NGUYỄN NGỌC BẢO - Bóng Tròn, World Cup, Và Tôi

17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 21680)
NGUYỄN NGỌC BẢO - Bóng Tròn, World Cup, Và Tôi

blank














(tặng những ai yêu thích bộ môn túc cầu)

Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ rõ bài thơ bà Đô Cán gửi cho người con trai để trần tình về một quyết định quan trọng trong đời bà. Cũng xin nói rõ, bà không phải là một người bằng xương bằng thịt như chúng ta mà là một nhân vật trong bộ trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, tác phẩm tôi đã đọc và rất yêu thích từ năm 18 tuổi.
Bài thơ có nguyên văn như sau:

Cán mai gốc mít cho cam
Ở đời luống những miên man nợ nần
Có người nợ cả bản thân
Nợ xa vũ trụ, nợ gần thê noa
Có người nợ cả hàng hoa
Miếng trầu, chén nước, đường xa chơi bời.

Hình như cuộc đời là như thế thật, mỗi người sinh ra đời đã mang sẵn một hay vài ba cái nợ, có thể xem như cái nghiệp của nhà Phật. Ở ông Tú Xương thì cái nghiệp ấy là “một trà, một rượu, một đàn bà; ba cái lăng nhăng nó quấy ta.” Ở các thi sĩ Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng thì đó là ả phù dung, tức nàng tiên nâu, người tình mà các ông suốt một đời chung thủy, “em tuyệt trần đã mở lối thiên cung; tôi sửng sốt hái nụ tình phong nhụy.” (1)

Còn ở tôi, chẳng cần phải quán sát tự thân như nhà Phật khuyến cáo, tôi biết rõ rằng (và vợ con tôi cũng biết rõ như thế) tôi đã có cái nợ với bóng tròn, môn thể thao mà người trong nước kể từ năm 1975 đến nay vẫn gọi là bóng đá.

Tôi đam mê bóng tròn từ tấm bé. Mùa hè năm 1957, gia đình tôi dọn vào cư xá Sĩ Quan Chí Hòa (sau đổi tên là cư xá Bắc Hải) ở Sài Gòn. Dạo ấy cư xá chỉ gồm 16 dẫy, mỗi dẫy có 8 nhà, được bao quanh bởi những hàng cây trứng cá chạy dọc theo hai bên con đường trải đá răm phân cách các dẫy. Thú vui lớn lao nhất của tôi, một cậu bé vừa lên năm lúc bấy giờ, là cùng lũ bạn lối xóm rủ nhau quần thảo với quả bóng trên sân cỏ trước nhà. Hai năm sau, tức năm 1959, vào một ngày cuối tuần, ông chú út của tôi, hơn tôi đúng 7 tuổi, đèo tôi trên chiếc xe đạp đến sân Quân Đội để xem các trận đấu giải Tứ Hùng giữa các đội bóng mạnh nhất năm ấy là Quan Thuế, Tổng Tham Mưu, Ngôi Sao Gia Định và Thương Khẩu. Khi viết những dòng chữ này, bao hình ảnh của cuộc tranh tài 51 năm về trước lại hiện rõ trong trí tôi. Đội Quan Thuế mặc áo vàng, Tổng Tham Mưu áo đỏ, Ngôi Sao Gia Đình áo đen, còn Thương Khẩu thì áo trắng sọc đỏ với cổ và tay áo mầu đỏ. Kết cục đội Quan Thuế đoạt cúp và tôi đã “phải lòng” với họ ngay từ cái thuở ban đầu ấy. Sau đó, Quan Thuế trở thành đội bóng lừng lẫy, năm năm liên tiếp chiếm ngôi vô địch giải túc cầu Việt Nam với thành phần nói theo kiểu tường thuật của ký giả Huyền Vũ trong những buổi trực tiep truyền thanh thì như sau: Rạng trong khung gỗ; Vàng, Lắm hậu vệ; Tý, Có, Chính tiếp ứng; Dậu, Vinh, Quang, Thuận, Ngôn trên đạo can thành. Đây là thành phần với đội hình sắp xếp theo chiến thuật thông dụng WM lúc bấy giờ.

Mà phàm đã có nợ, đã mê đắm môn túc cầu thì làm sao mà chẳng mất ăn mất ngủ với những trận thư hùng quốc tế như 64 trận trong khuôn khổ vòng chung kết World Cup vừa qua. Biết làm thế nào cho khác bây giờ? Cụ Nguyễn Du từng dậy “đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” mà. Mỗi sáng, trước khi rời nhà đến sở, tôi cẩn thận bấm máy DVR thu đủ các trận trong ngày để lúc trở về, nằm khểnh trên sofa mà xem; có khi vừa xem vừa ăn, mà cũng có khi vừa xem vừa ngủ gà ngủ gật. Thứ bẩy, chủ nhật thì được hưởng thú xa xỉ theo dõi trực tiếp các trận. Trong suốt 4 tuần lễ thiếu ăn thiếu ngủ vì World Cup, người ngợm phờ phạc, mặt mày hốc hác, nhưng lòng tôi thì sảng khoái cùng cực. Thản hoặc, nhà tôi cảm thấy ngứa mắt vì ông chồng chỉ dán mắt vào màn ảnh truyền hình, chẳng lý gì đến việc nhà, nên lên tiếng cằn nhằn. Mỗi lúc như thế, tôi lại dang hai tay ra như một kẻ chịu oan ức nhất trần đời mà phân bua rằng “Coi, anh đâu có cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách gì cho cam. Bốn năm mới có một lần World Cup mà em.” Nghe tôi nói, nhà tôi đành tặc lưỡi, để yên cho ông chồng thả hồn lượn lờ theo những đường banh hoa mỹ.

