LÊ GIANG TRẦN - “Di Cảo Thơ 1987-2009” của Nguyễn Lương Nhựt

22 Tháng Bảy 201910:41 SA(Xem: 4881)
LÊ GIANG TRẦN - “Di Cảo Thơ 1987-2009” của Nguyễn Lương Nhựt



Những bài thơ điên cất tiếng:
Hãy rung lên! Hỡi những trái tim*
Ta sẽ chết và thơ ta sẽ sống
Tặng cuộc đời phiêu bổng phù du
Tối đen – Trong trắng – Mịt mù
Ta sẽ chết! Nàng Thơ ơi hãy sống.

(Mặc Niệm, Nguyễn Lương Nhựt)


Nếu tôi không làm thơ có lẽ tôi đã bị điên từ lâu rồi.

Người ta lại nói khác về những người làm thơ, cho rằng những kẻ làm thơ – hay nhà thơ hoặc thi sĩ – vì làm thơ nên bị điên !!! Phán nặng hơn thì nói ngược lại, rằng ĐIÊN mới làm thơ !!!

Tôi không chống bác gì luận điệu này hay lập luận như vậy. Đôi lúc tôi cũng có tự nói “Chắc mình điên rồi !!!” khi rơi vào một cảnh ngộ nào đó. Đôi khi cũng có thấy mình điên điên. điên dại, điên ngây ngất, điên mê, mê điên, điên yêu, yêu điên cuồng, điên ngu, điên quá cỡ thợ mộc, điên khùng, điên giả, giả điên, điên cho vui tí, sướng điên được, v.v.

Và chưa kể có một số bạn thân tình trong giới cầm bút cũng có nói với tôi, là “bọn mình thằng nào cũng điên hết, mỗi thằng điên một kiểu!!!” Có bạn nói thêm, “Tuy nhiên, mình chỉ điên với mình thôi chứ không điên với ai; nói cách khác, là mình điên quậy mình chứ điên mình không quậy ai !!!” Đến như Phạm Công Thiện, thi sĩ, đạo sĩ, triết gia, tôi vẫn nhiều lần nghe ông nói ông “điên” một cách rất vui vẻ và tự nhiên, mà còn có lúc tỏ ra thú vị, hào hứng, vênh vênh ra điều tự đắc một cách thơ ngây vô tội vạ, cười ha hả !!!

Có khi, đám bạn điên chúng tôi thấy ai đó làm một việc nào đó, bèn bảo rằng, tưởng mình điên, không dè kẻ đó mới điên, điên nặng, điên thiệt!!! À há, điên thiệt / thiệt điên – điên giả / giả điên (Ở đây phải dùng cái suyệt / của nhà thơ Du Tử Lê cho đúng nghĩa sự chuyển đảo vế ý nghĩa)

Thi hào Bùi Giáng được đời thường phong cho ông là “người điên,” hoặc có ca tụng thì gọi ngài là “thi sĩ điên,” do thế, nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt làm một bài thơ có tựa là “Điên Bùi Giáng,” như sau:

I.
Dòng đời từ Đất ông đi
Mang mang từng hạt Vô Vi rất hiền
Hồn thơ Trác Tuyệt Cuồng Điên
Nhớ ông – Nỗi nhớ gắn liền đời tôi.

II.

Từng đội quần đàn bà đi khắp chốn
Như thể ta vốn là một tinh trùng
Chui vào trứng Mẹ hiền đau lồng lộn
Vứt thi ca để về với vô cùng.

III.
Sát na chứng chân hỏa lồ Tam Muội
Một tấm thân tàn rụi hóa thần thông
Như Tế Điên đi về giữa vòng không
Không Trời Đất – Không Người – Không tên tuổi.


IV.
Bạn điên BÙI GIÁNG của tôi ơi
Ông bậc đàn anh điên suốt đời
Ngộ độc điên cuồng mê triết học
Ngộ đạo điên tàn tận vẫn chơi.

