Những ngọn nến văn chương mang tên Phan Thị Vàng Anh.

12 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 6402)
Những ngọn nến văn chương mang tên Phan Thị Vàng Anh.

 

Di truyền là một thành tố quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới con người và các sinh vật khác. Di truyền, danh từ khoa học gọi là DNA không chỉ chi phối diện mạo, mầu da, bệnh hoạn, sức khỏe thân, tâm của một con người mà, nó còn chi phối cả những lãnh vực trừu tượng như trí thông minh, tài năng hay tuổi thọ nữa.

 

phanthivanganh-content

Tới nay, tuy chưa có một những cuộc nghiên cứu cụ thể nào về ảnh hưởng của di truyền trên các lãnh vực như chính trị, văn học, nghệ thuật, thể thao… Dù thực tế, người ta đã ghi nhận được khá nhiều ảnh hưởng của di truyền hay, thừa kế trong các lãnh vực vừa kể. Nhất là lãnh vực chính trị, điện ảnh, trình diễn, thể thao…

 

Tuy nhiên, vẫn trên thực tế, người ta lại ghi nhận được quá ít, tính di truyền từ người cha hay mẹ cho những đứa con của họ, ở lãnh vực văn xuôi hay thi ca.

Hầu hết những nhà văn, nhà thơ tài hoa lừng lẫy một thời, dù muốn, vẫn không thể truyền thừa tài năng họ cho những thế hệ kế tiếp. Nói thế, không hẳn là không có những hậu duệ tiếp được bước chân cha anh. Tuy nhiên, lớp kế thừa này không nhiều. Và thường, không thoát khỏi chiếc bóng lớn của đấng sinh thành.

Vui thay, với VN, ở lãnh vực văn chương, tới giờ, chí ít, cũng đã có một vài trường hợp thế hệ thứ hai, bung thoát và, nở hoa nơi chân trời khác. Như Phan Thị Vàng Anh, theo tôi, là một trong vài ngoại lệ hãn hữu.

Chính thức xuất hiện với tập truyện đầu tay, “Khi người ta trẻ” (XB năm 1995), Phan Thị Vàng Anh đã mau chóng xác lập cho mình một chỗ đứng giữa quảng trường văn chương nằm ngoài và, rất xa bóng rợp của người cha tên Chế Lan Viên và, mẹ tên Vũ Thị Thường.

Trước đó, năm 1975, khi mới 7 tuổi, Vàng Anh đã nổi tiếng với bài thơ “Mèo con đi học”:

 “Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một cái bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con”

Sự nổi tiếng ngay và, bài thơ trên được đưa vào sách tập đọc lớp 1 dự báo tương lai văn chương tốt đẹp cho Vàng Anh. 

Tôi cố tình dùng hai chữ “dự báo”, bởi vì thực tế, ở đất nước nào, cũng có những mầm non văn nghệ, được mệnh danh là “thần đồng”. Nhưng khi trưởng thành, rất nhiều “thần đồng” đã âm thầm, bước xuống, lặng lẽ rời xa bục gỗ vinh quang, không âm dội!!!

Phan Thị Vàng Anh, ngược lại. Vàng Anh đi tiếp dậm trường văn chương, bằng những lối đường, những phóng tới riêng lẻ của mình: Từ cách viết kiệm lời, đôi khi cay nghiệt, tới những cảm nhận thông minh, lạnh lùng, đã như một chuyển dịch, một tách thoát triệt để với phong cách của người cha hay người mẹ tài hoa của cô.

Ở những tựu thành văn chương Phan Vàng Anh, người ta không thấy bóng dáng của “Điêu Tàn”, thi phẩm nổi tiếng nhất của Chế Lan Viên (Phan Ngọc Hoan), viết khi mới 16, 17 tuổi. Nhưng, với tôi, cách gì thì “Điêu Tàn” vẫn là sản phẩm nghệ thuật đi ra từ tinh thần “thương vay khóc mướn” cho một dân tộc đã bị xóa sổ. Nó là một nỗ lực, một tìm kiếm tuyệt vời, để tác giả tự thực chứng cho sự có mặt mình. (Sự kiện này, cũng tương tự như cố thi sĩ Đinh Hùng, vào những năm đầu thập niên 1950, đã đem vào thơ ông, những bài thơ tựa như thuộc về thế giới khác, điển hình với thi phẩm “Mê Hồn Ca”, với những bài thơ khóc người dưới mộ…)

Khiên cưỡng hơn, có người cho rằng, “Điêu Tàn” là tiếng kêu bi thương, cánh chim báo bão trước viễn ảnh mất nước của một thanh niên sớm ý thức về thời thế?!?