Tôi biết đến World Cup từ năm 1962. Ngày ấy, bố tôi dúi cho tôi và ông chú út ít tiền để mua vé xem cuốn phim về World Cup vừa diễn ra tại Chí Lợi và đang được trình chiếu tại Sài Gòn. Đó là một phim trắng đen, dài khoảng 2 giờ đồng hồ, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của giải mà hầu hết là những pha bóng đẹp mắt. Trong trận chung kết, Ba Tây đã đăng quang với chiến thắng ròn rã 3-1 trước Tiệp Khắc. Đến ngày hôm nay, tôi còn nhớ khá nhiều chi tiết trong phim, mà đậm nét nhất là hình ảnh danh thủ trẻ tuổi Pele nằm trên giường bệnh với một chân băng kín sau khi bị chấn thương trong một trận ở vòng bảng, tức vòng đầu của giải. Người thay thế anh là Amarildo đã thi đấu thật xuất sắc và góp công lớn nhất để Ba Tây bảo vệ ngôi vô địch. Bốn năm trước, đội bóng nổi tiếng này đã đoạt giải lần đầu tại World Cup 1958 sau khi đá bại đội chủ nhà Thụy Điển.

Đến năm 1966, hai chú cháu tôi cũng đi xem cuốn phim tóm tắt các trận tranh tài của giải vừa được tổ chức tại Anh. Phim lần này được thực hiện bằng mầu technicolor chứ không phải đen trắng như lần World Cup trước. Giải năm ấy có hai sự kiện làm kinh ngạc khách mộ điệu. Thứ nhất là đương kim vô địch Ba Tây bị loại ở vòng thi đấu bảng. Thứ hai là Bắc Hàn, đại diện duy nhất của Á châu, đã gửi đội Ý về nước sớm khi đá bại đội bóng danh tiếng này với tỷ số 1-0. Vào tứ kết gặp Bồ Đào Nha, chỉ sau 24 phút, với lối đá thật nhanh, Bắc Hàn dẫn trước 3-0. Tuy nhiên, phần vì kém thể lực, phần vì thiếu kinh nghiệm, họ đã để đối phương lội ngược dòng nước, và cuối cùng đội bóng châu Á đã phải ngậm ngùi cam chịu thất bại 3-5 với ba bàn thắng của Bồ Đào Nha được khởi đi từ chấm phạt đền. Trận chung kết của giải đã diễn ra thật hào hứng giữa Anh và Tây Đức với kết quả chiến thắng 4-2 nghiêng về đội chủ nhà.

World Cup 1970 được tổ chức tại Mễ Tây Cơ và Ba Tây, với một giàn hảo thủ trong đó có Pelé cùng vua phá lưới của giải là Jairzinho, đã đoạt cúp sau khi thắng Ý 4-1 ở chung kết. Khoảng vài tuần trước ngày khai mạc giải, một người anh họ của tôi đang du học ở Tây Đức gửi tặng tôi một quyển sách khá dầy với rất nhiều hình ảnh giới thiệu 16 đội góp mặt trong vòng chung kết. Lúc bấy giờ, ngày nào tôi cũng mở sách ra để xem ảnh các đội, đọc lại thời biểu các trận đấu, và ngồi thừ người ra tiên đoán đội thắng, đội thua. Tuy nhiên, những bài phân tích về thực lực các đội thì tôi có đọc cũng chẳng khác gì vịt nghe sấm vì được viết bằng tiếng Đức. Trong suốt thời gian giải tiếp diễn, ngày nào tôi cũng mua dăm ba tờ nhật báo để đọc tin tức các trận vừa diễn ra. Cuối tuần thì mua thêm tuần báo thể thao Đuốc Thiêng của ký giả Huyền Vũ và Thao Trường của ký giả Thiệu Võ để đọc phần bình luận về giải. Dường như cuốn phim World Cup năm đó không được mang sang chiếu ở Việt Nam.

Sang đến World Cup 1974 tại Tây Đức thì tôi đã trở thành một sĩ quan trẻ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Lúc bấy giờ tôi là chuẩn úy thuộc tiểu đoàn 253 Pháo Binh, sư đoàn 25, và được giao trách nhiệm chỉ huy một yếu điểm phòng thủ ở vòng đai hậu cứ sư đoàn tại Củ Chi đối diện mật khu Hố Bò, kiêm sĩ quan quan sát, giữ nhiệm vụ phản pháo mỗi khi Cộng quân pháo kích vào hậu cứ. Trong thời gian World Cup tiếp diễn, vào mỗi buổi tối, đài truyền hình Sài Gòn, băng tần số 9, có chọn một trận trong ngày để chiếu lại. Những lần như thế, tôi lại lóc cóc cuốc bộ trên con đường mòn phủ đầy bóng tối dài khoảng hai cây số để đến khu gia binh, ghé vào quán cóc của một ông hạ sĩ trong tiểu đoàn, gọi một chai bia và ngồi theo dõi trận bóng từ chiếc TV đen trắng 19 inches đặt trêm mặt quầy. Năm ấy, được thi đấu trên sân nhà, Tây Đức đã chiến thắng đội Hòa Lan một cách xứng đáng với tỉ số 2-1 để chiếm ngôi vô địch.

