“Thơ… Khốn nạn, tôi, và tất cả tụi làm thơ chúng tôi, chạy không nổi khỏi nó. Nó là cái nghiệp, là sự chìm đắm vừa đau đớn vừa êm đềm, một thống khoái khó hiểu, đối với nhiều người, không trừ chính kẻ làm thơ…”
DU TỬ LÊ
*
Dạ thưa lòng vẫn ngậm ngùi
Mỗi khi nhớ lại cuộc đời của ta
Dầu mang quốc tịch Cờ Hoa
Căn cước tị nạn vẫn là lưu vong.
Đó là 4 câu thơ kết bài thơ Lưu Vong, bài thơ đầu trong thi tập MƠ KHÚC 40 NĂM của nhà thơ Trần Bát Nhã, cho thấy nỗi niềm ông cưu mang vằng vặc và ray rứt mà không riêng ông, người Việt Nam tị nạn sống khắp nơi trên thế giới, tâm trạng lưu vong là một nỗi sầu sâu kín hoen rỉ trong tâm thức của những ai sống biệt xứ mà vẫn còn tấm lòng nhớ thương quê hương nước Việt. Đặc biệt hơn, đối với những quân nhân miền Nam VN Tự Do sau khi tàn cuộc chiến, đã phải trải qua những năm tháng tù đày trong trại tù của Cộng Sản VN, đi tù với tên gọi là “học tập cải tạo”; những tù nhân này sau khi may mắn còn sống sót ra tù, vượt biên, hoặc về sau được nước Mỹ nhận cho định cư theo diện HO, vẫn không thể quên được niềm đau tủi nhục này. Với Trần Bát Nhã, ông có một giải pháp, LÀM THƠ:
Làm thơ như tập phóng sanh
Thả chim về cành thả cá về sông
Thả đau thương chốn bụi hồng
Thả mê ra ngộ thả thân bọt bèo
(TẬP LÀM THƠ)
Cuộc đời như giấc mơ trải dài 40 năm của tác giả, được ông ghi lại những hồi niệm nổi cợm, những ưu tư cuộc sống bấp bênh nơi xứ người, những trăn trở tình yêu từ tuổi học trò thơ mộng nhẫn đến nghiệt ngã ly biệt bao người đàn bà đến trong đời, những hồn nhiên đẹp tuổi xanh nơi ruộng vườn, những thảm kịch chiến tranh, những kinh hoàng thời gian tù đày trong trại cải tạo, những góc nhìn Sài Gòn thay đổi ngày nay, những thảm cảnh đời sống dân nghèo dưới chế độ cộng sản, những tư duy thuộc về tâm linh v.v… 40 năm đau đáu ấy, người chiến sĩ tràn trề sinh lực ngày xưa, nay cảm thấy mình giống như con ngựa già, như bóng tà dương, hãy đọc vài dòng thơ xuôi ông ví von:
Ngựa biết mình già, bốn vó không còn kham nổi những tung hoành thuở trước…
Bước soải chân trên đồi cỏ, như con ngựa kiểng chỉ đủ sức mua vui cho ngày tháng nhạt, thừa.
Nắng nung lòng Ngựa
Trong Tim còn có Lửa
Ngựa cuồng điên nhớ lại Hè nào…
…
Đêm đã qua, và một bình minh khác sắp nên thành.
Ngựa yên vui sống chung với bầy cho tới ngày hóa kiếp.
Những con ngựa. Một thời, một đất, một trời. Tên gọi Việt Nam.
[CON NGỰA GIÀ, BÓNG TÀ DƯƠNG]
Người tị nạn mới định cư trên xứ người thường thường thuê nhà nơi xóm nghèo nhưng có đông người đồng hương đồng cảnh ngộ, để cảm thấy đồng hội đồng thuyền, một chút chòm xóm cùng chủng tộc cho âm lòng xa xứ.
Xin làm ơn khép hờ cánh cửa
Tôi cần một chút không khí bên ngoài, thông thoáng
Tôi cần chia sẻ mùi nấu nướng, mùi bếp buổi hoàng hôn
Tôi cần nghe tiếng nhạc đêm của những người hàng xóm
Đồng bào đồng hương đồng hội đồng thuyền
Đồng cảnh ngộ
Tiếng ca hát sẽ giúp tôi
tìm trong đống tro tàn kỷ niệm
những vết thương nhức nhối không cùng
Đây là chung cư bầy hầy của đám dân tị nạn
Tiền nào của nấy, giá bình dân
…
[CỬA SỔ]
Nhưng chủ đề tập thơ này có ý tập trung vào phạm trù TÌNH YÊU, điều mà ông thầm hỏi, ngầm hiểu, nhưng vẫn mong có câu trả lời:
Xin trả lời tôi hỏi một câu
Đất trời xưa cũ biết bao lâu
Tình yêu đâu phải điều mê hoặc
Mà khiến nhân gian chịu khổ sầu.
