NGUYỄN THỊ HẢI HÀ - Thư Tình

07 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 22232)
NGUYỄN THỊ HẢI HÀ - Thư Tình

blank 




















“Em bỏ tôi bơi lội trong bí ẩn, và vì thế tôi càng yêu em hơn. Tôi sẽ quì xuống và cầu nguyện cho em...”
(Lá thư của Henry Miller gửi Brenda Venus)

“Em không thể nào sống thiếu anh nếu anh ghét em và người đầy những vết lở lói của người cùi – nếu anh bỏ trốn với một người đàn bà khác và bỏ đói em và đánh em - Em vẫn muốn có anh. Em biết...” (Lá thư của Zelda Sayre gửi cho F. Scott Fitzgerald).

*

 

Thư tình chiếm một chỗ quan trọng trong văn học Việt Nam. Giới yêu thơ hầu như ai cũng biết Tình Thứ Nhất của Xuân Diệu.

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Đem cho em kèm với một lá thư
Em không nhận là tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ

Ông tiếp tục than thở “thư thì mỏng như suốt đời mộng ảo. Tình thì buồn như tất cả chia ly…” Đó là sự thật trong thư tình.Thư tình hiện diện khi hai người yêu nhau ở xa nhau. Đôi khi sự xa cách này do ngăn sông cách núi. Đôi khi, đó là vực thẳm chia cách hai tâm hồn, có một người nhoài người bên triền núi cố gắng níu một bóng hình còn nằm ngoài tầm tay như những câu trong bài hát Phượng Hồng, “là tờ thư nằm hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về” và cuối cùng người viết lá thư tình suốt đời làm “gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.” Đây cũng là một chứng tích của nhà thơ và nhà văn là những người hay viết thư tình.

Thời đại bây giờ người ta không còn viết thư tình bằng tay và bút mực nữa. Vì thế người đọc thư sẽ khó bắt được cái rung động của những câu thơ trong bài Lá Thư Ngày Trước của Vũ Hoàng Chương:

Màu mực tươi xanh ngát ý mong chờ
Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy…

Và nhiều năm sau, người ta không còn cơ hội để vuốt lại nỗi buồn qua từng nếp gấp của trang thư:

Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại mấy tờ thư.

Cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương phải là người thích viết thư bởi vì ngày người yêu đi lấy chồng ông đã viết:

“Giờ đây phu trạm vừa đem
Lá thư anh gửi mừng em lấy chồng
Lá thư phấn đượm hương nồng
Kèm theo một bức khăn hồng anh cho”

Để làm người nhận thư phải tái tê:

“Nhận thư ướm bức khăn hồng
Em buồn với cả tấm lòng anh ơi” 

Viết thư tình là một hành động bày tỏ yêu thương, bởi vì, bạn hãy thử xem, nếu bạn không thật sự yêu thì bạn không thể viết thư tình, hoặc nếu bạn cố viết, nó cũng sẽ vô vị lạt lẽo và không phải là một thư tình hay. Bạn sẽ không có những câu như “lá thư xưa màu mực úa phai rồi. Duyên thăm thẳm ở phương trời đâu đó.” Nói gì đi nữa thư tình hay nhất là lá thư viết dành riêng cho mình. Ở thời đại i meo này, người viết thư tình bằng tay và bút mực là một cổ vật vô giá sót lại từ hai ba thế kỷ trước xứng đáng được ngưỡng mộ lẫn yêu thương cho đến cuối đời.

Nhà thơ Việt Nam bày tỏ tình yêu bằng thư tình thì các nhà văn Âu Mỹ cũng thế. Cathy N.Davidson xuất bản một quyển sách rất dày có tên là “The Book of Love – Writers and Their Love Letters” (Ấn bản Tình Yêu – Nhà Văn và tình thư của họ).

Cathy N.Davidson là giáo sư dạy văn chương của Đại học Duke. Bà là tác giả hay chịu trách nhiệm biên tập của khoảng 20 quyển sách. Bà là cộng tác viên của các tạp chí như Ms.và Vogue. Bà sống ở vùng nông thôn North Carolina.

Cathy Davidson bắt đầu bài giới thiệu quyển sách bằng cách nói về những lá thư của Edith Wharton (45 tuổi) viết cho Fullerton, người tình trẻ hơn bà 21 tuổi. Tình yêu của Edith là tình yêu một chiều. Cuối cuộc tình Fullerton bỏ đi không từ giã, chẳng giải thích lý do, cũng không hồi đáp thư của bà. Thư của bà đầy nét ngậm ngùi và cũng hay như văn của bà.Mối tình tan vỡ này là cảm hứng để Wharton viết nhiều tác phẩm nổi tiếng.Cũng có một số ít nhà văn, khi tình yêu tan rã họ viết tiểu thuyết có sắc thái tự truyện, bêu xấu nhau để trả thù.Nhà văn viết thư khi họ xa người yêu, nỗi nhớ biến thành chữ nghĩa. Đôi khi họ tìm cách ở xa người yêu để được có cơ hội viết thư tình hay được đọc thư tình nhiều hơn. Bà Davidson viết, “Ít nhất là cũng có một số nhà văn viết thư tình thật sự say mê chữ nghĩa, (Những say đắm cần phải có và nỗi tuyệt vọng trong tình yêu đánh dấu bằng sự thiếu vắng người yêu).” Bà cũng tự hỏi “tại sao rất nhiều nhà văn chọn yêu say đắm những người thật sự xa cách họ, xa cách cả không gian lẫn tâm hồn?” Bởi vì, bị từ chối tình yêu người ta có thể viết những lá thư tình say đắm.