Nhưng, môi trường sống của Phan Thị Vàng Anh là một môi trường đã đoạn, lìa tận tuyệt với “Điêu Tàn”. Thời đại của Phan Thị Vàng Anh là thời đại của những “xa lộ” xương, máu; bạt ngàn núi, rừng khăn tang; nhang khói, đèn hương, ảnh thờ âm u trong từng ngôi nhà; ở từng góc phố… dù cho đó là nơi núi non, rừng sâu hiểm trở, hay giữa ánh đèn văn minh, thành phố…Thương tích, tử biệt, sinh ly tàng ẩn trong mỗi tâm hồn, mỗi trái tim… Nó như một thứ bệnh nan y mà thời gian đã cam đành bất lực!!!

Tự thân của những hệ quả mà, con quái vật chiến tranh để lại cho những người sống sót và, cho cả trẻ thơ (sẽ lớn), chập trùng những mất mát, thất lạc, bơ vơ ngay trên đất nước của mình. Tùy cảm quan, vị trí mỗi cá nhân, nhiều thế hệ, mà, những câu hỏi lớn mang tính thất thần, ngơ ngác, sẽ còn được cất lên!.! 

Có dễ vì thế, khi bước qua tuổi thơ ấu, chia tay với “Mèo con đi học”, cõi giới văn xuôi cũng như thi ca của Phan Thị Vàng Anh không còn hồn nhiên, với những tung tẩy dễ thương của cây bút chì, mẩu bánh mì con con mà, Vàng Anh đã dầm mình, bơi giữa biển sóng cuồng nộ mâu thuẫn đa chiều. Những cụt đường, bất lực. Những bế tắc cháy đỏ tâm trí, là những gì Vàng Anh ghi nhận được ở điểm đứng “bản lề” lịch sử đất nước.

Phan thị Vàng Anh sinh năm 1968, là thời điểm khốc liệt nhất giữa hai giai đoạn chiến tranh toàn lực và, biến cố tháng 4-1975 - - Chấm dứt chiến tranh với tất cả hệ lụy, thương tích đến nay vẫn chưa được “giải trình” một cách thỏa đáng. Nên tôi muốn ví Vàng Anh là thế hệ “bản lề”, như một cách nói.

Thế hệ “Bên lề” này có thể có nhiều người “vô tư” vượt qua được nó, như cú vấp một viên đá nhỏ bên đường. Nhưng với những người khác, nhất là những người có tâm hồn thi sĩ, như Vàng Anh, tôi tin, Phan thị Vàng Anh không thể không ghi nhận được những biến động, tang thương khủng khiếp của thời cuộc - - Mặc dù ở tuổi lên sáu, lên bảy của mình, Vàng Anh khó có được cho mình những nhận định, quan điểm riêng, trước những dữ kiện bừng bừng cháy trên từng trang đời phần phật lửa và, gió chướng. Cho nên, theo tôi, những câu hỏi không được giải đáp kia, đã như những hạt mầm u uất tồn đọng trong vô thức … Kịp khi trưởng thành, chúng đã cho văn chương Vàng Anh những đời cây vạm-vỡ-đắng-cay; tầng tầng xum-xuê-tán-lá-bất-ưng-bóng-tối.

Những tính chất đặc thù, như những chỉ dấu nhận dạng chân dung văn chương Vàng Anh, ở giai đoạn chia tay “Mèo con đi học” được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn ghi nhận trong bài viết công phu, như sau:

 “Khuôn mặt đăm chiêu của tuổi trẻ hôm nay, qua các sáng tác của Phan Thị Vàng Anh.

