TÂM NHIÊN - Nhập Cõi Tình Cõi Tịnh Diêu Linh

04 Tháng Ba 20199:31 SA(Xem: 4989)
TÂM NHIÊN - Nhập Cõi Tình Cõi Tịnh Diêu Linh

Miệt mài thương ghét sớm khuya
Rồi mai cũng vất nơi bia mộ mình

Kinh hồn khiếp vía, chấn động cả tâm can, khi chiều nay nằm võng đong đưa giữa hai đầu biển núi, đọc câu thơ này của Diêu Linh. Diêu Linh, Diêu Linh là ai mà lâu nay thiên hạ ngơ ngác, bàng hoàng tự hỏi, không biết nàng thơ ở đâu, xuất hiện tự bao giờ trên mặt đất? Thật gay cấn, ly kỳ, khi bất ngờ nàng thơ lên tiếng, vào một đêm vàng trăng khuya bữa nọ bên quán gió bờ sương, mộng lữ hư tình:

Hỏi tên rằng vẫn Diêu Linh
Hỏi quê rằng vẫn một mình lang thang
Hỏi nghề mở quán bên đàng
Thả thơ gieo mộng tình tang hồng trần

Thật ấn tượng, nàng thơ đơn thân độc mã, xỏa tóc bay dài trên phong thái phiêu bồng, lộng gió Diêu Linh. Một nữ sỹ dị thường, tài hoa, đi về nhập cuộc thi ca cùng văn nghệ sỹ, lang thang giữa hội chợ ta bà. Mở quán trà thơ, mời khắp hảo hán giang hồ, tao nhân mặc khách cùng nâng chén tri âm:

Dập dìu mặc khách tao nhân
Xin mời ghé lại tần ngần quán tôi
Trà xanh đã ướp thơm rồi
Trầm hương cũng đã xông đôi nén chờ
Cảo thơm lần giở bâng quơ
Mời người múa bút thảo thơ gieo vần
Mặc đời còn lắm phù vân
Mang lòng ta sưởi ân cần cho nhau

Một lời mời chơn chất, chân thành, nồng nàn, tha thiết làm sao ! Chứng tỏ chủ nhân là một người đại lượng, bao dung, muốn chia sẻ cùng tất cả bạn bè niềm tương giao, bắc một nhịp cầu tâm cảm, hàn gắn, nối kết lại những sụp đổ, vô thường, tan nát, bể dâu giữa lòng nhân thế:

Về đây vá lại nỗi đau
Nhát từ vô thủy cứa nhàu tâm can
Về đây khai mộng quan san
Bị vùi từ những bẽ bàng nhân sinh
Về đây nở nụ cười tình
Cho lòng nhẹ bớt lênh đênh thăng trầm
Về đây gieo một chữ “tâm”
Cho thương yêu nẩy nụ mầm trong tim
Về đây ngồi lại lặng im
Nghe lời tri kỷ huyễn tìm chi xa

Chư bằng hữu bốn phương tề tựu về đây, say tình bạn trong quán thơ. Thở cùng bầu khí hậu ruột rà, bày tỏ, bộc bạch, thổ lộ ra biết bao lời tâm đắc, rất mực tri kỷ tri âm, nhắc nhở đủ thứ chuyện với nhau rằng: Cuộc sống là huyễn mộng, phù du… Cuộc tình là hư ảo, vui buồn… Cuộc lữ là lên đường, buông xả… Cuộc thơ là sáng tạo, khai mở bao la… Cuộc đời là… Cuộc đạo là… Tâm là… Thiền là… Thôi thì vô số kể… Diêu Linh lặng hồn lắng nghe hết, chấp nhận hết trong một niềm thẩm thấu sâu xa:

Quán thơ nơi cõi ta bà
Tịnh tâm cứ tịnh thiền ta cứ thiền
Mai này ai biết gieo duyên
Thành người ngộ đạo độ phiền não vơi
Quán tôi mở cửa xin mời
Khách từ tâm ghé thả rơi thơ đầy
Tôi xòe hứng hết trên tay
Kết thành cổ tích chẳng vay vốn lời
Còn chờ chi nữa xin mời
Ghé vào quán góp một lời cho Linh

Quán Linh là bài thơ mở đầu vào thi phẩm Cõi Linh. Cõi Linh có 86 bài thơ, đủ thể loại, xen lẫn nhiều phụ bản tranh minh họa của tác giả.

