Tính chất cận nhân tình trong trang văn Văn Thành Lê.

12 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 4830)
Tính chất cận nhân tình trong trang văn Văn Thành Lê.

Tôi không có cơ hội đọc nhiều trang văn Văn Thành Lê. Nhưng với hai truyện ngắn có trong tay: “Biến mất không đều” và “Giấc mơ bị đánh cắp,” tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở tuổi 26(?) họ Lê đã tác thành được một hôn phối tốt đẹp giữa hoang tưởng (paranoid) và đời thường.
Hoang tưởng / paranoid là đỉnh điểm hầu hết mọi tác phẩm của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami (tính đến hôm nay).

Murakami đi tiếp lộ trình hoang tưởng của Kafka (chuyển hóa thần thoại, khai thác xung đột bản năng, mang tính nhân loại thời mông muội…) Cõi-giới văn xuôi Murakami báo động nguy cơ sự phá sản niềm tin nơi tôn giáo, xã hội, con người. Như thể nhân loại (nhất là những người trẻ) hôm nay, bị khung cứng trong những vỡ nát tâm thần, thất lạc nhân thân.

Nếu căn bản truyện của Rumakami quay tít trên trục huyễn ảo giữa thực và giả, thức và vô thức, luân lý và vô luân… Để tự thân truyện văng miểng tới người đọc, những câu hỏi đâu là ý nghĩa sau cùng của đời sống thì, những trang văn của Văn Thành Lê, theo tôi, với cái tâm nhân ái, lại cận nhân tình hơn (nơi phần cuối truyện).
Những cảm thụ mang tính đặc thù của xã hội Việt Nam đương đại, văn xuôi của họ Lê, cho tôi nhiều thâu tóm sắc, lạnh.

Thí dụ trong truyện ngắn “Biến mất không đều,” Văn Thành Lê viết:
…Cứ như giờ thì một khi đồng tiền làm ô nhiễm não trạng con người, ai dám chắc các sản phẩm do con người làm ra không bị ô nhiễm…”

Tôi cũng bị cuốn hút bởi những chiếc đinh mang tên Văn Thành Lê đóng chết những bức tranh bi hài xã hội, qua những đoạn văn trích từ truyện “Giấc mơ bị đánh cắp,” như:
“…Hình như cái gì hơi quá cũng mất vui, mất hay. Nhất là thời nay. Ví như đẹp quá nhìn tổ mờ mắt, nhọc đầu. Xấu quá thì quả đau mắt. Giỏi quá khéo quá thành người thừa của thiên hạ. Đến chết may ra mới được hậu sinh lục lại, xới lên và thừa nhận thiên tài. Lúc ấy cùng lắm được vài li rượu cuốc lủi pha cồn chấm thuốc sâu cùng nải chuối xanh. Ngược lại. Kém quá lại bị quy về họ hàng nhà khỉ chưa tiến hóa đúng theo quy luật tự nhiên… Vậy nên tốt nhất là vừa phải..”

Hoặc nữa:
“…Chả trách có giai thoại rằng: viện sĩ đi thỉnh giảng ở các trường đại học, khi làm tiểu luận sinh viên chỉ việc nhận một chủ đề, lên mạng tìm tài liệu, tải về đóng thành tập nộp. Không cần phân loại, phân tích hay phân gì. Nếu sinh viên nào lười, chỉ cần đưa ra một lô “từ khóa”, thuê thằng nhóc ranh nghiện game online mới tám tuổi vào mạng tìm kiếm cũng xong. Tập tiểu luận dày một gang trở lên cho 10 điểm (…) Ngày xưa sinh viên ăn đói mặc rét vẫn bắt cái đầu làm việc. Làm trong lặng câm. Giờ phải cho cái đầu nghỉ, bắt cái mồm làm. Đầu ngừng làm thì miệng thay…”

Nơi những trang văn Văn Thành Lê, thản hoặc, tôi còn gặp được một số hình ảnh đầy thi tính, với cấu trúc ngôn ngữ khá mới, như:
“…Gió lào qua, hất tung lên, bay rối nắng…” 
 
Nếu không biết tiểu sử tác giả, có dễ nhiều người đọc, không nghĩ họ Lê còn là một thanh niên, ở độ tuổi 25, 26 - - Tốt nghiệp ĐHSP Huế, ngành sinh học. Từ năm 2008, Văn Thành Lê đã đoạt nhiều giải thưởng về thơ cũng như truyện ngắn. Chưa kể họ Lê đã có 5 tác phẩm xuất bản…

Du Tử Lê,
(Calif. Dec. 21-2012)


vanthanhle-01-content
Nhà văn Văn Thành Lê

Biến Mất Không Đều

1. Nàng co rúm người, ôm ngang ngực hắn. Hắn quay qua kéo sát người nàng vào mình. Như mọi lần. Tay trái hắn luồn qua gáy, vuốt vuốt mái tóc nàng. Tay phải hắn xoa dọc sống lưng nàng. Cảm giác thiu thiu bắt đầu xâm chiếm hai mí mắt. Hắn giật mình bởi tiếng thủ thỉ của nàng.

- Ơ, sao lông nách anh dạo này lâu lên vậy? Hơn tháng rồi còn gì!

Hắn giật mình. Kéo tay phải về sờ nách mình. Ờ, nhẵn trụi. Cũng đã khá lâu. Cả tháng rồi. Sao lần này chẳng thấy cái lông nào mọc ra. Không dưng hắn tỉnh hẳn. Nàng thì sau khi bâng quơ nói, xem ra bắt đầu ngủ. Hắn nhẹ nhàng kéo tay trái ra, đưa gối vào đỡ dưới đầu nàng. Đưa tay qua nách trái. Vẫn như thường ngày. Lông nách rậm rạp, mọc ra như chông chùm. Hắn cảm thấy hơi lạnh người. Cái lạnh chạy dọc sống lưng, khẽ rùng mình một nhịp.

Hắn vào nhà vệ sinh. Bật công tắc điện. Đập vào mắt hắn là một Adam. Chẳng có gì khác thường. Dơ hai tay lên cao. Nách phải nhẵn trụi. Nách không một sợi lông.

