dutule.com (ngày 31-10-2018): Gần đây, tôi mới được đọc thi phẩm “Tôi Là Một Kẻ Khác” của nhà thơ Nhật Chiêu, kiêm dịch giả nổi tiếng hiện nay. Đó là một tuyển tập thi ca mang đầy tính mới, lạ từ trang đầu tới trang cuối.
Tựa đề của tác phẩm là một câu thơ rất lạ của Rimbaud: “Je est un autre = Tôi là một kẻ khác” - - Câu thơ này khiến nhiều người liên tưởng tới một câu văn cũng rất mới, có đầy tính triết lý của Jean Paul Sartre. Đó là câu “L’enfer c’est les autres = địa ngục chính là những kẻ khác”.
Tôi không biết nguyên ủy sâu xa của nhà thơ Nhật Chiêu khi ông chọn cho mình tựa đề trên, và tựa đề phụ ở ngay nơi bìa nhất của thi phẩm là “Thơ giao lời kể & Thơ tượng quẻ”, nhằm mục đích gì?
Tôi không nghĩ tác giả dụng tâm dùng “phụ đề” vừa kể, như một thứ bảng chỉ đường, giúp người đọc dễ dàng hơn, khi bước vài cõi-giới thi ca cực kỳ xắc-xuống của tác giả này.
Bởi vì, với những người bình thường như cá nhân chúng tôi, cũng chỉ có thể tạm hiểu tinh-lý của thi phẩm “Tôi là một kẻ khác” (TLKK) sau khi đã từng bước cẩn trọng, vào khu vườn chữ nghĩa đặc biệt của tác giả.
Một cách giản lược, tôi trộm nghĩ, người đọc có thể hiểu thi phẩm TLKK của Nhật Chiêu chia thành hai phần độc lập và, khác biệt.
Phần thứ nhất gồm những bài (đoạn?) thơ 4 câu giới thiệu, xác nhận “Tôi là…”
“Tôi là…” ở phần chính của thi phẩm gồm đủ thành phần xã hội - - Không phân biệt giới tính, kể cả những tên tuổi thuộc về huyền sử hay, những sinh vật như chim, bướm, thực vật, như cây cỏ, hay vật vô tri như mặt nạ, cây đinh; đất đai, thiên nhiên như mưa, nắng)… Để rồi bên cạnh đó là phần khai triển hay “nói thêm cho rõ” về “toát yếu” đã được nêu ra.
Quan niệm trong mỗi cá nhân có hàng trăm con người khác nhau… “ẩn náu” đâu đó, rồi tùy hoàn cảnh, cơ duyên mà xuất hiện; không phải là một nhận biết bất ngờ, xa lạ. Nhưng khi tác giả TLKK chính thức khẳng định ông… “là” - - Chứ không phải ẩn dụ, hay liên tưởng thì, có dễ ông là người muốn mở một cửa khác cho thi ca Việt Nam (?) :
-“tôi là cọng cỏ dại / từng mọc ngày XƯA rồi / tôi là cọng cỏ dại / sẽ mọc ngày SAU thôi” (1)
- “Tôi là cánh chim sa / cùng chết chìm với cá / ai đẹp nhất thiên hạ / ai tột cùng tà ma”
- “tôi là một con rắn / trên cây táo địa đàng / ăn táo đi đừng sợ / tung bước VÀO trần gian”
- “tôi là chiếc mặt nạ / đi qua ngàn kiếp đời / mặt nạ thành vô giá / ngàn kiếp chừng rẻ ôi”
- “tôi là một con điếm / đêm mưa đứng trên cầu / tôi cùng mưa lấp liếm / dồn lại những sầu lâu”. Vân vân…
Nhưng dù Nhật Chiêu hóa thân vào người hay, cảnh giới nào, thì với 4 câu mà ông gọi là “Lời Giao”, vẫn có những câu thơ như rượu cất lâu năm, như sự chưng nấu dài lâu, để phần tinh-chất xắc- xuống, khiến “hậu cảnh” bất ngờ hiện ra, mang ý nghĩa thâm sâu của nhân sinh quan đời thường.
Lại nữa, vì là thơ, mặc dù ngắn gọn (rất gần với thể thơ Haiku , loại thơ Nhật bản, chỉ có 17 âm tiết) (2); nhưng tác giả đôi khi cũng vẫn đem đến cho độc giả những câu thơ nhiều thi tính như:
-“tôi là áng mây trôi / nhớ nguồn xưa dưới núi / tôi là một con suối / nhớ nguồn xưa trên trời” (3)
-“tôi là một cánh bướm / hút những giấc mơ người / trang trải nhụy ham muốn / nhấm nháp SƯƠNG phôi pha”
-“ai như dại / ai như say / ngực nàng mọng / môi mưa đầy / nàng một cõi / mưa nghìn tay”. Vân vân…
Và, bàng bạc tính thiền trong đa số những bài thơ của ông, dù chúng thuộc phần “Thơ giao lời kể” hay, “Thơ tượng quẻ”.
