ĐẶNG THƠ THƠ - Nhà Trẻ

13 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 26618)
ĐẶNG THƠ THƠ - Nhà Trẻ

blankLời tác giả: Đây không phải một truyện "thơ mộng" như đa phần các truyện khác trong tập Phòng Triển Lãm Mùa Đông. Đây là một câu chuyện tàn nhẫn. Cảm nhận của tôi đối với truyện này thay đổi theo thời gian. Bây giờ, bảy năm sau ngày viết, tôi bắt đầu thích nó thật sự. Bây giờ tôi thấm thía hơn về một điều có thật, rằng một tội ác luôn nằm bên dưới một bề mặt thơ ngây, và lòng tốt như một miếng bánh sẽ bị ăn dần mòn cho đến hết.
Riêng tặng Cami.


Khách hàng đặc biệt

Xế trưa ở nhà trẻ, những đứa bé chơi ngoài sân, trong những vũng cát nóng. Mặt trời nấp sau đỉnh cây cọ, tỏa ánh sáng thành một mặt phẳng cắt ngang sân trường. Những con bọ bay lờn vờn quanh mớ đồ chơi rải rác gần cầu tuột và xích đu. Vòng đu quay rán kéo thêm vài vòng xoay lừ đừ uể oải cuối cùng. Gió biển giờ này không đủ sức thổi tới đây. Nắng ngợp trời, nắng bốc lên hừng hực từ cát. Hai thằng bé phá nhất trường bị phạt ngồi trên băng ghế hướng về phía mặt trời rực lửa, hình phạt dành cho tội đánh lộn và liệng cát vào mặt đối thủ. Các cô giáo và bà hiệu trưởng đi vòng vòng quanh sân trông chừng bọn trẻ.

Lynn để ý theo dõi Clive, đoán xem nó sẽ làm những gì. Giờ chơi của Clive luôn luôn diễn ra theo một trình tự cố định, một thời khóa biểu vô cùng chính xác nó tự đặt ra và thi hành một cách rất nguyên tắc, không chấp nhận một sự thay đổi hay xáo trộn nào. Bắt đầu là xích đu, nó ngồi bâng quơ chờ một đứa nào đi ngang đẩy mạnh một phát vào lưng. Mỗi lần chiếc đu bổng lên cao thì mặt nó sáng lên, nó sẽ cười một mình rất lâu cho đến khi chuyển động đong đưa ngừng hẳn. Rồi nó sẽ đi tìm Lynn, nắm tay cô kéo về phía cầu tuột, nó cần cô đỡ nó lên thang gỗ, nơi có chiếc cầu tuột cao và dốc nhất. Nhưng nó không tuột xuống, nó cứ đứng ở cái chòi cao nghếch mặt hứng những làn gió thoảng, miên man ngắm một ảo ảnh nào đó trên không. Bây giờ nó đứng đó, riêng tư, tách biệt - như bận rộn với những tư tưởng thầm kín. Chung quanh nó là những vật cản vô hình, ngăn lại tất cả âm thanh hình ảnh bên ngoài. Người ta nhìn thấy nó, nhưng không thể vào trong, không cách nào vượt khỏi, ngay cả đập vỡ bức tường vô hình bằng một tiếng quát nạt hoặc một hành động vô cùng thô bạo.

Cuối cùng thì nó cũng tuột xuống, đi tìm Lynn, kéo cô lại cái đĩa quay merry-go-round. Cô chỉ là một công cụ đẩy cái đĩa quay vòng vòng, khi nó đã trôi vào chuyển động xoay tròn thì nó quên cô ngay. Lynn bậm môi đẩy thật mạnh cho cái đĩa quay tít, Clive bấu lấy thanh sắt theo bản năng, cái cười mê dại dán chặt vào khuôn mặt hớn hở. Lynn đẩy như thế khoảng vài lần, vài đứa trẻ khác đến bu quanh: “Để em đẩy cho.” Chúng bám vào rìa đĩa, vừa đẩy vừa chạy theo đà quay mỗi lúc một nhanh, rồi nhẩy phóc lên đĩa lúc này đã xoay tít như chong chóng.

Bây giờ nó nằm xoài trên lối đi, áp tai vào nền xi-măng nghe ngóng. Lynn đã làm thử như vậy một lần, để hiểu tại sao Clive thích nằm như thế. Có những âm thanh chìm sâu bên dưới mặt sân, độ cộng hưởng dội lên rung rần rần như chiếc ghế massage bằng điện, liên miên bất tận như một dòng xe đi xuyên vào người rồi luồn trở lại vào lòng đất.

Bà hiệu trưởng nhìn ra cổng, vừa lúc chiếc Mercedes đen trờ tới đậu ngoài hàng rào. Trong xe một người đàn bà đang nói chuyện bằng điện thoại cầm tay. Bà vội bảo Lynn:

“Cô đã thay tã cho Clive chưa. Mẹ nó đến kia kìa.”

Lynn mệt mỏi:

“Chưa. Đâu đã đến giờ thay tã. Hôm nay mẹ nó đến đón sớm quá.”

Bà hối:

“Thế thì thay ngay đi. Rồi lau mặt mũi, rửa tay cho nó nữa.”

Lynn nghĩ thầm:

“Giả dối. Nó lê lết đất cát cả ngày thì chẳng sao.”

Cô gọi:

“Clive, đứng dậy đi.”

Clive như không nghe gì. Nó vẫn nằm xấp, tai áp xuống sân nghe ngóng những âm thanh từ lòng đất. Lynn sốt ruột:

“Đi thay tã mau rồi về với mẹ. Mẹ đến rồi kìa.”

Cô nắm tay nó kéo lên. Nó kêu vài tiếng vô nghĩa, bấu cứng cổ tay Lynn kéo cô xuống. Cô xốc nách, nhấc bổng Clive dậy. Hai tay kềm cứng quanh bụng nó. Đôi chân nó đạp đá loạn trên không, thỉnh thoảng lại quật ngược vào đầu gối Lynn làm cô nhăn mặt.

Đặt Clive lên bàn thay tã, Lynn thở dốc. Nó quá khổ so với cái bàn, hai cẳng chân thòng cả ra ngoài. Kéo quần nó xuống, một thứ mùi đặc biệt của Clive bốc lên.”Lại ị nữa. Sao mà ị lắm thế.” Lynn lầm rầm trong đầu. Cô nghe loáng thoáng tiếng mẹ Clive ngoài văn phòng, nói chuyện với bà hiệu trưởng.

Lynn ra tủ lấy găng cao su. Cái hộp trống không. Khốn nạn, cô đã xài cái chót sau giờ ngủ trưa của lũ trẻ. Đã nhắc bà hiệu trưởng mang thêm bao tay từ mấy ngày nay, bà trợn mắt:

“Sao mau hết thế! Tôi mới mang một mớ tuần trước mà.”

Lynn nhẫn nại:

“Tôi phải thay tã cho bẩy đứa. Mỗi đứa bốn lần một ngày. Chưa kể đang có dịch cúm tiêu chảy, con nít đi ngoài hai ba lần hơn, có xài hà tiện lắm cũng phải hai mươi cái bao tay từ sáng đến chiều.”