“Xuyên là một cô gái đầy mâu thuẫn, ‘ngông nghênh mà lại sợ dư luận; ăn nói ác độc kiêu căng mà lại rất tự ti’. Điều khốn khổ là con người ‘thích đấy rồi lại chán đấy’ ấy bỗng nhiên lại đi yêu! Yêu cho vui thôi, ai cũng nghĩ thế và chắc cô cũng nghĩ thế. Nhưng đến một lúc nào đó, thì hóa ra, với cô, sống cũng chỉ là sống cho vui. Một liều thuốc ngủ chắc chắn trong một phòng khách sạn cửa khóa chắc chắn đã là những nét vẽ cuối cùng hoàn chỉnh cái chân dung của một con người trẻ tuổi nơi cô, cái lứa tuổi mà theo Phan Thị Vàng Anh, ít ai biết rằng ‘người ta điên đến mức nào, cần có bạn bè để an ủi bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ’ (Khi người ta trẻ, bản in 1995, tr.57).

“Bằng một cách có lẽ là không tình cờ chút nào, Phan Thị Vàng Anh đã chọn cho thiên truyện chúng tôi vừa tóm tắt cái tên Khi người ta trẻ. Và sự thách thức của tác giả được đẩy lên một mức nữa, khi nó được chọn làm tên chung của cả tập. Từ nay trở đi, nó không chỉ liên quan đến sự lựa chọn nhân vật, mà còn cho thấy một cách hiểu về nghệ thuật. Nói cho to tát một chút, thì nó giống như một tuyên ngôn: muốn chứng minh sự có mặt của mình trong văn chương, mỗi người phải có cách hình dung của mình về đời sống. Mỗi nhà văn phải là một điểm nhìn, một cách quan sát, một chỗ đứng mà chỉ riêng người đó có.
Cuộc sống tẻ nhạt.

Nhìn dưới góc độ ấy, sắc thái thấy rõ nhất của cuộc sống được miêu tả trong tác phẩm của Phan Thị Vàng Anh là sự tẻ nhạt. Cuộc đời nói chung giống như một thứ ‘trò ấm ớ’ (Khi người ta trẻ, tr.45). Nó vốn nhàm chán, như một buổi lễ cúng đình nham nhở, lại càng nhàm chán khó tiêu hơn, bởi ngay những người già, hay đi lễ, cũng không biết ăn vận, cư xử thế nào là sai thế nào là đúng (Hội chợ, các trang 46, 49). Không sao có nổi những biến động lớn, cuộc sống ở đây dề dà, vơ vẩn và nhiều khi ngả sang kỳ quặc, dị hợm. Như những bữa cơm tẻ ngắt (Hội chợ, tr.20). Như cái hòn non bộ tạp nham, cọc cạch (Hội chợ, tr.82). Như một chuyến pích-ních ngớ ngẩn không đâu vào đâu (Cuộc ngoạn du ngắn ngủi). Như cái miền đất ‘mới đến mà đã thấy buồn’ (Đất đỏ, in trong Khi người ta trẻ, tr.100) nhất là nó giống như những mối tình ba vạ, hoặc trai gái lệch tuổi và chẳng hiểu gì nhau, vừa yêu vừa tự hỏi ‘chuyện này sẽ kéo dài đến khi nào’ (Hội chợ, tr. 92) hoặc những cô con gái yêu những gã con trai đã có vợ rồi, yêu trong khi chưa biết làm gì, yêu để mà càng tuyệt vọng trong cuộc tìm kiếm tình yêu chân chính (truyện Sau những hẹn hò in trong Hội chợ). Cả đến thiên nhiên trong Phan Thị Vàng Anh cũng không bình thường, mưa là ‘mưa trái mùa’, còn trăng là ‘trăng trước rằm lạnh lẽo và cô độc giữa trời cao không mây’ (Hội chợ, các tr. 95 và 64). Một điều có thể gọi là nét độc đáo quán xuyến trong hai tập sách đầu của Phan Thị Vàng Anh, là truyện thường ngắn gọn. Mỗi truyện chỉ thu gọn trong dăm ba trang, truyện dài nhất có đủ cả những bể dâu thay đổi, cũng chỉ kéo đến hơn chục trang. Tại sao? Có lẽ là bởi tác giả không sao tìm được hào hứng để kể mọi chuyện cho mùi mẫn sôi nổi hơn. Hình như với những ‘trò ấm ớ’ này, thì chỉ cần cái hình thức cũng lụn vụn ấm ớ như thế, đã đủ rồi chăng? Người ta phân vân tự hỏi. Chỉ có điều chắc, do biết quá nhiều, nên mặc dù chỉ xem tất cả như những trò đùa nhạt nhẽo, song tác giả soi vào đâu cũng ra cái để viết, nhìn đâu cũng thấy truyện, và luôn luôn hứa hẹn cung đốn cho chúng ta những cuộc vui nho nhỏ…” (Wikipedia – Mở)

