VĨNH QUYỀN - Cơn giông và cánh dù đỏ

10 Tháng Bảy 20199:20 SA(Xem: 5294)
VĨNH QUYỀN - Cơn giông và cánh dù đỏ

Chuyến tàu khách Cà Mau - Năm Căn cập bến. Cảnh tượng hàng trăm tàu xuồng đủ cỡ đủ loại náo nhiệt chung quanh mang lại cho Phan, gã miền Trung lần đầu đến đất mũi, cảm giác choáng ngợp thú vị đồng thời với lạc lõng đơn độc. Đặt chân lên cầu cảng thì mặt trời đã khuất sau rặng đước phía xa và chuyến đi đường thủy hơn ba tiếng đồng hồ khiến anh thấy đói sớm hơn thường lệ.

Phan đi về hướng dãy hàng quán dọc bến tàu vừa lên đèn. Phần lớn chúng được dựng bằng thân dừa nước và có đến hai cửa chính, một hướng ra đường, một vọng ra sông. Anh bước vào quán gần nhất, cũng là nơi đông khách nhất. Chỉ còn một bàn trống trong góc. Mọi người trong quán ngừng ăn uống, ngừng những câu chuyện đang ầm ĩ, ngước mắt nhìn Phan. Họ nhận ra ngay khách lạ. Anh còn nhận ra điều ấy còn rõ hơn.

Ngồi vào bàn, nhìn lên bảng thực đơn treo trên vách, nó lập tức làm Phan phát ốm vì hầu hết các món đều được chế biến từ thịt thú hoang đất phương Nam. Cá sấu, trăn, rắn, rùa, dơi, và cả chuột đồng. Chưa biết làm thế nào để có bữa cơm vừa miệng, Phan nghe ai đó thì thầm sau gáy. Ngoảnh lại, anh thấy đầu một con rắn đang nhún nhảy với cái lưỡi dài lè ra thu vào nhanh như chớp. Oái một tiếng, bật dậy như lò xo, đập đầu gối vào mép bàn, Phan làm đổ tung tóe muỗng đũa và các thứ gia vị bày trên bàn xuống sàn.

Tất tật người trong quán đều phá lên cười sung sướng, cười chảy nước mắt nước mũi. Thì ra con rắn đã bị nhốt trong lồng sắt mắt cáo chờ mổ thịt và cái lồng ở cách Phan gần cả sải tay. Anh cũng bật cười theo, ngượng nghịu nói lời xin lỗi bà chủ quán. Bà xua tay tỏ ý đừng bận tâm, quay sang bảo cô gái đứng cười khúc khích sau quầy, ra thu dọn mọi thứ.

66314856_208995740068345_464033785692815360_n

Cô gái chừng hai mươi tuổi vẫn chưa nín được cười khi ra dọn dẹp ở bàn Phan. Nhưng anh không thấy khó chịu với kiểu ứng xử có vẻ trẻ con ấy, nhờ cô chọn giúp món cho anh, nói rõ là anh cần một bữa cơm chắc bụng hơn là bữa nhậu.

Thái độ của anh khiến cô cảm thấy thoải mái, nói “em nói chuyện với ông chút được hông?”

“Được, em ngồi xuống đây.”

“Hổng ngồi đâu, chỉ thích nghe giọng “nước Trung” của ông thôi.”

“Tại sao?”

“Nghe mắc cười lắm.”

“Vậy hả?”

“Dạ.”

“Em tên gì?”

“Suchia.”

“Hả? Em tên gì?”

“Su-chia, tên Khmer mà.”

“Em người Khmer?”

“Dạ.”

“Vậy em là người Khmer đầu tiên mà tôi nói chuyện đó.”

“Thiệt hông?”

“Thiệt, làm ở đây bao lâu rồi?”

“Bộ đây giống người giúp việc lắm hả?” Suchia trả lời bằng một câu hỏi ngược tinh nghịch.

Phan xin lỗi với nụ cười rồi hỏi, “vậy con gái bà chủ?”

“Bả người Việt mà, là khách hàng của em, em bán cho bả các thứ đặc sản.”

Rồi chỉ vào con rắn vừa khiến Phan chết khiếp, cô khúc khích cười, “của em đó.”

Phan cũng không nhịn được cười.

“Ba em đi săn nó, còn em đi giao hàng, hiểu hông?” Suchia tiếp.

