Mượn câu thơ của thi sĩ Huy Cận (*) làm đề từ, để tôi nói về thi phẩm "Lục bát Phương Tấn" do NXB Nhân Ảnh ấn hành . Phương Tấn sinh năm 1946
là lớp nhà thơ đồng thời với các nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, Đynh Trầm Ca... vào những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước. Quê
Đà Nẵng, nhưng bước chân anh lang thang trên đất Mỹ và các vùng châu Âu từ những năm 1970 cho đến bây giờ. "Lục bát Phương Tấn" được xem như
một tập hợp gần trọn một đời thơ anh ở thể loại này. Xin góp cùng thi sĩ một tiếng vỗ tay reo vui, mừng đứa con "lục bát" của anh chào đời trên đất quê người!
NNT
Nếu có những con đường dẫn đưa con người ta hành hương tìm lại quê xứ ngày xưa hiện thực mười mươi đất đá dưới chân, thì cũng có những con đường siêu hình, dẫn lối đưa đường cho tâm thức ta hội ngộ lại những nơi chốn đầm đìa dấu chân của một thời hoa niên thơ dại. Hóa ra những con sông - bến đò - sân đình - bãi chợ xanh rêu mấy lớp thời gian kia, giờ đây hóa thành những lối vô tận. Cứ vạch hết lớp mù sương ký ức này lại gặp lớp lớp sương mù ký ức khác, một con đường siêu hình như vậy, thì quả là đi mãi không hết một quê xưa.
Dư âm vàng rụng bên thềm
Dính trên vai bướm chợt thèm tiếng xưa
Vâng, "Lục Bát Phương Tấn" đã hòa nhập vào tâm hồn tôi như thế đấy, không theo một lớp lang nào. Cho dù tập thơ mỏng mảnh chỉ độ quá một trăm trang in, lại được bố cục từng phần theo chủ đề riêng. Mỗi chủ đề, tác giả mở đầu những dòng chapeau gợi mở nội dung phần đó cho người đọc dễ tiếp cận. Nhưng tôi lại không thích cái kiểu sắp sẵn ấy, bởi nó đặt ra khuôn thước đôi khi làm mất đi cái cảm hứng thưởng thức thơ. Trong "Lục bát Phương Tấn", thơ bốn câu đa phần. Nhiều bài lục bát hơi hướm vui nhưng lại đọc buồn, là bởi giống như cảnh xưa , ngõ xưa tôi gặp, nghe xao xuyến từng thanh âm.
Bóng gần rồi lại bóng xa
trăng như chếch choáng như ngà ngà say
Cuội cười trời đất lăn quay
khoan hồ hoan hỡi tình say tình nồng (1)
Có một điều cũ kỹ tưởng ai cũng biết, rằng thơ lục bát vốn từ lâu đã thấm đẫm trong tâm hồn người Việt. Thấm đẫm từ buổi lời hát ru của mẹ đong đưa bên vành nôi, cho đến những khúc ca dao hò khoan trao gởi tâm tình. Mà tất cả kho tàng quí báu đó đều bắt nguồn từ thơ lục bát, hoặc biến thể lục bát. Dông dài điều cũ kỹ này là ý tôi muốn diễn dịch "Lục bát Phương Tấn" cứ như vằng vặc ánh trăng khuya, xanh tươi vườn cau trầu, tiếng gàu thả vào đáy giếng vang dội thanh âm thăm thẳm... Cho dù bước chân thi sĩ có đêm Paris, ngày London, khuya Texas hay bất cứ nơi nào trên trái đất, thì máu huyết thơ anh, lục bát của anh chừng như đã khảm khắc vào vô thức hằng cửu một quê nhà.
Săm se xuân động bên trời
chào con én lạc có lời hỏi thăm
quê nào là quê trong năm
ăn bong bóng trổ như tằm ăn dâu (2)
Thơ như thế, dường như thi sĩ Phương Tấn phớt lờ những chuyện hiện đại cách tân lục bát. Chẳng những vậy, có vẻ như anh còn gắng gỏi đắp nên cái ốc đáo lục bát của mình thành một cõi, một miền nồng nàn hơi thở ca dao, như một cách thế làm nổi bật cái chất đồng quê đã dần phai và có nguy cơ bị xóa
đi trong đời sống hiện đại.
Tình "kêu tích tịch tình tang"
tình tang tích tịch đôi đàng tương tư (3)
Cố nhiên, ngôn từ nào cũng ẩn giấu trong lòng nó những tự nghĩa. Nhưng tôi có cảm giác trong thơ lục bát Phương Tấn, những thanh âm "tích tịch tình tang", hoắc là tiềng hò "khoan hỡi hồ khoan", hoặc còn nhiều hơn thế nữa, là những tiếng vọng hồi đáp lại một thực tại luôn thao thức ưu tư về cái quê quán tôi xưa siêu hình ở phía chân trời. Chỉ có cái thị lực thi sĩ mới nhìn ra, ngộ ra sự bất khả lãnh hội vô cùng, để niềm cô đơn thăm thẳm thường hằng lên tiếng gọi, như nối tình yêu - cái bến bờ hữu hạn tự trái tim mình những khát khao hướng tới vô tận.
Sầu tình dẫu lấy gàu sòng
tát thiên thu vẫn không mong cạn sầu.
(Khoe mai tàn cánh khoe màu thời gian)
Và, cái điều "không mong cạn sầu" ấy của nhà thơ , sao tôi thấy hồ như điệp điệp với cái sự "ngập ngừng", sự dang dở của thi sĩ Hồ Dzếnh năm xưa: Thơ viết đừng xong thuyền trôi chớ đỗ/ Cho ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa.
Vâng, vậy thì Phương Tấn cứ tiếp tục cái tiếng kêu tuyệt vọng của mình, niềm cô đơn của một kẻ " tát thiên thu vẫn không mong cạn sầu" có lẽ cũng là niềm hoan lạc của khổ đau và hạnh phúc, bởi lẽ định mệnh đã lựa chọn anh làm thi sĩ!
Đà Nẵng, cuối thu 2019
N N T
_________
(1), (2), (3) đề các bài thơ trong " Lục bát Phương Tấn"
(*) Đọc " Lục bát Phương Tấn" NXB Nhân Ảnh 2018