Ở một đoạn khác, nhằm khơi cao sự khác biệt diện mạo văn chương của Phan Thị Vàng Anh và thế hệ người trẻ thực dụng, lớn lên sau chiến tranh, họ Vương viết:

“…Đã nhiều lần các thế hệ trước than phiền một cách chính đáng về lớp trẻ lớn lên sau chiến tranh. Họ thực dụng. Họ ích kỷ. So với cha anh, họ có cảm giác sâu sắc hơn về tự do. Chết một nỗi, cái cảm giác tự do đó, thiếu một cơ sở văn hóa làm nền tảng, nên trong đời sống hàng ngày, nhiều khi họ đi tới nhẫn tâm (dù đôi khi không cố ý) và sẵn sàng tranh cướp chỗ của người khác để sống.

“Từ những trang viết của Phan Thị Vàng Anh, người ta bắt gặp một lớp trẻ có diện mạo khác, mà nét căn bản là một đời sống tinh thần sâu sắc, tinh tế, được ánh sáng của văn hóa hướng dẫn. Họ là hình ảnh đảo ngược của lớp trẻ thực dụng trên kia vừa nói. Song đây cũng không phải là lớp trẻ bồng bột, non nớt, như người ta quen nghĩ vì thế mà nhiều người cứ thấy lo lo về họ. Có điều, nếu có dịp nhìn rộng ra một chút thôi, người ta sẽ thấy ở nhiều nước trên thế giới, thanh niên thời nay đều chung một tình cảnh như vậy. Không giống cha anh, nhưng các nhân vật của Phan Thị Vàng Anh, lại giống cái thời đại mà họ đang sống, và đây là lý do chính mà người ta phải thông cảm và bàn bạc với họ, hơn là xét đoán và chê trách họ.

Thêm một nụ cười cho cuộc chơi.

Đọc Phan Thị Vàng Anh, nhà phê bình Huỳnh Như Phương đã sớm nhận xét rằng cái thế giới được miêu tả trong Khi người ta trẻ có phần giống với một cái sân chơi, ở đó, các nhân vật chơi đủ thứ, từ những trò ‘ấm ớ’ ‘vớ va vớ vẩn’ cho đến những trò ‘điên rồ’, ‘ngông cuồng’ nhất. Sự liên tưởng có cái lý của nó. Sau những mệt mỏi trước việc đời, điều duy nhất làm cho các nhân vật của Phan Thị Vàng Anh có một chút nghị lực tiếp tục sống là trở về với ý niệm rằng mình đang tham gia một cuộc chơi. Trong một thiên truyện buồn bã như Sau những hẹn hò, nhân vật cô gái xưng ‘tôi’ nghĩ về người yêu hờ của mình ‘nhờ có vợ, anh mới trở thành một trò chơi lạ đối với tôi, không ràng buộc, không ai được hy vọng’. Có điều ‘chữ chơi kia cũng có dăm bảy đường’. Trong Hoài cổ, cũng như trong Kịch câm, cảm giác trò chơi đồng nghĩa với nhận thức về một kiếp sống cay đắng, khốn khổ mà người ta buộc phải sống. Nếu ở những Xe đêm, Quà kỷ niệm, Hội chợ người ta gặp những cuộc chơi gượng gạo, buồn tẻ, thì tới Đất đỏ, trước mắt ta lại là cuộc chơi tàn bạo của tạo hóa, trong đó, những gì sinh động tài hoa thì mất, những gì ngơ ngẩn vô hồn thì còn. Bấy nhiêu những trường hợp lẻ tẻ kết cả lại, gợi nên nét thần thái riêng trong các trò chơi mà Phan Thị Vàng Anh miêu tả…” (Nđd).

