Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, tức “Sơn Núi,” vừa qua đời tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, hôm 11 Tháng Sáu, hưởng thọ 83 tuổi.
Ông được nhiều thế hệ yêu thơ xem là một trong “tứ trụ thi ca” của miền Nam trước 1975, cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên.
Ông bắt đầu làm thơ với bút hiệu “Sao Trên Rừng,” từng theo học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn nhưng bỏ học nửa chừng.
Bên cạnh việc làm thơ, ông Nguyễn Đức Sơn cũng có nhiều truyện ngắn đăng trên các tạp chí Văn Nghệ, Thế Kỷ Hai Mươi khoảng 1960, trên tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội và Thời Tập những năm 1969-1973.
Báo Nông Nghiệp Việt Nam hôm 11 Tháng Sáu cho hay: “Sau năm 1975, ông Nguyễn Đức Sơn chuyển từ Sài Gòn về ngoại ô Bảo Lộc để sống như một ẩn sĩ, như thơ ông viết: ‘Về đây với tiếng trăng ngàn/Phiêu diêu hồn nhập giấc vàng đó em/Trăm năm bóng lửng qua thềm/Nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi’.”
Tờ báo cũng viết rằng từ khu đất trên đồi do thiền sư Thích Nhất Hạnh tặng lại, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã cùng vợ con trồng thông, “chấp nhận khoai sắn qua ngày để giữ khoảng trời thông reo.”
“Khi gần chục hécta thông của nhà thơ Nguyễn Đức Thông đã vươn xanh mướt, khiến nơi ông cư ngụ được gọi là Đồi Thông Phương Bối, thì ông vẫn không được yên. Nhiều lần, ông phải chiến đấu với bọn lâm tặc và bị đánh trọng thương,” theo báo Nông Nghiệp Việt Nam.
Hồi giữa Tháng Tư, trang Đồi Thông Phương Bối giới thiệu tập thơ “Chút Lời Mênh Mông” vừa ấn hành của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn và mô tả đây là “nỗi đau đớn tột cùng cùng của tác giả nhưng lại là sự hân hoan của gia đình, bạn bè và đọc giả khắp nơi.”
Thời điểm đó, ông đang nằm trên giường bệnh tại nhà riêng ở Đồi Thông Phương Bối. Toàn bộ lợi nhuận từ việc phát hành tập thơ này được gửi vào Quỹ Bảo Vệ Sự Sống của Thiện Nguyện Bối Diệp theo di nguyện của tác giả.
Trang Facebook Nguyễn Đức Sơn hồi Tháng Tư đăng bài của tác giả Thích Không Hạnh viết về di sản thơ ca của Nguyễn Đức Sơn: “…Người ta đa phần có ý ngần ngại khi đọc thơ Nguyễn Đức Sơn vì thấy sự dâm tục quá nhiều, riêng tôi cũng thấy ngần ngại, nhưng không phải vì sự dâm tục trong thơ ông, mà ngần ngại vì mình không đủ thanh khiết để đọc. Mặc dù là một tu sĩ, tôi thấy mình cần phải thanh lọc tâm hồn mình thêm nữa để có thể bước vào thế giới thi ca của ông…”
“Thơ ông ngập tràn ý thức siêu thoát. Trong cái mạch sâu thẳm bất tận ấy, tục tĩu, dâm tục chỉ là đối tượng phù hợp nhất làm lằn ranh giữa hai bờ chân tục. Người có ngọn lửa về tham cầu lạc thú bao nhiêu người ấy sẽ lại là kẻ tìm cầu siêu thoát bấy nhiêu, không có động lực của dục lạc cũng sẽ không có động lực đi tìm cái ‘tịch diệt vi lạc.’ Chính vì vậy, tôi thấy ông thanh khiết và cứu cánh ngay trong những vần thơ dâm tục và chính ông cũng nhận ra điều ấy,” tu sĩ Thích Không Hạnh viết.
Con trai út của nhà thơ là tu sĩ Thích Ngộ Chánh (Nguyễn Đức Lão) được biết đến là nhân vật bất đồng chính kiến.
Hồi Tháng Năm, ông Thích Ngộ Chánh bình luận trên trang cá nhân: “Xã hội Việt Nam bay giờ không có chủ nghĩa cộng sản hay tư bản gì cả. Chỉ có kẻ khốn nạn hay không khốn nạn mà thôi.”
Trang Thi Viện cho biết một trong những bài thơ đáng đọc của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn là “Tâm Sự Với Một Đảng Viên Trí Thức Muốn Ra Khỏi Đảng” với những câu: “Anh đi cách mạng bao năm/ Từ rừng đến phố dao găm chưa xài/Vẫn chưa dứt điểm sòng bài/Tấm thân ê ẩm khuya dài đau sao/ Cứ yêu tha thiết đồng bào/ Tuy nhiên hễ thấy máu trào thì ngưng.” (N.H.K) [kn]