Chân dung thơ Lê Đức Hoàng Vân, một ngày nào…

28 Tháng Mười Hai 20162:53 CH(Xem: 6271)
Chân dung thơ Lê Đức Hoàng Vân, một ngày nào…

 

dutule.com (ngày 26 tháng 12-2016): Với những người quan tâm tới sinh hoạt ngôn ngữ Việt, hẳn không thể không nhận ra hiện tượng:

-Tiếng Việt ngày một một mất đi sự trong sáng, nếu không muốn nói là xấu đi bởi xu hướng sử dụng ngôn ngữ một cách bừa bãi, lai căng hoặc, viết tắt một cách tùy tiện…của một số người trẻ thành thị, hôm nay.

-Hiện tượng này, ngày một lan tràn qua nhiều Facebook, hoặc nội dung trong Email, được trao đổi bởi số người trẻ đó.

Chúng ta cùng hiểu, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, đều có những ngôn ngữ hay cách nói riêng, phản ảnh phần nào đặc tính của giai đoạn, hoặc thời kỳ ấy.

Tuy nhiên, điều đó, không có nghĩa ngôn ngữ bị “bẹo dáng”, làm cho dị dạng…đáng tiếc như hiện tại.

Rất may, theo tôi, bên dưới dòng chảy của sự hình thành một thứ ngôn ngữ mang tính “fast food” hay, “mì ăn liền” thì, chúng ta cũng có một ngôn ngữ mà, tôi xin tạm gọi là “Ngôn ngữ mạch ngầm”: Sáng tạo trên những tiêu chí căn bản như hợp lý, tượng hình, tượng thanh, sâu sắc, hàm xúc (đã nghĩa)… một cách đẹp đẽ, mới mẻ, trong sáng dưới tầng sâu.

Đó là thứ ngôn ngữ được lặng lẽ duy trì, khai triển bởi những người trẻ viết văn, làm thơ hôm nay. Rõ nhất, nhiều nhất ở kênh mạch thi ca, theo tôi.

Trong số những người viết trẻ lắng tâm, tìm đến “ngôn ngữ mạch ngầm” đó, có Lê Đức Hoàng Vân.

.

Cách đây không lâu, qua một bài viết của nhà văn Đặng Phú Phong, tôi được biết cõi-giới thi ca mang tên Lê Đức Hoàng Vân.

Giới thiệu 5 bài thơ của Lê Đức Hoàng Vân, họ Đặng ghi nhận:

“… Đọc xong 5 bài thơ, cảm xúc tôi là gai. lạnh. Nỗi cô quạnh nhẹ. chậm nhưng rất chắc, từ từ đi vào tâm hồn. Như một lưỡi cưa máy do tác giả chính là người đẩy cái máy cưa đó, lạnh lùng đưa thẳng vào, và, tôi không thể né tránh. Cả 5 bài đều có những ý tưởng mới. lạ. Chữ dùng cũng khá lạ lẫm trong ngữ cảnh trong veo như có cánh. Tôi chọn bài Người Đàn Bà Với Cây Dù là bài tôi cho là nổi trội nhất và tôi thích nhất để phân tích và cảm nhận. Nói ‘tôi thích nhất’ có nghĩa là trong bài viết ngắn này một phần xây dựng trên cảm tính!


“Không gian mở màn cho bài thơ là một không gian ướt và lạnh. Ướt vì mưa. Lạnh vì sự cô độc đáng sợ của người đàn bà. Có một cái gì đó báo hiệu cho thân phận người đàn bà này. Vì mưa không phải là những giọt tí tách, là những giọt ân cần mà mưa là những chiếc roi gai. sắc. quất sâu như cắt vào da thịt của người đàn bà nhỏ bé: ‘Người đàn bà với cây dù ẩn vào đêm sũng nước Những roi mưa quất ngã chiếc bóng nhỏ nhoi xuống mặt đường đen nhánh’. Và, ‘Đêm vắng tanh vặn mình theo gió lạnh’“. Ai vặn mình? Đêm hay người đàn bà? Tôi cho rằng cả hai. Đêm vặn mình để làm khó người đàn bà. Người đàn bà vặn mình để tránh đi cái vặn vẹo của bóng tối như muốn ép thân thể mình, nuốt chửng thân thể mình. Đồng lõa với bóng đêm là cơn gió tê buốt thịt da. Chữ Vặn trong câu này là một chữ ‘đạt’. ‘Người đàn bà vặn khô nỗi lo, cổng nhà còn để ngỏ Mỗi người lướt qua đều ném lại nỗi thẫn thờ’


