(Viên Thao Media): Vào lúc 3:30 chiều Chủ Nhật, ngày 18 tháng 8-2019, buổi sinh hoạt chủ đề “Chiều thơ, họa Du Tử Lê” ở phòng họp của Hệ Thống Truyền Thông Viên Thao, đường Senter, San Jose đã được khai mạc bởi nhà văn Đỗ Vẫn Trọn.
Họ Đỗ đã rất tế nhị khi nói rằng, con đường văn chương của ông, khởi đầu bằng sự khuyến khích của nhà thơ Du Tử Lê và nhà văn Mai Thảo.
Theo ông thì nhà thơ Du Tử Lê là một trong những nhà thơ đặc biệt của dòng văn học nghệ thuật của miền Nam từ trước tháng 4-1975, cho tới hôm nay, sau 44 năm ở quê người.
Bước lên sân khấu, họ Lê ghi nhận rằng, theo ông San Jose là “trái tim nhân ái lớn nhất ” của tập thể người Việt ở hải ngoại. Cụ thể là những đại nhạc hội quy tụ từ 10 tới 15 ngàn khán giả, do nhà văn Đỗ Vẫn Trọn tổ chức. Đó là những buổi sinh hoạt lớn, nhằm giúp đỡ những người Việt kém may mắn, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn nhắm tới những đồng bào kém may mắn khác ở quê nhà nữa. Vì thế, họ Lê cho biết, ông rất hạnh phúc mỗi khi được trở lại San Jose, do hai người bạn của ông là nhà văn Đỗ Vẫn Trọn và nhà thơ Nguyễn Vũ Nhã tổ chức.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, ông hy vọng sẽ còn được trở lại San Jose, một vài lần nữa, nếu hai người bạn Đỗ Vẫn Trọn và Nguyễn Vũ Nha, còn dành cho ông những cơ hội khác, một khi sức khỏe của ông còn cho phép.
Mở đầu phần văn nghệ, ca nhạc sĩ Nguyên Nhu trình bày 2 ca khúc. Đó là ca khúc “Trên nhành môi tôn nữ” - thơ Du Tử Lê, nhạc Nguyên Nhu và, ca khúc “Em đi qua” cũng do chính nhạc sĩ Nguyên Nhu sáng tác, phổ từ thơ Đỗ Vẫn Trọn. Với giọng ca truyền cảm, nhạc sĩ Nguyên Nhu đã chinh phục được số cử tọa chọn lọc, ngay từ những nốt nhạc đầu tiên.
Giữa chương trình, một sự kiện gây bất ngờ cho mọi người là cô Phạm Thanh Nga, một khuôn mặt quen thuộc của “Thung lũng hoa vàng” đã mua một trong hai bức tranh của nhà thơ Du Tử Lê, với giá 5,000 Mỹ kim, bức tranh “Tôi Nào”, dù giá bán bức tranh này chỉ 2,000 Mỹ kim.
Phạm Thanh Nga cho rằng bức tranh đó, đáng giá 5,000$ chứ không phải chỉ là 2,000$. Khi được mời cho biết cảm tưởng, thi sĩ Du Tử Lê không che dấu xúc động trước sự việc bất ngờ vừa kể, đối với ông. Vì thế, ông nói, ông sẽ mãi nhớ nghĩa cử của Phạm Thanh Nga. Nó nói lên tinh thần ủng hộ những sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt ở quê người, khi mà thực tế, sinh hoạt này ngày càng co cụm, khô héo!…
Là diễn giả duy nhất của buổi sinh hoạt, nhà văn Đặng Phú Phong, trong bài nói chuyện của mình, đã đi sâu vào phần kỹ thuật thơ Du Tử Lê, từ hơn nửa thế kỷ qua. Ông cũng đặc biệt phân tích bức tranh “Tôi Nào” của họ Lê mà, trước đó, đã được cô Phạm Thanh Nga tinh tế, sâu sắc chú ý.
Điều hợp chương trình là Tiến Sĩ Nguyễn Hồng Dũng và Luật Sư Đỗ Quý Dân. Nhiều khuôn mặt văn nghệ trong vùng như: ca sĩ Mai Hân, bác sĩ Võ Tá Đồng, Phạm Phúc, Trần Hữu Định, Nguyễn Thành Út, nhà thơ Ngọc Thủy, nhà thơ Hồ Duy Hạ, phóng viên Vũ Nhân (SBTN),… đã làm cho buổi sinh hoạt thơ-nhạc thêm giá trị.
Những tiếng hát của ca nhạc sĩ Ngọc Trọng, Hoàng Lan, Trọng Khôi, Văn Quân, Thanh Vũ… cùng tiếng đàn dương cầm thánh thót của Đan Thanh đã quyến rũ người nghe từ đầu đến lúc chấm dứt chương trình.
Lâu lắm rồi, ở San Jose mới có một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật đậm nét thi ca như vậy. Mong rằng tinh thần này sẽ duy trì mãi với những lần tổ chức khác tại miền đất San Jose, nơi ngào ngạt hương thơm của tình người.