Cô xòe tay cho bà coi:

Tay tôi khô nứt hết trơn. Chùi tay không dễ nhiễm trùng lắm.”

Bà gật đầu:

“Tôi hiểu. Nhưng cô, và cô Kara chỉ nên dùng bao tay khi trẻ con đi ngoài. Lau chùi nước tiểu đâu có sao. Mỗi lần chùi cứt chỉ nên dùng một cái. Tay nào phải đụng chạm thì bao tay đó thôi. Tay kia các cô nhấc đùi, gỡ tã, lót tã đâu cần đến bao tay.”

Một hộp bao tay cao su chỉ vài đồng bạc. Mỗi lần bà chỉ mang lưng nửa hộp. Bà cứ nói: “Tôi không có tiền. Tôi có giầu đâu”, làm Lynn phát ngượng như thể cô đang xin xỏ. Phân Clive lỏng, trào ra hai bên rìa tã, phọt lên tận thắt lưng. Cô muốn xoay Clive nằm nghiêng nhưng nó nhất định phải nằm ngửa để nghịch những quả cầu xanh đỏ lủng lẳng trước mặt. Lynn bấu chặt vai nó, ẩy mạnh vào tường. Nó hự lên uất ức. Lynn tì cùi chỏ ngay trên cột sống - đấy là yếu huyệt - nó sẽ không dám cưỡng lại vì càng dẫy dụa càng đau thêm. Cô lau chùi thật nhanh trước khi nó kịp dở chứng. Dù cẩn thận nhưng phân cũng đã dây vào tay cô, mùi thối hoắc làm cô buồn mửa. Cả ngày nay chỉ tối tăm mặt mũi trong việc thay tã và chùi rửa, giờ này Lynn không còn khả năng và tỉnh táo để đối phó nữa. Có những ngày cô cạn kiệt tình thương, cạn kiệt lòng nhân từ, cạn kiệt sự kiên nhẫn. Chỉ có nỗi chán chường, bất mãn, và chua chát bộc phát không sao kiềm chế được. Lynn lấy khăn ướt lau sơ mặt, rửa kỹ hai bàn tay nó nhớp nháp. Cô thay cho nó cái áo sạch theo đúng ý bà hiệu trưởng. Suốt ngày lũ con nít có dơ dáy mấy bà cũng chẳng quan tâm, nhưng vào giờ phụ huynh đến đón thì bà muốn chúng phải sạch sẽ tươm tất như lúc mới vào trường.

Bà đang nói chuyện với mẹ của Clive ngoài cổng. Mẹ Clive mặc quần áo sang trọng và nhã nhặn, đẹp như người mẫu thời trang. Clive rất giống mẹ, nó nổi bật giữa đám trẻ nhờ nước da trắng muốt và vẻ quý phái của mẹ nó. Bà gốc Đức, sang đây thầu xây cất. Nhà họ ở biển, có người làm, có người giữ em. Vì vậy mẹ Clive là khách quý của bà hiệu trưởng. Bà đóng tiền học sòng phẳng, trả cả tiền ăn dù Clive chỉ ăn có mỗi món nui mang từ nhà. Bà hay quà cáp, và luôn đứng đầu danh sách gây quỹ của trường. Đó là một loại phụ huynh lý tưởng đối với cái trường nghèo và cũ kỹ này. Những phụ huynh khác thuộc giới lao động, làm những công việc vất vả, thường phải gửi con vào trường từ sáu rưỡi sáng, nhiều hôm đến giờ đóng cửa trường vẫn chưa thấy họ đến đón con về. Bà hiệu trưởng cứ phải nhắc họ đóng đủ thứ tiền, nhất là tiền “sau giờ học”, tức là tiền phạt vì đến đón con trễ. Bà vẫn thầm ước có nhiều khách hàng như mẹ Clive, nhưng cũng không quên là trường của bà sống được nhờ số đông nhà nghèo kia. Dân sang, có tiền đâu có muốn gửi con ở cái trường này.

Thấy mẹ, Clive chạy ù đến, ôm cứng một bên đùi, tay níu chặt vạt áo của mẹ, mắt còn rướm lệ. Bà hiệu trưởng tỏ vẻ ân cần:

“Clive khóc à. Tại sao lại khóc thế?”

Lynn nhìn mẹ Clive, cười thản nhiên:

“Clive nghe tiếng bà ngoài này nên không chịu cho tôi thay tã đó mà.”

Mẹ Clive gật đầu, mắt nhìn nó trìu mến và lo âu:

“Hôm nay cháu có chịu ăn gì không?”

“Cháu ăn hơn nửa chỗ nui. Uống hết bình nước trái cây”, Lynn nói.

Bà hiệu trưởng ra dáng lo ngại:

“Ngày nào Clive cũng chỉ ăn nui thôi à. Có thể tập cho nó ăn nhiều đồ khác không. Đồ đông lạnh đâu có đủ chất bổ dưỡng.”

Mẹ Clive lắc đầu:

“Tôi thử đủ cách, tôi nấu, tôi mua, tôi dỗ dành, tôi để cho cháu thật đói. Nhưng nó vẫn nhất định không ăn gì khác ngoài cái món đó.”

Bà hiệu trưởng mỉm cười, Lynn hiểu bà nghĩ gì trong đâu, nếu Clive vào tay bà thì cuối cùng cái gì nó cũng phải ăn.

Mẹ Clive thở dài:

“Tôi chỉ ước gì cháu nói được. Không biết vào trường đặc biệt người ta có tập cho cháu nói không nhỉ?”

Bà hiệu trưởng vội vã:

“Ở đây tôi cũng tập đấy chứ. Hôm rồi Clive nói được vài tiếng như Không, Có, Ăn. Mình phải kiên nhẫn. Trẻ con mỗi đứa phát triển một cách riêng. Mình không thể áp dụng một công thức chung cho tất cả được.”

“Nhưng Clive gần năm tuổi rồi, ít ra nó cũng phải nói trọn câu chứ?”

Bà hiệu trưởng xua tay, cố thuyết phục:

“Không phải. Có thể là ở nhà bà nói tiếng Đức, ông nhà nói chuyện với ông bà nội dùng tiếng Nga, vú em người Mễ, rồi đến trường lại nghe tiếng Anh. Thế là nó bị ngợp. Cháu tôi cũng thế, ở nhà tiếng Tây Ban Nha, tiếng Phi Luật Tân, đi học thì tiếng Anh. Bốn tuổi nó mới bắt đầu nói, nhưng khi đã biết nói là nó nói được ba thứ tiếng.”

Lynn cười thầm, diễn theo kiểu của bà thì rồi Clive sẽ biết bốn ngoại ngữ, nó hoàn toàn bình thường, thậm chí có thể trở thành một thiên tài nếu cứ tiếp tục ở lại cái trường này.

“Bà cứ tin tôi đi, cháu không bị autism* đâu. Nó được cưng quá nên hơi khó tính thôi. Nó làm biếng nói vì hễ nó cần gì là đã có người lo cho ngay rồi. Nên nó thấy không cần phải nói nữa.”