Có nhà văn bị buộc tội là viết thư để dụ dỗ các cô gái trẻ đẹp yêu mình và phụ phàng người yêu trước.

Đó là trường hợp Joyce Maynard với J.D.Salinger, tác giả của Bắt Trẻ Đồng Xanh. Mười bốn lá thư của Salinger gửi cho người yêu bé bỏng, trẻ hơn ông ba mươi lăm tuổi, đã được đem bán đấu giá 150 ngàn đô la. Tôi rất mong được đọc những lá thư tình nhà văn này đã viết. Có lẽ những lá thư này phải rất quyến rũ.Joyce Maynard, bản thân cũng là nhà văn đầy triển vọng, nổi tiếng khi vẫn đang còn học đại học, đã bỏ đại học Yale về sống với Salinger.Bà vợ đầu tiên của Salinger, Claire Douglas, cũng chỉ vì mê thư ông đã bỏ học bốn tháng trước khi tốt nghiệp đại học để kết hôn với ông, lúc ấy lớn hơn bà chừng 14 tuổi.

Sau khi đọc hằng ngàn lá thư của nhiều nhà văn, bà Davidson nghi ngờ là “nhà văn cố ý chọn yêu người ở xa, có lẽ là để kết hợp đam mê ái tình với đam mê văn chương. Thư tình dường như hoàn toàn thích hợp với những mâu thuẩn trong cuộc sống của nhà văn.Nhà văn thường khi cô đơn lại rất sành tâm lý độc giả (chẳng phải xa lạ gì vốn là những người chiêm ngưỡng ái mộ nhà văn).Nếu văn chương là lá thư gửi cho thế giới theo cách nói của Dickinson, thì một lá thư tình là biểu tượng của người theo đuổi cái nghề cần được yên tĩnh và cô đơn nhưng lại thèm muốn được trò chuyện. Cũng như văn chương, thư tình là tình yêu đem gửi cho người khác.”

Sau đây là bản dịch một vài trích đoạn quyển Ấn bản tình yêu – Nhà văn và tình thư của họ do Kathy Davidson sưu tập và biên soạn. Những dòng vắn tắt về tiểu sử tác giả là của NTHH.

Đối với Edith Wharton, tình yêu là bày tỏ. Nó mở cánh cửa ngăn cơn thác lũ của chữ nghĩa. Đang yêu, nàng muốn viết thư kể tất cả mọi chuyện với Fullerton và muốn dùng chữ nghĩa biến Fullerton thành tất cả mọi thứ trong đời bà, như thể tình yêu của hai người cũng là một trong những tác phẩm của bà. Trong tình yêu bà cũng giống như bao nhiêu người khác. “Đối với các nhà văn chuyên nghiệp, thư tình hóa thân từ đam mê; lời văn được dùng để đo lường tình yêu. Dường như nhà văn dùng thư tình để biến tình yêu thành một cái gì đó có thật.” Thư tình được xem là cái phần nối liền của nghệ thuật viết văn.Nói đơn giản, văn chương không hiện hữu nếu không có ai cần bộc lộ quan điểm của họ về thế giới bằng chữ.

Trong thư tình, nhà văn có thể buông ra những câu văn bay bổng lên trời, bởi vì những câu văn ướt át và cháy bỏng có thể bị kiểm duyệt trong những bài văn bài báo bình thường và chắc chắn bị xóa bỏ hoàn toàn khi xuất bản.

Không những nhà văn viết thư nhiều hơn người thường, thư họ viết thường được lưu truyền bởi vì nhiều lý do; độc giả ái mộ, những người có liên hệ với xuất bản văn chương, con cái của nhà văn, ngay cả kẻ thù hay những người yêu cũ đã bị bỏ đều muốn để dành thư của nhà văn. Mặc dù những lá thư thân mật cao độ thường được dấu kín, nhưng đôi khi, ngay cả những lá thư thầm kín cũng được đem in.

Có những lá thư tình được xếp hạng là thành quả lớn nhất của nhà văn, thường làm chúng ta nghĩ rằng, có một người nào đó thật đáng yêu làm người ta cảm hứng đến độ viết ra những lời thơ đẹp nhất.