Nguyễn Lương Nhựt được giới Y khoa gọi là bệnh nhân mang chứng bệnh “TÂM THẦN PHÂN LIỆT”, tôi gọi ông là “nhà thơ” không vì ông tự nhận, mà do ông khẳng định:

NHÀ THƠ ĐIÊN
Tôi: nhà thơ điên của lớp người
Sống bởi phước sương dở khóc cười
Nhe răng một cái nhai ngôn ngữ
Phun ra mớ khỉ, mớ đười ươi…

Nhà thơ khẳng định:
Làm thơ: liều thuốc bổ
Chữa khỏi bệnh tâm thần.

Như vậy, tôi trở lại với tôi: “Nếu tôi không làm thơ có lẽ tôi đã bị điên từ lâu rồi.” Điều tự biếm tôi trùng lặp với 2 câu thơ xác định của nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt. Đến đây thi có 2 vấn đề nêu ra:

1. Tôi vượt biển đi ra khỏi nước nhà và sinh sống tại Hoa Kỳ, một quốc gia Tự Do, tôn trọng nhân quyền… Nhưng cuộc sống lưu vong nơi xã hội Âu Mỹ không phải không có bi kịch: “Có cha mẹ mà mồ côi / có con cái đã xa rời sống xa / vợ thì đã vợ người ta / … / Đám đông xúm lại bồi hồi / hỏi ra y trước là người vượt biên.” [Người Rừng, thơ LGT] Và như vậy, không phải không có người bị điên trong cộng đồng này.

2. Nguyễn Lương Nhựt sau năm 1975 mới bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, dần dà đưa đến chứng bệnh mà y học gọi là “tâm thần phân liệt.” (Tôi được nghe nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ kể về hoàn cảnh đời sống người em của ông):

THẤY RÕ
Thấy rõ ta rồi: Ta ở đây
Ở trong đất nước núi sông nầy
Ở nơi xứ Quảng “5 eo” ấy
Ở giữa nấm mồ xanh cỏ cây…

Câu hỏi cắc cớ dành cho tôi là: “Tại sao nếu không làm thơ thì tôi sẽ bị điên?” Xin thưa, câu trả lời sẽ rất dài và “nhiêu khê” nên chỉ vắn tắt: “Đời sống lưu vong nhiều phần tạo ra cuộc sống đơn độc, cô lập, đưa đến trầm cảm, im lặng. Có người còn bị ‘Hội Chứng’ chiến tranh hoặc quá khứ. Đó là những thứ mà nếu không bình tĩnh, sẽ làm người ta có thể bị điên loạn tâm thần, có khi nhanh chóng bất ngờ.” Nếu tôi không có gì làm thực phẩm cho tâm hồn, cho tâm trí, cho tâm linh, thì cái con người này sẽ không quân bình; sự hụt hẫng chắc chắn sẽ làm cho ngã quỵ, và một hình thức cho thấy ngoài xã hội là trở thành “người điên,” họ bị gọi như thế, vì họ không còn sống giống như những người “bình thường” hội nhập trong xã hội. Trong số những người Việt sống vô gia cư, có người điên nhẹ, tự nói chuyện như đối thoại. Bị điên nặng thì đã bị cảnh sát bắt giao cho nhà thương điên.

Con người ngoài 4 thú hưởng lạc, còn biết tạo ra những niềm vui khác, đặt tên là văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, tôn giáo. May thay, tôi có được vài thứ: đọc sách, xem phim, nghe nhạc, nhìn ngắm cảnh vật thiên nhiên; cũng còn một ít về “người” như tình yêu, tình bạn, tình thân quyến, tình quê hương; may mắn thêm một chút về đạo Phật. Tất cả là những chất liệu được chắt chiu, đãi lọc để “LÀM THƠ” và những bài thơ như những chiếc bánh ra lò. Chỉ những người lịch lãm mới thưởng thức loại “bánh Thơ,” vì hương vị bánh này giống như “Sầu Riêng,” có khứu giác cảm nhận thơm tho, có khứu giác không thích hợp chối từ vì với họ là mùi vị khó ngửi. Có phải vì thế, Thơ không là loại thức ăn phổ cập cho tinh thần, ngược lại chỉ phù hợp cho tâm hồn, cho trái tim, cho sự đón nhận không có lý lẽ của lý trí. Tình cờ, Nguyễn Lương Nhựt có lần nhặt cái “bánh thơ” nằm trong bô đổ rác:

ĐIÊN LƯỢM THƠ
Điên lượm thơ trong bô đổ rác
Vì sao thơ thẩn lạc nơi nầy
Thơm mùi bánh trái chi đây?
Điên đang đói bụng nhai ngay nuốt càn.