Luôn luôn câu chuyện kết thúc bằng một câu tương tự thế. Mẹ Clive cần có người trấn an, cách nói của bà hiệu trưởng làm bà lạc quan hơn. Những nơi khác người ta từ chối thẳng thừng: “Bà nên tìm trường đặc biệt cho cháu, đây chỉ là một trường mẫu giáo bình thường.” Họ làm trái tim người mẹ xót xa. Chỉ có chỗ này là Clive không bị xua đuổi. Bà hy vọng trong môi trường bình thường với những đứa trẻ bình thường thì Clive sẽ khá hơn, một ngày nào đó nó sẽ nói, sẽ gọi “mẹ ơi, mẹ ơi,” sẽ có bạn bè, sẽ giống như mọi đứa trẻ khác.

Nhìn thấy Clive ngáp, mắt lờ đờ, bà vội hỏi:

“Hôm nay cháu có ngủ trưa không?”

Bà hiệu trưởng nhìn cô Lynn, lúc chúng ngủ là giờ bà đi ăn trưa ở ngoài, một mình Lynn trông mấy chục đứa trẻ. Lynn lắc đầu, cô nghĩ thầm “Bà thừa biết là nó chỉ ngủ khi có ba.” Bà có tài làm trẻ con sợ mà không cần to tiếng quát nạt. Khi cần đe dọa một đứa trẻ, bà chỉ việc dí mặt thật sát, mắt trừng trừng, nói thật nhỏ đủ cho mình nó nghe. Nó sẽ dúm người lại như một con giun.

Cô giáo hay người làm công

Clive là đứa học trò ngoại lệ. Ngày đầu vào học nó đã dám cắn tay Kara, rồi lại húc đầu vào bụng bà hiệu trưởng. Chưa bao giờ Lynn thấy bà hiệu trưởng giận dữ dễ sợ như thế. Mặt bà tím căm:

“Để đó cho tôi. Tôi phải trị nó. Tất cả cứ ngồi đấy, một mình tôi trị nó đủ rồi!”.

Bà túm gáy nó lôi xềnh xệch vào phòng ngủ. Nó quơ quào thảm thiết, đôi mắt lồi ra phẫn nộ và kinh ngạc - có lẽ đây là lần đầu nó bị đối xử tàn tệ như thế. Bà bẻ cứng hai cánh tay nó rồi kéo đi băng băng:

“Không được làm như thế, biết chưa. Không được cắn, muốn cắn hả, bà nhốt vào đây xem còn muốn cắn nữa không!”

Ngoài này các cô giáo và đám học trò xanh mặt, nghe tiếng khóc ngất vẳng từng hồi qua mấy lớp cửa đóng kín. Lynn lấy đá đắp lên chỗ cắn trên tay Kara, cô hồi hộp vì tiếng khóc mỗi lúc một ngặt nghèo hơn. Cô bảo Kara:

“Để tôi vào xem sao”.

Cô dừng lại ở ngưỡng cửa.

Phòng ngủ tối bưng, cô nhận ra bà nhưng không thấy Clive đâu. Phải mấy giây sau cô mới nhìn ra nó ngồi ở góc phòng, cánh tay trói ngược vào lưng ghế. Bà nhử nhử tay trước mặt nó:

“Cắn đi. Thử cắn đi.”

Mắt nó long tròng, nó chồm tới như con chó táp, kéo lết cái ghế theo sau. Cái ghế đổ úp lên lưng làm nó gần ngã nhoài, may bà hiệu trưởng đỡ kịp. Bà cứ dử cho nó cắn, rồi tát vào miệng nó:

“Cắn này, cắn này, cắn này.”

Mỗi lần nó định cạp tay bà thì bà lại vả mồm nó:

“Cho chừa nhé. Giỏi cắn nữa đi. Mày dám cắn bà thì bà phải dạy cho mày chừa.”

Thấy Lynn vào bà ngừng tay, sắc mặt trở lại vẻ điềm đạm và uy nghi, thần thái toát ra làm người khác phải kính nể:

“Phải làm thế nó mới biết sợ. Nó mà cắn trẻ con trong trường thì phiền lắm. Tôi chỉ vỗ nhẹ vào miệng nó thôi, không đau đâu. Dọa cho nó sợ ấy mà! Thôi cô dẫn nó đi rửa mặt hộ tôi, rồi cho nó vào giường nằm ngủ.”

Dần dà Clive có khá ra, chịu vào nề nếp hơn một chút. Nhưng nó sẽ mãi mãi là đứa trẻ không bình thường, cô biết là bà hiệu trưởng cũng biết điều đó. Nhưng bà không bao giờ chịu xác nhận cả, bà tìm mọi lý do để biện minh cho thái độ của Clive:

“Nó chưa chịu nói chứ không phải không biết nói, có thể vì thính giác kém nên ảnh hưởng đến cách phát âm. Phải cho nó đi thử thính lực đi.”

Bà không bao giờ than phiền về Clive với mẹ nó cả, bà bảo:

“Tại nó được nuông chiều quen, không ai dám trái ý nên thành ra nhõng nhẽo - có thể nó sẽ hư nếu cứ chiều nó mãi, nhưng đầu óc nó thì hoàn toàn bình thường. Vâng, hoàn toàn bình thường. Có nó trong lớp cũng vui, cô cứ đưa đồ chơi cho nó chơi là xong, đâu phải dạy dỗ gì.”

Sự thực không phải đơn giản vậy, Lynn bị nó chi phối đến độ không thể tập trung vào việc dạy. Cô phải theo dõi nó, rình rập nó, sợ nó nghịch bậy, chơi những trò nguy hiểm, hoặc gây nguy hiểm cho bọn trẻ. Có những lúc cô cảm thấy sự tồn tại của nó làm những đứa khác bị thiệt thòi, nó chiếm trọn thời giờ và sự quan tâm đáng lẽ phải chia đồng đều cho tất cả. Những lúc đó cô không muốn, và cũng không thèm chiều ý nó nữa. Điều đó làm nó bất mãn và thương tổn ghê gớm. Cách phản đối của nó làm người khác khó chịu tột độ. Cái lối khóc thét của nó khuấy động thần kinh Lynn, tiếng rít gào chói tai như tiếng còi cảnh sát, khoan xoáy vào óc. Tất cả ý chí, năng lực của nó tập trung vào những hành động cụ thể và hủy hoại. Nó lăn lộn, vật vã. Nó nện đầu vào tường, đập trán xuống gạch. Những cảm xúc mãnh liệt nhất bung ra, vung vãi khắp nơi.