Hắn xả nước ào ào. Hắn tắm. Thông thường mỗi khi gần gũi nhau, hắn và nàng chỉ lau qua rồi ngủ tới sáng mới tắm. Nhưng giờ đây hắn muốn tắm quá thể. Hắn chà xà bông liên tục vào nách phải. Dí sát vào gương. Chẳng thấy dấu hiệu của những chân lông. Đúng, chỉ là chân lông, cũng không. Hắn bắt đầu hoang mang. Liệu có phải dấu hiệu bị gì không? Bệnh gì? Triệu chứng gì đây? Vừa lau người vừa quấn khăn tắm hắn vừa nghĩ. Ý nghĩ bám riết tới mức hắn luống cuống tay chân, phải quấn tới lần thứ ba chiếc khăn mới cố định được từ phần rốn trở xuống.

*

* *

2. Hắn quay ra.

Nàng đã co thân lại, kiểu co của thai nhi, nằm ngoan như một chú mèo. Hình như đa số con người luôn giữ tư thế chín tháng mười ngày trong suốt cuộc đời mình. Không biết là để phòng thủ với đời hay dấu tích còn vương lại của chín tháng mười ngày trong bụng mẹ? Mền chăn trên ngực nàng rơi trễ nải xuống phía dưới. Hắn kéo mền chăn lên cho nàng, và kê lại gối, sau đó bước nhanh lại chiếc laptop để ở góc phòng.

Chiếc laptop có bộ RAM rất mạnh, để chạy các phần mềm đồ họa, phục vụ công việc của hắn. Thường ngày laptop chạy cực nhanh. Sao giờ đây hắn cảm giác nó chạy chậm như sên bò. Trên kệ tường, đồng hồ chỉ 0g30 phút. Tích tắc. Tích tắc. Cỡ này mọi ngày hắn đã lặn sâu vào đêm theo giấc ngủ. Giống nàng đang ở giường bên kia. Hắn có thói quen ngủ trước 0g. Phải trước. Có thể dậy sớm bất cứ lúc nào. Nhưng ngủ là nhất định phải trước 0g. Vậy mà giờ hắn đang thức. Tỉnh thao láo. Chỉ vì mấy cái lông nách.

Màn hình hiện lên. Hắn mở liền năm giao diện trên Mozilla Firefox. Gõ nhanh những cụm từ liên quan trên thanh tìm kiếm google. Sau vài giây. Chẳng thu được gì ngoài mấy sản phẩm quảng cáo thuốc lăn nách, trị lông nách, và vài thứ lông khác mọc không theo quy hoạch. Loay hoay thêm mười lăm phút nữa. Kết quả chỉ là số không. Lâu giờ vẫn nghĩ google là kho chứa vĩ đại nhất của nhân loại ở thời điểm này. Thiếu gì, muốn gì, cần gì, cứ vào đó mà kiếm. Vài phần trăm giây là ra đủ. Vậy mà nhỏ nhẹ như chuyện lông nách của hắn lại không có. Liệu đây có phải dấu hiệu của một bệnh lí mà loài người chưa phát hiện ra? Y học thế giới chưa từng thấy?

Hắn log off máy, bước nhẹ ra lan can.

Lan can lộng gió. Trời đầu tháng tối đen như mực. Có vài vì sao lạc nhưng chẳng đủ sáng, lóe lên từ phía xa xăm. Chỉ gió là hào phóng, ràn rạt thổi, đập qua hàng me cổ thụ phía ngoài, xào xạc. Hắn vẫn không thôi cảm giác nhồn nhột bên nách phải. Hắn giơ cao hai tay và bắt chéo tay qua nách, gải sồn sột. Chẳng khá hơn. Câu hỏi tại sao tại sao lởn vởn như mụ phù thủy khó tính đi đi lại lại nhiều lần hỏi “Tấm gương ngự ở trên tường, trong thế gian ai là người đẹp nhất?” Mụ phù thủy phải cần tấm gương để hỏi về nhan sắc. Hắn dương tay phải sát tấm gương chỉ để tìm một cái lông nách. Mụ phù thủy luôn có câu trả lời thường trực. Riêng hắn thì không. Không mảy may manh mối. Dẫu đã lục tung cả thế giới, thế giới mạng.

*

* *

3. “Chiều biên giới anh thèm thuốc lào, sờ vào túi không còn điếu nào. Vặt lông nách anh làm thuốc lào”. Câu hát cải biên ấy theo hắn mãi tới giờ. Rồi những trưa hè, bố hắn đánh trần vặt từng chùm lông nách ném ra hiên nhà. Gió lào qua, hất tung lên, bay rối nắng. Hắn nhìn mà buồn cười.

Khi lớn lên, sau đợt trường kì với những giấc mơ ướt nước, hắn thấy nách nhu nhú những mảng lông, nhô lên một cách cương quyết như muốn đua nhau khẳng định mình. Hắn từng tò mò và thích thú. Một thời gian thì bất tiện. Hắn quyết định làm cuộc cách mạng đầu tiên của tuổi hoa niên. Học theo bố, hắn thử vặt vài sợi. Đau nhức… nách. Rồi quen. Mỗi lần có sợi nào nhô lên là hắn vặt.

Dạo ấy hắn hay để ý tới nách mấy anh trong ngõ. Đa phần mọi người để mọc tự nhiên. Riêng anh Cải sửa xe đạp ở đầu ngõ là ấn tượng nhất. Anh thường mặc áo ba lỗ nên phơi ra cả chùm lông nách dày rậm rịt như rừng rậm nhiệt đới. Có lần hắn tò mò hỏi sao anh không nhổ đi, để vậy mồ hôi ra mất vệ sinh. Hắn từng nghĩ con ruồi nào vô phúc bay vào chắc dính còn hơn lưới nhện, ngạt trong đó đến chết.

Anh Cải cười hè hè:

- Thời trang đấy nhóc! Giờ tóc thiên hạ hết ép lại duỗi, hết xù lại dập, hết nhuộm lại hấp. Anh mày phải nuôi lông nách dài tí nữa để nhuộm để ép cho thiện hạ kinh. Không chơi thì thôi, đã chơi là phải độc.

