PHẠM CHU SA - Cung Tích Biền "Mùa Xuân Mặt Trời Đốt Cháy"

22 Tháng Chín 20248:53 SA(Xem: 143)
PHẠM CHU SA - Cung Tích Biền "Mùa Xuân Mặt Trời Đốt Cháy"
Sài Gòn năm nay mới đầu xuân mà nắng cháy như thiêu đốt. Tôi bỗng nhớ đến một truyện ngắn của Cung Tích Biền đăng trên số “Xuân Hồng Tuổi Ngọc” Nhâm Tý - 1972, tựa “ Mùa Xuân mặt trời đốt cháy”. Bấy giờ tôi mới về tuần báo Tuổi Ngọc được mấy tháng, thay nhà văn Nguyễn Mai phụ trách trị sự kiêm “thầy cò” (sửa morasse). Tôi chỉ chú ý cái tựa lạ chứ chưa nghĩ nó như một “lời tiên tri” về đất nước và bản thân nhà văn những tháng năm tiếp theo! Đã hơn nửa thế kỷ qua, tôi chỉ còn nhớ cái tựa truyện. Dù bấy giờ đã đọc hai ba lần khi sửa lỗi chính tả, nhưng nay chẳng còn nhớ gì về nội dung. Không biết sau này truyện có in lại trong tuyển tập nào không? Đó cũng là lần đầu tôi được gặp nhà văn thời thượng Cung Tích Biền khi anh đến tòa soạn đưa bản thảo. Chủ nhiệm Duyên Anh mời anh viết cho báo Xuân Tuổi Ngọc. Hai người biết nhau từ thời cùng viết báo Sống của Chu Tử. Tuy anh đưa truyện hơi muộn - vì báo xuân cần làm sớm, nhưng nhờ bản thảo Cung Tích Biền đánh máy khá kỹ, sếp ty-pô cho sắp chữ rất nhanh, ít lỗi nên sửa morasse rất khỏe so với các bản thảo viết tay lỗi chính tả đầm đìa.

Nhắc tới chuyện bản thảo đánh máy, tôi lại nhớ trước đó có lần ngồi ở quán La Pagode - mà các văn nghệ sĩ thường đóng đô ở đây hay gọi là quán “Cái Chùa” - cùng Du Tử Lê, tôi thấy một người mặc quân phục hình như mang lon đại úy, ngồi ở một góc quán nhìn ra đường Tự Do chăm chú gõ máy chữ lóc cóc. Đúng là một hiện tượng lạ, lần đầu có người mang máy đánh chữ vào La Pagode ngồi gõ. Du Tử Lê bảo, Cung Tích Biền đó. À, tác giả “Ai tỉnh - Ai điên”, “Hòa bình - Nàng tình rỗng”… mà tôi đã đọc. Những truyện của Cung Tích Biền thường có tựa gây ấn tượng cho người đọc. Trước khi bút hiệu Cung Tích Biền xuất hiện trên tuần báo Nghệ Thuật năm 1966, Trần Ngọc Thao cũng đã viết một số truyện cộng tác với nhiều báo, tạp chí ký vài bút hiệu khác, nhưng anh không muốn nhắc lại. Bút hiệu Cung Tích Biền định danh với các truyện ngắn, truyện dài liên tiếp trình làng, được đông đảo độc giả - hầu hết là giới trẻ, sinh viên học sinh đón nhận. Cung Tích Biền ngay lập tức khẳng định chỗ đứng trong văn học. Tôi thích truyện ngắn của anh hơn truyện dài. Truyện ngắn đầu ký bút hiệu Cung Tích Biền trên tuần báo Nghệ Thuật có cái tựa khá lạ “Ngoại ô, Dĩ An và linh hồn tôi”, ngay khi xuất hiện đã gây được chú ý trong văn giới. Đặc biệt truyện “Bạch hóa” của Cung Tích Biền là một truyện viết về đề tài chiến tranh rất hay, sống động như một phóng sự, đọc nổi da gà, in trong tuyển tập “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta”. Tuyển tập giới thiệu 45 truyện của 45 nhà văn tiêu biểu 20 năm văn học miền Nam, do nhà văn Nguyễn Đông Ngạc tuyển chọn, nhà xuất bản Sóng ấn hành năm 1974. Truyện phơi bày bộ mặt thật cuộc chiến tranh phi nghĩa, phi nhân, vô đạo, đọc thấy rờn rợn. Đó là chuyện người con đi theo cách mạng về xử tử, chặt đầu cha mình. Chuyện người lính về quê tìm cha, thấy xác cha bị tên cuồng tín đã từng giết cha hắn, rồi tiếp tục xử bắn cha anh rồi đạp xuống mương, xác đã sình thối nên anh không nhận ra! Truyện này được in lại trong tuyển tập truyện ngắn “Bạch hóa”, ấn hành ở Mỹ năm 2021 cùng với hai tác phẩm khác là tập truyện “Nhạc điệu của bầy ong” và tuyển tập các bài phỏng vấn Cung Tích Biền: “Đành lòng sống trong phòng đợi của lịch sử”. Trong phần phụ lục tuyển tập “ Bạch hóa”, Du Tử Lê viết: “…dù phải sống với oan khiên như vết chàm, như chiếc bóng định mệnh bất hạnh đời mình, nhưng cuối cùng họ Trần ( Trần Ngọc Thao - họ tên thật của Cung Tích Biền) vẫn không hề lỗi hẹn với văn chương. Chẳng những thế, ông còn cho chữ và, nghĩa của ông, những khấp báo trầm thống”. Tôi rất tâm đắc với thi sĩ Trần Tuấn Kiệt khi anh viết về văn chương Cung Tích Biền: “Khó khăn khi tiếp nhận văn chương Cung Tích Biền. Đây là loại chữ nghĩa không dễ đọc. Nó là thế giới ẩn ngữ, hàm dụ, hiện thực huyền ảo. Nó như bị quỷ ám”!

