Tới nhà con gái, tôi đi thẳng ra vườn sau bằng lối cửa bên cạnh. Hai đứa cháu đang chạy chơi trong vườn. Đứa 4 tuổi, đứa 6 tuổi. Đứa lớn chạy ngay lại, tôi vội nói: “Hai thước!”. Nó khựng lại, cười ngượng ngập. Nhìn cháu cười, tôi vừa thương hại vừa tức cười. Chuyện cháu thường làm trước thời cô Vi đã trở thành như một quán tính nay bỗng bị ngắt, như có cái thắng tốt thắng lại. Nụ cười như một bào chữa cho sự quên lãng. Mẹ cháu đã giảng giải cho cháu hiểu tại sao bây giờ mọi người phải đứng cách nhau hai thước. Nhưng dù hiểu nhưng con nít thấy ông bà tới, quên hết lời dặn. Khi nghe tôi nhắc hai thước mới sực nhớ nên cười ngượng. Phải chi tôi có “dụng cụ” như nhà một bé gái ở Riverside, tiểu bang California.
Bé gái tên Paige, mới 10 tuổi đã phát minh ra một tấm che bằng plastic để có thể ôm hôn ông bà mà vẫn giãn cách như luật lệ đòi hỏi. Mẹ bé, bà Lindsay Okray, một y tá làm việc tại tuyến đầu chống dịch Covid-19 kể với đài KABC: “Cháu nảy ra ý tưởng, cặm cụi làm trong phòng khách trong nhiều tiếng đồng hồ”. Cháu dùng chiếc màn phòng tắm, túi nhựa, đĩa giấy và một chiếc súng dán keo để tìm cách ôm hôn ông bà. Bé đục hai lỗ phía nửa trên của tấm màn, dán đĩa nhựa đã được khoét rỗng, dán túi nhựa vào cạnh đĩa, để ông bà có thể thò tay vào. Bé đục thêm hai lỗ ở nửa dưới màn, cũng dán túi nhựa nhỏ và ngắn hơn, để cháu có thể thò hai tay vào. Ông bà đứng một bên màn, cháu đứng một bên màn. Bà hay ông thò tay vào túi phía trên, cháu thò tay vào túi phía dưới, ôm chặt nhau mà vẫn an toàn.
Tại Rockford, tiểu bang Illinois, bé Carly Marinaro cũng có ý tưởng tương tự. Bé nói với đài WIFR, CBS: “Cháu không chịu nổi nữa, Cháu cần ôm bà. Vậy là cháu phải nghĩ cách”. Cháu dùng ống nhựa làm khung, dán tấm màn plastic, đục lỗ để dán bốn chiếc túi nhựa, hai ở nửa trên màn và hai ở nửa dưới. Gắn thêm chân vào khung, tấm tường plastic được dựng lên ở giữa sân. Vậy là bà cháu tha hồ hôn hít chẳng sợ cô Vi cô Vít chi. Bà của cô cháu thông minh Carly, bà Rose Gagnon, 85 tuổi, thường qua thăm cháu hàng ngày, nhưng từ hai tháng nay đã phải đứng xa cháu hai thước. Được ôm lại cháu, tuy có tấm màn plastic vướng víu nhưng có còn hơn không. Bà quá xúc động khi hai bà cháu lại được sát vào nhau. Bà sung sướng trả lời phóng viên: “Tôi muốn khóc vì không ngờ lại có lúc được ôm cháu như thế này. Tim tôi như nhảy ra ngoài!”.
Cái khó ló cái khôn. Cái khôn của bà Cheryl Norton giản dị hơn nhiều. Con gái của bà, Kelsey Kerr, 28 tuổi, là một y tá tại bệnh viện Christ Church ở Cincinnati. Vì không muốn lây bệnh cho mọi người, cô đã xa mẹ, xa chồng và con chó cưng được hơn một tháng. Ngày 10 tháng 4, cô tạt qua nhà để lấy ít đồ dùng. Cô cẩn thận thay áo quần, mang khẩu trang. Nhưng khi vừa tới cửa, bà mẹ đã ôm một tấm mền ra, chụp kín người cô và ôm hôn thắm thiết. Tình mẹ con được bà ngấu nghiến bày tỏ qua tấm mền ngăn cách. Bà hân hoan trả lời chương trình truyền hình “Good Morning America”: “Vừa thấy con gái, tôi ném tấm mền lên trên người nó. Tôi muốn ôm con bé nên nghĩ rằng làm vậy là an toàn. Tôi biết những nhân viên y tế đang cảm thấy cô đơn và tôi không muốn con tôi bị như vậy”. Một người bạn của gia đình, nhiếp ảnh gia Liz Dufour, đứng từ xa chụp cảnh cảm động này. Cô Kelsey cho biết cô hy vọng tấm hình sẽ giúp những người đang bị giãn cách, tạm rời xa thân nhân, cảm thấy dễ chịu. Cô nói tiếp: “Có rất nhiều khó khăn trong lúc này nhưng chúng ta sẽ vượt qua, nhất định sẽ cùng nhau vượt qua!”.
