Buổi chiều đi ăn với bạn bè về, than mệt, muốn nằm nghỉ, rồi thi sĩ Du Tử Lê/ Thầy tôi đi luôn tại nhà riêng ở Garden Grove - California … lúc 8 giờ 6 phút tối thứ Hai, ngày 7 tháng Mười năm 2019, hưởng thọ 77 tuổi, với 77 tác phẩm thi ca và văn chương để lại cho đời.
Thầy tôi, đi bình an, hơi thở tắt lịm nhưng nụ cười vẫn thản nhiên - đôn hậu. Đứa cháu ngoại “hồn nhiên” tưởng là ông ngoại đang ngủ, kêu hoài mà ông ngoại không thức nên chạy ra ngoài báo cho bà ngoại biết: “Ông ngoại không ôm con nữa, ông ngoại đã lên trời…”
Những ngày qua, tôi thơ thẩn và miên man suy nghĩ về tình thân giữa tôi và thi sĩ Du Tử Lê. Nghĩ đến, tôi rưng rưng một nỗi buồn. Sự ra đi của Thầy, khiến tôi hụt hẫng.
Thầy đi vào mùa thu, gió buồn lao xao thổi những cành lá rơi rụng như cung phím tơ vương, sầu theo hư ảo, hợp lại nhau thành sự chia ly như những vần thơ Thầy gieo xuống hạt mầm định mệnh.
“….
này tháng chín, mùa thu về rất mới
bởi hôm qua có kẻ mới qua đời
hồn thánh thiện lối vào thơm cỏ cũ
em xạ hương từ quá khứ tôi
này tháng chín, này em, này tháng chín
em biết không, tôi, kẻ đứng bên đường
…”
Tôi thương Thầy như cha mẹ, như anh em ruột thịt. Bút hiệu của tôi - Đỗ Vẫn Trọn do chính Thầy đặt tên. Tác phẩm đầu tay của tôi “Nỗi Niềm Mang Theo” cũng chính Thầy chọn tựa. Và sự nghiệp của tôi, của Hệ Thống Truyền Thông Viên Thao 39 năm qua, tôi chỉ là người nuôi nấng, Thầy mới chính là linh hồn.
“Bởi, Du Tử Lê / nên, Đỗ Vẫn Trọn”
Giữa năm 1972, ở chốn núi rừng Pleiku, mưa như thác lũ, mưa dầm dề, mưa ròng rã hàng tháng trời, thỉnh thoảng những cơn gió lạnh thổi về. Thành phố chìm đắm trong mùi thuốc súng, bom đạn nổ từng hồi…
“Ở đây, tiếng súng, tiếng đạn,
Anh còn tiếng nào, nói yêu em…”
Qua người anh là nhà thơ Vũ Kim Hoàng, tôi may mắn được gặp Thầy. Thầy xoa đầu tôi bảo: “Thằng nhỏ này khác người…”
Tôi được ngồi bên Thầy, bên những ly café đậm đặc ở quán Dinh Điền, quán Văn…, bên những lần đi cắm trại, nghe nhà thơ Kim Tuấn đọc thơ của Thầy. Rồi sau đó, là những lần ngồi với Thầy hàng giờ ở café Brodard, La Pagode,… ở Sài Gòn.
Thời đó, tôi như một thanh niên hăm hở vào đời, mở ra những cửa gương soi bóng. Thơ Du Tử Lê chiếm ngự hoàn toàn. Lớp trẻ chúng tôi, sinh viên - học sinh, chép thơ tình Du Tử Lê để ví von, để tỏ tình. Vị ngọt ngào - mặn nồng trong thơ Du Tử Lê, tô điểm tình yêu cho đôi lứa. Sài Gòn của chúng tôi là những hàng me xanh rợp bóng, bên những tà áo dài trắng trên con đường Trần Quý Cáp, Duy Tân.
Tôi diễm phúc chừng nào khi được thân quen thi sĩ Du Tử Lê, ngọn núi cao ngất của thơ tình mà bao người say đắm ngưỡng mộ.
