Mình tham gia vào "thế giới" Facebook vừa tròn năm. Chỉ một năm tầm nhìn cũng đủ vừa để nhận định về những tên tuổi, sinh hoạt của các anh chị và hay biết chút sở thích, tâm cảm khi họ post bài lên. Một người mang tên Gia Nguyễn luôn có hấp lực lôi kéo mình lại gần, tìm đọc.
Bởi những lượng thông tin ấy mang đủ giá trị, sau khi anh đã xem qua và muốn chia sẻ rộng rãi về cái hay, cái thâm thuý, cái nhân sinh quan từng vượt qua được sự tầm thường do cuộc sống mãi bày ra ngõ hẹp xúi hạ thấp phẩm giá của con người. Anh trích dẫn nguồn (đông tây kim cổ) hoặc chính bài viết ấy tựu thành bởi những ý tưởng gạn lọc anh sống qua. Mình không lạ khi biết anh Gia Nguyễn một thời là sinh viên ra học ở đại học Huế để sau này làm giáo viên (thầy giáo) hiện sống và dạy học tại Đà Nẵng quê anh. Cũng không mấy ngạc nhiên lúc bất chợt đọc được các bài thơ anh sáng tác.
Bởi những lượng thông tin ấy mang đủ giá trị, sau khi anh đã xem qua và muốn chia sẻ rộng rãi về cái hay, cái thâm thuý, cái nhân sinh quan từng vượt qua được sự tầm thường do cuộc sống mãi bày ra ngõ hẹp xúi hạ thấp phẩm giá của con người. Anh trích dẫn nguồn (đông tây kim cổ) hoặc chính bài viết ấy tựu thành bởi những ý tưởng gạn lọc anh sống qua. Mình không lạ khi biết anh Gia Nguyễn một thời là sinh viên ra học ở đại học Huế để sau này làm giáo viên (thầy giáo) hiện sống và dạy học tại Đà Nẵng quê anh. Cũng không mấy ngạc nhiên lúc bất chợt đọc được các bài thơ anh sáng tác.
Tên đủ đầy là Nguyễn Văn Gia, nhà thơ với tác phẩm "Nắng Gió Quê Nhà" do Hội Nhà Văn xuất bản vào năm 2019. Bài "Phân Vân" có trong thi tập ấy (mình trích một đoạn) để phác hoạ sơ khởi chân dung một người thầy ắt được các trò yêu mến:
"Dưới dãy bàn kia
một đôi lần
Cái nhìn lém lỉnh
giả đò ngoan
Trời ơi đôi mắt
trong veo ấy
Bục thầy nhìn xuống
cũng phân vân..."
Do dạy học, trong thơ anh váng vất chút kỷ luật của mô phạm, nghĩa là anh không muốn đi sa đà, tách rời hẳn bao chuyện dung tục thường có như thơ thiên hạ. Một vẻ đẹp chuẩn mực, nếu có thể gọi vậy. Mình yêu chữ nghĩa giản dị của nhà thơ, giả dụ như bài "Lập Thu":
Áo tím ai về
bên thềm cũ
Dễ nắng vàng phai
cũng tương tư
Chưa xanh thạch thảo
vàng hoa cúc
Mà sao lòng mình
đã lập thu.
Và thơ anh thường ẩn tàng chút mỉa mai:
Gánh
Gánh mây
gánh nắng
gánh vô thường
Như rứa là
gánh cái-trống-không
Những đời đau khổ
mặc ai gánh
Riêng mình
chỉ gánh
cái-dửng-dưng.
Khi gửi thơ cho mình xem, anh có đùa: Ở Việt-nam đọc thơ cho ai nghe có khi phải trả "nhuận tai". Lời đùa duyên dáng nhưng vô tình xúi mình nhớ lại, rằng có ai đã đăng lên Facebook (đọc luống những ngậm ngùi): "Thằng Trần Văn Ổi, nếu mày không chịu trả nợ, tụi tao sẽ liên tục dán thơ vào phây búc của mày!". Rõ là một lời hăm doạ, chứ còn gì nữa! Mình cảm ơn nhà thơ Nguyễn Văn Gia đã vị tình cho mình đọc thơ của anh. Nếu mình mang nợ anh thì sẽ nhất quyết giả đò lơ hòng đón nhận được những bài thơ anh mãi dán vào Facebook mình (thương nhau lắm cắn nhau đau?). Bài "Giữa Hai Dòng" có mấy câu chở đầy ẩn ý:
Ôi người viết-
kẻ đọc
Rứa mà
hiểu được nhau
Viết
không thể viết xuôi
Thì thôi
đành đọc ngược.
Nhà thơ Nguyễn Văn Gia có đóng góp sáng tác cho Tuyển Tập Tình Thơ Mùa Thu (nhà thơ Luân Hoán chủ trương, Nhân Ảnh vừa phát hành) và đáng quý là anh sẽ giúp mục điểm sách phát hành ở nội địa cho Tạp chí Ngôn Ngữ xuất bản tại Hoa Kỳ.
Trân trọng cảm ơn nhà thơ Nguyễn Văn Gia. Mãi mong anh luôn tâm thân thường an lạc ở nơi "nắng gió quê nhà".
Hồ Đình Nghiêm
Gửi ý kiến của bạn