Con đường thơ Nguyễn Thị Phương Thúy.

15 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 5507)
Con đường thơ Nguyễn Thị Phương Thúy.

 

Dõi theo sinh hoạt thi ca của lớp người trẻ thế hệ 8 và 9x, tôi thấy ngày càng có nhiều người không phân biệt được sự cách tân / làm mới, với phong trào đem vào trong thơ (cũng như trong ca từ của âm nhạc) những con chữ, hình ảnh bỗ bã, sần sùi, trần trụi…vốn không phải là yếu tính của thi ca. Nếu không muốn nói là họ đã “vô tư”, hớn hở bôi bẩn thi ca mà, họ không biết. Họ bẵng quên rằng, công việc hay bổn phận của thi sĩ là làm sáng, làm đẹp chữ nghĩa. Chứ không phải làm tối tăm, nhơ nhuốc văn chương!

Nếu phải tìm một định nghĩa ngắn, gọn cho thơ thì theo tôi: Thơ là cách nói khác.

Để có được cái gọi là “cách nói khác”, nhà thơ phải biết khai thác vài kỹ thuật căn bản của thi ca, như so sánh hay liên tưởng…

Nhưng số người trẻ kể trên, dường cũng không hiểu căn bản của kỹ thuật so sánh hay liên tưởng trong thơ là tương quan có tính máu, thịt giữa một “chủ ngữ” với những “phụ từ”.

May mắn thay, tôi nghĩ, bên cạnh đó, chúng ta cũng có những người trẻ có đủ ý thức và, thông minh khi thể hiện những đường bay thi ca của mình.

Một trong những người thuộc thế hệ 8, 9x kia, là Nguyễn Phương Thúy.

Với thi phẩm “Ba mươi, Nỗi buồn em cổ điển” thì, ngay cách đặt tựa của mình, đã cho thấy chủ tâm của Nguyễn Phương Thúy là muốn sớm tìm cho mình một đường bay thi ca khác. Đơn giản hơn, tôi muốn gọi đó là “Con đường thơ Nguyễn Phương Thúy”.

Người đọc sẽ thấy rất nhiều trong “con đường thơ Nguyễn Phương Thúy” những so sánh, liên tưởng thông minh và, ý thức.

Thí dụ, khi một trong những chủ-ngữ của bài thơ “Khi ta ba mươi” là “nước biển”. Nguyễn Phương Thúy viết: “Chắt từ biển có đôi dòng nước mặn” (ngụ ý đôi dòng lệ). Rồi “Nắng gửi cho em sấy thành hạt muối trắng”.

Chỉ với hai câu thơ này thôi, chúng ta đã thấy “liên tưởng của liên tưởng” đuổi bắt nhau, thành một đoạn phim ba chiều, liên tục. Và, khi muối (hay nước mắt) chất vào quang gánh đi dọc hành trình đời sống thì: “Đôi quang gánh đong đưa theo chiếc bóng / Lặng thinh mà như kể hết gian truân”.

Nói cách khác, rõ hơn, Nguyễn Phương Thúy đã không liên tưởng “nước biển” với đất, đá hay bất cứ một hình ảnh không tương thích nào.

Về phương diện kỹ thuật, theo tôi, cao hơn một bậc, là kỹ thuật nhân cách hóa. Trong “Con đường thơ Nguyễn Phương Thúy” hay thi phẩm “Ba mươi, nỗi em buồn cổ điển”, Nguyễn Phương Thúy không chỉ nhân cách hóa những sự vật cụ thể, mà, Nguyễn còn cho thấy khả năng nhân cách hóa cả những sự kiện trừu tượng, vô hình nữa.

Thí dụ:

“Ba mươi năm đủ dài để chăm bẵm giấc mơ”

Hoặc:

Ở phía cuối chân trời hạnh ngộ ốm chanh chao”

(Trích “Nỗi buồn em cổ điển”)

Hoặc nữa:

“Về biển nghe sóng bồng bềnh, nắm hoa muống tím cong mình hứng gió”

(Trích “Khi ta ba mươi”)

Với các tính từ “chăm bẵm”, “ốm” và “cong mình”…đó chính là “cách nói khác” - - Là cách tân hay làm mới thi ca của tài hoa Nguyễn Phương Thúy vậy.

