Cách đây một tháng, khi đường phố vẫn còn tấp nập, rộn ràng, mẹ tôi hốt hoảng nghe tiếng hát Thái Thanh từ chiếc radio vang lên: “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi.” Mẹ tôi nói: “Mẹ nghe tiếng Bác Thái Thanh hát trong radio, tự nhiên lòng lo, cứ sợ sau đó xướng ngôn viên loan tin dữ, may quá không phải.” Tôi la, “Mẹ tào lao.”
Vậy mà đúng một tuần sau, tin dữ đã thành tin thật.
Khi đọc những dòng chữ báo tin Bác Thái Thanh đã thật sự ra đi, lồng ngực tôi, như bị vò nát, ép dẹp… Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn không phủ dụ được mình, như Bác Tô Thùy Yên: Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai. (1) khi mà càng ngày, thế hệ của chúng tôi, cứ liên tục phải nhận thêm “Nghìn trùng xa cách”, với những người của ngày tháng cũ.
Trong những ngày tháng cũ, xung quanh tôi, luôn tràn ngập tiếng cười của Bố và bằng hữu. Đó là những lần cả nhà được hẹn hò với Bác Bùi Bảo Trúc, tại nhà hàng quen thuộc Nguyễn Huệ, của bác Cảnh, chàng công tử Hà Thành, mỗi khi Bác Trúc từ Hoa Thịnh Đốn về thăm Cali. Bác có thói quen gọi những món độc địa: Thịt đông dưa chua, thịt mỡ kho trứng,… Bác nói: Ăn cho bỏ những ngày cơ cực.
Trong những ngày tháng cũ, gần như mỗi tối, tôi được gặp bác Mai Thảo, để được nghe Bác nói: “Mày muốn ăn gì thì cứ gọi, ông đếch lo.”
Những ngày tháng cũ ấy, cứ đúng 3 giờ chiều mỗi ngày, chuông điện thoại nhà vang lên: “Có bố Lê ở nhà không cháu?” và đương nhiên là Bố phải có mặt ở nhà, để chờ Bác Nguyên Sa cập nhật tình hình Bolsa (cái hay là Bác không hề ra khỏi nhà nhưng chuyện gì cũng biết.) Thuở ấy tôi chỉ là một đứa bé, nép mình dưới những tàn cây cổ thụ, uy nghi, vững chãi. Vậy mà giờ đây, tôi và cả nhiều thế hệ, phải chứng kiến những cây cổ thụ kia, từ từ đổ ập.
Cũng trong những ngày tháng cũ, khoảng 2 đến 3 tháng, tôi lại được đến thăm nhà Bác Thái Thanh. Ở tuổi mới lên 10, lại rời Việt Nam khi còn quá nhỏ, tôi không thấu hiểu được sự xót xa khi tiếng hát ấy cất lên: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời.” Nhưng ngày ấy, tôi đã sớm nhận ra, trước mắt mình, không chỉ là tiếng hát, mà là một người phụ nữ đầy cá tính, sắc bén, đởm lược, kiên cường, dũng mãnh...
Trong những lần gặp gỡ, tôi rất ít nghe Bác Thái Thanh hát. Đó là những giây phút tôi chứng kiến Bác lục đục nấu ăn trong bếp, dọn dẹp nhà trước cửa sau. Tôi không phải là họa sĩ, nhưng nếu bắt tôi vẽ một bức tranh mô tả nhà bác Thái Thanh, tôi sẽ hoàn thành một cách dễ dàng. Vì ngôi nhà mang tên Thái Thanh quá quen thuộc với tôi, những đồ vật được sắp đặt ngay ngắn, mỹ thuật, đặc biệt là mọi thứ sạch như lau như li. Vậy mà một hôm, một món đồ đã di chuyển sang chỗ mới, đó là cái Microwave nhà Bác. Bác khệ nệ bưng ra để trước mẹ tôi và nói: Tuyền à, nhà em không có phải không, thôi em đem cái này về. Rồi rất nhanh nhẹn, bác bấm nút, máy chạy ro ro. “Đấy! đấy! cái Microwave của chị cho còn chạy đấy nhé!”