Điều này xảy ra mỗi ngày, tạo ảnh hưởng vô cùng tiêu cực, hành động của nó kéo theo một chuỗi hành động tương ứng của cô. Nó la - cô cũng la theo. Nó bạo động - cô muốn làm một điều gì đó bạo động hơn, hoang dã hơn thế nữa. Mỗi lần Lynn tìm cách kiềm chế cơn giận thì cảnh tượng của buổi trưa đó lại hiện lên trong đầu - bà hiệu trưởng trừng phạt nó như cách người ta thuần phục một con thú hoang. Cảnh tượng đó làm cô khiếp sợ, nó như hạt giống hoang đầy cám dỗ. Và một ước muốn nhói lên trong lòng cô, cô cũng muốn được làm như thế, trút hết những dồn nén bằng hành động thực thể như thế, giải quyết sự tàn bạo trong đầu bằng cách ném tung tóe vào một đối tượng như thế. Sự chịu đựng, dịu ngọt, khoan dung, nhân hậu... chỉ còn là thói quen nghề nghiệp. Mặt sau của nó là những ý tưởng tàn bạo. Cô càng cố xua đi, nó càng bám chặt hơn, dai dẳng hơn, quyết liệt hơn.

Thật ra cũng không hẳn là Lynn ghét Clive. Nhiều lúc cô thấy thương, thấy tội nó vô cùng. Cô tự nhủ - nó không có lỗi gì, trời sinh nó ra như vậy. Và nếu Lynn có nổi giận quá trớn với nó, cô nghĩ cũng không phải lỗi của mình, bởi cô không được đào tạo và cũng không bao giờ muốn làm việc với những đứa bé tật nguyền. Bà hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trong chuyện này.


Lynn bị một cú shock mạnh lúc mới bắt đầu làm ở đây. Bà hiệu trưởng làm cô thất vọng. Bà mướn cô giáo như mướn vú em, chỉ cần biết thay tã và quát nạt, cốt sao trẻ con không hỗn láo và bị thương tích để cha mẹ chúng khỏi rầy rà. Cô giáo không đủ khả năng dạy cũng không sao, bà sẽ biến cô thành người coi trẻ với phong cách một cai tù. Bà nghĩ mình không đòi hỏi nhiều ở những cô giáo nên chỉ trả lương họ nhỉnh hơn mức tối thiểu chút đỉnh - tất nhiên là sái qui định của học khu. Bà chỉ thuê người làm vệ sinh hai lần một tuần, trong khi tiêu chuẩn vệ sinh của nhà trẻ đòi hỏi phải vệ sinh mỗi ngày. Vách tường nhà vệ sinh dây dớt những bệt cứt khô vì trẻ con sau khi đi cầu thích quệt những ngón tay dính phân lên đó cho tiện việc. Thảm sờn lủng nhiều chỗ, bà không bao giờ kêu người giặt thảm vì sợ tốn tiền. Trẻ con thì hàng ngày vẫn nằm ngồi lê la trên thảm, bày đồ chơi sách vở trên thảm, rồi thỉnh thoảng đái ỉa ngay đó.

Các cô giáo phải lau bụi lớp học, nhưng trong phòng ngủ bụi đóng dầy khắp nơi. Nước tiểu của những đứa nhỏ, kể cả phân và nước ói mửa thấm vào lớp bố, lớp nylon của giường. Dạo mới vào trường, Lynn phải cách ngày chùi lại nhà cầu sau giờ dạy. Rồi cô phải mang mấy chục cái giường ra sân, xịt nước chà xà phòng kỹ lưỡng. Cô chùi rửa vào cuối tuần, làm không công vì bà hiệu trưởng không chịu trả tiền ngoài giờ. Bà chỉ cần vồn vã khen cô vài câu, rồi than thở:

“Tuần tới lại thêm hai đứa nữa nghỉ học. Thức ăn bây giờ tốn kém hơn trước nhiều, Lynn à.”

Thế là bà thoát nạn. Lynn hiểu ngay ngụ ý của bà - tất cả tại cô thôi, cô chịu dơ không được thì cô tự nguyện làm, bà có yêu cầu cô làm những việc đó đâu.

Sau hai năm, bây giờ cô khôn ngoan ra, và thiện chí thì vơi đi. Thật sự cô quá mệt, một mình cô trông mười hai đứa, vừa dạy dỗ, vừa cho ăn, vừa canh chừng không cho chúng đánh lộn hoặc nghịch phá, lại vừa thay tã, chùi đít, tập cho chúng tự đi cầu một mình. Nhiều lần cô yêu cầu có thêm một phụ giáo lo chuyện vệ sinh để cô chỉ tập trung vào việc dạy. Bà từ chối:

“Tiêu chuẩn tiểu bang là một cô giữ mười hai học trò. Khi nào quá số đó thì tôi sẽ tìm người phụ cô ngay.”

Lynn khinh bà lắm, cái tỷ lệ một trên mười hai đó chỉ nên áp dụng cho trẻ con năm tuổi trở lên. Đằng này bà tham tiền; chưa đủ hai tuổi, chưa bỏ tã, chưa bỏ bú bình bà cũng nhận bừa; rồi dồn hết vào lớp Lynn. Nhiều lúc bực bội cô đã định tìm chỗ khác, mỗi ngày đến trường với tư tưởng tạm bợ “Mình sẽ không ở đây lâu, mình sẽ nghỉ bất cứ lúc nào mình muốn, thử chờ vài tuần nữa xem có khá hơn không...”. Cứ thế, sức chịu đựng của cô tăng dần mà cô không hay biết. Nhưng bà thì biết, bà nhận cả một đứa bị autism là Clive - tuần đầu cô phản đối dữ lắm, nhưng rồi cũng xong. Bà suy luận rất hóm hỉnh: “Khi Lynn đã quen chịu đựng Clive, trong tương lai bà có thể nhận thêm hai ba Clive nữa, nếu có, càng nhiều càng tốt.”

Lớp học của Lynn

Cứ thế, Lynn cố cứu vãn một điều gì đó, một lý tưởng rất mơ hồ nhưng cần thiết. Cô bỏ công sức ra để giữ cho ngôi trường còn là một nơi chốn xứng đáng, để việc cô làm không chỉ là một cái nghề đổi lấy đồng lương khiêm tốn. Lớp học trông vui và thoáng. Hai cái bàn hình lục giác có thể tách ra thành những phần nhỏ nhiều hình thể như tam giác, chữ nhật, hình thoi...Một tấm bảng thật to choán gần hết bức tường, trưng bày những tác phẩm thủ công của lũ trẻ theo chủ đề từng tháng. Chúng cắt, dán, và xếp giấy theo kiểu Nhật. Chúng vẽ màu nước; gắn giấy kim tuyến, vải ren, và confetti tùy hứng. Những tác phẩm của chúng trông vừa ngây thơ vừa nghệ sĩ, nhìn kỹ thì hơi cẩu thả và lem nhem. Lynn rất tự hào vì tấm bảng này. Tháng trước nó là một nông trại màu đỏ tươi viền hàng rào sơn trắng, đầy đủ gia súc có tên trong bài hát “Trang trại của già MacDonald”. Bây giờ nó là biển cả, mỗi ngày bọn trẻ lại thả thêm vào đó những sinh vật biết bơi lội. Thoạt bước vào phòng, người ta sẽ ngỡ ngàng vì màn nước xanh dịu trên tường - như một khung cửa mở vào lòng biển - với những nhánh rong biếc loăn xoăn chằng chịt quanh những tảng san hô. Lũ trẻ vẫn tưởng tượng lớp học nằm dưới đáy biển, có chiếc tàu ngầm nằm trên cát vàng, chúng thò tay ra ngoài vốc một nắm cát, múc một xô nước, thả cần câu những con cua... mang tất cả những trò chơi của biển và tuổi nhỏ vào trong lớp.