Trên lộ trình thơ Nguyễn Phương Thúy, người đọc cũng gặp nhiều nhắc lại, những “điệp-ngữ-cố-tình”, như:

“Có mùa hạ nào không nhỉ
Anh ngã vào cùng tóc em
Giây phút rối bời
Từng giờ rối bời
Ngày tháng rối bời
Mùa hạ rối bời vắt ngang trái tim em không sao gỡ được
Chiều nay em đếm ngược
Khoảng cách rụng rơi
Những nóng bỏng theo mùa chảy ướt đôi môi
Vỡ òa thương nhớ”

(Trích “Vỡ òa thương nhớ”)

“Điệp-ngữ-cố-tình” trong đoạn thơ trên là tính từ “rối bời” (lập lại 4 lần) - - Nhưng những rối bời đó, hình thành sau khi người đàn ông đã “ngã” vào mái tóc người con gái; khiến những rối bời “nóng bỏng” kia “chảy ướt đôi môi” - - khiến “Vỡ òa thương nhớ”.

Đó là một cách “cách nói khác” của Nguyễn Phương Thúy. Cách nói khác đầy tính-nữ.

Lại nữa, cũng là nỗ lực phản ảnh đời thường, hay tập quán mới của xã hội đương đại, khi Nguyễn Phương Thúy đem từ ngữ quen thuộc với đám đông, như từ ngữ “search” vào thơ; nhưng nó vẫn cho thấy một phong cách, một nhan sắc khác: Nhan sắc Nguyễn Phương Thúy - - Khi Nguyễn viết:

“Đừng search em trong tháng ngày tạp kỷ
Làm sao có phiên bản thứ hai
Cái na ná thì nhiều vô kể
Tình yêu em chỉ có một trên đời
Cũng như lá trong muôn ngàn chiếc lá
Cũng như sao trong hàng triệu ngôi sao
Thời gian thích trêu đùa nhan sắc
Em là em cá tính đã nặn nhào”

(Trích “Phiên bản đêm”)

Đoạn thơ 8 câu tôi trích dẫn trên vẫn đi theo lối dẫn, giải cũ. Nhưng lại là những dẫn, giải chưa từng có trước Nguyễn Phương Thúy.

Chính vì thế mà tự thân đoạn thơ này, đã trở thành “cá tính” hay thẻ nhận dạng thơ Nguyễn Phương Thúy.

Và, vẫn theo tôi, không phải nhà thơ nào của chúng ta, cũng có “cá tính” hay, thẻ nhận dạng riêng cho đường bay thi ca của mình. Như Nguyễn. Nguyễn Phương Thúy.

Du Tử Lê,

(Calif. Mar. 2015)

.

Dăm bài thơ Nguyễn Phương Thúy.


Nỗi buồn em cổ điển

Và cơn bão chiều nay ký gửi gió lên ngọn cây dừa
Ai thu mua mây chất chồng lên bầu trời xám xịt
Lối về bên nhau đã trắng mưa
Chỉ còn con chuồn ớt bay bên nhau quấn quít
Trời ạ!
Bão sắp đến rồi!
Biển cưu mang con thuyền đang xa khơi
Núi cưu mang mấy tầng cây xanh ngút ngát
Còn em?
Đứng bên đời cưu mang giấc mơ, có đôi lần gãy cánh
Nỗi buồn em cổ điển, trước khi bão tràn qua.
Ba mươi năm đủ dài để chăm bẵm giấc mơ.
Dát vàng khung trời hai đứa
Chợt nhận ra người đàn ông không thể chung thủy cả cuộc đời
Để chiều nay, những nốt lặng thoát thai thành cơn bão nổi.
Phố anh chiều nay sương lạnh lên ngôi
Phố em chiều nay bão tràn qua tóc
Em hỏi bao giờ gặp nhau “ mùa đông lắc đầu ngơ ngác”
Ở phía cuối chân trời hạnh ngộ ốm chênh chao. 

