Thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư, niềm hy vọng về một cuộc “cách mạng xanh”

29 Tháng Mười Một 201412:00 SA(Xem: 7925)
Thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư, niềm hy vọng về một cuộc “cách mạng xanh”

dutule.com (ngày 29 tháng 11-2014): Một trong những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Hồ Dzếnh, để lại cho đời, là bài “Đợi Thơ”, với hai câu đầu:

Phút linh cầu mãi không về
Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen”
(1)

Ở đây, tôi không có ý bước vào khả năng sử dụng chữ tuyệt vời của nhà thơ này, xuyên qua cụm từ “chưa nề” mà, tôi chỉ muốn nói: Khi tác giả ca khúc “Chiều” (2) chọn cho mình hai chữ “Đợi thơ”, ông chủ tâm nhấn mạnh, làm thơ là một công việc có tính cách linh thiêng, như những tín đồ của một tôn giáo.

Tuy nhiên, có đôi người đã ngộ nhận, cho rằng, cứ ngồi yên đó. Đợi đi, thơ sẽ đến. Thơ sẽ…gõ cửa. Người làm thơ sẽ chỉ phải làm một động tác duy nhất là…mở cửa cho thơ bước vào. Và, người được gọi là nhà thơ, sẽ cuống cuồng ghi xuống những gì thơ mang đến cho mình mà, không cần phải làm bất cứ một thao tác lao động (tinh thần) nào hết. Điều đó có nghĩa nhà thơ không cần phải động não! Không cần phải dầm mình trong những cân nhắc nên dùng chữ nào cho đúng (khía cạnh tu từ học). Nên chọn hình ảnh nào cho hay? (Đó là trường hợp của những nhà thơ không có một chút kinh nghiệm về kỹ thuật làm thơ. Họ cũng chẳng có ý niệm gì về niêm luật mà, chỉ làm thơ theo cách thức những người đi trước đã làm và, họ đã nhập tâm - - Hiểu theo nghĩa họ viết xuống như một phản xạ của vô thức. Và, khi đọc lại ông / bà đó, thấy xuôi tai, êm chảy, không dằn xóc gì là được rồi!)

Ngược lại, vẫn theo tôi, những người “tìm đến với thơ” một cách trân trọng, là những người ý thức được nỗ lực lao động cật lực của mình, để hy vọng (tôi nhấn mạnh hai chữ hy vọng) có được những câu thơ hay, hoặc những bài thơ hay.

Chính vì thế mà tiếng Việt thâm thúy đã cho chúng ta cụm từ “làm thơ”, chứ không phải… “đợi thơ!” hay…“chờ thơ!”

Khi người xưa dùng động từ “làm” để chỉ những thao tác đưa đến sự hình thành, hoàn tất một bài thơ thì, nó cũng tương tự như khi những nông dân cực nhọc với khu vườn hay, thửa ruộng của họ.

Rõ ràng hơn, nếu nhà nông muốn có một mùa gặt thành công thì, họ phải đầu tư rất nhiều công, sức, chăm bón, săn sóc cho khu vườn hoặc thửa ruộng đó. Ngược lại, họ sẽ chỉ gặt hái được một mùa gặt thất bát, hay trắng tay mà thôi!

Gần đây, tôi cho là tôi may mắn, nhận được thơ của nhiều người…làm thơ trẻ. Rất trẻ. Tôi nghĩ họ chỉ ở độ tuổi 8x hay 9x thôi. Nhưng ngay tự những bài thơ thứ nhất tôi được đọc, đã cho thấy, bên cạnh khả năng, hay khuynh hướng bẩm sinh về thi ca, họ còn là những “nông dân” lao tác cật lực trên những cánh-đồng-thi-ca của họ.

