Nếu có một thế giới mà ở đó huyền thoại và hiện thực xem ra chẳng khác gì nhau là mấy, thì thế giới ấy chính là nơi này đây: Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi vạn trùng núi vạn trùng mây nhấp nhô chập chùng suốt một dải biên cương vùng cực Bắc của tổ quốc.
Dường như mọi con đường đèo cao dốc thẳm, khi uốn lượn giữa tầng trời, lúc chênh vênh bên vực sâu hun hút, tất cả đều ẩn chứa một hấp lực cám dỗ bước bàn chân, thúc giục bước bàn chân, cho dù có nhiều lúc đến thót tim nghẹt thở. Đứng trên đỉnh đèo Cán Tỷ hoặc chót vót Mã Pí Lèng nhìn lớp lớp núi non gối đầu lên núi non, mây trắng phơi trên điệp trùng chóp núi đá tai mèo, bồng bềnh kì ảo giống như một bức tranh siêu thực vĩ đại từ trời xanh rơi xuống. Mà con người ở trên chốn non cao vời vợi này cũng…siêu thực nốt ! Thì còn gì nữa, lúc xe chúng tôi uốn lượn qua mấy khúc cua ngặt nghèo đường lên Lũng Cú, giữa bốn bề sương mù đặc quánh, bỗng trên triền núi đá bên đường, những em bé H’mông cứ như từ sương mù sinh ra đứng vẫy tay chào xe chúng tôi qua.
Vùng qui hoạch cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang là một tập hợp các huyện biên giới vùng cực Bắc, gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Từ dưới chân đèo Quản Bạ ngước nhìn lên đã thấy hai dòng chữ (Việt – Anh) to tướng màu trắng gắn trên mái núi cao sừng sững: Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Dong Van Karst Plateau Geopark). Có hai hướng lên cao nguyên đá này, một từ thành phố Hà Giang đi lên và hướng khác từ Cao Bằng đi qua, hướng nào cũng tha hồ mà phiêu bồng trong mây lượn lờ trong gió. Nhưng phải lên tận Mèo Vạc hay Lũng Cú rồi mới thực chứng cái câu nói đã thành huyền thoại, rằng nơi “ cúi mặt đụng đất ngẩng mặt đụng trời” chính là nơi này đây! Mà lên tận vùng địa đầu chót vót nghìn thước non cao này rồi, thì như tôi đã nói, huyền thoại và hiện thực có khác gì nhau đâu. Một chợ tình Khâu Vai ở Mèo Vạc, một phố cổ Đồng Văn, một danh thắng Mã Pí Lèng, một núi đôi Quản Bạ hay cột cờ Quốc gia trên đỉnh núi Rồng ở Lũng Cú từng được mệnh danh là nóc nhà Việt Nam. Vâng, bạn cứ dừng chân ở mỗi nơi chốn ấy rồi khắc biết.
Nhưng Thào Chư Páo, người bạn H’mông tôi mới làm quen lúc xe ngừng nghỉ ở bản Xủa Pả, khi trò chuyện với tôi, anh nói xa vời hơn những cái địa chỉ ấy.
Ý của Thào Chư Páo là bây giờ người ta làm du lịch nên chợ tình không còn là chợ tình như ngày xưa nữa. Anh bảo: Cái bản Xủa Pả của mình may mắn chưa ai đụng gì tới. Ngồi nhìn ra phía trước hiên nhà của anh, đã quá nửa buổi sáng rồi vậy mà mây khói còn la đà khắp con đường dẫn vào bản. Hai bờ tường rào bằng đá ven đường bao bọc hai mảnh vườn đối diện nhau, bờ nào cũng dài hàng trăm mét, đá xếp cao quá đầu người. Mọi làng bản ở Đồng Văn hay Mèo Vạc, vườn nhà nào cũng xếp đá bao quanh như thế. Nhà lớn hay nhỏ, hầu hết đều lợp ngói âm dương (người địa phương gọi là ngói máng), tường nhà bằng đất sét nhào trộn với rơm, người ta gọi lối kiến trúc ấy là nhà trình tường. Đấy cũng là cách chống chọi lại cái giá rét của mùa đông trên cao nguyên đá này, có năm nhiệt độ xuống đến 1°C, tuyết rơi trắng núi. Bỗng dưng Thào Chư Páo bảo tôi: Lên ăn tết một lần trên này cho biết. Mùa xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn thường đến sớm hơn những nơi khác, khi những cành đào phai nở lốm đốm khắp núi rừng, cũng tức là xuân về. Các dân tộc H’mông, Lô Lô, Tày, Dao… ở đây còn nghèo, nhưng ăn tết kéo dài suốt cả tháng, là vì thực ra người ta chỉ chơi tết, ngắm tết, đẹp nhất là đi chợ tết. Lũng Phìn, Sà Phìn, Phó Cáo, Ma Lé, Lũng Cú, Đồng Văn… chợ phiên cả thôi, tức là đến phiên mới đông chợ. Khắp các làng bản rộn ràng cả lên chuyện đi chợ tết. Trai gái thanh niên đi, người già đi, trẻ con cũng đi xuống chợ, ai cũng áo quần đẹp, váy đẹp, sắc màu cứ như đua với ngàn hoa núi rừng mà nở. Nhà Thào Chư Páo ở sát đường cái, nên cái âm thanh đi chợ tết đã làm anh nghiện. Trời chưa sáng đã nghe trên đường xôn xao tiếng cười nói. Từng đoàn từng tốp con gái H’mông, con gái Dao, Tày…mang vác cõng gùi, cả những con ngựa thồ cũng hối hả lóc cóc gõ móng xuống đường. Nhưng không phải ai cũng đi bán, đi mua sắm tết, không có gì cũng đi, đã bảo tết là để ngắm để vui chơi mà! Tất cả lẫn vào trong sương khói xua cái giá rét mà đi, chợ tết cũng lẫn vào trong sương khói mà đông nghịt người. Bởi thanh âm giọng nói hơi khó nghe, tôi cố gắng ghép ý tứ câu chuyện chợ tết đầy ngẫu hứng của Thào Chư Páo, vậy mà chừng như cũng đâm ra nghiện cái chợ tết trên những rẻo cao này rồi. Trước khi từ giã anh để tiếp tục đường xa Đồng Văn - Lũng Cú, tôi còn nói với Thào Chư Páo: Tết năm nay chắc sẽ lớn hơn mọi năm, vì cao nguyên đá đã thành di sản thế giới rồi. Không hiểu anh có nghe rõ lời tôi hay không mà đôi mắt ấy có vẻ ngơ ngác. Rồi chợt như nhớ ra điều gì, Páo nói vọng theo lúc tôi bước lên xe: Làm gì cũng được, nhưng cứ để tết như…ngày xưa thì hay hơn.
