HOÀNG THỤY ANH - Đỗ Thành Đồng, với túi ba gang đầy thơ và máu.

15 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 5623)
HOÀNG THỤY ANH - Đỗ Thành Đồng, với túi ba gang đầy thơ và máu.



dothanhdong-content
Nhà thơ Đỗ Thành Đồng 
 

Viết theo mạch cảm xúc của người sáng tạo cũng là căn cứ để tạo nên thứ phẩm khác biệt. Nhưng cái cốt lõi là anh ta viết như thế nào và đưa đến những giá trị gì cho nghệ thuật? Nói như Đặng Phùng Quân: "Viết cũng là một hành động để biến đổi thế giới. Nhưng thế giới nào? Biến đổi nào? – Đó mới là vấn đề" [Văn chương và lưu đày, 113]. Khi phản ánh khách quan thế giới thực tại hay đẩy thế giới thực tại đến chốn siêu thực, anh ta cần phải làm chủ được ngòi bút của mình và khơi dậy những nguồn năng lượng mới từ người tiếp nhận. Có như thế, anh ta mới biến đổi được thế giới bằng chính quan điểm sáng tác và tài năng nghệ sĩ của mình. Vậy, viết trong tư thế hành động là yếu tố cần thiết để người nghệ sĩ có thể trở thành kẻ du ca về miền địa đạo của con chữ và để con chữ, tự nó, tổ chức trò chơi.

Trong tư thế hành động của kẻ du ca, Đỗ Thành Đồng chuyển gam sắc của bản nhạc thơ cũ sang lãnh địa của thơ tự do. Lực thơ của anh ngày càng vững, chắc hơn. Điều này được minh chứng bằng tập thơ: “Rác” [NXB Hội nhà văn, 2012]. Chất sống của tập thơ "Rác" đưa người đọc qua những miền phiêu lưu mới – miền của sự thực đan xen, chồng lấn với sự tưởng tượng diệu vi.

Sự viết không có bến dừng. Khi đã đi vào cuộc "đày ải" này, anh ta phải chịu sự thử thách, chịu lằn roi/búa rìu của dư luận. Trải qua những bến ải ấy, anh ta là kẻ sáng tạo đích thực. Đỗ Thành Đồng cũng thế. Anh sẵn sàng lăn xả vào chiến tuyến của ngòi bút để đăng khai những dòng thơ đầy "bất ổn". Anh bố trận cho trò chơi của mình: lắp ghép, tháo rời, phân cắt, khoảng lặng, dồn nén... con chữ; khai phá sự thực bằng kính hiển vi, đào sâu vào vết thương để tìm ra nguyên nhân của sự lở loét. Theo Đặng Phùng Quân: "... Tiếng kêu thống thiết của nhà văn, nếu như không được cầm bút để viết, thì sẽ cầm dao, cầm đá khắc lên chữ nghĩa. Im lặng không phải của chữ viết, im lặng thuộc về lời nói. Nỗi đau đớn kia chính là đề tài của chữ viết" [Văn chương và lưu đày, 151]. Vì vậy mà nỗi trăn trở, băn khoăn của người thơ – Đỗ Thành Đồng trước cuộc sống nhân sinh như neo/ thắt vào câu chữ. Chất tình trong "Rác" trở thành một lớp trầm tích chi phối mọi khía cạnh của ngôn từ.

Trong "Rác", Đỗ Thành Đồng khai phá ngôn từ một cách tinh tế, sáng tạo. Do đó, kho thời thế tranh tối tranh sáng được nói đến một cách nghệ thuật, đầy ẩn ý, khôn khéo. Sự thật được anh bới từ "Rác". Nhiều thứ không phải là rác nhưng hiện hữu trong rác. Cuộc sống tạo/ thải rác. Con người "mưu sinh" từ rác. Rác của người này chính là cơm áo/ máu của người khác:

tôi ngộ ra một điều mà
người bới rác biết từ lâu
trong đống rác nhiều thứ không rác
rác người này máu của người kia

(Rác)

Biết bao nhiêu cảnh đời nhờ rác mà có thể đeo đẳng với cuộc sống này? Những đứa trẻ lang thang với tấm vé số, những cụ già, bà lão ngửa tay xin ăn,… đều cần “rác”. Với họ, “rác” là cái ăn, niềm hạnh phúc của họ. Họ đào bới, tìm kiếm những thứ có thể bán/đổi chác. Thì ra, nơi nhơ nhớp, nhầy nhụa, sặc mùi ấy lại là bản lề cho những thân phận bấp bênh.

