Những thơm thảo chữ, nghĩa Lê Lạc Giao hôm nay.

05 Tháng Mười Hai 201512:00 SA(Xem: 4665)
Những thơm thảo chữ, nghĩa Lê Lạc Giao hôm nay.

 

Sau thành tựu tốt đẹp tập truyện đầu tay “Một thời điêu linh”, hôm nay, Lê Lạc Giao lại gửi tới những độc giả yêu mến ông, tập truyện thứ hai: “Nửa vầng trăng ký ức”.

Nửa vầng trăng ký ức” gồm 14 truyện ngắn, như 14 đường bay văn chương khác. Mỗi đường bay văn chương của họ Lê, trong tác phẩm mới nhất này, không chỉ một lần thêm, thực chứng tài hoa của một nhà văn kiểm soát được mức độ xung động tình cảm trong cuộc trường chinh chữ nghĩa, ở vai trò nhân chứng trong chiều dài lịch sử đầy biến động của một đất nước lầm than giúp cho mặt thẳm sâu của bất hạnh được hiển lộ. 

Nói cách khác, với tôi, điềm tĩnh trước những trang vết của mình, là chìa khóa căn bản để định vị tài năng một nhà văn trước những trang viết của họ.

Nhưng, vẫn theo tôi, Lê Lạc Giao không chỉ làm cho văn xuôi của ông sinh động như những bức tranh với các gam màu đậm, nhạt khác nhau nhờ những chi tiết mà, một nhà nhà văn, nếu không kiểm soát được xung động của mình, sẽ rất khó đạt tới.

Hơn thế nữa, qua 14 truyện ngắn trong “Nửa vầng trăng ký ức”, lần này, Lê Lạc Giao còn cho thấy ông thả tâm hồn mình xuống tận đáy sâu dòng sông dĩ vãng, để mang những trầm tích qúa khứ lên khỏi mặt nước lãng quên - - Tôi muốn nói, những khía cạnh đặc thù của từng giai đoạn lịch sử, đời người: Những bi kịch, như những vạt than hồng, mà sức nóng thiêu đốt của nó có khả năng phỏng cháy tâm trí người đọc. 

Ở “Nửa vầng trăng ký ức” là những truyện như “Lối cũ”, “Gió vẫn thổi trên sông” hay “Hạc gỗ trong miếu cổ”...

Người đọc cũng sẽ được trải nghiệm cùng họ Lê qua một số truyện mang nhiều hơi hướm của tính chất tự-sự kể, như các truyện “Một thoáng trăm năm”, “còn một giấc mơ” hay “Nghiện”...

Mặc dù mỗi truyện ngắn trong “Nửa vầng trăng ký ức”, tự thân đều ẩn chứa một thông điệp nào đó; nhưng không vì thế mà “Nửa vầng trăng ký ức” của họ Lê, thiếu vắng những đoạn văn tả cảnh rất quê hương, rất thơ - - Vốn là một trong những ưu điểm của cõi-giới văn xuôi Lê Lạc Giao.

Thí dụ:

“...Khải bước lên năm bậc cầu thang thì đồng hồ cổ bắt đầu điệu gõ nửa giờ. Điệu gõ này dài hơn điệu gõ mười lăm phút đến ba nhịp. Tiếng ngân cất lên nửa như tiếng chuông nửa giống tiếng đàn phong cầm. Nghe điệu gõ của chiếc đồng hồ cổ treo tường Khải như nghe tiếng gọi một thuở bình yên, ấm áp trong vòng tay bà nội đêm mùa đông mưa dầm hay nỗi háo hức cùng mẹ đi trên bờ ruộng dài về quê ngoại vào những ngày đầu xuân miền quê Khánh Hòa thân yêu thời thơ ấu...” (Trích “Lối cũ”)

Hoặc:

“...Hai người đi ngang cây dừa lão trong vườn, Trãi chỉ lên tán dừa cao, Quân thấy con chim dòng dọc xanh đang tha cỏ làm tổ. Trãi nói với Quân rằng loài chim dòng dọc chuẩn bị một tháng trước khi mùa đông đến một tổ ấm cho chim mái đẻ và ấp trứng. Nhẫn nại từ đầu thu, chiếc tổ chim hình chiếc giày ống dài phất phơ trong ánh nắng sáng được con chim trống khéo léo tỉ mỉ như người thợ thủ công đan gần xong. Từ dưới nhìn lên Quân còn thấy những thanh rơm bện ngang để chim đứng và nhiều ngăn để tránh mưa gió mùa lạnh. Nửa đừa nửa thật Trãi nói, khi chim lớn bỏ tổ Trãi sẽ leo lên cây dừa lấy tổ chim làm giày mang mùa đông...” (Trích “Ngày ấy bây giờ”)

Hoặc nữa:

“...Buổi trưa im vắng và lúc này Ngãi mới nghe tiếng chim gù gù phía xa. Khanh đang lắng nghe tiếng chim cu gáy buổi trưa. Ngãi hiểu âm thanh này, tiếng chim cu buổi trưa hay tiếng gà trên sông là thứ âm thanh vừa qúa khứ vừa hiện tại. Nó là tiếng vang vọng phần đời đã qua, mỗi khi nghe tâm hồn bỗng dưng tiếc nuối như thèm vực lại giấc mơ êm đềm xưa cũ (...) Đôi lúc Ngãi nhận ra mình chỉ sống với những nếp gấp hằn sâu trong tiềm thức không chỉ cá nhân mình mà của cả gia đình và đất nước...

(Trích “Nửa vầng trăng ký ức”).

Dù đôi lúc họ Lê chợt nhận ra ông “chỉ sống với những nếp gấp hằn sâu trong tiềm thức”, nhưng không vì thế mà những hoạt cảnh của đời mới (đời sống của thực tế của thân phận tỵ nạn nơi xứ người, không được ông đề cập tới (cách của ông) - - Qua những truyện ngắn như “Còn một giấc mơ” hay “Mọi nỗi buồn đều rất riêng tư”...

Tuy nhiên, nếu không có nhiều thì giờ, tôi nghĩ, bạn đọc chỉ cần đọc hai truyện ngắn “Nửa vầng trăng ký ức”  “Đường gió bụi”, theo tôi là hai truyện tiêu biểu và, cảm động nhất của tuyển tập truyện ngắn này.

Tôi tin, bạn đọc sẽ cảm nhận được hương-thơm-ngạt-ngào-của-nỗi-buồn. Những thơm thảo đời thường vẫn dành cho chúng ta, như một nửa vầng trăng, không chỉ có trong ký ức mà, ngay lúc này.

Nó cũng là những thơm thảo mà chữ, nghĩa Lê Lạc Giao hôm nay, mang lại cho chúng ta, qua tập truyện này, vậy.

Du Tử Lê

(Garden Grove, Dec. 2015) 

_________

 

LÊ LẠC GIAO, 

NỬA VẦNG TRĂNG KÝ ỨC.