Tập thơ chia làm hai phần: Cõi Tình và Cõi Tịnh. Một tập thơ tuyệt mỹ, từ hình thức đến nội dung.

Cõi Tình là cõi Mộng, Cõi Tịnh là cõi Thiền. Phải chăng, đó là đôi cánh thơ bay vút lên thiên thanh vĩnh thúy giữa bầu trời tâm thức rực rỡ, huy hoàng Diêu Linh ? Một thế giới mới lạ, tân kỳ, có thơ nhạc họa hòa âm thâm thiết, vừa động vừa tịnh, vừa ca hát, nhảy múa, vừa thanh thản, an nhiên. Nơi quán thơ đó, nữ sỹ niềm nở, hào phóng, lòng rộng rãi đón chào bao viễn khách từ phương xa tới, không phân biệt thân sơ, quen lạ. Tuy nhiên, khi về khép cánh cửa phòng văn, nơi Cõi Tình riêng biệt của mình, thì nàng thơ lại có một thái độ kín đáo, e dè hơn, dù tình nhân đã dừng bước giữa đêm khuya ngoài trời mưa gió lạnh, co ro đứng đợi trước hiên thềm:

Đêm qua mưa đổ ta ngờ
Người vào gõ cửa xin nhờ trú thân
Lòng toan mở nhưng ngại ngần
Thôi thì cứ để thêm lần tìm nhau
Ngày xưa cách trở sông sâu
Chức Ngưu còn nguyện bắc cầu huống chi
Mai này đâu biết có khi
Vì anh ta bỗng từ bi tình trần

Chỉ mấy vần thơ ngắn cũng đủ vẽ nên một cuộc tình thơ mộng, gây xúc động khôn dò. Thật là khó hiểu, khi người ta yêu thương, quý mến nhau, tìm đến nhau thì lại không muốn gặp mặt nhau? Có lẽ mang cốt cách tiên nữ bị đày xuống trần gian hay chăng, nên nàng thơ chưa quen những cuộc thình lình, bất ngờ ghé thăm vào lúc giữa đêm mưa gió như thế ? Thành thử nàng cứ giữ khoảng cách, không mở cửa, chẳng nói năng gì, chỉ biết mỉm cười, thầm lặng trong nỗi cô đơn rờn lạnh, thành Tâm Khúc Ru những lời chi hư ảo:

Hồ như hệ lụy trên đời
Tan thành sương khói từ người chia chung
Nghe trong sâu thẳm tận cùng
Lời tri âm gọi còn rung tim hồng

Ta về thả sợi sắc không
Chìm vào ru khúc mênh mông nỗi tình
Chỉ là tiếng hát vô thinh
Mà sao vọng đến tâm linh nghìn trùng

Cười ơi mấy nụ bao dung
Từ tâm trổ nhánh chia cùng lời ru

Bao dung mấy nụ cười từ tâm là hình ảnh tâm hồn đằm thắm, thùy mị, có một vẻ đẹp thuần nhiên, chơn mỹ. Vẻ đẹp tự nhiên, bồng tênh trên những bước chân qua khu công viên rộng rãi vào một chiều thu lá vàng xào xạc ở thủ đô Canberra thơ mộng của nước Úc. Nơi mà nàng thơ đang sống định cư, từ bao tháng năm dài, đã từng trải qua rã rời lạc bước hoang mang, từng dãi nắng dầm sương, thưởng ngoạn bao Mùa Vàng qua dưới gót mộng thanh tân:

Mùa về lá vướng gót chân
Vàng rưng nỗi nhớ bần thần ngóng trông
Người còn đứng đợi ta không?
Ta về tìm lại thuở hồng hoang xưa
Ở phương ấy nắng hay mưa?
Nơi này lá đổ cũng vừa mùa sang
Lá giăng kín lối địa đàng
Chân đi lạc hướng hoang mang rã rời
Chập chờn trên bước mù khơi
Lá vàng rơi lá vàng rơi lá vàng…