Bẵng đi một thời gian là sự chia lìa - thất lạc. Tin tức trên đài phát thanh Hoa Kỳ (VOA) cho biết là Thầy đã định cư ở Mỹ từ sau tháng Tư năm 1975, chứ không phải là Thầy đã chết hay tự tử giữa dòng sông Sài Gòn như những tin đồn.
Tháng Hai năm 1981, tôi đến Trại tị nạn Songkhla - Thái Lan, tôi liền gửi thư cho Thầy. Một tháng sau, tôi nhận được thư của Thầy, trong đó có thêm tấm chi phiếu và một Tạp chí Nhân Chứng. Một món quà vô giá đối với tôi. Thầy đưa tin: “Đã có một phóng viên của Tạp chí Nhân Chứng có mặt ở trại tị nạn Thái Lan”, và đăng một đoạn thư mà tôi đã viết cho Thầy: “Bây giờ, em đã mất, mất tất cả thứ tình thân sâu đậm ở bên kia bờ biển nhớ…”
Những ai ở bên trại rất hiểu nỗi lòng trông ngóng thư từ của người thân. Những lá thư an ủi tinh thần và thể hiện bằng những “money order” nhét trong giấy carbon. Họ thắp thỏm trông chờ ngày đi, trông chờ ngày được phỏng vấn. Họ muốn thoát ra khỏi những con mắt soi mói của đồng loại, cho dù họ là nạn nhân của một vụ hãm hiếp tàn nhẫn trên biển đông. Thầy đã thắp sáng cho tôi một niềm hy vọng, một tình người để tôi gìn giữ mãi.
Đọc thư Thầy, tôi vui lắm, niềm vui trong nước mắt không thể diễn tả được. Lá thư của Thầy là niềm an ủi lớn nhất của tôi trong những ngày ở trại tị nạn, khi mà nỗi nhớ quay quắt về Ba Mẹ, anh chị em, quê hương mà tôi vừa rời xa, bỏ lại. Hơn thế nữa, Thầy vẫn nhớ đến tôi, đến một cậu học trò bé nhỏ tập làm người lớn. Một ân tình biển rộng của Thầy dành cho tôi.
Tháng Sáu năm 1981, tôi đến Hoa Kỳ. Tôi gọi ngay cho Thầy, Thầy bảo: “Em về Orange County phụ anh làm báo…” Tôi chưa nghĩ ra là tôi có thể làm báo được, nhưng tôi rất muốn về đó, vì tôi cảm nhận Thầy đã cho tôi một tình cảm thân thiết, một điểm tựa tinh thần mà những người xa xứ mong mỏi có được.
Một tuần lễ ở Dallas - Texas với hai người chị ruột, một tuần lễ ở Mountain View - California với người anh bạn cùng trại tị nạn là tiến sĩ Nguyễn Thanh Tòng, rồi tôi đi xe bus xuống Orange County để gặp Thầy. Sau bao năm xa cách, giây phút gặp lại Thầy, tôi vô cùng xúc động. Tôi ôm Thầy thật chặt rồi bật khóc. Trí nhớ của Thầy về tôi như in rõ, Thầy nói: “Anh vẫn nhớ em ngày nào, vẫn dáng vẻ thư sinh…” Tôi kể cho Thầy nghe, tôi tâm sự cùng Thầy nỗi buồn ly hương. Tôi nhớ ba mẹ, nhớ người thân, nhớ quê nhà… Thầy bảo tôi hãy viết xuống những suy nghĩ, cảm nhận của mình. Thế là tôi viết. Bài đầu tay là “Thư Gửi Mẹ”, Thầy đăng lên tạp chí Nhân Chứng, sau đó đài BBC phát thanh về Việt Nam. Thầy đã mở cánh cửa để tôi bước vào văn chương - báo chí một cách may mắn và thuận buồm xuôi gió.