*Tặng NKA

 

Mùa hạ chưa qua nhưng người dân trong xóm Đông đã ngóng một mùa thu đến sớm để mong xua đi cái nóng gay gắt nghiệt ngã bất thường năm nay. Trời nóng lắm, chỉ nhìn những cồn cát trắng phau giữa sông mỗi ngày một lớn ép dòng sông Cái hẹp dần như con lạch nhỏ, chảy thoi thóp đến tội nghiệp thì cơn mưa chiều nay ập đến không kém tờ vé số độc đắc rơi vào tay kẻ ăn mày. Cơn mưa đến vào buổi chiều và mọi người trong xóm đón chào nó bằng cách chạy ra khỏi nhà ngửa mặt hứng những giọt nước trong vắt từ khoảng trời đầy mây xám trên cao gieo xuống như gieo những hạt hi vọng vào mảnh đất khô cằn nứt nẻ vì hạn hán này. Cơn mưa chỉ kéo dài nửa giờ đồng hồ và sau đó trời đất dường như oi bức khó chịu hơn.

 

Điều lạ lùng hơn nữa là sau cơn mưa mọi người có cảm giác không phải trời mưa dù trên mặt đất còn những vệt nước lõm xuống chưa kịp chìm sâu vào lòng đất, bởi ai cũng ngửi trong không gian mùi khét của lưu huỳnh. Ông Trương, người bán sách báo đầu xóm nói với những người dân còn đứng rải rác

ven đường đang hít lấy hít để cái mùi hăng hắc như thuốc súng ấy, “Không chừng núi lửa đâu đó sắp phun…” Nghe ông nói, ai cũng quay đầu nhìn lên dãy núi hình voi phục phía Tây mà dù có khói người ta cũng biết chỉ là đốt rẫy, và buổi tối còn thấy những ánh lửa khai nương lập lòe như ma trơi trên đỉnh núi. Dù không ai tin lời nói của ông Trương nhưng không người nào giải đáp được cái mùi khó chịu kia. Tuy vậy, nửa giờ sau mùi ấy biến mất.

Chiều tối Ngãi từ trường trung học thị xã trở về nghe cha kể, anh bảo, “Mưa a xít đó ba!”. Nói xong Ngãi đi ra nhà sau trong khi cha anh ngơ ngác suy nghĩ những lời anh vừa nói rồi ông bâng quơ:

 “Mưa a xít không chừng làm hư hại cả hoa màu... Sao trời đất không cho thứ nước bình thường như trước kia chứ?” Sau đó ông xuống bếp hỏi Ngãi:

“Vậy nước mưa a xít có uống được không con?” Đang ngồi trên ghế uống tách trà, Ngãi trả lời:

“Uống thứ nước ô nhiễm ấy tuy không làm chết người nhưng di hại về sau ba à! Không biết khi nào trời mang thứ mưa a xít này đến nữa đây?” Nhìn cha đang ngơ ngác không hiểu, Ngãi nói thêm như giải thích:

“Nhiều nước bị thứ mưa ô nhiễm này, nó là hậu quả của việc thải chất độc hại vào bầu khí quyển khắp nơi trên thế giới của những tập đoàn kỹ nghệ. Các tổ chức môi trường lên án việc các nhà máy hóa chất của các nước công nghiệp gây ra nhưng đâu cũng vào đấy. Tốt hơn hết chúng ta đừng uống nếu cảm thấy nước mưa có mùi khác thường.”

Từ mùa xuân năm ngoái trở về trước, mật độ mưa hàng năm từ một nghìn năm trăm mili mét trở lên thì năm nay chỉ còn tám trăm. Mưa là hiện tượng tự nhiên của trời đất, là thứ sản phẩm của khí hậu, thời tiết cũng như nắng gió luôn đi song hành để tạo nên bốn mùa xoay chuyển trong năm. Cho đến vài thập niên gần đây con người mới biết rằng hiện tượng trời đất mà ai cũng cho là tự nhiên ấy thực ra không còn tự nhiên nữa. Con người đã tham dự không ít thì nhiều trong quá trình làm cho nhịp sinh thái biến đổi. Những năm gần đây mưa ít đi, gió bão bất thường lại tăng nhịp độ. Trong khi khí hậu thay đổi vì trái đất nóng dần, con người cứ lảm nhảm mình làm chủ thiên nhiên nên bóc lột thiên nhiên không thương tiếc. Trong cái thị trấn miền núi đã có hơn ba trăm năm lịch sử sống yên bình hiền hòa với bốn mùa đều đặn thì hôm nay sự yên bình hiền hòa ấy chỉ còn là nỗi niềm của ký ức. Người dân hoài niệm và mơ ước. Không ai hiểu hoài niệm và mơ ước có liên hệ gì với nhau hay không, nhưng Ngãi vẫn thường thấy cha mình chép miệng thở dài khi thấy trời năm nay sao nóng quá, mùa đông lại kéo dài hơn rồi ông thêm vào giọng buồn bã, “Không biết bao giờ mưa thuận gió hòa như những ngày cha còn bé!”

Ngãi hiểu cha và những con người đang sống ở thị trấn Liên Thủy này. Mơ ước là chuyện bình thường nhưng với một số người, họ mơ ước chỉ vì thực tế có quá nhiều điều trái ngược với nỗi lòng của họ. Và dường như sự hi vọng dần dần mòn mỏi thì niềm mơ ước kia thế chỗ vào để con người không đi đến tuyệt vọng mau lẹ hơn. Ngãi mở pc, vào internet. Thế giới ảo mà thực, bởi nó hầu như giải đáp nhiều điều thắc mắc trong lòng anh và ngay cả những người trong thị trấn này. Chiếc máy điện toán cá nhân hiện nay cũng là nơi mà người ta có thể hi vọng lẫn mơ ước. Hôm qua Ngãi nhìn mùa trăng xứ người mới nhận ra chiếc mặt trăng lưỡi liềm bên Pháp ngược với vầng trăng mùng mười xứ mình như Khanh kể trong lá thư đầu tiên lúc sang Đức du học. Nhưng màu trăng vẫn vậy, ánh sáng của nó làm dịu đi bao bất bình, nóng nảy một thời bồng bột tuổi trẻ và cho đến hôm nay vẫn gợi lên sự ấm áp của những hò hẹn tình yêu ngày mới lớn. Hôm thứ Năm từ trường học tỉnh lỵ, Ngãi nhận hai thư của Khanh. Mỗi thư có ba dòng vỏn vẹn, “Em nhớ anh. Chiều thứ bảy trước khi anh về nhà chúng ta gặp nhau ở café Gió lúc năm giờ. Em vừa viết được bài nhạc mới.”

