*Sự gặp gỡ giữa 2 tài năng điêu khắc Tây Ban Nha Josep Maria Subirachs và Việt Nam Lê Ngọc Huệ trong cùng một đề tài về Thiên Chúa.
Điêu khắc gia Josep Maria Subirachs và các tượng Thiên Chúa giáo của ông tại một giáo đường ớ Barcelona, Spain.
Ông sinh năm 1927, nghệ thuật của ông vào thời cuối thế kỷ 20 và nỗi tiếng với nhóm tượng “The Passion Facade of the Basilica of the Sagrada Familia” tại Barcelona.
Việt Nam vào những năm 60 của thế kỷ 20 có một nhà điêu khắc người Pháp gốc Việt, sinh năm 1936, trẻ hơn Subirachs 9 tuổi, tên Việt đầy đủ là Lê Ngọc Huệ, thường được gọi là Bernard Huệ, tốt nghiệp trường mỹ thuật Montpellier, Pháp, được mời về dạy môn điêu khắc cho trường CĐMT Huế từ năm 1961 đến 1963. Năm 1962, pho tượng Trụ Cột Hòa Bình bằng đồng của ông đoạt huy chương Bạc trong cuộc triển lãm quốc tế mỹ thuật Sài Gòn lần 1, ngoài ra ông cũng là tác giả của quần thể tượng ngoài trời gồm 15 bức nói về 15 Sự Mầu Nhiệm Mân Côi tại khuôn viên nhà thờ Là Vang, Quảng Trị (xem hình kèm theo sau tượng của Subirachs), thực hiện từ năm 1961 đến 1963.
Đây là quần thể tượng về tín ngưỡng Thiên Chúa giáo lớn nhất và có giá trị mỹ thuật cao nhất tại Việt Nam kể từ lúc thành hình cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, lúc đầu chưa biết đến nghệ thuật thuộc chủ đề này của nhà điêu khắc Josep Maria Subirachs, tôi rất thán phục tính sáng tạo độc đáo của đkg Lê Ngọc Huệ, mới đây tình cờ tìm thấy trên Internet về một số tượng và thông tin của tác giả Subirachs thì thấy có sự khá gần gũi cả về trào lưu lẫn phong cách điêu khắc giữa Subirachs và Bernard Huệ. Rõ ràng, nhà điêu khắc người Tây Ban Nha có tuổi đời cao hơn ông Huệ và có tác phẩm ngoài trời từ năm 1957, sau đó liên tục có nhiều công trình điêu khắc lớn ở Tây Ban Nha và thế giới cùng là thành viên nhiều tổ chức Hàn lâm về mỹ thuật của Tây Ban Nha và một số nước. Một sự nghiệp như thế là quá lớn so với ông Huệ nhưng nếu dựa trên phong cách và trường phái điêu khắc hiện đại mà các tác phẩm của hai ông đã cho thấy có nhiều điểm giống nhau ngoài một vài hình thức trang phục không giống nhau và thời điểm sáng tác khác nhau, nhóm tượng của Subirachs được thực hiện năm 1987 tại Barcelona còn các tượng của ông Huệ thì làm vào năm 1961-1963 tại Quảng Trị , Việt Nam. Như vậy, chưa thể kết luận ông Huệ đã chịu ảnh hưởng Subirachs, tuy nhiên, chắc chắn một điều là cả hai nhà nghệ sĩ này đều xuất thân từ cái nôi mỹ thuật hiện đại của phương Tây vào giai đoạn cuối thế kỷ 20, đó là thời điểm chín mùi của chủ nghĩa biểu hiện và lập thể nên họ đã gặp nhau trong nghệ thuật tạo hình rất biểu cảm, đơn giản nhưng nặng tính tư tưởng.
Rất tiếc, dù rất cố gắng tìm kiếm thêm thông tin về nhà điêu khắc Lê Ngọc Huệ nhưng không thấy chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm.
*Nhân nói về điêu khắc của J.M. Subirachs và Lê Ngọc Huệ, xin đề cập đến điêu khắc hiện đại của thế giới từ Rodin đến Giacometti.
Auguste Rodin sinh năm 1840, tại Paris, Constantin Brancusi sinh năm 1884, tại Rumani, Henri Moore sinh năm 1898, tại Anh và Giacometti sinh năm 1901 tại Thụy Sĩ, cả 4 ông đều để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm điêu khắc vô giá và tạo ảnh hưởng rộng lớn đến các nghệ sĩ đời sau các ông và các đời sau nữa.
Rodin là bậc thầy điêu khắc hiện thực vĩ đại, những tác phẩm đầy tính nhân bản và tư tưởng của ông đã trở thành kinh điển cho toàn thế giới nhưng Constantin Brancusi mới là nhà điêu khắc tiền phong hàng đầu của thế kỷ 20. Ông mở đường cho thứ điêu khắc mang tính trừu tượng, loại bỏ phần lớn hình thể sự vật để sao cho tác phẩm chỉ còn là thứ nghệ thuật ý niệm.