Tôi phụ với Thầy làm báo Nhân Chứng, báo Tay Phải, báo Nàng, quán café Tay Trái. Thời đó có cố nhà văn Mai Thảo, nhà báo Hoàng Dược Thảo, cố nhà báo Đào Quý Châu, cố nhà thơ Cao Đồng Khánh, cố nhạc sĩ Việt Dzũng, nhà thơ Võ Thạnh Đông, nhà thơ Trầm Phục Khắc,… sau này có thêm họa sĩ Trần Đình Thục, nhạc sĩ Trần Duy Đức, nhà thơ Lê Giang Trần,… chúng tôi làm báo với nhau trong một garage ở Ranchero Way, thành phố Garden Grove. Tất cả đều nhiệt tình để có một món ăn tinh thần cho người Việt.
Hàng tuần, cố nhà thơ Nguyên Sa, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tài tử Kiều Chinh, nhà báo Du Miên, nhà thơ Thái Tú Hạp, ca sĩ Lệ Thu, chị Topas Trần Hoàng Ngọc, nghệ sĩ Quỳnh Như, nghệ sĩ Đoàn Vững,… hay đến để cùng nhau bàn chuyện về thi ca - văn học - âm nhạc. Nhìn lại bây giờ, không còn bao nhiêu người nữa, những người anh đã lần lượt ra đi.
Sau mấy năm làm báo với Thầy, tôi lên San Jose để lập nghiệp. Tôi ấn hành tuần báo Yêu, cùng lúc tôi đại diện hai tờ báo của Thầy là tạp chí Nhân Chứng và tuần báo Tay Phải.
Tính đến nay đã gần nửa thế kỷ gắn bó với Thầy. Tôi suy nghĩ tình thân sâu đậm giữa tôi và Thầy như một định mệnh mà Trời đã cho tôi cái duyên gặp. Hồi tưởng lại chuỗi ngày qua, hình như Thầy chưa bao giờ trách mắng hay nói nặng tôi một lần nào. Liên tục bao nhiêu năm qua, tình thầy trò, tình anh em giữa chúng tôi chưa bao giờ có sự rạn nứt. Thầy luôn để tâm đến những sinh hoạt của tôi. Thầy bảo: “Góc cạnh của em là một nhà văn, một người viết chữ, nhưng góc nhọn của em là một người làm thương mại. Hãy cố gắng cân bằng, đừng quên lãng với văn chương, tránh những hệ lụy trong nghề nghiệp…”
Điều này rất khó cho tôi, dù tôi luôn luôn gìn giữ cái gốc, cái vốn của mình như Thầy dạy bảo. Thời gian sau này, tôi thích làm thơ hơn viết văn. Thầy bảo: “Sao trước đây em thân với nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tại sao không đưa thơ cho mấy anh ấy phổ nhạc để thơ của em sẽ chấp cánh, tỏa rộng hơn. Tôi nói: “Em bị cái bóng thơ của anh quá lớn nên không tự tin …”
Mới đây, khi Thầy biết thơ của tôi được các nhạc sĩ: Từ Công Phụng - Vũ Thành An - Song Ngọc - Nguyên Nhu - Mai Hoài Thu… phổ nhạc, Thầy mừng lắm và viết cho tôi những dòng chữ đầy khích lệ, Thầy chỉ cho tôi cách làm thơ thế nào để những nhạc sĩ dễ phổ thơ theo vần điệu, cung bậc âm thanh.
Từ khi Thầy bị bệnh, tôi muốn được ở bên cạnh Thầy nhiều hơn. Mỗi lần xuống Orange County, tôi đều thăm Thầy. Tôi muốn được đưa Thầy đi chỗ này chỗ nọ. Như mới đây, tôi hẹn Thầy cùng đi Âu Châu, dự định là ngày 13 tháng Mười năm 2019, Thầy do dự, vì sức khỏe yếu dần, nhưng Thầy vẫn chần chừ đợi tin anh Nguyễn Khắc Nhượng có cùng đi không. Thầy bảo: “Đi đâu cũng được, miễn là có dịp anh em mình ngồi với nhau hàn huyên là thích rồi…”
Một chuyến đi xa với nhau, tôi đã không thực hiện được, Thầy đã chọn một nơi xa hơn, bình yên hơn mà Thầy đã chấp nhận, Thầy xem những ngày còn lại là một phần thưởng, là một “bonus” mà Thầy có được khi những chứng bệnh của Thầy luôn làm khó và trở nên thân thiết với Thầy hơn.
