(Tiếp theo và hết)
Tôi tin độc giả của tiểu thuyết “Những ghi chép ở tầng thứ 14” (NGCOTT #14) của nhà văn Thận Nhiên, sẽ còn thấy nhiều cửa sổ khác ở tầng thứ # 14 nơi tác phẩm này - - Đó là những ghi nhận tiêu biểu qua những dữ kiện cụ thể tới sắc lẻm của tác giả. Như khi ông đề cập tới giai đoạn đầu của phong trào Việt Minh, ở một số làng quê miền Bắc: Nỗi kinh hoàng khủng khiếp, khi đã có một số người bị dân quân Việt Minh, đề quyết rằng, họ là gián điệp của Tây, chỉ vì đem theo trong người, một mảnh gương, một mẩu vải xanh, hay đỏ. Mặc dù trước đấy không lâu, chính những nạn nhân ấy, có thể đã bị lính Tây bắt về đồn, tra khảo: Nghi là thành viên của Việt Minh.
Đại diện cho trường hợp vừa kể là nhân vật tên Đoan, trong chương “Của đất nước mình”.
Về nhân vật tên Đoan, tác giả cho biết, ông là cha của một đứa con được VM tuyên dương là đã “hy sinh cho kháng chiến”. Ông bị lính Tây bắt về đồn, tra tấn nhiều ngày. Khi được thả về:
“Ông gầy rộc, xơ xác. Ông và vợ, O Toan thành một đôi thảm hại, như hai con ma thất thểu không ra dáng dấp con người. Một ngày nọ, ông bị dân quân phát hiện có giữ một chiếc gương nhỏ và một mảnh vải xanh trong túi. Chính phủ cách mạng cho rằng ông giả điên giả tỉnh, nhưng thật ra là để dấu tung tích nhận làm gián điệp của Pháp, dùng hai vật này làm tín hiệu báo tin mật cho Pháp. Họ quyết định sẽ xử ông, bất chấp ông là gia đình liệt sĩ, có con hy sinh cho kháng chiến…” (NGCOTT #14, trang 56)
Rất may cho ông, gia đình sớm biết hung tín kia, nên đã nhanh chân trốn thoát về vùng quốc gia.
“Sau này, nghiệm lại, ông thấy rằng vận mệnh của con người, hay của cả một đất nước, đều ở những chuyến đi, những cuộc chạy trốn…”
Tôi nhớ có một thời gian dài, ở vùng quê miền Bắc, trẻ con cũng như người lớn được nhắc nhở rằng, tuyệt đối không được vô tình giữ trong người dù chỉ một mảnh gương hay một miếng vải vụn màu xanh hoặc đỏ. Thực tế xã hội thời điểm đó, đã có không ít người bị VM xử tử vì thế!
Về tính ghi nhận tới sắc lẻm của Thận Nhiên, còn thể hiện rõ qua những giấc mơ kinh hoàng, nơi một số người đã đến được bến bờ tự do; vì nhớ quê, trở về thăm đất nước… Thực tế bất an, buồn thảm ấy, dường như chưa một nhà văn hải ngoại nào ghi lại, hay nếu có thì cũng không sinh động, thê thiết như trong chương “Gia tộc”.
Ở chương sách này nhà văn Thận Nhiên kể lại ám ảnh của người được ghi nhận là “thân phụ” của nhân vật xưng “tôi” trong truyện. Nhân vật xưng “cha” trong truyện kể rằng: Ông không muốn về VN thêm một lần nào nữa. Lý do là ông luôn gặp ác mộng và không thể ngủ được khi ở trong địa phận VN, điều đó hoàn toàn không do máy bay bị trễ, hay sự sai biệt múi giờ, sự lệch lạc đồng hồ sinh học. Mà hễ máy bay vừa vào địa phận VN là ông thấy mệt, choáng và có cảm giác bất an ngay lập tức. Tình trạng này khác hẳn khi ông đi du lịch ở các nước Châu Á khác…
Ông thú nhận, ở Việt Nam, ông hoàn toàn sống trong một cảm giác bất an thường trực, y như cái cảm giác trên ba mươi năm trước mà ông đã kinh qua.
Tuy nhiên, ông cũng có phần khách, quan trung thực khi kể rằng:
“ ‘Lúc đầu tao về thì thấy vẫn OK, chỉ có chút lo lắng khi ở khâu trình passport di trú và hải quan ở sân bay, cho tới khi về khách sạn. Thậm chí khi ngồi trên taxi, được nhìn lại và nhận ra vài khung cảnh cũ của Sài Gòn thì còn thấy vui và khỏe nữa.”
Nhưng:
“… Khi tắm xong ra, không biết trời xui đất khiến sao tao lại cầm cái điều khiển bấm nút mở ti-vi, nhằm đang lúc chương trình tin tức. Nó chiếu cảnh trước 75, ‘Mùa xuân chiến thắng Mậu Thân’ hay cái con mẹ gì đó. Tao mệt và nổi khùng ngay lập tức. Đù má nó chứ, cả nửa thế kỷ rồi mà vẫn hát hò nhảy múa trên vũng máu, hỏi chứ nó chơi vậy có điên không?’