Gật đầu với cô gái Khmer nhưng tâm trí Phan lại đang ở đâu đó ngoài câu chuyện. Lối vuốt đuôi cuối câu kiểu Nam bộ của Suchia khiến anh chạnh nhớ đến Lai. Anh đã từng no nê những trò chuyện ngọt ngào cung cách Nam bộ trước khi Lai bỗng biến mất khỏi đời anh.

“Ông mới vào Năm Căn lần đầu hả?”

“Phải.”

“Du lịch hay công tác?”

“Việc riêng.”

“Vậy hả? Em xin lỗi.”

“Không có gì, chỉ tại em quan tâm thôi mà.”

Bữa cơm đã dọn lên.

“Ông ngon miệng nghen,” Suchia mỉm cười với Phan rồi quay đi.

“Chờ chút, em chỉ giùm tôi khách sạn gần nhất…”

Suchia chỉ tay qua cửa sổ nhà hàng, hỏi “ông có thấy cái khách sạn đàng kia?”

Phan gật đầu, bỗng sực nhớ chuyện còn quan trọng hơn, “em có biết thôn An Lạc không?”

“An Lạc hả?”

“Phải, mai tôi có việc phải đi An Lạc.”

“Em biết, nhưng từ đây vào trỏng xa lắm, em cũng chưa đi lần nào.”

“Vậy là tôi gặp khó rồi.”

Cô gái có vẻ ái ngại khi nghe giọng nói đầy cam chịu của người đàn ông “nước Trung”, nhưng cô vẫn chào anh để chia tay.

Chừng một tiếng sau, Phan đã yên ổn trong khách sạn. Cố dành sức cho chuyến đi ngày hôm sau, anh đi ngủ sớm, trước 9 giờ. Vậy mà, khoảng nửa đêm anh bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa.

Thấy anh vừa dụi mắt vừa mở cửa, tay nhân viên lễ tân nhe răng cười, “xin lỗi, anh Hai ngủ rồi hả?”

“Chuyện gì không?”

“Dạ, tưởng anh Hai cần, thì đưa em út lên…”

“Cám ơn, đêm nay thì không.”

*

Điều bất ngờ dành cho Phan ở sảnh khách sạn sáng hôm sau. Từ cầu thang, anh đã trông thấy Suchia đang ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ đối diện quầy lễ tân, đung đưa đôi chân dài. Trông cô xinh hơn, ấn tượng hẳn ra trong áo váy truyền thống Khmer.

“Chào Suchia.”

“Chào...”

Suchia đáp lại, bối rối đứng lên, hai bàn tay xoắn vào nhau trước ngực, như không phải là cô gái hồn nhiên tinh nghịch Phan đã gặp tối qua.

“Em nhập hàng cho khách sạn?”

“Dạ không..., em chờ ông…”

“Tôi?” Phan ngạc nhiên về điều nghe được từ Suchia và càng ngạc nhiên khi bắt gặp mình đang lúng túng, rồi anh lên tiếng, “em ăn sáng nhé?”


“Dạ, nhưng ăn sáng trên thuyền, với ba em.”

“Ba của em?”


“Dạ, ba em đang chờ.”


“Ủa…?”


“Tối qua em kể chuyện cho ba em nghe, ổng nghĩ là ổng phải đưa ông đi An Lạc.”


“Thật hả…”


“Dạ, vậy mình đi ông há?”


“Em và ba em tốt quá.”


“Giúp đỡ nhau là chuyện thường mà ông.”


Chừng mươi phút sau hai người đến cầu cảng.


Cha của Suchia, một ông già Khmer gầy, đen trũi, đưa tay đỡ khách lên vỏ lãi. Phan nói cám ơn.


“Hổng có gì, nghe nói anh đi An Lạc, mà có tàu khách nào từ đây vào trỏng đâu.”


“Thật may mắn mới gặp được Suchia và ông, tôi tên Phan.”


“Kêu tui là Ba Trăn. Muốn đi về trong ngày thì nổ máy luôn, có bánh mì xíu và cà-phê nữa, vừa đi vừa ăn.”


Bến cảng Năm Căn chẳng mấy chốc hút khỏi tầm nhìn. Chiếc vỏ lãi như lạc giữa những cánh rừng đước dài vô tận, không ngừng mở ra khép lại sau mỗi
khúc quanh sông. Ông Ba Trăn cầm lái, Suchia ngồi cạnh Phan trước mũi.