Cụ thể, mới nhất, với tôi, là cánh-đồng-thi-ca mang tên Nguyễn Hoàng Anh Thư, hiện dạy môn ngữ văn, ở Huế. Ngay tự bài thơ thứ nhất, tựa đề “Chẳng có gì ngoài mưa”, Nguyễn Hoàng gửi cho, tôi đã hân hoan bắt gặp hai câu thơ khá mới mẻ:

giữa ngày buột rời nhau
như chiếc dây đồng hồ vừa tháo
”. 

Tôi nói hai câu thơ đó khá mới mẻ vì tính liên tưởng bất ngờ của chúng. Từ sự kiện tình cảm là “giữa ngày buột rời nhau” Nguyễn Hoàng so sánh hay liên tưởng tới sự kiện gỡ khỏi tay, một vật dụng hàng ngày là “chiếc dây đồng hồ vừa tháo”.

Ở những bài kế tiếp, về phương diện kỹ thuật thơ, Nguyễn Hoàng bước thêm một vững vàng, quyết liệt nữa, khi sử dụng kỹ thuật nhân cách hóa một trạng thái tình cảm, trừu tượng là “nỗi nhớ” và, một thực thể thiên nhiên là “đám mây”, để làm thành phong cách riêng cho thơ của mình:

“Lặng rơi vào nỗi nhớ
Nó nhìn em mắc cỡ”

(Trích “Sẽ còn chút nồng nàn”)

Và:

Hôm qua mây vừa bị vấp
Trên cọc nhọn sông Hàn.”

(Trích “Hôm qua đám mây bị vấp”)

Nếu ở hai câu thơ trên, cho thấy nữ tính hồn nhiên, của tiếng thơ này thì, hai câu dưới, ngược hẳn! Nó lại là một tố cáo bản chất lãng quên, lạnh lùng của thời gian, qua hình ảnh những vật dụng bé mọn, sớm trở thành vô nghĩa thường thấy trên sông, hồ Việt Nam. Nó mang tính biểu tượng của sự phụ rẫy quá khứ! Như thể đó là một thứ định lý bất biến của dòng chảy, ngày càng cuồng, xiết, hôm nay.

Tuy nhiên, trong bài thơ “Hôm qua đám mây bị vấp” bạn đọc cũng sẽ tìm được chút ánh sáng của hy vọng (hoặc vẫn là bản chất nữ tính hồn nhiên của tiếng thơ này?) - - Với những câu thơ sau đây:

Mây trở về thăm mùa trăng vãn
nỗi nhớ cắm trên triền cỏ mọc hoang
châu chấu búng hồn nhiên xếp hàng cổ tích
có con sáo lanh lánh mắt khép lại cầu vồng”

Tôi không biết Nguyễn Hoàng Anh Thư khai thác kỹ thuật nhân cách hóa vừa kể, do tình cờ hay chủ tâm? (Tôi nghĩ, nhiều phần chủ tâm). Nhưng, trường hợp nào, với tôi, thì những câu đó, của Nguyễn Hoàng Anh Thư, vẫn là những câu thơ có được từ những lao tác tinh thần cật lực, liên lủy nhiều ngày, tháng…

Nhưng, cõi-giới thi ca mang tên Nguyễn Hoàng Anh Thư không chỉ mở tới mấy chân trời tâm cảnh vừa kể. Mà, tiếng thơ nữ này, còn ném tôi tới những chân trời bất ngờ, đục lờ, chua xót nhân sinh, khác. Như:

“những gương mặt dài thuỗn ướp đủ thứ gia vị nhằng nhịt
nuốt những bình an trên những ngã tư đường

(Trích “Cái chết của một bài thơ”)

Hoặc:

“người đàn bà đem cái cực nhọc vắt giữa trời mà gối!
nhìn con cò đi qua câu ca dao
chẳng trút được nỗi đau nơi máng xối”

(Trích “Giấc mơ của một người đàn bà”)

Với những câu thơ lột trần mọi lớp áo đắp điếm cho thân xác hiện thực xã hội kia, tôi không biết các họa sĩ tài ba của chúng ta, sẽ cần tới bao nhiêu bức tranh, bao nhiêu gam mầu để có thể hoán chuyển chữ, nghĩa thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư qua đường nét và, màu sắc?