Ngày 26 tháng Mười năm 2014, trong một buổi tổ chức tại San Jose “Du Tử Lê, Tôi với Người chung một trái tim”. Chỉ trước đó hai tiếng, Thầy mệt và khó thở. Tôi lo lắng vô cùng, nhà văn Thanh Thương Hoàng, luật sư Nguyễn Hữu Liêm, nhạc sĩ Nguyên Nhu… có mặt hôm đó cũng đậm nét âu lo. Ý lực của Thầy thật mạnh mẽ và Thầy đã vượt qua để đến với bạn hữu và những người yêu mến Thầy.
Mới đây nhất và cũng là lần cuối cùng, vào Chủ Nhật ngày 18 tháng Tám năm 2019, tại Hệ Thống Truyền Thông Viên Thao - San Jose, Thầy ra mắt “Thơ, Tranh Du Tử Lê”. Khi lên sân khấu Thầy nói: “San Jose là trái tim nhân ái… Nếu sức khỏe tôi còn cho phép, tôi có thể trở lại San Jose lần nữa…”
Không lẽ, Thầy đã tiên liệu được…, Thầy biết, ngày tháng của Thầy không còn bao lâu nữa, Thầy báo trước sự chia lìa sẽ đến như chính những bài thơ Thầy viết, mang theo một định mệnh.
Cho dù là định mệnh, tôi cũng không muốn chấp nhận. Ngọn đèn dầu yếu ớt, cạn kiệt, lóe lên trong tôi một tia hy vọng. Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh. Tôi hoảng hốt bởi câu nói của Thầy. Linh cảm cho tôi biết có điều gì đó không yên bình.
Một ngày trước đó, Thầy bảo tôi đưa lên San Francisco để thăm họa sĩ Duy Thanh. Đi chưa được bao lâu thì Thầy lại mệt, khó thở. Tôi nói: “Thôi để vài ngày nữa, em thay anh lên thăm anh Duy Thanh và trao thư của anh luôn…” Thầy miễn cưỡng chấp nhận lời đề nghị của tôi.
Bất cứ một người bạn nào bệnh, Thầy cũng cố gắng đi thăm như lúc cố nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, cố nhà báo Phạm Huấn, cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cố nhà thơ Hà Thượng Nhân… ở San Jose, nhạc sĩ Từ Công Phụng ở Portland - Oregon.
Tôi thường gửi thuốc cho Thầy trị bệnh, một lần tôi nhờ Thầy chuyển thuốc cho anh Nguyễn Khắc Nhượng, Thầy chưa kịp nhận thuốc của tôi gửi cho anh Nhượng, nhưng Thầy bảo với tôi, anh đã có hai hộp thuốc mà em mới gửi cho anh, để anh đưa cho anh Nhượng trước, rồi em gửi sau cũng được.
Tôi nhớ lại, khi thân mẫu của Thầy mất, Thầy đã ngồi bất động ở bàn viết lữ thứ hằng bao ngày để viết thành “Trường Khúc Mẹ Về Biển Đông”. Những dòng thơ đậm tình về đấng phụ mẫu dưỡng dục sinh thành của Thầy, đã làm rơi lệ nhiều người con hiếu thảo nhớ về Mẹ.
Thầy sống thật tử tế và thủy chung với bạn hữu. Ở Thầy, không có chiếu trên chiếu dưới, không có khoảng cách giữa một tên tuổi lớn trong thi ca - văn chương với những người trẻ muốn tìm đến lĩnh vực này. Tôi không ngạc nhiên khi Thầy có quá nhiều người hâm mộ từ trong nước và ngoài nước. Họ tìm đến Thầy không những ở tài năng của Thầy, một thi sĩ đặc biệt, hiếm hoi của thế kỷ này, của dòng văn học nghệ thuật ở miền Nam từ trước tháng Tư năm 1975, cho tới hôm nay, sau 44 năm ở quê người mà họ còn tìm đến Thầy, tiếp xúc với Thầy ở một tấm lòng qua tư cách và phẩm chất của một nhà thơ - nhà văn - nhà nghiên cứu để học hỏi những điều tốt đẹp nơi Thầy, nơi cách cư xử rất tế nhị của Thầy.