Khi World Cup 1974 kết thúc, tôi thi đậu vào khóa 22 ban Đốc Sự trường Quốc Gia Hành Chánh và giã từ quân ngũ để trở về đời sống sinh viên. Tại trường, tôi có dịp xem cuốn phim về World Cup này do ban giám đốc trường mượn để chiếu trong đại giảng đường cho sinh viên thưởng lãm.

Biến cố tháng tư năm 1975 đã đẩy gia đình chúng tôi ra khỏi Việt Nam. Đến năm 1978, đang định cư tại Houston, tiểu bang Texas, tuy bận rộn với việc mưu sinh, vừa đi làm vừa đi học tại xứ người, nhưng tôi vẫn cố gắng theo dõi các tin tức về World Cup đang tổ chức tại Á Căn Đình. Ngày ấy, người Mỹ còn rất thờ ơ với môn bóng tròn nên tôi chỉ đọc được những chi tiết thật vắn tắt về các trận đấu trong trang thể thao của hai tờ Houston Chronicle và Houston Post. Tuy nhiên, đến trận chung kết giữa Hòa Lan và Á Căn Đình, ban giám đốc vận động trường Summit của bộ môn bóng rổ cho chiếu trực tiếp trận thư hùng này trên màn ảnh to với giá vào của 10 mỹ kim. Tôi đã dẫn cậu em 13 tuổi vào Summit xem trận đấu này. Cuộc tranh tài diễn ra thật sôi nổi trong tiếng hò reo của dăm bẩy ngàn cổ động viên hai đội. Cuối cùng, một lần nữa Hòa Lan đã để tuột chiếc cúp khỏi tầm tay với thất bại 1-3 sau 30 phút đá thêm giờ.

Đến World Cup 1982 ở Tây Ban Nha thì con số các đội góp mặt trong vòng chung kết được gia tăng từ 16 đến 24, và giới mộ điệu ở Houston có thể theo dõi đủ các trận đấu trên đài truyền hình Univison của người Mễ Tây Cơ. Năm ấy, công nghệ VHS vừa ra đời nên vài tuần trước ngày khai mạc giải, tôi ghé tiệm Target, mua một máy thu hiệu Panasonic của thế hệ VHS đầu tiên để thu tất cả các trận trong ngày, chiều đi làm về mở ra xem. Kể từ ngày ấy cho đến hôm nay, rất hiếm khi tôi bỏ sót trận cầu nào trong các World Cup kế tiếp.

Năm 1986, một lần nữa, World Cup được tổ chức tại Mễ; và cũng một lần nữa, Á Căn Đình được đăng quang với chiến thắng 3-2 trước Tây Đức trong trận chung kết. Có lẽ điều đáng nhớ nhất trong giải này là hình ảnh Maradona dùng tay đưa bóng vào lưới để giúp đội Á Căn Đình loại Anh với tỷ số 2-1 trong trận tứ kết. Sau trận đấu, người danh thủ nhiều tật xấu này đã trâng tráo tuyên bố rằng đó là bàn thắng ghi được từ “bàn tay của Chúa” (hand of God).

Bốn năm sau, tai World Cup 1990 ở Ý, Tây Đức đã trả được mối thù khi đá bại Á Căn Đình với tỉ số 1-0. Có thể nói đây là trận đấu kém hào hứng nhất trong các trận chung kết của lịch sử World Cup vì Á Căn Đình chủ trương phòng thủ tối đa, thường xuyên kéo tất cả các cầu thủ về bịt kín vòng cấm địa để mong thủ hòa 0-0 và sau đó, giải quyết ngôi vô địch bằng loạt phạt đền. Đây chính là cách thức họ đã áp dụng để loại Nam Tư ở tứ kết và Ý ở bán kết.

Mùa hè 1994, may mắn thay, World Cup được tổ chức tại Hoa Kỳ và tôi có cơ hội thực hiện điều tất cả những người mê say bộ môn bóng tròn hằng mơ ước là dự khán một cuộc thư hùng của giải. Khoảng 6 tháng trước khi giải khai mạc, tôi đặt mua vé cho cá nhân tôi, hai đứa con sinh đôi của tôi mới 11 tuổi, và ba người bạn để xem trận đấu giữa Nam Hàn và Tây Ban Nha tại vận động trường Cotton Bowl ở Dallas. Thật là một kỷ niệm khó quên khi được ngồi trên khán đài trong tiếng reo hò tở mở của 60.000 cổ động viên hai đội với tiếng chiêng trống phụ họa, và dưới một rừng cờ trắng xanh đỏ của Nam Hàn, vàng đỏ của Tây Ban Nha phất qua phất lại suốt 90 phút thi đấu. Hết hiệp đầu, hai đội bất phân thắng bại không một bàn thắng. Vừa bước sang hiệp hai, chỉ trong vòng 5 phút, Tây Ban Nha ghi hai bàn liên tiếp. Trong lúc các cổ động viên Tây Ban Nha phấn khởi nhẩy múa thì các cổ động viên Nam Hàn, trong đó có chúng tôi, ngồi buồn so, mặt cứ thừ ra như người mất của. Ngờ đâu, trong 5 phút cuối của trận, Nam Hàn đã xuất sắc gỡ đủ hai bàn. Lúc Nam Hàn ghi bàn gỡ hòa ở giây phút cuối cùng bằng quả đá phạt trực tiếp bên ngoài vòng cấm địa thì các cổ động viên Nam Hàn vỡ òa niềm vui, nhẩy cỡn lên như chết đi sống lại và hét hò đến khan cả cổ. Sau khi trận đấu kết thúc, những người dân Nam Hàn ngồi gần đến bắt tay chúng tôi, cảm ơn chúng tôi đã cổ võ đội bóng của họ, và tặng chúng tôi một lá cờ Nam Hàn thật to.