Dù ở mức độ tài hoa nào, tôi cũng không tin, chỉ cần một bức tranh thôi, vị họa sĩ nào đó, có thể thâu tóm hơi thở buồn bã, hắt ra từ trái tim mẫn cảm và, tấm lòng xót xa của Nguyễn Hoàng với những cảnh đời ê chề… là nỗi tuyệt vọng của người vợ, người mẹ, dù đã sẵn sàng chấp nhận, cam đành thân phận “con cò lặn lội bờ ao…” - - Vậy mà người đàn bà VN (trong thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư) vẫn bị hất ra khỏi cái cam đành tận cùng nghiệt ngã ấy!!!

Và, nữa, những vần lục bát đầy phong cách Nguyễn Hoàng Anh Thư:

“cầm tay chút gió mà reo
ơ em một thuở ta teo tong chờ”

(Trích “Bỗng dưng phố muốn hồn nhiên”)

Hoặc:

Hỏi gương xin chút mặt người
Về mà đắp lại mảnh rời khuyết hao

(Trích “Chiều trời đánh vỡ chiếc gương”)

.

Tới đây, xin bạn đọc cho phép tôi được nói rằng:

- Càng lúc, tiếng thơ của / như Nguyễn Hoàng Anh Thư, cùng những bạn đồng hành thế hệ Nguyễn Hoàng, càng hiển lộ trong tôi, niềm tin:

“Rồi đây, cõi thơ của những người trẻ ý thức, hôm nay, sẽ sớm làm thành một cuộc ‘cách mạng xanh’ cho thơ Việt Nam, một ngày không xa lắm”. 

Du Tử Lê

(Garden Grove, Nov. 2014)  

____________

Chú thích:

(1) Theo Wikipedia Mở.
(2) Tựa đề nguyên thủy của ca khúc “Chiều” thơ Hồ Dzếnh, nhạc Dương Thiệu Tước là “Màu cây trong khói”. Bài thơ này in trong tập “Quê ngoại” của Hồ Dzếnh. XB năm 1943. (Nđd.)

 

nguyenhoanganhthu-content

 

MỘT MẢNG TRỜI THƠ NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ.


Chẳng có gì ngoài mưa

có sự im lặng bên bậc cửa
nỗi buồn đang bị tru di ở đó
giấc ngủ thiếu chừng vừa kịp thở
em nghĩ gì xa xôi
có điều gì đó lấp lánh
cuộc sống lặng như sương đêm
và em biết
mưa đang nhạo báng môi mềm
cười khanh khách trong câm lặng
và em bảo
đó là cách mà giọt mưa giông giống nước mắt mà không có nỗi đau
em chẳng biết giấu đôi mắt vào đâu
giữa ngày buột rời nhau
như chiếc dây đồng hồ vừa tháo
chẳng có gì ngoài mưa
và giấc ngủ thiếu còn điều gì câm lặng
em tuột rơi nỗi nhớ
nghĩ gì mà xa xôi

 

 

Sẽ còn chút nồng nàn

lặng rơi vào nỗi nhớ
nó nhìn em mắc cỡ
chẳng biết nói năng chi

đứng lặng giữa bờ mi
nhìn tàn mây quẫy sóng
mưa đâu mà bong bóng
vỡ lạc giọng cười khan

bực điều chi mang máng
ồ em chẳng nhớ ra
phía ngoài kia mây vỡn
trắng quá bên hiên nhà

sẽ còn chút nồng nàn
quàng vội vào chiếc khăn
điều gì vừa chớm lan
hình như là nhơ nhớ

hôm ấy sương lịm giọt
đường về xa giăng giăng
em biết đâu mà lần
chiếc khăn quàng chẳng ấm