Thời buổi này là thời người xa cách người. Gặp nhau chẳng còn tay bắt mặt mừng mà chỉ lượng định khoảng cách hai thước xa nhau. Tôi ngồi miết trong nhà, có cuồng chân cuồng cẳng thì cũng chỉ ra ban-công ngồi ngó hàng xóm láng giềng ngồi ở ban công bên cạnh. Cách hai thước! Bất đắc dĩ phải ra ngoài là lo che chắn, cứ như người ngoài hành tinh. Nhà triết học hiện sinh Jean Paul Sartre bảo “hỏa ngục là người khác”. Có lẽ ông triết gia này có tài bói toán. Người khác ngày nay là mối đe dọa cho chúng ta. Và chúng ta cũng là mối đe dọa cho người khác. Họa hoằn tôi mới ra ngoài mua bán vài thứ lặt vặt cần thiết. Ngày trước cứ lơn tơn bước vào tiệm. Chừ phải xếp hàng. Chỗ đứng được đánh dấu phân cách hai thước. Vô tiệm chỉ muốn kiếm thứ cần thiết cho mau để ra ngoài, thoát khỏi người khác. Chúng ta đang ở thời kỳ người trốn người.
Tội cho các cô giữ két tính tiền. Họ phải làm việc, chẳng trốn đâu được. Không trốn được thì phải tránh người. Họ thu mình sau tấm nhựa cứng cách xa khách hàng, miệng mồm bịt kín, mặt mày lấm lét như muốn khách đi lẹ lẹ cho rồi.
Kể ra cô Vi cũng có điểm đáng cho cái dấu cộng. Đó là tạo cơ hội cho những sáng kiến. Trên truyền hình, các ký giả hành nghề bằng những cái micro được gắn vào cây kim loại dài hai thước. Cho đủ xa cách. Chuyện vui hơn là có lần, tại một góc đường có đèn xanh đèn đỏ, một ông ăn xin ăn theo đèn đỏ cũng có một ống xin tiền được gắn vào chiếc gậy dài cả thước. Nhiều người ngồi trong xe đã sẵn sàng móc tiền bỏ vào ống. Có lẽ vì khoái cái sáng kiến của kẻ đứng đường.
Thời buổi chi kỳ cục, người xa người! Chuyện chi bây giờ cũng phải từ xa. Làm việc từ xa. Hát hỏng trên truyền hình cũng ai ngồi nhà nấy, chẳng ai gần ai. Xướng ngôn viên truyền hình cũng ngồi nhà nói từ xa. Ngồi nói tại nhà có cái tiện, chẳng tốn thời giờ trang điểm, lái xe đi làm. Tiện nên có những cảnh khá vui. Có những người nói trên màn hình mà mặt như ngái ngủ. Thường ngày, khi chường mặt lên màn hình, họ được trang điểm đậm cho ăn ánh sáng. Rồi còn chỉnh ánh sáng, canh chỗ để đèn rọi, thử âm thanh, đặt vị trí máy thu. Nhiều chuyện lỉnh kỉnh lắm. Nay nói từ nhà, mọi chuyện đều đại khái. Khuôn mặt khán giả quen coi bỗng biến dạng. Nhợt nhạt, luông tuồng. Hậu cảnh khi thì phòng khách lộn xộn chưa được dọn dẹp, khi thì nhà bếp còn ngổn ngang hơn. Bạ đâu ngồi đó. Nhiều vị còn mặc áo ngủ.
Nhưng càng ngày, sự lộn xộn càng bớt đi. Có lẽ lúc đầu khán giả thấy lạ còn thích thú. Sau thấy mặt màn hình ti-vi của mình thiếu hấp dẫn. Chán. Vậy nên tuy ngồi nhà nhưng cũng phải làm sao cho coi được. Các bà son phấn kỹ càng hơn. Các ông cà vạt áo vét đàng hoàng. Nhưng cái lười nhiều khi khiến các ông giản tiện, chỉ săn sóc phần phía trên, phía đối diện máy quay, phía dưới đã có cái bàn che chắn nên ai biết đó vào đâu. Ỷ y như vậy nên anh xướng ngôn viên Will Reeve của đài ABC bị tổ trác. Bữa thứ ba 28/4 vừa qua, trong chương trình “Good Morning America”, anh vận áo vét, cà vạt đàng hoàng nhưng phía dưới anh chỉ diện độc nhất chiếc quần xà lỏn. Rủi là chiếc máy quay có lúc được điều chỉnh xuống hơi sâu nên chiếc đùi trần của anh bị lộ. Có lẽ anh này là con của diễn viên Christopher Reeve, chuyên đóng vai superman, nên nghĩ là ông bố superman có thể tới giải thoát mọi chuyện được chăng! Khán giả được một phen giải trí bất ngờ. Họ tuýt cho anh liền. Một ông hỏi móc: “Tôi nghĩ là trên “Good Morning America” ngày thứ ba khỏi mặc quần chăng!”. Một vị khác: “Khi làm việc khỏi mặc quần chắc!”. Vị thứ ba hiền hòa hơn: “Thân gửi phóng viên chương trình GMA, người quên mặc quần dài trong buổi phát hình buổi sáng: bạn đã trở thành xướng ngôn viên độc đáo nhất trên truyền hình và là người tôi ngưỡng mộ nhất”. Phản ứng lại, anh Reeve tuýt: “Tôi đã tới đích của lối hài hước vui nhất”.
