Thường buổi sáng, ngủ dậy, tôi hay vào Facebook coi có chuyện chi lạ không. Sáng thứ tư 9/10/2019, thấy cái post của Hạnh Tuyền: “Ông ngoại đã lên trời”. Định lướt qua. Chuyện ông ngoại Lê và hai cháu Rock và Roll là chuyện vui chơi mà Hạnh Tuyền hay mang lên facebook cho vui. Những post này cho thấy một Du Tử Lê khác, rất hồn nhiên. Nhưng thấy mấy cái comment ở dưới mới giật mình. Lê đã bỏ đi thật. Như một phản xạ tự nhiên, tôi nhấc phôn, bấm số của Luân Hoán. Giọng Luân Hoán trầm buồn: “Tôi cũng vừa đọc đây!”. Rồi cúp. Biết nói với nhau những gì đây.
Tháng 9, Nguyễn Đức Bạt Ngàn cũng đã chuồn đi. Tháng 10, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt cũng bai bai anh em. Tin muộn còn ghi những ra đi của họa sĩ Nguyễn văn Trung và nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân. Giờ tới Du Tử Lê. Anh thần chết coi bộ láo lếu dữ! Hàng phòng thủ của chúng tôi như đã vỡ. Anh thần khốn nạn đã đột nhập và chém lung tung. Ai cũng ngơ ngác, thấy trống vắng ở lưng. Cú chém nào sẽ giáng xuống tiếp đây? Ông Luân Hoán, vốn cả lo, đã thơ:
đang ở tận nỗi buồn / thật khó buồn thêm nữa
mất người mến đã buồn / buồn chính mình đợi cửa
người người sẽ giống nhau / khi đi vào cửa tử
nhưng hoàn toàn khác nhau / những gì đã dự trữ
lớn hơn 2 đã mất / nhỏ hơn 1 cũng đi
chẳng thể không lạnh gáy / nhưng đâu biết làm chi
thêm một dòng “cung kính / tiễn đưa và phân ưu”
ngẫm tuổi đời kề cận / vừa lo vừa ngậm ngùi
Sa Giang Trần Tuấn Kiệt hơn Luân Hoán 2 tuổi, Du Tử Lê nhỏ hơn 1 tuổi. Ông Luân Hoán kẹt ở giữa, lo là phải. Nhưng anh em chúng tôi chẳng nỡ để mình ông Luân Hoán lo, tội ông ấy. Chúng tôi đều cùng lo. Nhưng cần chi lo. Anh Du Tử Lê đã từng thơ:
khi em hiểu cuộc đời không thể khác: / đi với về cùng một nghĩa như nhau.
Sinh thời, nhà thơ Du Tử Lê có mối giao tình rất sâu đậm với anh em cầm bút Montreal chúng tôi. Đầu thập niên 1990, anh qua thành phố này để đón chị Hạnh Tuyền và cháu Lâm Quỳnh từ Việt Nam sang đoàn tụ với anh. Chúng tôi đã có những ngày vàng bên nhau. Hồi đó, chúng tôi còn trẻ, rất chịu khó đàn đúm nhậu nhẹt. Có ngày chiếc xe 5 chỗ ngồi của tôi chồng chất không biết bao nhiêu văn nhân, coi mấy anh bạn dân như pha. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ rất hào hoa mà tôi đọc thơ anh từ ngày còn ở Việt Nam. Chất hào hoa của anh quả thật ăn đứt hết chúng tôi dù chúng tôi có những người ít tuổi hơn anh rất nhiều. Anh thủ thỉ, nhỏ nhẹ, để ý từng chút khi tiếp xúc với phụ nữ là điều chúng tôi học hỏi được rất nhiều nơi anh. Cách anh kéo ghế, cách anh thăm hỏi, cách anh nói chuyện. Anh được lòng mọi người, nam phụ lão ấu. Anh thành công trong mọi trường hợp. Đã có lần anh tự nhận là “tên ma đầu trong tình trường”. Người trẻ nhất trong bọn chúng tôi, nhà văn Hồ Đình Nghiêm, lăm le bắt chước nhưng anh ngăn ngay: “Các toa có gia đình đầm ấm, đó là hạnh phúc, moa là thứ homeless!”.