Năm đó, trong trận chung kết, Ba Tây đoạt chức vô địch lần thứ tư bằng cách thắng Ý qua loạt đá phạt đền đầy may rủi sau khi hai đội thủ thủ hòa 0-0 sau 120 phút thi đấu, kể cả hai hiệp phụ trội.

World Cup 1998 tại Pháp đã gây thêm niềm hào hứng cho giới mộ điệu khắp năm châu vì Tổng Cục Túc Cầu Thế Giới (FIFA) quyết định tăng thêm 8 đội cho vòng chung kết, nâng tổng số quốc gia góp mặt tại giải là 32. Trong số này, có 4 đội đại diện cho khu vực Á châu là Nam Hàn, Nhật Bản, Iran, và Ả Rập Saudi. Khi các đội bước vào vòng tứ kết, vợ chồng tôi đưa các cháu sang nghỉ hè khoảng 10 ngày ở California. Lúc mua vé máy bay, tôi quên không tham khảo lịch thi đấu nên chuyến bay trở về Houston cất cánh đúng vào giờ khai mạc trận chung kết. Vì vậy, trước khi sang California, tôi cẩn thận bấm nút máy VHS để thu tự động trận đấu không thể bõ lỡ này. Ngày trở về Houston, khi gặp người bạn ra phi trường đón chúng tôi, trước khi anh mở lời chào hỏi, tôi đã phải nói thật nhanh với anh rằng đừng nhắc đến kết quả trận đấu. Về đến nhà, tôi bỏ mặc đống hành lý ngổn ngang trong phòng khách để mở máy ra xem trận chung kết giữa Pháp và Ba Tây. Năm ấy, với sự tỏa sáng của danh thủ Zidane, Pháp đã thắng Ba Tây 3 bàn không gỡ để lần đầu tiên chiếm ngôi vô địch.

World Cup 2002 ở bốn năm sau đã dánh dấu một sự kiện quan trọng. Đó là lần đầu tiên giải được tổ chức tại Á châu, do hai nước Nam Hàn và Nhật Bản đồng tổ chức. Cả hai đội chủ nhà đã làm nức lòng giới mộ điệu châu lục này bằng cách vuợt qua được vòng bảng. Hơn thế nữa, đội Nam Hàn đã vào đến bán kết sau khi khuất phục các đội bóng lừng danh châu Âu là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Ý. Năm ấy, đội Hoa Kỳ cũng khiến thế giới vị nể sau khi loại Bồ Đào Nha ở vòng bảng và Mễ Tây Cơ ở vòng nhì. Trong trận chung kết, một lần nữa, Ba Tây lại chứng tỏ bản lãnh của đội bóng giầu thành tích nhất năm châu khi thắng Đức 2-0 để lên ngôi vô địch lần thứ năm trong lịch sử World Cup.

Giải kế tiếp, tức World Cup 2006 được tổ chức tại Đức. Hình ảnh nổi bật nhất trong giải này không phải là những đường bóng hoa mỹ, những cú tung lưới thần sầu, mà là cảnh danh thủ Zidane của Pháp, trong giờ đấu thêm của trận chung kết, lừng lững tiến đến húc đầu vào ngực hậu vệ Materazzi của Ý, khi bị anh này khiêu khích bằng cách mạ lỵ người chị gái của mình. Hành động nông nỗi và phản thể thao này đã khiến Zidane bị truất quyền thi đấu và sau đó, Pháp thua Ý trong loạt đá phạt đền luân lưu khi hai đội hòa nhau 1-1.

Kể từ World Cup 2002 đến nay, tôi có thói quen mời các bạn thân đến nhà cùng xem trận chung kết. Ai yêu thích bộ môn thể thao này có lẽ cũng đồng ý rằng đối với những trận cầu gay cấn như vậy thì càng đông người xem chung càng thêm phần hào hứng. Chiều chủ nhật 11 tháng 7 vừa qua, tôi mời khoảng 20 người bạn đến nhà từ hai tiếng trước giờ khai mạc để ăn trưa với nhau, rôm rả luận bàn về trận đấu sắp đến, và chia ra hai phe, kẻ kết Hòa Lan, người chọn Tây Ban Nha mà đánh cuộc với nhau một chầu café. Cuối cùng, phe bắt Hòa Lan, trong đó có tôi, đã phải rầu rĩ chứng kiến cảnh đội bóng mình yêu quý một lần nữa ứa nước mắt nhìn đối phương chuyền tay cho nhau chiếc cúp vô địch với những nụ cười rạng rỡ. Quả là cay đắng cho cơn lốc mầu da cam (danh hiệu của đội Hòa Lan), sau hai lần làm phù dâu vào năm 1974 và 1978, tưởng đã đến lúc được trở thành cô dâu để hưởng thú vui... động phòng hoa chúc. Ngờ đâu đến lần thứ ba, họ vẫn bị định mệnh bắt làm phù dâu cho thấm thía thêm cảnh “người vào chung gối loan phòng, kẻ ra tựa bóng đèn chong canh dài.” (2)