Cuối 1975 tôi gặp lại Cung Tích Biền khi tôi bán sách cũ ở vỉa hè thương xá Eden - phía đường Nguyễn Huệ cùng với Nguyễn Hữu Hiệu, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Mai… Vỉa hè bán sách cũ là nơi các anh em, bạn bè văn nghệ cũ gặp gỡ, hỏi thăm tin tức người này người nọ bây giờ phiêu dạt nơi đâu? Thỉnh thoảng thấy anh Trần Dạ Từ - bấy giờ chưa bị bắt tù cải tạo, ghé lại hỏi thăm tin tức anh em cũ. Tôi nhớ mãi những ngày mùa đông 1975 lạnh buốt, mà có bạn xót xa nói đùa cái lạnh Hà Nội cũng hùa theo những kẻ chiến thắng vào xâm chiếm Sài Gòn! Các anh Hoàng Trúc Ly, Cung Tích Biền chiều chiều thường ghé lại chỗ mấy anh em ngồi co ro ngáp gió vì bán sách ế ẩm, hỏi thăm ba điều bốn chuyện, rồi góp mỗi người vài đồng (tiền “kách mạng” mới đổi), mua vài xị rượu “đế quốc doanh” hoặc chai rum Hiệp Hòa làm từ mật mía…lai rai với cóc ổi. Cung Tích Biền ít khi ngồi uống với anh em, chỉ ghé thăm chơi nói ba điều bốn chuyện rồi ung dung tản bộ đi đâu đó; còn thi sĩ Hoàng Trúc Ly mà anh em thân thiết hay gọi là “Hoàng CHÚC LY” vì anh thường xuyên say bí tỉ. Tôi nhiều lần phải đạp xe lọc cọc chở anh về gần thành Ô Ma đường Võ Tánh, rồi mới quay về nơi tôi và vợ con tạm trú cuối đường Nguyễn Văn Học ( sau đổi thành Nơ Trang Long), gần cầu Băng Ky xa tít tắp. Đầu năm 1976, tôi bỏ bán sách theo người bạn qua đường Nguyễn Huệ bán “thuốc tây… chạy” - vì ngày nào cũng bị an ninh khóm rượt chạy! Không có vốn nên tôi chỉ lấy lại của người buôn sỉ vài ba vỉ thuốc cảm, thuốc ho, thuốc đau bụng tiêu chảy…rồi trải tấm ny-lông bé tí, ngồi bán lẻ cho khách vãng lai, mắt lúc nào cũng láo liên ngó chừng mấy tay an ninh khóm rình tịch thu… Tuy vậy cũng kiếm được khá hơn bán sách cũ. Và hầu như chiều nào tôi cũng quay lại vỉa hè thương xá Eden góp xị rượu hay con cá khô, mực khô bù khú với anh em.
Hình như bấy giờ anh Cung Tích Biền vừa thuê một căn hộ tận trên lầu 7 hay lầu 8 chung cư trên đường Nguyễn Huệ; và vợ anh thuê cái kiosque ở gần đó, bán hàng thủ công mỹ nghệ mây tre lá. Đây cũng là nơi anh em văn nghệ cũ - hầu hết thất nghiệp, thỉnh thoảng ghé lại, sau khi vỉa hè bán sách Eden tan hàng. Mấy năm sau tôi dời về đường Nguyễn Thông, rồi vào Chợ Lớn mở nhà thuốc, công việc rất bận rộn và trái đường nên ít gặp các anh Hoàng Trúc Ly, Cung Tích Biền. Buồn nhất là khi anh Hoàng Trúc Ly mất tôi không hay biết!