***

Khanh từ Đức về thăm Ngãi đã được hai tháng. Thực ra ở quê nhà miền Trung này Khanh chỉ có Ngãi là người thân. Từ một làng nhỏ miền núi của tỉnh Quảng Trị, mẹ Khanh sau khi chồng chết, đến xóm này sinh sống với nghề may thuê lúc Khanh mới được ba tuổi. Ngãi và Khanh là bạn từ thuở ấu thơ, Ngãi lớn hơn Khanh hai tuổi. Khi Khanh mười hai tuổi, Ngãi theo cha lên cao nguyên sinh sống và chỉ về quê vào dịp nghỉ hè. Hai năm sau đó mẹ Khanh lập gia đình lần nữa và theo chồng vào miền Nam lập nghiệp. Từ đó, Ngãi mất tin tức của Khanh nhưng anh không bao giờ quên kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu với cô bạn nhỏ.

Ngãi nhớ những đêm mùa hè làng quê, Khanh muốn xem trăng rằm, Ngãi đã xin phép mẹ Khanh dắt Khanh chạy xuống bàu Gáo. Hai đứa ngồi trên bờ bàu ngửa mặt nhìn trăng qua tàng cây gáo thưa lá. Khanh bảo, “Trăng xa quá!” Ngãi vỗ vai Khanh chỉ xuống bàu. Vầng trăng tròn trĩnh phản chiếu trên mặt nước tĩnh lặng như một tấm gương lớn. Khanh đứng lên nhìn trăng một cách chăm chú say mê. Ngãi ngồi dưới chân Khanh rồi quay ra nằm ngửa nhìn trăng trên tàng cây cao. Chỉ một lúc Ngãi thiếp ngủ, sau đó giật mình với cảm giác vừa ngủ một giấc dài, lúc mở mắt vẫn thấy Khanh đứng nhìn trăng. Khanh cứ lặng lẽ đứng nhìn chiếc đĩa trăng lấp lánh trên mặt nước bàu như một pho tượng khiến Ngãi phải bật đứng dậy hỏi:

“Em thấy gì trong trăng mà nhìn lâu như thế, chúng ta đi về thôi.” Bấy giờ Khanh thì thầm:

“Em không chỉ nhìn mà còn nghe trăng hát.” Ngãi cười nhặt một hòn sỏi ném xuống bàu. Mặt trăng vỡ tan trăm nghìn mảnh. Khanh đấm mạnh lên vai Ngãi rồi cả hai đi về nhà.

Những năm tiếp theo trăng trở thành người bạn thân thiết của cả hai người và riêng đối với Khanh thực sự có hai vầng trăng. Vầng trăng trên trời của Khanh và vầng trăng dưới nước dành cho Ngãi. Những ngày trăng tròn cả hai thường đến bàu Gáo xem trăng. Ngãi thường hỏi:

“Trăng nào hát cho em nghe?” Khanh trả lời:

“Cả hai”. Ngãi hỏi lại:

“Thế sao anh không nghe?”

“Tại anh không biết hát!” Lúc bấy giờ thỉnh thoảng Khanh cất tiếng hát. Bài ca ngẫu hứng được một cô gái chín tuổi có giọng cao trong trẻo ngân vang rất xa. Cũng từ đó Ngãi nhận ra Khanh có năng khiếu âm nhạc.

Một đêm mùa thu năm Ngãi mười hai tuổi, Ngãi chỉ cho Khanh mặt trăng trên mặt bàu trong sáng như một tấm gương bảo:

“Em có thấy lạ không, trăng của em trên trời đi về Tây thì trăng của anh dưới nước lại đi về Đông.” Lúc ấy Khanh nói:

“Trăng của chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau.”

Năm sau, mỗi khi hai người chạy xuống bàu Gáo xem trăng, Khanh thường nói, “Em mượn mặt trăng trên bàu của anh vậy nên anh không được phép làm tan mặt trăng này nhé!” Sau đó Khanh tiếp tục ngắm trăng phản chiếu trên mặt nước trong khi Ngãi nằm ngửa trên bờ cỏ nhìn trăng qua tàng cây rồi lại ngủ quên lúc nào không hay. Mười hai năm sau khi Ngãi học đại học xa nhà, mỗi lần nhớ lại vầng trăng phía Đông này, Ngãi lại tự hỏi, Khanh bây giờ làm gì và đang ở đâu?

Năm Ngãi học năm cuối cùng đại học Khoa Học, một hôm có toán sinh viên dán nhiều tấm bích chương quảng cáo cuộc trình tấu violon của trường quốc gia âm nhạc lên tường giảng đường, Ngãi xem thấy tên Khanh là một trong ba người biểu diễn bài “Moonlight sonata” của Beethoven bằng vĩ cầm. Ban đầu Ngãi cho rằng chỉ trùng tên họ nhưng anh linh cảm đó là Khanh vì chỉ có Khanh mới có thể nghe vầng trăng hát từ năm mười tuổi.

Gặp lại nhau sau hậu trường, Khanh trước mắt Ngãi không còn là đứa trẻ ngày xưa mà đã là một cô gái trưởng thành già dặn. Khanh bảo “Chúng ta lớn rồi mà!” khi Ngãi bảo,“Anh vẫn xem Khanh bé bỏng như trước dù bây giờ Khanh là một cô gái thành danh xinh đẹp.” Nghe Ngãi nói, Khanh bật cười, “Em không thành danh và bao giờ em cũng mong gặp lại anh.” Sau buổi trình tấu, Ngãi và Khanh đi ăn khuya. Ngồi trong quán, Ngãi chợt đứng lên bước ra khỏi cửa nhìn lên bầu trời rồi sau đó lại vào ngồi bên Khanh. Khanh hỏi, “Anh tìm gì vậy?” “Anh tìm trăng”, Ngãi trả lời. Khanh cười hỏi lại:

“Thế anh có thấy trăng hay không?”

“Có nhưng rất xa, nhưng dù xa anh vẫn thấy.”

Khanh lại bảo:

“Hôm nay mùng ba làm gì có trăng.”

“Có chứ, lúc nào cũng có vầng trăng quá khứ theo chúng ta. Anh vẫn thấy trăng sau tàng cây gáo mà!”

Khanh cảm động, nắm lấy tay Ngãi rất lâu. Ngãi im lặng nhìn Khanh chăm chú, bấy giờ Khanh buồn bã nói, “Em lập gia đình được hai năm nhưng đã ly dị sáu tháng trước.” Ngãi giật mình, ánh mắt lạc lõng diễn tả phần nào tâm trạng thực của mình khi nghe Khanh nói. Riêng Khanh, nàng không dám nhìn lâu ánh mắt ấy. Khanh cúi đầu:

“Mẹ em mất ba năm trước, em bơ vơ và muốn có nơi nương tựa nên em lấy chồng.”

Khanh không nói thêm nhưng Ngãi hiểu Khanh muốn gì khi kể với anh những thông tin đau buồn ấy. Đời người hoàn cảnh nào cũng có thể xảy ra, vấn đề là con người có vượt được hoàn cảnh hay không. Ngãi không muốn biết thêm những gì đã xảy ra với Khanh nên anh nói với nàng:

“Em khỏi phải kể thêm, liệu chúng ta có thể gặp mặt nhau nữa hay không?”