Nhìn thấy hai bàn tay anh bíu chặt mạn thuyền, cô gái tủm tỉm, “mới đi vỏ lãi lần đầu, đúng hông?”


Phan gật đầu cười, “ừ, cứ như mũi tên bay.”


Gió sông không chỉ thổi bạt lời nói mà còn làm bung mái tóc đen dày của Suchia. Phan hít sâu không khí trong lành đất trời cuối Việt, lẫn cả mùi tóc cô gái Khmer, một mùi hương trinh trắng.


Từ phía đuôi thuyền ông Ba Trăn lên tiếng, “có việc gì vào tận xứ An Lạc dữ dậy?”


“Dạ tìm người nhà.”


“Lóng rày cũng nhiều người Trung vào đây sống, nhưng đâu thấy ai tuốt tới An Lạc…”


“Người tôi đi tìm là dân An Lạc chính cống.”


“Bạn hả?”


“Không, vợ.”


“Vợ?”


“Vợ!”


Gió làm méo âm dạng, họ phải nói to, rõ từng tiếng mới nghe được.


Sau đó là im lặng.


Suchia và cha cô bối rối khi biết Phan lặn lội tìm vợ nơi tận cùng đất nước, nơi có cái tên mà theo nghĩa nhà Phật là chốn bình yên vui vẻ, An Lạc, trong khi nét mặt và nhất là giọng nói của anh thì chất chứa đau buồn.


Tiếng nổ của chiếc vỏ lãi giờ nghe đanh hơn, xuyên vào sự tĩnh lặng của sông nước, rừng cây và cả con người. Trong khung cảnh hoang vắng, Phan cảm thấy nhu cầu mở lòng ra với Suchia và cha cô, những con người tốt bụng, mới quen đã quan tâm tới mình.


Phan kể họ nghe chuyện anh: Năm 1972, tổ chức biệt động thành yêu cầu anh đóng vai doanh nhân đến các vũ trường, tiếp cận sĩ quan, mật vụ để thu thập thông tin. Ở đó anh gặp và quen Lai, vũ nữ trẻ đẹp nhất vũ trường. Năm ấy Lai mới mười bảy, phải khai thêm tuổi để đi làm. Khi anh bị lộ, căn hộ thuê của Lai là nơi anh ẩn náu trước khi tìm được đường dây “nhảy núi”. Sau 1975, anh về lại thành phố và quyết định cưới Lai. Tình yêu và cuộc hôn nhân lãng mạn giữa một cán bộ và một vũ nữ phải đương đầu với vô vàn đàm tiếu và phê phán. Người ta có thể tin một “cô gái sông Hương” trong thơ Tố Hữu nhưng chẳng ai thèm tin một cô Lai có thể lại “thơm như hương nhụy hoa lài/sạch như nước suối ban mai giữa rừng”. Tất nhiên cũng chẳng ai nói ra lời. Bởi vậy, chỉ mấy tháng sau lễ cưới, Lai lặng lẽ bỏ Phan đi biệt. Cô muốn “giải phóng” chồng khỏi quá khứ ô nhục của mình. Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, Phan mới dò ra quê quán thật của Lai, nhen nhúm trong lòng một tia hy vọng mong manh…


*


Câu chuyện kết thúc, cô gái Khmer lặng lẽ lau nước mắt rồi dịu dàng cầm lấy bàn tay Phan trong đôi tay mềm mại của mình. Còn ông Ba Trăn cứ lắc đầu, nhắc đi nhắc lại hai tiếng tội nghiệp, tội nghiệp...


Và có lẽ, muốn xua bớt bầu không khí nặng nề, ông kể Phan nghe câu chuyện khác.


Hồi đầu năm nay, một phụ nữ Mỹ đến Năm Căn tìm chồng, là sĩ quan Mỹ được báo mất tích trong khi làm nhiệm vụ cuối tháng 2.1973, vào thời gian lính Mỹ rời Việt Nam. Vậy mà năm ngoái, bà nhận được thông tin thật khó tin. Có vài cựu binh, đồng đội cũ của chồng bà, đi thăm chiến trường xưa tại một rừng đước hoang vắng ở Năm Căn, và rồi, từ một khoảng cách chừng năm mươi mét, họ bất ngờ trông thấy một người da trắng. Mặc dù người này vội chạy vào rừng rậm khi trông thấy bóng người, họ tin đó là đồng đội của họ, người đã được cho là mất tích. Đó là lý do dẫn bà đến với Năm Căn. Và ông Ba Trăn được thuê làm người dẫn đường suốt thời gian người phụ nữ Mỹ lặn lội tìm chồng trong những cánh rừng đước, rừng mắm…