Dưới tấm bảng là nơi Lynn hay ngồi kể chuyện, những lúc cuối ngày. Một cái kệ toàn sách Lynn mua và mang đến, cô không muốn dùng mớ sách của trường trông tơi tả và nhàu nhò như báo rách. Sách của cô mới, chọn lọc, hình ảnh đẹp. Cạnh đó là một tủ gỗ nhỏ có khóa, trong đó cô để cây đàn autoharp, xylophones, bộ nhạc cụ gõ và những đồ nghề kể chuyện. Có khoảng ba chục con búp bê múa rối bằng vải cô tự khâu tay làm lấy, chúng là những nhân vật trong truyện, trong những bài hát mẫu giáo ngộ nghĩnh. Chúng mượn giọng của cô để nói chuyện với nhau, nói chuyện với bọn trẻ con. Khi Lynn nói bằng ngôn ngữ của chúng, cô là một con người duyên dáng khả ái, con người ấy làm chính cô phải ngạc nhiên. Đó chính là mẫu người cô ái mộ, tìm mọi cách để được giống như thế, rồi đánh mất, rồi bất chợt xuất hiện, hết sức dễ thương, rồi lại biến đi.

Cuối phòng là một bục cao như sân khấu, có ba bực thang dẫn lên. Sân khấu bày biện như một căn nhà nhỏ một phòng. Bàn ghế để ngồi ăn, bếp lò để chúng chơi nấu nướng, và tủ lạnh đầy ắp thức ăn giả bằng nhựa cùng những lon đồ hộp đã khui. Có tủ quần áo, một cái nôi cho búp bê nằm. Ngay sát sân khấu, nằm dưới bực thang là garage, một chiếc xe hơi đậu ở đó. Những bé gái loay hoay bày thức ăn la liệt trên bàn, lũ con trai ngồi sẵn chờ ăn. Đối thoại thường sẽ diễn ra theo những sinh hoạt gia đình, đại khái “mẹ” sẽ bảo “bố”:

“Ăn xong bố phải dọn dẹp để mẹ cho baby uống sữa.”

“Bố” ngần ngại:

“Nhưng mà bố phải xem tivi. Rồi bố phải sửa xe nữa.”

“Mẹ” gọi điện thoại cho vài người trong khi cả nhà ăn. Xong “mẹ” đặt em bé vào xe đẩy, khoác áo choàng, soi gương một tí:

“Mẹ phải đi baby shower bây giờ. Bố coi chừng trẻ con nhe.”

“Bố” vừa nói vừa ăn:

“Xe sửa xong rồi. Để bố chở mẹ đi.”

“Mẹ” lại lấy baby từ xe đẩy ra, đặt vào carseat, rồi cả nhà lên xe. “Bố” vừa lái xe chăm chú, vừa lơ đãng trả lời “mẹ” . Họ ngừng lại ở một trạm xăng, một cửa tiệm để mua quà. Xong tất cả lại lên xe đi dự tiệc.

Trò chơi tưởng tuợng và những đoạn kịch có thể diễn ra rất lâu. Hôm nay chúng khoác những trang phục đặc biệt trong tủ áo, và trang phục này sẽ quyết định vai trò của chúng. Lynn có một cái áo đầm ren trắng đã cũ, cô sửa cho nhỏ lại, lên gấu một chút, thế là nó thành ra áo cưới. Bọn con gái tranh nhau mặc thử. Đám cưới hôm nay khá trịnh trọng, cô dâu tha thướt trong lớp voan dài, tay cầm bó hoa giấy. Chú rể đơn giản hơn, khoác tạm cái jacket ngắn cụt tay và đeo nơ ca-rô ở cổ. Xe hoa vẫn là chiếc xe hơi nhựa nối thêm vài chiếc ghế nhỏ phía sau. Chúng ngồi ăn tiệc, có trứng gà ốpla, bánh mì, gà nướng và bắp, thêm một ít chips khoai tây. Ăn uống giả được một lát thì đâm ra đói bụng, chúng nhì nhèo:

“Cô Lynn ơi, em đói.”

“Cô Lynn ơi, em muốn ăn được không?”

Lynn bảo chúng:

“Các em mới vừa ăn snack xong mà.”

Chúng nhao nhao phản đối. Lynn biết là chúng đói thật, vì bữa snack là của trường cho, không thể nào đủ no được. Cả đồ ăn lẫn thức uống đều rất hạn chế. Bữa snack hồi nãy là một cái muffin bằng nắm tay chia ra làm mười hai lát - mười hai đứa trẻ chung nhau một cái bánh, nhai một miếng là hết. Bà hiệu trưởng keo kiệt nhưng không ý thức được điều đó. Bà keo kiệt một cách tự nhiên, không hổ thẹn. Bà thích cái tỷ lệ “một trên mười hai” lắm, Lynn mỉa mai nghĩ vậy, và thấy mình cũng giống như cái bánh đó, cắt thật mỏng đến độ gần vỡ vụn. Nhiệt tình của cô mỗi ngày đứng trước thử thách của một nhát dao. Cô chỉ có một trái tim, và một sự chịu đựng. Tất cả đang tiêu hao dần. Cô cảm nhận sự xuống cấp tinh thần của chính mình. Nó đến ngấm ngầm như sự thẩm thấu của thời gian, câm lặng bào mòn tất cả.

Cửa sổ của những đứa trẻ

Những cánh cửa thật không còn nữa. Đã từ lâu người ta khóa bít những cửa sổ để ngăn mùi cứt mèo chua loét từ ngoài bốc vào. Mèo hoang ỉa bậy trên cát, dọc theo chân tường, dọc theo hàng rào. Không thể nào xua đuổi chúng được. Bây giờ thì phải chấp nhận rằng phía sau lớp học là địa phận của mèo. Vì vậy những bức tranh trên tường được trình bày như những cửa sổ mở tung ra ngoài trời. Những khung cửa giả trở thành nguồn sáng, thổi vào lớp khí trời và gió mát. Những đứa trẻ hít thở không khí thoáng đãng, nhận ánh nắng mặt trời từ đó.

Mỗi cửa sổ mang tên một đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ có một cửa sổ riêng phản ảnh tâm hồn của nó. Khi làm chung những cánh cửa với học trò, Lynn hay hỏi:

“Nhà em có nhiều cửa sổ không, ngoài cửa sổ có gì?”

“Cửa có mở không, có màn cửa không, gió có bay vào không, làm sao nhìn thấy gió?”

“Cửa sổ có trông ra vườn không, có nhìn thấy trời xanh không, có nghe tiếng chim hót không...?”

“Em có muốn mang cửa sổ trong nhà đến lớp học không?”