 

Khi ta ba mươi

Chưa phải chiều
Nắng đã bỏ rong chơi
Ngủ quên trên cánh đồng lúa non ngậm sữa
Chưa phải chiều
Ta đã ngồi nhen lửa
Hâm lại hồn nhiên trông đến buồn cười.
Nỗi buồn nào gặm nhắm tuổi ba mươi
Đi giữa phố đông gặp mình trầm mặc
Sợ tan chiều hoàng hôn xuống thấp
Con trăng buồn ngồi tụng kinh yêu.
Đôi khi đánh rơi lòng mình vào nửa nốt phiêu
Về biển nghe sóng bồng bềnh, ngắm hoa muống tím cong mình hứng gió
Xoè bàn tay con còng nho nhỏ
Chạy loanh quanh
Loanh quanh
Ối a buồn.
Nhốt đôi chân để khỏi ngược đường
Quay bốn phía nghe tình đầu vỡ nợ
Tháng chín công viên muôn chiều lá đổ
Những hẹn hò không viết tên nhau.
Ba mươi ta đi về đâu
Con đường chợt dài
Con đường chợt ngắn
Sáng nay thôi ta vừa tham sống
Đâu biết mai chiều ta ngồi khóc lêu bêu.... 

Nỗi nhớ anh kẹt giữa ngã tư đường
Anh để lại dấu vết mùa đông trong hang đá nhà thờ
Se sẽ lạnh cho ngày em chợt đến
Đàn bồ câu nhặt hồng ân ngoài sân vuông lơ đễnh
Sót một ngày định mệnh để bên nhau.
Anh để lại dấu vết lời nguyện cầu
Nơi dấu thánh cộng em và anh không nên duyên chồng vợ
Chậm một lần để một đời phải nợ
Còn có kiếp nào để trả cho nhau?!
Sài Gòn ơi! ngày tháng cũ ở đâu

Em ngược tìm buổi sáng trời ngưng gió
Những vòng xe đua nhau tốc độ
Chỉ nỗi nhớ anh kẹt ở ngã tư đường.
Qua Nguyễn Du lá me bay ngơ ngác mà thương
Em chậm ở phía sau sửa lại một ánh nhìn đã cũ
Sài Gòn bao nhiêu năm rồi trong lòng ta vẫn vô cùng quyến rũ
Thật gần ngay cả lúc dửng dưng... 

 

Hương đàn bà

Chúng nó cười
khanh khách buổi đầu hôm
Ngoài ngã ba, mấy đứa nhoi nhoi với vài cô qúa lứa
Nơi phố nhỏ nghèo, đàn bà nách mang ba bốn đứa
Làm đếch gì mà có mùi hương.
Lo củi lo than lo gạo lo cơm
Lo từ lúc mặt trời chưa lên đến khi ngày rách toạc
Những việc không tên cứ leo lên mười ngón tay nhảy nhót
Tung hô việc của đàn bà trong suy nghĩ đàn ông.
Chị ba cặm cụi nhen bếp hồng cho ấm cả mùa đông
Ngày chạy chợ gánh gồng mua mớ tôm mớ cá
Chị bảy luống cuống làm cơn mưa bóng mây mùa hạ
Lau bữa gió lào và cái nắng đành hanh.
Sợi tóc chẻ xơ vàng thay cho mái tóc mượt xanh
Đôi bàn tay sần sùi đã rủ bỏ nuột nà từ lúc nào không nhớ
Người đàn bà đánh đổi tuổi xuân cho duyên nợ
Thành người giúp việc 24/24 giờ, cả đời không nhận nổi đồng lương.
Những người đàn bà vác giò lên cổ chạy để mưu sinh
Chỉ có mùi sữa, mùi chua, mùi mồ hôi hăng hắc
Phần nhiều những người đàn bà khác không mùi không hương như nước lọc
Bởi lẽ hương đã bay theo tiếng trẻ thơ cười.
Không ít những lời càm ràm và tiếng la chan chát trên môi
Quần xén ống thấp, ống cao, áo dài xộc xệch
Cái duyên mặn mà ẩn sâu trong từng đường chỉ khâu, nếp nhà, hốc bếp
Hương đàn bà ẩn vào từng bước đi và sự thành đạt của người đàn ông.

