Như một lời xin lỗi Đỗ Hồng Ngọc,

10 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 5935)
Như một lời xin lỗi Đỗ Hồng Ngọc,

 

Nhiều độc giả (kể cả một số người có làm thơ), nói với tôi rằng, biết làm thơ và làm được thơ là một hạnh phúc! Tôi nghĩ khác.

Với tôi, trừ những người đến với thi ca như một thời thượng, làm dáng, hoặc, một cuộc du ngoạn ngắn hạn thì; làm thơ là một lao động (tinh thần,) vất vả. Một thao tác trí tuệ ngặt nghèo. Thường khi bất lực. Đuối sức.

 

dohongngoc-dtl-2008-content-content

Với tôi, đó là một cuộc chạy đua việt dã không đích đến. Không bạn đồng hành.

 

Tôi chưa thấy một cá nhân bình thường, không bị một khuyết tật tinh thần nào, ở lại được bền lâu, với thi ca. Tôi cũng chưa thấy một cá nhân thỏa mãn mọi lãnh vực trong đời thường, có thể tạo được một hơn phối tốt đẹp với thi ca. Tại sao?

Xin thưa, vì căn bản, thi ca là đỉnh ngọn chênh vênh, nhọn, sắc nhất của định mệnh bất toàn.

Vì căn bản, thi ca là cõi trú đầu tiên và, cuối cùng của những tâm hồn bất an. Những sinh phần liu điu, cần sự cân bằng sinh-thái-tinh-thần. 

Hiểu như thế, với tôi, nhà thơ trước nhất, là người thợ đào huyệt chữ nghĩa. Huyệt hình ảnh. Huyệt chân dung những mảnh đời đã mất. Hay, những phần đời (lẽ ra), phải là, như vậy.

Những hầm hố đào được; những mộ huyệt đủ sâu, cuối cùng, nhà thơ chỉ còn đủ sức thả mình, rớt xuống. Y hoàn tất cuộc đua việt-dã-trí-tuệ (một mình.) Y hoàn tất trận đánh sinh, tử (dài lâu), với địch thủ trên cơ: định mệnh. Y san bằng mọi bất toàn. Y cân bằng sinh-thái-thân-tâm. Nhưng, đau đớn thay, đó cũng là lúc, y hiểu, tận cùng vẫn là: Thất bại. (Hiểu theo một cách nào khác).

Trên hành trình chữ nghĩa, nơi đôi, ba giao lộ, tôi may mắn được gặp một số bằng hữu. Những thi sĩ. Trong số này, có bạn tôi, Đỗ Hồng Ngọc.

Tôi không chủ quan nghĩ rằng, Đỗ Hồng Ngọc, chia sẻ những quan điểm của tôi về thi ca và, đời sống. Chữ nghĩa và sự bất toàn. Khuyết tật và định mệnh.

Nhưng, là người dõi theo hành trình văn chương của Đỗ Hồng Ngọc, trên dưới năm mươi năm qua - - Từ những bài thơ đầu đời, tới những bài thơ mới nhất (những năm đầu thiên niên kỷ 2000), tôi nghĩ, Đỗ Hồng Ngọc, thi sĩ, không chỉ muốn hoàn tất cuộc đua việt-dã-trí-tuệ (một mình). Ông cũng không chỉ muốn hoàn tất trận đánh sinh, tử (dài lâu,) với địch thủ trên cơ, định mệnh. Mà, ông còn muốn trả ơn người, ơn đời bằng chính những lao tác tinh thần, song song với những lao động đời thường, của ông nữa.

Ở quá xa, tôi không thể tìm đến ông (như ngày nào), để ngả mũ chào ông: Một thi sĩ. Tôi viết xuống, những dòng chữ này, như một lời xin lỗi, thi sĩ.

