Lòng chưa cạn đêm sâu của Nguyễn Ngọc Hạnh được chia làm 2 phần. Phần Một gồm gần 30 bài ký, tản văn viết về quê nhà, về bạn bè, về đồng nghiệp. Xương sống của phần này chính là sự nặng lòng của tác giả với quê hương mình. Đấy là chuyến phà ngày cuối cùng đưa người qua sông Hàn được tác giả suy ngẫm trong ngổn ngang nỗi niềm thế sự. Đấy là người đàn bà buôn gánh lặng lẽ trong vai diễn của mình thời chiến tranh ác liệt giữa thành phố này. Sau ngày đất nước thống nhất, để không phải làm công việc mà mình không thông thạo khi tổ chức phân công, nên chị đã về quê thực sự buôn gánh để nuôi chồng con trong cuộc mưu sinh đầy vất vả, không hề buôn bán lợi danh trong đôi gánh của mình. Câu chuyện cảm động về phẩm chất Người dù ở thời nào cũng không đổi thay.
Đấy là “một cảm giác rờn rợn từ ngọn gió ngoài đồng thổi về mang yếu tố tâm linh huyền bí. Biết đâu ở một thế giới nào đó, mẹ tôi phát hiện ra đứa con trai của mình đã hơn sáu mươi tuổi rồi mới hiểu hết ngọn nguồn, quê mẹ. Và, tôi đang thả tâm hồn tôi, đang mơ được ngồi sau lưng ông ngoại trên yên ngựa để cùng ông lang bạt về nguồn, nơi có con sông Vu Gia một thời tuổi thơ tôi tắm mát”. (Quê mẹ). Đấy là ký ức và hoài niệm tuổi thơ mà họ đã từng sống, từng mang theo suốt cuộc đời mình. Nỗi nhớ làng luôn là tâm trạng khắc khoải, bồn chồn đến day dứt: “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê, bóng núi cứ chập chờn...”. Đấy là câu chuyện như huyền thoại của bà cháu cậu bé Thiện Nhân khi được nhà báo Mai Anh quyết định nhận làm con và cứu chữa sau khi chân và nhiều bộ phận đã bị thú ăn khi bị mẹ đẻ bỏ rơi. Và Lòng chưa cạn đêm sâu còn chan chứa mến thương với hai bài viết về hai người bạn thơ thân thiết của tôi vừa qua đời là Ngô Minh và Nguyễn Trọng Tạo.
Phần Hai, Phơi nỗi buồn lên thơ gần nửa tập sách là những bài viết về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ở các góc nhìn khác nhau, những cung bậc cảm xúc khác nhau. Với số lượng bài viết nhiều và kéo dài trong suốt nhiều năm như vậy, chứng tỏ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có điều gì đó tiềm ẩn rất riêng khiến nhiều người quan tâm đến anh. Và cho đến tập thơ này Nguyễn Ngọc Hạnh đã tỏa sáng, khẳng định tên tuổi mình cũng là điều dễ hiểu. Số người quan tâm tới thơ Hạnh không chỉ có những nhà thơ, nhà văn lớn tuổi như Thanh Thảo, Du Tử Lê, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh, Thanh Quế, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thế Khoa, Thái Thăng Long, Phạm Phú Phong, Huỳnh Văn Hoa, Bùi Văn Tiếng... mà còn có cả những nhà thơ, những nhà phê bình trẻ như Trần Tuấn, Hoàng Thụy Anh... Trong bài “Nguyễn Ngọc Hạnh bẻ ghi nỗi đau”, nhà phê bình trẻ Hoàng Thụy Anh đã khép lại phân tích của mình bằng đoạn kết chan chứa tình cảm: “Nguyễn Ngọc Hạnh phơi cơn mưa lên chiều nghĩa là ông đang phơi tâm thức mặn mà, chín từ tuổi lục tuần lên thơ. Sức mạnh đau thương trong thơ ông không chỉ làm nên khúc quanh sáng tạo đầy nghệ thuật (dựa vào bản năng gốc) mà còn dệt nên những cơn địa chấn của cảm xúc. Chính sự trinh nguyên của hồn thơ lúc nào cũng thấy “lòng chưa cạn” đã mang đến môi sinh thơm ngát và đầy mê hoặc cho Phơi cơn mưa lên chiều. Còn nhà thơ Trần Tuấn lại “nhận ra điểm riêng khá độc đáo trong tập thơ này là sự chuyển động, là dòng chảy, là sự dạt trôi, đôi khi lạc trôi. Tất cả các câu thơ, bài thơ đều chuyển động… Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh để lại ấn tượng là những bài thơ giăng mắc được những điểm chạm ấy. Cảm xúc của ký ức, từ ký ức. Đôi lúc anh có triết lý thì cũng trên cái nền cảm xúc và nỗi hoài niệm đến cạn kiệt tâm can: “Khi chạm gót nẻo đời vô ngã/ Là tôi bước tới phía sau mình”. Bề dày những bài viết về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh của nhiều tác giả cho thấy anh luôn có nhiều niềm tin cho con đường thi ca mà mình đã chọn.
Người viết về mình cũng hết lòng. Mình viết về người cũng hết lòng. Bởi vậy Lòng chưa cạn đêm sâu đã để lại một phức cảm của hai chiều cảm xúc khiến người đọc cảm thấy quý mến, gần gũi Nguyễn Ngọc Hạnh hơn khi cầm trên tay cuốn sách này. Cũng cần nói thêm, để có được giao cảm đó trong bối cảnh thơ ca hiện nay thật không dễ dàng. Điều này càng thấy rõ hơn, tình yêu văn chương của Hạnh lúc nào cũng tràn trề, lúc nào cũng đắm lòng không do dự. Đó là năng lượng không bao giờ vơi cạn mà người dấn thân vào nghiệp này luôn luôn phải nuôi dưỡng, gìn giữ nó như chính quả tim nhỏ bé của mình. Gìn giữ được như thế, mới có thể dâng hiến bền lâu, dâng hiến thâm hậu cho đến khi sức tàn lực kiệt. Một dâng hiến trong veo không toan tính.
_______
(*) Đọc bút ký, phê bình Lòng chưa cạn đêm sâu của Nguyễn Ngọc Hạnh, Nxb Đà Nẵng, 2019