(Tiếp theo kỳ trước)
Để hoàn tất một tác phẩm nghiên cứu, phê bình, nhất là ở lãnh vực văn học, dọc theo chiều dài thành hình qua nhiều giai đoạn từ thời chưa có chữ viết, tới những biến thiên của ngôn ngữ, phải nói ngay rằng, đó là một hành trình đầy lao tâm, khổ trí - - Cả về thời gian, lẫn tiền bạc. Nhất là khi tác phẩm ấy lại có độ dầy trên một ngàn trang, như bộ “Văn Học Việt Nam” (VHVN) của TS Trần Bích San.
Ở “Phút nói thật” với bằng hữu, họ Trần tâm sự rằng: Kể từ lúc xác định đề tài của một chương (không kể thời gian khó khăn trong việc truy tìm tài liệu cần thiết), việc đọc các sách tham khảo mất nhiều thì giờ nhất. Việc cân nhắc, so sánh, chọn lựa các dữ kiện, sắp xếp bố cục; phần viết nhẹ hơn, mất khoảng từ 1, 2 tháng cho 1 chương (2). Ông nói, để hoàn tất tác phẩm tổng cộng mất khoảng 20 năm biên soạn, chưa kể 3 năm sửa chữa, và bổ túc.
Tưởng cũng nên nói ở đây là, việc sưu tầm tài liệu tham khảo khá vất vả, tốn rất nhiều thì giờ. Nếu không có đam mê và kiên nhẫn đủ, khó ai có thể hoàn thiện một công trình lớn như vậy. Họ Trần kể, riêng việc tìm những sách cũ quý hiếm nhờ người quen mua giùm ở các nơi bán sách chui (bán lậu) khắp 3 miền Nam Trung Bắc đã cần thời gian liên tục nhiều năm và, phí tổn mua số sách ấy, cũng đã lên tới hơn $20,000 Mỹ kim.
, hay quan niệm thích hợp với chủ trương của tác giả đó. Nhà văn Trần Bích San giải thích:
Tác phẩm Văn Học Việt Nam của ông, “không phải là một quyển phê bình văn học” mà, là bộ sách viết về lịch sử văn học Việt Nam. Nên ông đã sử dụng phương pháp “thể loại văn học” để biên soạn.
Rõ hơn, ông nói, văn học sử là ngành nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của nền văn học. Đối tượng của lịch sử văn học là những hiện tượng văn học xác định và cụ thể. Đó là cái đích cần được khám phá để đưa đến việc trình bày trung thực toàn diện bộ mặt của văn học.
Cụ thể, TS Trần Bích San nêu thí dụ:
“Soạn giả Nguyễn Đổng Chi với quyển “Việt Nam Cổ Văn Học Sử” là tác gia đầu tiên sử dụng quan niệm này, tuy ông chưa có lý thuyết rõ ràng. Quan niệm “thể loại văn học” khắc phục được các nhược điểm của các quan niệm biên soạn khác, bảo đảm được tính toàn vẹn, toàn diện của bộ mặt lịch sử văn học. Có thể nói, từ trước đến nay, đa số các tác gia đều dùng phương pháp “khuynh hướng tư tưởng” để biên soạn văn học sử. Quan niệm này đặt trên nền tảng của sự phát triển các khuynh hướng tư tưởng trong lịch trình tiến hóa của lịch sử văn học. Ông Dương Quảng Hàm là người đầu tiên, chọn phương pháp ấy. Sau này, được nhiều tác gia ở Miền Nam noi theo.
Còn về phương pháp “Văn Tự”, thì họ Trần cho rằng:
“Lịch sử văn học là lịch sử của các tác phẩm bằng tiếng Việt được Nguyễn Sĩ Đạo khởi xướng từ năm 1941. Rồi được các tác giả ở miền Nam phát triển như Phạm Văn Diêu, Thanh Lãng, Thạch Trung Giả, Hà Như Chi, ở Miền Bắc là nhóm Lê Quý Đôn, noi theo”.
Sau đó, đứng trước một rừng tài liệu Việt ngữ cũng như ngoại quốc có được, để tránh lỗi lầm, họ Trần đã rất cực nhọc trong việc so sánh, đối chiếu để tránh việc sử dụng tùy tiện, những nguồn không đáng tin cậy, tác giả VHVN nhấn mạnh:
“Việc đối chiếu tài liệu trong quyển Văn Học Việt Nam chiếm khá nhiều thời giờ cân nhắc, trước khi quyết định. Phải so sánh nhiều tài liệu khác nhau, cần xem tài liệu nào khả tín nhất. Tất nhiên là phải so sánh giữa những tài liệu có liên hệ cùng một vấn đề.”
Ông nêu thí dụ, sau khi vua Quang Trung băng hà, thân phận Ngọc Hân Công chúa ra sao? (Bà là tác gia chữ Nôm: Ai Tư Vãn và Văn Tế Vua Quang Trung). Về số phận của Ngọc Hân Công Chúa, theo ghi nhận của TS Trần Bích san thì có tới 3 giả thuyết khác nhau:
1-Có thuyết cho rằng sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long nạp bà làm thứ phi.