(CHỮ TÌNH)
Năm nay nếu thi rớt
Nàng sẽ lấy chồng. Tôi đi lính
Cả hai cùng rời con hẻm nhỏ
Nơi âm thanh cuồng nộ
Nơi hai đứa cùng lớn lên từng ngày
[UYỂN XƯA]
MƠ KHÚC 40 NĂM được chọn làm tựa thi tập, là bài thơ dài theo thể tự do, bài thơ cuối cùng khép lại tập thơ, được hồi niệm từ năm 1978 đến 2018. Anh quân nhân đi tù cải tạo được 3 năm thì:
1978
Em đã bỏ tôi đi
Mang theo thằng con trai ba tuổi
Cuộc chiến tàn
Nó vừa tròn một tháng
Ngày con chào đời
Tôi sa vào tay giặc
nên chưa lần nào gặp mặt con
...
10 năm sau chàng lính ra tù, về nhà thì căn nhà đã của chủ mới… anh nộp hồ sơ HO chờ đi Mỹ, bừng lên những hy vọng.
xách dao chém hồn ma quá khứ
ám ảnh đời tôi
Chiến tranh, ly biệt, tù đày
Tôi nhìn trời, kiêu hãnh
gồng mình lên gân
…
1998 anh HO đã ở Mỹ. Do khi ra tù về xóm nhà hỏi thăm, người ta nói rằng có rất nhiều người vợ tù mang con vượt biển. Anh hy vọng sẽ tìm gặp vợ con bên xứ người. Trong khi chờ đợi phép lạ xảy ra, cuộc đời anh trải qua đôi ba người đàn bà, tiếc là chỉ đi đến đổ vỡ. Anh HO thu mình sống lặng lẽ tịch mịch. 2018, bỗng qua một tiết mục quảng cáo trong đĩa DVD phim bộ VN anh mướn xem, người vợ của anh biến mất năm 1978 nay xuất hiện là một doanh gia giàu có và thành công ở Sài Gòn. Thế là anh tìm về quê hương để mong gặp gỡ xem sao. Tiếc thay, không phải là một kết cuộc có hậu của phim bộ. Và có thể chính nỗi đau thương cay đắng này là nguyên ủy khiến nhà thơ làm thành MƠ KHÚC 40 NĂM.
Không phải bỗng dưng nhà thơ chọn hai chữ BÁT NHÃ làm tên bút hiệu. Đó là một mật ngữ huyền diệu của nhà Phật và được dùng đặt tên cho bộ Kinh 8000 câu. Thi sĩ đã đưa ra vài bài thơ về Phật đạo trong thi tập này, như vậy ông đã hiểu lý Vô Thường và Tứ Khổ Đế. Ái dục là một nguyên nhân mãnh liệt nhất tạo ra khổ, trong đó, sân, si là hậu quả của tham ái.
Mây mưa tàn cuộc, bước ra
Tim nghe nhịp gõ trầm kha cuối đời
Thân còn mê mải rong chơi
Xác như đóm lửa tàn rơi ngoài đường
[HÀNH TRÌNH]
Chiến mã theo thời gian đã ngựa già. Chiến sĩ qua bờ nay HO. Quy luật thời gian không chừa một sinh linh nào, kiếp nhân sinh thì sinh lão bệnh tử, nhịp điệu 4 mùa xuân hạ thu đông cứ tuần hoàn. Ở tuổi thiền, tâm tĩnh, đôi khi cũng mỉm cười nhớ lại một thời nhiệt cuồng sinh lực, thơ mộng trái tim... Xin kết bài giới thiệu này bằng 4 câu thơ sau của bài KHÔNG ĐỀ 9, mà có thể nhà thơ Trần Bát Nhã muốn nói lên cái tâm trạng như thế:
Kiếm khách giang hồ xin tuyệt tích
Thân thế từ nay áng mây trôi
Viễn ly hát khúc anh hùng tận
Vạn lý cô thân bất khứ hồi
Lê giang trần
(Little Saigon, 29 tháng 12, 2019)
MUA TẬP THƠ XIN LIÊN LẠC TÁC GIẢ:
EMAIL: tranbn2000@gmail.com
Tel: 504-460-7618