Nói rồi anh lại cười. Hắn cũng khoái chí lạ, cười theo như nắc nẻ.

Câu chuyện ấy lan ra. Trong ngõ trẻ nít người lớn có câu vè. Thơ anh Cách nách anh Cải/Cả hai tuyệt đỉnh chẳng ai dám bì. Chuyện nách anh Cải thì là vậy, còn thơ anh Cải cũng tuyệt đỉnh Kung fu. Chả là anh có biệt tài làm thơ tuyên truyền cổ động. Có sự kiện gì, năm phút sau anh đã có thơ cho trẻ con cả ngõ đi rao. Như kêu gọi kế hoạch hóa gia đình: “A lô tất cả ngõ mình/Cứ đẻ hai nhóc là đình sản ngay”, hay thơ kêu gọi thanh niên nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự: “Ngõ mình tuân thủ chủ trương/Thanh niên đến tuổi lên đường nhập ngu (ngũ)/Cu lớn thì mặc con cu/Hoàn thành nghĩa vụ mới cù vợ sau”, vân vân và vân vân.

*

* *

4. Đang lẩn thẩn với chùm lông nách của anh cu Cải trộn vào thơ anh cu Cách, hắn bị tiếng mơ ú ớ của nàng giật lại. Hắn quay vào phòng. Nằm ôm nàng vào lòng. Cố dỗ đầu ngủ mà miên man trôi đi trật trẹo.

Sáng ra, hắn tỉnh giấc thì nàng đã đi làm từ lâu.

“Anh dậy nhớ ăn mì xào bò rồi hãy đi làm. Em đậy ở bàn rồi”. Nàng ghi giấy trên bàn. Nàng luôn chu đáo như vậy. Nhưng không kịp nữa. Hắn vội vàng vệ sinh cá nhân và thay đồ. Tưởng dậy trễ, thời gian gấp gáp không cho hắn nghĩ thêm gì, không may lúc hắn thay chiếc áo sơmi ngắn tay, nách phải lại đập vào mắt hắn. Câu chuyện tối qua trở lại. Hắn không còn nhớ đĩa mì xào nàng giành cho hắn với cả gia vị của sự thương yêu trong đó.

Hắn dắt xe ra khỏi nhà.

Qua ba ngã tư, bảy ngã ba, vượt chín lô cốt, hắn tới được cao ốc văn phòng của công ty. Lọt vào thang máy. Hắn thở dài. Vậy là không trễ. Không hiểu sao sáng nay đường lại không kẹt xe. Một sự lạ. Nhưng thang máy vừa nhảy qua tầng lầu thứ ba hắn thấy hắn lấp loáng bốn phía trong thang máy. Tự dưng hắn rụt tay lại, khoanh trước ngực ở tư thế cố thủ, cảm giác cái nách cứ dợn dợn trong người.

Lao vào phòng làm việc, hắn gặp ngay nụ cười cởi mở của sếp, thêm một sự thể lạ nữa. Cô bạn đồng nghiệp ngồi phía đối diện cũng cười, xinh như mộng.

Hắn bật máy tính. Hôm nay hắn phải hoàn tất bản thiết kế để sếp duyệt. Nhưng bản thiết kế dở dang trên máy cứ ẩn hiện nụ cười của sếp, của cô bạn đồng nghiệp. Hắn thấy đầu ong ong. Đấy không phải nụ cười chào ngày mới. Nụ cười có ẩn ý? Hay cười gì ở hắn. Hắn tới công ty với bộ dạng bình thường. Bộ đồ nàng ủi phẳng đét rồi mới đi làm, hắn nhìn xuống, khóa quần đã kéo. Cười gì chứ? Hay mọi người phát hiện ra hắn có gì đó bí hiểm? Cái nách. Ôi, cái nách. Phải cái nách không? Không lẽ mọi người nhận ra hắn đang gặp sự cố với cái nách?

Hắn không thể tập trung được.

Hắn vội chạy vào toilet.

Với chiếc áo sơ mi cộc tay hắn chỉ việc dơ ngang tay lên là thấy. Chẳng có gì biểu hiện dấu hiệu của những tập đoàn lông thuở nào. Nghiêng trái nghiêng phải. Tịnh không có gì.

Quay ra bàn làm việc. Sếp lại cười. Em đồng nghiệp lại cười. Bí ẩn hơn cả nụ cười của nàng Mona lisa. Sao hôm nay mọi người dễ ban phát nụ cười vậy? Hắn thấy hoang mang thật sự. Liệu có phải hội chứng của căn bệnh gì không? Ung thư cũng nên. Một loại ung thư mới mà người ta chưa phát hiện ra. Thời buổi giờ quay đâu cũng thấy ung thư. Đến cái móng tay khéo cũng ung thư nốt. Vậy ung thư nách chẳng có gì là không thể. Nhưng tại sao bị ung thư cơ chứ?

*

* *

5. Hắn bắt đầu cố tĩnh tâm để đi tìm nguyên nhân.

Ăn uống ư? Từ bé tới giờ hắn luôn ăn uống hợp vệ sinh, đâu bậy bạ gì. Dẫu là ăn tạp. Nhưng vẫn là đứa tạp có chọn lọc. Từ ngày có nàng về ở chung, chuyện ăn uống càng khoa học hơn. Nguồn nước cũng đảm bảo. Nghĩ rồi hắn lại tự trả lời, chẳng biết đâu là sạch là bẩn. Cứ như giờ thì một khi đồng tiền làm ô nhiễm não trạng con người, ai dám chắc các sản phẩm do con người làm ra không bị ô nhiễm. Nhưng tháng vừa qua ăn uống cũng như trước. Sao bây giờ nó mới biểu hiện. Không lẽ độc tố tích tụ từ lâu, tới giờ mới đủ độ để gây triệu chứng?

Hắn nghĩ ngay tới việc phải đi khám bác sĩ. Chỉ có bác sĩ mới giải quyết được, hay ít ra có thể cho hắn một phỏng đoán, dẫu có là chín phần trật một phần đúng. Nhưng hắn không biết bác sĩ nào, ở đâu? Xưa giờ hắn không cần tới một viên thuốc B1 huống hồ là bác sĩ.