Theo dõi các trận trong giải năm nay, khi chứng kiến hai đội Nam Hàn và Nhật Bản dắt tay nhau vào vòng hai một cách đầy khí phách, tôi không khỏi có tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì hai đội bóng Á châu này đã tiến bộ nhiều so với bốn năm về trước khi họ bị thất bại trong vòng đấu bảng, và buồn vì nghĩ đến tình trạng xuống dốc thê thảm của làng bóng Việt Nam kể từ ngày các bậc “đỉnh cao trí tuệ” nắm quyền sinh sát vận mệnh đất nước từ Bắc chí Nam. Ở những năm từ nửa thế kỷ trước, đội tuyển miền Nam Việt Nam là một trong những đội lừng lẫy ở châu Á, đá ngang ngửa với Nam Hàn và trên chân hẳn đội Nhật. Khoảng giữa thập niên 60, Tổng Cục Túc Cầu Á Châu chọn các cầu thủ xuất sắc nhất của các quốc gia trong châu lục để lập Đội Tuyển Á Châu. Dưới sự hướng dẫn của cầu vương Lý Huệ Đường, cựu danh thủ Hồng Kông, đội tuyển đã đi một vòng du đấu tại Âu châu. Điều khiến giới mộ điệu Á châu thán phục đất nước chúng ta là trong thành phần chính thức của đội tuyển có đến 4 danh thủ Việt Nam. Đó là thủ môn Phạm Văn Rạng, hữu nội Đỗ Thới Vinh, tả biên Nguyễn Văn Ngôn, và hữu ứng Nguyễn Ngọc Thanh. Ba người trước là cầu thủ của đội Quan Thuế và người sau của Tổng Tham Mưu.

Tôi được nghe ông chú út kể, vào đầu thập niên 60, có lần Nhật Bản sang Việt Nam thi đấu, ông trưởng phái đoàn Nhật đã tặng Tổng Cục Túc Cầu Việt Nam một đôi giầy bằng vàng nhỏ bằng kích thuớc giầy của một em bé đang độ tuổi tập đi. Khi trao tặng, ông khiêm tốn tuyên bố đôi giầy nhỏ bé này tượng trưng cho những bước chập chững của làng bóng Nhật và hy vọng rằng một ngày nào đó, đội bóng của họ sẽ có thể sánh bước với Việt Nam trên các thao trường quốc tế. Nhớ đến câu chuyện này mà thấy ngậm ngùi. Ở World Cup năm nay, Nhật chỉ thua có một trận với tỷ số khít khao 0-1 trước á quân Hòa Lan. Trong những trận còn lại, Nhật thắng đội Phi Châu Cameroon 1-0, thắng đội Âu châu Đan Mạch 2-0, và hòa 1-1 với đội Nam Mỹ Paraguay ở vòng hai trước khi thua ở loạt đá phạt đền phân thắng bại. Trong lúc đó, Việt Nam đã bị loại ngay từ hai trận đầu tiên ở vòng loại khu vực vào tháng 10 năm 2007 sau khi thua đội bóng trung bình của Trung Đông là United Arab Emirates với tỉ số 0-1 tại Hà Nội và 0-5 tại Abu Dhabi. Thật là một điều nhục nhã cho làng bóng Việt Nam hiện nay.

World Cup năm nay bao gồm hai đội khác không xa lạ gì đối với người Sài Gòn trước 75 là Úc Đại Lợi và Tây Tây Lan. Dù không vượt qua được vòng bảng nhưng cả hai đã chứng tỏ được bản lãnh. Sau khi thua Đức ở trận đầu tiên, Úc đã quật khởi để thủ hòa Ghana và thắng Serbia (đội đã thắng Đức trong trận trước đó). Ở bảng khác, Tân Tây Lan đã cả ba trận cầm hòa với Slovaskia, Ý, và Paraguay. Ngày trước, đội tuyển Nam Việt Nam đã có cơ hội thi đấu với cả hai đội tuyển Úc và Tây Tây Lan.

Tháng 9 năm 1967, có lẽ để đánh dấu Ngày Quân Lực, Tổng Cục Túc Cầu Việt Nam tổ chức một giải quốc tế khá hùng hậu trên sân Cộng Hòa với 8 đội tuyển các quốc gia. Bên cạnh các đội châu Á, còn có hai đội Úc và Tân Tân Lan thuộc châu Đại Dương. Theo thể lệ, các đội được chia thành hai bảng, mỗi bảng 4 đội. Các đội cùng bảng sẽ luân phiên đấu với nhau và hai đội đứng đầu hai bảng được vào chung kết. Cuộc rút thăm đã đưa Việt Nam vào cùng bảng với Úc và Tân Tây Lan. Ngày ấy, tôi đi xem một số trận, trong đó có các trận Việt Nam đấu với hai đội tuyển này. Trong trận đầu tiên ở ngày khai mạc giải, Việt Nam đã chiến thắng Tân Tây Lan với tỷ số 5-1 đầy thuyết phục. Tuy nhiên, trong trận cuối của vòng bảng, đội tuyển của chúng ta kém may mắn nên chịu thất bại trước Úc với một bàn trắng. Vài hôm sau, gặp Nam Hàn tại chung kết, Úc đã thắng với tỷ số 3-2 để đoạt giải.