2-Thuyết khác nói rằng khi nhà Tây Sơn bị diệt bà cùng 2 con giả dạng dân đi buôn trốn về miền quê ở Quảng Ngãi. Ít lâu sau tung tích bại lộ, bà bị bắt đem về Thuận Hóa gia hình(theo Tam Ban Triều Điễn 三 頒 朝 殄).
3-Một thuyết nữa lại cho rằng bà đã mất trước khi nhà Tây Sơn bị diệt.
Tác giả VHVN kết luận:
“Khảo sát các nguồn, tài liệu của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (Quốc Văn Đời Tây Sơn) là khả tín, chính xác nhất vì trong các bài văn tế bằng chữ Nôm của Phan Huy Ích có bài tế Vũ Hoàng Hậu (tức miếu hiệu của Lê Ngọc Hân) từ trần vào năm Kỷ Mùi 1799 đời vua Cảnh Thịnh trước khi Gia Long thống nhất đất nước (trong Dụ Am Văn Tập có 5 bài văn tế của Phan Huy Ích).”
Về tiểu sử của một nhân vật gần hơn với chúng ta là học giả Phạm Quỳnh cũng vậy!
TS Trần Bích San nói, riêng năm sinh của học giả này, cũng đã có khá nhiều tài liệu với những con số khác nhau. Có người nói, ông sinh năm 1890. Tuy nhiên, cũng có tài liệu ghi Phạm Quỳnh sinh năm 1891 hay 1892… Nhưng theo tác giả VHVN thì, ông chọn năm sinh của học giả Phạm Quỳnh là năm 1892, vì:
“Con gái họ Phạm là bà Phạm Thị Hoàn định cư tại Paris, Pháp, xác nhận thân phụ bà tuổi Thìn (Theo “Viet Thought Institute and Literary Research, tập San Tư Tưởng Việt số 1, Viet Thought / La Pensée Vietnamienne”, Hoa Kỳ, 2003)…”
Mặt khác, TS Trần Bích San cũng cho thấy bản chất nghiêm túc của một học giả, khi ông phát biểu:
“Trong lãnh vực biên khảo văn học không tác gia nào hoàn toàn tránh được thiếu sót, sai lầm. Một nhà văn học sử khó có thể đơn độc đính chính tất cả sai lầm, đánh tan các nghi vấn trong suốt quá trình diễn tiến của văn học Việt Nam, từ chữ Nho, chữ Nôm, đến chữ Quốc Ngữ. Ý thức điều đó nên cần phải có tài liệu dồi dào, thời gian cần thiết để so sánh cân nhắc những dữ kiện văn học khác nhau. Trong việc đối chiếu tài liệu thì yếu tố căn bản gồm: Dùng 1 tài liệu làm chuẩn để so sánh, thứ tự ưu tiên, mức độ khả tín của nguồn, sự chính xác của văn bản…”
Đề cập tới tác giả bộ sách đầu tiên viết về văn học Việt Nam, cuốn “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” mà tác giả Dương Quảng Hàm đã sử dụng quan niệm ‘khuynh hướng tư tưởng’ trước nhất, tuy còn rất mờ nhạt. Sách viết về văn học sử trước năm 1975 ở miền Nam hầu như rập khuôn theo quan niệm của Dương Quảng Hàm. Nhưng với mức độ đậm nhạt khác nhau.
Trong số đó có Nghiêm Toản và các tác giả khác như Bùi Hữu Sủng, Nguyễn Tường Phượng, Lê Kim Ngân, Võ Thu Tịnh, Nguyễn Tường Minh, Phạm Thế Ngũ, Lê Văn Siêu.
Sở dĩ có hiện tượng này, theo nhà văn Trần Bích San là vì quyển ‘Việt Nam Văn Học Sử Yếu’ của Dương Quảng Hàm được Bộ Quốc Gia Giáo Dục của người Quốc Gia chọn làm sách giáo khoa bậc trung học ngay từ khi chương trình Giáo Dục Cho Người Bản Xứ (Enseignement Franco-Indigène), thường được gọi là Giáo Dục Pháp-Việt, của Pháp ở Đông Dương công nhận. Sau đó, bộ Quốc Gia Giáo Dục của các chính quyền quốc gia cũng chính thức dùng 2 quyển ‘Việt Nam Văn Học Sử Yếu’ và ‘Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển’ làm sách giáo khoa bậc trung học. Do đấy, các tác giả khác đã soạn theo mẫu mực tương tự như ông Dương Quảng Hàm để đáp ứng nhu cầu giáo dục của miền Nam Việt Nam thời đó.
.
Về cái chết của học giả giả Dương Quảng Hàm, TS Trần Bích San cho biết, họ Dương được ghi nhận là bị mất tích trên đường tản cư từ Hà Nội về quê ở Hưng Yên, năm 1946.
DTL,
(Kỳ sau tiếp)
________
Chú thích:
(2) Bộ VHVN của Trần Bích San có tất cả 31 chương, không kể phụ lục.