Thầy là một nhà thơ - nhà văn hàng đầu của văn học nghệ thuật Việt Nam, với 77 thi phẩm - tác phẩm lưu giữ ngàn sau, hơn 300 bản nhạc phổ thơ của Thầy, mỗi bản nhạc nổi tiếng gắn liền với từng nhạc sĩ qua nhiều giai đoạn - thời gian từ năm 1966 đến nay. Văn - thơ của Thầy là những nét chấm phá tuyệt tác, chữ nghĩa và cách đặt tựa bài của Thầy như một câu chuyện, một tâm sự mà người đời hay ví von: Ở chỗ nhân gian không thể hiểu/ Tan theo ngày nắng vội/ Con dế buồn tự tử giữa đêm sương…
Những ngày qua, trên các làn sóng phát thanh, các đài truyền hình, phát nhiều bài hát quen thuộc phổ thơ của Thầy được nhiều người nhắc, nhớ như: Khúc Thụy Du, Ơn Em, Trên Ngọn Tình Sầu, Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển, Ca Khúc Của Lê, Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi, Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời, Trên Cọc Nhọn Trăm Năm…để tưởng niệm một thi sĩ tài hoa, làm sáng rực bộ môn thi ca.
Mỗi câu, chữ của Thầy viết ra là một sắc thái riêng biệt, ý nghĩa thật sâu thẳm. Chữ nghĩa của Thầy thật đẹp trên từng dấu phẩy, dấu chấm,… Thầy đã cố gìn vàng giữ ngọc và làm phong phú cho tiếng Việt chúng ta dù ở nơi xứ người.
Từ năm 1977, Thầy đã đến nhiều nơi có người Việt sinh sống để khuyến khích bậc phụ huynh dạy dỗ tiếng Việt cho con em. Thầy tổ chức những buổi ra mắt thơ-văn ở khắp nước Mỹ, Canada, Úc Châu. Thầy đã đào tạo và chỉ bảo cho những người trẻ làm thơ, viết văn. Nhiều người trong số này đã thành danh.
Dễ gì có được bao người như Thầy. Đã sống và hiến trọn với chữ nghĩa, với văn chương cả một đời.
Sự ra đi của Thầy là một sự tiếc nuối cho bao người, dẫu biết rằng thơ văn của Thầy vẫn nhớ mãi, vẫn được truyền tụng, lưu giữ trong kho tàng văn chương Việt Nam, nhưng lòng tôi vẫn buồn vô hạn, dạt ngang miền ký ức, nhung nhớ đầy kỷ niệm bên Thầy.
Khi nhà văn Mai Thảo còn sống, hàng ngày Thầy, và tôi cùng anh Mai Thảo đều gặp nhau. Ba anh em chúng tôi thương nhau như không thể chia lìa. Ngày nào thiếu một người như thiếu một điều gì đó rất thân quen.
Tôi và Thầy cùng thờ kính nhà văn Mai Thảo. Trên bàn thờ của Ba Mẹ tôi, có di ảnh của nhà văn Mai Thảo, nay có thêm Thầy tôi/ thi sĩ Du Tử Lê.
Mỗi buổi sáng, mỗi buổi tối tôi thắp hương, châm trà, châm rượu, pha café và thỉnh thoảng tôi đốt một điếu thuốc cho Ba tôi, cho anh Mai Thảo, cho Thầy tôi/Du Tử Lê.
Nhà văn Mai Thảo đang nhìn nhà thơ Du Tử Lê mĩm cười. Cuối cùng rồi mình cũng gặp nhau.