“Phải nói câu ‘Người đàn bà vặn khô nỗi lo’ là một câu thật sáng tạo. Tiếc là tác giả không chấm câu ngay tại đây. Cho dứt khoát. Đủ rồi. Không nên phết (,) để nối theo cổng nhà còn để ngỏ…” (Nguồn Website Du Tử Lê.com)

 

Khởi từ đó, mới đây, tôi được đọc thêm một số thơ khác, của Lê Đức Hoàng Vân.

.

Vẫn nằm trong “ngôn ngữ mạch ngầm” với tiêu chí hợp lý, tương phản, Lê Đức Hoàng Vân, trong bài “Trở về”, viết:

“… Ngày trở về -  chân nứt nẻ bước mau

Đường quá xa sao đời ta ngắn lại

Quả đầy cây sao bàn tay mỏi hái

Đời xum xuê sao em úa thu tàn

Còn lại gì

Những vết rạch thời gian

Cứ buốt rát mỗi khi gió thoảng

Xiêu vẹo bước đời hốt hoảng

Khắc khoải lời nhắc nhở trước bình minh

Mùa chưa đi

ngày già nắng tái sinh…”

(Tôi rất thích hình ảnh “ngày già nắng tái sinh…”)''

Cũng vậy, tôi rất thích những tính từ như “ngày vàng”, “sự im lặng” báo trước“dông bão tả tơi”, “lẵng nhẵng trên cành”, hoặc “luống cầy như những vết nhăn”…, trong bài “Tháng Mười”. Chúng không mới, nhưng thích hợp và, tượng hình:

… Sự im lặng báo về dông bão tả tơi

 Ngày vàng như chiếc lá chờ rơi, vẫn lẵng nhẵng trên cành dù đã lìa nhựa sống.

(…)

Những nông dân quắt queo trên cánh đồng lầm lũi

Đôi vai khẳng khiu gánh nặng những dé lúa mập oằn

Luống cày như những vết nhăn

Hằn trên đất đai màu mỡ…”

Và, những hình ảnh khá mới, cũng trong bài “Tháng Mười” đó:

“… Phía sau lưng chòng chành cánh đồng xanh

Phía sau lưng nhăn nhúm mùa đông nặng trĩu

Người cứ cắm cúi đi mà đâu có hiểu

Phía sau lưng, chiếc đòn gánh vẫn chạy theo

Trước mặt là tháng mười như vách đá cheo leo!”

Hay vừa tượng thanh, vừa tượng hình như:

“…Giọt buồn xé tiếng mưa rơi

Giọt như vạt nắng, hong trời ẩm sương”

(Trích “Đêm nghe Richard Clayderman”)

Vân vân…

.

Tôi trộm nghĩ, chúng ta có quyền tin tưởng tương lai, một ngày nào, tiếng thơ họ Lê, sẽ rực rỡ; khi mà Hoàng Vân hôm nay, chỉ mới bước vào tuổi hăm ba…”

Du Tử Lê,

(Calif. Dec. 2016)

.

Mời đọc dăm bài thơ Lê Đức Hoàng Vân.

 

THÁNG MƯỜI

Tháng mười mang trong hồn điều chi

Mà nặng nề, như sắp vắt xoắn bầu trời ẩm đạm

Mà lặng cả một màu tro xám

Sự im lặng báo về dông bão tả tơi

 Ngày vàng như chiếc lá chờ rơi, vẫn lẵng nhẵng trên cành dù đã lìa nhựa sống.