Đó không phải là lần duy nhất Bác Thái Thanh cứu mẹ tôi. Dù đã 20 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in vào một đêm thơ nhạc Du Tử Lê. Nửa chương trình thì xảy ra một trục trặc, không nhỏ, khiến một cô cũng là người có tiếng trong cộng đồng, không vui. Cô ấy bị một cô khác, cũng là người nổi tiếng, làm cho cô phẫn nộ. Không biết cô nghĩ gì mà cô chọn mẹ tôi để trút phẫn nộ. Vì vậy, khi được lên sân khấu, cô ấy lập tức, “rút gươm”. Cô ấy khiến cho cả hội trường hoang mang, không đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. Khi múa xong vài đường gươm, cô không dừng ở đó, mà gọi mẹ tôi lên sân khấu để trao bó hoa, bó hoa không hề dành cho mẹ tôi trước đó. Cả rạp lặng như tờ, đến nghẹt thở. Sau vài phút dài hơn thế kỷ, mẹ tôi rời ghế tiến gần đến sân khấu. Bà không lên sân khấu mà đứng dưới đưa hai tay lên nhận bó hoa. Khi về nhà, mẹ tôi mới thổ lộ: Thấy cô ấy dữ quá, rồi tự nhiên gọi mẹ lên sân khấu nhận hoa, mẹ lạnh cả người. Nhưng ngay lúc ấy, Bác Thái Thanh ngồi bên cạnh, đặt tay mình lên tay mẹ và nói:"Em đứng dậy, đi đi, nhưng không lên sân khấu, đứng dưới đất nhận hoa, nghe chưa!” (Sau này Bác Thái Thanh giải thích, mình đứng dưới thì nó phải cúi xuống trao hoa cho mình.)
Sau ngày hôm ấy, Thái Thanh, trong lòng tôi, không chỉ là tiếng hát vượt thời gian, Bác là hiện thân của trường ca Mẹ Việt Nam, kiên cường, dũng mãnh.
Thái Thanh từ lâu đã được mệnh danh là “Tiếng hát vượt thời gian.” Đúng vậy, chỉ có thể dùng thời gian, để cân đo giọng hát đó. Vậy mà, danh ca Thái Thanh, đã qua mặt cả thời gian. giọng hát đó là mặt trời, là nụ cười, là hơi thở. Tiếng hát đó, đánh tan bóng tối, khổ đau, vực thẳm. Vì ngay chính con người Thái Thanh, trước mọi khổ đau, cũng không hề khuất phục. Bác có một loạt những câu như “lệnh” với mẹ tôi, bắt đầu bằng tiêu đề: “Tại sao phải sợ”
-Tại sao em sợ lái xe? Em lái được xe 2 bánh không? Được! Vậy tại sao xe 4 bánh vững vàng hơn lại sợ?! Lái đi.
-Tại sao sợ Lê? Lê có là gì thì cũng là đàn ông, mình đẻ ra đàn ông mà, tại sao sợ?!
Trong tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh, gương mặt bác Thái Thanh đắc chí khi tiếng o o vang lên từ chiếc Microwave.
Trong tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh một ông già Mai Thảo kén ăn, ăn hết một lúc mấy lát bánh tét do Bác Thái Thanh dọn ra, vào một dịp Tết năm nào.
Trong tôi vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh mẹ tôi ôm bó hoa đi sau bác Mai Thảo, trong ngày 5 Tháng Tám mỗi năm, nhân dịp sinh nhật bác Thái Thanh. Bác Mai Thảo không bao giờ mang hoa, mà cứ sai mẹ tôi mang hàng năm. Cho đến những năm gần cuối đời, trí nhớ cùn nhụt, Bác không còn nhớ ngày sinh của Bác Thái Thanh nữa, nhưng mẹ tôi và cả Bố tôi, cũng không một lời nhắc Bác.
Hôm qua, ghé thăm mộ Bố, rất rõ, giữa vắng lặng, bình an… tôi nghe giọng cười của Bố, giòn tan trong sớm mai. Chắc là đang rất vui với bạn bè.
Tôi cũng không quên ghé thăm mộ Bác Mai Thảo, để thấy trên bia, Bác mỉm cười lém lĩnh: Cười tủm còn thương chỗ đặt nào. (1)
Orchid Lâm Quỳnh
________
(1) Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai
...Biểu dương - hãy biểu dương cùng tận
Vinh dự lầm than của kiếp người
Hi hữu một lần trên trái đất
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai
Tô Thùy Yên
(2) Chỗ đặt
Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào.
Mai Thảo