“Sao không được, em bây giờ tự do mà!”

Ngãi tự dưng hỏi, “Em có con hay không?” Khanh lắc đầu. Khanh nói nàng đang ở trọ chung với hai cô bạn vừa tốt nghiệp đang tìm việc ở Gia Định. Ngãi ghi địa chỉ của Khanh xong rồi hai người chia tay.

Từ hôm ấy Ngãi thường gặp Khanh vào cuối tuần. Hai người đi chơi với nhau nhưng cả hai đều tránh nhắc đến chuyện buồn quá khứ. Khanh có việc làm trong trường quốc gia âm nhạc sau khi tốt nghiệp. Trường thỉnh thoảng gửi Khanh đi trình tấu ở những tòa đại sứ phương Tây khi họ yêu cầu. Một hôm Khanh nói với Ngãi:

“Tòa đại sứ Đức cho em một học bổng đi học hai năm về sáng tác âm nhạc tại Frankfurt. Nếu không có gì trở ngại tháng tới em sẽ ra đi.” Ngãi vui lúc nghe tin ấy trong khi Khanh nhìn vào mắt Ngãi hỏi:

“Anh thực sự vui khi em đi học xa như thế sao?” Ngãi gật đầu:

“Anh nghĩ rằng em cần một vị trí nghề nghiệp vững chắc cho tương lai.” Câu trả lời thành thật của Ngãi khiến Khanh cho rằng Ngãi không yêu mình. Nàng tin việc mình từng có một đời chồng vốn là bóng tối cản trở tình cảm của Ngãi. Khanh nghĩ thế nhưng không nói ra mà tự an ủi, có nhiều lối đi đến tình yêu và nếu vượt qua được trở ngại quá khứ thì mới là tình yêu đích thực. Từ đó, Khanh không bận tâm đến tình cảm nữa mà lo cho con đường tương lai như lời khuyên của Ngãi.

Buổi chiều trước hôm Khanh lên đường du học hai người đi ăn và uống café lần cuối với nhau. Ngãi hỏi, “Em xem có thứ gì để quên không vì lên máy bay rồi không thể trở về lấy được nhất là giấy tờ cá nhân cần thiết.” Thái độ Ngãi cẩn thận như đang lo lắng cho người thân sắp đi xa. Khanh cười bảo, “Em chỉ sợ để quên anh ở Sài Gòn mà thôi.” Ngãi lắc đầu bảo:

“Bên cạnh em và anh còn vầng trăng quá khứ kia mà!”

“Có thật là ánh trăng xưa sẽ dẫn đường quãng đời tiếp theo của em hay không?”

“Chắc chắn là như vậy! Anh tin nó còn soi sáng cả cho anh. Nhờ nó chúng ta vượt được những khó khăn nếu có trên quãng đường đời. Anh luôn tin như thế. Anh không bao giờ quên vầng trăng em gửi cho anh đêm trước ngày anh lên cao nguyên, ngày mai em ra đi anh cũng gửi theo em vầng trăng ngày cũ ấy. Thực ra anh gửi hay không gửi nó cũng luôn hiện diện trong cuộc hành trình một đời của chúng ta.”

Nghe Ngãi nói Khanh cười buồn, vững tin hơn dù nàng từng phấn đấu rất nhiều từ ngày mẹ mất. Sau ngày gặp lại Ngãi, thâm tâm Khanh thấy mình lạc quan hơn trước. Ngãi cũng cùng tâm trạng như thế. Những đêm trăng Sài Gòn hiếm hoi vì những căn nhà cao tầng che khuất, Ngãi phải chờ thật khuya mới thấy vầng trăng quen thuộc trên cao. Khi thành phố chìm vào giấc ngủ mặt trăng mới cất tiếng ru trong ánh sáng trắng ngà trải khắp mọi nơi. Ngãi chỉ nhận ra âm thanh ngọt ngào của trăng những lúc lòng mình nhẹ nhàng với cảm giác trở về tuổi thơ bình an ngày trước.

Khanh viết thư hàng tháng cho Ngãi. Khanh bảo, “Trăng ở đây xuất hiện khác với quê chúng ta, mùa trăng khuyết lưỡi liềm úp xuống đất…” Rồi Khanh lại giải thích, “Có lẽ nó cảm thấy lạnh lẽo hơn ở quê nhà… nên phải úp xuống đất”. Ngãi hiểu Khanh cô đơn ở xứ người nên anh an ủi, “Không phải vầng trăng lạnh lẽo mà giấu mặt. Trăng chỉ làm dáng đó thôi.” Lá thư kế tiếp Khanh viết, “Em rất cô đơn, nhưng mùa trăng xứ người vẫn cho em cảm giác có anh bên cạnh… Em tự tin hơn về một tương lai.” Không biết Khanh ngụ ý tương lai thế nào nhưng Ngãi vui khi biết ít ra những lá thư anh viết có thể giúp Khanh ổn định về mặt tinh thần.

Sáu tháng sau Khanh lại viết thư cho anh, rằng nàng học hành khá vất vả vì rào cản ngôn ngữ, mặc dù nàng đã phải học tiếng Đức trước khi chính thức vào khóa. Đính kèm theo thư là một vài tấm hình của Khanh trong quần áo dày của mùa đông Đức Quốc. Đặc biệt, một tấm hình Khanh ngồi trên ghế đá công viên ban đêm, phía trên đầu là một mặt trăng lưỡi liềm với mặt khuyết úp xuống đất. Qua năm thứ hai, Khanh cho Ngãi biết có một thầy giáo dạy nhạc theo đuổi, tỏ ý muốn kết hôn với nàng. Ngãi suy nghĩ nhiều đêm cuối cùng kết luận rằng tương lai Khanh ngụ ý trong thư là mối tình duyên đang chờ nàng ở Đức.

Nhận thư Ngãi với lời chúc may mắn trong tình duyên mới, Khanh càng tin chắc Ngãi hoàn toàn xem mình như một cô em gái, một kẻ đồng hương không hơn không kém dù nàng vẫn mơ hồ về một vầng trăng quá khứ mà cả hai đã cùng chia sẻ. Sáu tháng trước khi khóa học sáng tác âm nhạc chấm dứt, Khanh kết hôn với Hein F, một giáo sư dạy dương cầm của học viện Âm nhạc Frankfurt. Nàng được gia hạn ở lại Đức trong khi chờ làm thủ tục nhập tịch theo chồng.