Thường thì chúng nói có, gật đầu lia lịa và mắt sáng long lanh như đang thấy một điều kỳ diệu. Thế là lớp học có vài khung cửa rất nên thơ. Cửa sổ Mưa của Amy chẳng hạn, những chiếc dù nhỏ tươi tắn lơ lửng trên nóc thành phố, bay nhảy trên các mái nhà và tàng cây đẫm nước. Phía đối diện là hai cửa sổ Ngày và Đêm. Cửa sổ Ngày có những đứa bé chạy chơi ngoài công viên xanh dưới một mặt trời tròn tỏa ra những tia nắng màu cam. Cửa sổ Đêm là một dòng sông đen nổi lềnh bềnh những vì sao bạc, cây dọc bờ sông đâm đầu vào nước thành những khối bóng lộn ngược, mặt trăng lủng lẳng trên không, tròn trĩnh và nặng nề như một quả cầu trắng đục.

Cũng có khi chúng trả lời không. Không có vườn, không cây cỏ hoa lá, không cả nắng gió, “Cửa sổ của em xấu lắm”, “Cửa sổ có nhiều rác lắm” hoặc “Ngoài cửa sổ chỉ có tường, toàn là tường thôi”, hoặc “Mẹ không cho em mở cửa sổ bao giờ. Mẹ nói nguy hiểm lắm.”

Những câu trả lời đó làm cô cảm thấy rất buồn, chẳng lẽ thế giới của chúng chỉ là như thế, nông cạn, giới hạn, nghi kỵ, và rác rưởi... Cô gợi ý:

“Vậy thì cửa sổ như thế nào mới là đẹp? Cửa sổ đẹp phải có những gì?

“Em muốn nhìn thấy gì ngoài cửa sổ?”

“Cửa sổ giúp cho em nhìn thấy phải không? Cửa sổ làm cho mát phải không, đỡ ngộp thở phải không?”

“Mình làm một cánh cửa thật đẹp để em đem về lắp vào trong nhà nhé?”

Và chúng được quyền chọn cho mình một khung cửa khác đúng như mơ ước. Cửa sổ của Mikey nhìn sang một tiệm kem, tất cả những loại cà-rem nó thích đều có ở trên quầy, trên bàn, thậm chí cả trên tường. Có những cửa sổ nhìn ra tiệm bán pizza, cửa hàng đồ chơi, và Disneyland. Có những cánh cửa nhìn vào cổ tích, có những cánh cửa mở vào thế giới hoạt họa- Mickey Mouse chơi với Teletubbies và Pokémon.

Chỉ có một cánh cửa nhìn vào mất mát. Cánh cửa của Ashley. Một ngôi nhà mái ngói đỏ, những cụm hoa hồng, một con đường nhỏ vòng vèo. Một người đàn ông, một người đàn bà dắt một đứa bé đi dạo. Đứa bé là Ashley nắm tay bố mẹ đi về phía ngôi nhà của nó. Nó luôn luôn nhìn thấy hình ảnh đó, đầu óc non nớt nhớ rõ từng chi tiết về một ký ức linh động và hạnh phúc. Lynn đã cố gắng thuyết phục nó:

“Ashley vẽ nhà bà ngoại đi, có hồ bơi, có cầu tuột, có xích đu, có cả con mèo nhỏ nữa. Mình làm cánh cửa khác đi, đẹp hơn. Được không?”

Nó lắc đầu, cương quyết:

“Không. Em không thích nhà bà ngoại. Em thích nhà của bố mẹ, có bố mẹ ở trong đó. Em muốn nhìn thấy bố mẹ.”

Bà ngoại Ashley bảo Lynn cứ chiều nó, rồi nó sẽ quên đi, bố mẹ nó mới chết hơn một năm mà. Lynn hy vọng bà ta nói đúng, nhưng vẫn lo lắng. Cô không muốn nó chỉ nhìn vào cánh cửa của quá khứ, như một vết thương để mở, không bao giờ lành. Nhưng đó là điều nó muốn, quyền của nó. Nó chỉ muốn nhìn thấy bố mẹ. Không ai nỡ từ chối một đứa bé điều đó. Trừ định mệnh.


Những lỗ đen trên tường

Nhà trẻ trong giờ nghỉ trưa. Ghế bố xếp thành ba dãy, ngổn ngang chăn gối và những con thú nhồi bông. Nhạc văng vẳng từ một góc phòng những giai điệu đều đều ru ngủ. Lynn ngồi bệt trên thảm, tựa lưng vào tường, lọt giữa hai cái ghế bố. Bàn tay cô uể oải vỗ nhẹ lưng của hai đứa bé, cố dỗ cho chúng ngủ. Kara ngồi đầu dãy, cạnh giường Clive, chằm chằm canh chừng. Hễ Clive định nhỏm dậy thì cô lại ấn nó nằm xuống, nó thòng chân xuống đất thì cô tóm cẳng dằn lên giường. Cô kê ngón tay ngay miệng: “Sụyt! Suụyt!Suuuụyt!” khe khẽ nghe như tiếng người dụ rắn. Clive thỉnh thoảng cười sặc sụa. Giọng cười làm Lynn nổi gai khắp người. Đã nhiều lần nó làm cả phòng thức giấc. Dỗ cho chúng ngủ là cả một công trình, tay Lynn đã mỏi nhừ vì phải xoa mười mấy cái lưng. Chỉ cần vài ba đứa quấy là hỏng hết mọi sự.

Bà hiệu trưởng ngả người lắc lư theo điệu nhún của chiếc ghế ngựa. Quanh bà là giường của những đứa lớn và ưa quậy trong giờ ngủ. Nhưng có mặt bà thì chúng hóa ra rất ngoan, nằm sấp im thin thít, chẳng cần ai xoa lưng hay vuốt tóc. Sự hiện diện của bà như một phép lạ, biến trẻ hư thành những thiên thần. Chúng nằm chán rồi ngủ khò, ít ra thì ngủ cũng thích thú hơn là nằm như tượng dưới ánh mắt đe dọa của bà.

Jeff và Kayla đã ngủ say, Lynn gỡ nhẹ bình sữa khỏi tay Kayla, đắp lại chăn cho nó. Bà hiệu trưởng nhìn Lynn, cô gật đầu ra dấu bảo hai người cứ đi đi. Tuần này đến phiên Lynn trực giờ nghỉ trưa từ 12 giờ đến 2 giờ rưỡi. Bà hiệu trưởng đưa cô cái điện thoại cầm tay, xỉa vào mặt Clive:

“Nhắm mắt lại, phải ngủ nghe chưa!” rồi cười với Lynn, “Thôi tôi đi một lát, cần gì cứ gọi pager cho tôi nhé.”

Bà vừa ra khỏi cửa là Clive ngồi phắt dậy. Lynn thử bắt nó nằm vài lần nữa nhưng vô hiệu. Cô nhìn ra ngoài văn phòng, không còn một ai nữa. Cô đứng dậy, dẫn Clive sang phòng vệ sinh bên cạnh, đặt nó ngồi vào bàn cầu:

“Clive phải tập đi ở đây nghe không. Lớn rồi, không được mặc tã nữa.”