Và Henri Moore chính là người chịu ảnh hưởng khuynh hướng này của Brancusi và đưa nghệ thuật điêu khắc trừu tượng đến sự thành công không thể mỹ mãn hơn. Sự thành công tuyệt vời này của Henri Moore khiến phần nào Brancusi bị lu mờ bởi đám đông chạy theo thị hiếu mà lại ít biết đến tầm quang trọng của việc ai là kẻ mở đường.
Nhân vật sau cùng của bộ tứ điêu khắc gia xuất chúng của thế kỷ20 này là một người trẻ hơn, Giacometti, ông hoàn toàn khác, độc lập và độc đáo với trường phái riêng. Tượng của ông là hình hài con người không còn da thịt hay đúng hơn chỉ là da bọc xương đang kêu gào hay như một cõi người từ chết chóc đi ra, từ những đám cháy, từ những địa ngục. Rõ ràng ông đã lớn lên từ cuộc chiến tranh thế giớ lần thứ 2 và sau đó là gánh chịu những hậu quả mà những xung đột ghê gớm và cực kỳ tàn bạo giữa người và người để lại. Điêu khắc của Giacometti ngược hẳn điêu khắc của Henri Moore, một bên là gầy ốm, lêu khêu, đau đớn và tuyệt vọng, một phía là phồng vinh, đẩy đà, khêu gợi và đánh thức ham muốn, điêu khắc của Giacometti mang phong cách siêu thực và Henri Moore thì tạo ra một ngôn ngữ điêu khắc trừu tượng rất phong lưu, luôn bềnh bồng hư áo.
Trở lại với Subirachs và Bernard Huệ (Lê Ngọc Huệ), hai nhà điêu khắc này thuộc lớp trẻ so với Henri Moore, cách nhau khoảng 26 năm với Subirachs và 37 năm với Bernard Huệ. Về trường phái điêu khắc, hai nhà điêu khắc trẻ không ai chịu ảnh hương trực tiếp với điêu khắc của Henri Moore hay Giacometti, họ, theo tôi, cả hai đều chịu ảnh hưởng trường phái biểu hiện và lập thể khá rõ nét.
Ghi chú:
Tôi có may mắn được thăm bảo tàng Rodin, bảo tàng Giacometti, xem tượng của Brancusi tại bảo tàng Centre Pompidou tại Pháp năm 1994-95 và tượng của Henri Moore tại bảo tàng Smithsonian ở Washington DC.
*Lại bàn thêm về điêu khắc Điêu khắc Mai Chửng giữa điêu khắc của Henri Moore và Lê Ngọc Huệ.
Mai Chửng sinh năm 1940 tại Bình Định Việt Nam là một nhà điêu khắc tài năng vào hàng đầu của Mỹ thuật Miền Nam VN trước 1975. Anh vốn là học trò của nhà điêu khắc người Pháp gốc Việt Lê Ngọc Huệ (Bernard Huế) vào niên khoá 1961-1962 của trường CĐMT Huế.
Tất nhiên, thầy Huệ xuất thân từ môi trường mỹ thuật Pháp. cái nôi của một nền nghệ thuật hiện đại của thế giới đã đem lại cho Mai Chủng, người học trò xuất sắc của mình một số vốn quan trọng về nghệ thuật điêu khắc hiện đại mà ông đã lĩnh hội. Rất tiếc, thầy Huệ không có được bao nhiêu tháng ngày để cống hiến cho lớp trẻ và điêu khắc Việt Nam, ông phải về Pháp từ sau biến cố tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại.
Dẫu sao, dù nhiều hay ít, những gì thầy Huệ truyền lại cho Mai Chửng cũng là hành trang vào nghiệp rất hữu ích. Sau khi ra trường, Mai Chửng đã trở thành
Một nhà điêu khắc trẻ tiềm năng cho một tầm vóc nghệ sĩ lớn khi anh nhận công trình điêu khắc đầu tiên tại thương xá Tam Đa ngay trung tâm Sài Gòn vào năm 1965-66 với 2 tác phẩm, một là phù điêu có kích thước 2m x 2m bằng đồng và một tượng bằng thạch cao với kích cở 80cm x 2m, tất cả đều theo khuynh hướng hiện đại. Bức phu điêu có tên là Chiến tranh và Hòa bình, pho tượng mang chủ đề Mẹ con. Rất tiếc là 2 tác phẩm này đều bị phá hủy sau 1975 do một nhà thầu mới nhận trang trí lại cho thương xá này.
Tiếp theo sự thành công của 2 tác phẩm điêu khắc nêu trên, Mai Chửng đã tạo thêm một bước phát triển cho sáng tác của mình bằng 2 tác phẩm, một bằng cách kết hợp hàng trăm vỏ đạn súng trường để tạo ra pho tượng “Cái Mầm”, một tác phẩm mang dấu ấn thời chiến tranh Việt Nam và một tác phẩm khổng lồ bằng đồng lá kết dính có chiều cao 18m diễn tả một bông lúa đang ở thời kỳ sung mãn, pho tượng này do một ngân hàng lớn của Sài Gòn đặt hàng và được dựng tại thành phố Lòng Xuyên vào năm 1966.