm hồn thi ca, con người thi ca đã vượt lên tất cả để trở về với đời sống thường nhật bằng cách mà mỗi ai cũng nghĩ sự tồn tại của mình là bình thường. Anh lý sự thật giản dị “thế giới còn phải làm lại từ đầu, huống gì một con người/ thế giới sắp xếp tưởng đã ngăn nắp quy củ/ thế rồi xáo tung hết thảy”, rồi anh khẳng định mình một cách tự tin: “tôi cũng là thế giới/ tự đảo lộn mình/ đi đứng nói cười kiểu của mình”. Đã có ai rơi vào tình cảnh “cười nửa miệng, nói nửa miệng, đi lại bằng cánh tay” mà lý sự như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật chưa? Để rồi nhà thơ đúc kết hiển nhiên như chân lý xưa nay “làm lại thế giới đã khó/ làm lại con người càng khó hơn”. Vinh quang thay cho con người giữa thế giới bề bộn này!

Khi ký tặng tôi tập thơ Màu (2012), chữ của anh run run giun dế như người mới bắt đầu biết cầm cây bút, vậy mà 5 năm sau chữ của anh đã chân phương trở lại khi ký tặng tôi tập thơ Mùi và Cây xanh ngoài lời. Ngay cả mỗi lần gặp anh tôi vẫn nói, sự kì diệu nào đến với nhà thơ vậy?

Tập thơ Màu là minh chứng cho tình yêu cuộc sống, niềm tin vào cuộc sống, lo nghĩ về những sự thay đổi từ con người đến vũ trụ và nhân loại, triết lý về nhân sinh là cứu cánh cho sự tái sinh của anh theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Dường như trong đau đớn, cảm nhận thi ca đã chạm vào vô thức của anh, để bật thành những dòng chữ với cảm thức rất riêng, rất mới của thi nhân. Có lẽ khi đứng giữa lằn ranh của cuộc sống bình thường và những tai biến khiến con người không thể bình thường, anh đã ngộ ra cái bản thể; con người và vũ trụ vốn vận hành có quy luật, và những xáo trộn cũng là minh chứng cho sự vận hành trong quy luật vẫn có những đột biến. Viết ra được nhận thức đó bằng thơ ca là không dễ, nhà văn viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn có thể sử dụng kết cấu để ngỏ, cũng như giọng điệu đa thanh và các thủ pháp nghệ thuật khác để diễn tả cái đột biến. Còn nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã làm gì để bạn đọc nhận ra sự đột biến của một quy luật vốn quen thuộc, đây là sự khám phá và sáng tạo của anh. Và anh đã làm được điều đó. Những câu thơ viết ra như là “ngu ngơ” mà thật đa nghĩa: “ta ngù ngờ u mê ương dại/ thế giới là ai/ và ta nữa là ai” (đọc kapka). Thơ ca cũng vậy, nếu bạn cứ đi mãi trên con đường quen thuộc thì bạn sẽ không nhận ra cảm hứng thi ca đang bị cái quen thuộc, cái nhàm chán xóa nhòa.

Sau hơn một thập kỉ tìm kiếm, khẳng định và không ngừng đổi mới, tập thơ “Cây xanh ngoài lời” (2017) như là kết tinh những tinh hoa trong hành trình sáng tạo của Hoàng Vũ Thuật. Nếu những tập thơ đầu tay viết về Tổ Quốc, về mẹ, về nhân dân với giọng hào sảng của một thi nhân luôn đặt vận mệnh của đất nước lên hàng đầu, thì đến đây vẫn giọng hào sảng đó nhưng đã kết tinh và lắng đọng những suy tư, tình cảm thiêng liêng trong cái nhìn đầy nhân văn của thi nhân. Tôi cho rằng bài thơ “Tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật là bài thơ hay nhất của tập thơ, của cả đời thơ, của những bài thơ cùng viết về đề tài này của nhiều nhà thơ khác. Thường thì khi Tổ quốc phải đương đầu với giặc ngoại xâm, các nhà thơ yêu nước đều viết về Tổ quốc với khẩu khí của một dân tộc có truyền thống yêu nước quật cường. Từ bài thơ thần đầu tiên Nam quốc sơn hà, rồi Bình Ngô đại cáo… được xem là những bản tuyên ngôn độc lập; và văn học hiện đại vẫn thường nhắc đến bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, chương thơ Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, thì ta thấy cách viết về Tổ quốc của Hoàng Vũ Thuật đã kế thừa trong đó những tinh hoa của bao đời và làm mới nó bằng chính sự chứng kiến, trải nghiệm và sáng tạo.