Hôm nay, giữa thập niên 2010s của một thiên niên kỷ khác, tôi lại thấy tôi sẽ rất không phải với họ Đỗ, nếu không sớm nói với Đỗ Hồng Ngọc rằng, tôi cũng rất biết ơn ông với những trang văn xuôi đẹp như thơ, ông gửi cho người, cho đời. Thí dụ “Gió heo may đã về”. Thí dụ “Già ơi…Chào bạn”. Thí dụ “Nghĩ từ trái tim”. Thí dụ “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” cùng nhiều nữa… và, mới đây: “Ghi chép lang thang”. (*)

Tôi thích lắm tựa đề tác phẩm mới nhất của Đỗ Hồng Ngọc. Ông gọi đó là những ghi chép lang thang, đúng nghĩa…lang thang - - Khi ở trang 287, 288, trả lời câu hỏi của ông Lê Uyển Văn, ông viết:

“‘Ghi chép lang thang’ thực ra là những ghi chép không đầu không đuôi, kiểu ‘cà kê dê ngỗng’ trong lúc lang thang nơi này nơi khác, chợt nghĩ, chợt nghe, chợt nhớ…một điều gì đó có khi chỉ là mùi khoai nướng, có khi chỉ là mùi dĩa bánh căn, mùi cá khô đuối xúc hột vịt…, thậm chí mùi phân trâu bò trên đường làng cũ, nhưng cũng có khi là một câu nói đanh thép của nhà vua trong bảo tàng viện với hàng trăm chiếc…thuyền thúng giăng ngang bãi biển một ngày lộng gió…

“Ghi chép lang thang không là chuyện ‘văn chương chi sự’ mà chỉ là những ghi chép riêng tư cho đừng quên với người tuổi tác. Thế rồi thế giới bỗng nhiên phẳng, người người trong nháy mắt có thể tâm tình trao đổi cùng nhau, bèn cùng mò mẫm mà ‘tung’ lên cho bạn bè gần xa khắng khít nhau hơn. Ghi chép lang thang như vậy cũng chỉ là những cảm xúc bất chợt, không tính toán, không…hư cấu. Mà thực ra ‘ghi chép’ cũng chẳng phải là ‘ghi chép’, mà có khi viết lách lăng nhăng dòm không giống bài thơ mà không biết có phải thơ không, hoặc có khi ngoằn ngoèo như một phác thảo… mà không biết phải họa không.” 

Trước đó, từ trang 267 tới trang 272, trả lời câu hỏi của Nguyệt Mai, một thân hữu của ông, về tình bạn, những ngày tóc còn mướt xanh, ông kể:

“Tình cờ lục lọi đống sách báo cũ thì gặp được tờ Tin Sách, nguyệt san do Trung tâm Văn bút Việt Nam xuất bản, bộ mới, số 38, tháng 8-1965 có bài Điểm sách của Đỗ Nghê về tập “Thơ Du Tử Lê”, tập thơ đầu tay của anh, do chính tác giả tự xuất bản. Ái dà, vui quá, đọc lại coi hồi đó - gần nửa thế kỷ trước- ‘bọn trẻ’ mình viết lách ra sao! Cũng không đến đỗi nào!

“Hãy đọc thử vài đoạn trong bài Điểm sách này:

Thơ DU TỬ LÊ- Tác giả xuất bản- Saigon 1965

Khổ 15x21 - 70 trang - 48đ

Tôi chưa được biết Du tử Lê, nhưng đọc thơ anh tôi thấy như quen đã từ lâu, rất gần gũi (…). Du tử Lê đến bằng bước chân ca dao, ngọt ngào, tình tứ, bằng một tâm hồn yếu đuối, đam mê và rất nhiều dằn vặt, xót xa về quê hương, về số kiếp…

tôi còn tiếng nói
tôi còn linh hồn
tôi còn dĩ vãng
tôi còn quê hương
tôi còn lịch sử
tôi còn là tôi

(tuyên ngôn)

(…) Thơ Du tử Lê giản dị mà không thiếu truyền cảm vì đã nói lên ý nghĩ thực: không cầu kỳ, không ngạo nghễ, kiêu sa như phần đông những nhà làm thơ thời thượng.

Bắt đầu một ngày
Con người múa may

..

Kết thúc một ngày
Con người thua cay…

(Một ngày của con người)

(…) Bên cạnh một Du tử Lê đầy hoang mang, khắc khoải, thao thức đó, còn có một Du tử Lê mềm yếu, đam mê, lãng mạn. Ở đây Du tử Lê cũng trung thành với kỹ thuật của anh. Không có những cầu kỳ, bí hiểm, sáo ngữ mà là những lời ca dao (...)

