(Tiếp theo kỳ trước)
Trước khi bước sâu vào những trang sách của tác phẩm “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam / NLLĐMTCCVN” cuốn 1, lần đầu tiên(?) tác giả Lê Công Tâm ghi lại phát biểu của Mao Trạch Đông, người sáng lập đảng CS Trung Hoa - - Tựa như đó là một trong những lỗi lầm định mệnh lớn nhất của lịch sử Việt Nam cận đại?
Lược thuật của ông viết đại ý: Hai năm sau sự kiện cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ bị sát hại, Chủ tịch Mao Trạch Đông của đảng CS Trung Hoa, đã có một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, dành cho ký giả Hoa Kỳ Edgar Snow ngày 25 tháng 2 năm 1965, tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh - - Khi đó, họ Mao 72 tuổi, ông bất ngờ nói lên quan điểm riêng của mình, về cuộc chính biến 1 tháng 11- 1963 tại Sài Gòn. Ông cho rằng, lẽ ra cuộc đời của cố Tổng Thống Diệm không đến nỗi phải chịu cái kết cuộc bi thảm như vậy!
Họ Mao cũng đã nêu giả thuyết cho rằng, người Mỹ thời gian đó, không còn tin cậy TT Diệm nữa. Ông ta còn nói, cả Hồ Chí Minh lẫn ông ta đều nghĩ TT Diệm không đến nỗi tệ hại như người Mỹ đã đánh giá.
Họ Mao kết luận:
“… Xét cho cùng, sau khi ông Diệm bị sát hại thì chẳng hiểu mọi sự trong trời đất này có trở nên hòa bình hơn không? Ông Diệm đã không muốn nhận bất cứ một mệnh lệnh nào…” (10)
Vẫn theo trích dẫn của tác giả Lê Công Tâm từ trong hồi ký “My Father The Spy – An Investigative Memoir” của John H. Richardson, con trai Trưởng cơ quan CIA Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn thì, cha ông John Richardson bị Đại sứ Henry Cabot Lodge nghi ngờ có liên hệ chặt chẽ với Cố vấn Ngô Đình Nhu, nên đã áp lực buộc ông này phải trở về Hoa Thịnh Đốn trước khi cuộc đảo chánh xẩy ra. Người con của ông John Richardson cũng sống tại Sài Gòn trong suốt thời gian bố ông làm việc tại đây, cũng ghi lại một chi tiết liên quan tới cái chết của TT Diệm và ông Nhu như sau:
“… Một ngày, Lou Conien (người móc nối giữa tòa Đại Sứ Mỹ và nhóm tướng lãnh Việt Nam trong cuộc đảo chánh 1 tháng 11-63, đã mời mẹ tôi ra ngoài ăn trưa. Điều này quả là hiếm thấy. Elyette Conien (vợ của Lou) từng có dịp giúp đỡ mẹ tôi nhiều lần, như tìm nhà để ở tại Sài Gòn, giúp mẹ tôi trang hoàng phòng khánh tân của Bill Truehart (Charge Affaire, quyền đại sứ Mỹ tại Sài Gòn từ tháng 5 đến tháng 7, 1963 khi đại sứ Nolting bị triệu hồi về Mỹ và được thay thế bởi Henry Cabot Lodge) để ông ta có thể có những cuộc tiếp đãi chính thức, nhưng mẹ tôi chưa bao giờ đặc biệt thân thiết với Lou.
“Tại một nhà hàng gần thành phố McLean (thuộc quận hạt Faifax, tiểu bang Virginia) ông ta cho mẹ tôi biết bố tôi đã đơn độc như thế nào tại Sài Gòn trong thời gian sau cùng của ông tại đây. Ngay chính Dave Smith, người phụ tá của bố tôi cũng quay lại phản bội ông. Nhưng điểm chính dường như Lou muốn nói đến lại là Cabot Lodge. Ngay sau khi hai ông Diệm-Nhu bị thảm sát, cả hai ông Kennedy và Lodge đều đưa ra những lời tuyên bố là họ quá bàng hoàng và choáng váng. Lodge khăng khăng bảo hắn không hề hay biết việc ông Diệm có thể bị bắn chết. Nhưng điều này hoàn toàn láo khoét. Conien nói, Lodge đã biết họ sẽ bị giết chết. Lodge đã hứa sẽ gửi một trực thăng đến để giúp họ, nhưng không bao giờ thực tâm làm điều này.