Kết thúc bài viết của mình, tác giả Vương Trí Nhàn nhắc thêm một nhận định của nhà văn Huỳnh Như Phong, đại ý hầu như tất cả các nhân vật của Phan Thị Vàng Anh… “đều quá tỉnh”:

“…Luôn luôn, họ biết mình đang chơi, nên không sao có được sự hết mình vì cuộc chơi. Nét mặt họ cau có đăm chiêu, tâm lý họ khi ngổn ngang khổ sở, khi trống trải bơ vơ, bởi luôn luôn bị ám ảnh là hình như mọi chuyện hỏng hết rồi, không sao cứu vãn nổi! Không, tình thế không bi đát đến như vậy - mặc dù biết mỗi cây bút đều có cái tạng riêng, mỗi nhà văn phải đi đến cùng trên con đường đã chọn, song người ta vẫn không thể đồng ý với Phan Thị Vàng Anh hoàn toàn và muốn ngòi bút ấy tìm lại vẻ hồn nhiên tươi tắn như nó có. Chính tác giả đã hai lần tạo ra ngoại lệ trong truyện của mình. Vốn ghét cay ghét đắng sự già nua, song trong đoạn kết Hội chợ, nhà văn này đã ngả sang cái giọng rất bình thản, rất biết điều, thậm chí như là hơi cổ điển nữa, khi để cho nhân vật Thảo nghĩ lại về mối tình bơ vơ của mình. "Và Thảo mở những cái thư cũ ra xem, vẫn thấy ngọt ngào, vẫn thấy vui, chỉ thấy rằng hóa ra mình đang hồn nhiên thực hiện cái thiên chức của phụ nữ là chờ đợi" (Hội chợ, tr.11). Và hào hứng hơn cả là truyện Thương, ở đó, một người con gái tự nhiên nhẹ nhõm đi qua cuộc sống bình thường của một gia đình mà khiến cho cả mấy thế hệ trong gia đình cùng xao động. Tuy già hơn nhiều nhân vật choai choai khác thường xuất hiện trong truyện của Phan Thị Vàng Anh, song Thương lại có cái trẻ trung riêng, một thứ trẻ trung tự nhiên, khiến cho người ta không khỏi ước ao giá bên cạnh loại nhân vật thất thường, đỏng đảnh mà thực ra già nẫu ra, như Xuyên, loại nhân vật như Thương này đi về thường xuyên hơn, thì biết đâu, dưới ngòi bút Phan Thị Vàng Anh, người ta chả đọc ra những thiên truyện có sắc thái cận nhân tình hơn, mà cũng là gần với đời sống hơn nữa”. (Nđd) 

Nhà văn Vương Trí Nhàn đã rất tinh tế khi nhặt ra “hai ngoại lệ” trong truyện của Phan Thị Vàng Anh. Nhưng tôi e, tiếng cười thản hoặc kia trong cõi giới truyện (và thơ) của Phan Thị Vàng Anh, có lẽ, trước sau, cũng chỉ như cái nháy-mắt-cho-vui của định mệnh văn chương - - Định mệnh thứ hai, song trùng với định mệnh đời thường của một nhà văn không chỉ tự kỷ với bản thân mà, còn tự kỷ với cả chữ, nghĩa của mình.

Lại nữa, vẫn theo tôi, khô cằn hay chất bất cận nhân tình, cũng là mặt khác của tấm lòng quá đỗi tha thiết với đời sống, xã hội. Chưa kể định-mệnh-song-trùng nơi Phan Thị Vàng Anh, hình thành bởi hai thành tố: Đời thường và bản lãnh văn chương riêng của chính tác giả.

Thành tố đời thường đó là điều tôi muốn nói: Từ thế giới “mèo con”, Vàng Anh đã mở rộng tâm thái đi tới những quảng trường hiện thực xã hội, hiện thực lịch sử. Những hiện tượng nhìn từ góc độ hiện thực, cho Vàng Anh những con chữ xát muối và bầm ớt.

Phần cá nhân, tôi không ngạc nhiên khi thấy khí hậu trong truyện của Vàng Anh, là thứ khí hậu sa-mạc-lòng-từ, hạn-hán-tiếng-cười!.!

