Không ai nghĩ đó là những ngày cuối cùng của ông Chu nhất là cái hôm bà Chu được đứa cháu làm bác sĩ ở đâu về chở xe gắn máy vô bệnh viện cắt bỏ ngón chân hoại tử do tiểu đường, ông Chu như con vật bị thương lồng lộn kêu gào thảm thiết khi bị khóa trái nhốt trong nhà, mắt dõi theo cái bóng bà Chu gẫy ngoặt chỗ góc hẻm:
– Làng xóm ơi mở cửa! Ban-Lãng ơi mở cửa! Bà đâu rồi bà ơi?
Làng xóm là khu phố nhỏ trong hẻm cụt, trước năm 1975 có tên cư xá Thanh Bình gồm 34 căn đồng dạng 3m X 16m xúm xít khoảng trăm dân lành, giờ thành tổ dân phố 2, vật đổi sao dời hội tụ toàn dân tứ xứ, lành dữ nhập nhoạng. Ban-Lãng là hai vợ chồng tử tế ở sát vách thỉnh thoảng chạy qua chạy lại đỡ đần, khi bưng qua tô canh cải ngọt ăn cho mát, khi biếu trái đu đủ chín cây ăn cho nhuận trường. Hỏa lực ông Chu còn hung lắm, vừa gào thét vừa rung lắc cánh cổng khiến ống khóa dây xích va đập nhau kịch liệt, rầm rầm như xưởng đóng tàu Ba Son. Điệp khúc kêu cứu làng xóm kéo dài từ khoảng 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều không thấy suy suyễn âm lượng. Hiếm người bách niên giai lão lại có thể gào, chẳng những to mà còn bền, vang dội cả một bán kính hai ba chục mét dai dẳng trong suốt nhiều giờ như vậy. Ai cũng tặc lưỡi hít hà khen ông già còn gân, chắc cú thọ đến trăm mấy. Nghe ông Chu khóc la thê lương, vài cô bác tụ tập trước cổng nhỏ nhẹ khuyên dứt:
– Bà đi bệnh viện vài ngày sẽ về. Bác vô nhà nằm nghỉ. Chiều tối sẽ có con cháu đến thăm.
Mỗi người một câu, nhưng ông Chu điếc đặc đâu có nghe thấy gì; cũng không chắc nghe được chính mình. Con cháu đâu còn ai. Tuổi ông cỡ đó thì mấy người con cả cũng đã trên 70 rồi, mấy đứa cháu hầu hết thành nhân chi mỹ thành khỉ leo cây tứ tán cả.
Ngày dọn về cư xá ông Chu chỉ mới 37 – tuổi thanh niên chín muồi chồm chồm trung niên, Bắc di cư năm 54, lương nhân viên nhà nước VNCH ổn định, có gia đình và hai con: bé gái 12 tuổi còn chơi nhảy lò cò, thằng em 10 tuổi đi học về chỉ lẩn quẩn trong xóm bắn bi tạt lon với lũ con nít cùng cỡ, tuyệt đối không đánh lộn chửi thề. Ông quán xuyến, bà tảo tần, hai đứa nhỏ có giáo dục. Gia đình gương mẫu vậy nên ông Chu được cả xóm bầu làm trưởng khóm. Sau đó thì hai ông bà thừa thắng xông lên sản xuất đều đều thêm 4 đứa nữa, vị chi 3 trai 3 gái.
Ông Chu làm trưởng khóm liên tục 17 năm; sau 1975 vẫn tại vị thêm 30 năm nữa nhưng với tên gọi khác: tổ trưởng, tức Bác Tổ. Sau khi nghỉ hưu ở cơ quan nhà nước, ông Chu toàn tâm toàn ý làm tổ trưởng full time. Luật lao động không có điều khoản giới hạn tuổi tác cho nghề tổ trưởng. Giằng co lắm Ủy Ban Nhân Dân Phường mới đồng ý cho ông nghỉ ngơi, không phải sáng sáng đóng bộ quần tây sơ-mi trắng dài tay chân mang xăng-đan lom khom đi bộ đến chốn công đường để trình tấu lặt vặt. Thời điểm từ quan ông còn vô cùng minh mẫn tuy lúc ấy đã lố bát tuần.