Tưởng cũng nên nhấn mạnh tính chất này, vốn là một nét đặc thù của thơ Haiku sau nhiều thế kỷ, chuyển đổi nội dung từ trào phúng qua thiên nhiên và thiền-tính. (Theo Wikipedia)
.
Ở phần 2 thi phẩm TLKK, tác giả xây dựng nội dung tác phẩm của mình trên 64 quẻ của Kinh Dịch:
“Biểu tượng của kinh dịch được gọi là quẻ. Quẻ là các đường trừu tượng nằm trong tập hợp 64 tổ hợp. Trong mỗi quẻ lại chia thành 6 hào. Chúng được thể hiện dưới dạng các đoạn thẳng nằm ngang. Mỗi hào như thế có thể là đường nét liền (Dương) và đường nét đứt (Âm). Sáu đoạn thẳng này được xếp lên nhau từ dưới lên trên. Như vậy, ta có được 64 tổ hợp của hào ứng với 64 quẻ. Mỗi quẻ là tượng trưng cho một trạng thái, diễn biến có thể xảy ra. Khi gieo quẻ bằng phương thức Kinh Dịch, ta có thể chọn đúng tĩnh hoặc động. Đó là sự biến đổi từ Âm sang Dương hoặc ngược lại tạo thành một quẻ khác. Do đó, ta sẽ căn cứ vào các thay đổi này nhằm có sự dự đoán những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai.
“Vì có đến 64 quẻ cùng với việc gieo quẻ sử dụng số ngẫu nhiên nên xác suất đồng nhất hoặc trùng hợp là điều vô cùng hi hữu.” (4)
Vì mỗi quẻ trong Dịch bao gồm 6 hào âm (- -) và dương (-) nên tác giả đã đem thơ của mình ứng dụng vào khuôn mẫu của mỗi quẻ, đúng theo sự ngắt quãng cố định của những quẻ đó. Đồng thời, ông cũng dựa vào hàm ý tên của mỗi quẻ mà viết xuống…
Thí dụ quẻ “đại hữu” có tất cả 5 hào dương và một hào âm, ông viết:
“bên trời có một vừng hồng // và trong em / một ánh lửa // có gì rực rỡ hơn không // bầu trời dẫu xanh rào rạt // có gì xanh hơn đôi mắt // bốn mùa tỏa ánh tình xanh.”
Hay “Quẻ Phục” (Trở về), gồm 5 hào âm, một hào dương, ông viết:
“đưa bóng mình // đến chân trời // đưa bóng mình // lên đỉnh núi //đưa bóng mình // ra xa khơi // rồi một ngày quay bước lại // đưa chiếc bóng // về tinh khôi // cười vang trong cuộc quy hồi”. (5)
.
Khi đem thơ của mình vào các quẻ của Kinh Dịch, có dễ nhà thơ Nhật Chiêu muốn hiển lộng độ uyên bác và, tài năng ứng dụng đặc biệt của ông, mặc dù nhiều phần có thể ông cũng, độc giả ít nhiều sẽ bị “dội ra” vì thử nghiệm này.
Tuy nhiên, rốt ráo, người ta vẫn phải công nhận nỗ lực đổi mới của tác giả TLKK, từ hình thức tới nội dung, là nỗ lực đem đến cho cõi-giới thi ca của Nhật Chiêu, một cảm nhận khác. Chưa từng!.!
Du Tử Lê
(Nov. 2018)
_________
Chú thích:
(1), (3) Theo nguyên bản của tác giả: Nhiều chữ ông đột ngột viết hoa hoặc, cố ý in đậm nét…
(2) “…Nhật Chiêu là một học giả với kiến thức quảng bác, nhất là lãnh vực văn học Nhật Bản. (Đặc biệt là thể thơ Haiku). Ông cũng là một trong những người có công chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn chương tiêu biểu của các nhà văn Nhật sang tiếng Việt - - Những tác giả Nhật mà, tên tuổi họ đã vượt khỏi biên cương của xứ ‘Mặt Trời Mọc’. ” (Trích “Nhật Chiêu – ‘Viết tên trên nước,’ dòng chảy giữa đôi bờ Gibral / Tagore”, web site dutule.com, ngày 5 tháng 4-2011)
(4) Nguồn Wikipedia-mở.
(5) Chúng tôi dùng 2 dấu gạch chéo, để biểu thị cho sự ngắt quãng của các quẻ.
Tác Phẩm : Giọt Lệ Tình
Tác Giả : Hoàng Thơ tất cả những bài thơ con sáng tác điều nằm trên facebook Hoàng Thơ số điện thoại fecabook là 01666936933. Gồm hơn 50 bài thơ đủ để gửi tác phẩm, nhưng do không biết cách gửi tác phẩm, cần được ban tổ chức hướng dẫn gửi qua mail, con rất muốn được dự thi vì tâm huyết của con và trân quý