Đôi khi tôi tự hỏi cái nào quan trọng hơn, tình yêu hay lá thư? Có rất nhiều nhà văn nổi tiếng – trong đó có Kafka, Rilke, và Kleist – đã có những cuộc tình chỉ trong thư từ. Đọc thư của họ tôi mất kiên nhẫn. Không biết bao giờ thì các nhà văn này ngừng viết thư để bắt đầu yêu thật. Trong quyển sách này đối với nhiều nhà văn, viết thư bị bắt buộc phải xa nhau vì thế họ thật sự đau khổ. Tuy nhiên cũng có nhiều nhà văn khác, dường như cố giữ khoảng cách xa vời để có nhiều thư hơn.Trong trường hợp này, thư từ không phải là cách dẫn đến tình thân mà là để tránh thân tình với người khác.

Văn sĩ không nhất thiết yêu nhiều hơn hay tốt hơn mọi người. Điểm đặc biệt khác người là họ viết về tình yêu này. Có rất nhiều nhà văn đã dùng cuộc tình tan vỡ của họ làm cốt truyện.

Dĩ nhiên không phải tất cả các nhà văn đều dùng tình yêu tan vỡ làm cảm hứng để viết. Nhiều người đã yêu rất sâu đậm và dùng thư để biểu lộ tình yêu này. Samuel Clemens (Mark Twain) biết trước khi kết hôn ông muốn có một người vợ cũng là người “đồng hành.” Ông theo đuổi Olivia Langdon bền bỉ, tự biến mình thành một người có trách nhiệm với xã hội và là một người viết văn nhạy cảm mà bà ái mộ.Độc giả của quyển Những Cuộc Phiêu Lưu của Huckleberry Finn có thể ngạc nhiên bởi sự đam mê của đôi tình nhân (và văn phong cao cả của ông): “Bởi vì anh thật sự yêu em, Livy – như sương yêu hoa, như chim yêu nắng; như những giọt nước li ti yêu cơn gió nhẹ, như bà mẹ yêu con đầu lòng, như ký ức yêu những gương mặt cũ, như thủy triều yêu mặt trăng, như thiên thần yêu tâm hồn trong trắng.”

Những lá thư trong tuyển tập này là bằng chứng, thư tình xóa nhòa giới hạn sự biểu lộ “riêng tư” và “công cộng.” Những lá thư này hấp dẫn ở chỗ là chúng giúp người đọc hiểu rõ cuộc đời của tác giả; thỏa mãn người đọc cũng như văn học, nhưng quan trọng nhất là chúng nói với tất cả độc giả, cho dù ban đầu chỉ dành cho một người. Thư tình thỏa mãn nhu cầu được thú nhận, chứng giám, và biểu lộ những điều bình thường không được nói. Cũng cái nhu cầu này ẩn chứa kỹ thuật viết văn.Nhà văn không những chỉ có cảm giác cao độ hay là bén nhạy về cảm giác (mặc dù sở hữu những tính chất này rất cần thiết); họ còn bị thôi thúc (ngoại trừ những trường hợp hi hữu như Dickinson) muốn biểu lộ sự nhạy cảm này một cách công khai. Viết tiểu thuyết hay làm thơ là một hình thức đặc biệt của sự biểu lộ tư tưởng, thân thiết mà cũng xa cách.Nó thân thiết vì tình cảm giữa nhà văn và độc giả rất đậm đà – như tình yêu. Nó xa cách ở chỗ nhà văn ít khi gặp gỡ độc giả thật thụ, và khi họ gặp nhau thường thì cả đôi bên đều thất vọng. Nhà văn không phải là những nhân vật chính mà độc giả nhận ra bóng dáng của họ trong những nhân vật này.

Với những lá thư tình, nhà văn biểu lộ tài viết của họ trước một khán giả có thật và thường khi yêu mến họ. Độc giả là người yêu đặc biệt. Có độc giả nào được nhà văn tán thưởng và yêu mến hơn là người yêu? Người ta cũng không thể tách rời tình yêu riêng tư trong văn chương phục vụ công chúng.Những nhà văn có bản sắc hoàn toàn khác biệt nhau như Robert Burns, Charles Baudelaire, Paul Laurence Dunbar, Lady Augusta Gregory, Carl Sandburg, Wallace Stevens, và Pablo Neruda đều đính kèm những bài thơ của họ vào những lá thư tình, nhấn mạnh cùng một lúc nguồn cảm hứng và sự sáng tạo. Những nhà văn này công khai ghi lại cái quan hệ giữa đam mê (tình yêu) và sáng tạo (bài thơ), cách tình yêu gợi cảm hứng cho tác phẩm và sự nhung nhớ đã cản trở chuyện viết lách như thế nào. Đối với họ, người yêu vừa là nàng thơ vừa là độc giả. Khi thi sĩ xuất bản thư tình, độc giả thay chỗ của người yêu; khi nhà thơ có dụng ý xuất bản những lá thư tình ngay từ lúc mới yêu nhau, người yêu thay thế cho độc giả.