Phải nói là Cung Tích Biền có một sức sống mãnh liệt. Nếu biết rằng anh đã từng bị bệnh tiểu đường khá nặng hành hạ một thời gian dài. Tôi nhớ khoảng năm 1990 thấy anh ngồi một mình trước quán Cây Trúc đường Lê Quý Đôn, người gầy nhom, nhấm nháp mãi không hết một chai bia. Anh nói, moa thích ngồi một mình, nhìn ngắm người xe qua lại và nhâm nhi chút bia cho đỡ nhớ. Vậy mà chỉ vài năm sau, không biết anh điều trị bằng thuốc gì mà khỏe hẳn, có thể uống năm bảy chai. Đúng như cái bút hiệu của anh được anh em đọc trại vui Cung Tích Biền thành “Cùng Tắc Biến”!

Anh cho biết bà xã đi định cư ở nước ngoài, anh ở lại thuê một căn nhà nhỏ ở Bình Thạnh sống một mình để viết. Anh rất ít cho ai biết nơi ở. Hình như giai đoạn này Cung Tích Biền viết nhiều. Viết để đó. Sau đó anh dọn về nhà mới mua ở sau chùa Già Lam. Chiều chiều anh Biền hay chạy xe ra quán Đất Phương Nam ngồi với dịch giả Phạm Viêm Phương và một hai bạn trẻ khác. Anh uống hết năm chai Heineken, móc tờ trăm ngàn dằn lên bàn rồi lấy xe chạy đến vũ trường. Cung Tích Biền rất thích khiêu vũ. Anh bảo, moa khỏe được một phần là nhờ nhảy đầm. Thời gian này tôi đã nghỉ làm báo, hay ngồi ở Đất Phương Nam nên thuờng gặp anh. Gặp nhau nói đủ thứ chuyện trên đời dưới đất… Sau khi Hội quán Văn Nghệ 81 dẹp bỏ để Hội Văn Nghệ xây dựng mới, quán Đất Phương Nam là nơi anh em văn nghệ thường gặp nhau dàn đúm.Và cũng không thiếu chuyện hỷ nộ ái ố!

Hai mươi mấy năm trước, hình như năm 1997, có lần ngồi với Lê Cung Bắc ở quán Nhà Tôi của Bắc, nhắc chuyện gì đó liên quan tới Cung Tích Biền, tôi nghe hắn gọi Cung Tích Biền bằng “thằng”. Tôi cự hắn: “Mày hỗn! Ông Biền lớn hơn mày cả chục tuổi, sao mày dám gọi “thằng”? Bắc tỉnh queo, nó là cháu tao. Bắc nói tiếp: “Kim, vợ Biền là cháu họ gần, gọi tao bằng cậu. Vậy Biền là cháu rể tao, đúng chưa cái thằng ham gây? Bắc và tôi thường hay cự cãi nhau, nhưng chỉ một lát lại huề! Lê Cung Bắc còn kể, chính Bắc là người mai mối chị Kim cho anh Biền. Bấy giờ khoảng năm 1970 - 1971, Lê Cung Bắc đang học cao học chính trị kinh doanh của Đại học Đà Lạt - nhưng học tại Sài Gòn - kiêm diễn viên kịch. Bắc lại có chân trong ban chủ biên nhật báo Sóng Thần. Tôi quen biết Bắc khoảng thời gian này khi tôi viết bài cộng tác với vài nhật báo và tạp chí, trước khi về Tuổi Ngọc cuối năm 1971. Có lần tôi hỏi sao Bắc có tên trong Ban chủ biên Sóng Thần, Bắc nói ông Chu Tử mời. Tôi nghĩ, ông Chu Tử mời Bắc với tư cách là một diễn viên kịch nổi tiếng. Ông mời cả “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết vào ban chủ biên. Bắc đã giới thiệu cô cháu đang học văn khoa vào làm ở tòa soạn. Nhà văn Cung Tích Biền là cộng tác viên đắc lực của nhật báo Sóng Thần và tuần báo Đời. Cả hai tờ đều do nhà văn Chu Tử chủ biên. Ông rất ưu ái Cung Tích Biền. Ngoài Sóng Thần, Cung Tích Biền còn cộng tác với các nhật báo: Công Luận, Độc Lập… và các tuần báo, tạp chí: Khởi Hành, Văn Học, Vấn Đề… Lê Cung Bắc thấy nhà văn thời thượng “kết” cô cháu, đã mai mối cô cho Cung Tích Biền - bấy giờ đã ngoài ba mươi nhưng vẫn là “lính phòng không”! Và Bắc nghiễm nhiên trở thành ông cậu vợ của nhà văn thời danh Cung Tích Biền. Sau này thỉnh thoảng ngồi với nhau, Cung Tích Biền tỏ ra rất quý trọng Lê Cung Bắc. Rất tiếc năm 2021 Lê Cung Bắc mất vì ung thư di căn vào thời đỉnh điểm đại dịch Covid, phải cách ly, nhiều bạn bè không phúng viếng được. Anh Biền ở Mỹ càng không thể. Tôi phải nhờ xe đứa cháu có dán cái giấy gì đó mới đi phúng được. Và thay mặt cho vài bạn thân viếng Bắc.