Từ điểm đứng “bản lề” chênh vênh giữa tình cảnh đất nước phải trải qua một biến cố quá đau thương, dữ dội, như những cú “hồi mã thương” liên tiếp của thảm kịch lịch sử- - Thì một nhà văn ý thức cao độ như Phan Thị Vàng Anh, có thể làm được gì? Ngoài bất mãn, thất vọng tự thân?

Tôi trộm nghĩ, nhiều phần Vàng Anh đã sử dụng tài năng văn chương di truyền, như những ngọn nến soi rọi tâm mình - - Nhiều hơn lên án, trực tố (hay ca ngợi) những hiện tượng mất phương hướng, mất thăng bằng tinh thần của những người trẻ cùng thế hệ.

Bằng vào nỗ lực soi rọi chính mình, thay vì lớn tiếng tố cáo hoặc lên án, qua chữ, nghĩa, những trang văn của Phan Thị Vàng Anh, hy vọng sẽ mãi còn ngân ngấn, những giọt lệ sáp. Vì tim bấc của chúng, theo tôi, là con mắt nhân chứng - bản lề - của một nhà văn.

Du Tử Lê

(May 2015)

 

Vàng Anh, hồi ký

 

Cha tôi.

Một ngày của cha tôi bắt đầu vào lúc bốn giờ. Cha tôi dậy sớm để nấu cơm, nấu nước, rồi sắp vào một cái khay con, một đôi đũa, một cái bát… xong hết mới gọi tôi dậy ăn.

Cha đã để sẵn nước sôi trong nhà tắm, dắt sẵn xe đạp ra ngoài sân… Làm xong hết những việc ấy, cha đi học bài.

Cha học cho đến lúc mẹ dậy. Học thơ, thơ từ cổ chí kim, của bất cứ ai, miễn đáng gọi là thơ, học kịch, học văn, học văn chương và học cả những gì dường như văn chương không bao giờ thèm đụng tới. Cho đến lúc gần bảy mươi, cha tôi vẫn là một học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa.

… Khoảng bảy rưỡi, cha, mẹ ăn sáng. Rồi cha tôi ngồi vào bàn, cái bàn mà tôi học bây giờ, ngày ấy ít ai dám đến gần khi cha đang viết. Trên bàn đầy giấy và sách, lâu lâu bình mực quên không đậy đổ một lần, khi ấy loạn cả nhà. Không ngày nào cha không ngồi viết, cả khi gãy tay, bó bột, ngày trước, ngày sau đã nguệch ngoạc viết bằng tay trái. Đôi lúc tôi thấy, nghề văn như một cái ách, người ta lúc nào cũng áy náy lo âu, sợ mình chưa đọc đủ, chưa viết đủ, chưa viết xong lại thấy bực bội như thể có điều gì oan trái trong lòng chưa nói ra hết được. Và tôi nghĩ, có lẽ cha tôi chọn cho mình một cái ách nặng. Cha luôn luôn tất bật, yêu hoa cỏ nhưng chưa bao giờ dám bỏ hàng giờ ra để ngồi uống trà thưởng hoa. Cha sợ những quán cà phê, nhìn chúng như nhìn những nấm mồ chôn thì giờ. Chỉ những đêm rằm, vườn nhà tôi đầy trăng, cha bảo: “Tắt đèn! Ra ngoài hè ngồi xem!”. Chị em tôi theo ra, ngồi khen trăng được vài phút, cha lại quay sang bàn chuyện văn chương với mẹ, rồi tranh luận, có khi cãi cọ, quên cả trăng!