Đất vẫn thênh thang rộng

Trời đã hẹp lại rồi

Thời gian chưa kịp đổi ngôi

Bóng đen vội chụp lên ngày ngắn ngủi

Những nông dân quắt queo trên cánh đồng lầm lũi

Đôi vai khẳng khiu gánh nặng những dé lúa mập oằn

Luống cày như những vết nhăn

Hằn trên đất đai màu mỡ

Hằn lên bao điều quái gở

Đất được mùa mà người trồng trọt vẫn đói nghèo

Tháng mười như vách đá trơn nhẵn, cheo leo ngăn với mùa xuân, người trèo khó vượt

Gió như lưỡi dao, thở dài thườn thượt

Cắt mùa đông thành những lát lạnh cứa thấu xương

Tháng mười như mụ phù thủy áo đen, chẳng buồn soi gương,

Tay gân guốc bủa vào mùa đông những lưới mưa buốt lạnh

Đất màu mỡ sao không là đất thánh

…………………………………….

Người nông dân ném gánh lúa

Dấu chân phèn vàng úa nẻo thị thành

Phía sau lưng chòng chành cánh đồng xanh

Phía sau lưng nhăn nhúm mùa đông nặng trĩu

Người cứ cắm cúi đi mà đâu có hiểu

Phía sau lưng, chiếc đòn gánh vẫn chạy theo

Trước mặt là tháng mười như vách đá cheo leo!



TIẾNG GÀ VỠ ĐÔI

Con sông phơi bụng giữa trưa

Đất khô cháy họng, khát mưa

Giếng khoan đứt đáy sông

chưa thấy gì!

Mùa say nắng - loạng choạng đi

Lúa xanh chưa kịp dậy thì - rưng rưng

Não nề người nỡ quay lưng

Đành thôi!

buôn thúng, bán bưng quê người.

Tiếng rao

Chen giữa tiếng cười

Chân phèn mài khắp nẻo đời gần xa

Giọng quê đẫm nỗi nhớ nhà

Chao nghiêng giấc ngủ, tiếng gà vỡ đôi

Thời gian trôi

Thời gian trôi

Giấc mơ lũ cuốn

Vỡ đôi tiếng gà!

(Những ngày miền Trung mưa lũ - Tháng 12/2016)


 

SÀI GÒN CUỐI ĐÔNG

Sài Gòn cuối mùa áp thấp

Nắng mưa bất chợt bần thần

Gió len lén gieo rét mướt

khăn quàng lạ lẫm bước chân

 

Sài Gòn bỗng nhiên trở lạnh

Chiều thương khói bếp quê nhà

Quấn quýt chút tình rau chại*

Bồn chồn điên điển** ngõ xa

 

Sài Gòn cuối đông lóng ngóng

Dằn lòng đừng để ướt mi

Trời co ro ôm khối lạnh

Giọt buồn giăng lối người đi

 

Sài Gòn ... ai thêm một tuổi

Quên mây đợi tím góc sầu

Ngỡ ngàng cuối mùa gặp lại

Người

Và ánh mắt rất sâu.

Sài gòn 12/2016

………………………………………………………………………………………………………

(*)Rau chại: Một loại rau rừng,  có đọt non cong tròn, là món rau đặc sản của miền Tây Nam bộ (dòn, ngọt, dùng nhúng lẫu, xào thịt, luộc,…)

(**)Điên điển: loài hoa màu vàng thường được trồng ở lối đi hoặc mọc dại theo kênh rạch miền đồng bằng sông Cửu Long, dùng nấu lẩu, làm dưa chua, kho cá hoặc ăn sống.