Cuối năm 2016 sang Mỹ, tôi bất ngờ gặp vợ chồng Cung Tích Biền ở quán phê Gypsy, hình như ở khu Little Saigon hay Westminster, Nam California, mới biết anh đã bán nhà và sang Mỹ đoàn tụ với vợ mấy tháng trước! Trước đó ít lâu, chị Kim từ Mỹ về thăm, anh có mời vợ chồng Phạm Viêm Phương và vợ chồng tôi đến nhà ăn cơm. Tôi không nghe anh nói gì về chuyện bán nhà sang Mỹ định cư. Giống như hồi anh thuê nhà ở để viết anh không cho ai biết địa chỉ… Tôi rất mừng khi thấy anh chị tuy đã có tuổi nhưng vẫn quấn quýt như đôi uyên ương. Từ đó đến nay anh đã cho xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng anh viết trong thời gian “ẩn cư” ở Sài Gòn. Tôi rất thích cái tựa tuyển tập phỏng vấn Cung Tích Biền: “Đành lòng sống trong phòng đợi của lịch sử”. Tại buổi tổ chức ra mắt sách năm 2021, khi trả lời phỏng vấn của Việt Báo, nhà văn Nhã Ca nói “Lối viết Cung Tích Biền về già như gừng càng già càng cay”.

Vừa qua họa sĩ Nguyễn Đình Thuần gọi cho biết, Cung Tích Biền mới tổ chức sinh nhật thứ 88. Mừng anh tuổi cao nhưng còn khỏe. Mong anh tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm “cay” hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Mười 20243:56 CH(Xem: 96)
Tôi thương ông vất vả như tôi thương tất cả những ai đeo đuổi công việc sáng tác từng nếm mùi cay đắng, thất bại, khổ đau.
25 Tháng Tám 20246:53 SA(Xem: 265)
Thông tin từ các bạn thơ tri kỷ, “Mắt Biếc” là tập thơ cuối đời của nhà thơ Linh Phương sau những tháng ngày phải chống chọi với căn bệnh tai biến,” đến nỗi khi được tin thi phẩm này được Hội Nhà Văn cấp phép anh đã khóc trên giường bệnh!
10 Tháng Tám 20248:59 SA(Xem: 273)
Hơn ba mươi năm trở lại đây, trên các báo Việt ngữ ở hải ngoại, độc giả đã quen biết bút hiệu Vương Trùng Dương, một cây bút viết nhanh, viết đều, đủ loại,
30 Tháng Bảy 20247:18 SA(Xem: 269)
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao,
18 Tháng Bảy 20246:03 CH(Xem: 320)
Vực trắng là tập thơ mới nhất của Lữ Mai gồm 54 bài thơ, được chia làm 6 phần:
02 Tháng Sáu 20245:41 CH(Xem: 647)
Chỉ trong 2 năm 2023-2024, Vũ Ngọc Giao - một cây bút nữ xứ Đà thành đã cho ra đời 4 tác phẩm,
22 Tháng Năm 20244:58 CH(Xem: 688)
Phan Nhật Nam tính tình hào sảng, sẵn sàng móc túi đến đồng bạc cuối cùng để giúp đỡ những trường hợp khó khăn dẫu chỉ quen biết hay sơ giao.
12 Tháng Năm 202410:42 SA(Xem: 660)
cuộc sống và sự nghiệp sáng tạo của Đỗ Hồng Ngọc rất sinh động, và phong phú.
05 Tháng Năm 20241:31 CH(Xem: 879)
Tập thơ có bề dày 249 trang gồm ba tiểu đề: ngẫu hứng, mai anh về miền Trung và những bài thơ khác và khổ lụy.
24 Tháng Tư 20249:47 SA(Xem: 899)
Nguyễn Đức Quang, ông đang nằm đó. Nhưng chúng tôi biết ông đang nghe chúng tôi. Ông sẽ còn nghe mãi những bản nhạc ông viết cho thế hệ này. Chúc ông thanh thản về cõi vĩnh hằng.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20855)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15795)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17454)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10141)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18592)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5005)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1752)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2244)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2139)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23463)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19968)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8773)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9788)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9213)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12192)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31705)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21489)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26487)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23928)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22714)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20827)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18910)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20063)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17658)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16774)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25745)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33081)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35566)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,