Đỗ Thành Đồng không chỉ nhìn thấy những thứ hiện hữu trong không gian của rác mà còn nhìn thấy sự thật trong giây phút chuyển giao giữa âm và dương, giữa người sống và người chết, giữa tiếng cười và sự tiếc thương. Thời khắc chuyển giao không lời ấy lắng đọng trong từng vi mạch suy nghĩ của con người. Cái giàu - nghèo phân chia ranh giới, định đoạt, "cưỡng bức" tâm hồn con người. Nhân phẩm biến tấu bằng hành động "khấn", "vái" qua loa trước vong linh của người chết: cỗ quan tài bầm đỏ/ vải thưa bày tỏ tiếc thương/ vội vàng khiêng vội vàng lấp vội vàng/ khấn/ vái// bên này bờ dốc/ ánh sáng trời ánh sáng đèn ánh sáng/ đời hừng hực/ cõi nhân gian khôn khéo(Chuyển đổi).

Sáng tác một tác phẩm nghệ thuật đích thực, người nghệ sĩ bao giờ cũng thể hiện tính văn hóa trong đó. Tính văn hóa trong thơ Đỗ Thành Đồng thể hiện ở cái nhìn nhân văn về thời cuộc của anh. Những đứa trẻ đi bán đũa tình thương gợi trong anh nhiều nỗi niềm: mười đôi đũa/ mười ngón tay nâu xỉn/ ngước đôi mắt cầu khẩn lên trời/ chào mời hạ giới// đũa của anh mười đôi như một/ sao bắt anh so đũa với người/ áo cơm chật hẹp dưới trời/ nụ cười không ưu đãi (So đũa). Nhà thơ nhận ra đằng sau màu nâu xỉn – màu của sự lam lũ, đói nghèo là ánh mắt như van xin của những đứa trẻ chỉ vì miếng cơm manh áo mà phải hạ thấp bản thân, cầu cạnh người khác. Nhà thơ không muốn so sánh sự chênh lệch ấy nhưng biết làm sao được khi nhân tình thế thái còn nhiều âu lo và thân phận của con người còn nhiều nỗi đớn đau khác. Trong khi cả nước đang ráo riết với các tin về đại biểu Quốc hội, người người tất bật lo lắng với son phấn, với thời trang... thì bên kia đường là người hành khất với gia tài chỉ vẻn vẹn một cái bị cói đang run rẩy trong mùa giá lạnh: dải khăn/ dòng sông vắt qua đồi con gái/ giọt phùn/ rắc phấn thời trang/ những bánh cao su xoen xoét dọc ngang/ người và xe phả khói// dưới cột loa phóng thanh/ lão hành khất run rẩy bị cói/ đài phát tin đại biểu Quốc hội/ nói (Chiều đông).

Sự trung thực trong đề tài thế sự là điều quan trọng. Bởi đây là đề tài nhạy cảm. Nhưng viết và chuyển tải nó dưới dạng như thế nào là điều không dễ dàng. Ở đây, Đỗ Thành Đồng đã chuyển tải được những bức xúc trong cuộc sống, nhiều vấn đề nhạy cảm của xã hội, nỗi âu lo của nhân thế vào thơ ca bằng chính sự đa dạng của ngôn từ và tấm lòng nhân ái. Giọng thơ anh thường không lộ trình theo kiểu xới lật, lốc xoáy của bão táp mà mặn mà thâm trầm nương theo dòng cảm xúc, chiêm nghiệm của chính nhà thơ. Điều này làm nên chủ âm riêng, vũ khúc riêng của tập thơ.

Trên cơ sở của tư duy đối nghịch, tập thơ "Rác" còn đề cập đến chiều kích khác, đó là không gian của cái chết, nấm mồ. Hình ảnh về cái chết, về nấm mồ được lặp đi lặp lại, trở thành một motif quen thuộc, ám ảnh: cỏ úa nấm mồ; người huyệt mộ; thịt xương chồng chéo cây rừng; lạnh lẽo vòng tròn chật hẹp; đất khép ngôi bạc phận; cỗ quan tài bầm đỏ; xác nguyên sinh nghẹn lối chúng sinh; cỗ áo quan khâm liệm ngày xưa; cô đơn rỉ máu xác mồ; xoáy tận cùng sào huyệt... Chúng mở ra một không gian khác của "Rác" và mở ra một sự đối cực ngay trong tình cảm của nhà thơ. Phải chăng đó chính là cách Đỗ Thành Đồng thể hiện sự bất bình, xót đau trước vận mệnh của con người?