Sáng nay, tôi dậy thật sớm, tôi ngồi ngay chỗ mà Thầy và tôi đã ngồi hàng giờ, hàng đêm trong tháng qua. Nhìn qua màn sương đêm dày đặc, thoảng mùi hương từ cây California Pepper như mùi hương trầm, thiêng liêng - u tịch và tĩnh lặng. Gió lạnh từng hồi, đâu đó tôi thấy bóng dáng của Thầy khăn choàng áo dạ, bước nhanh lên ngọn đồi, tiến về chỗ tôi ngồi. Hôm nay mới thật sự là gió của mùa thu, và mùa thu đã mang Thầy tôi đi thật xa. Những chiếc lá vàng vừa rụng khỏi cành để thân cây trơ trọi, chơ vơ trên miền yêu thương.
Được tin Thầy đi, nhiều người thân rất bàng hoàng. Nhạc sĩ Từ Công Phụng buồn bã nói: “Lê đi rồi, buồn quá Trọn ơi!” Nguyễn Vũ Nhã nhắn tin: “Trọn ơi! tôi như chết hết một phần thân thể”. Nhạc sĩ Vũ Thành An: “Tiếc quá, Trọn ơi! hôm thứ Hai anh em mình đã không gọi được cho anh Lê”.
Tôi ngồi trong căn phòng của Thầy, nơi chiếc bàn có máy vi tính. Ở đây, là nhịp sống, là sinh mệnh, là hơi thở của Thầy. Những con chữ, những dòng thơ, những áng văn chương được thoát ra từ căn phòng này. Tôi tìm hơi ấm của Thầy trên chiếc giường giờ đã được trải drap giường thẳng nếp, những bộ quần áo được treo ngay ngắn hơn. Tôi thấy căn phòng lặng vắng im ỉm một nỗi buồn.
Từ hôm Thầy đi, chị Hạnh Tuyền không khóc, chị như người mất hồn. Tôi không dám hỏi, nhưng rất lo. Cuối cùng, chị đã khóc, khóc thật nhiều khi những con cá mà anh chị đã nuôi từ 20 năm qua, bỗng nhiên chết hết. Chị khóc uất nghẹn: “Ảnh đi rồi, mấy con cá cũng đi theo ảnh luôn, em ơi…”
Tôi nói với chị Hạnh Tuyền: “Khóc đi chị, hãy để những lệ sầu rơi xuống. Chị cứ khóc, đừng cố gắng chịu đựng. Như em, cũng không thể chịu đựng. Em đã khóc, khóc từ khi cơn bệnh hành hạ anh, từ những cơn ho trái mùa làm đau lồng ngực anh. Anh đi rồi, em buồn lắm, em xót xa vô ngần. Nhiều thành phố, nhiều con đường em đã đi cùng anh. Bây giờ vắng anh, em thiếu một con đường, một hướng đến, một phương chỉ nam”.
Thầy ơi! 47 năm, gần một nửa thế kỷ, em được hạnh phúc vô cùng khi được Thầy yêu thương đùm bọc. Bây giờ Thầy đã đi. Ở một nơi nào đó, bóng Thầy vẫn quanh quẩn đâu đây. Giọng nói của Thầy vẫn văng vẳng dấy lên trong em một nỗi nhớ khôn nguôi, một nỗi niềm mang theo, bỏ lại. Lời ước nguyện của Thầy vẫn còn đây:
“…
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
Bên kia biển là quê hương tôi đó
Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
….
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
Đời lưu vong tận huyệt với linh hồn”
Thầy ơi! Thầy ơi!
Thầy đi, để lại bao sầu nhớ
Thất thểu hồn em, mối thâm tình…
Mong Thầy đi thanh thản, thưa Thầy!
Em - Đỗ Vẫn Trọn
Tiểu Sử Du Tử Lê: https://youtu.be/2jqYW7OXJYU
Du Tử Lê / Thầy tôi, đã đi...
Link Youtube: https://youtu.be/UOqCC-H2E7A
Link bài viết: http://www.vienthao.com/baivie
Link Audio: http://www.vienthao.com/audio/du-tu-le_thay-toi-ra-di_10-18-