“Ông nói tiếp, ‘Từ đó hễ cứ nhắm mắt sắp ngủ là tao mơ hồ lo sợ nghe tiếng gõ cửa của công an đến soát nhà hay kiểm tra hộ khẩu, rồi chúng sẽ bắt tao đi, y như tao đã từng bị bắt khi chưa rời khỏi Việt Nam…” (NGCTTT# 14, trang 72, 73)
Sợ hãi hay ám ảnh này, không chỉ với riêng thân phụ của nhân vật xưng “tôi” trong truyện; mà, cũng là nỗi kinh hoành ám ảnh của nhiều người, sau ít ngày trở về Sài Gòn, đã bị ác mộng kéo dài cả năm, khi hằng mơ thấy bị công an cửa khẩu giữ lại passport, giấy tờ tùy thân, không cho trở lại Hoa Kỳ. Lúc tỉnh lại, họ vừa vã mồ hôi vừa cảm thấy may mắn, hạnh phúc biết bao, khi nhận ra, đó chỉ là ác mộng.
Không ít người kết luận, đó là sự “thành công” của chế độ CSVN hiện nay, với chủ trương gieo rắc “khủng bố trắng” vào tận vô thức của người dân (?)
.
Tuy nhiên, cửa sổ lớn nhất ở tầng thứ #14 của Thận Nhiên, ngó xuống, nhìn lại quê hương ông, theo tôi là cái “theme”, trải khắp cùng tiểu thuyết: Ghi nhận “người / ma” ” trong đất nước VN hôm nay.
Phải chăng chính cũng vì cái “theme” vừa kể, nên “mắt xanh” của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc đã phải mở lớn. Bà nỗ lực giới thiệu hiện tượng “người / ma” của Thận Nhiên với quần chúng. Nhờ thế ở hải ngoại, độc giả của Thận Nhiên mới có tác phẩm đó trên tay.
Cũng như nhà thơ kiêm dịch giả Trịnh Y Thư đã có cơ hội viết “Bạt” cho NGCTTT# 14:
“Ngay ở câu văn mở đầu cuốn tiểu thuyết ‘Sài Gòn là thành phố có nhiều ma nhất thế giới…’ nhà văn đã ngầm báo hiệu cho chúng ta biết ngay những gì anh viết trong cuốn sách chẳng có gì là ‘chân’ mà phần nhiều có khả năng là ‘giả.’ (Nó khiến tôi liên tưởng đến câu văn mở đầu cuốn ‘The Metamorphosis’ của Franz Kafka.) ‘Giả’ ở đây không có nghĩa là ‘fake,’ mặc dù chúng ta đang sống trong một thời đại mà ngay cả tình yêu cũng ‘fake,’ không thật chút nào (…)
“Kỳ thực, cái ‘giả’ trong tiểu thuyết khi được chiếc đũa thần của nhà văn gõ vào thì ‘thật’ hơn cái ‘thật ngoài đời.
“Tính phi thực của tiểu thuyết nằm ở ngôn ngữ và cấu trúc tác phẩm. Và cũng như Kafka, Thận Nhiên không hề có ý viết truyện thần kỳ, ma quỷ. Những vấn đề anh có tham vọng nêu ra trong cuốn tiểu thuyết của anh – đời sống di dân, ám ảnh quá khứ, lòng khao khát muốn kiếm tìm nguồn cội, sự cô đơn, sự thất vọng của cuộc sống nơi xứ người, tính nổi loạn của tuổi trẻ, những va chạm văn hóa và giá trị đời sống, di sản tinh thần khốc hại từ một cuộc nội chiến tàn bạo và dai dẳng, tình dục, tình yêu, lòng kỳ thị ghét bỏ nhau của đồng loại, v.v… - tất cả đều là những chủ đề nghiêm túc của tiểu thuyết nhằm truy xét ý nghĩa hiện tồn nào đó của kiếp người, và nơi đây chúng được truy tìm bằng con mắt khác lạ để biết đâu từ cõi nhân gian mờ mịt ấy xuất hiện vài tia sáng le lói chiếu xuống cái ẩn mật của nhân sinh…” ” (NGCTTT# 14, trang 178, 179)
.
Với tôi, dù ở dạng nào, hư cấu hay, bán hồi ký, tự sự kể thì cõi giới văn xuôi của Thận Nhiên, qua tác phẩm “Những ghi chép ở tầng thứ 14”, vẫn là những trang sách của những dòng chữ đã được tác giả cô đọng lại, sắc xuống cho những ẩn dụ bật lên cùng tiếng cười mà, hậu tiếng cười là những rưng rưng, chát, đắng.
Du Tử Lê,
(Garden Gorve, Sept. 2019)