Và đây nữa là cái lãng mạn của Lê, cái lãng mạn thực dễ thương:

* tình tôi đam mê hồn tôi yếu đuối
ánh mắt nụ cười em đã giết tôi...

* mai em có con tay bế tay bồng
mai em yêu con, mai em thương chồng
tôi chỉ xin em một lần kể lại
chuyện em sang sông: có tôi đau lòng

(Thư cho em)

Và cái nhìn đầy triết lý bi quan:

cầm bằng bãi gió mây qua
đôi chân nhỏ dại lỡ sa vào đời
cầm bằng nước mắt trôi xuôi
tiếng đâu thê thảm ru dài không gian

(Cầm bằng)

(Đỗ Nghê- Tin sách Bộ mới, số 38, tháng 8-1965 trang 9-11)

“Không biết Du Tử Lê bây giờ khi đọc lại những dòng này thấy sao, có ngượng, có mắc cỡ gì không, chớ tôi thì tôi cảm động! Lúc đó bọn tôi đều mới ngoài hai mươi!

“Những năm gần đây, khi có dịp gặp lại nhau ở Saigon, Du Tử Lê thường nhắc: Thời đó, một nhà thơ trẻ, có tập thơ đầu tay bao giờ cũng bị… đập, vậy mà Đỗ Nghê đã viết những lời trang trọng. Còn tôi, tôi cũng nói với bạn rằng tôi nghĩ thơ là tấc lòng, “thốn tâm thiên cổ”, cái còn lại là cái tình. Chẳng hạn, với tôi, khi nhắc Du Tử Lê tôi chỉ còn nhớ Thụy ơivà tình ơi! ‘ Như loài chim bói cá. Trên cọc nhọn trăm năm. Tôi tìm đời đánh mất… Thụy ơi, và tình ơi…’ (Khúc thụy du, DTL) hay gần đây ‘khi tôi chết hãyđem tôi ra biển / đời lưu vong không cả một ngôi mồ / vùi đất lạ thịt xương e khó rã / hồn không đi, sao trở lại quê nhà’ (DTL). Nhiều câu chữ tôi không nhớ đâu, mà cũng chẳng cần nhớ đúng, nhưng cái tình trong thụy ơi và tình ơi hay hãy đem tôi ra biển thì tôi không thể nào quên. Tôi nhớ có lần đi xe lửa từ Baltimore về Washington DC sau khi thăm John Hopkins trở về thì cô Susan Barnes người cùng đi đã hỏi tôi về thơ ‘đương đại’ ở Việt Nam! Tôi nhắc đến nhiều người và đọng lại ở Đỗ Trung Quân. Tôi biết là dù tôi có… dịch được thơ Đỗ qua tiếng Anh đi nữa thì cô cũng chẳng hiểu gì nên chỉ kể cô nghe bài thơ của Đỗ về ông giáo già bán thuốc lá bên vệ đường để kiếm sống, không dám nhận mình là thầy khi cậu học trò bảnh bao đến mua thuốc lá đã ‘tôn sư trọng đạo’ chào ông! Cô Susan Barnes đã rơm rớm nước mắt! Tôi nhớ thơ Phan Khôi cũng chỉ vì ‘tình cờ đất khách gặp nhau hai mái đầu đều bạc… liếc mắt đưa nhau rồi con mắt còn có đuôi’. Mắt có đuôi. Vậy là đủ. Cũng như tôi nhớ ‘… yểu điệu thục nữ/ quân tử hảo cầu’ trong Kinh Thi ngàn năm trước, mà không cần biết hồi đó chữ viết cổ nó ngoằn ngoèo ra sao! Bây giờ thì thơ Du Tử Lê đã có những sắc thái riêng, riêng đến nỗi thành một trường phái - không ít người đang làm giống anh! Tôi không nói những dấu chấm dấu phẩy dấu dọc dấu ngang của thơ anh bây giờ là không cần thiết, vì nhờ đó khiến bài thơ mang nhiều vóc dáng khác, nhiều ý nghĩa khác, và người đọc có thể ‘tham gia’, thành một thứ thơ ‘tương tác’, hiện đại và độc đáo.