“Mẹ tôi hoàn toàn không hiểu tại sao Lou lại kể bà nghe những chuyện ấy? ‘Có lẽ do hắn tự vấn lương tâm?’ Mẹ tôi sau đó bảo tôi, ‘tuy nhiên con đừng bao giờ tin những điều Lou nói’.” (11)
Trả lời câu hỏi phải chăng tác giả bộ sách NLLLSTCCVN có xu hướng sử dụng những tài liệu của chính người Mỹ, nghiêng về phía ghi nhận chính quyền Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về cái chết của cố TT Diệm và bào đệ,… tác giả Lê Công Tâm lập lại rằng ở một khía cạnh hay một phần nào đó, ông chịu ảnh hưởng bởi quan điểm của trường phái xét lại lịch sử. Vì những chứng cớ hiển nhiên từ lâu được giấu kín, nay đã được các sử gia thuộc thế hệ mới đưa ra để xác định tính cách khách quan về khả năng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu một cách hiệu quả và tính nhân đạo bên cạnh người Mỹ. Và dân chúng miền Nam ủng hộ chính phủ của họ nhiều hơn là người dân ở miền Bắc, ủng hộ đảng CSVN trong thời gian chiến tranh. Ngoài ra, các tác giả như Arthur Dommen, H.R. McMaster, Michael Lind hay C Dale Walton, cũng đã chứng minh những “sai lầm về chiến thuật lẫn chiến lược của Hoa Kỳ” trên nhiều lãnh vực… Chính vì thế mà chúng đã đưa đến thảm họa ngày nay: Hoa Kỳ đã mất uy thế chính trị, quân sự cũng như ngoại giao tại Biển Đông. Họ Lê nhấn mạnh:
“Đặc biệt lầm lẫn lớn nhất là cuộc chính biến ngày 1 tháng tháng 11, 1963 làm mất đi những ưu thế người Mỹ đã tạo được tại miền Nam trước đó chín năm. Nên đã xô đẩy miền Nam rơi vào một thời kỳ bất ổn và suy yếu…”
Mục tiêu của tài liệu nói chung, được chọn để sử dụng, trích dẫn, vẫn theo tác giả Lê Công Tâm thì đó là chủ ý của ông. Ông muốn ghi nhận và phổ biến một cách rộng rãi những sự kiện mang tính lịch sử ấy; từ đó, chúng giúp họ Lê, đi đến kết luận:
“Người Việt đến tị nạn tại Hoa Kỳ vì một lý tưởng yêu chuộng tự do và không vì một ơn huệ của một chính phủ Mỹ nào!. Ngoài sự tiếp nhận tử tế của người dân Hoa Kỳ, và cũng không khác tổ tiên họ, những người Thanh Giáo bị đàn áp đã tìm mọi phương cách đến miền đất hứa này cách đây hơn 200 năm…”
Tác giả nói thêm, ông đã cố gắng tối đa trong nỗ lực trình bày các sự kiện lịch sử một cách khách quan. Nhưng không vì thế mà tác phẩm sẽ không có những thiếu sót về ngôn từ, và có thể đôi khi cả sự chủ quan cũng có thể dẫn đến những sai lầm, có thể có… Vì thế, họ Lê kêu gọi các bậc thức giả và độc giả cảm thông về những thiếu sót không sao tránh khỏi này.
Lại nữa, tác giả cũng đã rất thẳng thắn, trung thực và tự tin khi xác nhận, ông không tự hề nhận là một sử gia mà:
“… chỉ muốn trình bày hai quan điểm của nhóm sử gia Hoa Kỳ theo chủ trương xét lại: - Cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh công chính và cần thiết cho Hoa Kỳ. (Theo Vietnam the Necessary War by Michael Lind; Triumph Forsaken The Vietnam War 1954-1965 by Mark Moyar...) - Về phần miền NamViệt Nam, là nạn nhân trong cuộc chiến Việt Nam như một hệ quả của cuộc Chiến Tranh Lạnh (The Cold War). Chính quyền và nhân dân miền Nam đã chiến đấu để bảo vệ quyền sống và sự tự do, đặc biệt Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu một cách hiệu quả và đạo lý bên cạnh người Mỹ, và dân chúng miền Nam ủng hộ chính phủ của họ nhiều hơn nhân dân miền Bắc, ủng hộ chính quyền Cộng Sản trong thời gian chiến tranh... (Theo Mark Moyar, Triump Forsaken).”
(Kỳ sau tiếp)
_________
Chú thích:
(10) McNamara, Inrestropect, 84-85 Times (London), February 1965…Chú thích của NLLLSTCCVN, tr. 34.
(11) Richardson, My Father The Spy – An Investigate Memoir, tr. 208. Chú thích của NLLLSTCCVN, tr.35.