Nếu tính từ năm 1941 khi bộ sách “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” của học giả Dương Quảng Hàm xuất bản lần thứ nhất năm 1941 thì, 77 năm sau, chúng ta mới có bộ sách “Văn Học Việt Nam” (VHVN) của Tiến sĩ Trần Bích San - - Một công trình sưu tầm, nghiên cứu công phu, tương đối đầy đủ, với gần 1,200 trang, khổ lớn, bìa cứng.
Ở trang đầu, trước phần “Tựa”, họ Trần đã ghi lại hai phát biểu về sự quan trọng của văn học trong tiến trình sinh, tử một quốc gia, của hai nhân vật tên tuổi thế giới:
“Nếu văn học ngưng bặt trong một phút thì chẳng khác nào cái chết của cả một dân tộc”. (Mikhail Saltykov-Shchedirn - 1826-1889).
Và:
“Đôi khi chúng ta phải chào đón linh hồn quốc gia xưa cũ vốn đã xuyên qua những thế kỷ đen tối như là linh hồn của chính mình. Từ linh hồn này ta sẽ cảm nhận lại con đường cũ, được thấy nó một lần nữa, nhận ra những vết tích xa xưa đang chìm dần vào quên lãng, để đọc được một quá khứ thật gần, thật nhanh, rồi thấy rằng lịch sử chỉ là những dòng văn, những tấu khúc được viết đi viết lại mỏi mòn đầy hy vọng siêu thoát của những tâm hồn nhiều dằn vặt nhưng bất diệt”. (Friedrich Nietzsche -1844-1900).
Không ra ngoài quan điểm về văn học của người xưa, nhưng, TS Trần Bích San trong lời “Tựa” của mình, đã khai triển rộng hơn, vai trò hay nhiệm vụ của văn học, khởi từ cái nhìn dọc theo lộ trình lịch sử hình thành dân tộc. Ở tác phẩm VHVN thì đó là diễn tiến từng giai đoạn chuyển biến của lịch sử văn học Việt Nam.
Ông viết:
“Nhiệm vụ người cầm bút một đề tài xưa cũ mà vẫn còn như mới. Cũ, bởi từ khi có văn tự, có tác phẩm văn chương các tác gia từ nghìn xưa đã băn khoăn thao thức đi tìm ý nghĩa cho việc trước tác. Mới, vì bất kỳ người cầm bút nào có ý thức khi chọn nghiệp văn có lúc phải tự hỏi: ‘Viết để làm gì? Viết cho ai?’ Từ nghìn xưa tới ngàn sau chắc chắn những người làm văn học nghệ thuật phải suy tư về nhiệm vụ của mình
(…)
“Trong khung cảnh xã hội đề cao khoa cử quan niệm ‘văn dĩ tải đạo’ chỉ đem lại cho văn học các tác phẩm về sử ký, địa lý, có tính cách sưu tập, ghi chép những dấu tích của thời đại các tác gia đang sống hoặc các giai đoạn trước đó. Văn gia coi đó như những vốn liếng quý báu của dân tộc cần được gìn giữ, truyền lại cho hậu thế. Phần còn lại là sáng tác văn thơ biểu thị nhu cầu tưởng tượng, giải tỏa thất tình, hay đi tìm ý nghĩa sự vật hoặc đời sống con người”. (VHVN, trang 13)
Kế tiếp, lấy dấu mốc 1865, khi 6 tỉnh Nam Kỳ mất hẳn vào tay người Pháp, mở đầu thời kỳ VN bị Pháp đô hộ, họ Trần ghi nhận, đó là thời điểm đánh dấu những chuyển động lớn của sinh hoạt văn học Việt Nam. Ông chỉ danh giai đoạn này của lịch sử văn học VN là:
“Khởi đầu cho những sáng tác ‘cổ động lòng yêu nước, đánh đuổi người Pháp giành lại độc lập cho quốc gia’.”
Vẫn theo ghi nhận của TS Trần Bích San thì bước qua đầu thế kỷ thứ 20, sinh hoạt văn học Việt Nam lại bước vào một giai đoạn mới. Người cầm bút ở giai đoạn này, quan niệm sứ mạng hay nhiệm vụ của họ, theo một hướng khác.
Tác giả VHVN kể, những biến chuyển ấy, thoạt tiên, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của tờ “Đông Dương Tạp Chí”. Tờ báo này chủ trương:
“… Dùng cơn gió duy tân lay động, hối thúc xã hội cổ truyền Việt Nam lột xác để theo kịp sự tiến bộ của Tây phương.” (VHNV, trang 14)
Tiêu biểu cho biến chuyển ấy, TS Trần Bích San đã đề cập tới vai trò của “Nam Phong Tạp Chí”. Họ Trần cho rằng, Nam Phong Tạp Chí, có xu hướng quay về quá khứ, khai thác những giá trị cổ học với mục đích bảo tồn quốc học, quốc túy, phát huy cái vốn tinh thần sẵn có; đồng thời cổ súy, nuôi dưỡng, phát triển, xây dựng nền quốc học để giữ bản sắc riêng, không bị tha hóa.