Gọi điện cho nàng. Nàng nói vậy tranh thủ giờ nghỉ trưa đi khám xem sao. Nhấp nhổm trên ghế không yên. Hắn gọi điện liên hệ. Bác sĩ nói buổi trưa phòng khám đóng cửa, người chứ phải robot đâu mà quay cả trưa. Đến robot cũng có thời gian nghỉ để tra dầu mỡ, bảo dưỡng máy. Thời nay bệnh nhân cần bác sĩ chứ không phải lúc nào bác sĩ cũng cần bệnh nhân. Nhất là khi họ đã đủ đầy. Đã vinh thân và phì gia. Hắn xin một cái hẹn buổi chiều. Bác sĩ cáo bận. Đi ăn đám cưới. Thêm cái hẹn nữa. Lại kẹt. Hội thảo. Họp bạn cũ. Đám ma… Khi đã định vị được chỗ đứng người ta thường mất thời gian nhiều hơn cho những mối quan hệ xung quanh cái ghế mà họ ngồi chứ không phải chuyên môn công việc của họ thì phải.

Bác sĩ nói cứ tới phòng khám sẽ có người khám. Lông nách chứ lông khác mấy y tá nữ cũng đủ khả năng khám. Hắn muốn gặp chính bác sĩ, bởi triệu chứng này chưa thấy xuất hiện ở đâu. May ra bác sĩ mới đưa ra được nhận định gì đó. Các y tá khác cùng lắm chỉ biết… ngửi nách thôi. Nói mãi bác sĩ cho một cái hẹn đến tận cuối tuần. Ôi, cuối tuần! Nghĩa là năm ngày nữa. Hắn sẽ sống thế nào trong năm ngày nữa đây?!

Buổi chiều ấy hắn nộp lại bản thiết kế cho sếp mà đầu lo không biết có sai sót gì không? Hắn tặc lưỡi, thôi kệ. Hắn đâu còn tâm trí nào để sửa lại. Sếp nhận bản thiết kế, nói lời cảm ơn, khuyến mãi thêm nụ cười. Đấy đích thị là nụ cười cảm ơn, thân thiện. Vậy mà hắn nghĩ là nụ cười đểu khi sáng. Mẹ kiếp! Cười cái lông nách ông. Nghĩ rồi hắn bước nhanh, không kịp cho nụ cười của sếp kịp rớt xuống đất.

Chạy xe về nhà. Chiều đã tàn nên hắn không khoác thêm áo bụi. Chiếc áo sơmi ngắn tay tha hồ để gió lùa vào hai nách. Hắn thấy khó chịu. Dừng xe lại bên đường để khoác thêm áo bụi. Bất giác đập vào mắt hắn là cô nàng diễn viên kiêm ca sĩ cộng thêm người mẫu thời trang trên tấm quảng cáo to tổ chảng, ngự trên nhà cao tầng ở ngã tư phía trước. Tấm biển quảng cáo định vị ở đấy đã khá lâu mà hôm nay mới tác động vào não trạng hắn. Chỉ vì cô nàng quảng cáo cho một sản phẩm lăn nách nổi tiếng. Một cánh tay dương cao, tay kia đưa con lăn nách qua. Lại nách. Hắn lẩm bẩm. Như vẻ thiên hạ thích trêu ngươi hắn. Không biết bao nhiêu đại gia chân ngắn rúc đầu vào nách của nàng kia rồi?

*

* *

6. Về tới nhà, hắn gặp ngay lời trách yêu của nàng. “Sao sáng làm gì mà anh không ăn đĩa mì em đã cất công xào?”. Hắn cười trừ cầu hòa, nhảy nhanh vào nhà tắm.

Trút hết quần áo ra. Một lần nữa hắn dán nách phải vào sát chiếc gương. Vẫn chẳng có dấu hiệu khả quan. Không có câu trả lời. Nhanh nhất cũng phải tới cuối tuần hắn mới có một lời nhận định gì đó về vấn đề này, dù nhận định đó chưa chắc đúng.

Bước ra khỏi nhà tắm, nàng kêu hắn nhanh để ăn tối.

Buổi cơm tối bao giờ nàng cũng chăm chút cẩn thận. Đi làm cả ngày, trưa ăn cơm văn phòng chán ngắt, nên bữa tối luôn là cách tốt nhất để hâm nóng lại mọi thứ trong ngày. Nàng và hắn đều ý thức được việc ấy. Thông thường bữa tối luôn đầy tiếng cười. Sao hôm nay hắn thấy lợn cợn trong đầu. Các món ăn vẫn ngon như tài nội trợ của nàng vốn thế: canh chua cá lóc, sườn kho chua ngọt, thêm đĩa rau sống với bát nước chấm rất đằm lưỡi và mấy trái ớt hiểm dành riêng cho hắn. Nhưng hắn ăn cứ thấy nhàn nhạt. Nhai lạo xạo. Mất hết vị giác.

Trong bữa ăn nàng đề cập tới chuyện cưới hỏi. Hắn ấm ớ, ật ờ cho xong. Nàng kêu, sao anh hôm nay lạ quá?!

Kể ra hắn và nàng quen rồi yêu nhau cũng đã gần ba năm. Thời gian đủ để đi guốc vào bụng nhau. Giữa thành phố ồn ào nhưng rất dễ cô đơn này, hắn và nàng đã quyết định gom về một mối từ một năm nay. Gia đình hai nhà ở quê đã đi lại như hai ông bà thông gia. Chuyện cưới xin chỉ còn là thời gian. Lí do để mọi thứ ổn định rồi mới cưới đến lúc này xem ra đã cũ. Hôm nay nàng nhắc đến cũng chính đáng thôi. Thiên hạ bắt đầu vào mùa cưới. Nếu không nhầm tối qua hắn đứng ngoài lan can đã thấy lành lạnh hơn. Mùa sắp về. Đồng nghĩa với nó là những tổ ấm bắt đầu vào quỹ đạo dựng xây. Vậy mà hắn trả lời nàng về vấn đề quan trọng bậc nhất cuộc đời hai người một cách hời hợt, như người bệnh đái tháo đường cắn nhầm phải viên kẹo ngọt. Mà hời hợt chỉ vì mấy cái lông nách. Bảo thế có bực không chứ? Tất nhiên nàng không biết để bực.