Mùa sang là qua mất, lá vàng rơi là héo úa, tàn phai, đã bao mùa xuân hạ thu đông cứ vô tình trôi đi, trôi đi hết những mộng tàn năm tháng cũ, để lại bao nỗi nhớ thầm thì… Vì sao như thế, hỡi người anh viễn xứ, còn đang mãi miết tung cánh chim hải hồ, phiêu du cuối phương trời xa hút, tận bên kia địa cầu. Dầu ở đâu, em cũng vẫn hoài nghe đồng vọng về trong lòng mình những Linh Khúc, những lời tình tự thiết tha:

Hình như có tiếng gọi ta
Lời tha thiết quá vỡ òa tâm linh
Phải chăng ở chốn vô hình
Người về đứng đợi gọi tình trong nhau
Vọng tim ta đến ngọt ngào
Cho hồn phút chốc lao đao nhịp rồi
Ta về chắp chữ thành đôi
Cho miền nhung nhớ xa xôi hóa gần
Ta về gieo tứ nối vần
Cho lời yêu mãi ân cần trong thơ
Ta về hát khúc vu vơ
Nghe lòng trẩy hội ngẩn ngơ giao mùa

Mùa trăng hạnh ngộ, giao tình qua một Thoáng Duyên thôi. Chỉ một thoáng mà tương tư suốt mấy canh trường:

Tình tơ trót đã vấn vương
Chờ nhau dẫu biết vô thường nợ duyên
Tìm trong cõi nhớ vô biên
Thấy mơ màng lắm trinh nguyên nét cười
Thoáng duyên còn thắm tình ơi!
Tạ ơn tình đã vào đời ru ta…

Quá cùng quyến rũ, ru hồn mộng đắm say ngà ngà là tình yêu diệu kỳ như thế, để nàng thơ tạ ơn đời qua mấy mùa thanh xuân rực rỡ, bồi hồi... Rồi đến nay chừng cuối thu vàng lãng đãng, nàng vẫn còn nghe thấm thía trong cơn gió thổi sang mùa. Mùa lang thang, lãng mạn dường như đã chạm đến bước cuối cùng trong Cõi Tình thơ với mộng bồng bềnh, lênh láng bao nỗi nhớ niềm mong… Trong cõi đó, nữ sỹ tuy ném trọn hồn mình vào lịch nghiệm, hòa âm thâm thiết cung bậc yêu thương, nhưng không dừng lại ôm giữ tình yêu trong đôi cánh tay chiếm hữu, mà đã xả buông, vượt qua, vượt qua một cách nhẹ nhàng, ngoạn mục và thấp thoáng, thấy được một nẻo đi về nguồn Cội:

Tìm ta một cội nghỉ chân
Giữa chan chát nắng giữa tầm tã mưa
Ngược dòng sinh tử xô đưa
Tìm ta một cội để vừa đủ che
Lối quen khấp khểnh đi về
Gót chân đã mỏi đam mê đã chùng
Ta từ vô thủy mịt mùng
Bước chưa ra khỏi một vùng nhân duyên

Tìm ta một cội Chân nguyên
Vào nương bóng mát nhập miền vô ưu

Cội Chân nguyên hay Chân tánh đang tỏa đầy bóng mát, che chở cho nàng thơ lênh đênh xuôi ngược trên dòng sinh tử trở về lại an lành. Thanh thản cười an nhiên, nghe phiêu diêu, tiêu dao, xuất thần khi nhập sâu vào Cõi Tịnh linh diệu trong tận đáy tâm hồn. Hốt nhiên, một Buổi Sáng Trong Vườn, ngay giữa vô thường, sinh diệt, thấy ra bao nhiệm mầu trong từng hơi thở vào ra:

Sáng nay rót một chén trà
Trong vườn chim hót dưới hoa tự tình
Lắng nghe hơi thở của mình
Thấy bao mầu nhiệm trong sinh diệt này