Từ ngày có Hạnh Tuyền, anh đổi tính. Anh cứ đường thẳng mà đi, chẳng rẽ ngang rẽ dọc. Quý nhất là anh còn giữ được cho tới khi nhắm mắt cái tính nhỏ nhẹ với nữ giới. Nữ giới của anh thu hẹp lại chỉ còn chị Hạnh Tuyền. Chị Hạnh Tuyền thường post lên Facebook các lời xin lỗi viết trên những mẩu giấy mỗi khi anh thấy mình làm không đúng. Chuyện đình đám nhất là chuyện bếp núc. Anh có tài làm thơ nhưng không có tay thổi cơm nấu nước. Có lần chị post lên hình chiếc nồi cơm điện anh nấu. Anh đổ gạo ngay vào phần điện, coi nồi nấu như pha! Nhưng tôi thấy chị Hạnh Tuyền có vẻ “bêu riếu” anh vì, trong một post khác, anh đã hiên ngang dặn: “Cơm đã thổi – cho 5 người”.
Đãng trí nhưng anh không bao giờ quên việc nhỏ nhẹ với chị. Khi anh mất, chị Hạnh Tuyền còn post lên tờ giấy anh nhắn chị. “Anh cất ½ bát phở trong tủ lạnh. Khuya T.dạy, dù lười mấy, cũng ráng ăn, T. à”. Những mẩu giấy bắt đầu bằng “T. ơi” từ nay chính là anh ở với chị.
Tôi đã gặp một Du Tử Lê dễ mến như vậy. Có lần tôi đã thực sự cảm động. Ngày 11 tháng 6 năm 1997, anh viết thư tay cho tôi. Ngày đó đâu đã có internet để mail. Nhờ vậy mà tôi còn giữ được thủ bút của Lê. Anh nhờ tôi và anh em bên Montreal tổ chức một buổi ra mắt sách cho anh. Chuyện nhỏ.
Đêm ra mắt sách được tổ chức vào ngày 13 tháng 9 năm 1997. Chỉ có một thay đổi nho nhỏ: anh em Montreal thấy nên có một tác giả địa phương kèm theo để dễ dàng cho các thủ tục tổ chức nên đề nghị tôi cùng ra mắt sách với Lê. Lúc đó tôi có tập truyện “Còn Đó Bóng Hình” đang được nhà Văn Mới in ở Cali. Sách không kịp gửi cho ngày ra mắt. Du Tử Lê đã tình nguyện ôm 100 cuốn sang Montreal. Phiền nỗi anh không đi thẳng qua Montreal mà ghé Hoa Thịnh Đốn trước. Vậy mà anh đã cõng 100 cuốn sách của tôi trên máy bay qua thủ đô Hoa kỳ, rồi cùng với Bùi Bảo Trúc lái xe qua Montreal. Sách chỉ theo anh tới địa điểm tổ chức đúng một tiếng đồng hồ trước buổi ra mắt!
Ký mục gia Bùi Bảo Trúc là người giới thiệu Du Tử Lê với cộng đồng Montreal vào bữa đó. Trúc nói trên diễn đàn: thơ của Du Tử Lê là thứ thơ lang chạ! Lang chạ với biết bao nhạc sĩ. Thơ của Lê có lẽ là thơ được phổ nhạc nhiều nhất. Ít nhất cũng có thể kể Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương, Đăng Khánh, Hoàng Thanh Tâm, Anh Bằng, Trần Duy Đức. Từ Công Phụng là người phổ thơ Lê nhiều nhất. Hai người hình như có mối cảm thông thắm thiết. Nhạc sĩ họ Từ cho đó là một cuộc hôn phối. Khi nghe tin Lê nằm xuống, máu Phụng đã lên cao! Tính ra có tới 300 bài thơ của Lê được phổ nhạc, có bài được tới 6 nhạc sĩ phổ. Con số này tôi lượm được trên net, không biết có chính xác không.