Ngay khổ thơ đầu tiên, nhà thơ đưa ra một nhận định quá chính xác “tôi hằng tin ngôn ngữ làm nên Tổ quốc”. Ngôn ngữ làm nên Tổ quốc là một chân lý hiển nhiên. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng từng viết trong bản Tình ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi…”.
Ta hãy đọc trên những dòng thơ của Hoàng Vũ Thuật:

“tôi hằng tin ngôn ngữ làm nên Tổ quốc
tiếng đầu tiên
mẹ
hiền
nước
việt
tiếng trầm hùng
& tiếng thiết tha
âm thầm hơn mọi lời ca”

Nếu tính bằng câu thơ thì 9 dòng thơ này chỉ viết trong 4 câu, nhà thơ đã sử dụng các khoảng trắng trong những dòng thơ cùng cách xuống dòng để làm nên cái nhịp điệu, âm thanh, và giọng điệu cho chính khổ thơ đầu tiên này. Mỗi dòng như một tiếng gõ vào nhịp tim của bạn đọc, mỗi khoảng trắng của dòng thơ như làm nên một miền liên tưởng. Tổ quốc được gắn với mẹ hiền, âm vang của nó nằm trong những chữ tượng thanh: trầm hùng, thiết tha…

Sau lời khẳng định như dao chém vào đá: “tôi hằng tin ngôn ngữ làm nên Tổ quốc”, là hình tượng người mẹ hiền Việt Nam được như thơ viết liên tục trong 10 dòng thơ, vừa gợi về kí ức những người mẹ Việt Nam tảo tần khuya sớm, vừa gợi về những tích trầu cau, tiếng kẽo kẹt của tao nôi. Các hình tượng thơ lung linh bởi cách sử dụng ngôn từ thật chọn lọc và đắc địa: “lá trầu tươi hình trái tim, trái cau hình giọt máu… những âm thanh Tổ quốc kẽo kẹt”, đúng là tình yêu “tiếng nước tôi” đã làm nên sự bay bổng, diệu kì trong thơ Hoàng Vũ Thuật.

28 dòng thơ tiếp theo, mỗi dòng thơ là một sức gợi, gợi về nét văn hóa nông nghiệp của người Việt, gợi về những sự tích, những câu chuyện cổ, gợi về những tác phẩm văn chương yêu nước… tất cả đều qua sách vở và qua sự truyền thụ kì diệu của người thầy. Vốn là thầy giáo dạy văn, cũng là người yêu thích văn chương, quý trọng những thầy giáo dạy văn (trong đó có ba tôi), và để viết những dòng thơ dạt dào cảm xúc mà thấm đẫm suy tư, cùng cái nhìn thấu suốt về lịch sử của đất nước với những giá trị tinh hoa ngàn đời, thì trong anh – Hoàng Vũ Thuật phải có một bề dày văn hóa sâu đậm đến thế nào đó, phải có một thủ pháp điêu luyện thế nào đó mới viết những dòng thơ thơ bay bổng như thế để khi đọc lên thấm vào tận tâm can con người.