Đó là cái thấy tinh khôi của diệu quan sát trí. Nữ sỹ bất thần chợt bừng chiếu tuệ nhãn qua cái nhìn sờ sững, ngạc nhiên. Đã nhiều sớm mai hồng uống trà trong vườn cây này rồi cũng bình thường thôi, chẳng thấy điều chi xảy ra cả, Duy chỉ hôm nay, buổi bình minh, tinh sương này, mới thình lình thấy sự mầu nhiệm xảy ra, khi nhìn một cánh hoa tàn rơi trên bãi cỏ xanh rì. Thi sỹ Quách Thoại cũng một lần duy nhất trong đời, có một cái thấy lạ lùng như thế, khi nhìn đóa hoa Thược Dược lặng lẽ trổ bông bên hàng giậu, sau vườn hoang im ắng:

Lặng yên bên hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Sực nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu

Người thi sỹ thường hay nhạy cảm gấp bội hơn người khác, cách nhìn đời, cảm nhận sự vật chung quanh cũng không giống ai. Cõi tư tưởng của họ lại càng thênh thang, vượt thoát mọi suy nghĩ bình thường. Sương gió, nắng mưa là thế, anh tôi, câu chữ thơ văn là vậy, qua nhãn quan của Diêu Linh lại thấy ra lẽ tương duyên, trùng trùng duyên khởi:

Trong vạt nắng có chiều mưa

Trong áng mây có ngày xưa khung trời
Trong anh nghìn kiếp có tôi
Trong bao câu chữ có lời vô ngôn

Còn gì tuyệt diệu hơn nữa! Từ Cõi Tình qua Cõi Tịnh, ngôn ngữ nữ sỹ nhảy vọt sang một cung bậc rung ngân bất tận, ấy là tâm ngôn, huyền ngôn, mật ngôn, linh ngôn, tuy vô ngôn mà vẫn nghe vọng âm, lấp lánh ánh Chân Như, tự tánh thanh tịnh, vĩnh hằng:

Cắt đường mòn ngôn ngữ
Biết trong cái không lời
Để tâm ngôn vắng lặng
Chân Như hiển lộ thôi

Đến chỗ này, phải chăng là đã đặt chân lên trên tuyệt đỉnh núi cao của tâm ngôn lộ tuyệt ? Ở đây, bát ngát một trời thơ thiên thu, sớm chiều khói sương vần vũ, nữ sỹ nhập pháp giới Hoa Nghiêm, thấy tất cả là một, một là tất cả, đều viên dung trong tự tánh huyền đồng giữa thực tại hiện tiền:

Hiện tại - tỉnh thức thôi
Ta quay về chánh niệm
Bây giờ không tìm kiếm
Không có người có ta
Không thấy rác thấy hoa
Rác, hoa, người, ta: Một

Một là tất cả, tất cả là một, là cái thấy tương duyên, sự sự vô ngại thật bất khả tư nghì. Khi tâm thức bừng sáng, chiếu hiện ngời trí tuệ, thấy ra vạn pháp vô ngã là tha hồ rong chơi, khởi phát đại bi tâm, nhập diệu phiêu nhiên vào dòng đời trôi chảy... Rung động với từng thân phận, cảm thông với giọt lệ và nụ cười, chia sẻ nỗi ngậm ngùi với cát bụi, trần ai:

Xin nghiêng xuống một bờ vai
Nâng dòng nước mắt buông dài trên mi
Để cho phiền não tan đi
Tình người ở lại vô vi giữa đời

Xin chia nhau một nụ cười
Dẫu riêng lòng vẫn trùng khơi nụ sầu
Quanh người còn lắm bể dâu
Buồn ta nào có thấm đâu vạn lần

Xin trao ánh mắt ân cần
Hồn toang mở chẳng ngại ngần bước vô
Mạch tim ngày tháng nghẽn khô
Giờ cuồn cuộn chảy vỡ hồ tâm tư

Ồ! Chỉ cần một ánh mắt hiền từ, một nụ cười hiểu biết, thương yêu thôi là cũng đủ giúp đỡ cho biết bao người bất hạnh sống vượt qua được một mùa đông lạnh giá. Thật vậy, Diêu Linh luôn luôn mỉm cười, niềm nở, ân cần chia sẻ gần xa, đã từng thực hiện những chuyến viễn hành làm từ thiện : Hiến tặng phẩm vật cần thiết cho đồng bào dân tộc Việt Nam, đào hàng chục giếng nước cho người dân nghèo xứ Miến Điện, sống hẻo lánh trên những vùng quê xa ngút dặm nghìn:

Xin lắng nghe nỗi xót xa
Hiểu đời còn những trầm kha quanh mình
Chẳng cần nói hãy lặng thinh
Mà nghe sâu thẳm có tình tri âm

Tâm từ lấp lánh, long lanh hạnh đức, rất mực thuần lương, phúc hậu, Diêu Linh thường hành Bố thí hạnh ở nhiều nơi chốn xa xôi… Rồi có nhiều lúc cũng rời bỏ phố thị ồn ào, náo nhiệt lên non cao ngồi thiền, nhập thất, vất hết những cuộc tình hư huyễn xuống truông sâu. Dấn mình vào cuộc thể nghiệm tâm linh tuyệt đối, mới hay mình vẫn còn những tập khí nghìn đời chưa quét sạch, vẫn còn chất chứa ở bên trong:

Cuồng ta nhốt gió trong lòng
Chờ xem cây lặng nơi giông bão mình
Đùa ta vứt một chữ tình
Ngang nhành hư huyễn thình lình gãy đôi
Cười ta như thể ngộ rồi
Nhanh nhanh ra cửa luân hồi vào Không
Một hôm nổi trận bát phong
Cuốn ta về lại cõi mông mênh này

Bát phong là tám ngọn gió làm lay chuyển lòng người: Vui buồn, được mất, khen chê, vinh nhục. Đúng vậy, thành thực nhận biết chỗ đứng của chính mình tới đâu là điều quan trọng nhất, để tránh những hoang tưởng, ảo tưởng, vọng tưởng mà những người mới vào cửa hành thiền đều mắc phải. Cho nên, tự biết mình chưa đủ sức buông bỏ triệt để, rốt ráo như các Thiền sư được, nữ sỹ liền xuống núi:

Gùi kinh bỏ lại trên ngàn
Mai về viễn phố rộn ràng cuộc chơi
Bao năm biệt mộng bên trời
Lên non diện bích học đòi hoát nhiên
Một hôm chợt tỉnh cơn thiền
Ngó ta ta vẫn cuồng điên thuở nào
Phạn thư xếp lại non cao
Làm thân tục khách ra vào tử sinh
Ô hay ta vẫn phàm tình
Nơi tam thế mộng một mình… chiêm bao…
Sáng đi khất thực trên cầu
Hóa duyên cơm áo (và câu thơ tình)
Khuya nghe chuông rụng xuống đình
Xòe tay bắt được ngỡ mình hoát nhiên

Đó là bài thơ Hoát Nhiên mà Diêu Linh thích nhất, vì nói lên được sự thành thực trên bước đi của tâm thức mình. Biết được như thế là đã thấy đường về, không bị mắc vướng vào những vọng tưởng, vô minh. Thích chi thì làm nấy, Diêu Linh là vậy. Một kẻ ôn hòa trong hội họa với những màu sắc, nét vẽ đơn sơ, giản dị, nhưng trong thi ca hay trong thực tế đời thường lại khác, lại là một nghệ sỹ phóng khoáng, sáng tạo, muốn bức phá, nhảy qua những khuôn mòn lối cũ, muốn tháo gở, mở tung hết mọi cánh cửa hồn sâu cho nhật nguyệt ùa vào. Có lúc đồng cảm với cách điệu phiêu hốt điên rồ, phá chấp, phá tướng như rỡn đùa của Bùi Giáng, nữ sỹ cũng tập tành thử điên dại một phen chơi:

Thôi ta nằm vạ với đời
Bỏ quên nguyện cũ bên trời Chân Nhiên
Có lần ta thử giả điên
Bây chừ điên mãi nơi huyên náo này
Có lần ta tập tễnh say
Bây chừ chuếnh choáng giữa hai ngả đường