Cứ vậy, đầu óc của cha tôi không lúc nào thảnh thơi, đôi lúc tôi nghĩ, cha đã già rồi, đã có một vị trí ít ai dám mơ tới trong văn học rồi, sao cha không nghỉ ngơi một chút. Cha dạy chúng tôi: “Phải học, học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”. Cha cũng muốn tôi học, tôi đã có gần một chục quyển vở chép tay của cha, ở bìa ghi rõ: “sách dạy cho Vàng Anh”, cha muốn hàng ngày đều có ít thì giờ để giảng cho tôi, nhưng tôi, vì đã không ý thức được những giờ học ấy quý như thế nào, tôi đã trốn bằng đủ mọi cớ, khi ấy, tôi chỉ thích làm thơ chứ không thích học thơ. Chỉ khi cha tôi vào nằm bệnh viện, tôi biết cha bệnh nặng, khó mà qua khỏi, mỗi chiều, sau khi đi học về, tôi vào thăm, cha luôn để dành cho tôi bánh kẹo hoặc một quả cam, và tôi dù mệt đến mấy cũng đề nghị cha giảng bài, không tiếp thu được bao nhiêu, nhưng tôi muốn cha được an tâm. Ở bệnh viện, cha tôi đã làm một phong bì to đựng các bài học của tôi, giờ đây chép thành giấy rời, cuối mỗi bài đều ký: “Cha: Chế Lan Viên”, và ghi: “Chợ Rẫy ngày… tháng… năm…” như đánh dấu từng chặng của một cuộc chạy đua tàn khốc.

… Thời khóa biểu của cha tôi cho một ngày thế nào cũng có giờ làm vườn. Thường vào khoảng mười giờ, khi viết lách, đọc sách đã mệt. Ra vườn, cha tôi đắp đất, làm cỏ như một nông dân, và cha tự hào về điều đó. Vườn nhà tôi rộng đủ để mọi người “thí nghiệm” trồng cây này, cây nọ, kết quả là cây cối mọc lung tung. Một cây dừa mọc trên mô đất cao, nước quanh năm không với tới, những cây mận, cây cam tranh giành nắng, xúm xít cạnh nhau. Tuy vậy, tôi yêu khu vườn, bởi vì nó là nơi thân thiết nhất của cha, mẹ tôi, bởi vì, ở đâu trong vườn cũng có dấu tích của cha, những chậu phong lan cha tôi đem từ rừng về, một cây ổi cha trồng riêng cho tôi gần giếng nước, bụi hương nhu bên bờ ao cha trồng cho cả nhà gội đầu… Người ngoài ít ai biết rằng cha tôi lại có thể làm những việc li ti như vậy, còn chúng tôi vì quá quen với những việc li ti ấy nên lại thường không biết cha tôi có thể làm được những việc lớn như thế nào. Thỉnh thoảng, tôi đi theo cha đến các hội nghị hoặc các lớp học cha giảng thơ văn. Ở đấy, người ta dành cho cha ghế hàng đầu, rồi các cô, các chú đến chào, nhắc về vài bài viết, hay quyển sách mới của cha, tôi nghe và lần nào cũng lặp lại cái ý nghĩ: “Tệ thật! Mình chẳng biết gì về cha cả!”. Khi ấy, tôi theo cha chỉ để đi chơi, cũng không để ý cha tôi giảng bài gì, phát biểu điều gì, chỉ để ý cha đã chải đầu chưa, cổ áo đã bẻ xuống chưa, có quên kính không… Trong những chuyện này, cha nhất nhất nghe tôi. Một lần khi tôi học lớp năm, theo cha xuống Cổ cò, người ta đón bằng một bữa tiệc, cha tôi uống rượu, thỉnh thoảng hỏi tôi: “Mặt cha đỏ chưa?”. Tôi bảo “Chưa!”, mấy phút sau lại nghiêm mặt bảo cha: “Đỏ rồi! Cha đừng uống nữa!” Và cha tôi ngưng liền.

Cha tôi nóng tính, điều đó ai cũng nói. Ở nhà không ai dám đùa với cha, ngoài chị Thắm. Chị là người duy nhất dám nhờ cha tôi dịch hộ bài học rồi ngang nhiên ngủ gật ngay bên cạnh. Chị Thắm cũng là người duy nhất biết nhổ tóc sâu và lấy ráy tai, và làm cũng tùy hứng, bất kể lúc đó cha tôi đang bận bịu đọc sách hay học bài. Ra trường, chị đi thực tập một năm ở An Giang, lâu lâu mới về một lần, thời gian đó, tóc cha tôi bạc hẳn. Tôi nhớ, khi chị đi được mấy ngày, một buổi tối, người yêu chị đi thăm về, tả lại cho cha tôi nghe cái cảnh lạ nước lạ cái của chị dưới quê, cha bảo: “tội nghiệp!” Rồi hai người sụt sịt khóc, khi ấy, hai mẹ con tôi thấy cha thật là ủy mị!