Đôi mắt con người được tán thán là “cửa sổ của tâm hồn,” có nghĩa, là tâm hồn luôn “nhận ra” cái đẹp riêng của từng sự vật như nó “đang là”; còn “cặp mắt cú vọ” là một thái độ của lý trí, thái độ này là thứ mặc cảm tiềm ẩn của bản ngã, sẽ phủ nhận những gì khiến cho tự ngã tự ti, nên bản lai diện mục này ra lệnh cho trí óc biểu lộ cách hành xử, hạ cấp đối tượng. Bản ngã vô minh nên không biết rằng cái thấy của nhãn thức về đối tượng thật ra chỉ là ảo giác do tâm tạo tác (bởi một số điều kiện tổng hợp của kinh nghiệm).

Nói như trên để kêu gọi “đôi mắt cửa sổ của tâm hồn” nhìn vào ý nghĩa chan chứa mật trong những tàng “Thơ Điên” của nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt. Hai trăm ba mươi bảy bài thơ di cảo của ông đã được người anh thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ thành toàn trong thi tập chọn đề là “Di Cảo Thơ”. Người đọc sẽ từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước sự bùng vỡ của một tâm thức Thơ, trong khi cơ thể và đầu óc ông phải chịu đựng những cơn đau đớn hành hạ khốc liệt khi lên cơn, trải qua biết bao năm tháng kéo dài, từ nhẹ đến nặng, từ thuyên giảm tưởng dứt bệnh đến tái phát nặng nề, phải nằm viện tính ra hơn 6 năm trong bệnh viện tâm thần. Người thi sĩ chỉ còn một hy vọng duy nhất và mãnh liệt nhất là “làm thơ” và xem đây là liều thuốc bổ để chữa dứt bệnh tâm thần cho bản thân. Hãy đọc một số bài thơ của “nhà thơ điên” nói lên tâm cảm làm thơ của ông:

LÀM THƠ
Còn hơi thở, còn làm thơ
Lân la hoa bướm, tỏ mờ gió trăng
Còn trái đất sống vĩnh hằng
Thì còn Thi Sĩ sống bằng ngữ ngôn.

TÌM
Tìm trong mây trong gió
Một chút gì dư hương
Của nàng thơ nho nhỏ
Để ôm ấp đời thường.

VIẾT
Thơ đau xé và Tim vỡ nát!
Mảnh hồn trong xác vấn vương chi
Thương cát bụi sa đà tan tác
Viết vội vàng vội vã với vân vi…

ĐIÊN ĐAU ĐỚN
Điên đau đớn hồn thơ tôi lửa bốc
Lệ pha màu mực thắm những dòng châu
Tôi âu yếm ủi an mình đơn độc
Chiến đấu cho đêm trắng đổ xanh màu.

Hơn 34 năm dài chịu đựng chứng bệnh “phân liệt tâm thần” cũng là thời gian “LÀM THƠ ĐIÊN” của người thi sĩ Nguyễn Lương Nhựt. Những bài thơ này đã được Lê Đình Đại, vị bác sĩ điều trị cho ông, đưa ra nhận xét:

“Ý thơ, chẳng biết từ đâu mà lại có những nét tương đồng với tâm thần học, thật vui, thật ngộ nghĩnh. Tương đồng chứ không đồng nhất bởi lẽ tâm thần học là một khoa học, còn thi ca là rung cảm của tâm hồn mà ở một thời điểm nào đó thi nhân bỗng cất lên tiếng hát.