Giữa hai nẻo đường đời đạo, ngộ mê ấy, nàng thơ có một thái độ trung dung. Sống thật, nói thật, không giấu giếm điều chi vi tế về mình là thể hiện sự hồn nhiên, trong sáng, không đeo mặt nạ diễn tấn tuồng bi hài kich cuộc đời. Vì thế, nàng thơ hát khúc Ngạo Ca, cho biết mình có dòng máu điên điên cỡ Phạm Công Thiện, Nietzsche, Nerval, Strindberg, Pound, Van Gogh, Hoelderlin, Nijinsky, chứ không phải thông minh, khiêm cung, như mọi người lầm tưởng là dễ thương, ngoan hiền gì đâu:

Ta là loại giở chứng điên
Mà người cứ tưởng tịnh thiền ô hay!
Ta là kẻ thích cuồng say
Mà người cứ tưởng ta bày tiệc chơi
Ta là một đứa dở hơi
Mà người cứ tưởng tuyệt vời thông minh
Ta là hạng khoái ngông nghênh
Mà người cứ tưởng thật tình khiêm cung
Ta là con bé khật khùng
Mà người cứ tưởng vô cùng thẳm sâu
Ta còn ngụp lặn bể dâu
Mà người cứ tưởng từ lâu ngộ rồi

Ôi chao! Thật là lạ lùng, một thục nữ duyên dáng, thuần hạnh, thanh thoát như thế mà lại muốn điên cuồng như vậy. Phải chăng, đây là cơn bệnh điên giống như nghệ sỹ Nijinsky: “Tôi là Thượng đế trong con người. Tôi cảm những gì Christ đã cảm. Tôi giống như Đức Phật: Tôi là Đức Như Lai Phật giáo và là tất cả mọi Thượng đế thiên hình vạn trạng. Tôi quen biết tất cả những vị đó. Tôi đã gặp gỡ tất cả những vị đó. Tôi giả vờ làm thằng điên một cách cố ý vì những mục đích riêng tư của tôi. Tôi biết rằng, nếu mọi người nghĩ rằng tôi là một thằng điên vô tội thì họ sẽ không sợ tôi. Tôi không thích thiên hạ nghĩ rằng tôi là một thằng điên nguy hiểm. Tôi là một thằng điên yêu thương nhân loại. Cơn bệnh điên của tôi là tình thương của tôi đối với nhân loại.”*

Có lẽ, Diêu Linh vì quá thương yêu cả thập loại chúng sinh như Nijnisky nên muốn cuồng điên rồ dại, muốn hý lộng, ngông nghênh cho vui thế thôi. Mình nghe như vậy mà không phải vậy thì mới phần nào, hiểu được chiều sâu thẳm trong lòng nữ sỹ. Một tâm hồn đã nhào lộn qua khắp cõi Đông Tây tư tưởng, từng lên núi nhập thất nhiều lần và nhất là, đã cảm nhận Chân Như giữa trùng trùng duyên khởi, đã thưởng thức được hương vị cô liêu ngay trong vườn Tâm trầm tịch, tịnh yên:

Diêu Linh làm nhiều thể loại thơ, nhưng sở trường nhất là lục bát, như bài Lục Bát Không Đề trên. Khi biết rõ ràng “vô thường được mất có hề chi đâu” là nàng thơ mỉm cười vô sự. Cứ tùy duyên đến đi, tiếp xúc với mọi người, với bất cứ việc gì xảy ra ngay trước mắt. Buông xuống hết những ngày tháng lưu lạc, tha phương, làm thân cùng tử, sống trong mệt mỏi rã rời, tơi tả khắp muôn nơi:

Lang thang cuối đất cùng trời
Ta người cùng tử bụi đời rác rơm
Từ khi vào cuộc áo cơm
Quê hương vời vợi một vòm trời xa

Ta là cùng tử không nhà
Ngồi mơ mái ấm chan hòa tình thân
Bao phen lòng cứ ngại ngần
Tủi mình thấp kém lần khân chưa về

Ta còn cùng tử u mê
Loay hoay khắp nẻo nhiêu khê mịt mùng
Ta tên cùng tử du phương
Đi hoang một thuở tìm đường về thôi

Ô hay có sẵn đây rồi
Nay ta cùng tử về coi kho tàng

Nàng thơ ví mình như tên cùng tử trong kinh Pháp Hoa. Sau một thời gian lang thang lêu lổng, sống phong trần, vất vả, tha phương cầu thực, mới quay trở về cố quận, khi khám phá ra kho tàng châu báu vốn sẵn có trong nhà. Đó là kho tàng Phật tính, Tuệ giác hay Tự tánh thanh tịnh, bất sinh bất diệt của mình vậy.

