Tôi đã đi thăm mộ Bích-Khê với Thu-An cháu gọi Bích-Khê bằng cậu. Mùa hè năm 1963, tôi từ Huế vào Quảng-ngãi rồi về Thu-xà, nơi Bích-Khê đã sinh ra, lớn lên và trở về nằm trong lòng đất vĩnh viễn ở đó. Thu-xà cách bến xe Quảng-ngãi 10 cây số. Với một con đường gồ ghề đá sỏi, hai bên là đồng lúa, rải rác có những trạm canh dân-vệ, con đường còn mang nhiều dấu vết chiến tranh, nơi một ngã tư mà Tạ-thu-Thâu đã bị bắt, thời kỳ Việt-Minh. Thu-xà là một quận lỵ gồm hai dãy phố cũ, phần đông là người Tàu đến ở buôn bán từ ngày trước, có những phố lầu hoang tàn bị bom thời kỳ 1945. Nhà Bích-Khê ở ngay phố, có một cổng dài đi vào. Tôi đến đó lúc trời nhá nhem tối. Chân đặt lên một sân trồng đầy hoa hồng, lòng bâng khuâng… tôi hỏi thăm bà Ngọc-Sương, chị kế Bích-Khê và Thu-An vừa ở Sài-gòn ra. Lúc vào nhà tôi gặp ngay thân mẫu Bích-Khê với đầu tóc bạc mướt, gương mặt phúc hậu. Bà sống cùng người con trưởng và con dâu trong căn nhà lâu đời đó. Tôi được kể, căn nhà vẫn không có gì thay đổi. Nhà làm kiểu ba gian, một chái. Gian bên trái là phòng Bích-Khê, gian giữa đặt bàn thờ, có ảnh Bích-Khê, tôi đến thắp hương. Đêm đó tôi nằm trên chiếc sập cao nơi Bích-Khê đã nằm ngày trước, với ngọn đèn dầu hỏa tôi mơ màng bóng dáng phảng phất của một người tài hoa bạc mệnh: Bích-Khê.
Gian phòng ẩm lạnh, trên chiếc sập gỗ trơn đó Bích-Khê đã trở về nằm bệnh sau bao năm giang hồ. Sáng ở đầu sông nhớ núi. Đêm nằm trong núi nhớ sông. Sức khoẻ đã hao mòn dần. Suốt ngày thơ thẩn, ước ao gặp lại một người quen:
“Gió về mang cả mùi lăng tẩm
Buồn cắt lên đền những miếng đen
Người viễn khách, lòng sầu vạn cổ
Dặm mòn muốn gặp một người quen.”
Thời gian này thỉnh thoảng có Quách-Tấn gửi thơ cho Bích-Khê đọc rồi họa lại, có lần Chế-Lan-Viên về thăm, Bích-Khê ứa nước mắt.
Đáng kể nhất là lần người yêu trở lại Thu-xà, mặc dầu nàng đã có chồng hai con, đó là nguồn an ủi cuối cùng cho những ngày tuyệt vọng của Bích-Khê. Nh. tên ngưòi yêu độc nhất của Bích-Khê, vì trắc trở gia đình không cưới nhau được, mặc dầu tình yêu vẫn nồng cháy giữa hai người. Ở lại Thu-xà chỉ vài hôm Nh. trở lại Sài gòn, để lại cho Bích-Khê một hồn đau xác gầy. Bích-Khê tiễn nàng ra cổng với cảm giác vĩnh biệt. Cách mười hôm Bích-Khê nhận được cam của Nh. từ Sài gòn gửi về và cũng từ đó Bích-Khê không bao giờ trông thấy bóng dáng người tình nữa.
Cơn ho lại nặng thêm. Gia đình chạy thuốc thang đầy đủ cho đến phút cuối cùng. Nhưng bệnh tình đã đến chỗ tuyệt vọng. Bích-Khê biết trước cái chết của mình nên vẫn điềm nhiên nói chuyện và an ủi gia đình. Trước hai tháng từ giã cõi đời, Bích-Khê cứ tụng niệm “Di-Lạc Tôn-Phật” và tin tưởng ngày nhắm mắt có Phật đến rước. Nhờ đức tin mãnh liệt ấy nên sự chết đối với Bích-Khê như Bích-Khê sớm trở về cái quê hương đầy hương hoa hạnh phúc.
