Phan Vũ đến Paris đột ngột. Ít nhất là đối với tôi. Đã lâu lắm tôi không nhớ tới anh, không có liên lạc. Phan Vũ xuất hiện bất ngờ cùng với Xuân Phượng.
Xuân Phượng không phải là một nghệ sĩ thuần trong bất cứ địa hạt nào, mặc dầu chị có dây dưa với điện ảnh, có viết tiểu thuyết. Nhưng chị có máu nghệ sĩ thì ai cũng biết. Xuân Phượng quen tất tần tật văn nghệ sĩ Hà Nội vào thời khốn khó. Kể một ví dụ: Nguyễn Sáng hết gạo thì chạy đến: “Bà Phượng ơi, cho tôi vài bơ”. Chàng hoạ sĩ tâm hồn lơ lửng trên mây có thể quên mọi thứ, nhưng khi phát hiện con nghê vỡ đầu được dùng thay thạp gạo nhẵn như chùi thì vẫn nhớ được nơi cần phải đến.
Xuân Phượng yêu mọi thứ nghệ thuật, văn cũng như thơ, hội hoạ cũng như nhạc. Đang làm y sĩ, chị bỏ đi phiên dịch (chữ cũ là thông ngôn) cho Joris Ivens[1]người Hà Lan, đạo diễn phim tài liệu, rồi đâm mê điện ảnh để trở thành đạo diễn. Không biết chị viết lúc nào, viết ở đâu, nhưng bất thình lình người ta bắt gặp trên các quầy sách Paris một cuốn tiểu thuyết có cái tên lạ hoắc Ao Dai bằng tiếng Pháp của tác giả Xuan Phuong. Ao Dai là Áo Dài trong tiếng Việt, Xuan Phuong là chị, Xuân Phượng. Tôi và chị có thời cùng làm ở cơ quan Văn hoá Đối Ngoại.
Chuyến đi nào tới Paris Xuân Phượng cũng a lô cho Trần Duy Nghĩa và tôi trước, lần nào chúng tôi cũng gặp nhau ở nhà hàng kiêm khách sạn Đồng Hương gần trạm metro Belleville, quận 11. Ông Nghĩa, chủ khách sạn, rất quý chị, dành trước phòng cho chị. Chị không bao giờ đi một mình, mà với các hoạ sĩ trẻ, những người chị muốn giới thiệu với công chúng yêu hội hoạ của nước Pháp – một công việc bạo dạn và thú vị - “đem chuông đi đấm nước người”.
Gặp bà chị năm xưa, bao giờ tôi cũng chờ nghe đủ thứ chuyện: chuyện bạn bè chung, chuyện đất nước. Cộng vào đó là niềm vui được gặp những hoạ sĩ trẻ rất dễ mến, và biết đâu đấy, họ rồi sẽ nổi tiếng nay mai.
Tôi sững sờ thấy Phan Vũ lù lù trong phòng Xuân Phượng. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, vỗ vào lưng nhau đồm độp, cười hết cỡ với một chút nước mắt rơm rớm. Xa nhau tính ra nửa thế kỷ có dư, gặp nhau thì đã về già, không rưng rưng mới lạ.
Chị Xuân Phượng bảo:
- Tôi giao ông Phan Vũ cho ông.
Tôi kéo Phan Vũ đi.
Sau một chuyến “hop on hop off” kéo dài một ngày, lang thang không sót danh lam thắng cảnh nào của Paris, tôi thất vọng -Phan Vũ chẳng mấy hào hứng với những di tích lịch sử:
- Ờ, cũng thú đấy - được thấy cảnh thật mà mình từng thấy trong ảnh, hoặc xem trong mục “du lịch qua màn ảnh nhỏ”. Nhưng thấy rồi là thấy rồi, câu ạ, dẫn tớ đi xem những cái khác đi.
Phan Vũ không thích thắng cảnh thì tôi đưa Phan Vũ đi “bát phố”. Như chúng tôi thường đi với nhau ở Hà Nội những năm rất xưa. Như lần tôi vừa từ nhà tù trở về, Phan Vũ đạp xe đến rủ tôi đi chơi. Anh là một trong số ít người dám đến thăm tôi. Vứt xe đấy, chúng tôi đi bộ.