“Như những cơn sóng lớn dễ nhận thấy trên mặt biển khơi, cũng vậy, điều dễ phát hiện nhất là những bài thơ viết về cơn hưng cảm và hoang tưởng tự cao.”

Bác sĩ Đại trưng ra những bài thơ tiêu biểu như ông nhận định như trên, ngoài ra BS Đại còn dẫn thêm nhiều bài thơ có chủ đề ĐIÊN khác (xin đọc bài viết của BS Lê Đình Đại). Với kinh nghiệm của ngành Y về tâm thần, BS Đại còn cho thấy một số bài thơ biểu trưng những trạng thái tâm lý tiềm ẩn v.v.. (Nên trong bài viết này không dẫn lại những bài Thơ ấy.) Không riêng những bác sĩ điều trị bệnh tâm thần có lòng thương cảm cho người bị điên, trong những lúc tâm trí tỉnh táo, Nguyễn Lương Nhựt cũng bày tỏ nỗi xúc cảm của tâm hồn ông dành cho những nạn nhân điên loạn, điển hình qua một số bài thơ:

NỖI NIỀM ĐIÊN
Ta sống cùng chung một lũ điên
Dần dà hóa đá cả con tim
Thấy gần cát bụi hơn gần vợ
Chôn chặt tâm tư mấy nỗi niềm.

ĐIÊN THANH XUÂN
Điên thanh xuân cởi quần cởi áo
Không biết vì phải máu ba lăm
Đàn ông ưa phụ nữ cầm
Đàn bà lại thích đàn ông rờ rà.


ĐIÊN CÙNG QUẪN
Quá đói khổ - đau thương điên cùng quẫn
Rách tả tơi – Dơ dáy… thấy mà thương
Nơi trú ngụ là hang cùng ngõ hẻm
Bớt khổ là khi đưa đến nhà thương.

ĐIÊN THỐNG KHỔ
Tôi thấy rõ những người điên thống khổ
Không điên tàn – Không lộ liễu mình điên
Nhưng họ sống triền miên trong đau khổ
Bị dày vò vì tội ác oan khiên.

Không những nhà thơ đồng cảm với những con bệnh như ông mắc phải, ông cũng đau đớn nói lên thân phận riêng mình:

ĐIÊN CỐ GẮNG
Điên cố gắng nghiến răng mà chịu đựng
Cơn tâm thần phân liệt cứng tê xương
Càng vùng vẫy càng đớn đau nhảy dựng
Mà thâm tâm còn khối những niềm thương.

ĐIÊN TÂM THẦN
Điên tâm thần phải nằm bệnh viện
Dâng tấm thân cho muỗi cho mòng
Hiến đời cho nỗi thương mong
Nốc hoài thuốc ngủ cho lòng ngất ngư.

Con người nói chung, khi gánh chịu những nỗi đau đớn về thể xác và tâm thần, trong bi phẫn tận cùng ấy, chỉ còn một nơi duy nhất là gửi gấm nỗi niềm vào sự mầu nhiệm của đạo hay tôn giáo mà mình tín ngưỡng, mong cầu một huyền lực thiêng liêng nào đó sẽ độ hộ cho mình vượt qua hay thoát khỏi cái gọi là “nghiệp” đầy đau khổ này. Nguyễn Lương Nhựt không khác, đặt nỗi bất hạnh của bản thân vào thế giới tâm linh:

CHẲNG BIẾT
Chẳng biết vì sao? Chẳng phải buồn
Nhiều đêm đàm đạo với trăng suông
Biết mình không thể - không hề chết
Cùng trăng thơ mộng ngắm sao hôm.

ĐIÊN QUÁN TƯỞNG
Điên quán tưởng Sạch Sành Sanh Thế Giới
Trong mông mênh vời vợi đóa Thiên Đường
Tận không cùng hơi thở của Tình Thương
Người Điên trút linh hồn không tội lỗi.