Lạ là – trừ hai người con đầu có chồng có vợ ra riêng hiện ở đâu đó bên quận Tân Bình – bốn đứa còn lại phản quốc vượt biên cùng hậu duệ sống rải năm châu bốn biển, nhưng uy tín tổ trưởng của ông Chu trong bấy nhiêu năm thăng trầm vẫn cứ vững như bàn thạch, không hề bị quy kết thuộc thành phần gia đình có người thân bỏ thiên đường Cộng Sản đi liếm gót giày đế quốc ở địa ngục tư bản:phần vì không ai đủ hưỡn để nhận trách nhiệm họp tổ hàng tháng, niêm yết thông cáo đầu hẻm ghi rõ chuyên đề và ngày giờ họp hành, phổ biến thông tư mới của nhà nước, thu phí vệ sinh khu phố, quyên góp cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt hạn hán, động viên quần chúng hỗ trợ lính biển bảo vệ tổ quốc, khai báo nhân khẩu từng hộ gia đình, chia vui chia buồn từng nhà mọi dịp hoan-hôn-tang-tế, quản lý người ra kẻ vào, bảo vệ danh hiệu khu phố văn hóa quyết tâm bài trừ xì ke ma túy đĩ điếm côn đồ, nhắc nhở tổ viên thi hành nghĩa vụ công dân: đóng thuế nhà đất đúng hạn, bỏ phiếu nghiêm chỉnh trong các kỳ bầu cử, treo cờ vào những ngày lễ lớn…;
phần vì việc nào bác Tổ làm cũng chu đáo. Chỉ cần đi vòng vòng trong xóm thổi tu huýt và rao: Mời bà con đi họp, ai nấy đều răm rắp. Thế mới biết nhà nước XHCN sáng suốt phân bố lao động đúng người đúng việc. Nhà ai xào xáo lộn xộn Bác Tổ cũng là người phân xử anh minh; trong xóm vì thế có câu thần chú “méc Bác Tổ” rất linh nghiệm đối với người lớn lẫn trẻ con:
– Ăn cho hết chén cơm không thôi méc Bác Tổ.
– Nhậu cho cố, méc Bác Tổ thì đừng có trách.
– Hát Karaoke đủ nghe thôi, méc Bác Tổ bây giờ!
– Chạy tới méc Bác Tổ ông Sáu đánh tao xụi giò sặc máu mũi, mau lên!
Ông Chu luôn luôn có cách giải quyết: thay quần tây sơ-mi dài tay đàng hoàng, ông sẽ đến tận từng nhà đương sự, buông vài câu lơ phơ nhưng cực kỳ hiệu quả.
– Này, không được bỏ mứa nhé! Không thì ông đưa lên Phường ngồi ăn với mấy chú công an đấy.
– Phường hiện có chính sách đưa người nghiện rượu đi cai, đăng ký sớm, không lại huốt thêm đợt nữa.
– Vặn nhỏ lại. Đóng cửa vui trong nhà thôi. Bác Tổ mà hát om sòm thì anh em ở đây có thích nghe không nà?
– Biết “nồi da xáo thịt” là cái gì không? Là cái nồi bằng da của mình, bỏ thịt em mình lên đó xáo. Nghĩ mà xem.
Từ ngày thôi làm tổ trưởng ông Chu có vẻ buồn chán, hàng ngày chỉ đi tới đi lui trong căn nhà ống có diện tích chưa đầy 50 mét vuông, lẩn quẩn lặt rau dưới bếp với bà Chu hoặc đứng câu song cửa sắt trước hàng ba lơ láo ngó ông đi qua bà đi lại. Đó là dạo ông còn tự mình nhúc nhích được.
Mọi người trong xóm đi ngang nhìn thấy ông Chu đứng đó thường chào hỏi lễ phép, theo thói quen vẫn gọi là Bác Tổ, có khi thêm giới tính Bác Tổ Trai để phân biệt với Bác Tổ Gái. Người thừa nhiệm còn trẻ, là đảng viên, nhưng éo le là uy tín khá lu mờ so với người tiền nhiệm. Trong nhà ai có gì ráng chịu, không thèm méc moi làm chi với cái tay tổ trưởng chỉ nảy mực mà không cầm cân, các tổ viên tứ-hải-giai-huynh-đệ kháo nhau như vậy.
