Mọi nỗi đau đều cần một sự nhiệm mầu, để vượt qua.
Cách đây mấy ngày, mẹ LQ có hỏi: Con sẽ nói gì với Bố, con phải viết xuống. Dù là 1 tên tuổi lớn, bao giờ Ông Bố cũng viết xuống. Cũng đọc trước. LQ chìu ý mẹ, và viết xuống, để đưa mẹ đọc. Nhưng hôm nay, LQ quyết định sẽ không nói theo bài đã được “nhà nước” kiểm duyệt. Mình đang live mà.
Mọi nỗi đau đều cần một sự nhiệm mầu để vượt qua, và sự thật luôn nhiệm mầu.
LQ không tôn thờ, không thần tượng thi sĩ Du Tử Lê, không đắm chìm trong cõi thơ DTL, vì căn bản LQ yêu âm nhạc, chứ không yêu thơ.
Nhưng, LQ yêu bố mình da diết.
Từ khi tự cho mình đã đủ trưởng thành, và sau những lần bạo bệnh của Bố, tình yêu ấy được chuyển hóa sang một khuôn mặt khác, đó là tình… mẹ con. LQ yêu Ông như yêu một đứa trẻ. Yêu sự ngây ngô, vụng về của Ông. Yêu những lời nói thật, mà Ông chỉ dành riêng cho gia đình. Ông kể hết tất cả mọi chuyện, vô số chuyện từ những quán cà phê mà Ông góp nhặt cho đến chuyện những mối tình cũ mới… Cái hay là hỏi gì Ông cũng nói, cũng kể. Ở ngoài Ông là người ít nói, nhưng về nhà Ông là người rất… nhiều chuyện. Gia đình luôn có một bữa cơm tối đoàn tụ, và đó là dịp để Ông kể. Ông kể từ kiếp này luôn đến cả kiếp sau. Nhân nói chuyện kiếp sau, LQ cũng muốn nhắc lại một chuyện vui vui. Có hôm LQ hỏi kiếp sau Bố muốn làm đàn ông hay đàn bà. Ông nói không suy nghĩ: Muốn làm phụ nữ Bố chán làm đàn ông lắm rồi. - Vậy nếu là phụ nữ thì Bố sẽ lấy ai? Ông suy nghĩ rất lâu, có lẽ cho rằng điều sẽ nói rất quan trọng. LQ giải mã dùm: -Có phải Bố muốn lấy Bác Trần Dạ Từ, đúng không? Ông tủm tỉm cười hơi có ý mắc cỡ. (Thôi thế thì kiếp sau Cô Nhã Ca khó khăn rồi, khi đối thủ của cô là một người rất đáng gờm)
Nói thế để thấy rằng gia đình luôn là nơi Ông tìm về nương náu. Ông an tâm về gia đình, nên Ông luôn lấy gia đình làm bia đỡ đạn. Thí dụ Ông muốn từ chối ai điều gì, Ông thường nói: “Để anh về hỏi ý chị T.” Và rất dễ thương là, sau khi nói với bạn, Ông lại về nhà kể cho vợ nghe, có khi vợ ngồi bên cạnh, Ông cũng tỉnh bơ nói “để anh…” Sau này Mẹ than quá, sao anh cứ bắt em làm vai ác hoài vậy? thì ông chuyển hướng sang Rock N Roll. Khi muốn từ chối, ông nói: “Anh phải về trong cháu!” Ông chẳng trông cháu bao giờ, vì bên hai cháu ông cũng phá phách ồn ào như hai cháu vậy.
Nhưng cả gia đình vẫn chiều ông như 1 đứa trẻ. Một đứa trẻ với rất nhiều lỗi lầm, và lỗi lầm lớn nhất của ông là, “đã bay lên trời”, để nến tôi cháy đỏ mùa chia biệt. (*) Nhưng LQ, mẹ, Hân, và cả Rock N Roll sẽ nói với ông rằng: đã thương con rồi là thương suốt đời, và thương hết cả lầm lỗi của con.
Đối với gia đình:
Nghìn năm “ông” vẫn là đứa trẻ,
cần tay mẹ như thuở lên năm. (*)
Mọi nỗi đau, luôn cần 1 nhiệm mầu để vượt qua.
Có lẽ vì vậy trong mấy ngày hôm nay, 2 mẹ con, dù không nói gì với nhau, đặt từng vị trí trong quá khứ, đã sống thật đằm thắm với Bố. Và cả 2 mẹ con, mệt nhoài vơ vét những kỉ niêm. Cây viết, ly nước, cái kính, cái nón của ông. Dù cái nón đã thất lạc. Hai mẹ con tha thiết xin lại cái nón của ông, nhưng cái nón vẫn không trở về. Cách đây mấy hôm, LQ có nhận 1 tin nhắn của một người chị, chị nói rằng. Em thấy điều đó có cần thiết không? Chị nghĩ để cho người ta làm kỉ niệm. Nhà mình đã có quá nhiều kỉ niệm với Bố rồi. Điều đó có cần thiết không em?
Thưa chị, em hiểu ý chị. Nhưng hôm nay em cần chị hiểu 1 điều: ông Du Tử Lê, ông Tô Thùy Yên, Ông Mai Thảo, Ông Anh Bằng, Ông Phạm Đình Chương… là những người bất tử. Và nếu thật sư chị yêu quý họ, khi chị về nhà hôm nay, vần thơ của họ sẽ còn nguyên vẹn trên kệ sách. Vì đó là ngọn lửa cho đời sau, kiếp khác. Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
Mọi nỗi đau đều cần sự nhiệm mầu để vượt qua, em tự hứa với lòng, mình sẽ sống tử tế với nhau, trước khi thành quá muộn (*).
(*) Thơ Du Tử Lê
http://www.youtube.com/watch?v=9zcuuSQHA88&feature=youtu.be