Anh sinh động hơn khi đi trên những vỉa hè:
- Cậu có thấy cái nắp cống này không? – anh bắt tôi dừng lại để ngắm nghía hồi lâu cái vật tròn bằng gang to bằng cái nia với những hoa văn và tên công ty – Y như ở Hà Nội ấy.
Tôi gật:
- Người Pháp mua những thứ này từ chính quốc để lắp trên phố Hà Nội mà. Công ty sản xuất ra nó có thể không còn, cái này tôi không rành, nhưng sản phẩm bằng gang của nó thì còn đấy.
Phan Vũ bần thần:
- Ở Hà Nội những nắp cống này biến hết rồi.
Tôi nhớ những ly cà phê với Phan Vũ ở quán Lâm Toét và những câu chuyện dính dáng tới Hà Nội – không phải Hà Nội khi ấy, mà Hà Nội trong hoài niệm.
Cuối ngày, tôi dắt Phan Vũ đi uống cà phê vỉa hè.
- Giống ở Sài Gòn – anh nhận xét - Người ta ngồi quay mặt ra đường để ngắm người, ngắm xe cộ, tóm lại để ngắm sự sống trôi qua trước mắt.
Anh chỉ sinh động hẳn lên vào một hôm khác, khi được tôi đưa đến quán cà phê La Rotonde ở khu Montparnasse.
Tôi được biết về quán này qua cuốn Con Người, Năm Tháng, Cuộc Đời của Ilya Ehrenburg.
La Rotonde có một lịch sử không lâu đời. Thoạt tiên, năm 1903, nó là quán cà phê cho người nghèo. Dần dà những nghệ sĩ, cũng là người nghèo, tới, rồi sau đó những người không nghèo, và cả những người giàu cũng theo chân, La Rotonde trở thành nơi tụ hội của văn nghệ sĩ. Cái quán bé nhỏ được mở rộng, được hiện đại hoá cho tới khi nó có diện mạo ngày nay, đẹp và sang trọng.
Phan Vũ vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc phần liệt kê những khách hàng nổi danh đã ngồi ở chỗ chúng tôi đang ngồi trong tờ thực đơn dày cộp và bóng láng: Picasso, Aragon, Apolinaire, Riviera, Hemingway, Modigliani, Ray, Fargue, Bayard, Foujita, Zborowski… … Không kể các nghệ sĩ, những nhà cách mạng của nước Nga xô-viết mà công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Vũ không thể không biết tên: Lenin, Trosky, Zinovev, Kamenev, Lunatcharsky… cũng từng là khách quen của La Rotonde.
- Giá mà Hà Nội ta cũng có một quán cà phê như thế này nhỉ! – Phan Vũ cảm thán.
Thêm một giai thoại về La Rotonde. Nó có thật hay không tôi không biết. Chuyện kể rằng ở La Rotone, nếu trong đầu nhà thơ nhà văn nảy ra một một tứ hay thì anh ta có thể gọi chủ quán đưa giấy bút cho mình. Từ những mẩu giấy ấy những bài thơ, những truyện ngắn, thậm chí những phác thảo tiểu thuyết ra đời. Nghe đồn về La Rotonde, nữ hoàng Anh liền cho mở một quán sang hơn La Rotonde, ở đó các nhà văn nhà thơ nước Anh tha hồ cà phê cà pháo, tha hồ viết lăng nhăng đủ mọi ý sáng tác ra giấy mà không mất xu nào. Những ly cà phê miễn phí ấy, tiếc thay, lại không sinh ra được cái gì hay ho cho Nữ hoàng. Giai thoại là giai thoại, nó cứ sống, bất kể anh tin nó hay không.
Uống hết ly thứ hai, Phan Vũ ngửa cổ cười sảng khoái. Rồi rụt rè:
- Hỏi thật cậu, mình uống ly thứ ba nữa có làm thủng túi cậu không đấy?