Tai nạn nghề nghiệp của anh Will Reeve không phải là duy nhất. Chàng Paul Deanno, người nói tin thời tiết cho đài địa phương WMAQ-TV, một chi nhánh của đài NBC tại Chicago, cũng đã lộ đùi. Anh gác chân ngồi chờ tới giờ phát hình. Rủi cái là đài chuyển qua màn hình của anh sớm 10 giây. Anh tưởng chưa tới giờ nên tỉnh bơ lộ chuyện anh mặc quần đùi phía dưới trong khi áo vét phía trên rất đàng hoàng.
Chuyện làm việc tại nhà không chỉ có chiếc quần đùi bị lộ mà còn nhiều chuyện tức cười khác. Phát hình có kèm theo tiếng chó sủa, tiếng người trong nhà nói hay tiếng bấm chuông là sự thường hay xảy ra. Xướng ngôn viên Alfonso Merlos ở bên Tây Ban Nha cũng đang nói tại nhà. Bất thần, phía sau lưng anh có một người đàn bà chỉ mặc chiếc áo nịt từ phòng ngủ bước ra. Anh này có cô bồ là diễn viên Marta Lopez rất nổi tiếng trong chương trình “Big Brother”, phiên bản Tây Ban Nha. Người đàn bà bước ra từ phòng ngủ của nhà anh lại không phải cô nàng Lopez này mà là cô phóng viên 27 tuổi tên Alexia Rivas. Vậy là bể mánh! Chuyện hạ hồi của anh không biết kết cục ra sao nhưng khán giả chỉ nhẹ nhàng trách anh không giữ…giãn cách xã hội!
Phóng viên truyền hình Melinda Meza ở Sacramento lại kẹt chuyện khác. Cô đang diễn chương trình chỉ dẫn cho các bà các cô cách tự cắt tóc tại nhà trong thời kỳ cô Vi hoành hành. Cắt tóc thì phải chỉ dẫn trước gương trong phòng vệ sinh. Cô vô ý không biết trong lúc quay hình thì chồng cô đang tắm trong bồn tắm phía sau. Tấm gương lớn tai hại đã tường trình đầy đủ tình trạng…mở của ông chồng!
Mentimeter, một công ty cung cấp những nhu liệu cho các cuộc hội họp, giảng bài cho những người làm việc tại nhà, có trụ sở tại Thụy Điển, đã làm một cuộc thăm dò những người làm việc tại nhà. Có 1500 người tham gia trả lời. Kết quả có 12% thú nhận là họ không bật máy thu hình trong các cuộc họp qua Zoom, Skype hay Google Hangouts vì họ trần trụi hay không mặc đầy đủ quần áo. Khoảng 44% cho biết họ chỉ mặc đàng hoàng như đi làm khi có các buổi họp chung qua video. Có 16% nhận có thu xếp lại hiện trường phía sau trước khi ngồi làm việc. Khoảng 11% cho biết có để ý thấy khung cảnh làm việc của các đồng sự “không chuyên nghiệp”.
Vậy là khi ta cảm thấy “tự do” trong phòng, ta có khuynh hướng hưởng thụ sự tự do đó. Sự giao tiếp giữa con người là cần thiết tuy vì vậy sự tự do của mình bị hạn chế. Người tới với người là một nhu cầu lớn lao, vậy mà cái cô Vi quái ác bắt chúng ta xa nhau. Dù chỉ có…hai thước! Ôm hôn, bắt tay, vỗ vai là những cử chỉ bày tỏ sự thân mật và vui mừng khi gặp nhau, từ nay chúng ta phải quên đi. Làm chi cũng phải canh cánh trong lòng chuyện cô Vi đứng giữa phá thối. Tức một cái là cái cô bé quỷ quái này vô hình vô ảnh nhưng có mặt tại khắp nơi.