Phan chỉ mong được nghe một câu chuyện có hậu, nhưng ông Ba Trăn đã dẫn anh đến một kết cục buồn. Dân địa phương xác nhận trước đây thỉnh thoảng họ trông thấy một người da trắng sống lẩn lút trong rừng, nhưng chuyện đó đã không còn xảy ra nữa. Vì vậy, cho đến bây giờ, không ai có thể biết vì sao sĩ quan Mỹ kia đã quyết định ở lại chiến trường cũ. Ông đã sống như thế nào suốt thời gian đó? Và thậm chí, không ai có thể biết chắc rằng ông ta còn sống hay đã chết. Câu chuyện sau này sẽ ám ảnh Phan mãi. Còn ngay lúc đó, anh chỉ có cảm giác nó là điềm chẳng lành cho cuộc tìm kiếm của riêng anh.


Đúng như dự cảm, cuối hành trình anh đã tìm được nhà của Lai nằm ven bờ một kênh đào, nhưng là một ngôi nhà trống không. Phan muốn thu nhặt vài thông tin về Lai qua người phụ nữ Khmer đang ngồi dưới mái hiên nhà bên cạnh. Nhưng dường như bà rất khó để hiểu được giọng “nước Trung”. Vì vậy ông Ba Trăn phải hỏi bà bằng tiếng Khmer. Bà ta đáp lại với thái độ nhiệt tình. Suchia thông dịch cho Phan rằng, năm ngoái Lai có trở về nhà chôn cất cha cô, rồi sau đó cô lại bỏ đi biệt...


*


Từ cửa sổ quán nhậu Phan có thể nhìn thấy một phần bến cảng. Lúc này trông nó hoang lạnh trong thứ ánh sáng trắng xanh dưới bóng điện cao áp. Tàu thuyền lớn nhỏ thả neo san sát bờ sông, dập dềnh trên mặt sóng lăn tăn. Anh có thể nghe rõ âm thanh các mạn tàu miết vào nhau, như tiếng nghiến răng của người mê ngủ. Ngoài xa, lác đác mấy cụm lục bình theo con nước thủy triều lặng lẽ ngược dòng. Một tia chớp dài bất ngờ xuất hiện, ngoằn ngoèo rạch đôi bầu trời đen. Ngay sau đó là tiếng sấm rền chạy từ ngoài biển vào đất liền.


Ông Ba Trăn giật mình tỉnh cơn gà gật, dụi mắt nhìn Phan, giọng nhừa nhựa, “xị nữa?”


Phan gật đầu, nhìn đồng hồ rồi nhìn bà chủ ngủ khoèo trên băng ghế dài trong góc quán, nói “nhưng hai giờ sáng rồi, về để cho bả còn đóng cửa.”


“Vậy thì đến khách sạn uống tiếp.”


Phan móc ví trả tiền nhưng ông Ba Trăn đã xua tay nói bữa rượu này là của ông và nhậu ở đây không phải tiền nong liền tù tì như vậy, mai mốt trả cũng được.


Tay nhân viên lễ tân khách sạn đón nhận yêu cầu bày một bữa rượu của Phan với câu nói đầu môi, “dạ có ngay anh hai.”


Bàn rượu đặt ngay giữa sảnh lễ tân.


Đột nhiên Phan thấy đau nhói ở đầu gối phải và dường như anh nghe giọng Lai văng vẳng đâu đây, “anh là phong vũ biểu của em...”


Đó là một “bí mật” giữa hai người. Hôm chạy trốn cảnh sát, anh nhảy qua cửa sổ tầng hai khách sạn, vỡ đầu gối phải, may sao Lai tình cờ đi Honda đến đúng lúc, rước kịp anh trước khi anh bị tóm. Từ dạo đó, hễ cái đầu gối anh lên cơn đau là y như rằng sắp trở trời.


“Đêm nay sẽ mưa,” Phan nói với ông Ba Trăn biết về “dự báo” của mình.


Nhưng người đàn ông Khmer không còn bắt kịp ý nghĩa, đáp lại “ừ, đêm nay không say không dề!”


Chừng nửa giờ sau dự báo của Phan được xác nhận. Một trận mưa giông ầm ĩ đổ xuống. Tay nhân viên lễ tân liếc mắt lên đồng hồ treo tường, rồi đến bên Phan, thì thầm, “tối nay em “thiết kế” cho anh Hai nghen, ô-kê?”