- Cứ thoải mái. Muốn ngồi bao lâu cũng được, không cần phải uống thêm. Các quán cà phê Paris không có lệ đuổi khách. Gọi một ly, ngồi vài giờ, đọc hết vài tờ báo, tán dóc đủ thứ chuyện trên giời dưới đất cho đến chán thì về.
Tôi hiểu Phan Vũ nghĩ gì. Anh không muốn rời tờ thực đơn khi chưa nhớ hết tên các vị khách đáng nhớ cho một kỷ niệm không dễ có. Tờ thực đơn khổ lớn, bóng láng và cứng, không nhét vừa túi quần hay túi áo.
Tôi vạch cái túi xách bất ly thân của tôi:
- Bỏ vào đây!
Nhanh như chớp, Phan Vũ liếc quanh rồi nhét vội nó vào đấy. Tôi không biết chúng tôi làm việc ấy đúng hay sai. Có thể hỏi anh bồi bàn, nhưng nếu anh ta từ chối thì rách việc. Người ta có thể tiếc - tờ thực đơn in đẹp thế cơ mà!
Không biết khi anh qua đời có ai giữ lại tờ thực đơn ấy không? Nó đáng được giữ lại, như một kỷ niệm độc đáo mà Phan Vũ rất quý.
Nước ta có nhiều nhà thơ. Có thể mạnh miệng mà nói rằng không một nước nào trên thế gian này có nhiều nhà thơ bằng nước ta.
Tôi có một ông bạn nhà thơ. Ông không chỉ làm những bài thơ ngắn, ông còn làm những trường ca in thành sách dày cộp. Nhưng tôi không nhớ được lấy một câu nào trong những bài thơ và những trường ca của bạn mình.
Tôi nghĩ, chắc không sai, rằng đã là nhà thơ thì ít nhất anh cũng để lại trong trí nhớ người đọc một câu.
Phan Vũ không chỉ để lại một câu. Là người Hà Nội, không ai không thể không biết, không nhớ trường ca “Em ơi! Hà Nội – phố!
1.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan.
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen.
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ.
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...
Ta còn em chấm lửa
Điếu thuốc cuối cùng,
Xập xoè.
Kỷ niệm...
Một con đường
Một ngôi nhà
Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa...
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.
Ta còn em chút vang động lặng im,
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố...
2.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn.
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang
Xoã xoã bờ vai,
Khung trời gió.
Con đường như bỏ ngỏ...
Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ
Thoáng qua...
Khuôn mặt chưa quen.
Bỗng xôn xao nỗi khổ.
Mỗi góc phố một trang tình sử
3.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em rì rào hạt nhỏ,
Cơn mưa chợt đến trong chùm lá
Vòm trên cao chuông hồi đổ,
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Trên hè phố
Gã Trương Chi ôm ghi ta.
Ngước lên cửa sổ,
Có một ngày...
Trống không ô cửa.
Tiếng hát Trương Chi.
Ngợi số nhà...
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan.
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen.
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ.
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...
Ta còn em chấm lửa
Điếu thuốc cuối cùng,
Xập xoè.
Kỷ niệm...
Một con đường
Một ngôi nhà
Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa...
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.
Ta còn em chút vang động lặng im,
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố...
2.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn.
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang
Xoã xoã bờ vai,
Khung trời gió.
Con đường như bỏ ngỏ...
Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ
Thoáng qua...
Khuôn mặt chưa quen.
Bỗng xôn xao nỗi khổ.
Mỗi góc phố một trang tình sử
3.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em rì rào hạt nhỏ,
Cơn mưa chợt đến trong chùm lá
Vòm trên cao chuông hồi đổ,
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Trên hè phố
Gã Trương Chi ôm ghi ta.
Ngước lên cửa sổ,
Có một ngày...
Trống không ô cửa.
Tiếng hát Trương Chi.
Ngợi số nhà...
Thôi, tôi không trích thêm nữa trong trường ca 23 đoạn về Hà Nội của Phan Vũ. Mắt tôi ướt mất rồi.
Phan Vũ không còn với chúng ta. Nhưng “Em ơi! Hà Nội – phố” sẽ còn mãi. Như những mái nhà của phố Phái.
________
Gửi ý kiến của bạn