Trong bài thơ "Vì sao" của Xuân Diệu có câu hỏi “Làm sao cắt nghĩa nghĩa được tình yêu” và thi sĩ đã tự trả lời một cách mông lung:“Nó cuốn hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”.
Thuở vào đời, bắt đầu đi làm và biết yêu, tâm hồn thanh niên dễ hấp thụ các tư tưởng lãng mạn nên ở ngay giữa phòng khách, tôi treo tấm poster khổ lớn chụp cảnh hoàng hôn mầu cam chín, nắng chiều dần tắt dưới chân đồi… rồi viết thêm câu thơ lãng mạn ấy với dấu chấm hỏi như tựa đề bài viết này.
Hơn bốn thập niên lạnh lùng trôi qua, chơi xuân chưa hết, yêu đương chưa thỏa mà cái già xồng xộc đã đến sau lưng! Không gian, vạn vật, tinh thần, thể xác… đều biến đổi theo thời gian nhưng lạ thay, tuổi già vẫn không làm tôi quên cái câu hỏi “vớ vẩn” của Xuân Diệu… Ông là nhà thơ đồng tính một thời cặp cùng Huy Cận giống Rimbaud với Verlaine bên trời Âu. Tâm sự qua bài “Tình trai”… Xuân Diệu “quên ngó môi son với áo màu” vì yêu phái nam nên ông định nghĩa tình yêu thiếu hình ảnh phụ nữ, giản dị chỉ nắng nhạt, mây trôi… cũng là điều dễ hiểu.
Thú yêu đương thật khó đồng nhất bởi người đời giầu tưởng tượng nhưng ở tình yêu, đàn bà luôn luôn là trọng tâm thu hút vì thế chẳng bao giờ tôi đồng ý với định nghĩa của Xuân Diệu mà tự nhủ sẽ để ý tìm ra câu trả lời thiết thực ý nghĩa hơn.
Yêu là cho đi tất cả, đôi khi với cả mạng sống của mình nên càng giầu tình yêu, dục tình càng cao thì càng nghèo của cải và thể chất. Để định nghĩa tình yêu, con người chẳng thể bỏ quên hiện tượng tình dục. Nó luôn đến sau tình yêu và thường mang tính đam mê chủ động. Về mối tình đôi lứa, đối tượng tình yêu là người nhưng đối tượng tình dục là vật nếu đứng đơn lẻ, giản dị chỉ là một nhu cầu sinh lý trăng hoa mà thôi.
Tình yêu và tình dục như bóng với hình. Tình dục là lửa lòng, phần thưởng cao quý do tình yêu hiến tặng… Lửa có sức nóng hấp dẫn nhưng cũng dễ nguội lạnh khi gặp cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt”! Do đó tình yêu cũng giống như thời tiết, có thể đo bằng hàn thử biểu. Vậy thử hỏi chúng ta sẽ dùng phương cách nào để đo tình?
Tình thường ẩn sâu trong lòng, cảnh vật nằm ngoài, xa cách người yêu gặp lúc chiều về… nắng nhạt, gió hiu hiu như lời tả của thi nhân. Liệu phong cảnh ảm đạm ấy sẽ làm lòng người nhớ thương, hoài cảm hay dửng dưng với sự cô độc của riêng mình? Năm giác quan là chất xúc tác nối liền tâm hồn với hoàn cảnh rồi phản ứng. Theo tôi, đó chính là cách đo nồng độ tình yêu dễ dàng nhất?
Cuộc sống lứa đôi cho dù lý tưởng cũng chẳng bao giờ phẳng lặng. Sẽ có lúc giận hờn, trách móc rồi xa nhau nhưng lạ thay vui chơi một mình giữa bạn bè, ăn miếng ngon vật lạ mà lòng vẫn nhớ và tự hỏi: “Phải chi người ấy ở bên ta lúc này để cùng thưởng thức thì hạnh phúc biết bao!”
Thế rồi một buổi chiều nào, cô đơn trên bến tàu nhìn thành phố lên đèn giữa sông nước mà lòng tràn ngập nhớ mong, nhớ kẻ ở lại nhà rồi tự hỏi: “Nếu người ấy cùng ta nắm tay đi giữa hoàng hôn chiều nay thì đời hẳn sẽ vui hơn!” Từ những cảm xúc ngẫu nhiên chân thật đó, chúng ta liệu có thể đo lường và định nghĩa được tình yêu?
Các hiện tượng trên thường xảy đến với tôi mỗi khi lòng cảm thấy hạnh phúc từ cảnh lạ đường xa, thưởng thức miếng ngon vật lạ... Tôi cân nhắc sự thể như là thước đo tình yêu đối với một người vì nếu nói ngược lại sẽ là sự lạnh lùng, dửng dưng, ích kỷ… những tĩnh từ đó không tìm thấy trong tự điển tình yêu!
Hãy thử xa nhau rồi nhanh chóng bạn sẽ tìm được định nghĩa cho tình yêu của mình. Tưởng cũng đừng lẫn lộn bổn phận, trách nhiệm và tình yêu. Đó là ba đề tài nằm chung cái rọ gia đình nhưng khác nội dung.