NGƯỜI ĐIÊN NGƯỜI DẠI

Người điên: Điên suốt cuộc đời?!
Người dại: Dại suốt cuộc đời phải chăng?
Tôi xin mạo muội thưa rằng:
Điên: Tu khổ hạnh – Dại: Rèn hiền ngu.

Trong 2 đoạn của bài thơ “Một Mình” ông bày tỏ nỗi cô độc tận cùng của tự thân, kể cả tha nhân:

Một mình ta khóc giữa trần gian
Chứng kiến người điên dại lụi tàn
Thương thân trách phận sao nghèo quá
Để chia sớt bớt miếng cơm ăn!

Một mình ta khóc giữa nghìn thu
Hẹn Địa Tạng Vương xuống ngục tù
Âm dương cách biệt ai nào biết?!

Giải thoát muôn đời cát bụi ru…

*
Tình cờ nhà thơ Phạm Vũ mang biếu tôi quyển sách cũ của Osho có tựa “Từ Thuốc tới Thiền” tôi bắt gặp một số sự kiện liên quan đến “tâm thần” trình bày theo lăng kính Osho, xin lạm bàn và lược giản vài vấn đề.

“Tâm Thần”, danh từ ghép này gồm có “tâm trí” và “thần thái.” Người Tây phương có câu “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện.” Thông thường thì thân thể được ví như căn nhà, tâm trí trong căn-nhà-thân tự lập ra bản ngã, và cái “người tôi” trú ngụ này xem mình là chủ nhân; tuy nhiên tâm lý người chủ lại luôn lệ thuộc vào bọc thịt này, khi cơ thể bệnh tật thì trí óc bị khủng hoảng. Osho nói, “Toàn bộ nhận biết của chúng ta tập trung vào ngôi nhà mà không vào người cư ngụ trong ngôi nhà.” Người cư ngụ khủng hoảng bởi lo sợ ngôi nhà sụp đổ thì cư nhân trở thành vô gia cư, giống như con ốc mượn hồn không còn cái vỏ ốc để chui vào trú ngụ. Khủng hoảng là tình trạng không hài hòa của thân-tâm, điều được Paracelsus lưu ý, bảo rằng, “Chừng nào chúng tôi chưa biết trạng thái của sự hài hòa bên trong của bạn, chúng tôi nhiều nhất chỉ có thể giải thoát bạn khỏi tình trạng ốm yếu, bởi vì sự hài hòa bên trong của bạn là cội nguồn của sự mạnh khỏe của bạn. … Sự kiện của vấn đề là, chính sự hài hòa bên trong của bạn cần phải được hỗ trợ.”
Nên biết, Đạo lý Đông phương nói ngược lại Tây phương, chủ trương: “Huân tập tâm thần khỏe mạnh thì cơ thể sẽ không đau yếu.” Người phương Đông cho rằng “Ý lực” quan trọng hơn “Thể lực,” hay nói một cách sâu sắc, Ý lực là chủ thể. Đạo Phật hướng con người quay về quán sát tự ngã, nhận chân ra “bản lai diện mục.” Osho trong ý hướng đó, nói rằng “Chừng nào chúng ta còn trong ý thức, thì tâm thức chúng ta lúc nào cũng chỉ là nhận biết về cái gì đó, nó chưa bao giờ là nhận biết về bản thân nó.” Điều buồn cười là, tâm trí là kẻ ở trọ, hay nói cách khác, nó chỉ là người hầu nhưng nó đã xoay sở để trở thành người chủ; và mọi sự đã trở thành lộn ngược trong cuộc sống của bạn. Nói theo y khoa và tâm lý học thì một khi thân thể bệnh tật, tâm trí sẽ bị bệnh hoạn, nghĩa là, “một tinh thần không thể minh mẫn trong một thân thể đau yếu.”

Đưa ra vấn đề này để thấy ngược lại về trường hợp “người điên.” Người điên không hẳn hoàn toàn bị điên do thân thể họ bệnh tật. Nhan nhãn những người điên có một thân thể linh hoạt hoặc không đau ốm gì, nhưng chính yếu là họ “mất sự hài hòa bên trong,” do đó sinh ra bệnh tâm thần.