Nó cứ ngơ ngơ - không bao giờ nhìn vào mắt cô. Rồi đột ngột nó vùng dậy, kêu ré những âm thanh vô nghĩa. Cô hoảng hồn bịt miệng Clive, nắm hai vai ấn nó xuống. Nó phản ứng dữ hơn, đá trúng một cú vào xương cẳng Lynn. Cô tóm chân nó, khóa chéo lại, rít qua kẽ răng:

“Thôi ngay. Ngồi đây cho đến khi mày đi ị.”

Cái đau thấu xương làm cô trở nên độc ác. Cô muốn làm nó khóc nên vận sức nhéo mạnh đôi má nó, nhay nhay mãi cho đến khi mặt nó đỏ au lên và nước mắt trào ra.

Rồi cô hối hận vì đã quá tay. Cô bỏ ra ngoài kiếm quần lót khác cho nó. Clive chạy theo lao vào người cô. Nó tấn công bằng đầu, húc mạnh vào bụng dưới của Lynn. Cô nổi da gà, phản xạ tự nhiên khi đứng trước nguy hiểm bị chó cắn. Nó cắn thật, hai tay cấu vào đùi Lynn, miệng gầm gừ. Cô tìm cách gỡ hai tay nó, rồi vặn ngược ra sau lưng. Vẫn để hai cánh tay bẻ quặt như thế, Lynn đẩy nó sát góc tường. Cô nhất quyết phải làm nó sợ. Nửa thân dưới của cô đè lên làm nó bị tê liệt. Cô ôm siết nó, lắc thật mạnh đến độ tóc nó dựng ngược lên. Cô vừa lắc vừa nhớ đến khẩu hiệu treo ở trên tường “Đừng Bao Giờ Lắc Một Đứa Trẻ.” Cô tiếp tục lắc và tiếp tục nghĩ: “Đừng bao giờ lắc một đứa trẻ, đừng bao giờ lắc một đứa nhỏ, đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ,...” Đầu óc cô tỉnh táo lạ thường, cô vừa lẩm nhẩm như vậy vừa đo lường cơn giận dữ của mình.

Cơn giận nguôi dần. Nhưng cảm giác bị cắn dưới bụng trở nên rõ rệt và lan rộng hơn, nhộn nhạo khác lạ. Loại xúc cảm này cô vẫn chờ đợi ở một người đàn ông mà không bao giờ đạt được. Tim cô đập dồn dập. Ý nghĩ “mình đã đến rất gần—gần lắm rồi” làm cô vừa hứng khởi, vừa sợ sệt. Cô tìm cách chống chỏi với những ham muốn. Nhưng ý tưởng đó đã chạy khắp cùng cơ thể như dòng điện—châm chích nung chảy da thịt. Cô muốn đẩy nó ra, nhưng không tự chủ được, người nó vẫn dính sát người cô. Nó đã trở thành thỏi nam châm ma quái. Sức hút bí ẩn từ một ngõ ngách tăm tối làm cô run rẩy kích thích. Ngay lúc đó, ấn tượng rằng đôi mắt nó quá xanh, càng xanh hơn trong bóng tối làm cô muốn uống, muốn nút, muốn hút cạn kiệt tất cả chất thủy tinh long lanh trong đó. Cô ấn nhẹ tay quanh con ngươi, vuốt ve như đang chơi búp bê. Những giọt nước từ đó ứa ra: Nó khóc! Lần đầu tiên cô thấy nó khóc lặng như thế, không thành tiếng, chỉ có tròng mắt lồi ra khiếp đảm. Nhưng không thể ngừng được nữa... Cô nghiến răng kẹp nó vào người , khao khát, vò xé, tàn bạo. Khớp xương nó kêu răng rắc trong cánh tay cô. Cô ngừng lại, nghe ngóng- rồi lại tiếp tục, không biết mình sẽ đi đến đâu.

Lúc Lynn buông nó ra, người cô lạnh toát, kiệt lực như sắp chết. Trái tim căng ứ máu, máu cứ cuồn cuộn bơm vào mà không có lối ra. Trái tim biến thành một quả tạ khổng lồ, dộng tới tấp trên ngực làm những khớp xương đau như bị gãy dập. Những sợi thần kinh hai bên thái dương co-thắt-dựt-xé-băm-chém, tiếng kêu như búa gõ vào sọ. Lynn hoàn toàn mất ý thức. Cô chỉ biết ôm ngực, thở gấp gáp, tựa như trong phòng không còn dưỡng khí nữa.

Một lúc nào đó, cô nghe thấy tiếng nhạc vọng lại từ bên phòng ngủ. Cô giựt mình, thì ra cuộn băng nãy giờ vẫn chạy nhưng âm thanh không lọt vào tai cô. Clive đang nằm co quắp trên thảm, dáng nằm trông như bị lạnh. Cô lắng nghe tiếng nó thở, yên tâm vì cửa phòng vẫn đóng, trẻ con vẫn ngủ, buổi trưa vẫn còn dài, hai người kia còn lâu mới quay về trường. Cô muốn lấy một tấm chăn đắp cho nó, nhưng đôi chân vẫn còn run lập cập. “Nếu có người vào mình phải nói là mình trúng gió,” và cô nghĩ thêm: “Nếu được nằm một chút chắc sẽ đỡ.” Cuối cùng cô nằm lăn ra thảm thật. Đến lúc đó cô mới hiểu mình có thể bất tỉnh bất cứ lúc nào. Cô thấy trần nhà cứ cao dần lên. Trong trạng thái bồng bềnh có lúc cô tưởng mình đang nằm trong thang máy, trôi tuột xuống những tầng lầu bên dưới.

Căn phòng nhòa đi. Những góc cạnh nối tường với trần nhà cong vẹo, lớp học hóa ra cái hộp bị bóp mẹp. Những vệt tối lao chao trên vách như trò đùa bóng đuổi. Những bức tranh chợt nhợt nhạt như phim ảnh cũ, rồi vô hình, vô màu, rồi mỏng tanh, ánh sáng đi xuyên qua và tan nhoà vào tường. Những bức vách thật đằng sau từ từ phơi bày, loang lổ những lỗ hổng, trống hoác, đen ngòm, lở lói. Cô căng mắt nhìn trừng trừng: Kìa, chúng nó - những lỗ đen, những thứ cô tưởng đã che lấp được. Bây giờ chúng chậm chạp nuốt chửng những khung cửa giả. Những cửa sổ cuối cùng đã chìm mất vào tường, ngập lún trong đó. Không còn gì nữa.


Ngày cuối

Mẹ Clive bắt đầu lo lắng vì nó, lối an ủi lý giải của bà hiệu trưởng không còn tác dụng nữa. Hơn một năm trời, nó không tiến bộ chút nào. Bây giờ lại càng tệ hơn. Mỗi ngày mang nó đến trường là cả một cực hình, nó phản kháng như một con thú hoang dại. Bà hiệu trưởng, dù rất muốn giữ Clive, cuối cùng cũng phải than phiền là nó đánh và cắn nhiều đứa bé khác trong trường. Bà đành giới thiệu cho mẹ Clive một trung tâm đặc biệt chuyên nghiên cứu trẻ em bị chứng autism. Sau vài lần trắc nghiệm, họ nhận Clive vào trong chương trình.