 

TRỞ VỀ

Những ngày không mùa không biết nắng hay mưa

Bàn chân mỏng áp mặt đường bỏng rực

Tay luồn gió ngày đêm thao thức

Chẳng nắm được gì

Đôi tay gầy cố níu những chuyến đi

Xuôi ngược trần gian trũng sâu khóe mắt

Lầm lũi bước nương theo bờ héo hắt

Biết ai chờ cuối nẻo nhỡ nhàng…

đau!

Ngày trở về -  chân nứt nẻ bước mau

Đường quá xa sao đời ta ngắn lại

Quả đầy cây sao bàn tay mỏi hái

Đời xum xuê sao em úa thu tàn

Còn lại gì

Những vết rạch thời gian

Cứ buốt rát mỗi khi gió thoảng

Xiêu vẹo bước đời hốt hoảng

Khắc khoải lời nhắc nhở trước bình minh

Mùa chưa đi

ngày già nắng tái sinh



ĐÊM NGHE RICHARD CLAYDERMAN

Tay đẩy gió tay xô mưa

Lùa đêm tối, gom nắng trưa

Giọt đàn rơi xuống - lá xưa xanh rừng

Giọt đuổi nhau - giọt ngập ngừng

Xâu thành chuỗi nhớ treo lưng chừng đời

Giọt buồn xé tiếng mưa rơi

Giọt như vạt nắng hong trời ẩm sương

Tay ai buông sợi tơ vương

Trói hồn người giữa vô thường

Đêm vơi!

LĐHV.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười Hai 202311:23 SA(Xem: 694)
Đã lâu lắm rồi, lâu đến nỗi tôi không nhớ lần cuối cùng mình đã ngồi đọc liền mạch hết một cuốn sách là khi nào.
21 Tháng Mười Hai 20234:56 CH(Xem: 580)
Phong cách viết của Phạm Thanh Chương rất mới, đầy tính sáng tạo dù anh viết những đề tài không mới.
07 Tháng Mười Hai 20231:22 CH(Xem: 625)
Vĩnh Quyền đã lục lọi, xáo trộn, lắp ghép kí ức để từ quá khứ trình hiện cái đa chiều của thời hiện đại: “Trong vô tận song song gặp nhau?”
22 Tháng Mười Một 20239:40 SA(Xem: 783)
Anh có thấy mình giống như mẫu hình thi sĩ mà Xuân Diệu đã từng khắc hoạ: “Tôi là con chim/ Đến từ núi lạ/Ngứa cổ hót chơi…”?
09 Tháng Mười Một 20233:44 CH(Xem: 924)
Ann Phong đang để lại những dấu vết và còn thời gian khá dài để tiếp tục lưu lại nhiều dấu vết khác.
02 Tháng Mười Một 20231:07 CH(Xem: 1060)
Trần Hạ Vi đã cho ra đời tác phẩm thơ đầu tiên - Lật tung miền kí ức (2017), và mới đây nhất, năm 2020, là tập thơ thứ hai - Vi.
27 Tháng Mười 20231:01 CH(Xem: 903)
Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết Khánh Trường đều là các hình tượng rất mong manh, dễ dàng hư vỡ.
20 Tháng Mười 20235:24 CH(Xem: 1025)
Trần Thiên Thị viết tắt TTT hay đọc là 3 Tê, tôi liên tưởng đến những T thơ ca:
14 Tháng Mười 20239:58 SA(Xem: 848)
Thơ Phan Ngọc Thường Đoan là những tâm trạng miên man buồn. Nỗi buồn, nỗi đau đớn và có cả sự thẫn thờ, cô đơn đến chạnh lòng, cô đơn đến chới với. Đọc thơ Thường Đoan, tôi nhận thấy chị là nhà thơ của sự “cô đơn”.
07 Tháng Mười 202310:30 SA(Xem: 1011)
Mùa Sen. Đang giữa mùa sen, tranh của Hòa cũng đã nở những đóa sen của tình yêu và niềm hy vọng được chữa lành, được trở lại.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17056)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12265)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9177)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8349)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14006)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7901)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11067)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22913)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19258)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,