Khi nàng rửa chén bát và dọn lại bếp ăn, trên truyền hình đưa tin về vụ cháy lớn ở một khu rừng rậm nhiệt đới bên Nam Mỹ. Hắn là tên rất dở địa lí, hình như rừng Amazon thì phải. Bản tin nói vẫn chưa xác định được nguyên nhân cháy rừng. Có thể là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ quá cao, mùa khô nên rừng tự cháy. Đây là sự trả lời của tự nhiên đối với những tác động của con người. Đoạn cuối bản tin nói, phải rất lâu nữa khu rừng này mới có thể khôi phục lại. Từ một khu rừng rậm nhiệt đới, vành đai bảo tồn thiên nhiên, giờ chỉ có thể trở thành savan cỏ bụi trong nay mai quả là không tưởng tượng được. Bất giác hắn nhớ tới nách. Liệu nách hắn có chung số phận ấy? Những chiếc lông nách có thể mọc lại được không?

*

* *

7. Đêm ấy. Không hiểu sao khi gần gũi nàng, hắn mạnh mẽ khác thường. Hắn thấy người nóng rực. Như bị quăng vào chính khu rừng rậm Amazon bị cháy lúc chiều tối.

Và vẫn như mọi khi, hắn luồn cánh tay trái qua cổ nàng. Tay phải kéo nàng sát vào lòng, xoa xoa dọc sống lưng nàng. Giấc ngủ kéo tới chập chờn. Hắn thấy nách mình cứ nóng lên. Lửa đang bốc lên cao. Cao lắm. Cứ như đám cháy rừng. Hắn thấy mình kẹp hai nách thật chặt. Tưởng sẽ hết cháy. Nào ngờ càng kẹp lại càng nóng. Hắn chạy vào nhà tắm. Chiếc vòi hoa sen phun nước ào ào, liên tục. Nhưng chẳng khá hơn. Cứ như vòi hoa sen phun xăng chứ chẳng phải nước. Hắn không chịu được nữa. Hắn la lên.

- Gì vậy anh?

- Cháy, cháy!

- Cháy gì đâu?

- Cháy, à, mơ, anh mơ thấy cháy.

- Thôi, không sao. Ngủ đi. Mai đi làm sớm nữa. Ơ, mà anh dịch ra tí đi, lông nách đâm vào em khó chịu quá.

Hắn giật mình kéo tay phải về nách phải. Ừ, có vài cái lông nhú lên. Sao hắn không biết nhỉ? Hay hắn đã hoảng quá mà không biết gì nữa. Tự dưng hắn thấy nách phải mình nhồn nhột. Như thuở dậy thì cách đây mười ba mười bốn năm.

Hắn keo nàng sát về phía mình, thủ thỉ “Cuối tuần mình về quê bàn chuyện cưới xin với bố mẹ nhé”. Hắn thấy nàng mỉm cười rồi rúc đầu ép sát ngực hắn, thiếp đi. Hắn ôm chặt nàng hơn. Và mơ màng ngủ. Giấc ngủ râm ran hai bên nách. Như mọi thứ đang nở ra, nảy mầm lên từ đấy.

Văn Thành Lê



Giấc Mơ Bị Đánh Cắp

1. Sáng nay trời đẹp. Không cao không thấp. Không leo lét xanh. Không lủng bủng xám. Một bầu trời trung tính.

Hắn vẫn thích những gì vừa vừa phải phải. Nghĩa là đừng có quá. Hình như cái gì hơi quá cũng mất vui, mất hay. Nhất là thời nay. Ví như đẹp quá nhìn tổ mờ mắt, nhọc đầu. Xấu quá thì quả đau mắt. Giỏi quá khéo quá thành người thừa của thiên hạ. Đến chết may ra mới được hậu sinh lục lại, xới lên và thừa nhận thiên tài. Lúc ấy cùng lắm được vài li rượu cuốc lủi pha cồn chấm thuốc sâu cùng nải chuối xanh. Ngược lại. Kém quá lại bị quy về họ hàng nhà khỉ chưa tiến hóa đúng theo quy luật tự nhiên… Vậy nên tốt nhất là vừa phải. Miễn sao đừng lẫn quá tới mức cá mè một lứa giữa đám đông là được.

Dĩ nhiên hắn không lẫn trong mớ người chuyển động hỗn độn sáng nay.

Cao một mét tám. Nặng bảy mươi bảy cân hơi (không ai xả thịt để cân móc hàm như mấy bà hàng thịt, cân lợn). Hắn có thể hình lí tưởng để phát triển thành vận động viên bóng rổ hay bóng chuyền ở đất nước mà chiều cao trung bình của đàn ông mới chỉ là một mét sáu tư. Nhưng hắn không khoác trên mình bộ đồ của vận động viên thể thao. Hắn là cán bộ trẻ của viện khoa học điện tử X. Viện mà không nói ra thì thôi, nói ra mọi người trẻ người già người sồn sồn nào đều nhỏ nước miếng vì thèm khát, ganh tị về tiền đồ, tiền lương và tiền thưởng.

Nói vậy để thấy hắn chưa phải người cực giỏi, thiên tài đến nơi, nhưng cũng không phải người ngơ ngơ về cả chỉ số IQ lẫn EQ. Thậm chí hắn còn có thêm tinh thần AQ khi gặp những thứ chẳng lấy làm vui. Hắn trung tính theo thang đo của chính hắn. Bởi vậy hắn luôn mở miệng hát bài hát Ôi cuộc sống mến thương mỗi sáng mai nhảy từ giường xuống, trước khi đi vệ sinh cá nhân.

