SAN FRANCISCO, California (VB) -- Họa sĩ Duy Thanh vừa từ trần vào giờ 9:30 PM, đêm Chủ Nhật 24/11/2019 tại bệnh viện General Hospital San Francisco, tại thành phố San Francisco, California.
Họa sĩ Duy Thanh sinh ngày 11 tháng 8 năm 1931 tại Thái Nguyên. Ông học vẽ năm 1952 với họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Đã từng tham gia triển lãm tại nhà hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội (1954), tại Phòng Triển Lãm Đô Thành và Pháp Văn Đồng Minh Hội (1956,1958,1961). Ông cho rằng mình không ở trong một trường phái hội họa nào, bởi vì nhận mình ở trong môn phái nào, là cho mình bằng lòng với hội họa mình đeo đuổi, là đứng ì một chỗ, tức là không còn băn khoăn nghi ngờ, học hỏi, tìm tòi nữa. Quan điểm của họa sĩ Duy Thanh về hội họa đã được ông bày tỏ như sau trên tạp ghi “Thảo Luận” do nhà xuất bản Sáng Tạo phát hành vào năm 1965: “Mỗi bức tranh là một trạng thái tâm hồn trong một thời gian nào đó của nhà họa sĩ. Trạng thái đó kết bằng màu sắc, hình thể, đường nét trong thời gian ấy. Cho nên không thể nào có hai bức họa giống nhau dù là do một người vẽ cùng một sự vật hai lần (tôi nói trường hợp nhà nghệ sĩ chân chính). Thành thử họa phẩm nếu có một giá trị hơn các tác phẩm khác như thơ văn là ở chỗ đó. Nó chỉ có một.”
Chị Doãn Ngọc Thanh, trưởng nữ của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, là người đã có duyên được học vẽ với họa sĩ Ngọc Dũng, và cũng được họa sĩ Duy Thanh “xoa đầu chỉ bảo” theo kiểu con cháu trong nhà, bởi vì nhóm Sáng Tạo thời đó thường xuyên gặp gỡ tại căn nhà nhỏ trong hẻm Thành Thái của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Chị Thanh nhớ lại về hai người bạn văn nghệ này của thân phụ mình như sau:
“Cả hai bác đều hiền lành và ít nói so với các bác Sáng Tạo rổn rảng khác như Mai Thảo, Nguyễn Sĩ Tế, Trần Thanh Hiệp. Trong 2 bác, tôi thích tranh của bác Duy Thanh hơn, vì màu sắc tươi tắn và nét vẽ đầy đặn, đơn giản, rất giống Picasso thời khởi thủy. Bác Ngọc Dũng dùng màu lạnh và tối, nét vẽ hơi siêu thực. Cả hai đều có họa chân dung của bố tôi. Xem hai bức chân dung vẽ cùng một người bạn tri kỉ, có lẽ là cách hay nhất để hình dung phần nào về tính cách của hai người họa sĩ này.
Bác Duy Thanh có lối vẽ chân dung tuyệt chiêu, lột tả những nét đặc biệt của người mẫu. Trong tám anh chị em tôi, thì có 05 đứa được hân hạnh bác Duy Thanh vẽ chân dung cho ngay từ tuổi tiểu học, tất cả những bức họa dễ thương này còn treo tại căn nhà Thành Thái. Theo tôi, siêu việt nhất là tấm phụ bản bác Duy Thanh vẽ bác Thanh Tâm Tuyền, trong tập thơ “Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy” của bác Tâm, do Sáng Tạo in và xuất bản vào năm 1964. Chỉ đơn sơ vài nét bút than, 2 nét chân mày, 1 nét mũi, nét mồm và nét quai hàm, mà đúng là bác Tâm lồ lộ, không sai chệch vào đâu…”
Khi bước qua tuổi 90, khi nói về nhóm Sáng Tạo của mình, nhà văn Doãn Quốc Sỹ thường lập đi lập lại rằng: “Nhóm Sáng Tạo thuở ban đầu có bảy người: Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền. Nay còn lại tôi, Trần Thanh Hiệp và Duy Thanh. Thất tinh ngày xưa chỉ còn lại tam tinh mà thôi…”. Ai có đọc Doãn Quốc Sỹ đều nhớ rằng ông có nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của mình là những họa sĩ. Và nếu thân quen với nhóm Sáng Tạo hơn một chút, thì độc giả sẽ nhận ra những nhân vật đó chính là hình ảnh rất thật của họa sĩ Duy Thanh, của họa sĩ Ngọc Dũng…
Trong nhóm Sáng Tạo có hai họa sĩ là Duy Thanh & Ngọc Dũng. Đã có rất nhiều tài liệu, bài viết nhắc đến sự đóng góp của hai họa sĩ này nói riêng, cũng như nhóm Sáng Tạo nói chung đến sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Miền Nam Việt Nam sau ngày chia cắt đất nước 1954. Hầu hết đều có chung một nhận định: những nghệ sĩ di cư từ một miền Bắc giàu truyền thống này đã thổi bùng lên một luồng sinh khí mới vào nền văn học nghệ thuật của Miền Nam, vốn còn non trẻ nhưng lại đầy sức sống, cởi mở, phóng khoáng, sẵn sàng đón nhận những bước đột phá sáng tạo.