Đối với một số nhà văn, thư tình có thể là một hành động văn chương tối hậu.Kỹ thuật văn chương dạy người ta cách quyến rũ bằng chữ, làm sao cho độc giả tán thành quan điểm của nhà văn về thế giới.Như Ros Chambers đã nhắc nhở, văn chương là một hình thức quyến rũ. Như có một người yêu, đọc văn chương là một lạc thú được giữ kín, thực hiện một cách riêng tư và đòi hỏi thời gian. Nó là một chỗ để ẩn náu hay là cuộc nổi loạn chống lại những đòi hỏi của cuộc sống bình thường. Nhà văn biết điều này.Họ biết, tranh giành sự chú ý và cảm mến của độc giả là một việc khó khăn. Đối với một vài nhà văn, thư tình là phương tiện toàn vẹn để trau dồi và thử thách tài quyến rũ bằng chữ.“Viết văn,” như Jean Cocteau đã nói, “là một hành động của yêu thương.Nếu không, nó chẳng có nghĩa lý gì ngoài những hàng chữ nghệch ngoạc.” Trong một lá thư tình văn chương, hành động yêu có thật; sự quyến rũ bằng một bài viết là văn chương hóa.Phần thưởng của sự sáng tác trở nên hiện thực có thể sờ nắm được. Độc giả trở có thân thể. Chữ nghĩa là thịt da.

*

Thư của H.L.Mencken gửi Sara Haardt

Sara Haardt (1898 – 1935) sinh trưởng ở Montgomery, Montgomery County.Tuy tuổi đời ngắn ngủi, tác phẩm của bà bao gồm truyện, phim bản, khá nhiều tiểu luận và hơn 50 truyện ngắn.Truyện ngắn của bà thường là cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và phong tục của miền Nam Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến cuộc đời của phụ nữ. Truyện dài The Making of A Lady (1931) (Sự hình thành của một người phụ nữ ) thể hiện sức mạnh của xã hội và kinh tế đã khống chế phụ nữ, và khả năng miêu tả tâm lý của những cô gái trẻ trong truyện ngắn Absolutely Perfect (Toàn Hảo) được giới văn chương chú ý.Bà được đề cử giải O’ Henry năm 1933.

Mencken (1880-1956) được xem là một trong những người ảnh hưởng sâu đậm đến văn học Hoa Kỳ phần đầu của thế kỷ 20.Nổi tiếng với tác phẩm The American Language, một bộ sách (nhiều quyển) nghiên cứu nói về quá trình phát triển và biến đổi từ Anh ngữ trở thành ngôn ngữ của người Hoa Kỳ. Là người theo chủ nghĩa tự do ông kịch liệt chống đối cuộc thế chiến thứ Nhất. Ông có một số lượng tác phẩm không lồ về đủ thể loại và đề tài điểm sách, phê bình, âm nhạc, các chính trị gia, trí thức giả mạo, cả những thể loại động viên tinh thần cho người thất chí.Ông càng nổi tiếng hơn về những bài chống đối chỉ trích sự ngu dốt, thiếu hòa đồng, giả mạo và giả dối, các nhà tôn giáo cực đoan quá khích, phản khoa học hay mê tín dị đoan.

Wikipedia nêu khoảng hơn 30 quyển sách của Mencken. (Wikipedia)

Ít người nhớ rằng H.L.Menken, một nhà báo nhà văn có tính tình gay gắt và miệng lưỡi độc địa, là người có vợ.Mặc dù ông có nhiều bạn là phụ nữ và ông giúp đỡ rất nhiều nhà văn tài giỏi khác (nam cũng như nữ), người ta thường cho rằng ông rất ghét đàn bà. Ông đã từng định nghĩa “tình yêu là một ảo tưởng mà mỗi người đàn bà nhìn thấy một cách khác nhau.” Tuy nhiên khi diễn thuyết ở đại học Goucher, ông gặp Sarah Haardt, một giáo viên kiêm văn sĩ 24 tuổi ăn nói lưu loát, và trẻ hơn ông mười tám tuổi, ông bị hớp hồn ngay lập tức. Tài viết văn của cô chinh phục ông, nhưng ông khuyên cô không nên kết hôn với ông, bởi vì ông tin rằng hôn nhân sẽ cản trở người phụ nữ không thể phát huy toàn vẹn tài năng. Sarah vừa xinh đẹp lại thông minh, đồng ý.Cô cho rằng bất cứ người phụ nữ nào từ bỏ sự nghiệp vì hôn nhân là hy sinh mù quáng về sau sẽ hối tiếc. Trải qua nhiều năm, họ sống riêng và tiếp tục sự nghiệp của họ, nhưng họ viết thư cho nhau hầu như mỗi ngày. Thư của họ cho thấy đời sống tri thức cũng như tình cảm của hai người rất nồng nàn đậm đà.Thư của Mencken có vẻ kín đáo. Ông không phải là người phơi trải đam mê trên trang giấy. Tuy thế khi Sarah, ăn nói lưu loát, dễ thổ lộ, có một ngày nào đó đã không viết thư, Mencken thúc giục cô viết nhiều hơn và thường xuyên hơn. Sau bảy năm và bảy trăm lá thư, đôi tình nhân vượt qua những trắc trở về triết lý sống cũng như quan niệm về hôn nhân để đến với nhau. Tất cả mọi người, mọi nguồn tin, đều nói: đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc phi thường.