Tình cảm ấy thể hiện rất rõ khi anh chứng kiến cảnh bão lụt ở miền Trung - quê hương mình. Miền Trung là cái eo của cả nước, đón nhận không ít những khắc nghiệt về thời tiết. Những trận đại hồng thủy kéo theo hàng ngàn cái chết: sau cơn lũ ngổn ngang rác rưởi/ xác thân/ vắt lên ngọn cây bần/ đợi (Dòng chảy). Viết về cái chết, anh không khoa trương, ẩn ý mà nói thẳng, nói thật. Vì thế, hình ảnh những xác chết “cuồn cuộn” đổ về và “vắt” lên ngọn cây tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến tình cảm của người đọc trước cảnh lũ chồng lũ của vùng “quê gió lào cát trắng”. Và ẩn đằng sau bức tranh tang thương ấy, người đọc có thể nhận ra, đó cũng chính là cơn lũ lòng, rã rời, héo hắt, xơ xác của một tâm thơ - Đỗ Thành Đồng - trăn trở khôn nguôi với cuộc đời.

Chứng kiến những cảnh đời ngang trái, Đỗ Thành Đồng đớn đau, tê tái. Anh tự dằn vặt mình, tự vấn với thơ: Nhiều khi tận mắt thấy cái ác/ giếng trời nhan nhãn những gương người/ mỏng dày mặt nạ/ ngẩng đầu tự hỏi/ thơ có thể làm gì được không (Thơ có thể làm gì). Làm sao để "mái đầu dòng sông" không "ô nhiễm"? Làm sao để những cô gái có thể vui tươi với cuộc đời mà không phải trở thành gái điếm, chịu "chát chua gia vị cuộc đời", chịu bao lời "cay đắng", "khinh bỉ" vì miếng cơm manh áo? Làm sao để thế gian điệp điệp/ thiên đường (Thiên đường)? Đó là nỗi day dứt luôn trào sôi trong thơ của anh. Nó như một vết thương không thể cầm được dòng máu chảy.

Người du ca - Đỗ Thành Đồng không cần đi qua một miền xa lạ nào mà bước ngay vào chính cuộc sống hiện tại – nơi kiếp người chông chênh để cất lên tiếng nói, cất lên cái tình của mình. Những câu thơ của người du ca ấy có được sức nặng về tình cảm cũng như sự tinh tế trong xử lý ngôn từ bởi đó là những câu chữ được viết ra bằng máu của một tâm hồn không thôi thổn thức với cuộc sống của nhân loại, của một thi sĩ hết mình vì thơ. Những câu thơ được viết ra từ máu:

tôi lang thang thế gian
túi ba gang đầy thơ và máu

(Nhặt)

Cái anh “nhặt” được trong miền viễn du của mình chính là thước đo cho giá trị nhân cách của con người. Anh đã đặt được dấu chân của mình trên con đường nghệ thuật – “dấu chân ngược”. Ngược không phải trái khoáy, lập dị. Mà ngược trong thái độ chối từ những ngọt ngào, giả dối của cuộc sống:

Câu thơ xuyên tường
niềm đau thác đổ
âm thanh độc hành
chỉ riêng nỗi cô đơn nhìn thấy

(Nhìn thấy)

Những câu thơ “xuyên tường” làm nên thanh âm riêng của anh và cũng đẩy anh vào một không gian của chính mình: cái tôi cô đơn. Dường như, trong sáng tạo, đôi khi sự cô đơn của người nghệ sĩ, hành động "di tản vào nội tâm mình..." (Elfriede Jelinek)cũng là cách để họ phản kháng với chính thế giới mà họ đang sống! Những cảnh đời không cho phép Đỗ Thành Đồng làm ngơ và cũng không cho phép anh được “tự do” mà nó cứ ràng rịt, bủa vây trái tim đầy thổn thức của anh. Đó là nghiệp chướng mà anh đã chọn và sống chết vì nó:

Mười năm trước tôi lên chùa hỏi Bồ Tát
sao kiếp này con khổ

Phật trả lời kiếp trước con
dèm pha đọa đày thi sĩ

tôi ôm thơ bên tượng
nam - mô

(Nghiệp chướng)

Bên cạnh mảng thơ về thế cuộc, cái tình của kẻ du ca còn dẫn lối đưa chúng ta "lội vào giấc mơ" với những hình ảnh đẹp, thơ mộng. Những hình ảnh được kết hợp, lựa chọn trên cơ sở của tư duy hội họa lập thể. Kiểu thơ tuyến tính bị phá vỡ, thay vào đó là sự nghịch lý được bắt nguồn từ sự tưởng tượng mới lạ. Nhờ thế, kí ức về tuổi thơ, về mối tình xưa... vừa hiện thực vừa huyền ảo, đưa đến những thi ảnh độc đáo: Lội vào giấc mơ/ luỹ tre cong vít giọt vàng/ dốc ngược tiếng trẻ/ mo cau trắng loé niềm trăng // tháng tư má hồng thôn nữ/ lược trời cài suối tóc đêm... (Trăng quê). Các thi ảnh: lũy tre-giọt vàng-tiếng trẻ; mo cau-trăng-má hồng; lược trời-suối tóc đêm gắn kết theo từng cặp đôi, cặp ba trên cơ sở mở dần các lát cắt của kí ức. Các động từ: lội vào, cong vít, dốc ngược, lóe, cài hỗ trợ, gia tăng nỗi khát khao trở về của nhà thơ. Như thế, cảnh vật và con người không chỉ hòa quyện mà còn tạo nên một bức tranh đẹp, thơ, hư ảo.

Hình ảnh những người mẹ, người vợ tần tảo, lam lũ, thủy chung cũng là nguồn cảm hứng của nhiều thi sĩ. Tạc vào dáng hình ấy là những nỗi niềm khôn nguôi của các nhà thơ. Trong “Rác”, Đỗ Thành Đồng cũng dành nhiều tình cảm cho những người mẹ, người vợ. Nhà thơ thấu hiểu nỗi chờ đợi của "người đàn bà chờ chồng" đến nỗi "nghẹn ngào/ ngập ngụa/ quắt queo" (Người đàn bà chờ) cả tuổi xuân. Nhà thơ còn so sánh nếp sống và nếp nghĩ giữa những người đàn bà với cánh đàn ông bằng giọng điệu chân tình pha với sự hóm hỉnh. Anh nói về tâm lí chung của cánh mày râu, đàn ông mặc "quần cộc áo trần" hay mặc "véc-tông cà vạt" đều không chịu đổi thay trước những "chiếc áo lưới căng phồng", "những chiếc quần lọt khe", trong khi đó, những người mẹ, người vợ lại "kín mít áo yếm", "rậm rịt vải vóc". Ở đây, anh không chê, không thiên vị, ngược lại, qua cách so sánh ấy, anh tôn vinh sự giản dị mang cốt cách của người phụ nữ Á Đông. Những người mẹ, người vợ ấy, trong thơ anh, còn chịu nhiều đớn đau, "lưng còng" khi "cuộc đời đổ lên mái đầu" những đứa con "gió nồm", "gió chướng". Không chỉ nghĩ đến những ngươi mẹ, người vợ, anh còn xót xa cho thân phận của những cô gái điếm: "lạnh ngắt bán mua/ hạnh phúc chớp loé đêm tàn/ ánh sáng ngày ngày nhạt nhẽo/ chát chua gia vị cuộc đời// mơn trớn ban cho ngọt ngào/ phủ phàng gửi lời cay đắng/ sự khinh bỉ gọi tên/ điếm" (Về đâu); đau với nỗi đau của người con gái điên: "cuộc đời lông lốc chàng xay/ khát khao toé máu/ trời mở cánh hồng nhan/ đất khép ngôi bạc phận // ngây thơ và dâng hiến/ những đường cong xé toạc mắt nghiêng/ thất tình và tưởng hận/ ai bắt nàng hoá điên" (Vành khăn trắng); và lặng người, nhức buốt trước những đứa trẻ bơ vơ, "lấm lem" tìm vòng tay ấm của người thân, trước những ngôi mộ tập thể "thịt xương chồng chéo cây rừng", trước cái chết của người con gái có "nụ cười phù thủy" "khoả trần đón gió"...

