Yêu thích thơ anh từ khi còn nhỏ ở Việt Nam. Sang Mỹ hân hạnh được quen biết anh trong thập niên 1990. Thời gian đó tôi còn khá trẻ và năng động, đi nhiều nơi trên nước Mỹ để xây dựng các phong trào trẻ, phong trào học sử Việt, phong trào đưa văn học Việt vào Internet khi lãnh vực tin học này còn trong buổi phôi thai.
Hai mươi hai năm trước, hai anh em cùng được mời đến tham dự một buổi hội thảo văn hóa Việt ở Florida năm 1997. Tôi đến để nói chuyện về tuổi trẻ Việt Nam. Anh đến để nói chuyện về văn học Việt Nam. Hai anh em phong thái khác nhau. Tôi nói hăng say, nói lớn, nói nhanh, nói như thách thức. Anh thì khác. Anh nói như đọc thơ. Chậm rãi. Từ tốn. Nhẹ nhàng. Khiêm cung.
Trong bài thuyết trình của tôi, tôi nhấn mạnh đến việc nuôi dưỡng và phát huy các giá trị văn học VNCH tại hải ngoại. Nền cộng hòa tại miền Nam chỉ vỏn vẹn hai mươi năm nhưng để lại một gia tài văn học to lớn trải rộng khắp các bộ môn. Gia tài đó cần phải được giữ gìn và phát huy.
Thế hệ các em tôi phần lớn sinh ra ở hải ngoại hoặc còn rất nhỏ khi theo ba mẹ lênh đênh trên biển cả. Khoảng trống hiểu biết và nhận thức đúng về văn học VNCH trong các em cần phải được điền khuyết. Ai sẽ làm việc đó? Thế hệ cha anh. Nếu không, mai này đừng trách tuổi trẻ rời xa nguồn cội.
Để làm được điều đó, trươc hết các văn nghệ sĩ bậc cha chú phải tìm cách đưa các tác phẩm còn may mắn sót lại trên giá, trong các thư viện Mỹ vào internet. Tôi lập nhiều nhóm văn học trên Internet để tập trung các cây bút miền Nam và tìm các chuyên viên điện toán trẻ khắp nơi, nhiều khi đến tận nhà, để giúp các nhà văn nha thơ cách đánh từng trang sách, từng bài thơ, chuyển dạng từng tác phẩm của họ sang các dạng chữ như VNI, VPS, VNU ngày đó còn rất mới lạ. Anh lưu ý tới nguyện vọng của tôi và cũng là của thế hệ trẻ Việt Nam.
Giờ nghỉ trưa, hai anh em chụp một tấm hình kỷ niệm và thảo luận tiếp bài thuyết trình của tôi. Anh rất vui và hứa sẽ làm những gì anh có thể để đưa thi ca, trước hết là của anh, đi đến mọi nơi, các cộng đồng và nhất là đến giới trẻ.
Thời gian sau đó anh đi nhiều. Tôi cũng đi nên thỉnh thoảng lại gặp nhau tại các thành phố lớn. Anh đến MIT, Harvard đọc thơ cho sinh viên Việt Nam nghe. Khi gặp anh em chúng tôi thường nhắc lại chuyện cũ và những ước mơ đang đâm chồi.
Thỉnh thoảng, anh tặng tôi tác phẩm mới của anh. Tôi đọc nhưng không dám viết về thơ anh. Tôi nghĩ, dù ca ngợi cũng nên ca ngợi cho đúng tầm. Trong lãnh vực thi ca, tôi và anh cách nhau xa. Tôi không đủ sâu sắc để hiểu và viết về thơ anh. Anh thì khác. Anh đọc và viết về thơ và cả văn tôi.
Tôi biết đó là cách anh thường làm để tỏ bày tình cảm với bạn bè, và với tôi đó là cách anh khuyến khích thế hệ đi sau. Ngay cả khi tôi tặng anh cuốn sách Chính Luận khô khan dày 600 trang, không thuộc sở trường của anh, anh cũng đọc và viết bài giới thiệu trang trọng. Anh không phân biệt chiếu trên chiếu dưới, nhà thơ lớn nhà văn nhỏ. Em cám ơn anh.
Một thi sĩ có đời sống nội tâm như anh hiểu được giới hạn của đến và đi nên không có gì làm anh quá bận tâm. Làm người anh vui buồn theo nhịp sống mỗi ngày nhưng không mang theo vào giấc ngủ. Nhờ đó, một đêm thu 2019, anh ra đi nhẹ nhàng như chiếc lá thu rơi.
Tưởng nhớ nhà thơ Du Tử Lê.
Trần Trung Đạo