Qua những câu chuyện nêu trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy bốn, năm thập niên về trước, Việt Nam được xem là một trong những đội bóng thuộc hạng sừng sỏ ở Á châu dù đất nước ta đang trong thời kỳ chiến tranh. Có lẽ quý độc giả lớn tuổi còn nhớ trận đấu giữa Việt Nam và Do Thái, đội bóng có thể đá ngang ngửa với những đội mạnh ở Âu châu, trong khuôn khổ vòng loại Thế Vận Hội 1964. Lượt đi, Do Thái thắng Việt Nam 1-0 tại sân Cộng Hòa nên mọi người đều nghĩ trong trận lượt về, được thi đấu trên sân nhà, Do Thái sẽ dễ dàng làm tình làm tội đội tuyển ta. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xẩy đến, Việt Nam oanh liệt thắng Do Thái 2-0 ngay tại Tel Avis, thủ đô của nước này. Hai năm sau, đội Việt Nam lại lập thêm thành tích khi chiếm vô địch giải Merdeka 1966 với trận thắng 1-0 trước Miến Điện ở chung kết. Tôi còn nhớ năm đó đang học lớp đệ tứ. Buổi sáng trước khi đi học, nghe cô xướng ngôn viên đài Sài Gòn đọc bản tin Việt Nam đoạt giải, tôi hứng chí quá, mở tủ rượu của ông cụ, lấy chai Johnny Walker ra rót một ly, ngửa cổ nốc đánh ực rồi leo lên xe đạp đến trường; vừa đạp xe vừa thấy lòng mình lâng lâng, phần vì men rượu, phần vì men chiến thắng. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến hương vị của rượu mạnh.

Thực tế cho thấy, dù người dân Việt Nam rất say mê môn bóng tròn nhưng nhà nước cộng sản không hề có một chế độ đào tạo nhân tài hợp lý. Các quan chức ngành thể thao thì chỉ nghĩ đến chuyện tham nhũng, hối lộ. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn, nhiều cầu thủ bán độ và trọng tài bán trận đấu cho giới cá cược ma quỷ đang đầy rẫy ở Việt Nam. Thuở sinh tiền, nhà thơ Hữu Loan, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của đài BBC vào tháng 12 năm 2002, đã nói nguyên văn rằng “... Tình hình chung của đất nước bây giờ là lừa đảo rối bét, ăn tham ăn bẩn. Thằng nào cũng lợi dụng trèo đầu cỡi cổ người dân chứ có cái gì đâu. Tức là cái đảng cộng sản đấy. Cái đảng cộng sản mà còn lãnh đạo thì còn rối bét!" Đúng thế, như ông Hữu Loan đã khẳng định, đảng cộng sản còn tồn tại ở Việt Nam thì mọi thứ đều rối bét, há chỉ có chuyện đá bóng mà thôi.

Nhưng thôi, xin gạt chuyện chính trị sang một bên, chúng ta đang nói chuyện đá bóng cơ mà. Nhắc đến trận cầu giữa Việt Nam và Úc trong giải quốc tế tại Sài Gòn vào tháng 9 năm 1967, tôi xin kể một câu chuyện đã trở thành kỷ niệm đậm nét trong ký ức tôi.

Giải lúc bấy giờ đã hấp dẫn được giới đam mê bóng tròn vì hai lẽ. Thứ nhất, có sự tham dự của Úc và Tân Tây Lan, hai đội lần đầu tiên sang thi đấu ở Việt Nam. Thứ hai, các cầu thủ hai đội này, cũng như người dân nước họ, là người da trắng như những đội bóng châu Âu mà trình độ hơn hẳn làng cầu châu Á lúc bấy giờ. Tuy nhiên, như đã kể, ngay trong ngày ra quân, Việt Nam đã đè bẹp Tân Tân Lan với tỷ số 5-1. Vài ngày sau, Úc cũng thắng dễ dàng đội bóng anh em cùng châu Đại Dương này. Vì vậy, trận cuối trong bảng giữa Việt Nam và Úc là trận mà bất cứ ai yêu thích môn bóng tròn tại Sài Gòn cũng háo hức muốn được xem tận mắt. Đội nào chiến thắng sẽ vào chung kết với đội đứng đầu bảng kia.

Khoảng đôi ba ngày trước trận đấu, vé đã được bán sạch cho cả ba khán đài của sân Cộng Hòa là các khán đài trung ương, cánh, và bình dân. Tôi nhanh chân nên đã xin tiền bố mẹ mua được một vé khán đài bình dân, nói theo ngôn ngữ dân ghiền quả banh da là vé hạng cá kèo, tức vé rẻ nhất, vì khán đài này không có mái che mưa nắng và chỉ có bục xi măng để khán giả ngồi chứ không có ghế. Tôi còn nhớ giá vé là 300 đồng, dĩ nhiên là tiền Việt Nam. Lúc ấy, tôi vừa lên lớp đệ tam, tức lớp 10 bây giờ.