Ngãi tốt nghiệp cử nhân khoa học và tiếp tục học cao học, đồng thời xin đi dạy ở một số trường tư thục để mưu sinh. Một đêm dạy lớp tối về muộn chạy xe gắn máy trên đường về nhà vô tình nhìn lên thấy mảnh trăng lơ lững trên tàng cây cao dọc hai bên đường, Ngãi cho rằng ngày hôm nay anh có nhớ trăng thì cũng chỉ là nỗi niềm hoài cảm một thời quá khứ không thể trở lại. Năm tiếp theo anh chuyển về quê dạy toán cho các trường trung học tỉnh lỵ. Biết Khanh đã có chồng bên Đức, cha Ngãi khuyên anh lập gia đình vì tuổi anh đã lớn. Ngãi cũng muốn vâng lời cha nhưng cuộc tình mơ mòng giữa anh với Khanh cho anh một cảm xúc nửa hư nửa thực khi hồi tưởng. Anh dường như bằng lòng với sự sắp đặt của số mệnh nên không còn chút thích thú nào với những cô gái khác để có thể tính chuyện trăm năm.

Cha Ngãi thỉnh thoảng hỏi Ngãi, “Con không cảm thấy cô đơn hay sao?” Ngãi trả lời cha, “Mẹ mất đã ba mươi năm mà cha vẫn sống vui vẻ, con nghĩ nỗi cô đơn của cha hay của con cũng không làm cho mình phải thấy cần thay đổi một nếp sống vốn đã yên bình và hạnh phúc.” Cha Ngãi chịu thua không nói gì thêm. Thỉnh thoảng, Ngãi vẫn nhận thư của Khanh. Những lá thư thăm hỏi như anh em.

Một năm hai lần Khanh gửi cho Ngãi những bản nhạc nàng sáng tác. Những bản nhạc này, Ngãi nghe nhiều lần với cảm giác như đó là những lời tâm sự của Khanh. Mỗi bản nhạc tiết tấu khác nhau và viết rất công phu vì Khanh lúc này là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng của Đức với nhiều giải thưởng lớn của các nước Châu Âu. Năm Khanh bốn mươi tám tuổi, nàng viết thư báo tin sẽ về quê hương thăm Ngãi và làng xưa. Khanh cho biết sẽ về một mình vì người chồng lớn tuổi đã mất sáu tháng trước. Nàng đề nghị được ở nhà Ngãi trong thời gian nghỉ hè ba tháng của mình.

Gặp lại nhau sau hai mươi lăm năm mỗi người mỗi ngã, Khanh vẫn nhắc câu nói thuở nào, “Trăng của anh về Đông trong khi trăng của em về Tây có đúng không?” Ngãi gật đầu nhưng giản dị nói:

“Em về thăm anh vui lắm!”

Giọng Ngãi xúc động. Khanh ôm anh khóc trong sự yên bình ngày gặp nhau đầu tiên tại Sài Gòn trước khi về Nha Trang. Buổi chiều Ngãi mướn hai phòng khách sạn. Khanh bảo nhân viên khuân vác mang tất cả hành lý vào phòng của nàng, rồi quay sang nói với Ngãi:

“Em về lần này thăm anh và có thể không có lần tới. Chúng ta đều lớn tuổi cả rồi, không ai bảo đảm sẽ có đủ điều kiện để thăm viếng nhau thường xuyên về sau nữa. Em thực sự muốn có anh từ khi em bước chân lên mảnh đất quê hương này. Anh bên cạnh em cả trong giấc ngủ là điều em mơ ước từ ba mươi sáu năm trước, nhưng hình như bao giờ cũng có một khoảng cách giữa hai chúng ta. Ngay cả lúc em tưởng chúng ta gần gũi nhau nhất thì giữa hai người bao giờ cũng có một dòng sông chia cắt mà em, anh hoặc cả hai lao xuống đều bị chết đuối trước khi nắm được tay nhau. Trong những giấc mơ về sau em vẫn thường thấy chúng ta chết đuối và tan biến trong sự sợ hãi một định mệnh xuất phát từ thói quen truyền thống của người Á Đông.”

Thấy Ngãi im lặng lắng nghe, Khanh nói tiếp:

“Những năm gần đây em mới thấy rằng chúng ta không có can đảm thực hiện ước mơ của mình và luôn xem nó như điều không thể thay đổi được. Chúng ta thất bại nhưng vẫn vui vẻ, an phận trong sự thất bại ấy. Thời gian trước đó đủ cho em hiểu được sự thật thì hạnh phúc của một ước mơ đã xa cách nghìn trùng. Nếu hôm nay điều em ước muốn không thể thực hiện được thì ngày mai em sẽ về lại Đức. Em nghĩ anh chắc chắn hiểu điểu em nói vì em tin nó cũng là điều mà anh muốn nói nhưng mãi giấu kín trong lòng.”

Đêm ấy Khanh sang phòng Ngãi ngủ. Nằm gối đầu lên cánh tay của Ngãi, Khanh mỉm cười nói, “Hiếm hoi trăng của chúng ta mới gặp được nhau!” Rồi hồn nhiên ngủ say sưa như một cô bé sau buổi học trưa nắng đi bộ thật xa về nhà. Chiều hôm sau về đến nhà Ngãi ở thị trấn Liên Thủy, Khanh được Ngãi xếp ở căn phòng dành cho khách. Buổi tối sau khi biết chồng của Khanh đã mất, cha Ngãi gọi Khanh lại bảo, “Con có thể làm lại cuộc đời rồi đó!”

Những tuần lễ đầu tiên trở lại quê hương ấu thơ của mình, Khanh đi lang thang khắp nơi trong làng như muốn tìm lại kỷ niệm nhưng làng xóm đã thay đổi và hoàn toàn xa lạ. Khanh sống với giấc mơ cũ, nàng viết nhạc trong khi Ngãi thường vắng nhà vì phải đi dạy học. Khanh mang cây vĩ cầm ra sân, ngồi dưới giàn hoa giấy đỏ độc tấu những đêm trăng. Có những buổi chiều nhìn Khanh ngồi lặng lẽ ngoài hành lang ngắm chiều xuống, Ngãi cảm tưởng nàng đang lắng nghe âm thanh của trời đất. Buổi tối hai người đi uống café ở quán Gió đầu thị trấn, kể chuyện về một thời xa xưa nhưng không ai nhắc đến tình cảm của mình. Sau này Khanh bảo tình cảm của cả hai chìm trong hồi ức và đã biến thành âm thanh trong những trang nhạc của nàng.

Lúc này với Khanh chỉ có nhạc, nàng viết nhạc, tạo ra những cung bậc tình cảm vừa tế vi vừa sâu lắng, là thứ ngôn ngữ riêng của tâm hồn nàng. Nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, êm ả và lắng đọng của Khanh, Ngãi mơ hồ nhận được tình cảm sâu sắc của nàng dành cho anh. Tháng tám oi nồng trôi qua, sau khi nghe bài blue mới sáng tác của Khanh, Ngãi nói:

“Tuy không có năng khiếu âm nhạc, nhưng nghe bản nhạc của em anh như thấy một cơn mưa vừa đi qua thị trấn này. Anh có cường điệu lắm không, nhưng rõ ràng cảm xúc của anh là thế!”