Với bạn văn, Lê rất trân quý. Cách anh đề tặng sách cho bạn chứng tỏ điều đó. Mở sách Lê tặng, tôi ghi lại được vài lời sau: “và Song Thao, và ngôn ngữ chúng ta ở quê người”; “và Song Thao, nhà văn, 1997”; “và, đệ nhất Phiếm chủ Song Thao”.
Mỗi lần có dịp qua Cali, tôi vẫn dành thời giờ tới thăm Lê, nói chuyện bù khú với nhau trong khu vườn có cây cỏ, có cá chim và có tượng bán thân của Lê.
Chúng tôi có một tình bạn đẹp. Đôi khi anh dành cho tôi những ngạc nhiên thích thú. Anh đã từng kéo tôi lên đài truyền hình SBTN để mạn đàm trong mục “Du Tử Lê và Bằng Hữu” khi tôi qua Cali. Anh đã nhiều lần lẳng lặng mang tôi lên báo. Có lần tôi đang ở Paris, mở báo Người Việt Online, thấy anh giới thiệu tôi, ngạc nhiên và thú vị vô chừng. Kỳ qua Cali vừa qua, tôi hụt gặp anh. Anh đã dọn nhà, có lẽ xa và không tiện đường hơn. Mỗi sáng, anh ra ngồi ở tiệm cà phê gặp bạn bè. Dù mưa dù nắng, anh luôn có mặt đúng giờ. Và ra về đúng giờ. Tôi đến trễ lần này nên không gặp anh. Ngày thứ hai đó, ngày hẹn với tử thần, anh cũng cà phê với bạn trước khi quay người bỏ lại cõi thế.
Tạng người anh vốn không được khỏe. Orchid Lâm Quỳnh cho biết: “Đã từ lâu bố tập cho tôi một thói quen: phải làm việc ngoài phòng khách, để bố cần gì thì bay tới ngay để phụ. Sau mấy lần bạo bệnh bố yếu đi khá nhiều. Tay chân lọng cọng nên làm gì cũng sai, bưng gì cũng đổ. Tôi có nhiệm vụ “canh” bố buổi trưa, và mẹ “rình” bố buổi tối. Tội nghiệp. Đường đường là một tên tuổi lớn, mà luôn bị rình rập bởi hai người phụ nữ trong nhà”.
Có lẽ Lê là một bệnh nhân hiên ngang nhất. Hồi anh bị bệnh thyroid anh đã thơ:
ô kê cũng tốt thôi Thyroid
cám ơn bạn đã chọn tôi
như đất chọn trời
như đại bàng chọn đỉnh núi
như cọp vằn
chọn rừng sâu
….
Thyroid, chính bạn
(chứ còn ai vào đấy)
đã xơi của tôi miếng mắt trong
chính bạn chủ mưu đẩy con ngươi của tôi lồi ra khỏi hốc mắt
bạn chơi khăm quá đi
chơi đểu quá đi
chơi sát ván
chơi tôi ná thở…
Khi bị ung thư đại tràng, anh đăng đàn la cho cả nước biết và kể lại kinh nghiệm để mọi người đề phòng. Khi nghe tin Lê mất, ai cũng tưởng là vì bệnh ung thư nhưng có lẽ không phải. Bệnh ung thư thường chơi cú hành hạ chót đau tới xương tủy. Anh ra đi rất thanh thản. Trên Facebook, tin về cái chết của anh nằm kín từ đầu tới cuối. Chị Hạnh Tuyền kể lại: “Sáng thứ hai (7/10/2019) còn chở anh ra cà phê, thả anh xuống rồi đi làm. Bốn giờ chiều còn nhận e-mail của anh: “Tuyền, chiều nay 6 giờ mình có hẹn đi ăn với bạn nghe”. 5:40 chở anh ra quán rồi đi về. Không đi cùng vì phải trông cháu. 7:45 bạn dìu anh về. Anh nói: “Anh mệt, anh cần cởi giầy, anh muốn đi vào phòng”. (Cũng còn nhớ cởi giầy vì sợ nhà dơ). Vào phòng còn đòi cái gối. Đỡ anh nằm ngay ngắn rồi đi ra.