Một tối sau khi ăn cháo xong, Bích-Khê gọi mẹ lên ngồi một bên nói cho mẹ biết là còn ba ngày nữa, nhằm ngày rằm Bích-Khê sẽ chết – Và nói với người nhà xuống chùa Phú-thọ xin phép mời một vị sư bạn cũ của Bích-Khê lên ở với Bích-Khê ba ngày đêm để tụng kinh cho chàng nghe. Đến đêm thứ ba thì Bích-Khê trút hơi thở cuối cùng. Đúng như lời Bích-Khê nói. Lúc ấy là 12 giờ khuya, ngày 15 tháng chạp năm Ất Dậu (tức là ngày 17-01-1946). Cái chết đến với Bích-Khê nhẹ nhàng quá, nhưng cũng chua xót làm sao, khiến ta nghĩ đến bệnh lao, nghĩ đến tuổi ba-mươi phải lìa bỏ cõi đời. Nghĩ đến những văn thi sĩ chung số phận: Keats sau mấy năm khắc khoải với vi trùng lao đã từ trần tại La-mã, Thạch-Lam, Vũ-Trọng-Phụng đã chết trong sự cơ hàn cay cực giữa Hà-Nội.
Khi mùa xuân tới, khi cảnh vật chung quanh hồi sinh lại, thì Bích-Khê qua đời. Bích-Khê qua đời giữa mùa xuân loạn ly, ngoài gia đình chẳng có một người bạn về đưa đám.
Rồi từ đó nấm mộ vẫn bằng đất nằm thật buồn qua những năm chiến tranh mà sau mười bảy năm, tôi được dịp về thăm được nằm lại trong căn phòng hoang vắng của Bích-Khê mà cửa sổ nhìn ra một sân hoa hồng, những cánh hồng mà tôi và Anne đã hái đến cắm trước mộ thi sĩ để rồi những que nhang chưa cháy hết, những trẻ chăn bò đã đến lấy mang đi…
Đã ba năm qua, từ ngày về Thu-xà, thời kỳ xe đò còn lưu thông suốt trên quốc lộ số I, cho đến bây giờ bao nhiêu biến chuyển của thời cuộc. Chiến tranh lại tàn khốc hơn. Quốc-lộ số I bị nghẽn. Quãng-ngãi là vùng có những trận đánh lớn và gay go nhất hiện nay. Gia đình Bích-Khê còn lại bà mẹ năm nay đã 85 tuổi cùng người anh trưởng đã dời khỏi căn nhà thân yêu ở Thu-xà để tản cư lên tỉnh. Thu-xà đã trở nên vùng đất bất an và bom đạn đã thả xuống quanh đó.
Làm sao có lại buổi chiều dưới xóm dừa Cổ-lũy, một bến sông qua Phú-Thọ, những mảnh đá to nhìn xuống biển xanh. Tôi đã đứng trên cao đó nhìn về núi Thiên-Ấn, núi Thiên-Bút và dòng sông Trà-khúc uốn mình ven bãi cát trắng chạy dài.
Và phần mộ Bích-Khê nằm lại thật đìu hiu khốc thảm cạnh hàng tre già cao vút, giữa một mảnh đất của hội quán mặc cho chiến tranh tràn về. Những con chim lạ có còn về đậu trên mồ Bích-Khê và đứa trẻ với đàn bò mà tôi đã gặp ngày thăm mộ có phải lùa bò về thành phố như nhạc Sơn: Đàn bò vào thành phố, reo buồn tiếng hạt chuông…
Tôi nghĩ đến mộ Hàn-Mặc-Tử được xây trên Ghềnh-Ráng cao nhờ sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè. Chiều mây về phủ trắng trên tượng Đức Mẹ và nghĩ đến một vùng mộ trồng toàn hoa violettes của thi sĩ Anh John Keats, trên bìa không đề tên mà chỉ đề:
“Here lies one whose name was written in water” (Nơi đây an nghỉ một người mà tên đã ghi trên mặt nước) để rồi ước mong mộ Bích-Khê sớm được dời đi xây trên ngọn núi cao của tỉnh Quảng-ngãi. Để tránh những giao thông hào, những làn mưa đạn ngày đêm tràn xuống phần đất khô cằn đó.
ĐINH CƯỜNG
Văn số 64- Tưởng niệm Bích Khê, ngày 15-8-1966