March 4th, 1925

Baltimore, Maryland

 

Sara yêu mến,

Tin mừng cho em, thật mà. Đó là, tôi bị bệnh cúm.Cái chứng bệnh này tràn lan khắp nơi và trở thành bệnh dịch.Tôi lẩn trốn nó bằng cách vi phạm điều luật XVIII. Những tờ báo y khoa hiện giờ đăng rất nhiều về cái nạn nấc nghẹn mà tôi bị từ ba tháng trước. Hiện tượng này rất đáng tò mò và thật tức cười, nấc nghẹn liên tiếp ba ngày và đầu tôi ngứa ngáy dễ sợ. Tạo hóa có rất nhiều trò trớ trêu và tôi thích cái lối đùa cợt như thế.

Tôi làm thinh, chẳng lên tiếng về chuyện Mercury. Nathan ngu ngốc vướng vào chuyện ấy, nên ông ta đang bị xấu hổ mà tôi chẳng giúp gì được.Lời tuyên bố của tôi sẽ được in trong số báo tháng Bảy, ba dòng. Chúng tôi vẫn chưa thỏa thuận với nhau. Có lẽ sẽ có nhiều chuyện bát nháo xào xáo. Knopf, xui xẻo thay, chỉ là một người vô tình bị vướng vào chuyện này, và không nên để ông ta bị thiệt thòi.

Về chuyện của Borglum, tôi thông cảm với nhóm học trò của Jeff Davis. Về mặt tiền bạc, Borglum tham lam như heo, điều nay không ai cãi chối.Trong chiến tranh, hắn ta làm giàu nhờ những hợp đồng ma.

Hai mươi bảy. Em chỉ mới bắt đầu lớn. Phụ nữ đẹp nhất, duyên dáng nhất sau khi ba mươi, đặc biệt là một phụ nữ tóc nâu đậm. Em sẽ rất đẹp khi tóc em bắt đầu phai màu. Còn tôi, bắt đầu có cảm giác, ở tuổi 44 tuổi rưỡi, những người chuyên tẩn liệm người chết bắt đầu để mắt đến tôi. Khi em đến tuổi này thì tôi sẽ được 62. Chuyện này đáng suy ngẫm một chút.

Bài viết về người phụ nữ miền Nam là một bài hay. Có lẽ, nên đánh bóng một chút, chẳng hại gì, nhưng tôi nghĩ vẫn có thể được tiền nhuận bút nếu cứ để yên như thế. Thử gửi nó cho các tạp chí mà tôi đã nói cho em biết trong lá thư trước. Các tờ tạp chí ấy trả nhuận bút khá cao. Nếu họ không mua nó, gửi lại cho tôi để tôi đọc lại lần nữa. Tôi nghĩ, thay đổi một vài chỗ tôi có thể dùng nó được. Nhưng chúng tôi vẫn trả nhuận bút thấp hơn tở Century, Harper’s, vân vân.Cuối năm thứ nhất chúng tôi dư ra 2,200 đô la nhưng biên tập viên vẫn không được trả tiền. Tồi thật.

Isaac Goldberg đề nghị viết một quyển sách về tôi có cả minh họa.Mặc dù ông ta biết về tôi nhiều hơn Coolidge, tôi vẫn phải tìm kiếm thêm tài liệu về tôi. Công việc này té ra lại khó khăn hơn tôi tưởng.Tôi bỏ ra nguyên hai ngày để cố tìm kiếm và sắp xếp lịch sử của những người trong họ Mencken. Sau khi làm chuyện này xong rồi tôi phải lục lại tất cả những bài báo tôi viết từ khi bắt đầu, và tuyển chọn chúng.Và tôi phải nhớ lại những chi tiết trong đời sống tâm hồn và tôn giáo của tôi – như tôi đã theo Công giáo như thế nào, thí dụ thế.Nếu tôi có thì giờ rộng rãi thì chuyện này sẽ rất thú vị, nhưng tôi lại không có thì giờ. Goldberg sẽ tổ chức một buổi hội thảo về tôi nhưng ông ta không viết thành sách.Công việc ấy để dành cho em. Tựa đề: “Một nhà ái quốc người Mỹ.” Tôi cho phép em được xuất bản 10 năm sau khi tôi lìa bỏ cuộc hí trường.

Bạn Sary ơi, tôi nhớ em muốn điên. Tôi đã, dời chỗ ăn từ Marconi qua chỗ của Max ở đường Park. Nếu em ở gần tôi thì tôi có thể bị em mắng cho vì tìm cách “bóp cổ” em. Tôi đang tập dượt chuyện này với cái cổ của những bà béo phì. Khi nào tôi gặp lại em tôi sẽ chỉ cho em biết vài kiểu bóp cổ. Vì thế phải cẩn thận.

Ich kuss die Hand!