Cũng như Ba Trăn, Phan không còn làm chủ được bản thân, gật gù với cái đầu rỗng, nói “tất nhiên rồi, tại sao không.”


Gã kia chuyện trò qua điện thoại với ai đó, rồi đi lên tầng trên với chùm chìa khóa trong tay, biến mất ở đầu cầu thang. Lát sau hắn trở lại, nháy mắt ranh mãnh với Phan, “sẵn sàng rồi, anh Hai!”


Phan nói ô-kê, giúi vào tay hắn mấy tờ giấy bạc.


Cơn giông càng lúc càng mạnh.


Tiếng mưa kéo ông Ba Trăn tỉnh lại, “tôi phải về, con Suchia đang chờ,” rồi quay sang nhân viên lễ tân, “tao mượn cái dù.”


Phan đứng lên, “Tôi tiễn anh.”


“Khỏi.”


Nhưng Phan vẫn theo ông Ba Trăn chệnh choạng bước ra hiên khách sạn. Người đàn ông Khmer dừng lại một lát, ngẩng mặt hít hít bụi mưa cho tỉnh táo, vỗ mấy cái thân tình lên vai Phan trước khi bung dù bước vào mưa.


Phan quay lại tì tì uống cạn chai rượu mới lên phòng ở tầng hai bằng những bước đi cà nhắc. Anh muốn say tới bến. Như vậy mới giúp anh ngủ vùi khi vục đầu vào gối.


Nhưng anh tỉnh hẳn khi mở cửa phòng mình.


Trong ánh sáng vàng dịu của đèn ngủ, người đàn bà mặc xường xám bó sát thân đang nửa nằm nửa ngồi trên giường, ngoảnh nhìn mưa vỗ từng cơn vào kính cửa sổ. Tiếng cửa mở ra đóng lại không đủ đưa người đàn bà rời khỏi cơn trầm tưởng. Lúc ấy Phan mới nhớ điều tay lễ tân thì thầm ban nãy.


Sau thoáng ngập ngừng, Phan hắng giọng.


Người đàn bà uể oải ngoảnh về phía có âm thanh, rồi giật nảy mình, đưa hai tay bịt chặt miệng, chặn tiếng kêu lại trong người.


Phan và Lai nhận ra nhau cùng lúc. Anh đứng sững, kinh ngạc tự hỏi làm sao anh lại có thể như thản nhiên đến vậy. Cuộc đoàn tụ bẽ bàng đến nỗi cảm xúc của cả đôi vợ chồng trở nên tro lạnh…


Cuối cùng, Phan lại hắng giọng, chậm rãi đi về phía giường ngủ bằng những bước chân cà nhắc.


“Vẫn đau, phải hông?” câu hỏi của người đàn bà nghe giống tiếng thở dài.


“Ừ, trở trời...”


*


Sáng hôm sau, mưa quật vào cửa kính đánh thức Phan. Ngay tức thì anh nhận ra Lai không còn trong vòng tay, cũng không cả trong phòng. Dấu hình Lai nằm vẫn in lõm trên nệm giường khiến anh biết chắc những gì xảy ra đêm qua là sự thật. Mặc vội áo quần, Phan chạy cà nhắc xuống sảnh lễ tân khách sạn.

Lai không có ở đó, mà là Suchia với chiếc dù đỏ ướt sũng trên tay.


“Em đến trả dù…” Suchia bẽn lẽn lên tiếng, như sợ người đàn ông “nước Trung” đọc được ý định của mình.


Nhưng Phan không có lòng dạ đón hiểu tâm tình cô gái Khmer. Anh lao ra màn mưa, tập tễnh chạy về phía bến tàu với hy vọng đuổi kịp Lai.


Suchia tất tả chạy theo, cố giương chiếc dù đỏ che mưa cho anh. Chiếc váy Khmer ướt nhẹp dính bết vào đùi cô, bay phần phật về phía sau.


Tất nhiên Suchia không bao giờ được biết chuyện gì đã xảy ra với Phan tối hôm trước.

(Trích tiểu thuyết Mảnh Vỡ Của Mảnh Vỡ / Debris of Debris)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 270)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 339)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 341)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 543)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 536)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 393)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 814)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 673)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 809)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 723)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7902)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11069)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21736)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19259)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24509)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,