*

* *

2. Hắn sắp tới cổng viện X. thì cuộc sống suýt nữa hết mến thương.

Hắn vừa dừng xe trước đèn đỏ ở một ngã tư. Thoáng thấy hai thằng nhóc chạy phía sau vẫn kéo căng tay ga. Kiểu trên đường đua công thức một như Michael Schumacher huyền thoại của đội đua Ferrari ngày nào. Hắn liền lách xe sang bên phải. Hai thằng oắt Shumacher lao vèo lên, đánh võng vượt qua kẻ hở của hai người đứng trước, sang tuốt phía bên kia đường. Hắn như vừa bị văng lại trần gian từ cửa thứ chín của địa ngục. Chưa kịp hoàn hồn, trong chừng vài sát na, một chiếc xe khách lao tới, phanh muốn cháy bánh. Anh tài có bộ mặt cá ngão thò mặt ra, ném xuống lỗ tai hắn:

- Đi đứng kiểu gì vậy? Định chạy ra nghĩa địa à?

- Xin lỗi… tôi… tôi tới viện X.

Hắn giật mình. Trả lời anh tài cá ngão. Mỗi từ xin lỗi là rõ ràng, còn vế sau nổ lọp bọp như bị nuốt vào trong cổ họng.

- Chửi gì anh ấy. Giỏi thì chửi hai thằng chết dẫm chạy tịt mù rồi kìa.

Tiếng mấy người nai nịt, khẩu trang phía sau tung lên đứng về phía hắn. Dẫu không nhìn lại phía sau mà hắn vẫn nghe, vẫn thấy.

*

* *

3. Hắn vào phòng làm việc. Mở miệng cười khuyến mãi chào buổi sáng bốn người cùng nhóm. Hai anh, một chị và một em. Thêm hắn nữa là năm. Năm anh em trên một chiếc xe tăng.

Nhóm hắn được xem là một trong ba nhóm trẻ mũi nhọn của viện. Mỗi lần tổng kết các dự án hay mừng một điều gì đấy, lớn lao như mừng trái đất vừa tránh được vụ va chạm với sao chổi, hay đơn giản như mừng mặt em gái trong nhóm đã hai tháng liền không thấy xuất hiện mụn bọc, nghĩa là có trăm thứ lí do để mừng (nếu muốn), cả nhóm thường hay đi Karaoke. Bài hát chốt hạ bao giờ cũng là Năm anh em trên một chiếc xe tăng, để biểu thị sự đoàn kết của một tiểu tập thể vững mạnh, kiểu năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay trên một bàn tay, đã xung trận cả năm thằng… quăng chạy.

Phải nói vòng vo vậy để thấy hắn đang làm việc trong một môi trường trẻ. Năng động. Tếu táo. Và lí tưởng. Nhưng hôm nay vào phòng hắn không nghĩ tới công việc đang dở dang được.

Hắn đã bật máy tính. Đáng lẽ hắn phải giải quyết xong mớ số liệu chưa kịp xử lí còn lưu lại từ hôm qua. Năm phút. Bảy phút. Bảng số liệu hiện lên. Hắn nhìn vào bảng số liệu. Sao hắn thấy bà chị vừa quay lại nặn mụn cho cô em út của phòng ? Rõ ràng chỗ ngồi của hắn và hai người lâu nay quay lưng lại nhau. Hắn đâu có quay lại mà vẫn thấy rõ. Hắn lắc mạnh đầu. Vẫn hình ảnh ấy. Bà chị xuýt xoa khen cái mụn thật vĩ đại, rồi nặn bụp một phát, nghe sướng quá. Bà chị đưa chiến lợi phẩm trên móng tay cái xuống trước mặt cho cô em gái xem. Cô em gái rên khe khẽ vì đau, xong dật mình trầm trồ như nhìn thấy vật thể lạ. Rất nhanh. Hắn xoay ghế. Quay đầu lại. Hai mắt hắn nhìn chòng chọc. Đúng cảnh ấy. Hắn chột dạ, sờ tay ra sau đầu. Cái đầu sọ dừa chẳng có gì khác thường.

Trên ghế xoay. Hắn lại quay nửa vòng từ sau về trước mặt máy tính. Số liệu nhảy chập chờn. Hai đồng tử hắn chụm lại một con số còn nghi vấn. Có ánh nhìn sáng hơn ra phía sau, như tập trung sự quan tâm xử lí của nhiều nơ ron thần kinh hơn, như chiếc camera cực nhạy dòng Handycam của hãng Sony. Hắn không tập trung được nữa. Cô em hôm nay mặc chiếc áo mới thì phải. Cổ áo hơi trể nải. Nhất là chiếc áo trong màu sáng lấp ló đầu bờ ngực. Hễ chạm ánh mắt vào cứ như muốn phất cờ mà lên. Thêm một cú rùng mình. Lắc mạnh. Phía sau hắn vẫn chẳng có gì khác. Cứ như hắn mang giấc mơ đêm qua về những cô gái khoe ba vòng rực lửa đặt đằng sau gáy.

Đến nước này thì hắn không chịu được nữa. Hai anh trai vào sau vẫn chúi mũi vào màn hình vi tính. Không biết có phải màn luyện mắt bằng game dạo đầu hay một màn luyện não cập nhật thông tin sập hầm lò than thổ phỉ ở Trung Quốc, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, hay bạo động Trung Đông, hay giao thông trong nước, dự tiệc của sao, cũng có thể là một tờ rao của mấy hãng bao cao su, viagra… Hai chị em gái có vẻ gần xong công đoạn mụn, đang chỉnh trang lại y phục cho ngay ngắn và khởi động máy làm việc.

*

* *

4. Hắn lao ra khỏi phòng, bước nhanh vào toilet.

Trong gương, hắn vẫn là hắn như mọi ngày. Mặt vuông thành, góc cạnh. Hắn vẫn đùa là mặt như quan tài. Tóc rẻ bên ba bên bảy. Lông mày rậm và đen, lợp trên cặp mắt to, cương nghị. Khẽ quay đằng sau về phía gương. Hắn thấy nguyên hắn từ phía sau. Dẫu phía trước mắt hắn không có gương chiếu lại. Không nhầm lẫn gì nữa. Đích thị có con mắt thứ ba ở sau đầu. Hắn thấy rõ ràng mé phải của đầu méo, kết quả của ngày xưa nằm ngửa quá nhiều mà không được bế. Là sao? Càng tập trung thì ánh nhìn càng mạnh. Không trách khi nãy hắn thấy cả núm cau của cô em phập phồng sau chiếc áo lá đỏ độn cao với độ dày vĩ đại.