Mở ngoặc, ở đây không nói đến sự đồng hóa “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” mà Osho nêu thêm, “khi sống liên tục với người thần kinh và tâm thần, thì bạn bắt đầu nghĩ theo một cách vô ý thức, đây là điều nhân loại là gì. Chúng ta dần dần trở thành giống như những người chúng ta sống cùng ... Nếu toàn bộ xã hội điên khùng thì bạn có thể được điều chỉnh theo nó và bạn sẽ điên khùng.” Điều này, Freud đi đến một kết luận bi quan, rằng “Không có tương lai cho nhân loại.” Freud lập luận, “Nhiều nhất chúng ta có thể hy vọng rằng con người có thể được hòa giải với hình mẫu xã hội, chỉ thế thôi! Ngoài ra không có khả năng nào cho con người được phúc lạc cả!” Osho cho rằng luận điệu bi đát này bởi vì “toàn bộ cuộc sống của Freud là một cơn ác mộng dài của người điên!!!” Osho dẫn chứng đã có rất nhiều nhà điều trị Tâm Thần bị điên bởi họ hấp thu những năng lượng ném ra từ người điên, những lượng sóng tiêu cực của những con bệnh điên dồn vào tâm trí người chữa bệnh. Nếu gọi “bình thường” là khỏe mạnh, “bất bình thường” là điên rồ, thì Osho kết luận rằng, “bình thường và bất bình thường không phải là sự khác biệt định tính, chỉ là định lượng - khác biệt về mức độ - 99 độ, 101 độ v.v., đó là ‘kiểu’ khác biệt.”

**
Nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt cất lên tiếng hú “Hãy rung lên! Hỡi những trái tim.” Câu thơ này khác nào một tiếng thét kêu gọi não nùng ai oán. Những bài thơ của ông ở trên, với tôi, không thấy đó là thơ điên, chỉ thấy thơ thương cảm cho con người điên, “Yêu Điên Dại”:

YÊU ĐIÊN DẠI
Khi yêu Điên Dại mãi cuồng si
Hồn mở rộng tướng nói năng gì
Suốt đêm thức trắng tìm thơ thẩn
Thổ lộ tâm tình để khắc ghi.

Tâm trí bị điên nhưng tấm lòng rất lạ lùng, tấm lòng không bao giờ bị điên. Người điên vẫn biết ơn một tấm lòng thương cảm, vẫn trân trọng một tình bạn, cảm tạ những con người nhân ái. Điên như vậy còn hơn biết bao người “bình thường” sống vô ơn bạc nghĩa.


ĐIÊN KẾT BẠN
Điên kết bạn cùng nhau bằng điếu thuốc
Giúp đỡ nhau ca nước lạnh phòng riêng
Quà qua lại với nhau không ép buộc
Có càng vui không có cũng không phiền.

NHÀ THƯƠNG ĐIÊN

I.

Nhà thương Hòa Khánh tôi điên
Nhưng luôn luôn nhớ Mẹ hiền nhà thương
Bát cơm, viên thuốc, chiếu giường…
Cho tôi yên giấc vô thường bao năm.

II.

Nhà thương Nguyễn Trãi quận Năm
Khoa tâm thần chỗ tôi nằm nghỉ ngơi
Khắc sâu kỷ niệm một thời
Có người bạn trẻ lo nuôi mẹ già.

III.

Nhà thương tâm thần Biên Hòa
Chết đi sống lại… Thật là thảm thương
Khoa B2 – Hai năm trường
Tôi làm lao tác tỏ tường người điên.

IV.

Nhà thương điên: Thánh hiền – Ma quỷ
Cõi điên gồm thập loại chúng sinh
Ôi trời ơi! Những sinh linh
Sống: Đời sống gửi – Thương: Tình thương vay.