 Thiết lập không gian mới, cắt nghĩa, tạo sinh từ ngữ... đều cần thiết. Nhưng nếu thơ thiếu cảm xúc, thiếu cái tình của người nghệ sĩ, sự chết yểu của thơ là điều đương nhiên. Bằng tâm hồn giàu suy tư, giàu sự nghiệm trải, Đỗ Thành Đồng "vắt mình kiệt khô", "đắng đót và rạc gầy/ con chữ", "chống lại sự khắc nghiệt của cuộc đời" (Aldous Huxley). Nhờ vậy, ngôn từ trong "Rác" là cuộc hội ngộ, đi về, giao thoa giữa cõi thực-siêu thực, giữa ý thức-vô thức... đầy ám ảnh và day dứt.

“Rác” khai thác khá thành công thủ pháp đối lập. Nếu thủ pháp này giúp Đỗ Thành Đồng tạo nên những thi ảnh đối nghịch, vẽ nên bức tranh muôn màu của cuộc sống thì nó cũng giúp anh thể hiện sự nhật quán trong tư tưởng và cốt cách của người nghệ sĩ:túi ba gang đầy thơ và máu. Có thể, "người ta khen anh giỏi/ rồi lại bảo anh khờ"nhưng đó mới là túi thơ đích thực, bởi chúng được nhìn bằng "đôi mắt của thiên thần" (William Carlos Williams). Trong tập thơ "Rác", với đôi mắt ấy, với cái tình ấy, Đỗ Thành Đồng là một thi nhân thực thụ. 

Đồng Hới, ngày 18-3-2012  

Hoàng Thụy Anh
_____


Một số thơ của Đỗ Thành Đồng

Rác
 
Sáng thức dậy
đón mặt trời
qua bãi rác lì lợm
thời gian rộng rãi vô tình
 
những đàn ruồi bay trên đàn kiến
những con chó đói
và mèo hoang tìm kiếm thức ăn và
tốp người xoi xăm trong rác
 
tôi ngộ ra một điều mà
người bới rác biết từ lâu
trong đống rác nhiều thứ không rác
rác người này máu của người kia
 
tôi cũng ngộ ra một điều mà
trẻ con đã biết từ lâu
trong những vinh hoa chấp chới màu
có thứ phải ra nằm đống rác
 
tôi tìm tôi với rác
để thấy chút ích đời
ta tìm ta với người
để biết phần có rác 
16-3-2011

 
Người đàn bà chờ
 
Chẳng thể nàm nghiêng
chẳng thể nàm ngửa
chẳng thể nàm sấp
người đàn bà chờ chồng
nhắm mắt
ngồi thiền
 
chờ chồng tỉnh cơn say rượu
chờ chồng tỉnh cơn say tiền
chờ chồng tỉnh cơn say tình
chờ chồng tỉnh cơn say mình
chờ chồng hoang ảo
 
mở mắt
tiếng còi tàu xuyên nát trái tim
đêm vỡ toang
cánh đồng hoang
khô khan màu mỡ nứt hoác ngập úng
 
người đàn bà chờ mình tỉnh cơn say chồng
nghẹn ngào
ngập ngụa
quắt queo
khát cuồng 
10 – 7 – 2010
 

Nghiệp chướng
 
Mười năm trước tôi lên chùa hỏi Bồ Tát
sao kiếp này con khổ
Bồ Tát trả lời kiếp trước con bán rượu
không cho Lý Bạch mắc nợ
 
năm năm sau tôi lên chùa hỏi Phật
sao đến giờ con vẫn khổ
Phật trả lời kiếp trước con
dèm pha đọa đày thi sĩ
 
hôm nay tôi lên chùa cầu xin Đức Phật
cho con được chết thay Lý Bạch
hay để con tù tội gông cùm
biết đâu thoát khổ
 