Hắn trở ra phòng làm việc. Đầu vẫn không thôi suy nghĩ tại sao lại như vậy?

Sáng qua hắn vẫn bình thường. Ăn. Ngủ. Nghỉ. Và đi xem phim với nàng. Chẳng có va chạm gì. Hắn biết, thông thường, những người xuất hiện một khả năng đặc biệt có thể sau một vụ chấn động ghê gớm nào đó. Ví như sau lần sét đánh không chết, chó dại cắn, hay huyền bí tâm linh thì do nhà động mồ động mả gì đó… Thiên hạ có vô thiên lủng chuyện để nói, để thêu dệt. Cái gì cũng có thể ở thời buổi thật giả lẫn lộn này. Nhưng là một nghiên cứu viên trẻ, hắn luôn nhìn nhận vấn đề phải khoa học, phải logic.

Mấy tỉ nơ ron trong đầu hắn như muốn đánh đu theo thắc mắc: ánh mắt thứ ba đến từ đâu? Và rồi hắn vỗ trán cái bốp. Chắc rồi! Chắc rồi! Vụ chấn thương hôm qua. Chiều qua. Chính xác là vụ ấy. Sao hắn không nhớ nhỉ?

*

* *

5. Chiều qua. Lúc hết giờ làm việc, hắn có ghé nhà viện trưởng hỏi mượn tài liệu.

Viện trưởng thả rông hắn vào thư viện cá nhân rộng và u ám như các ngôi mộ cổ trên phim. Màng nhện giăng góc này sang góc kia. Luẩn quẩn trong mùi ẩm mốc. Hắn bật điện cái tách. Lũ gián và nhện, sau vài giây ngơ ngác, chạy tán loạn như những chiến binh vỡ trận. Sách nguyên bản tiếng Nga. Sách tiếng Đức. Sách tiếng Pháp. Sách tiếng Việt… Tất cả nằm chễm chệ theo lối ru mãi ngàn năm. Hắn bắc ghế lên định rút cuốn sách cần tìm, không may một tay níu vào chồng tài liệu kế bên. Những chồng tài liệu dày như những cục gạch rơi đôm đốp vào đầu hắn. Hắn bất tỉnh tại chỗ năm bảy phút. Tỉnh dậy, phủi bụi, mới biết mấy viên gạch rơi vào đầu là các tập tiểu luận dày cả gang tay.

Chả trách có giai thoại rằng: viện sĩ đi thỉnh giảng ở các trường đại học, khi làm tiểu luận sinh viên chỉ việc nhận một chủ đề, lên mạng tìm tài liệu, tải về đóng thành tập nộp. Không cần phân loại, phân tích hay phân gì. Nếu sinh viên nào lười, chỉ cần đưa ra một lô “từ khóa”, thuê thằng nhóc ranh nghiện game online mới tám tuổi vào mạng tìm kiếm cũng xong. Tập tiểu luận dày một gang trở lên cho 10 điểm. Dày trên một gang, cộng xinh đẹp, cho 10 điểm cộng. Để sinh viên thấy được giá của cái đẹp. Mỗi năm vài lượt viện sĩ đưa tài liệu về chất vào kho. Chắc để cuối đời con cái tổng kết những đóng góp của ông với công cuộc giáo dục và nền khoa học nước nhà. Ai nói bóng gió gì ông mặc kệ. Thì ông từng nói ở bàn nhậu đấy. Khối lượng công việc mỗi người làm trong đời là không đổi. Lồi ở thời điểm này sẽ lõm ở thời điểm khác. Giống như ổ khóa và chìa khóa. Cái gì lòi ra thì khắc có cái lõm vào để đút khớp nhau. Ngày xưa sinh viên ăn đói mặc rét vẫn bắt cái đầu làm việc. Làm trong lặng câm. Giờ phải cho cái đầu nghỉ, bắt cái mồm làm. Đầu ngừng làm thì miệng thay. Mồm mép đỡ tay chân là thế. Ai cũng một thời trẻ trai. Ai cũng một thời phí hoài tuổi trẻ. Phải như viện sĩ mới không phí.

Hắn giờ đang thời trẻ trai. Hắn đang máu lửa sục sôi trong từng tế bào. Hắn lao vào. Lao vào và đụng mấy tập tiểu luận. Hắn choáng váng.

Có lẽ cú đụng độ chiều qua là cú giật cuối cùng, là bước nhảy trong tiến hóa loài người. Đây là kết quả tiến hóa của loài người cũng nên? Thế giới sống luôn luôn tiến hóa và biến đổi không ngừng. Đột biến đã phát sinh và tích lũy dần qua mấy trăm năm mấy ngàn năm, giờ biểu hiện ra ngoài để thích nghi với điều kiện sống. Môi trường sống thay đổi. Kể cả môi trường văn hóa giao thông. Người chết giờ dễ như ngóe. Ra đường là gặp quan tài bay trên xa lộ sẵn sàng đâm và lôi con người về chầu Diêm Vương. Phải thêm mắt mà phản ứng mà sống sót. Cạm bẫy người giăng mắc khắp nơi, như mạng nhện khổng lồ ở rừng rậm nhiệt đới. Không chừng hắn là kết quả đột biến tiên phong của tự nhiên. Kiểu này rồi hắn sẽ lên bàn thí nghiệm cho mấy nhà khoa học kém tiến hóa hơn phân tích mất thôi.

Hắn là con bài đã được tạo hóa lựa chọn?!

*

* *

6. Buổi chiều hắn không làm được gì. Ngơ ngơ ngác ngác cho tới khi em út của nhóm với chiếc xu chiêng đỏ qua vỗ vai bảo về hắn mới tỉnh.