"Nói về thơ ‘tương tác’, bỗng nhớ có một bài viết lâu rồi trên Tạp chí Thơ: rằng với hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương: ‘Em ơi lửa tắt bình khô rượu / Đời vắng em rồi say với ai?’ có thể đọc theo lối ngắt dòng, ngắt chữ thành: Em ơi / Bình rượu khô / Lửa tắt. Vắng em / Say với ai / Rồi đời!

"Khi viết bài điểm sách Thơ Du Tử Lê trên Tin Sách, chúng tôi chưa quen biết nhau. Một hôm, năm 73 thì phải, dutule ôm thằng con nhỏ chạy vào bệnh viện Nhi đồng tìm tôi ở phòng Cấp cứu. Thằng nhỏ bị bệnh Bạch hầu (Dipthérie) nặng, màng giả (fausse membrane) đã lan rộng, chặn nghẹt cổ họng làm hết thở! Bé lập tức được đặt ống nội khí quản giúp thở, làm hô hấp nhân tạo và chích huyết thanh, vaccin, cùng kháng sinh các thứ. Từ đó thân nhau. Vậy là ‘nghề’ và ‘nghiệp’có chút gắn bó phải không Nguyệt Mai?

"Rồi một tối nọ, anh gọi tôi khẩn cấp: Đỗ Nghê đến ‘cứu’ mình với! Thì ra có một nữ độc giả ái mộ thơ Du Tử Lê đang ngồi đợi anh ở quán café H, Đakao. Anh kẹt vì một lý do gì đó không biết, nhờ tôi tới ‘cứu bồ’. Tôi xách xe đến gặp cô nàng trò truyện… suốt buổi về thơ Du Tử Lê! Mấy chục năm sau, gặp lại Du Tử Lê và phu nhân của anh về thăm quê hương hóa ra là nàng… Chính là cô gái mê thơ dutule đã gặp năm xưa ở quán café!

"Có người nói anh có số đào hoa! Có người nói anh có cái giọng khiến con kiến… trong hang cũng phải bò ra! Tôi không biết. Với tôi, anh vẫn vậy. Nhỏ nhẹ. Dễ thương. Lãng mạn. Sâu sắc. Một lần anh vén bụng cho tôi xem vết mổ ở ruột già. Tôi hiểu tại sao thơ anh có ‘buổi chiều hóa trị’, có những ‘công án thiền’ và hình ảnh bệnh viện âm u... Nhìn sắc diện anh, nhìn vết mổ, tôi bảo chưa sao đâu. Quả thật những tháng ngày qua, Du Tử Lê làm việc với một sức đáng nể. Anh đã làm được nhiều việc, nhiều điều hơn xưa. Có lần anh gởi tặng tôi tập thơ ‘Năm chữ và 12 bài thơ mới’, ngay ở trang đầu thấy ghi khuyên độc giả không nên đọc quá 3 bài. Tôi thử đọc vài bài và thấy anh có lý. Thơ anh bây giờ, đọc quá ba bài chắc bị… tẩu hỏa nhập ma! Tôi bèn đùa anh bằng cách chép nguyên phần mục lục (tựa cũng toàn 5 chữ) ghép thành một bài thơ trời ơi và gởi lại hỏi biết thơ ai? lúc nào? ở đâu không? Anh nhận ra thơ Du Tử Lê nhưng chịu không thể biết đã viết lúc nào, ở đâu. Những chuyện đùa rất ‘giai thoại’ này làm chúng tôi quý nhau hơn. Gần đây, thơ anh đã có vẻ khác.

tôi vẫn muốn kể em nghe,
dù ta sẽ đánh rơi ngày sắp tới.
và hàng cây không nhớ nổi con đường!?!
khi em chảy tiếp những giọt lệ,
từ sớm mai tới buổi chiều
không cánh cửa mở vào cao ốc.
nơi em thả rơi không chỉ những sợi tóc…

(Lúc tình yêu hiện ra: như một người khách lạ)

“Hay những câu rất riêng này mà chỉ tôi thân tình mới hiểu: đời đánh cắp từ tôi chiều-tóc-mẹ / em mùi hương một chỗ-rất-riêng-tư/ ai nửa ngực? bỏ ai về với đất?/ đêm tặng tôi thân-thiết-đóa-thiên-thu.

Hình như tôi vừa gặp lại một Du Tử Lê của nửa thế kỷ trước, của Tình ca!

Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê)

(Saigon, 7.2013)

……………………………..

Ghi chú: Thời đó, tên người, chữ lót không viết hoa.”

*

Ghi lại những trang văn trên của họ Đỗ, ngoài mục đích xin được trả lời Đỗ Hồng Ngọc rằng, chẳng những tôi không “ngượng hay mắc cỡ gì” mà, còn rất cảm động. Tôi cảm động về cái tình của những người làm văn nghệ ở thập niên 1960s, bên cạnh những đố kỵ, nhỏ nhen của những kẻ tiểu-tâm (thời nào, ở đâu cũng có), chúng tôi vẫn dành cho nhau những chào đón, vui mừng, trân trọng trước một sáng tác mới (dù không hề quen biết) - - Điều chính yếu tôi muốn nói ở đây là, dù tác giả “Ghi chép lang thang”giải thích thế nào về tác phẩm của mình, thì cũng chỉ là cách nói khiêm tốn tự bản chất ông mà thôi.

Với tôi, “Ghi chép lang thang” của họ Đỗ, vẫn là những trang văn Đẹp của một thi sĩ, một nhà văn có một tâm hồn và đời sống Đẹp.

Cái “Đẹp” mà, trong một thư ngắn, mới cách vài ngày, gởi cho bạn tôi Nguyễn Mạnh Hùng ở DC, tôi viết:

“…Đứng trước tình trạng đối đầu, phân hóa từ chính trị tới tôn giáo như hiện nay, tôi tin, rồi đây chỉ có cái đẹp của văn chương , nhất là thi ca, mới có thể cứu rỗi được nhân loại…”

Và, tôi nghĩ, Đỗ Hồng Ngọc cũng đã đóng góp phần riêng đẹp nhất của ông cho người, cho đời từ hơn nửa thế kỷ qua.

Ở đây, tôi không thấy cần thiết gởi tới ông, lời cảm ơn, vì sự giới hạn của hai từ này!

Tôi tin, bạn-tôi hiểu!.!
 

Du Tử Lê

(Garden Grove, Jan. 2015) 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 6691)
... ngọn núi mà họ Đặng không ngừng đau đáu thao thiết chinh phục, muốn vượt qua, lại chính là thi ca và, văn xuôi.
03 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 6864)
Rất có thể Lữ Quỳnh đã làm những câu thơ đầu tiên trước khi viết những trang văn.
28 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 7045)
“…tác giả chỉ là nhân chứng, ghi lại trung thực, những gì Khách-thể trở thành Chủ-thể, cất lên tiếng nói của chính chúng, mà thôi.
23 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 7981)
Ngọc Uyên, người nữ ca sĩ có một hành trình âm nhạc đặc biệt
17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 7384)
tấm lòng Nguyễn Chính, tôi trộm nghĩ, nhiều phần, những cảm xúc đời thường như hờn giận, buồn vui tình yêu e khó có chỗ trên lộ trình thi ca của tác giả này
14 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 5408)
Đây là những dòng thơ của một người đã hơn 40 năm buông bút, như cầm lại kỷ vật, như cầm lại một phần thân th
09 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 6214)
Tập truyện “Lá Daffodil Thắt Bím” của nhà văn Nguyễn Âu Hồng, do Thư Ấn Quán xuất bản vào mùa Xuân 2014
05 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 6661)
Thơ, không cần phải khoác lên những tấm áo tu từ loè loẹt nữa mà có thể đến thẳng với trái tim, tâm hồn người đọc bằng ý thơ, trực giác thơ ngay cả với những chữ nghĩa giản dị nhất
01 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 7213)
Trần không phân biệt được đâu là thân / tâm. Đâu là hình / tướng. Sự sống bay theo hơi men. Trong khi nỗi chết treo lửng những quyến rũ, mời gọi
24 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 6234)
Những bài thơ viết về Hà Nội của họ Nguyễn cho chúng ta một Hà Nội, khác. Một Hà Nội, không thể hiện thực hơn!
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17028)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12249)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18974)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9164)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8321)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 600)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 973)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1159)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22457)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13986)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19171)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7886)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8806)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8496)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11053)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30706)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20813)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25500)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22904)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21723)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19781)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18048)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19248)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16917)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16110)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24496)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31944)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34932)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,