Trận đấu giữa Việt Nam và Úc diễn ra vào buổi tối, tức đá đèn. Gần hai tiếng đồng hồ trước giờ khai mạc, tôi thơ thới hân hoan đạp xe đến vận động trường. Có lẽ quý độc giả cũng đồng ý là đi xem đá bóng mà đi một mình là máu đam mê đã thấm tận vào xương tủy, hết thuốc chữa rồi. Gửi xe xong xuôi, tôi đi bộ trên con đường bao quanh vận động trường để đến cổng vào. Dọc hai bên đường, tôi trông thấy rất nhiều người đứng hỏi xem ai có vé để mua lại. Một vé cá kèo lúc bấy giờ có thể bán giá chợ đen ít ra là 1.000 đồng. Trên đường đi, tôi cũng trông thấy có người đứng ở phòng vé đặt bên trong vận động trường, đưa vé qua khung cửa sổ nhỏ để bán cho người bên ngoài. Đó là những người, bằng cách riêng của họ, đã vào được bên trong mà không phải xuất trình vé. Nay họ vào phòng bán vé bỏ trống (vì ban tổ chức đã hết vé từ lâu) để bán lại cho người bên ngoài.

Đi thêm ít bước nữa, tôi trông thấy một nhóm người đang loay hoay trèo tường để vào bên trong. Họ đã đạp bẹp được những vòng kẽm gai đặt sát bức tường xi măng bao quanh sân vận động để lấy chỗ trèo lên, và bạt được một khoảng mảnh chai gắn trên đầu tường. Bức tường khá cao, có lẽ cũng phải từ ba thước rưỡi đến bốn thước. Ngày hôm đó, những tay “hảo hán” này đã vượt tường theo cách thức khá đơn giản sau đây:

Anh chàng đến phiên trèo tường vịn tay vào thành tường rồi đặt hai chân lên hai vai của một người đang ngồi xổm dưới đất. Sau đó người này vận sức đứng dậy, nâng người kia lên cao. Trong lúc ấy, một người khác đang ngồi sẵn trên đầu tường, hai chân quặp hai bên thành tường, một tay vịn đầu tường, cúi người vói tay còn lại xuống chụp lấy bàn tay của người đang trèo để kéo lên; đồng thời kẻ đang được kéo phải đạp mạnh hai chân vào thành tường để rướn mình lên cao. Khi anh ta lên được đầu tường thì người vừa kéo anh sẽ bám hai tay vào đầu tường, buông thõng người nhẩy xuống đất. Lúc này, đến phiên anh có bổn phận kéo người kế tiếp, tức người vừa kê vai cho anh đứng lên. Cứ như thế, họ lần lượt vượt bức tường cho đến khi trông thấy bóng dáng thày chú (tức cảnh sát) xuất hiện từ xa. Đến hôm nay, tôi vẫn không hiểu người đầu tiên leo lên được đầu tường bằng cách nào, khi không có người ngồi sẵn bên trên để vói tay xuống kéo.

Trông thấy cảnh thiên hạ trèo tường, cậu bé 15 tuổi khoái chuyện phiêu lưu, mạo hiểm là tôi bèn lấy làm một sự khoái chí. Tôi nghĩ nhanh trong đầu rằng nếu cũng làm như họ, sau đó, khi lọt vào bên trong, chạy đến phòng vé để bán lại tấm vé trong túi là kiếm ngàn đồng ngon ơ. Thế là tôi rảo bước đến để nhập bọn.

Khi tôi đã vắt vẻo ngồi trên đầu tường, kéo được người kế tiếp lên và chuẩn bị nhẩy xuống bên trong thì bỗng nghe tiếng kêu ơi ới:

- Bảo, Bảo, giúp thày lên với !

Nhìn xuống, tôi trông thấy vị thày dậy Anh văn trong niên khóa trước của tôi, tức khi tôi còn học đệ tứ. Thày tôi mỗi khi đến trường, ăn mặc rất tề chỉnh, quần bao giờ cũng sậm mầu, áo sơ mi lúc nào cũng mầu trắng, và cà vạt thay đổi mỗi ngày. Tuy nhiên hôm ấy, với chiếc áo cộc tay mầu cháo lòng bỏ ngoài quần, chiếc áo mưa ni lông gấp vuông cắp nách, và đôi dép cao su dưới chân, trông thày giống y hệt một chú ba tầu bụng bự, chủ một tiệm chạp phô điển hình ở các ngõ ngách trên quê hương ta. Có lẽ thày nhớ mặt nhớ tên tôi vì tôi là một trong những học sinh nghịch ngợm nhất lớp, đã từng bị thày phạt khá nhiều lần.

Nghe tiếng thày gọi, tôi liền bảo người vừa được mình kéo lên cứ việc nhẩy xuống trước, để tôi ở lại giúp thày. Tuy nhiên, dù tôi ra sức kéo nhưng với thân hình hơi quá khổ, thày không thể nào lên được. Loay hoay mãi không xong, bên dưới bỗng có tiếng quát to:

- Đ.M., lên không được thì tránh ra cho người khác lên. Cảnh sát sắp đến rồi!

Những người người khác đang chờ đến phiên mình nhao nhao lên phụ họa. Sau khi được thiên hạ tặng cho những lời không có trong tự điển, thày đành thở dài tuột xuống đất và nói với tôi bằng một giọng đầy âm hưởng não nề:

- Hổng được em ơi. Thôi, thày đi dzìa!