Của em

HLM

*

Thư của Brenda Venus viết cho Henry Miller

Henry Miller (1891 – 1980) nhà văn kiêm họa sĩ Hoa Kỳ, nổi tiếng là người phá vỡ cấu trúc của văn học truyền thống, tiên phong trong việc phát triển một thể loại văn học mới bằng cách kết hợp văn học với tiểu sử, phê bình xã hội, suy ngẫm triết lý của cuộc đời, người theo chủ nghĩa siêu thực không liên kết với tổ chức nào, và chủ nghĩa tâm linh.Tác phẩm tiêu biểu của ông là Tropic of Cancer, Tropic of Capricorn, và Black Spring. Ông cũng viết du hành ký, hồi ký, tiểu luận phân tích và phê bình văn học (Wikipedia).

Năm 1976, có một người nữ diễn viên điện ảnh không nổi tiếng, không ai chứng mình được là người có thật, tên là Brenda Venus viết thư cho Henry Miller, lúc ấy đã được tám mươi bốn tuổi, đang đau yếu. Miller thời còn trẻ nổi tiếng là một người theo chủ nghĩa tự do luyến ái và tình dục và là người tiên phong trong địa hạt văn học miêu tả tình dục của đàn ông. Venus bày tỏ nguyện vọng được gặp ông và gửi cho ông một số ảnh của nàng. Miller, không bao giờ bỏ qua cơ hội được chia sẻ không gian và thời gian với người đẹp, hớn hở trả lời.Ông viết hai lá thư ngày 9 tháng 6 năm 1976, và được Venus đáp ứng với rất nhiều lá thư sau đó. Đây là lúc bắt đầu của bốn ngàn trang thư qua lại cho đến khi Miller qua đời năm 1980.

Những lá thư của Miller to Brenda Venus cho thấy tư tưởng của ông vẫn còn rất tươi trẻ sống động, nhất là lúc ấy sức khỏe của ông đang suy thoái trầm trọng. Trong mối quan hệ này, ông đã lần lượt đóng những vai người cha, người thầy, người hướng dẫn tinh thần, và nói chung là một ông già thích yêu. Những vai trò này có lẽ vừa làm Venus thích thú vừa có vẻ vô hại với nàng, một người đang định hướng đi của mình trong một thế giới rất khắc nghiệt và khó thành công cho một diễn viên điện ảnh chưa có tên tuổi.Nàng nói trong một lá thư chúc mừng sinh nhật thứ tám mươi sáu của Miller, “anh đã dẫn em đi trên con đường đầy ắp tin tưởng và yêu thương, và em rất sung sướng theo anh.” Nàng đã hãnh diện đóng vài trò nàng thơ cuối cùng cho một trong những nhà văn khêu tình gợi dục nhất của Mỹ. Riêng Miller, ông cảm thấy mình có được một tình yêu vô bờ bến và rất hàm ơn người đàn bà này. Nếu không có nàng, ông có lẽ bị “bắt buộc nhận chìm những năm cuối cùng của đời mình trong cơn lê mê của thuốc ngủ và cô đơn vì không người thăm viếng.”

 

Tháng Giêng 22, 1980

Henry mãi mãi của em ơi,

Anh dạy em nhiều ơi là nhiều. Anh giúp em hiểu cuộc đời. Anh toàn hảo gần như là một đóa hoa hồng. Ý chí của anh, tinh thần của anh, những cái tốt của anh thật là đáng kinh ngạc. Anh luôn làm em thảng thốt. Anh là người đàn ông đặc biệt nhất trong thế giới này. Em có cảm tưởng nhờ anh mà em có được tất cả những chuyện may mắn vui vẻ trong đời. Anh thật sự chiếm một chỗ lớn và vững chắc trong tim em, trong óc em, trong linh hồn em.Một đóa hoa hồng không bao giờ tàn. Một ánh sáng không bao giờ tắt.

Bây giờ, nhờ anh, em có thể để mọi chuyện diễn tiến theo cách của nó. Đây đúng là em đã leo lên một nấc thang cao hơn, phải không?

Nhờ anh, em sẽ chỉ sống với giây phút này, ngày hôm nay. Em sẽ không lo lắng về ngày mai, em biết nó sẽ đến không mấy chốc. Mỗi ngày là một ngày quí giá, đặc biệt là khi em được nhìn thấy anh, nắm tay anh và nhìn sâu vào mắt anh.

Tony và Val yêu anh rất nhiều. Em nhìn Tony ngắm anh hôm qua và em có thể nhìn thấy lòng yêu thương mà Tony dành cho anh. Em biết tình cảm của cha mẹ và con cái đôi khi không thể bày tỏ dễ dàng, bởi vì ý kiến về thái độ của mỗi người luôn luôn khác nhau. Tức cười là ở chỗ cái mà cha mẹ ghét nhất ở con cái thường là cái mà người ta ghét ở chính mình và ngược lại. Tony sẽ về nhà nay mai thôi, anh đã nói cho Tony biết là anh thương yêu cậu ấy chưa? Đâu có gì khó khăn khi nói bố thương con, bố thương con, bố thương con. Khi em bày tỏ lòng thương yêu với người thân em thấy sung sướng lắm. Em không biết người khác có thấy thế không.

