Thi sĩ Du Tử Lê đã mệnh chung, ngôi sao vĩ đại của Thi Ca Việt Nam đã vụt tắt trên nền trời thu ảm đạm.
Tôi đã thực sự bàng hoàng cả buổi sáng trên đường đi khám bệnh, và vẫn còn bàng hoàng như thế khi đang ghi vội những trải lòng này, như một nén hương lòng tiễn đưa người bạn quí, người thi sĩ, “Ông Hoàng của Tình Ca,” đi về miền vĩnh cửu.
Tôi muốn được gọi thi sĩ Du Tử Lê là “Anh Lê” như lúc sinh thời anh đã muốn chúng tôi là “anh em” là “toa, moa” trong tình bạn đã gần nửa thế kỷ. Một tình bạn thuần khiết và chân thật, phát xuất từ thi ca Du Tử Lê và âm nhạc Đăng Khánh.
Là một trong những người có cơ hội gần gũi anh Lê, trên cả hai ngữ nghĩa, được anh trao và đón nhận những trao đổi nội tâm, càng ngày chúng tôi càng quí mến con người bên trong của tài năng thi ca ấy. Và lạ thay tôi đã hiểu được một cách rất hồn nhiên một điều mà nhiều người thấy lạ: Đó là “Tính Chung Thủy Tuyệt Đối” của thi sĩ đối với Phụ Nữ và Thi Ca. Dĩ nhiên chúng ta phải hiểu điều này dưới lăng kính rất hồn nhiên của người nghệ sĩ của mọi thời.
Và cứ như thế tôi đã yêu Thơ Tình Du Tử Lê và yêu Thi Sĩ Du Tử Lê trong cái hoàng hôn tranh sáng tranh tối của cuộc sống này.
Có một lần họa sĩ Đinh Cường đã viết cho tôi, mở đầu với câu: “Là người nghệ sĩ, chúng ta sống bằng cảm nhận…” Quả đúng vậy, anh Lê và chúng tôi đã đến với nhau bằng cảm nhận, và chính những cảm nhận ấy của tình bạn đã được thể hiện qua những hôn phối thi ca và âm nhạc của Du Tử Lê và Đăng Khánh.
Những ca khúc phổ từ thơ của Du Tử Lê như: K.Khúc của Lê, Em Ngủ Trong Một Mùa Đông, Lệ Buồn Nhớ Mi, Hạt Mưa Bay Cuối Đời,… đã ghi lại cho đời mối tình bạn thân thiết và trân quí ấy.
Thi sĩ Du Tử Lê vĩnh viễn rời bỏ chúng ta, nhưng ngôn ngữ, Tình Yêu bát ngát, sự hồn hậu và thủy chung trong dòng thi ca ấy vẫn cuồn cuộn chảy trong hàng triệu trái tim người yêu thơ nhạc Việt Nam.
Vĩnh biệt thi sĩ Du Tử Lê.