“Tổ quốc là thánh thiện”, là đẹp, là văn hóa xóm làng, là văn hóa gia đình, là nhân văn là bất diệt… 24 dòng thơ trôi chảy trong vô thức, trong tiềm thức và trong cả ý thức của thi nhân và độc giả. Và sau này người ta sẽ nhắc đến anh: tình cảm yêu nước thiêng liêng trong bài thơ tôi muốn nói bằng tiếng nói của Tổ quốc tôi của Hoàng Vũ Thuật là dấu mốc son mới trong thơ ca yêu nước Việt Nam.

Quả thật, từ Tháp nghiêng, đến Ngôi nhà cỏ, Màu, Mùi, và Cây xanh ngoài lời có một sự thay đổi lớn trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Nhà thơ quyết tâm đổi mới thơ bằng thể loại, ngôn ngữ, kiên trì viết thơ không có chữ viết hoa để gián tiếp khẳng định với độc giả hành trình đổi mới, sáng tạo của mình. Và trên hành trình sáng tạo không mệt mỏi đó, con đường anh đi đã thành, nói như Lỗ Tấn: “trên trái đất này làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường đó thôi”. Hoàng Vũ Thuật đã làm được điều đó.

Con đường anh đi đã thành đường, mới hơn những gì mới nhất trong tiến trình thơ ca Việt Nam. Anh đã khẳng định sự nghiệp thơ ca của mình cùng với sự đổi mới của văn học dân tộc. Và với Người thơ hai thế kỷ, tôi vẫn còn nhớ những câu thơ trong bài thơ “Xa lắm thời em lên chín tuổi”, vẫn cái giọng điệu ngọt ngào ấy nhưng trầm lắng và khắc khoải: “Thời ấy đâu rồi hỡi mùa thu/ Ta như mây lãng đãng bên hồ/ Thoáng hiện ra rồi thoáng bay mất/ Để nắng trưa về đậu ngẩn ngơ…” (Mùa thu trước).

Huế ngày 8/7/2018
HOÀNG THỊ THU THỦY

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Mười 20241:03 CH(Xem: 77)
Thơ tài tình luôn luôn hiếm hoi và thường đến từ sáng tạo của những nghệ sĩ tài hoa.
26 Tháng Chín 20244:37 CH(Xem: 93)
Màu, khối, nét, bố cục, ánh sáng đã thay ông kể mãi những câu chuyện của con người.
27 Tháng Tám 202410:07 SA(Xem: 233)
Người nhạc sĩ đã gửi vào ánh sáng một tuổi thơ biết đi đứng, chạy nhảy.
21 Tháng Tám 202410:15 SA(Xem: 251)
Bài viết sau cùng của ca sĩ Quỳnh Giao
14 Tháng Tám 20245:17 CH(Xem: 249)
Đã đến lúc phải coi biên giới là một khái niệm mở, văn hóa cũng là biên giới. Mất văn hóa là mất nước.
31 Tháng Bảy 202410:07 SA(Xem: 220)
70 năm đã trôi qua kể từ cuộc thiên di vĩ đại nhất Việt Nam đương đại.
25 Tháng Bảy 20246:38 SA(Xem: 372)
Năm tôi 25 tuổi, lần đầu nhìn thấy cô Lê Thị Ý lúc ấy đã 40 tuổi ở ngôi nhà Nhật Tảo,
14 Tháng Bảy 202412:07 CH(Xem: 659)
Tôi không nghĩ thơ ca sẽ biến mất khỏi mặt địa cầu,
07 Tháng Bảy 20245:26 CH(Xem: 555)
Hiện nay ở tuổi bảy mươi, vốn sống của tôi là nỗi buồn, là sự ám ảnh của tử sinh. Nhờ thế mà rộng lượng hơn, yêu người hơn, yêu các vật nuôi trong nhà, yêu chim chóc.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20855)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15795)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17454)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10141)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18592)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5005)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1752)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2244)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2139)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23462)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19968)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8773)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9788)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9213)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12192)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31705)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21489)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26486)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23928)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22714)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20827)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18910)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20063)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17658)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16774)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25745)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33081)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35566)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,