Và, nếu ai đọc bài thơ dưới đây, tôi tin rằng sẽ không người nào cho là thơ của một người điên cả, vườn kỷ niệm Mùa Xuân Tuổi Nhỏ của người thơ này tràn đầy thơ mộng trong sáng và yêu đời yêu người:

LẠC MÙA XUÂN TUỔI NHỎ
Nắng ngoài nội trôi về trong mái nhỏ
Em mùa xuân đôi cánh mỏng ôm trời
Bước chim sẻ tung tăng bờ tóc cỏ
Tay sương mù ve vuốt gió trên môi

Chiều hôm qua mùa đông vừa ráo lệ
Sáng hôm nay dăm chiếc lá rơi buồn
Em ngồi hát môi hồng thơm tiếng mẹ
Điệu tình ca nhen vội lửa tâm hồn

Anh trở lại nhìn quê hương đổi mới
Phù sa yêu bồi sông nhớ bây giờ
Ven đồi đó ngày xưa anh vẫn tới
Đuổi chuồn chuồn và bắt bướm ngây thơ

Lối mòn ơi! Xin hôn làn nắng ấm
Tuổi mười ba, mười bốn của em đây
Tiếng mẹ sáng như trăng rằm tháng Tám
Giọng ru còn âm hưởng đến hôm nay

Bờ cỏ mượt cùng bạn bè vui sống
Những trời xanh mây trắng với sân trường
Xuân mười sáu nắng hanh vờn áo mộng
Ướt mái đầu trang điểm chuổi hoa hương

Vườn kỷ niệm anh về thăm một buổi
Cây hồn xanh trái nhớ rụng quanh rào
Gió Thời Đại lúc này đang thổi tới
Mà mùa xuân tuổi nhỏ lạc phương nao?


Tôi xin khép lại bài viết nầy bằng bài thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt:

THƯA NGƯỜI
Thưa người tôi thật tầm thường
Đời thênh thang rộng con đường còn xa
Những gì tôi giữ trong Ta
Mong rằng hé một nụ hoa dâng đời.

Lời thơ khiêm hạ, chân thành, cũng là phẩm cách rất đáng trân trọng của nhà thơ Nguyễn Lương Nhựt, một nhà thơ “điên” hiếm có.


Lê Giang Trần
(Little Saigon, 18 tháng 6, 2019)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 6702)
... ngọn núi mà họ Đặng không ngừng đau đáu thao thiết chinh phục, muốn vượt qua, lại chính là thi ca và, văn xuôi.
03 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 6871)
Rất có thể Lữ Quỳnh đã làm những câu thơ đầu tiên trước khi viết những trang văn.
28 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 7050)
“…tác giả chỉ là nhân chứng, ghi lại trung thực, những gì Khách-thể trở thành Chủ-thể, cất lên tiếng nói của chính chúng, mà thôi.
23 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 7985)
Ngọc Uyên, người nữ ca sĩ có một hành trình âm nhạc đặc biệt
17 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 7394)
tấm lòng Nguyễn Chính, tôi trộm nghĩ, nhiều phần, những cảm xúc đời thường như hờn giận, buồn vui tình yêu e khó có chỗ trên lộ trình thi ca của tác giả này
14 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 5414)
Đây là những dòng thơ của một người đã hơn 40 năm buông bút, như cầm lại kỷ vật, như cầm lại một phần thân th
09 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 6220)
Tập truyện “Lá Daffodil Thắt Bím” của nhà văn Nguyễn Âu Hồng, do Thư Ấn Quán xuất bản vào mùa Xuân 2014
05 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 6663)
Thơ, không cần phải khoác lên những tấm áo tu từ loè loẹt nữa mà có thể đến thẳng với trái tim, tâm hồn người đọc bằng ý thơ, trực giác thơ ngay cả với những chữ nghĩa giản dị nhất
01 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 7218)
Trần không phân biệt được đâu là thân / tâm. Đâu là hình / tướng. Sự sống bay theo hơi men. Trong khi nỗi chết treo lửng những quyến rũ, mời gọi
24 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 6242)
Những bài thơ viết về Hà Nội của họ Nguyễn cho chúng ta một Hà Nội, khác. Một Hà Nội, không thể hiện thực hơn!
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8338)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24505)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,