Trông nét mặt thê thảm của thày, một niềm thuơng cảm dâng cao trong tôi. Tôi cho tay vào túi, lấy tấm vé ra gấp nhỏ lại rồi bảo thày:

- Em có tấm vé đây. Thày cầm lấy mà vào cửa nhé!

Dứt lời, tôi thả tấm vé xuống cho thày, kéo người kế tiếp lên, rồi đu tay vào đầu tường để nhẩy xuống bên trong.

Thật may mắn thay, cậu bé 15 tuổi lúc bấy giờ đã có một quyết định hợp tình, hợp lý, và hợp với... đạo thánh hiền. Kể từ ngày ấy, mỗi khi nhớ đến chuyện này, lòng tôi lại dậy lên một nỗi vui dịu nhẹ.

***

Đến hôm nay World Cup 2010 vừa kết thúc. Đã quen thuộc với những ngày miệt mài theo dõi các trận tranh tài trong suốt một tháng trời; thản hoặc, tôi lại cảm thấy lòng mình có chút gì trống vắng. Có khi trong giấc ngủ tôi lại nghe văng vẳng tiếng kèn vuvuzela kêu o o như một đàn ong vỡ tổ. Đành tự an ủi rằng thôi, cứ coi như mình đang nghỉ dưỡng sức cùng các cầu thủ. Chỉ vài tuần nữa là lại được chứng kiến trên màn ảnh truyền hình những trận long tranh hổ đấu ở giải Premier League bên Anh, Serie A bên Ý, La Liga bên Tây Ban Nha, giải Champion League dành cho các câu lạc bộ xuất sắc ở Âu châu, và các trận trong khuôn khổ vòng loại Euro 2012 mà vòng chung kết sẽ được tổ chức tại Ba Lan và Ukraine trong hai năm nữa. Tha hồ mãn nhãn.

Tối hôm qua, trong câu chuyện nhắc đến một người bạn tuy quen lâu năm nhưng không gọi là thân tình, nhà tôi nói với tôi rằng:

- Ông ấy thật là tệ. Về Việt Nam chơi rồi mê một con bé đáng tuổi con. Bây giờ bỏ vợ để rước nó sang bên này. Già rồi mà chẳng nên nết.

Chụp ngay cơ hội, tôi bèn bảo nàng:

- Đấy, em thấy chưa, “World Cup dã ưng cam nhất tử; dâm cầu do thắng vị hoa mang” (3), “được xem World Cup rồi chết cũng cam; say đắm trái banh còn hơn đa mang vì hoa.” Hoa ở đây là mấy cô mặt hoa da phấn đó. Cứ như anh mà hóa hay em ạ.

Nhà tôi hứ một tiếng rồi im lặng. Thưa quý độc giả, mỗi khi tôi nêu lên một ý kiến mà nhà tôi lặng im không phản bác tức là nàng đã tâm phục lẫn khẩu phục rồi.

Và tôi tin chắc rằng quý độc giả cũng hoàn toàn đồng ý với lập luận vô cùng chính đáng này của tôi.

Nguyễn Ngọc Bảo

14/7/2010

Ghi chú:

(1) Hai câu trong bài Giáp Mặt Phù Dung, thơ Đinh Hùng
(2) Truyện Kiều
(3) Nhại hai câu thơ trong bài Điệp Tử Thư Trung (Bướm Chết Trong Sách) của cụ Nguyễn Du có nguyên văn “Văn đạo dã ưng cam nhất tử; dâm thư do thắng vị hoa mang, tức là “Được nghe đạo lý rồi chết cũng cam; say đắm vào sách còn hơn đa mang vì hoa.”

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Mười 20236:25 CH(Xem: 1380)
dutule.com giới thiệu thơ: Kiệm Hoàng, Đặng Xuân Xuyến, Chân Tính Hải, Thỵ Nguyễn, Lê Thanh Hùng
21 Tháng Mười 20231:00 CH(Xem: 2195)
Huntington Beach xin chào/ Có tôi từ ở nơi nao đến mừng
17 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 1640)
Tiếng chim gáy nhớ gì mà da diết thế/ Những cánh đồng vàng bất tận đã xa xôi
13 Tháng Mười 20239:50 SA(Xem: 1137)
đó là chiều muộn tháng giêng 1984/ bạn đạp xe chở tôi dọc Kim Long ngược lên Văn Thánh
11 Tháng Mười 20234:12 CH(Xem: 1511)
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm/ Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
09 Tháng Mười 20231:43 CH(Xem: 1408)
Mặt đường nhớ bước chân rơi.!. (*)/ Cũng như tôi nhớ…
05 Tháng Mười 20238:53 SA(Xem: 1532)
Đã rơi xuống vực thẳm/ Những tiếng kêu gào mỏi mòn trong câm lặng
02 Tháng Mười 20231:56 CH(Xem: 1684)
Mặc niệm cho bài thơ/ Cúi đầu nhìn thương thể
29 Tháng Chín 20235:04 CH(Xem: 1392)
Áo tím ai về bên thềm cũ/ Dễ nắng vàng phai cũng tương tư
27 Tháng Chín 20238:58 SA(Xem: 1093)
thi sĩ, kẻ mơ viết tác phẩm lớn/ những bài thơ bất tử/ nhưng đều là những đứa sanh thiếu tháng
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9178)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 984)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14006)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7901)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11068)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19258)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,