Chạy xe trên đường hắn ngúc ngoắc đầu liên tục. Những mụ phù thủy thời ô nhiễm không khí và ô nhiễm thời trang nhởn nhơ đậu sau gáy hắn. Dù có khẩu trang, gang tay, áo khoác trong khoác ngoài hai ba lớp, nhưng ánh mắt sau gáy của hắn vẫn thấu thị tất cả. Đâm chòng chọc vào núi đôi ở trên khe suối nhỏ ở dưới, với đủ xanh đỏ tím vàng nâng đỡ bao bọc mang nhãn hãng nổi tiếng như Triumph, Calvin Klein, H&M, Marks & Spencer, Impetus… lẫn lộn với những hàng không tên gia công trong nước và nhập lậu từ Trung Quốc, Hồng Kong, Thái Lan… Hắn lắc đầu quầy quậy. Quá bậy! Quá bậy!

Hắn lại lo sợ có lực lượng chìm lực lượng nổi theo sát để kiếm cơ hội bắt cóc về phòng thí nghiệm nghiên cứu. Mỗi lần có tiếng hụ còi của xe công an hay bệnh viện hắn đều toát mồ hôi hột. Tóc gáy hắn dựng lên, ướt rượt, đầm đìa mồ hôi.

Và rồi nỗi lo sợ biến thành sự thực. Khi chạy xe qua công viên hắn rẽ hẳn vào bệnh viện, sau cú tập trung toàn bộ thị lực để thả rông ánh mắt thứ ba theo cô em bên đường, đến nỗi hai ánh mắt trước có cũng như mù. Kết quả má xe hắn hôn vào mông xe tải.

*

* *

7. Nàng hốt hoảng chạy tới.

Sau một giờ hắn tỉnh lại.

Hắn mơ màng hỏi nàng:

- Các bác sĩ có phát hiện ra anh có ba mắt không? Lúc khám họ có nói xuất hiện gì bất thường không?

Nàng không hiểu, há hốc miệng kinh ngạc.

- Ba mắt gì? Anh bị làm sao vậy?

Hắn thủ thỉ kể lại chuyện cho nàng nghe.

Sau khi nghe xong, nàng giật mình.

- Thôi chết, để em đi báo bác sĩ xem lại kết quả chụp cắt lớp CT não của anh.

Nói rồi nàng bước nhanh ra cửa, vừa đi vừa lẩm bẩm trong đầu: “Thời buổi này người ta đang muốn che bớt mắt, bịt bớt tai may ra mới sống được. Lại hoang tưởng mình có thêm mắt. Mới hai mắt mà bao nhiêu chuyện đã đập vào đầu rồi, giờ còn mọc thêm mắt sau đầu, chết thật”.

Thấy người yêu kiên quyết băm bổ đi gọi bác sĩ nói chuyện, hắn hoảng sợ, lo bị phát hiện và thành vật thí nghiệm nghiên cứu. Hắn la toáng lên, tay chân vung loạn xạ.

- Anh, anh làm sao vậy.

Người yêu hắn chạy vào. Hắn dụi mắt. Hóa ra chỉ là mơ. Hắn mơ!

Nàng lôi chiếc áo hồng ướm lên người, hỏi đẹp không? Em vừa đi shop về. Chủ nhật gì mà anh ngủ nướng ghê thế, hư quá!

Hắn ngoác miệng cười, đẹp đẹp. Nói rồi hắn khẽ vặn người. Ngoài cửa sổ. Trời sáng chủ nhật đẹp. Không leo lét xanh. Không lủng bủng xám.

Lúc gáy hắn quay về phía nàng, hắn chẳng nhìn thấy gì. Không biết bệ đỡ núi đôi của nàng có màu gì? Của hãng gì? Nàng chưa bao giờ cho hắn tiến xa tới mức biết được điều đó. Hắn nuốt khan đánh ực, tiếc hùi hụi về giấc mơ có ánh mắt thứ ba bị nàng tới đánh cắp mất.

Văn Thành Lê

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Tám 202311:02 SA(Xem: 1322)
Một chiều nào đó, tôi đến thăm TchyA trong một ngõ hẻm đường Huỳnh Quang Tiên.
01 Tháng Tám 20233:46 CH(Xem: 995)
Anh Việt Thu thuộc tuýp người tài hoa nhưng yểu mệnh. Ông mất năm 36 tuổi.
22 Tháng Bảy 20234:18 CH(Xem: 1048)
Điều đặc biệt ở Trúc Phương mà không ai có, chính là ông biết cách tỏa sáng của một ngọn đèn bão, trong phong ba chưa bao giờ lụi tắt./.
15 Tháng Bảy 202311:48 SA(Xem: 1625)
họa sĩ Nguyễn Đình Thuần đã chọn con đường phi biểu hình, bởi ông thấy đó chính là phương tiện thích hợp nhất cho ông biểu đạt cảm xúc từ trái tim và khối óc.
08 Tháng Bảy 202311:02 SA(Xem: 1226)
Bút danh Ninh Giang Thu Cúc (NGTC) có lẽ bạn đọc miền Nam từ năm đầu thập kỷ sáu mươi thế kỷ XX cũng đã từng biết tới.
29 Tháng Sáu 202311:31 SA(Xem: 1142)
Khu vườn sau nhà ông cũng là một tác phẩm nghệ thuật dùng cây cỏ thiên nhiên làm chất liệu không kém phần thú vị.
20 Tháng Sáu 20238:19 SA(Xem: 1943)
Trong văn học đương đại Việt Nam, Vĩnh Quyền là một hiện tượng văn học đặc biệt.
30 Tháng Tư 202311:23 SA(Xem: 1326)
Trần Hoàng Phố có những thi phẩm chứng tỏ câu thơ bảy tiếng được tác giả sử dụng rất thuần thục:
20 Tháng Tư 202310:00 SA(Xem: 1492)
Đinh Tiến Luyện là một trong số vài nhà văn miền Nam trước 1975 chuyên viết về tuổi mới lớn
10 Tháng Tư 20234:32 CH(Xem: 1188)
Anh không chạy theo cái lãng mạn, đèm đẹp, bóng bẩy, trau chuốt mà đưa vào đó ngồn ngộn chất vỉa hè, xù xì.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12257)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18988)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9171)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8340)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7897)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8500)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30716)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22911)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21732)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19789)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19254)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24507)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,