Phật trả lời Lý Bạch bất tử
tù tội gông cùm
cơm áo đừng mơ
con phải trả xong nghiệp chướng
 
tôi ôm thơ bên tượng
nam- mô 
Xuân Tân Mão


Nhặt 
 
Khi tôi viết cho em
bài thơ từ cõi phiêu bồng
gió mây rủ nhau tình tự
mảnh trời tôi xanh trong
 
khi tôi ngóng chờ em
nụ hôn giấu trong túi vải
tôi cầm tôi đôi môi khô tái
mảnh trời ngồn ngộn xác mây
 
khi tôi hiểu về em
trái tim vỡ oằn năm cánh
quả khế chua và úng dần
bầu trời em chơi vơi biển sóng
mảnh trời tôi hải đảo trắng đầu
 
tôi lang thang thế gian
túi ba gang đầy thơ và máu
vung vãi chẳng ai nhặt
em thiên thạch vỡ vụn
tôi nhặt đi kẻo
méo rách thơ tôi 
6-11-2010


Nấm mộ 
nhớ em K
 
sáng
em khoả trần đón gió
bốn phương
cát bụi nụ cười phù thuỷ
hạnh phúc
bong bóng
 
chiều
âm u bên bìa rừng
một bông lau trắng muốt
nghiêng ngã chu hương mốc trắng
gió ru lời cỏ dại
 
em vầng trăng rám trấu
lốc tố cuốn em
xoáy tít
cái chết dựa vào cái chết
cô đơn rỉ máu xác mồ
 
tôi nam mô
cầu nguyện với hư không
hững hờ giọt giọt trăng non
 
hổn hển vành môi
nhịp thở
siêu thoát
lạy trời hoàng hôn trở gió
nấm mộ si-đa 
1- 12-2010

 
 
 
Cuồn cuộn đổ về
máu đại ngàn tức tưởi
xác nguyên sinh nghẹn lối chúng sinh
những cái chết qua mặt thám tử
 
cuồn cuộn đổ về
gã khổng lồ phùng mang trợn mắt
những đôi môi thao thác tổ chim
những bọt bèo sinh linh ngơ ngác
không vuốt mặt
cái chết ruột thắt chiêm tinh
 
cuồn cuộn đổ về
những tiếng rú thất thanh
đồng loại
những tiếng kêu chìm trong mắt đục
những chiếc phao vớt vát lâm chung
 
chốn Thiên Đường rưng rưng tội lỗi
miền Tây Trúc rưng rưng nghiệp chướng
cõi Ta Bà rưng rưng số phận
tầng địa ngục rưng rưng
 
cuồn cuộn đổ về
cuồn cuộn đổ
cuồn cuộn
cuộn 
24 – 10 – 2010
 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tư 20244:08 CH(Xem: 155)
Từng xuất bản 6 cuốn sách về Đà Lạt, nhưng cuốn thứ bảy này là tác phẩm đầu tiên dành cho lứa tuổi thiếu niên.
31 Tháng Ba 20248:31 SA(Xem: 237)
Nhà thơ Nguyễn Văn Gia có đóng góp sáng tác cho Tuyển Tập Tình Thơ Mùa Thu
22 Tháng Ba 20245:31 CH(Xem: 226)
Tôi nghĩ Huy Tưởng sẽ làm thơ đến hơi thở sau cùng.
15 Tháng Ba 20243:03 CH(Xem: 341)
Cung Tích Biền mới tổ chức sinh nhật thứ 88. Mừng anh tuổi cao nhưng còn khỏe.
09 Tháng Ba 20249:20 SA(Xem: 279)
Chúng tôi nâng cốc rượu nhớ về người đã khuất nhưng cứ ngỡ người họa sĩ thân thương vẫn quanh đây
23 Tháng Hai 202411:31 SA(Xem: 448)
Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, một nhà văn như Ngô Thế Vinh vẫn có thể mang đến cảm giác hy vọng và cảm hứng.
16 Tháng Hai 20243:58 CH(Xem: 481)
Tôi ấn tượng mãi về sự im lặng khó hiểu ấy, cả hai ông ngồi bên nhau hàng giờ đồng hồ mà chỉ lặng im và nước mắt nhòe ướt trên đôi mắt của họ...
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 1260)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
27 Tháng Giêng 20244:29 CH(Xem: 616)
Nhân vật tôi của “Dòng sông không ra biển” là cô gái giàu trải nghiệm từ học vấn, đời sống đến chuyên môn nghề nghiệp.
21 Tháng Giêng 20248:53 SA(Xem: 1019)
Đứng hay ngồi trước tác phẩm của Giang, bạn chỉ cần thở vào một hơi và để tâm hồn lắng xuống,
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17070)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19002)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9185)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14021)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19191)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7906)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8505)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21741)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19800)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18061)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24516)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,