Thấy được như thế là đã vào cửa sơ ngộ rồi. Từ sơ ngộ đến đại ngộ cách nhau đường tơ kẽ tóc mà thôi, chỉ cần một trận cười hoát nhiên, “ồ lên một tiếng”. Tuy nhiên, nhưng mà có lẽ ở đây, kỳ nữ Diêu Linh chưa muốn “ồ lên một tiếng” chi cả. Mặc dù đã thấy cái bao la trong một đóa hoa nhỏ dại, ngay sau vườn bên cạnh thềm hiên:

Người đi tìm kiếm vô biên
Ở trong rừng thẳm trên triền núi xa
Còn tôi nhìn thấy bao la
Sáng nay ở giữa bông hoa sau vườn

Bước đi thi ca đã đến mức thượng thừa như vậy, vượt ngoài mọi biên giới hữu vô, từ tình đến cảnh, từ tâm đến vật, từ hiện thực đến siêu thực, từ ẩn dụ đến tượng trưng… Vì thế, mọi luận bàn, đánh giá phải dừng lại, không nên ồn ào, bàn luận, phê bình chi thêm nữa về nguồn thơ, suối thiền:

Thuận dòng sinh tử hóa duyên
Không phân biệt chẳng nhị nguyên là gì
Ta trồng hạt giống từ bi
Ngày sau kết trái vô vi cúng dường

Hạt giống, chủng tử từ bi tâm, đại bi tâm ấy đã mọc lên sum suê thành những cành nhánh, hoa qu : Linh tâm, linh hồn, linh cảm, linh ứng, linh tự, linh khúc, linh huyền, linh mộng, linh trí, linh tuệ, linh vi, linh diệu, linh ẩn, linh hiện, linh địa, linh thiêng, linh thần, linh dược… vô lượng vô biên giữa vườn thơ Diêu Linh mênh mông, rộng rãi đó rồi. Bất cứ ai hữu duyên đều được thọ hưởng, thưởng thức hương vị tuyệt lành, thanh khiết đó ngay bây giờ, ở đây. Ở đây và bây giờ thở nhẹ lòng, rỗng rang trên từng bước thong dong:

Thõng tay vào chợ đề huề
Đạo đời hai ngả đi về thế thôi

Cười theo mây trắng sương chiều phiêu phất bên triền núi, tập thơ Cõi Linh của Diêu Linh trên tay vừa khép lại, tôi mới biết nàng thơ sinh ra tại Sài Gòn, lớn lên ở Adelaide, một tiểu bang miền Nam, Úc Châu. Diêu Linh đã tốt nghiệp ngành Tâm lý học và Khoa học Điện toán. Đang làm việc trong lãnh vực Công nghệ, Thông tin. Thích đọc thơ Bùi Giáng, văn Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện…

Ngoài văn thơ, nữ sỹ còn thực tập Thiền, yoga, yêu thiên nhiên, làm từ thiện và hoạt động ngoài trời. Sống độc thân, ưa khôi hài, lãng mạn, đàn hát, đọc sách, vẽ và thỉnh thoảng, vác ba lô, lên đường đi du lịch khắp nơi qua mọi xứ miền trên thế giới như : Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ý, Đài Loan, Hàn Quốc, Miến Điện, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan, Na Uy, Campuchia, Singapore, Tân Tây Lan, Tây Ban Nha, Cộng Hòa Czech, Tiểu Vương Quốc Á Rập… Đến đâu cũng hòa âm, khơi mở niềm vui cho những tâm hồn đồng điệu…

Trong đó có tôi, một bằng hữu thân tình trên cuộc đăng trình vạn lý thi ca của Diêu Linh. Phải chăng, nàng thơ chính là người em nguyên thủy mà du sỹ này đã từng gặp gỡ, yêu mến, cùng song hành giữa muôn trùng cuộc lữ, từ vô lượng kiếp đến nay?