Về người khai sáng tạp chí Nam Phong, học giả Phạm Quỳnh, người từng để lại cho đời sau, một phát biểu đầy ý nghĩa: “Truyện Kiều còn nước ta còn”; được tác giả VHVN ghi nhận thêm rằng:
“Phạm Quỳnh từng tuyên bố nhiều lần tất cả công trình viết lách của ông trên Nam Phong nhằm vào công cuộc hướng dẫn quốc dân bồi đắp tinh thần, thực hành chủ nghĩa quốc dân bồi đắp văn hóa. Ông dịch thuật tư tưởng Tây phương để làm vật liệu cần thiết trong việc xây dựng nền văn hóa quốc gia thêm phong phú”. (VHVN trang 14)
TS Trần Bích San cũng ghi nhận vắn tắt vai trò của tờ “Tiếng Dân”, của nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng - - Người chủ trương dùng đạo lý, nền nếp xưa, lý tưởng Khổng Mạnh không sợ, không tham, không hèn.
Chủ nhiệm “Tiếng Dân” khẳng định, những giá trị cũ không lạc hậu, lỗi thời nếu phát huy đúng chỗ. Ông được nhà thơ Tản Đà tiếp tay với thuyết “Thiên Lương” và, học giả Trần Trọng Kim với bộ “Nho Giáo”. (VHNV, trang 15)
Dõi theo tiến trình sinh động của dòng chảy văn học Việt, khi bước sâu vào thế kỷ thứ 20 thì, người được TS Trần Bích San chọn làm nhân vật tiêu biểu cho thời kỳ ấy, là nhà văn Lê Văn Trương. (Mặc dù về phương diện văn chương, họ Lê không được dư luận đánh giá cao lắm). Tác giả viết:
“Lê Văn Trương đưa ra mẫu người hùng với triết lý sức mạnh. Trong 12 năm, hơn 180 tác phẩm tràn ngập, ngự trị xã hội Việt Nam từ 1934 đến 1945. Các sáng tác của ông mang nguồn sinh lực, sức sống mới tạo được ảnh hưởng, đáp ứng được truyền thống trọng đạo lý của dân tộc Việt đang bị làn sóng vật chất, chủ nghĩa cá nhân Tây phương xô đẩy”. (VHVN trang 15)
Về giai đoạn mà văn học Việt Nam quen gọi là giai đoạn “văn chương tiền chiến”, tác giả Trần Bích San, đặc biệt chú ý và, ghi công nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Ông tóm tắt chủ trương của nhóm này là:
“Cổ võ theo mới, cấp tiến, đả phá tư tưởng chán đời, hủ tục, thói rởm chuộng hư danh, thay đổi đời sống cơ cực của dân quê…”
Tác giả VHVN nhắc lại một câu trả lời báo chí của nhà văn Nhất Linh như sau:
Nhất Linh, người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn trả lời Nguyễn Ngu Í lý do tại sao ông đỗ đầu vào trường Mỹ Thuật Đông Dương mà lại bỏ để mang giá cọ theo cụ Tác (họa sư Pháp Victor Tardieu) (01) về nhà quê…
Giải thích cho chọn lựa bất ngờ kia, tác giả “Đoạn Tuyệt” nói:
“Tôi thấy đời sống dân quê cơ cực tối tăm quá, cần phải làm gì cho lớp đồng bào ấy mà giá cọ không giúp được gì thì phải bỏ qua một bên”. (VHVN, trang 15)
Nhà văn Thạch Lam, một thành viên nòng cốt của Tự Lực Văn Đoàn, tuy không được coi là lý thuyết gia của nhóm (như nhà văn Hoàng Đạo); nhưng, theo tư liệu của TS Trần Bích San thì Thạch Lam, tác giả “Gió đầu mùa” cũng đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ của nhà văn không phải là nhiệm vụ dạy đời hay giảng luân lý. Mà thiên chức của nhà văn là phải diễn tả sự thật:
“…Và chỉ có những cảm giác thật mới có tác động và vang động sâu xa trong tâm hồn độc giả.Thái độ giả dối, trốn tránh sự thật đã sinh ra biết bao thương tâm trong lòng người, trong gia đình và trong xã hội”. (VHVN, trang 15).
Nhiều phần khuynh hướng hay chủ trương cải tạo nhân sinh của các nhà văn thuộc Tự Lực Văn Đoàn đã vô tình (?) khơi lại cuộc tranh luận giữa hai khuynh hướng “nghệ thuật vị nhân sinh” và “nghệ thuật vị nghệ thuật”, khai diễn trước đó đã lâu, ở Phương Tây.
Về sự kiện từng gây chia rẽ lớn trong giới làm văn học, nghệ thuật ở Việt Nam, nhà văn Trần Bích San ghi rằng:
“Thời tiền chiến có cuộc tranh luận đặc biệt kéo dài tới 4 năm, lôi cuốn 15 người cầm bút về vấn đề sáng tác phục vụ cho cái gì, nghệ thuật hay nhân sinh?” (VHVN, trang 16)
DTL,
(Kỳ sau tiếp)
______
Chú thích.
(01) Một trong những ưu điểm của bộ sách VHVN của TS Trần Bích San là: Không chỉ các tác giả Việt Nam được đề cập trong bộ sách mà, bất cứ một nhân vật ngoại quốc nào, một khi được nhắc tới, cũng đều có hình ảnh, tiểu sử tóm tắt, giúp người đọc có ý niệm cụ thể hơn về những nhân vật ấy.