Hai ông bà già quấn quýt nhau thấy thương. Không quấn quýt thì làm gì khác được? Bác Tổ Gái cũng đã trên 90, mỗi ngày lọm khọm nấu món kho món xào cho người bạn đời, tính nhẩm hai cụ đã 75 năm gắn bó, 6 đứa con 20 đứa cháu. Giờ bọn chúng nó tản ra bốn phương tám hướng chừa lại hai người già, có đứa thừa lệnh song thân lâu lâu ghé thăm nhưng chân trong chân ngoài dợm chạy, chê nhà khai nước đái. Tính tình hai ông bà đều khó khăn nên khó thuê người giúp việc. Đi chợ giùm đã có hàng xóm Ban-Lãng. Nhà bé tẹo, phòng khách trở thành địa bàn hoạt động của riêng ông, phần còn lại là vùng phi quân sự của bà. Mỗi khi Bác Tổ Gái đi vệ sinh hay đứng ngồi đâu đó khuất tầm mắt, Bác Tổ Trai đang tĩnh tọa trước màn hình TV liền kêu thất thanh, đến hàng xóm cách xa bốn năm căn cũng nghe:
– Bà ơi bà đâu rồi? Bà ơi bà… Bà đâu???
Thỉnh thoảng lại nghe ông vỗ tay:
– Dô ta! Thấy bà rồi! Dô ta! Mừng quá. Nhìn thấy bà rồi!
Có khi lịch sự bất ngờ, giọng nhỏ nhẹ đầy trắc ẩn tri ân:
– Cám ơn bà. Không có bà là tôi chết. Bà cần gì không? Bà cần gì thì nói với tôi.
Bác Tổ Gái thường khi im re, hoặc hứ, hé lấy lệ hoặc bực mình nạt:
– Cái gì mà bà ơi bà ơi hoài!
– Cám ơn bà. Bà ơi bà….
Dần dà ông Chu hết di chuyển nổi. Không kiểm soát được việc bài tiết, ông tiêu tiểu tại chỗ nhưng lần nào cũng khóc kể, với tất cả lòng tự trọng:
– Thôi rồi, tôi làm ra quần rồi đây bà ơi! Tôi đái rồi.
Dạo sau này, ai tình cờ đi ngang ngó qua cửa sổ sẽ thấy ông Chu không còn mặc quần nữa. Ông ngồi chành bành trên cái ghế dựa đã bươm, xem tin tức trên TV, âm thanh được vặn hết cỡ khiến cả xóm thôi không cần đến truyền hình vì đã bão hòa với truyền thanh. Cũng không chắc thị lực ông già còn đủ tốt để thấy hình được truyền, có lẽ chỉ là những vệt nhòe đang chuyển động trên màn ảnh nhỏ.
Thử tưởng tượng một cụ bà 90 xoay trở khó nhọc phải nhờ đến khung tập đi dành cho người già, vậy nhưng suốt ngày cứ phải loay hoay làm vệ sinh mỗi lần ông vãi bậy. Những lúc đó ông thường cảm thán:
– Nhà có hai người già…. Cám ơn bà. Không có bà là tôi chết.
Lần nào cũng không quên thêm: Bà cần gì không? Bà cần gì thì nói với tôi. Bác Tổ Gái quạu quọ nạt: Không cần! May, ông già đâu có nghe ra giọng phũ phàng. Bà cần gì thì nói với tôi có vẻ như chỉ là âm vọng từ cái thuở ông còn được việc. Nói cà rỡn mà chơi, lỡ Bác Tổ Gái bỗng nhiên cắc cớ cho biết mình đang cần ra ngoài mót chút nắng, liệu ông có đủ sức để giúp bà làm một vòng xóm, cái xóm mà họ đã biết rõ từng vạt xi măng tráng hẻm, từng đứa trẻ dần trưởng thành, từng hộ gia đình dọn đến dọn đi.