Rồi cha tôi bệnh nặng, những tháng cuối cùng, cha chỉ nằm trong phòng, không nói được, không biểu lộ tình cảm gì trên mặt, chỉ ngơ ngác nhìn trời qua cửa sổ. Vậy mà, theo thói quen, thấy tờ báo nào ở cạnh cha cũng cầm lên đọc, khi thấy mẹ tôi cầm quyển sách nào đi ngang cha cũng nhìn cho được cái gáy sách, dù đã không hiểu được gì nữa. Bạn của cha tôi đông lắm, họ đến thăm và ai cũng thấy rằng ông Trời sao thật tàn bạo, bắt một con người thông minh như cha phải sống như một đứa trẻ mới sinh. Tôi đi học về, vào giường ngồi chơi, nắm tay cha, gầy guộc, và khóc, có lần, cha tỉnh ra, nhìn tôi cau mày và cũng khóc theo. Sau đó ít ngày, cha mất.

Sau lễ hỏa táng, anh Định và tôi được giao nghi lễ cuối cùng là đem tro của cha thả xuống sông. Tôi ngôi sau, ôm chặt cái túi còn ấm nóng. Đây là cha tôi, ngày nào còn ôm tôi, đứa trẻ con ngủ gật trên xe; đây là thầy giáo tôi… giờ thu lại trong hũ cốt và một bao tro. Chúng tôi ra sông Sài Gòn, khi tro được thả xuống, tôi biết từ nay mình đã mồ côi cha, chỗ dựa lớn nhất đời tôi đã mất, và tôi sẽ phải học, như cha dạy: “Học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”. Học để thành người.

Phan Thị Vàng Anh.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Mười Một 20239:40 SA(Xem: 602)
Anh có thấy mình giống như mẫu hình thi sĩ mà Xuân Diệu đã từng khắc hoạ: “Tôi là con chim/ Đến từ núi lạ/Ngứa cổ hót chơi…”?
09 Tháng Mười Một 20233:44 CH(Xem: 707)
Ann Phong đang để lại những dấu vết và còn thời gian khá dài để tiếp tục lưu lại nhiều dấu vết khác.
02 Tháng Mười Một 20231:07 CH(Xem: 861)
Trần Hạ Vi đã cho ra đời tác phẩm thơ đầu tiên - Lật tung miền kí ức (2017), và mới đây nhất, năm 2020, là tập thơ thứ hai - Vi.
27 Tháng Mười 20231:01 CH(Xem: 713)
Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết Khánh Trường đều là các hình tượng rất mong manh, dễ dàng hư vỡ.
20 Tháng Mười 20235:24 CH(Xem: 816)
Trần Thiên Thị viết tắt TTT hay đọc là 3 Tê, tôi liên tưởng đến những T thơ ca:
14 Tháng Mười 20239:58 SA(Xem: 655)
Thơ Phan Ngọc Thường Đoan là những tâm trạng miên man buồn. Nỗi buồn, nỗi đau đớn và có cả sự thẫn thờ, cô đơn đến chạnh lòng, cô đơn đến chới với. Đọc thơ Thường Đoan, tôi nhận thấy chị là nhà thơ của sự “cô đơn”.
07 Tháng Mười 202310:30 SA(Xem: 790)
Mùa Sen. Đang giữa mùa sen, tranh của Hòa cũng đã nở những đóa sen của tình yêu và niềm hy vọng được chữa lành, được trở lại.
30 Tháng Chín 20236:55 SA(Xem: 743)
Phương Tấn làm thơ rất sớm. Những bài thơ có tính triết lý, suy tư về vận người mệnh nước
20 Tháng Chín 20239:34 SA(Xem: 1391)
những bài thơ chót của thi tài Vũ Hoàng Chương, vẫn như những hạt kim cương nặng trĩu tình người và mãi còn tỏa sáng.
10 Tháng Chín 20235:37 SA(Xem: 1181)
Đừng bao giờ chờ phôn của Hồ Đình Nghiêm, anh em Montreal ai cũng biết như vậy.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8941)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7738)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8344)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30531)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22781)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19110)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16791)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15989)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31736)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,