 

 

 Có hề gì đâu em

như câu chuyện anh vừa kể
về mùa thu sau cánh cửa vừa hé
một bụi nắng sớm xoay như gió
lòng vòng cơn mê

ô em
vai ta có còn kề
để yêu nhau hơn ngày mưa
ta cùng dong dong tháng năm mòn tuổi cũ
khi kể về chuyện ngày xưa
có hề gì đâu em
ngoài kia phong reo hạc đói
có gì buồn mà rụng rơi
có gì buồn mà chơi vơi
ta về thôi mà kề mà áp tháng năm lên mái đầu đã bạc
để mà đi

có hề gì đâu em
hình như buổi sáng sương mờ đến lịm giọt
nhớ thương
vấn vương
tìm nhau ở ngã ba đường
không tay mà với
không mắt để mà mòn mỏi nhìn theo
có hề gì đâu em
con đường cheo leo
con dốc nào mà không cheo leo đến vậy
ừ, ta nhìn vào nhau để mà tin cậy
để mà đi

có hề gì đâu em
hôm nay hình như mây mờ hơn nữa
em nhìn chi bên bậu cửa
em buồn chi, có thể mình chẳng nhìn rõ về nhau
có hề gì đâu em
khi ấy mái đầu mình đã bạc phau
và kề bên nhau mà rụng

 

 

Hôm qua đám mây bị vấp

Nó nhìn đám mây đang khóc
hôm qua mây vừa bị vấp
trên cọc nhọn giữa sông Hàn

Nó nhìn dòng sông tan

Mây trở về thăm mùa trăng vãn
nỗi nhớ cắm trên triền cỏ mọc hoang
châu chấu búng hồn nhiên xếp hàng cổ tích
có con sáo lanh lánh mắt khép lại cầu vồng

Mây như làn khói trắng trong buổi đốt đồng
lanh canh gốc rạ
cười vàng nước mắt
ngày rời quê nỗi nhớ còn bám đất
nhớ nhau ngồi khỏa trăng chơi

Phía bên kia vẫn mây đang khóc
chờ trôi

 

 

Cái chết của một bài thơ

Tôi viết một bài thơ lên giữa ban ngày
khi nhìn thấy sĩ diện của những con người cần biện luận cho hạn sử dụng trên cái nhãn hiệu của mình
những gương mặt dài thuỗn được ướp đủ thứ gia vị nhằng nhịt
nuốt những bình an trên những ngã tư đường

Tôi viết bài thơ giữa ban ngày
nỗi sợ hãi làm giấc mơ bị trói
và bài thơ nói
chúng đã cướp đi vẻ đẹp của hoa hồng
tôi đặt bài thơ trong quả bóng tròn
( và đoán rằng chúng bị nổ tung khi chưa kịp bay lên)

Và bài thơ chẳng kịp chèn
những dự cảm về ngọn triều cho mùa trăng mới
nó bèn ngụy biện cho sự sợ hãi
khi thấy Nick Vujicic đã khoác lên mình cả thế giới trong cái hình hài giấc mơ bị trói
tôi khoác hình hài trong bài thơ khuyết tật
bài thơ ép xác nỗi đau của loài thành mật
và liếm môi

Tôi đặt bài thơ giữa ngày
những con chữ kiêu hãnh bắt đầu hoại tử trong ổ bụng
theo tiếng thở dài
và trôi 

Vắt xác trên những đám bụi cuối ngày

 

 

Giấc mơ của người đàn bà

 đựng trong chiếc thúng
lưng gạo lửng lọt vào tấm mồ hôi
giấc mơ người đàn bà mồ côi
không có chỗ cho những bông hoa tháng mười rực nắng
là cơn mưa vắt đầy trên mảnh áo tơi
người đàn bà đem cái cực nhọc vắt giữa trời mà gối
nhìn con cò đi qua câu ca dao
chẳng trút được nỗi đau nơi máng xối
giấc mơ lợp những lá tro mà bện rối
mà khắng khít thủy chung
người đàn bà đi qua muôn trùng
cuộn trong những bó củi tre đầy gai góc
nhóm bếp
lửa đượm giữa đồng không vào mùa trỉa hạt
tấm áo tơi cùn phất phơ gió rát
mong được ủ ấm con thơ

người đàn bà mơ
giấc mơ mây mẩy nở
trong hơi thở con khỏa đầy phận vắng
và hỏi nắng:
bao giờ thì chín vại tương cà?