Hóa ra cái anh chàng người H’mông này cũng hoài cảm, cũng lãng mạn ghê gớm. Mà có lẽ không riêng gì Thào Chư Páo. Liệu có quá lắm không khi tôi cứ nhìn tất cả những con người như Páo sinh sống trên cao nguyên đá này, đều là những nghệ sĩ bắt đầu từ đâu thuở hình hài còn trong thai mẹ. Hình như trong mỗi giọt huyết thanh kia đã biết múa hát rồi. Bạn đã từng bao giờ nghe dân ca H’mông ở đây chưa? Bài hát này tôi biết…bập bẹ là do nghe được cô gái H’mông hát trên cái xóm Séo Lủng, một cái xóm đầu tiên ở sát với đường biên giới. Bài hát do nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác cách nay đã nửa thế kỷ rồi. Ông lấy âm hưởng dân ca Tây Bắc làm nền cho nhạc phim “ Vợ chồng A Phủ”, nhạc cảm bài ca được gió núi truyền thêm sức sống cho mãi đến bây giờ :Anh sương sớm, em sương chiều…Nơi núi chỉ có hai người yêu nhau. Quả đúng là núi chỉ có hai người yêu nhau thật ! Đi dưới những mái núi đá tai mèo cao vời vợi trông giống như những kim tự tháp, ở Sà Phìn, Lũng Phìn, ở khắp Đồng Văn cho đến Mèo Vạc, tôi đã không biết bao lần đập vào vai những người bạn đồng hành chỉ vào những nơi cao tít tận…lưng chừng trời, trên mái núi cao ấy, hoặc có khi dưới thung sâu thăm thẳm, khi phát hiện ra những nơi sơn cùng thủy tận đó mọc ra một đôi mái nhà ẩn mình trong khói mây bảng lảng. Ở đấy quả đúng là nơi “ Núi chỉ có hai người yêu nhau”, rồi sinh con đẻ cái, đời này qua đời khác. Mà lam lũ và nhọc nhằn lắm, phải mót từng chút đất hiếm hoi trong đá, có khi phải cõng đất từ thung sâu lên bỏ vào từng hốc đá để gieo trồng mà thành hạt thành quả. Gian nan thế, vậy mà con người như những cây hoa rực rỡ màu sắc váy áo, vậy mà khèn điệu mênh mang, đàn môi tâm tình, vậy mà “anh sương sớm, em sương chiều” ngân nga cung bậc…Chẳng phải đợi đến ngày tết, ngày xuân, cứ hằng tuần vào các buổi chợ phiên đã là những ngày hội tưng bừng các sắc màu thổ cẩm. Và, cố nhiên rồi, tết sẽ vạn lần hơn thế nữa!
Trong hồ sơ mà tổ chức Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu ( Global Geoparak Networds) của Unesco kết nạp cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên, ngoài những giá trị địa chất, khoáng sản, khảo cổ, cổ sinh địa tầng…được các nhà khoa học khẳng định, thì những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc H’mông, Lô Lô, Dao, Tày, Nùng, Kinh…sinh sống trên cao nguyên đá này từ phong tục, lễ hội, kiến trúc, sắc phục…được xem như sự gắn kết sinh động hài hòa với môi trường cảnh quan thiên nhiên, tất cả góp phần tạo dựng nên một công viên địa chất độc đáo không chỉ ở trong nước mà còn mang tầm vóc nhân loại.
Tạm biệt cao nguyên đá Đồng Văn, mùa xuân sớm đã đến hay chưa tôi chẳng rõ, có điều hoa hoang cỏ dại và những cây đào phai trên các triền núi đá đã bắt đầu lốm đốm hư ảo trong sương mờ. Mây trắng từng vạt trôi la đà như tiễn tôi qua đỉnh Mã Pí Lèng. Bỗng dưng tôi nhớ đến những câu thơ của Bertolt Brecht: “Nếu viên sỏi nói nó sẽ rơi trở lại lúc anh ném nó lên trời. Anh có thể tin vào viên sỏi…”. Vâng, chỉ mới là viên sỏi thôi huống là núi non đá chất ngất đụng trời. Hãy ký thác vào đá sức vóc và tâm hồn… Phút giây xao xuyến ấy tôi lại chợt lầm thầm câu hát mà cô gái H’mông đã hát ngân nga trên cái xóm Séo Lủng - một góc trời biên cương của tổ quốc: Anh sương sớm, em sương chiều….Nơi núi chỉ có hai người yêu nhau !
N N T