Khanh không trả lời chỉ nhẹ nhàng gật đầu như đồng tình với cảm nhận của Ngãi. Nàng ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra vườn. Nắng vẫn tràn ngập trên giậu bạch hạc và trời đất vẫn ngơ ngác vì thiếu mưa. Ngãi thầm nghĩ, phải chăng Khanh làm nhạc vì trần gian đang cần tưới mát không chỉ nước mưa mà còn dòng âm thanh dịu dàng êm đềm tuyệt vời ấy?

Nói với Khanh, nàng quay lại mỉm cười vẫn không nói gì với anh rồi nhìn ra vườn. Ngãi pha ly café mới lẳng lặng mang đến ngồi cạnh Khanh. Buổi trưa im vắng và lúc này Ngãi mới nghe tiếng chim gù gù phía xa. Khanh đang lắng nghe tiếng chim cu gáy buổi trưa. Ngãi hiểu âm thanh này, tiếng chim cu buổi trưa hay tiếng gà trên sông là thứ âm thanh vừa quá khứ vừa hiện tại. Nó là tiếng vang vọng phần đời đã qua, mỗi khi nghe tâm hồn bỗng dưng tiếc nuối như thèm vực lại giấc mơ êm đềm xưa cũ. Bên cạnh đó, nó còn là thứ âm vọng buồn bã, rã rời, uể oải của buổi trưa mùa hạ chầm chậm dìm con người vào trạng thái lừ đừ mệt nhọc. Nó là tiền thân của tiết tấu blue. Khanh từng bảo Ngãi như thế. Lúc ấy anh hỏi nàng rằng phải chăng nhạc là âm bản của đời sống. Khanh gật đầu.

Tại sao như thế nhỉ? Có phải phiền não trên thế gian này là mặt khác của hạnh phúc? Ngãi thầm cảm nhận và thỉnh thoảng xem xét một quãng thời gian đi qua và dường cảm thấy bản thân mình mỗi lúc mỗi phải bận rộn, lo toan đối phó với những trạng huống không dễ dàng chút nào. Nghe Ngãi than phiền, Khanh cười:

“Anh phải nghe thêm nhạc, không phải chỉ cung bậc mà phải xem mình chính là cung bậc, có như thế anh mới thật sự nhẹ nhàng và thoát khỏi mọi ràng buộc khó khăn của cuộc sống… Với em, nhạc không chỉ giúp cởi trói nỗi đau đớn phiền muộn mà còn vun quén niềm hi vọng trên những chia lìa, đổ vỡ của thế gian này.”

Hôm ấy Ngãi vui, lắng nghe Khanh nói. Có nhiều hôm đang dạy học nhớ Khanh cồn cào vậy mà đến khi gặp nàng rồi anh vẫn thấy bứt rứt. Ngãi không hiểu tại sao lại có thứ cảm giác sắp sửa mất nàng dù Khanh lúc nào cũng dịu dàng, đằm thắm như vệt nắng mùa thu trên mái trường cũ trong ký ức anh. Ngãi thường lặng lẽ đón nhận một cảm xúc tưởng như bên ngoài thể xác mình như thế.

Đôi lúc Ngãi nhận ra mình chỉ sống với những nếp gấp hằn sâu trong tiềm thức không chỉ cá nhân mình mà của cả gia đình và đất nước. Anh đi trên những con đường mòn nhẵn và thừa hưởng mọi thứ trên đời mà ông bà cha mẹ đã từng thụ hưởng. Mãi đến đêm ấy, nghe Khanh dạo một khúc nhạc bằng cây vĩ cầm của nàng, anh mới nhận ra mình chưa bao giờ có tự do thật sự. Anh sống trên những quãng đời sống phân chia tạm bợ, hết ngày này đến tháng nọ, được đánh dấu bằng những biến cố và những biến cố này rõ rệt hay mơ hồ cũng chỉ là những nếp gấp. Trên đó, anh bằng lòng với tất cả mọi thứ anh và mọi người gọi là số phận. Khi gọi tên số phận, người ta đã đầu hàng hoặc chấp nhận nó bằng sự biện hộ của chính thâm tâm mình trước những thứ gọi là nghịch cảnh. Lúc bấy giờ phải chăng nếp gấp vô hình nhưng luôn hiện hữu trong tâm thức mỗi người như những chiếc hộp, khóa kín họ lại bằng tên gọi số phận và cầm tù họ bằng sự cam chịu. Họ vui vẻ hoặc sợ hãi bằng lòng mà không hề biết rằng mình không có chút tự do nào đối với chính bản thân mình qua sự biện hộ thuận mệnh ấy.

Nhiều khi Ngãi tự hỏi, liệu có sự liên hệ nhân quả nào giữa truyền thống và định mệnh? Sau đó, anh lại nhận ra định mệnh chỉ là hóa thân của truyền thống. Cũng như nạn nhân chỉ là thứ âm bản truyền thống. Trên sân khấu đời người ta có thể vừa tung hô truyền thống nhưng lại nguyền rủa số mệnh. Người ta mơ hồ hoặc không hề biết chính truyền thống đã tạo ra số mệnh. Số mệnh là chiếc khung giam hãm cuộc đời từng người sau khi người ta cho rằng đã làm hết bổn phận và bổn phận chỉ là sự lập đi lập lại mãi một khuôn thước mà ai cũng bảo là chân lý. Nhập vào quá trình vận động ấy, con người trở thành nô lệ và đánh mất chính mình.

Dòng âm thanh Khanh mang lại cho Ngãi ngày hôm ấy như một cơn mưa rào dập tắt những u mê một thời nô lệ vào lối mòn của bao thế hệ con người. Anh cũng nhận ra đất nước kiệt quệ niềm tin tưởng và hi vọng vào tương lai cũng bởi chỉ biết đấu tranh để sống còn trên những lối mòn do ông bà tổ tiên vạch ra. Tâm sự với Khanh, nàng lắc đầu bảo, “Em không hiểu và không muốn hiểu. Nhưng dòng nhạc em sáng tác là ước muốn và hi vọng của chính mình. Đó là tự do, thế thôi!” Ngãi gật đầu đồng ý.