Mười phút sau vào phòng check coi anh cần gì không, thấy anh ngủ rất say, yên chí. Roll chạy vào tót lên ôm ông ngoại, hôn ông ngoại. Roll nói: “Ông ngoại lên trời rồi!”. Ủa, sao Roll nói cái gì vậy? Check lại thì anh đã ra đi. Trước sau chỉ chừng hơn 10, 15 phút là anh ngủ rồi đi luôn. Gọi 911, sau khi làm hô hấp, họ đưa anh thẳng vào nhà thương, tìm đủ mọi cách cứu nhưng không thành công. Anh ra đi khoảng 8 giờ tối thứ hai, ngày 7 tháng mười 2019, tại nhà riêng, nơi căn phòng của anh, nhẹ nhàng, thanh thản, ở tuổi 77 với 77 tác phẩm”.
đêm nào đó tôi thấy mình gõ cửa
nhầm nhà ai
có áo quan quàn một góc
và lúc ấy
tôi biết rằng Chúa chưa kịp tới
trong khi đời đã vội lánh xa rồi
Đời không lánh khi tin Lê mất được tung ra. Chúng tôi đã bàng hoàng. Đã ngỡ ngàng. Cái bóng của anh quá lớn để lại một khoảng trống trong mỗi chúng tôi. Nhà thơ Hoàng Lộc đã tê tái.
một thi sĩ vừa qua đời
bạn bè gửi theo lời tiễn
cầu Chúa đón linh hồn ông
cầu Phật một lần tiếp dẫn
mong ông ngủ giấc bình yên
anh cũng sắp đi thôi
em khép cửa phòng em lại
một mình đọc câu thơ cũ
hình như mình có một thời?
Có một thời Lê đã sống với bạn bè, với vợ con, với cháu ngoại. Rồi Lê biến mất. Hình như với nụ cười. Thanh thản. Bạn bè an ủi nhau: Lê đi cách mà mọi người chúng ta đều mong được như vậy. Có lẽ Lê đã tính trước lối đi của mình.
- lành thay con đã tới cửa thiên đường
trước khi tra chiếc chìa khóa này vào ổ khóa
ta cần hỏi con vài câu gọi là, chiếu lệ
- vâng thưa ngài. Lành thay cho những kẻ chính trực
- nơi dương gian con thuộc sắc dân nào?
- Việt Nam, ngài có bao giờ nghe tới?
- thế à….! Nghề nghiệp sau cùng?
- thi sĩ
- tốt! tốt! ta nghĩ con nên quay về
- sao vậy, thưa ngài?
- thiên đường không có chỗ cho những hạt giống có tới hai mầm:
dối gian, và buồn bã
như hạt giống Việt Nam, Thi sĩ
bảy giờ 3 phút sáng thứ hai
tôi ngạc nhiên thấy mình vẫn còn xếp hàng
ngoài cửa văn phòng INS.
Đây là bài thơ “Cuộc đối thoại đâu chừng một phút giữa thánh phê rô và thi sĩ”. Lê làm bài thơ này vào tháng 2 năm 1997 và được in trong tập thơ “Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi”.
Lê ra đi khoảng 8 giờ tối, cũng Thứ Hai! Liệu thánh Phê Rô, trong một lúc dễ dãi, có trả Lê về trần không? Tôi mường tượng, nếu được về, Lê sẽ không tới sở di trú INS mà ra thẳng quán cà phê, ngồi chưa nóng chỗ đã vội vã trở về nhà. Vì đó là nơi anh ra đi. Và đó là nơi anh phải trở về.
Đi với về cũng một nghĩa như nhau!