Cư dân của 34 căn nhà dù muốn dù không đều chứng kiến ngày cùng của ông Chu. Ai cũng lắc đầu ái ngại, đồng thời không thể không nghĩ đến phận mình một ngày nào. Tóm lại là chẳng ai muốn sống lâu như Bác Tổ để cuối cùng trở thành khổ nạn của chính mình và gánh nặng cho người bạn đời vốn cũng đang phải trả nợ trầm luân ở tuổi 90. Các cặp vợ chồng xồn xồn nhìn nhau xét nét tự hỏi liệu mai mốt đến phiên mình… Các bạn trẻ lăn tăn về chương cuối của một cuộc hôn nhân viên mãn. Người ta vẫn thường chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc mà không có ý niệm gì về số liệu. Một trăm cho một đời người không phải chỉ là chuyện đếm cho đủ rồi cười khà khà đắc thắng vì đã đạt chỉ tiêu.
Đêm trước ngày ông Chu qua đời, nửa đêm hàng xóm vẫn còn nghe ông già kêu bà… bà… Mấy chữ còn lại đã tuột mất chỉ còn một chữ bà duy nhất được kéo ra rồi đứt, rồi lại kéo và đứt. Âm lượng ngúm dần. Đến trưa hôm sau thì không còn nghe tiếng ông nữa. Gia đình nhanh chóng lo hậu sự. Nhân viên dịch vụ tang lễ của trại hòm Tân Lập ngay lập tức có mặt với dàn kèn đồng thổi tò te bài Cát Bụi của Trịnh Công Sơn và Ơn Cha của Y Vân. Cả xóm cầm bằng sẽ bị tra tấn lỗ tai ít ra là hai ba ngày nữa và sẵn sàng chấp nhận như lâu nay vốn đã, bởi đời người ai rồi cũng chỉ có một lần cung nghinh nhã nhạc, nhưng không, ngay chiều hôm đó người ta di quan ông Chu sang Vãng Sanh Đường của chùa Vĩnh Nghiêm để dễ dàng cho việc phúng viếng. Nhà khai nước đái quá mà.
Không nghe Bác Tổ Gái khóc kể hay thậm chí sụt sùi. Dường như mọi thứ tình cảm trong lòng bà Chu đã chín rục, dễ chừng đã rụng, giờ chỉ cần nhặt lên ủ, nhốt trong hũ lâu lâu lấy ra ngửi ngửi coi lên men đến đâu. Ai trong chúng ta rồi sẽ được người bạn đời của mình triền miên réo gọi cho đến giờ lâm tử?
Ngày đưa quan tài ông Chu từ chùa Vĩnh Nghiêm về lò thiêu Bình Hưng Hòa, bà Chu thay bộ quần áo sậm màu rồi được một người họ hàng dìu từ trong nhà ra đầu hẻm cư xá để chờ xe tang đi ngang. 7 giờ sáng, xe dừng lại đúng địa điểm dự kiến, kèn trống lại trổi lên cho ông Chu tạm biệt bà Chu cùng xóm nhỏ. Bà con cô bác thay vì ngó cái hòm, lại ngậm ngùi nhìn bà Chu giơ bàn tay đã trổ đồi mồi lên vẫy vẫy khi xe lăn bánh. Trong lòng Bác Tổ Gái lúc ấy ì ào bão biển, hay mọi thứ đang chìm chìm mông lung chờ lúc bà còn lại một mình mới ùn ùn trồi lên?
Dẫu gì đây cũng là một cái chết… truyền thống, đoạn kết của một cuộc hôn nhân lâu bền với tang lễ được cử hành theo đúng tập tục, có đích tôn đích tử – dù thành nhân chi mỹ hay thành khỉ leo cây – cũng giày cỏ áo xô gậy trúc di ảnh. Phúc đức là được chết già, không bệnh tật, không dịch vật – coi như qua đời thành công. Còn hơn là chết đơn độc vì COVID, không người thân kề cận phút lâm chung, không đám ma đám rước, thân xác hoặc cháy dở do thiếu củi thiêu hoặc bị thả trôi sông đến ngày nào đó giạt vào bờ biển lạ như một tử thi vô thừa nhận, thậm chí bất hợp pháp bởi không có thị thực của chính quyền sở tại.
Trần Thị NgH, NgK.06.2021
(*) Úp mặt bùi ngùi: Lời trong ca khúc “Cát Bụi” của Trịnh Công Sơn
Nguồn: Da Màu