In Memoriam Du Tử Lê (1942- 2019)
Con người có nhiều khả năng hành động hơn khi mối quan hệ với người khác trở nên tốt đẹp, bền vững. Trong một xã hội ngày càng bận rộn, đông đúc, ít người nhận ra, như khi chỉ một mình và trong hoàn cảnh nguy hiểm, đời sống thực ra rất mong manh. Khởi đầu, gắn bó với người mẹ, lớn lên chúng ta xa rời cuống rốn, càng độc lập càng dễ mất dần cảm giác cần đến người khác. Cần thiết và sở hữu: bản chất của tình yêu. Vị tha, đánh mất, chỉ là những khuôn mặt khác. Thơ tình Du Tử Lê cố gắng nói về điều ấy. Nhưng anh không chỉ viết về sự mất mát, mà còn chúc tụng, bình phẩm, thương tiếc, hồi phục. Sống hai lần cho một tình yêu. Không ai lấy văn chương làm mục đích của kinh nghiệm sống, nhưng có những số phận đặc biệt ở đó dường như mọi diễn tiến của đời sống đều nghiêng một phía, về hướng vecteur của sáng tạo. Chữ đẹp và lạ, hình ảnh đặc sắc, nhạc điệu mới hoặc biến đổi, hầu hết trong thể thơ quen thuộc bảy chữ hay lục bát. Vì vậy thơ Du Tử Lê phổ biến. Nhiều tuyển tập thơ Anh ngữ có mặt anh. Thơ tình mà đầy lòng trắc ẩn, bạn bè, chiếu rọi ánh sáng vào giấc mơ, vào thân xác, vào nhục cảm. Đôi khi tình yêu nam nữ vượt qua chính nó, trở thành câu chuyện về đất nước. Quả thật anh viết nhiều đề tài, chiến tranh, sự khó nghèo, quê hương, bạn hữu, thậm chí những đề tài thân mật và ít gặp trong thơ Việt như gia đình, con cái, chi tiết lặt vặt. Vì sống là nhớ lại. Một người biến mất khỏi trí nhớ của một người khác, tức là đã chết.
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Một đất nước như một giấc mơ đã thất bại.
Là một trong những nhà thơ lưu vong quan trọng nhất, bao giờ anh cũng tìm cách ra khỏi mình. Du Tử Lê say mê ngôn ngữ, say mê đời sống theo nghĩa sáng tạo, tái tạo và phá hủy của nó. Giữ một lập trường riêng biệt, anh tìm cách xuyên qua các ranh giới và các định nghĩa, không mệt mỏi đi tìm sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thoát khỏi cái bóng của quá khứ chiến tranh máu lệ.
Nhiều người làm thơ, càng viết càng yếu đi, tự lặp lại mình, nhưng giai đoạn sau 1975 ở hải ngoại, Du Tử Lê đi lên so với trước đó, bên kia mép rìa của trường thẩm mỹ cũ, và sự vận động này giữ nguyên tốc độ, ít nhất cho đến khi sức khỏe anh có vấn đề. Sau đó, sau một sự dừng lại ngắn, và sau những bài thơ tự lặp lại mình, anh tiếp tục viết, bền bỉ, mặc dù không còn tạo ra các bước ngoặt như ở giai đoạn cao nhất của thơ Du Tử Lê, khoảng những năm 80, 90. Lúc đó, thơ anh đạt đến tài hoa ngôn ngữ: nhiều đoạn, nhiều câu trở thành thí dụ mới, trong khi gắn bó với truyền thống vẫn biến đổi không ngớt. Về mặt thể loại, anh đóng góp cho thể lục bát, năm chữ, bảy chữ, tự do. Nhiều người nói về cách tân của anh, những xuống dòng, những ngắt nhịp, các dấu chấm, dấu phẩy, dấu gạch chéo. Điều ấy sẽ còn gây tranh cãi, và một số thể nghiệm của anh có thể sẽ không thành công, nhưng chắc chắn có một số khác đang được chấp nhận và kế tục, gần như trở thành chuẩn tắc mới của tiếng Việt.
Khó có một nhà thơ cùng thời nào khác có những câu thơ được nhiều người nhớ tới, không phải chỉ vì các ca khúc mà chúng tựa vào, mà còn vì sự chia sẻ đối với lòng hoài niệm, đối với số phận dân tộc và sự kháng cự số phận ấy, chất trầm cảm và bi tráng của tình yêu, trong vẻ đẹp của một thứ tiếng nói, thuần Việt và tự do, ngày ấy có lẽ tưởng sẽ mất, nhưng đã, sẽ không bao giờ mất.
NĐT
Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn
Đêm về trên bánh xe lăn
Tôi trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố, sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi, mỗi ngày mỗi xa
Đời tan, tan nát chiêm bao
Tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào
Đêm về trên chiếc xe qua
Nhớ tôi xa lộ, nhớ nhà Hành Xanh
Nhớ em, kim chỉ khứu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa, ôi nhớ mưa !
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang xưa, quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính, buồn se bụi đường
Du Tử Lê
(Du Tử Lê, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Tùng, Lê Đạt, photo by Mừng Nguyễn Đặng)