Từ khi ở Paris, em thấy lòng em có nhiều biến đổi mà em không thể giải thích, ngoại trừ là có thể nói rằng tất cả những năm tháng dường như kết tụ lại trong óc em.Mọi chuyện trở nên trong trẻo như pha lê. Đặc biệt là cái quan trọng của sự hiện hữu, của mình là chính mình ở mức độ toàn vẹn nhất.

Anh mang đến cho em nụ cười, anh làm em chảy nước mắt, đấu tranh cho niềm tin của mình và không thắc mắc về những điều em không thay đổi được, chỉ chấp nhận chúng như thế, nhất là với con người.

Em hy vọng bác sĩ sẽ tuyên bố là anh có sức khỏe khả quan.Và em mong anh sẽ ăn nhiều món súp gà em nấu. Em biết nếu anh ăn được anh sẽ thấy khỏe trong vòng vài ngày. Em biết.

Lá thư này có lẽ dài quá đã làm anh mỏi mắt vì thế em xin ngừng.

Những bức tranh vẽ bằng màu nước của anh càng lúc càng đẹp hơn, em là người ái mộ nhất. Tất cả tình yêu của em bây giờ và mãi mãi.

*

Lá thư của Henry Miller gửi Brenda Venus

Tháng 9 ngày 29, năm 1980

Và bây giờ, tôi, ông già 87 tuổi, yêu say mê điên cuồng một cô gái trẻ đã viết cho tôi những lá thư phi thường, người yêu tôi đến chết, giữ mạng sống cho tôi, và giữ tình yêu cho tôi (một tình yêu toàn vẹn lần đầu tiên), người viết cho tôi những lời thâm thúy và đầy tình cảm làm cho tôi vui sướng và ngây ngất như một gã thiếu niên. Nhưng hơn thế nữa tôi mang ơn em, tôi may mắn lắm. Tôi có xứng đáng nhận lãnh những lời khen tặng em chất chồng lên tôi không? Em làm tôi tự hỏi tôi thật ra là một người như thế nào? Tôi có thật sự biết tôi là ai và tôi là cái gì hay không? Em bỏ tôi bơi lội trong bí ẩn, và vì thế tôi càng yêu em hơn. Tôi sẽ quì xuống và cầu nguyện cho em. Tôi chúc phúc cho em với tất cả kính nể thần thánh còn sót lại trong tôi. Chúc em nhiều điều may mắn, Brenda yêu quí của tôi, và đừng bao giờ hối tiếc mối tình này. Cả hai chúng ta đều may mắn. Chúng ta không thuộc về thế giới này. Chúng ta là những vì sao và là cả vũ trụ ngoài kia.

Chúc em sống thật lâu nhé, Brenda Venus.

Xin chúa ban cho nàng niềm vui, thỏa nguyện và tình yêu vĩnh cữu!

Henry

*

Lá thư của Zelda Sayre gửi cho F. Scott Fitzgerald

Francis Scott Key Fitgerald (1896 – 1940) nhà văn nổi tiếng của Hoa Kỳ được xem là cây bút nổi bật nhất của Jazz Age (Thời Đại Jazz) và The Lost Generation (Thế Hệ Lạc Loài).Ông hoàn thành bốn truyện dài This Side of Paradise (Bên này của thiên đường), The Beautiful and Damned (Đẹp và bị nguyền rủa), Tender is the Night (Đêm Dịu Dàng), và nổi tiếng nhất là The Great Gatsby (Chàng Hào Hoa Gatsby).

*

Zelda Sayre (1900 – 1948)

Câu chuyện của Scott và Zelda là một trong những câu chuyện quen thuộc nhất trong lịch sử văn chương Mỹ. Chàng trẻ tuổi đẹp trai gốc Minnesota làm ngơ ngẩn những người xinh đẹp chàng gặp ở Princeton.Nàng xuất thân từ một gia đình cổ kính và thanh lịch ở miền Nam. Họ gặp nhau ở một buổi khiêu vũ ở Montgomey, Alabama. Ngày hôm ấy vào tháng Bảy năm 1918, chàng là một quân nhân đóng ở trại Sheridan gần đấy. Nàng nghĩ chàng rất xinh đẹp trong bộ quân phục và chàng nghĩ nàng là người đẹp trong mơ của chàng. Họ yêu nhau nhưng Zelda bắt đầu ngập ngừng không muốn tiến hành cuộc đính hôn.Tháng Sáu năm 1919, bất thình lình nàng tuyên bố hủy bỏ cuộc đính hôn, khăng khăng, là điều này cũng tốt cho cả hai người. Nhưng rồi họ cũng kết hôn và nàng đã có linh cảm đúng. Hai người thật sự chà đạp nhau vì yêu quá độ và sống quá độ.