Hôm nay là ngày cuối cùng của Clive ở nhà trẻ Barney. Mọi người cư xử đặc biệt với nó. Bà hiệu trưởng bắt lũ trẻ phải nhường Clive bất cứ món đồ nào nó muốn. Kara không bắt nó ngủ trưa. Nó được tha hồ nghịch nước và chơi ngoài sân, bà cắt Lynn đi theo trông chừng nó. Bà còn cho nó chơi cả computer, thứ mà trước nay chỉ dành cho những đứa lớn và thông minh nhất trường. Ai nấy đều dịu ngọt và ân cần. Nếu Clive có trí nhớ tốt thì đấy sẽ là một dấu chấm tuyệt vời để kết thúc.

Bà hiệu trưởng ôm Clive vào lòng, nhéo má nó, cù vào cổ nó:

“Phải ngoan nghe chưa. Sang trường mới phải biết nghe lời cô giáo, không được cắn bậy nữa, nghe không?“

Clive rụt cổ, cười ngây ngô. Mắt vẫn cứ đâu đâu. Bà nhìn nó, rớm nước mắt:

“Đẹp trai thế này, tội nghiệp!”

Bà lại xoa đầu nó, thở dài. Rồi bà nhắc Lynn:

“Cô coi những món gì của Clive thì xếp vào một cái bao để chiều mẹ nó mang đi.”

Lynn đáp:

“Xong cả rồi.”

Cô đưa cái túi xách cho bà:

“Bà giữ để lát đưa cho mẹ nó.”

Bà mở túi ra kiểm:

“Chăn, gối, trải giường, quần áo, tã, đồ chơi. Vâng, tốt lắm, cảm ơn cô. Nhiều người lúc con thôi học không chịu dọn đồ về ngay, rồi cả tuần sau lại, đòi thứ này thứ kia. Tôi lấy đâu ra mà trả cho họ.”

Để Clive ngồi với bà, Lynn trở về lớp học. Cô lấy mấy tờ giấy cứng đủ màu, đóng thành một cuốn sách mỏng, rồi bấm lỗ, xỏ ruy-băng thắt một cuộn nơ ngoài bìa sách. Xong cô gọi từng đứa lại, bảo:

“Clive thôi không học ở đây nữa. Mình làm chung một tấm thiệp tặng Clive. Em có muốn vẽ hình gì, hay viết gì cho Clive không?”

Chúng vẽ hoa, ngôi sao, xe hơi, khủng long..., rồi nắn nót tên mình. Nét bút nguệch ngoặc, cái tên to gấp mấy lần hình vẽ. Nhưng đứa bé quá chưa biết vẽ thì nhúng những ngón tay nhỏ xíu vào sơn rồi in dấu tay lên giấy. Lynn ghi tên chúng nho nhỏ bên cạnh đó.

Ngoài bìa cô thận trọng dùng bút kim tuyến màu bạc nắn nót những dòng lấp lánh:

TẶNG CLIVE YÊU QUÝ
NHÀ TRẺ BARNEY

Cô muốn viết vài dòng - như với những đứa thôi học khác—nhưng lại nghĩ: “Vô ích, biết Clive rồi có đọc được không.” Ý nghĩ này đã cứu cô, bởi cô không biết phải viết gì. Nhớ ra Clive thích thú vật, cô gỡ hình con chó trên cửa sổ của nó, dán vào trang cuối. Mỗi ngày nó đều miết những ngón tay trên tấm hình này, tìm cách bóc ra. Lật lại từng trang, cô nghĩ thế là đủ. Cô cẩn thận xếp cuốn sách vào backpack của Clive. Cô vừa đóng dây kéo lại, vừa khóc. Cô nghĩ: “Thế là hết. Không cách nào cứu chuộc được. Nó sẽ theo ám mình, cho đến chết.”

Clive đi rồi nhưng mảnh cửa của nó vẫn còn đó, chỉ là một cái khung rỗng mở ra một khoảng không vô vọng. Trong những khung cửa còn lại, ánh sáng đã tắt hẳn. Lớp học trở thành một nhà ngục làm linh hồn Lynn ngộp thở. Cô xin nghỉ dạy rất đột ngột, chỉ cho bà hiệu trưởng một tuần để tìm người thế. Bà vội vàng đăng quảng cáo trên báo. Có mỗi một người nộp đơn, bằng lòng những điều kiện của bà, sẵn sàng nhận việc ngay. Bà gọi đến chỗ dạy trước của cô ta để tìm hiểu. Thông tin nhận được không mấy khả quan - cả khả năng dạy, tính tình, cũng như tác phong làm việc đều dưới trung bình. Bà năn nỉ Lynn:

“Cô chờ tôi tìm người khá hơn hãy nghỉ được không?”

Lynn ngần ngừ:

“Tôi chỉ làm thêm mười ngày nữa là cùng. Nếu bà tăng tiền lương thì sẽ có nhiều người giỏi đến ngay.”

Gần hết hạn vẫn chẳng ai gọi đến. Bà đâm oán Lynn, cô nghỉ ngang lại còn làm khó bà. Học khu xuống kiểm tra thấy hơn ba mươi đứa trẻ mà chỉ có bà với Kara trông thì họ sẽ phạt cả nghìn đồng. Cuối cùng thì bà cũng đành nhận cô giáo mới, sau khi có kết quả lăn tay của cảnh sát tiểu bang. Bà chép miệng: “Thôi dạy dở cũng chẳng sao, miễn trước nay không làm bậy trẻ con là được rồi.”

Lynn để lại tất cả sách vở, dụng cụ dạy học cho trường - kể cả những con búp bê và những cây đàn. Cô làm bà ngạc nhiên và cảm động. Bà không biết rằng cô đã mang đi nhiều thứ lắm - tất cả những lỗ đen ở trên tường.


chú thích:
(*) Autism: Có hai tiếng tương đương là bệnh tự tỏa (Tự điển tâm lý của G.S. Nguyễn Khắc Viện) hoặc bệnh tự hướng (Tự điển Oxford Anh-Hoa). Đó là một căn bệnh về phát triển tâm thần, liên hệ đến rối loạn não bộ, dẫn đến rối loạn về thể chất, ngôn ngữ và quan hệ xã hội. Triệu chứng gồm những phản ứng bất thường đối với cảm giác, trong quan hệ với người, vật, và những sự kiện chung quanh.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 35721)
Khi những cơn mưa bão đi qua đời mình
07 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 34383)
Thất trận ta về qua phố cũ
05 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 36107)
02 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 35113)
30 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 34944)
29 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 32650)
27 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 32919)
24 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 31979)
23 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 33504)
22 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 33668)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17070)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19002)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9185)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14021)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19191)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7906)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8505)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21741)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19800)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18061)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24516)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,