Những ngày cuối năm, đang phiêu bồng theo sông nước Long Xuyên, tôi nhận được tập thơ của Diêu Linh từ Úc Châu gởi về (do sư Giác Tín chuyển lại) với lời đề tặng:

Ta từ vô thủy mịt mùng
Bước chưa ra khỏi một vùng nhân duyên

Quý mến tặng anh Tâm Nhiên

Khiến lòng quá đỗi bồi hồi, xúc động, không ngờ gã du sỹ bụi đời này được nàng thơ tận bên kia đại dương chiếu cố, ưu ái, trải rộng nhiệt tình ra như thế. Càng xúc động hơn, khi thấy ở phần Phụ lục cuối thi phẩm, có bài thơ Muôn Chiều Diêu Linh mà tôi mần tặng nàng thơ, tự bao giờ không nhớ nữa:

Diêu Linh nữ sỹ ly kỳ
Rất là gay cấn bước thi ca về
Bàng hoàng giữa tỉnh hay mê
Ta bừng dậy thấy trăng thề nguyện xanh

Tự bao giờ thuở ngọn ngành
Người em nguyên thủy gặp thanh thoát ngời
Rồi bao tuế nguyệt xa xôi
Bất ngờ tái ngộ bồi hồi… dạ thưa…

Em đi cung bậc thượng thừa
Khắp toàn thế giới cùng mưa nắng tràn
Ta về tấu khúc thênh thang
Theo em cho đến tận ngàn năm sau…

Tâm Nhiên

Thơ Diêu Linh, trích trong tập thơ Cõi Linh. Văn Hóa Văn Nghệ xuất bản, Sài Gòn 2018
* Phạm Công Thiên. Henry Miller. Phạm Hoàng xuất bản, Sài Gòn 1969

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Ba 20243:03 CH(Xem: 60)
Cung Tích Biền mới tổ chức sinh nhật thứ 88. Mừng anh tuổi cao nhưng còn khỏe.
09 Tháng Ba 20249:20 SA(Xem: 107)
Chúng tôi nâng cốc rượu nhớ về người đã khuất nhưng cứ ngỡ người họa sĩ thân thương vẫn quanh đây
23 Tháng Hai 202411:31 SA(Xem: 240)
Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, một nhà văn như Ngô Thế Vinh vẫn có thể mang đến cảm giác hy vọng và cảm hứng.
16 Tháng Hai 20243:58 CH(Xem: 261)
Tôi ấn tượng mãi về sự im lặng khó hiểu ấy, cả hai ông ngồi bên nhau hàng giờ đồng hồ mà chỉ lặng im và nước mắt nhòe ướt trên đôi mắt của họ...
15 Tháng Hai 20242:26 CH(Xem: 622)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
27 Tháng Giêng 20244:29 CH(Xem: 354)
Nhân vật tôi của “Dòng sông không ra biển” là cô gái giàu trải nghiệm từ học vấn, đời sống đến chuyên môn nghề nghiệp.
21 Tháng Giêng 20248:53 SA(Xem: 290)
Đứng hay ngồi trước tác phẩm của Giang, bạn chỉ cần thở vào một hơi và để tâm hồn lắng xuống,
29 Tháng Mười Hai 202311:23 SA(Xem: 474)
Đã lâu lắm rồi, lâu đến nỗi tôi không nhớ lần cuối cùng mình đã ngồi đọc liền mạch hết một cuốn sách là khi nào.
21 Tháng Mười Hai 20234:56 CH(Xem: 354)
Phong cách viết của Phạm Thanh Chương rất mới, đầy tính sáng tạo dù anh viết những đề tài không mới.
07 Tháng Mười Hai 20231:22 CH(Xem: 393)
Vĩnh Quyền đã lục lọi, xáo trộn, lắp ghép kí ức để từ quá khứ trình hiện cái đa chiều của thời hiện đại: “Trong vô tận song song gặp nhau?”
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16702)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 416)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 755)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22283)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19049)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8633)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8342)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10885)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20707)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19611)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17921)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19109)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16789)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15987)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24313)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31733)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34784)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,