Chiều xuống, Khanh nói với Ngãi, “Em muốn thăm lại nơi em đã đứng nghe trăng hát lúc mười tuổi trước khi trở về Đức.” Ngãi gật đầu nhớ ra tuần tới Khanh sẽ trở về Frankfurt. Hai người theo con đường trước nhà ra đồng cỏ xơ xác cuối làng đứng nhìn về ngọn núi phương Bắc. Ngọn núi ấy từng ngăn bao trận gió dữ mùa đông giờ đang lờ mờ trong không khí ảm đạm buổi chiều vì hơi nóng ngột ngạt bốc lên bởi thiếu mưa. Những ngày còn bé, mỗi chiều Ngãi thường ra ngồi ngoài sân nhìn rặng núi Đông Bắc này không biết chán. Lúc bấy giờ gió chiều còn mát mẻ và mùa đông vẫn còn những trận gió bấc lạnh cắt da thịt. Dãy núi hình voi phục trước nhà ngày xưa với những đóm sáng lập lòe do những trận đốt rẫy khai nương đã khơi tâm hồn Ngãi bao quê hương huyền hoặc cổ tích và nuôi dưỡng tâm hồn anh những tình cảm thiêng liêng với thiên nhiên trời đất. Bây giờ, hình voi của núi vẫn còn nhưng màu xanh xem như biến mất. Núi trơ một màu đất đá, buồn như hoài cảm một thời yên vui đã lùi lũi xa xăm. Ngãi và Khanh đi về hướng cây gáo. Dưới chân cây gáo cổ thụ hai người ôm này ngày xưa anh và Khanh ngồi dày đặc phân quạ. Ngãi nhìn lên trời, chỉ thấy cành khô với tán lá xác xơ. Nhìn xuống bàu cạn nước, trơ những khóm lục bình úa vàng và từng mảng bùn khô nứt nẻ. Trên trời dưới đất không hề thấy mảy may chút tương quan. Mọi thứ như cô độc lẻ loi và theo đuổi nỗi thống khổ của riêng mình.

Khanh đứng ngẩn ngơ trên bờ chiếc bàu ngày xưa bao giờ cũng trong xanh đầy ắp nước rồi nàng cúi xuống nhặt một nhánh lục bình khô cháy đang vỡ từng mảnh vụn trên tay. Ngãi hỏi:

“Em nghĩ thế nào về một hôm nay sau một hôm qua ba mươi sáu năm?”

Khanh thở dài chậm rãi trả lời:

“Thì như cành lục bình khô này. Ba mươi sáu năm đủ làm kỷ niệm khô héo để rồi tan theo gió.”

“Kỷ niệm làm sao tan rã được?”

 “Vì kỷ niệm cũng chỉ là nỗi nhớ mong về những điều mình cho là hạnh phúc trong cuộc đời mình. Nỗi nhớ mong ấy có ngày không chịu nổi sự bào mòn của thời gian nên nhạt nhòa tan rã đi!”

“Em viết nhạc nhưng sao lại thực tế như thế?”

Nghe Ngãi nói như than, Khanh quay lại mỉm cười rồi nắm tay anh hỏi:

“Anh còn nhớ em từng có một vết thương ở chân khi chúng ta lội mương bắt chuồn chuồn trâu cho cắn rốn để biết bơi hay không?”

Ngãi gật đầu, trong khi kéo anh ngồi xuống bờ bàu, Khanh vén ống quần Jean chân phải. Bên trên mắt cá chân của Khanh vẫn còn một vết sẹo con hình lưỡi liềm và chung quanh cổ chân Khanh là một sợi giây chuyền bạc lóng lánh. Đưa tay chỉ vết sẹo, Khanh nói:

“Em lội theo anh vào lùm cây dưới mương và bị một thanh tre gãy chìm dưới nước đâm phải. Hôm ấy cả hai chúng ta cùng khóc khi thấy máu không ngưng chảy dù đã dùng lá cây nhai đắp lên trên. Anh nhớ không?”

Ngãi gật đầu, mắt nhìn ra xa như thấy lại kỷ niệm cũ. Khanh nói tiếp:

“Cuối cùng anh dùng bùn đắp lên máu mới cầm được. Sau này trưởng thành mỗi lần nhìn thấy vết sẹo cong cong em nhớ đến mặt trăng làng cũ và lời anh nói với em khi theo cha lên cao nguyên: Anh gửi lại em mặt trăng trên tàng cây gáo...”

Khanh chợt im lặng và lần này nhận ra Ngãi đang nắm lấy tay mình. Ngãi nói:

“Ba mươi sáu năm em mới trở lại làng cũ và không quên kỷ niệm của chúng ta, anh thấy hết sức hạnh phúc. Phải chăng chính điều này làm em trở về thăm quê hương?”

 Khanh mỉm cười, “Có lẽ như thế và hơn thế nữa em muốn gặp lại anh, không phải anh từng can dự vào việc tạo nên vết sẹo kia…?” Khanh chỉ vào sợi giây chuyền bạc ở cổ chân nằm trên vết sẹo nói tiếp, “… Em còn xiềng mặt trăng này lại vì em sợ nó biến mất theo anh.” Ngãi lắng nghe Khanh nói xong mới bảo:

“Mặt trăng theo em là mặt trăng trên trời cao trong khi mặt trăng theo anh là mặt trăng trên mặt nước bàu. Nó chính là chiếc bóng của mặt trăng từng cho em nghe tiếng hát và hơn nữa, còn cho em cả một cuộc đời.”

“Em còn nhớ ngày xưa anh nói rằng trăng em về Tây trong khi trăng của anh lại đi về Đông thành ra cả hai mặt trăng chưa bao giờ gặp được nhau. Nhưng dù gặp hay không gặp, trăng từng cho cả hai chúng ta cuộc đời.”

Ngãi nghĩ Khanh nói không sai, cả hai người từng có chung một vầng trăng. Chỉ có điều cái gọi là số mệnh không cho hai người có chung một cuộc đời dù trong lòng hai người khi nghĩ về nhau đều nhớ đến một vầng trăng duy nhất, vầng trăng của thời thơ dại.

Buổi trưa hai ngày trước khi Khanh trở về Đức, trời có một cơn mưa thật lớn. Ngãi đưa tay đón nước mưa đưa lên mũi ngửi rồi nói với cha, “Một cơn mưa thật.” Cha Ngãi mừng rỡ lấy chiếc lu to ra hứng nước mưa, không khí mát hẳn sau đó. Ngãi theo Khanh ra ngoài hành lang phía hông nhà. Khanh xướng âm một đoạn nhạc mà nàng vừa viết sau đó bảo, “Em viết tặng anh bản nhạc này…” Ngãi hỏi:

“Bản nhạc tên gì?”

“Tấu khúc 1, Trăng Trong Mưa. Em viết cho vĩ cầm, trung hồ cầm và dương cầm.”