 

Vỡ òa thương nhớ

Khi mùa đông, người ta hay nghĩ đến nhau
Cái lạnh xui người ta mơ về một vòng tay ấm
Khi mùa xuân hoa cỏ khoe sắc thắm
Người ta vui nên muốn đón nhau về.
Cớ gì em bâng quơ
Nghĩ đến anh khi mùa hạ chu môi thổi bùng ông mặt trời màu đỏ
Nắng bỏng từng ngón tay của gió
Và ve sôi ồn ào.
Đi dưới cái nắng trưa lòng em cũng cồn cào
Nghĩ về anh như cây phượng đầu mùa nghĩ về cơn mưa tháng sáu
Giọt mồ hôi rơi đau đáu
Bàn tay anh mười ngón xương xương.
Dừng chân nghỉ lại bên đường
Ngó lên thấy tán bằng lăng đã nở hoa màu tím
Mới hay nắng không đốt được buổi buồn
Và tình yêu không thể quyên sinh vào phút giây ta thinh lặng.
Con đường dài, đi hoài rồi sẽ ngắn
Rồi mai mốt ta sẽ gặp nhau
Kể cho nhau nghe những nỗi nhớ cứ lặp đi lặp lại một màu
Đồng vọng trong từng suy nghĩ...
Có mùa hạ nào không nhỉ
Anh ngã vào vùng tóc emG
iây phút rối bời
Từng giờ rối bời
Ngày tháng rối bời
Mùa hạ rối bời vắt ngang qua trái tim không sao gỡ được.
Chiều nay, em ngồi đếm ngược
Khoảng cách rụng rơi
Những nóng bỏng theo mùa chảy ướt đôi môi
Võ oà thương nhớ!

NGUYỄN PHƯƠNG THÚY.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Chín 20236:55 SA(Xem: 961)
Phương Tấn làm thơ rất sớm. Những bài thơ có tính triết lý, suy tư về vận người mệnh nước
20 Tháng Chín 20239:34 SA(Xem: 1568)
những bài thơ chót của thi tài Vũ Hoàng Chương, vẫn như những hạt kim cương nặng trĩu tình người và mãi còn tỏa sáng.
10 Tháng Chín 20235:37 SA(Xem: 1417)
Đừng bao giờ chờ phôn của Hồ Đình Nghiêm, anh em Montreal ai cũng biết như vậy.
03 Tháng Chín 20239:45 SA(Xem: 942)
Mặc dù được viết ra khi tác giả mới 26 tuổi, và chủ yếu nói về những năm tuổi trẻ của một đời người, song Chân Trời Cũ lại có một sự già dặn riêng.
31 Tháng Tám 20234:15 CH(Xem: 1282)
Ông Văn Cao, một người mà cả nhà tôi thích.
27 Tháng Tám 20237:57 SA(Xem: 1140)
"Vì ông ấy là NGƯỜI TÀI con ạ"
20 Tháng Tám 20233:14 CH(Xem: 1081)
Bấy nhiêu năm lưu lạc ở xứ người. Vốn chữ nghĩa vẫn không bị han rỉ, xói mòn.
13 Tháng Tám 202312:00 SA(Xem: 6705)
Có thể có người không đồng ý, nhưng theo tôi, Nguyễn Ngọc Tư là hiện tượng tiểu biểu, nổi bật nhất của sinh hoạt văn xuôi Việt, 40 năm qua, kể từ 1975 tới 2015 trong số những người viết trẻ.
11 Tháng Tám 20239:47 SA(Xem: 923)
Lâm Triết đoạt huy chương vàng toàn quốc Triển Lãm Mùa Xuân, Sài Gòn 1962.
08 Tháng Tám 20233:55 CH(Xem: 946)
Thơ chị gợi đến những bản nhạc của Chopin, tinh tế, dịu dàng, sang trọng.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17028)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12248)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18974)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9162)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8320)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 600)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 972)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1156)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22456)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13984)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19171)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7885)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8805)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8495)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11052)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30705)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20812)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25500)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22904)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21723)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19779)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18048)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19247)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16917)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16110)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24492)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31944)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34929)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,