Ai là người có lỗi trong cuộc phá hủy cuộc đời của Fitzgeralds đã là đề tài của rất nhiều quyển tiểu sử trái ngược nhau.Ngay cả lá thư của Zelda viết từ lúc bắt đầu cuộc tình đã có dấu hiệu không lành. Có một cái gì đó vừa buồn bã vừa công kích trong lá thư này, như thể là Zelda đã thách thức Scott làm nàng đau đớn để cho nàng có thể chứng minh là nàng yêu chàng hơn là chàng yêu nàng. Lá thư viết rất hay, chứng minh với cả hai người về nhiều điều khó khăn đã làm hỏng cuộc hôn nhân của hai người. Lời văn của nàng gợi cảm hứng cho chàng và đôi khi chàng trích cả những đoạn văn của nàng vào truyện của chàng.Nàng phóng đại và cáo buộc là chàng đạo văn của nàng trong tất cả tác phẩm của chàng.

Không thể chối cãi là cả hai đều tự phá hoại tài năng của mình, và người này đổ lỗi cho người kia.Chàng trách nàng đòi hỏi quá mức, không chung thủy, tra tấn chàng; và nàng trách chàng đã đòi hỏi quá mức, không chung thủy, và tra tấn nàng. Cả hai xuất bản rất nhiều tiểu thuyết có khuynh hướng tự thuật cuộc đời mình. Họ biểu lộ quan điểm về cuộc hôn nhân và cố gắng hết sức để giết chết chút tình yêu còn sót lại giữa hai người.

Scott chết vì bệnh tim năm 1940 lúc mới 44 tuổi, trong căn hộ của người yêu mới, Sheilah Graham. Tám năm sau Zelda chết lúc bệnh viện bị cháy. Bi kịch của cuộc hôn nhân của hai người làm người ta khó mà nhớ rằng đã có lần nàng viết cho chàng, “Anh đến – như mùa hạ, lúc mà em cần anh nhất.” Họ đã có một thời gian tươi trẻ và đầy hứa hẹn với nhau.“Cái chết già thì rất đẹp – đẹp lắm,” Zelda viết mùa xuân năm 1919.“Chúng ta sẽ chết cùng lúc – Em biết thế.”

Mùa Xuân năm 1919 hay 1920

Em nhìn xuống đường rầy xe lửa thấy anh đang đến – từ không gian mù mịt và ẩm ướt, cái quần nhăn nhúm thân yêu của anh đang vội vã chạy đến với em – Không có anh, cưng nhất yêu quí nhất của em, em không thể nhìn thấy, nghe, cảm thấy, hay suy nghĩ – hay sống – Em yêu anh đến mức độ ấy và không bao giờ, trong suốt cuộc đời, sẽ cho phép chúng ta xa nhau một đêm nào nữa cả. Nó giống như van xin được thương xót, từ cơn bão hay giết chết Cái Đẹp hay sống đến già, mà không có anh. Em muốn được hôn anh - ở sau lưng nơi lông của anh bắt đầu và ngực của anh – Em yêu anh – và em không thể nói cho anh biết nó nhiều đến mức độ nào – chỉ nghĩ đến em sẽ chết mà anh không biết – Goofo, anh phải cố mà tưởng tượng em yêu nhiều đến mức độ nào – em thờ thẫn đến mức độ nào, khi anh đi rồi – Em không thể ghét những người đáng nguyền rủa chung quanh em – Không có người nào có quyền sống ngoại trừ hai đứa mình – và họ đang làm bẩn thế giới của chúng ta và em không thể ghét họ vì em thèm muốn anh quá – Nhanh lên – Nhanh lên đến với em – Em không thể nào sống thiếu anh nếu anh ghét em và người đầy những vết lở lói của người cùi – nếu anh bỏ trốn với một người đàn bà khác và bỏ đói em và đánh em – Em vẫn muốn có anh, Em biết.

Người yêu, Người yêu, Cưng –
Vợ của anh

Zelda

 

New Jersey, 5-2010

Nguyễn Thị Hải Hà

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 23235)
Nhấn một nốt nhạc: cung đen/ giấc mơ: rám chín, ngoại biên thức chờ
20 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 21582)
nhức con mắt bên phải/ tôi nghi ngại nửa bầu trời & tôi dè chừng nó
17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 19438)
Gã dắt con bé chạy ngược dốc cồn cát. Gió hâm ngợp đỉnh trời. Gió hấp tràn mặt đất.
13 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 22598)
nơi ấy/ trên triền dốc cao/ nhìn xuống hố, đồi và thung lũng
10 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 22843)
Này em yêu/ Anh muốn kể em nghe/ Điều anh vừa khám phá ra chiều nay
05 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 28088)
Muốn nói một câu: I Miss You/ mà sao ngôn ngữ cứ... ậm ừ
02 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 22225)
Không phải thơ của tôi đâu! Nhại thơ Tế Hanh đó. Từ những năm 40 của thế kỷ trước, Tế Hanh viết:
01 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 18731)
Cho đến ngày hôm nay, trên khắp nước Mỹ này, chỉ mình tôi biết hắn là ai. Dĩ nhiên là không kể các thành viên trong cái gia đình đầy nghi vấn của hắn.
29 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 20656)
Vào lúc mà những trận mưa mùa xuân đổ xuống/ Gió như đang thổi tới những bất thường
26 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 22281)
Và tôi nghĩ về tình yêu/ như tình yêu mình chưa bao giờ tốt nghiệp
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17036)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12255)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8331)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21730)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,