 


bỗng dưng phố muốn hồn nhiên

trời hương sắc bỗng mây thiền buồn tênh
thì ra nỗi nhớ tênh hênh
hôm ai bỏ mặc từ mênh mông về

cỏ yên lặng ngó bốn bề
lả lay gió chẳng thơm kề tóc mai
em đi gió lặng dấu hài
lơ ngơ trễ nãi quên gài bụi trâm

ờ thì có kẻ vờ hâm
nhớ nhung nhung nhớ âm thầm ngó theo
cầm tay chút gió mà reo
ơ em một thuở ta teo tong chờ

hóa ra gió cũng lơ ngơ
hỏi ta còn nhớ bao giờ phố xưa

 


Chiều trời đánh vỡ chiếc gương

Lóng nga lóng ngóng thấy thương mặt mình
Lật trăm ngã bảy đường kinh
Tụng cầu niệm chút cho mình thảnh thơi

Mặt sao nhìn quá trời ơi
Nhăn nhăn trên trán rụng rời mà nghiêng
Mái nhì xuôi ngược con thuyền
Khum khum vòm mái ru nghiêng đựng trời
Hỏi gương xin chút mặt người
Về mà đắp lại mảnh rời khuyết hao.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tư 20244:08 CH(Xem: 146)
Từng xuất bản 6 cuốn sách về Đà Lạt, nhưng cuốn thứ bảy này là tác phẩm đầu tiên dành cho lứa tuổi thiếu niên.
31 Tháng Ba 20248:31 SA(Xem: 231)
Nhà thơ Nguyễn Văn Gia có đóng góp sáng tác cho Tuyển Tập Tình Thơ Mùa Thu
22 Tháng Ba 20245:31 CH(Xem: 219)
Tôi nghĩ Huy Tưởng sẽ làm thơ đến hơi thở sau cùng.
15 Tháng Ba 20243:03 CH(Xem: 334)
Cung Tích Biền mới tổ chức sinh nhật thứ 88. Mừng anh tuổi cao nhưng còn khỏe.
09 Tháng Ba 20249:20 SA(Xem: 275)
Chúng tôi nâng cốc rượu nhớ về người đã khuất nhưng cứ ngỡ người họa sĩ thân thương vẫn quanh đây
23 Tháng Hai 202411:31 SA(Xem: 433)
Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, một nhà văn như Ngô Thế Vinh vẫn có thể mang đến cảm giác hy vọng và cảm hứng.
16 Tháng Hai 20243:58 CH(Xem: 476)
Tôi ấn tượng mãi về sự im lặng khó hiểu ấy, cả hai ông ngồi bên nhau hàng giờ đồng hồ mà chỉ lặng im và nước mắt nhòe ướt trên đôi mắt của họ...
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 1243)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
27 Tháng Giêng 20244:29 CH(Xem: 615)
Nhân vật tôi của “Dòng sông không ra biển” là cô gái giàu trải nghiệm từ học vấn, đời sống đến chuyên môn nghề nghiệp.
21 Tháng Giêng 20248:53 SA(Xem: 1014)
Đứng hay ngồi trước tác phẩm của Giang, bạn chỉ cần thở vào một hơi và để tâm hồn lắng xuống,
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17056)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12265)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9177)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8349)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14006)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7901)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11067)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22913)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19258)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,