Khanh lấy đàn vĩ cầm và trước khi đàn nàng nói:

“Hiếm khi trời có trăng mà lại mưa, nhưng thực tế cuộc đời đôi khi những cái tưởng như hiếm khi vẫn xảy ra. Ánh sáng dịu dàng của trăng, không khí dịu mát của mưa cùng âm thanh tiếng mưa rơi tiếp nối dồn dập bất tận là một khai tấu tuyệt vời cho hạnh phúc tình yêu. Đời chúng ta mất quá nhiều cơ hội để có một bắt đầu cho một hạnh phúc lâu dài, thay vào đó chỉ là các ước mơ ngắn ngủi từ vầng trăng cô đơn lẻ loi từng đêm xuất hiện ở đáy sâu thẳm tâm hồn của mỗi người. Ba mươi sáu năm qua dường như vẫn không hề thay đổi. Em viết khúc nhạc này tặng anh để khi em đi rồi, anh nghe may ra trong chính dòng âm thanh ấy cảm nhận được ước mơ của cả hai chúng ta. Em cũng mong nó còn là khát vọng cả đời của một ai đó, hôm nay đang mong đợi một cơn mưa lành mạnh và một vầng trăng thanh bình trong khi sự ô nhiễm đang lan tràn tàn phá không ngơi nghỉ thiên nhiên cho đến cả tâm hồn con người trên hành tinh này.”

Khanh bắt đầu bằng cung Re trưởng, âm vang tưởng như từ xa vọng về để rồi lớn dần bằng tiếng mưa nhẹ sau đó mất hẳn tiếp theo dòng âm thanh bàng bạc lắng đọng như ánh trăng dàn trải khắp nơi. Rồi tiếng mưa dồn dập trở lại, tiếng mưa mang nỗi háo hức, hoài mong lẫn đợi chờ. Khi bản prelude chấm dứt Ngãi mới nhận ra mưa đã tạnh từ lâu và một góc thị trấn đang quang đãng dần.

Khanh đứng tựa vào Ngãi, cả hai nhìn qua bên kia giậu bạch hạc. Hoa trắng một vạt dài, trên đó một vài con ong bầu đang hút nhụy. Xa hơn nữa hai con bướm đang lượn trên chùm hoa sầu đông đầu ngõ. Ngãi nghe trong gió thoảng những lọn tóc của Khanh trong mát như nước mưa, Khanh quay sang bảo Ngãi:

“Sau cơn mưa em luôn có cảm giác tiếc nuối…” Không thấy

Ngãi nói, Khanh lại hỏi:

“Tại sao anh vẫn không lấy vợ?” Ngãi ngập ngừng:

 “Anh bỏ qua nhiều cơ hội, đến bây giờ nhận ra đã quá lớn tuổi nên thấy không còn cần thiết cho việc ấy nữa.” Khanh lắc đầu nhưng không giải thích gì về thái độ của mình, sau cùng nàng nói nho nhỏ:

“Hai mươi lăm năm trước, em đã từng nghĩ rằng em yêu anh nhưng hình như sau đó chỉ thấy mình là mảnh trăng cô đơn hằng đêm soi sáng cho riêng mình… Trong lúc anh bao giờ cũng câm lặng bên cạnh em cho đến ngày em sang Đức. Anh vẫn là người bạn thân thiết hơn là người đàn ông mà em thiết tha muốn được yêu.”

Ngãi quay sang Khanh nhìn vào mắt nàng:

“Những ngày Sài Gòn cũ anh yêu em nhưng mãi giữ trong lòng cố chờ em trở về sau hai năm du học, nhưng sau đó em ở lại Đức với cuộc hôn nhân mới. Từ đó anh tự cho mình chỉ nên là vầng trăng khuyết của thời thơ dại tốt hơn là một vầng trăng tròn mãn khai với tham vọng chiếu sáng cho một mối tình. Anh không thất vọng nhưng tự cho mình không đủ nhân duyên. Anh bằng lòng và cho đến hôm nay anh vẫn vui và vui hơn khi biết em thành đạt.”

Khanh lắng nghe Ngãi, khuôn mặt yên ả thinh lặng như một đóa huệ trắng sau cơn mưa, phảng phất một chút cay đắng thoáng qua rồi bình an. Khanh nói:

“Em sẽ viết tiếp tấu khúc trăng và mưa cho chúng ta...” Ngãi chợt ngập ngừng:

“Liệu em có trở về lần nữa hay không?” Khanh im lặng một lúc mới bảo:

“Liệu anh có thích em về lần nữa hay không?” Ngãi im lặng nhìn sâu vào mắt Khanh gật đầu. Khanh mỉm cười, trong nụ cười như có âm vang của tiếng mưa trong trăng… Ngãi nghĩ như thế.

 Ngày kế tiếp, Ngãi đưa Khanh vào Sài Gòn để trở về Đức. Tám tháng sau Ngãi nhận đủ năm tấu khúc “Trăng Trong Mưa” của nàng và một đĩa CD thu ngay trong ngày trình tấu tại đại hí viện thành phố Frankfurt. Bài Symphony ấy trở thành một trong những tấu khúc kinh điển diễn tả nỗi thống khổ của một thời đại ô nhiễm từ môi trường sống cho đến tâm hồn con người, và sự cứu rỗi qua âm thanh mưa rơi lẫn tiếng hát ngợi ca ánh sáng vầng trăng hồn nhiên thuần khiết, biểu tượng tuổi thơ bất diệt mỗi một con người trên trái đất này.

Lê Lạc Giao

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tư 20244:08 CH(Xem: 135)
Từng xuất bản 6 cuốn sách về Đà Lạt, nhưng cuốn thứ bảy này là tác phẩm đầu tiên dành cho lứa tuổi thiếu niên.
31 Tháng Ba 20248:31 SA(Xem: 226)
Nhà thơ Nguyễn Văn Gia có đóng góp sáng tác cho Tuyển Tập Tình Thơ Mùa Thu
22 Tháng Ba 20245:31 CH(Xem: 215)
Tôi nghĩ Huy Tưởng sẽ làm thơ đến hơi thở sau cùng.
15 Tháng Ba 20243:03 CH(Xem: 330)
Cung Tích Biền mới tổ chức sinh nhật thứ 88. Mừng anh tuổi cao nhưng còn khỏe.
09 Tháng Ba 20249:20 SA(Xem: 271)
Chúng tôi nâng cốc rượu nhớ về người đã khuất nhưng cứ ngỡ người họa sĩ thân thương vẫn quanh đây
23 Tháng Hai 202411:31 SA(Xem: 428)
Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, một nhà văn như Ngô Thế Vinh vẫn có thể mang đến cảm giác hy vọng và cảm hứng.
16 Tháng Hai 20243:58 CH(Xem: 471)
Tôi ấn tượng mãi về sự im lặng khó hiểu ấy, cả hai ông ngồi bên nhau hàng giờ đồng hồ mà chỉ lặng im và nước mắt nhòe ướt trên đôi mắt của họ...
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 1237)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
27 Tháng Giêng 20244:29 CH(Xem: 609)
Nhân vật tôi của “Dòng sông không ra biển” là cô gái giàu trải nghiệm từ học vấn, đời sống đến chuyên môn nghề nghiệp.
21 Tháng Giêng 20248:53 SA(Xem: 1009)
Đứng hay ngồi trước tác phẩm của Giang, bạn chỉ cần thở vào một hơi và để tâm hồn lắng xuống,
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17048)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9174)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8345)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19181)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7900)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11064)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19256)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31959)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,