Hãng thăm dò Léger Marketing cộng tác với Hiệp Hội Nghiên Cứu Canada (Association for Canadian Studies) vừa làm một cuộc thăm dò tại Canada về cảm nhận sự hiện diện của cô Vi qua những người thân hay bạn bè. Montreal chúng tôi là nơi cô Vi lộng hành nhất. Có tới 43% dân Montreal trả lời có người thân hoặc người quen biết bị cô Vi thăm hỏi. Đó là tỷ lệ cao hơn dân Toronto (30%), Vancouver (24%), Calgary (13%). Tính trung bình cho toàn Canada, tỷ lệ này là 24%. Vào ngày 23/3 tỷ lệ này chỉ có 4%. Cách biệt nhau tới 20%!
Tại Mỹ, vùng Trung Mỹ trong đó bao gồm các tiểu bang New York, New Jersey và Pennsylvania, tỷ lệ người có người thân hoặc quen biết bị cô Vi thăm hỏi lên tới 46%. Tuy nhiên, tính chung cả nước Mỹ chỉ có 31%.
Vậy mới thấy cô Vi này láo lếu đến thế nào! Láo lếu mà hèn. Tại Canada cũng như tại Mỹ, cô bé này bắt nạt dân thiểu số không phải da trắng nhiều hơn là dân da trắng. Trong khi trung bình dân da trắng Canada chỉ có 24% quen biết người bị dính dịch thì dân thiểu số chơi một lèo tới 31%. Dân mới tới định cư dính nhiều hơn dân bản xứ. Trong những người mới tới định cư chưa được 20 năm, tỷ lệ là 33%. Trong khi tỷ lệ của người sanh đẻ tại đây chỉ có 26%! Những con số biết nói này gợi cho những nhà phân tích câu hỏi: tại sao lại như rứa. Chủ Tịch của Hiệp Hội Nghiên Cứu Canada, ông Jack Jedwab, cho rằng có thể một trong những lý do là những dân thiểu số hoặc những di dân mới tới thường phải làm những công việc chân tay có tiếp xúc với công chúng như y công, bán hàng lẻ, chế biến thực phẩm nên có nguy cơ bị dính dịch nhiều hơn.
Bên Mỹ cũng vậy. Dân Nam Mỹ mà chúng ta hay gọi chung là dân Mễ và dân da đen cũng bị cô Vi thăm hỏi nhiều hơn. Dân Mễ chiếm tới 49% người nhiễm bệnh, dân da đen chiếm 37% trong khi dân da trắng chỉ có 28%.
Dân Việt chúng ta, cũng thiểu số, cũng có nhiều người bị nhiễm. Chúng ta không có con số thống kê. Nhưng hầu như chúng ta đều có người thân bị cô Vi ôm hôn thắm thiết. Tôi cũng có bạn bè và người thân từng nhiễm bệnh. Có người may mắn qua khỏi, có người ngậm ngùi ra đi. Nhưng chuyện một gia đình có ba người ra đi vì covid-19 chỉ trong vòng 5 ngày là chuyện hiếm hoi. Cụ ông Ngô văn Võ, 85 tuổi, và cụ bà Huỳnh thị Bảy, 82 tuổi, cư ngụ tại Worcester, tiểu bang Massachusetts, cùng qua đời vào ngày 14/5 vừa qua. Lúc đó, bà Ngô Nguyễn Kim Chi, 50 tuổi, con gái của ông bà cùng nằm trong bệnh viện, cũng vì con vi khuẩn quái ác. Cô được chứng kiến giờ phút cuối của cha mẹ. Ông đi trước, bà theo sát ông, chỉ chậm có đúng một tiếng rưỡi. Năm ngày sau, cô con gái cũng đi theo bố mẹ!
Chuyện xảy ra như trong một cơn ác mộng. Trước đó gần một tháng, ngày 20/4, là ngày kỷ niệm 60 năm ngày cưới của hai ông bà. Con cháu hẹn tới ngày 17/5 sẽ cùng về Worcester mừng bố mẹ. Nhưng hai cụ đã vội vã ra đi, bỏ cái hẹn với con cái.
Sống đó, chết đó. Còn đó, mất đó. Chưa bao giờ tôi thấy cái còn và cái mất lại kề cận nhau như vậy. Mỗi ngày chúng ta nghe những con số mạng vong tại khắp nơi trên thế giới, khi hàng ngàn, khi hàng chục ngàn. Đó là những con số khô khan. Nhưng nếu nghĩ kỹ hơn mới chợt nhận ra đây là những con người chứ không phải những con số, chuyện lại khác. Nếu những người này lại là ruột thịt của chúng ta, chuyện lại khác nữa. Chúng ta đang hàng ngày mất đi những người thân, những ông những bà, những mẹ những cha, những con những cái, những anh những chị. Hơn những xác người, đó là một phần cuộc sống của mỗi chúng ta đã bị vơi đi. Người xa người, rốt ráo!
05/2020