Cũng nên nhắc rằng trong cuộc triển lãm tranh của Duy Thanh hôm Chủ Nhật 13-1-2013 tại Việt Báo Gallery, nhiều bạn văn nghệ đã nhận xét trân trọng về họa sĩ Duy Thanh và tác phẩm.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ kể rằng Nhóm Sáng Tạo thường gặp nhau ở nhà ông, trong một hẽm trên đường Thành Thái; Mai Thảo thường nhắc rằng hôm nay gặp phải có cái gì, thế là bà Doãn Quốc Sỹ đều có những món ăn đặc biệt khi Nhóm Sáng Tạo gặp nhau. Nhà văn họ Doãn nói, “Năm ngoái lên San Francisco gặp Duy Thanh, hiện đang bị ung thư tủy sống, 83 tuổi rồi. Còn tôi đã 90 tuổi rồi. ”Ông nhắc lại hai câu thơ Nguyễn Đình Toàn về hoàn cảnh bạn cũ, đi xa gặp lại, rằng vui thì vui vậy nhưng rồi biết ngày nào xa...
Nhà thơ Du Tử Lê lên kể về Nhóm Sáng Tạo, trong đó “Duy Thanh là một trong những chìa khóa để tìm hiểu 20 năm văn học Việt Nam với tranh vẽ như ném vào những chân trời khác biệt... Nếu không có Duy Thanh, tôi không hình dung được văn học bây giờ ra sao. Duy Thanh khiêm tốn, những nét vẽ nghệch ngoạc cuối đời, với tôi đó là những kỹ thuật thượng thừa được buông bỏ để về với nét vẽ trẻ thơ. Tôi nghĩ, cũng như các cao thủ võ lâm khi từ bỏ công thức. Chúng ta may mắn, hạnh phúc được thưởng thức tranh thượng thừa của Duy Thanh.”
Hoạ sĩ Ann Phong nói khi nhìn thấy nét vẽ Duy Thanh, bà rất mừng khi thấy trừu tượng VN đã có Duy Thanh với những nét vẽ độc đáo, vẽ như hơi thở phầp phồng, vẽ như bằng khủy tay với nét cọ chỉ đi trong tầm khủy tay họa sĩ, nét vẽ này là sức sống, là hơi thở, là nét vẽ rất thật và “khi vẽ không hề nghĩ là để bán... Khi đó Duy Thanh đã buông bỏ màu sắc, bố cục...” Bà nói, trong kỳ tái bản cuốn sách biên khảỏ hội họa của Huỳnh Hữu Ủy, bà sẽ đề nghị bổ túc phần của Duy Thanh vào.
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn nói rằng, người ta biết Duy Thanh như một họa sĩ, nhưng ông biết Duy Thanh còn như một nhà thơ và người viết truyện xuất sắc. Ông đọc vài câu thơ của Duy Thanh, và nói rằng duy nhất một truyện Duy Thanh ông được đọc đã cho ông nỗi tiếc rằng, phải chi Duy Thanh viết nhiều hơn nữa – đó là truyện kể theo dòng ý thức, của một cô gái nói chuyện với đứa con trong bụng... đọc dần dần mới hiểu rằng cô tàn tật, có 2 chân tê liệt, phải bò đi xin ăn hàng ngày, và truyện là tình mẹ với con. Ông nói, Duy Thanh không viết nhiều là uổng, vì dàn dựng bố cục truyện rất đẹp, người ta không hiểu vì sao cô nhân vật chính mang bầu, nhưng hiểu rằng có một điều rất cao cả: chờ đứa con ra đời.
Đỗ Quý Toàn kể, một lần gặp Duy Thanh ở Sài Gòn, hỏi học hội họa ở đâu, mới biết rằng Duy Thanh học vẽ ở trường Trí Tri (Hà Nội) với họa sĩ Hoàng Lập Ngôn; lúc đó, nhà thơ họ Đỗ học cùng trường, lớp nhỏ hơn.
Bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa kể rằng ông từng ở San Francisco với Duy Thanh, gần đó. Mỗi khi Mai Thảo bắt Phạm Đình Chương đưa lên S.F. thăm Duy Thanh đều ghé nhà ông Nghĩa, và đó là cơ duyên để bình luận gia này gặp Duy Thanh. Và họ Nguyễn bùi ngùì biết rằng Duy Thanh, người có công sáng lập tờ Sáng Tạo, lúc đó đang ở San Francisco làm thợ in cho một công ty đường, “tự dưng mình đau lòng nghĩ tới thời Cách Mạng Nga khi hàng loạt giới trí thức ly tán, lưu vong.” Ông nói, tuy thân với Mai Thảo, nhưng Duy Thanh không bao giờ uống rượu, và về hưu thì đã vẽ nhiều hơn, “May mắn, chúng ta có những tấm tranh này là khung trời không thể bị tiêu diệt.”
Nguồn: Việt Báo (Không ghi tên tác giả)